Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL037 Bài Giảng Trên Núi: Lời Cầu Nguyện Chúa Dạy

389 views

YouTube: https://youtu.be/7kV_S1WHzxw

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL037 Bài Giảng Trên Núi: Lời Cầu Nguyện Chúa Dạy
Ma-thi-ơ 6:9-13

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 6:9-13

9 Vậy, các ngươi hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con, Đấng ở trên các tầng trời! Danh Ngài là thánh!

10 Vương quyền Ngài hãy đến! Ý muốn Ngài hãy nên, trên đất như trên trời!

11 Xin ban cho chúng con hôm nay, thức ăn đủ dùng của chúng con.

12 Xin tha cho chúng con các món nợ của chúng con, như chúng con tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con.

13 Xin dẫn chúng con không vào trong sự cám dỗ, nhưng giải cứu chúng con khỏi Kẻ Dữ. Vì vương quyền, năng lực, và sự vinh quang đều thuộc về Ngài cho tới vĩnh cửu. A-men.

Trong bài này, chúng ta tiếp tục học về đề tài thứ bảy của Bài Giảng Trên Núi: Sự Cầu Nguyện. Và chúng ta cùng nhau tìm hiểu chi tiết ý nghĩa lời cầu nguyện Đức Chúa Jesus dạy cho các môn đồ của Ngài.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, không phải Đức Chúa Jesus bảo các môn đồ của Ngài học thuộc lòng nội dung của Ma-thi-ơ 6:9-13 để thưa với Đức Chúa Trời, mỗi khi họ muốn cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Mà đó chỉ là hình thức tiêu biểu của một lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Một lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời nên bao gồm tám điểm chính:

  • Nhận Đức Chúa Trời là Cha.

  • Thể hiện lòng tôn kính Đức Chúa Trời.

  • Thể hiện lòng khao khát vương quyền của Đức Chúa Trời sớm đến trên đất.

  • Thể hiện lòng khao khát mọi ý muốn của Đức Chúa Trời sớm được thành toàn.

  • Cầu xin sự quan phòng của Đức Chúa Trời về nhu cầu cuộc sống.

  • Cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời và thể hiện lòng tha thứ người khác.

  • Cầu xin được Đức Chúa Trời giữ cho không sa ngã vào sự cám dỗ và được Ngài giải cứu khỏi Kẻ Dữ.

  • Công nhận vương quyền, năng lực, sự vinh quang tuyệt đối và còn mãi của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cùng nhau học chi tiết về ý nghĩa của tám điểm này, qua mỗi câu Thánh Kinh trong Ma-thi-ơ 6:9-13.

9 Vậy, các ngươi hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con, Đấng ở trên các tầng trời! Danh Ngài là thánh!

Lời cầu nguyện Đức Chúa Jesus dạy cho các môn đồ của Ngài là dạy cho những người đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài. Họ đã được Đức Chúa Trời ban cho địa vị làm con của Ngài, được gọi Ngài là Cha.

Trong câu này, có hai điểm chính trong sự chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Điểm thứ nhất là chúng ta phải nhận Ngài là Cha và Ngài đang ngự trên các tầng trời. Nếu xét về phương diện sáng tạo thì Đức Chúa Trời là Cha của toàn thể loài người. Vì A-đam ra từ Đức Chúa Trời (Lu-ca 3:38). Tuy nhiên, khi loài người phạm tội thì loài người đã bị mất quyền làm con của Đức Chúa Trời. Kể từ đó, chỉ những ai biết ăn năn tội, tin Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài thì mới được phục hồi địa vị làm con của Ngài. Trong thời Tân Ước, người tin Đức Chúa Trời là người tin rằng, Đức Chúa Jesus là Con Một của Đức Chúa Trời, đã chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc loài người ra khỏi hình phạt của tội lỗi.

Chỉ có ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì mới được Đức Chúa Trời tái sinh thành người mới trong Đấng Christ. Người thật lòng ăn năn tội là người nhận biết mình đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; đau buồn vì sự phạm tội của mình; và không muốn tái phạm. Người hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là người không dựa vào bất cứ một sự gì khác, ngoài sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, để được tha tội và được làm cho sạch tội. Ngày nay, hàng tỉ người trên thế giới xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng lại tin rằng, nhờ đọc kinh, làm điều lành, dâng hiến, đi nhà thờ, nhờ bà Ma-ri cầu thay, hoặc nhờ chịu khổ trong ngục luyện tội mà họ được tha tội. Những người ấy đã không hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Người nhận và gọi Đức Chúa Trời là Cha phải hiểu vì sao mà mình có thể nhận và gọi Đức Chúa Trời là Cha. Đồng thời cũng phân biệt Ngài là Cha ở trên trời, khác với cha xác thịt ở trên đất của mình.

