Chú Giải I Cô-rinh-tô 01:10-17 Thực Tế của Sự Phân Rẽ Trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô

4,173 views

Nguồn: https://youtu.be/u1NX0sM_Zy8

Chú Giải I Cô-rinh-tô 1:10-17
Thực Tế của Sự Phân Rẽ
Trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 1:10-17

10 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Bởi danh Jesus Christ của Chúa chúng ta, tôi khuyên các anh chị em rằng: Hết thảy hãy nói như nhau; không có những sự phân rẽ trong các anh chị em; nhưng hãy hiệp nhau trong cùng một tâm trí và trong cùng một sự phán đoán.

11 Vì, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bởi những người thuộc nhà Cơ-lô-ê, tôi được tin về các anh chị em rằng, có những sự tranh cãi trong các anh chị em.

12 Ấy là tôi nói rằng, mỗi người thuộc các anh chị em nói: Ta thật thuộc về Phao-lô! Ta thuộc về A-bô-lô! Ta thuộc về Sê-pha! Ta thuộc về Đấng Christ!

13 Đấng Christ bị phân rẽ sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh thay cho các anh chị em? Hay là các anh chị em đã chịu báp-tem vào trong danh của Phao-lô?

14 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời, vì tôi đã không báp-tem cho một ai thuộc về các anh chị em, ngoại trừ Cơ-rít-bu và Gai-út.

15 Kẻo ai đó nói rằng, tôi đã làm phép báp-tem vào trong danh của tôi.

16 Tôi cũng đã làm báp-tem cho người nhà Sê-pha-na; ngoài ra, tôi chẳng biết đã làm báp-tem cho ai nữa.

17 Vì Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm báp-tem nhưng để rao giảng Tin Lành; chẳng trong sự khôn khéo của lời nói, kẻo thập tự giá của Đấng Christ bị làm ra vô ích.

Sự phân rẽ trong Hội Thánh là một thực tế trong mọi thời đại, kể từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến ngày Hội Thánh được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian. Một trường hợp điển hình được ghi lại trong Thánh Kinh là sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã chỉ ra cho con dân Chúa bốn nguyên nhân chính của sự phân rẽ trong Hội Thánh. Đó là:

  • Khi con dân Chúa có khái niệm sai lầm về Tin Lành: Họ không nhận thức được rằng, sự cứu rỗi trong Tin Lành là sự ban cho của Đức Chúa Trời chứ không do sự khôn sáng hay năng lực của loài người.
  • Khi con dân Chúa có khái niệm sai lầm về sự giảng Tin Lành: Họ không nhận thức được rằng, sự rao giảng Tin Lành là bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh chứ không bởi sự khôn khéo hay tài diễn thuyết của loài người.
  • Khi con dân Chúa có khái niệm sai lầm về những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa: Họ không nhận thức được rằng, người giảng Tin Lành hay người dạy Lời Chúa đều là công cụ trong tay Chúa để xây dựng và gây dựng Nước Trời. Không người nào tài giỏi hơn người nào hay quan trọng hơn người nào. Vì tất cả đều là khí cụ trong bàn tay của Chúa, được Ngài tùy ý sử dụng.
  • Khi con dân Chúa có khái niệm sai lầm về môn đồ của Đấng Christ: Họ không nhận thức được rằng, môn đồ của Đấng Christ là người tin Đấng Christ, sống theo lời dạy của Đấng Christ, làm lành theo đức tin, chứ không còn sống theo ý riêng của mình; và mỗi một môn đồ của Đấng Christ là đền thờ sống của Thiên Chúa, dùng đời sống mình tôn vinh Thiên Chúa. Tất cả môn đồ của Đấng Christ hiệp làm một trong Hội Thánh của Ngài.

Khái niệm là sự hiểu biết tổng quát và căn bản về một điều gì. Tất cả các khái niệm sai lầm trên đây là do con dân Chúa không sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa, không quan tâm đến những sự giảng dạy của những người chăn và những người giảng dạy Lời Chúa. Một người có thể có nhận thức sự thực hữu của Thiên Chúa; nhận biết mình là một tội nhân vì đã sống không đúng với luật pháp của Thiên Chúa; ăn năn; và tin nhận Tin Lành về sự cứu rỗi của Thiên Chúa như đã được rao giảng. Người ấy trở thành một “tín đồ” tức là người tin Chúa và được cứu. Nhưng sau khi được cứu, người ấy cần sốt sắng học Lời Chúa qua sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa, qua sự nghe và đọc các bài giảng từ những người giảng dạy Lời Chúa cách chân thật, để hiểu biết về Chúa và ý muốn của Chúa càng hơn, để sống theo ý Chúa, để trở thành một “môn đồ” tức là người học theo Chúa và sống theo Chúa. Nếu không, người ấy sẽ không thể lớn mạnh trong đức tin, sẽ phạm nhiều sai lầm, và sẽ sa ngã vào trong những cạm bẫy của Sa-tan.

I Cô-rinh-tô 1:10-17 khẳng định về sự phân rẽ đã xảy ra trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Các câu còn lại của đoạn 1 cho đến hết đoạn 3 cho chúng ta thấy, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có đủ bốn nguyên nhân tạo ra sự phân rẽ trong Hội Thánh. Chỉ cần có một trong bốn nguyên nhân là đã có sự phân rẽ trong Hội Thánh, thế mà Hội Thánh tại Cô-rinh-tô lại có đủ bốn nguyên nhân. Điều đó cho thấy, sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô rất là nghiêm trọng.

Cảm tạ Đức Thánh Linh đã dùng sự kiện thực tế của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô để dạy con dân Chúa về sự phân rẽ trong Hội Thánh. Nguyện xin Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta nhìn ra sự phân rẽ trong Hội Thánh địa phương của chúng ta, nếu có, và xin Chúa giúp chúng ta kịp thời sửa chữa.

10 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Bởi danh Jesus Christ của Chúa chúng ta, tôi khuyên các anh chị em rằng: Hết thảy hãy nói như nhau; không có những sự phân rẽ trong các anh chị em; nhưng hãy hiệp nhau trong cùng một tâm trí và trong cùng một sự phán đoán.

Cách gọi “các anh chị em cùng Cha” nhắc cho người đọc thư I Cô-rinh-tô nhớ rằng, đây là những lời của một con dân Chúa viết cho những con dân Chúa khác. Những gì được nêu lên sau đó hoàn toàn dành riêng cho con dân Chúa, không áp dụng cho những người chưa được cứu.

Câu nói hay câu viết được nhân danh của Đức Chúa Jesus Christ hàm ý, người nói hay người viết tin chắc điều mình trình bày là đúng với sự dạy dỗ của Chúa; và người ấy nói hay viết trong thẩm quyền của Chúa ban cho mình để mình trình bày.

“Hãy nói như nhau” có nghĩa là đồng thuận với nhau trong mọi vấn đề, kể cả đồng thuận về những điểm không đồng thuận. Thí dụ:

Trong Hội Thánh có một số người muốn kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước hoặc muốn giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước. Số còn lại trong Hội Thánh thì không kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước hoặc không giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước. Như vậy, có sự không đồng thuận. Nhưng Hội Thánh phải đồng thuận rằng, ai muốn kiêng ăn thì kiêng ăn, ai muốn ăn thì ăn, ai muốn giữ các ngày lễ hội thì giữ, ai không muốn giữ các ngày lễ hội thì không giữ. Miễn là, người ăn không chỉ trích người không ăn; người giữ lễ không chỉ trích người không giữ lễ; và ngược lại. Vì việc ăn hay không ăn các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước hoặc việc giữ hay không giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước không khiến cho một người phạm tội. Lời Chúa dạy rõ:

Rô-ma 14:1-6

1 Các anh chị em hãy tiếp nhận người yếu đức tin, nhưng không phải để đánh giá những ý tưởng đắn đo.

2 Người thì thật sự tin mình có thể ăn được mọi thứ, nhưng người yếu đuối thì ăn rau.

3 Người ăn chớ khinh dể người không ăn và người không ăn chớ phán xét người ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp nhận người ấy. [Tiếp nhận người ăn lẫn người không ăn.]

4 Ngươi là ai mà phán xét tôi tớ của người khác? Người ấy đứng hay ngã là việc đối với chủ của người ấy. Nhưng người ấy sẽ được giữ cho đứng, vì Đức Chúa Trời có thể làm cho người ấy được giữ cho đứng.