Đối với chúng ta, những chi thể trong Hội Thánh, Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, vì Ngài đã tái sinh chúng ta và ban cho chúng ta quyền được làm con nuôi của Ngài. Thánh Kinh xác nhận rằng:

Vì các anh chị em đã chẳng nhận lấy thần trí của nô lệ để lại sợ hãi; nhưng các anh chị em đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, nhờ đó, chúng ta gọi: A-ba! Cha!” (Rô-ma 8:15).

Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán.” (II Cô-rinh-tô 6:18).

Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài, để tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài, mà trong sự ấy, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên đáng nhận trong Đấng rất yêu dấu.” (Ê-phê-sô 1:5-6).

Sự chúng ta được làm những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời đã được Đức Chúa Trời định sẵn, từ trước khi thế gian bắt đầu. Vì Ngài biết trước, chúng ta sẽ vâng phục Ngài và trung tín cho tới chết, hoặc cho tới khi được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian này.

Đấng đã cứu chúng ta và đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm của chúng ta, mà theo mục đích riêng của Ngài và ân điển đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus, từ trước khi thế gian bắt đầu.” (II Ti-mô-thê 1:9).

Danh từ “các tầng trời” (G3772) là một danh từ số nhiều để chỉ các khoảng không chung quanh trái đất. Thánh Kinh cho biết thiên đàng là tầng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:2) nên chúng ta hiểu rằng, tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la chứa các ngôi sao và hành tinh. Còn tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu. Đức Chúa Trời là Đấng ở trên các tầng trời, có nghĩa là Ngài ngự trong thành thánh Giê-ru-sa-lem, ở trong thiên đàng, nơi tầng trời thứ ba.

Điểm thứ nhì là chúng ta thể hiện lòng tôn kính của chúng ta với Đức Chúa Trời, nhận rằng, danh xưng của Ngài là thánh. Danh xưng của Đức Chúa Trời là bất cứ danh xưng nào được Thánh Kinh dùng để gọi Ngài. Danh xưng thường được dùng là “Đức Chúa Trời”, “Cha”, “Cha ở trên trời”. Tính từ “thánh” (G37) khi dùng cho Thiên Chúa có nghĩa là riêng biệt, vượt trên muôn loài thọ tạo, đáng tôn kính, đáng vâng phục, đáng thờ phượng. Danh của Đức Chúa Trời là thánh cho nên không ai được lấy danh của Ngài làm ra vô ích (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:11).

Những người không tin Chúa thường lấy danh của Đức Chúa Trời làm ra vô ích, khi họ gọi danh Ngài cách vô cớ. Gọi danh của Đức Chúa Trời cách vô cớ là gọi không phải để tôn vinh Ngài hoặc xin Ngài cứu giúp, mà chỉ là quen miệng. Có khi những người không tin Chúa còn phỉ báng danh Ngài, dùng danh Ngài để chửi thề, nói tục, hoặc rủa sả. Người Việt Nam quen miệng kêu “Trời ơi” cách vô cớ. Đó cũng là sự lấy danh của Đức Chúa Trời làm ra vô ích, là việc làm nghịch lại điều răn thứ ba trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Đó là việc làm bị Ngài phán tội. Con dân Chúa phải bỏ đi thói quen kêu “Trời ơi” vô cớ. Nếu cần thì xin Chúa giúp mình bỏ đi sự phạm tội đó.

Còn có một hình thức không tôn thánh danh của Đức Chúa Trời là khi con dân Chúa không sống theo Lời Chúa, khiến cho người không tin Chúa chê cười danh Chúa.

Ngoài ra, tôn thánh danh của Đức Chúa Trời còn có nghĩa là những gì chúng ta sắp thưa trình với Ngài không phải là những lời không đáng nói trong khi chúng ta kêu cầu danh Ngài. Lời cầu nguyện của chúng ta không thể là những lời hận thù, tranh chấp, ganh tức, cay đắng, hoặc oán trách.

Trong câu 6, Đức Chúa Jesus bảo các môn đồ của Ngài, khi cầu nguyện “hãy vào trong nơi phòng riêng của ngươi, đóng cửa của ngươi, cầu nguyện với Cha ngươi trong nơi kín nhiệm”. Nhưng Ngài lại dạy họ gọi Đức Chúa Trời là “Cha của chúng con” thay vì “Cha của con”.

Chúng ta hiểu rằng, khi cầu nguyện giữa Hội Thánh thì chúng ta thay cho Hội Thánh cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nên chúng ta gọi Ngài là “Cha của chúng con”. Khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong chỗ riêng tư, với tính cách tâm tình, không cầu thay cho ai khác, thì chúng ta có thể gọi Ngài là “Cha của con”. Nhưng nếu chúng ta cầu nguyện trong chỗ riêng tư mà có lời cầu thay cho anh chị em trong Hội Thánh, thì chúng ta gọi Ngài là “Cha của chúng con”.