5 Người thì thật sự phán đoán ngày này hơn ngày khác. Người khác thì phán đoán mọi ngày như nhau. Mỗi người hãy tin chắc trong tâm trí của mình.

6 Người giữ ngày, giữ vì Chúa. Người không giữ ngày, vì Chúa, người ấy không giữ. Người ăn, ăn vì Chúa, vì người ấy tạ ơn Đức Chúa Trời. Người không ăn, vì Chúa, người ấy không ăn và tạ ơn Đức Chúa Trời.

Đó chính là sự đồng thuận ngay cả khi có sự không đồng thuận.

“Không có những sự phân rẽ trong các anh chị em” có nghĩa là cho dù có sự không đồng thuận, nhưng mỗi người trong Hội Thánh tiếp nhận lẫn nhau và cảm thông cho nhau, miễn là sự không đồng thuận không phát xuất từ sự hiểu sai Lời Chúa. Khi có sự hiểu sai Lời Chúa dẫn đến sự không đồng thuận thì người chăn, trưởng lão, giám mục trong Hội Thánh phải dùng Lời Chúa để làm sáng tỏ ngay. Nếu có ai không vâng phục lẽ thật của Lời Chúa thì Hội Thánh phải dứt thông công người ấy để giữ gìn sự thánh khiết và sự hiệp một của Hội Thánh.

“Hãy hiệp nhau trong cùng một tâm trí và trong cùng một sự phán đoán” có nghĩa là con dân Chúa cùng một sự hiểu biết dựa trên Lời Chúa, cùng phân tích, suy luận, và đúc kết mọi sự theo Lời Chúa, chứ không theo suy nghĩ và cảm xúc của xác thịt, hoặc dựa trên giá trị đạo đức, truyền thống, luật lệ của thế gian.

11 Vì, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bởi những người thuộc nhà Cơ-lô-ê, tôi được tin về các anh chị em rằng, có những sự tranh cãi trong các anh chị em.

“Những người thuộc người nhà Cơ-lô-ê” có thể là thân nhân hoặc ngay cả người làm hay nô lệ trong gia đình của Cơ-lô-ê. Tên Cơ-lô-ê có nghĩa là “rau xanh”. Chúng ta không biết gì nhiều về Cơ-lô-ê ngoài sự kiện, có lẽ bà là một con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Rất có thể Cơ-lô-ê đã sai người đưa tin đến Ê-phê-sô cho Phao-lô khi bà thấy sự phân rẽ trong Hội Thánh ngày càng lớn.

Sự tranh cãi khác với sự trình bày ý kiến khác nhau. Trong sự trình bày ý kiến khác nhau, mỗi bên trình bày quan điểm của mình và lắng nghe quan điểm của người khác. Trong sự tranh cãi, mỗi bên bác bỏ quan điểm của người khác và cương quyết cho rằng, chỉ có quan điểm của mình là đúng. Trong sự trình bày ý kiến khác nhau người ta có thể đồng thuận dù có những quan điểm không đồng thuận; nhưng trong sự tranh cãi thì không thể có sự đồng thuận. Trong sự tranh cãi có thể có một bên đúng và một bên sai hoặc cả hai bên cùng sai.

Trong Hội Thánh không nên có sự tranh cãi. Nếu có ai đó đưa ra một quan điểm không đúng Lời Chúa thì Hội Thánh chỉ cần giải thích cho người ấy hiểu rằng, quan điểm của người ấy không đúng với Lời Chúa như thế nào. Sau đó, nếu người ấy không phục sự giảng dạy của Hội Thánh thì người ấy phạm tội bội nghịch Lời Chúa và tội cố chấp. Nếu người ấy không ăn năn thì Hội Thánh dứt thông công người ấy, không cho phép có sự tranh cãi trong Hội Thánh:

“Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.” (I Sa-mu-ên 15:23).

“Và nếu có ai dường như ưa thích tranh cãi thì chúng tôi cũng như các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen ấy.” (I Cô-rinh-tô 11:16).

Người như vậy đã tự chuốc lấy sự hư mất riêng cho chính mình:

“Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:16).

Hội Thánh không nên cho phép người như vậy ở lại trong Hội Thánh, vì sẽ làm hại cho Hội Thánh, như một chút men làm dậy cả đống bột (I Cô-rinh-tô 5:6).

12 Ấy là tôi nói rằng, mỗi người thuộc các anh chị em nói: Ta thật thuộc về Phao-lô! Ta thuộc về A-bô-lô! Ta thuộc về Sê-pha! Ta thuộc về Đấng Christ!

Tình trạng phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vào thời ấy là:

  • Một số con dân Chúa xưng rằng, mình thuộc về Phao-lô. Có lẽ họ là những người tin Chúa qua sự rao giảng của Phao-lô.
  • Một số khác xưng rằng, mình thuộc về A-bô-lô. Có lẽ họ là những người tin Chúa qua sự rao giảng của A-bô-lô.
  • Một số khác xưng rằng, mình thuộc về Phi-e-rơ. Có lẽ vì họ cho rằng, Hội Thánh do Sứ Đồ Phi-e-rơ đứng đầu nên con dân Chúa thuộc về Phi-e-rơ.
  • Một số khác lại xưng rằng, mình thuộc về Đấng Christ. Có lẽ họ cho rằng, mình am hiểu Thần học hơn những người trong ba nhóm trên.

Nhưng sự thật là tất cả những người tin nhận Tin Lành đều thuộc về Hội Thánh; và Hội Thánh thân thể của Đấng Christ mà Ngài là đầu của Hội Thánh. Tất cả những người rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa chỉ là những tôi tớ của Chúa được Chúa sai dùng để phụng sự Ngài và phục vụ Hội Thánh. Trong câu 13, Phao-lô nói lên lẽ thật ấy.

Ngày nay, Hội Thánh của Chúa đã phân rẽ thành hàng trăm giáo hội. Trong mỗi giáo hội lại phân rẽ thành hàng ngàn giáo phái. Trong mỗi giáo phái lại phân rẽ ra những nhóm khác nhau. Rồi trong mỗi nhóm ở mỗi địa phương lại có sự phân rẽ tương tự như sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

Con dân chân thật của Chúa, có sự hiểu biết Lời Chúa, sẽ không dự phần trong các giáo hội, giáo phái, hoặc một nhóm hay một phong trào nào. Con dân chân thật của Chúa, có sự hiểu biết Lời Chúa, hiểu rằng, tất cả con dân Chúa thuộc về một Hội Thánh chung, không phân biệt thời gian, không gian, chủng tộc, giai cấp, học thức, phái tính, tuổi tác, v.v.. Họ hiểu rằng, con dân Chúa cùng sống trong một địa phương thì thuộc về Hội Thánh tại địa phương ấy; chứ không thuộc về một tổ chức nào, phong trào nào, giáo hội nào. Mỗi Hội Thánh tại địa phương trực tiếp ở dưới sự cai trị của Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, qua các trưởng lão trong Hội Thánh.

13 Đấng Christ bị phân rẽ sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh thay cho các anh chị em? Hay là các anh chị em đã chịu báp-tem vào trong danh của Phao-lô?

Khi một con dân Chúa sống trong thời đại Hội Thánh xưng rằng, mình thuộc về người này hay người kia, thuộc về giáo hội này hay giáo phái nọ thì họ đã tự đem mình ra khỏi Hội Thánh của Chúa. Vì con dân Chúa sống trong thời đại Hội Thánh chỉ thuộc về một thực thể duy nhất là Hội Thánh của Chúa.

Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, không phải thân thể của một ai khác hay của một tổ chức tôn giáo nào. Hội Thánh không thể bị phân rẽ. Lời khẳng định của Đấng Christ trước khi Ngài chịu chết để hoàn thành sự chuộc tội cho loài người là:

“Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con, để họ là một cũng như Chúng Ta là một.” (Giăng 17:22).

Sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa không thể bị phân rẽ như thế nào thì sự hiệp một của Hội Thánh cũng không thể bị phân rẽ như thế ấy.

Mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh được chuộc về bằng máu của Đức Chúa Jesus Christ và chịu báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 1:7; Cô-lô-se 1:14; Ma-thi-ơ 28:19).

14 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời, vì tôi đã không báp-tem cho một ai thuộc về các anh chị em, ngoại trừ Cơ-rít-bu và Gai-út.