10 Vương quyền Ngài hãy đến! Ý muốn Ngài hãy nên, trên đất như trên trời!

Trong câu này, có thêm hai điểm chính trong sự chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Điểm thứ ba là chúng ta nên thể hiện lòng khao khát vương quyền của Đức Chúa Trời sớm đến trên đất.

Vương quyền là quyền cai trị của vua. “Vương quyền Ngài” là quyền cai trị của Đức Chúa Trời như một nhà vua, trên vương quốc của Ngài. Vương quyền của Đức Chúa Trời đã được Ngài trao cho Đức Chúa Jesus Christ:

Đức Chúa Jesus đã đến, phán với họ rằng: Hết thảy quyền trên trời và trên đất đã được trao cho Ta.” (Ma-thi-ơ 28:18).

Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ có danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16).

Hiện nay, Vương Quốc của Đức Chúa Trời chưa hình thành trên đất mà chỉ đến trong lòng những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài (Lu-ca 17:21). Vương Quốc của Đức Chúa Trời trên đất sẽ được thiết lập lần thứ nhất, ngay sau Kỳ Tận Thế, là Vương Quốc Ngàn Năm. Sau khi trời cũ đất cũ qua đi, Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập lần thứ nhì, trong trời mới đất mới, là Vương Quốc Đời Đời. Điều quan trọng đối với mỗi con dân Chúa là hiện nay, Đức Chúa Jesus Christ đang cai trị trong lòng họ, trong đời sống của họ.

Điểm thứ tư là chúng ta nên thể hiện lòng khao khát mọi ý muốn của Đức Chúa Trời được thành toàn trên đất như đã được thành toàn trên trời. Đức Chúa Trời là thiện, ý muốn của Đức Chúa Trời luôn là sự tốt lành. Ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời đã được thành toàn ở trong thiên đàng nhưng chưa được thành toàn trên đất. Vì sự phạm tội của loài người.

Ở trên trời, ý muốn của Đức Chúa Trời luôn được thi hành. Tất cả những ai nghịch lại ý muốn của Ngài đều đã bị đuổi ra khỏi trời. Sa-tan và những thiên sứ phản loạn đều đã bị đuổi ra khỏi trời. Cho nên sự nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời không thể tồn tại ở trên trời. Nhưng ở trên đất thì sự nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời rất nhiều. Vì Đức Chúa Trời đã ban quyền tự quyết cho loài người. Loài người được tự do vâng phục Đức Chúa Trời hoặc chống nghịch Ngài. Khi thời điểm đến, Ngài sẽ phán xét toàn thế gian về sự phạm tội của loài người và hoàn thành ý muốn tốt lành của Ngài trên đất.

Ý muốn còn lại của Đức Chúa Trời trên đất sẽ được thành toàn trong hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là sự thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm và giai đoạn thứ nhì là sự thiết lập Vương Quốc Đời Đời. Là con dân Chúa chúng ta nên cầu xin cho ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất sớm được thành toàn.

Ngoài ra, còn có ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất cho mỗi con dân của Ngài. Khi ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta được thành toàn thì chúng ta sẽ được ra khỏi cuộc đời này, bằng sự chết hoặc thân thể được biến hóa nếu chúng ta vẫn còn sống trong ngày Đấng Christ đến. Nếu chúng ta biết cầu xin cho ý muốn của Đức Chúa Trời hãy nên thì chúng ta sẽ không lo lắng, sợ hãi, phiền muộn khi Ngài cho phép những sự thử thách đến với chúng ta. Vì mọi sự Đức Chúa Trời cho phép xảy đến với chúng ta là làm ích cho chúng ta. Như Đức Thánh Linh đã khẳng định, qua Sứ Đồ Phao-lô:

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con Đầu Lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).

Chính vì thế mà con dân Chúa không sợ hãi sự chết, trái lại, họ bình an bước vào trong sự chết, khi Đức Chúa Trời cho phép sự chết đến với họ. Vì họ biết rằng, đó là ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời đối với mình. Họ biết và tin rằng, Đức Chúa Trời dùng sự chết để đưa họ vào thiên đàng, nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc trong thế gian.

Bản năng sinh tồn do Đức Chúa Trời đặt để trong chúng ta khiến chúng ta vui mừng mỗi khi được Ngài cứu chúng ta thoát chết. Điều đó không mâu thuẫn với sự chúng ta vui mừng khi bước vào sự chết để được vào thiên đàng. Vì sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Ngài:

Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:8).