15 Kẻo ai đó nói rằng, tôi đã làm phép báp-tem vào trong danh của tôi.

16 Tôi cũng đã làm báp-tem cho người nhà Sê-pha-na; ngoài ra, tôi chẳng biết đã làm báp-tem cho ai nữa.

Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 18:8 thì Cơ-rít-bu là chủ nhà hội của Do-thái Giáo tại Cô-rinh-tô. Nhưng Công Vụ Các Sứ Đồ 18:17 cũng gọi Sốt-then là chủ nhà hội. Hoặc là tại thành Cô-rinh-tô có nhiều nhà hội của Do-thái Giáo mà cả Cơ-rít-bu lẫn Sốt then đều là chủ nhà hội. Hoặc là sau khi Cơ-rít-bu và gia đình tin Chúa, chịu báp-tem thì Sốt-then được chọn ra để thay thế Cơ-rít-bu. Nhà hội của Do-thái Giáo là nơi dân Do-thái nhóm hiệp vào mỗi ngày Sa-bát nghe đọc Thánh Kinh và nghe giảng Thánh Kinh. Chủ nhà hội là người được chọn ra đứng đầu trong việc điều hành nhà hội, như chủ tịch của một công ty. Trong một thành phố lớn có thể có nhiều nhà hội.

Theo Rô-ma 16:23 thì Phao-lô đã ở trọ tại nhà của Gai-út, một con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, trong khi ông viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma. Và có thể thư III Giăng là do Sứ Đồ Giăng viết cho cùng một Gai-út (III Giăng câu 1).

Khi Phao-lô viết đến câu 14 thì ông nhớ lại rằng, tại Cô-rinh-tô ông chỉ làm báp-tem cho Cơ-rít-bu và Gai-út. Nhưng sau đó, ông viết thêm câu 16, khi ông nhớ ra, ông cũng có làm báp-tem cho gia đình Sê-pha-na. Theo I Cô-rinh-tô 16:15 thì gia đình Sê-pha-na thuộc về những người đầu tiên tin nhận Tin Lành tại tỉnh A-chai. Thành Cô-rinh-tô thuộc tỉnh A-chai nhưng văn mạch của I Cô-rinh-tô 16:15 giúp cho chúng ta hiểu rằng, khi Phao-lô làm báp-tem cho gia đình Sê-pha-na thì họ không sống tại Cô-rinh-tô. Có thể, khi thư I Cô-rinh-tô được viết thì họ đã đến cư ngụ tại Cô-rinh-tô và sinh hoạt trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

Câu 15 hàm ý, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có thể trực tiếp hỏi những người Phao-lô đã làm báp-tem cho họ để biết là ông không hề báp-tem họ vào trong danh của ông. Ông báp-tem họ vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Nếu ngoài các người ấy, có ai xưng nhận rằng, Phao-lô đã báp-tem họ vào trong danh của ông nên họ thuộc về ông, thì lời ấy là không thật, vì ông không hề làm báp-tem cho họ, nói chi là làm báp-tem vào trong danh của ông.

17 Vì Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm báp-tem nhưng để rao giảng Tin Lành; chẳng trong sự khôn khéo của lời nói, kẻo thập tự giá của Đấng Christ bị làm ra vô ích.

Phao-lô khẳng định, ông được Đấng Christ sai đi rao giảng Tin Lành, không phải để làm báp-tem. Điều ấy có nghĩa là nhiệm vụ mà Phao-lô phải thi hành là rao giảng Tin Lành. Còn việc báp-tem người tin nhận Tin Lành vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa thì bất cứ ai trong Hội Thánh cũng có thể làm. Trong các chuyến truyền giáo của Phao-lô, đều có người cùng đi với ông và họ có thể giúp ông làm báp-tem cho những người mới tin Chúa.

Phao-lô cũng nói thêm, sự rao giảng Tin Lành của ông không phải trong sự khôn khéo của lời nói, tức không bằng tài diễn thuyết, để thập tự giá của Đấng Christ không trở thành vô ích. Phao-lô giải thích tiếp trong I Cô-rinh-tô 2:4-5 rằng, lời nói và sự rao giảng của ông là bởi sự tỏ ra của thần trí và năng lực của Thiên Chúa. Ý của Phao-lô là, nếu ông vận dụng kỹ thuật diễn thuyết và sự khôn khéo của loài người để tìm cách thuyết phục người nghe tin vào Tin Lành thì ông đã tự mình xem như sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá không có năng lực để tác động vào thần trí của người nghe. Trong thư viết cho Hội Thánh tại Rô-ma, Phao-lô đã khẳng định: Tin Lành của Đấng Christ là năng lực của Thiên Chúa để cứu tất cả những ai tin. Để có thể khiến cho một người thật sự tin nhận Tin Lành thì trước hết, năng lực của Thiên Chúa phải tác động vào thần trí của người ấy, để họ bỗng nhiên nhận ra nan đề tội lỗi của họ và ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, khi họ được nghe giảng về Tin Lành. Người giảng Tin Lành phải hoàn toàn dựa vào năng lực của Thiên Chúa và lẽ thật đã được Thiên Chúa soi sáng trong thần trí của mình, chứ không dựa vào sự khôn khéo của xác thịt theo phong cách diễn thuyết của thế gian.

Vì thế, bất cứ sự giảng Tin Lành hay sự giảng dạy Lời Chúa nào mà người giảng vận dụng sự khôn khéo của xác thịt, kỹ xảo của thuật hùng biện và tâm lý học… cũng đều là khiến cho thập tự giá của Đấng Christ và Lời Chúa bị làm ra vô ích.

Sự hiểu của thần trí khác với sự hiểu của lý trí xác thịt. Trong khi sự hiểu của lý trí xác thịt dựa trên kinh nghiệm của xác thịt để lý luận và tìm hiểu thì sự hiểu của thần trí trực tiếp đến từ Thiên Chúa. Thần trí tiếp nhận sự hiểu biết thuộc linh của bản thể thiêng liêng, là tâm thần, từ Thiên Chúa như mặt đất đương nhiên bừng sáng khi ánh mặt trời chiếu thẳng vào nó, làm cho mọi sự trở nên rõ ràng. Lý trí dẫn đến sự hiểu biết qua sự nhận xét, phân tích, so sánh, các kinh nghiệm của bản thể vật chất, là xác thịt, như ban đêm, mặt đất tiếp nhận ánh sáng từ các hệ thống chiếu sáng do loài người lắp đặt theo những công thức và phương tiện nhất định mà không sao có thể chiếu sáng như ánh sáng mặt trời.

Loài người chúng ta là một thực thể có bản thể thiêng liêng lẫn bản thể vật chất nên chúng ta cần đến thần trí lẫn lý trí. Thần trí hiểu biết những sự thuộc linh gọi là tri thức (sự biết tự nhiên), lý trí hiểu biết những sự thuộc vật chất gọi là kiến thức (sự biết qua kinh nghiệm) và học thức (sự biết qua học hỏi). Thần trí và lý trí được gọi chung là tâm trí. Tổng hợp sự hiểu biết của thần trí và lý trí chúng ta có sự hiểu biết chung gọi là trí thức, là sự hiểu biết do suy luận từ tri thức, kiến thức, và học thức.

Sự hiểu biết thuộc linh căn bản đến từ Thiên Chúa, vì thế, loài người có lương tâm. Nếu loài người sống theo sự hiểu biết thuộc linh căn bản ấy thì loài người sẽ ngày càng hiểu biết Thiên Chúa và những việc làm của Thiên Chúa ngày càng hơn.

Sau khi loài người tự ý chọn không vâng phục Thiên Chúa, phạm tội, thì ma quỷ có thể tác động vào thần trí của loài người, mang đến những sự hiểu biết thuộc linh đã bị ma quỷ làm cho băng hoại để lương tâm của loài người ngày càng băng hoại càng hơn, để loài người tiếp tục hiểu sai về Thiên Chúa và tiếp tục phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus Christ gọi sự hiểu biết đến từ ma quỷ là “những điều sâu thẳm của Sa-tan” (Khải Huyền 2:24). Điển hình cho những điều sâu thẳm của Sa-tan là những hình thức bùa phép…

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/10 /2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Trong Chúa Jesus Là Hạnh Phúc”
https://karaokethanhca.net/trong-chua-jesus-la-hanh-phuc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.