Đức Chúa Trời cứu chúng ta thoát chết có nghĩa là ý muốn của Ngài dành cho chúng ta trên đất chưa được thành toàn. Vì thế, Ngài để cho chúng ta tiếp tục ở lại trong thân thể xác thịt này, để làm trọn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta.

11 Xin ban cho chúng con hôm nay, thức ăn đủ dùng của chúng con.

Trong câu này, có thêm một điểm chính trong sự chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Điểm thứ năm là cầu xin sự quan phòng của Đức Chúa Trời về nhu cầu mỗi ngày trong cuộc sống.

Danh từ “thức ăn” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “bánh làm bằng bột mì” (G740), là thức ăn chính của dân I-sơ-ra-ên. Lời cầu xin cho có thức ăn đủ dùng không có nghĩa là chỉ cầu xin về thức ăn mà thôi nhưng hàm ý là xin được ban cho đầy đủ các nhu cầu trong cuộc sống; bao gồm nhu cầu thuộc thể lẫn nhu cầu thuộc linh. Về thuộc thể ít nhất chúng ta cần có cơm ăn, nước uống, quần áo mặc, nhà ở, các phương tiện làm việc kiếm sống. Về thuộc linh chúng ta luôn cần Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, là Thánh Kinh. Thánh Kinh thì chúng ta luôn có bên mình nhưng chúng ta cần Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự hiểu biết Thánh Kinh, qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta biết cầu xin được ban cho thức ăn, tức nhu cầu, đủ dùng cho ngày hiện tại thì chúng ta sẽ luôn thỏa lòng với sự có ăn, có mặc mà không có lòng ham muốn được giàu có, dẫn đến sự phạm tội:

Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng. Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.” (I Ti-mô-thê 6:8-9).

Khi chúng ta biết cầu xin được ban cho thức ăn thuộc linh đủ dùng cho ngày hiện tại, thì chúng ta sẽ biết ngồi lại, đọc và suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo. Và như vậy, chúng ta được thịnh vượng và hành động khôn sáng, trong mọi đường lối của mình.

12 Xin tha cho chúng con các món nợ của chúng con, như chúng con tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con.

Trong câu này, có thêm một điểm chính trong sự chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Điểm thứ sáu là cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời và thể hiện lòng tha thứ người khác.

Danh từ “các món nợ” (G3783) có nghĩa đen là sự thiếu nợ về vật chất nhưng có nghĩa bóng là sự phạm lỗi, phạm tội với ai đó mà chưa giải quyết ổn thỏa. Trong Lu-ca 11:4, Đức Chúa Jesus đã dùng danh từ “những tội lỗi”.

Con dân Chúa thiếu nợ Đức Chúa Trời khi vi phạm các điều răn của Ngài, dù là vô tình hay cố ý. Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này thì chúng ta vẫn còn có thể phạm tội. Chúng ta có thể phạm tội vì vô ý. Chúng ta có thể phạm tội vì thiếu hiểu biết, không biết rằng, làm như vậy là phạm tội. Chúng ta có thể phạm tội vì yếu đuối nhất thời, trước cám dỗ hoặc thử thách. Nguyên nhân chính là vì chúng ta chưa yêu Chúa đủ để đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, cẩn thận làm theo. Vì thế, chúng ta không có đủ sự khôn sáng và năng lực để sống theo Lời Chúa.

Trong thế gian này có rất nhiều loại sách hướng dẫn làm giàu và biết bao nhiêu người đã bỏ tiền ra mua các loại sách ấy, bỏ thời gian ra đọc, bỏ vốn liếng ra để đầu tư theo những hướng dẫn trong sách. Vì họ ưa thích làm giàu. Nhưng rất nhiều con dân Chúa lại không yêu Chúa đủ, không ưa thích Lời Chúa đủ để đọc và suy ngẫm Lời Chúa, cẩn thận làm theo Lời Chúa. Dù họ biết và tin rằng, kết quả của sự suy ngẫm và cẩn thận làm theo Lời Chúa là sự thịnh vượng trong đời này lẫn trong đời sau. Điều đó chẳng khác gì một người biết và tin rằng, cha của mình đã cho mình một tài sản rất lớn, nhưng người ấy vẫn sống trong sự khó khăn, thiếu thốn. Vì đã không tận dụng số tài sản cha ban cho.

Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta được sạch mọi điều không công chính của chúng ta, nếu chúng ta thật lòng ăn năn và xưng tội với Ngài.

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Lời cầu nguyện trên đây còn bao gồm cả sự xin được Đức Chúa Trời tha thứ những tội mà chúng ta vô ý phạm, không biết mình phạm tội, như Vua Đa-vít đã kêu cầu trong Thi Thiên 19:12.

Điều đặc biệt là sự Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta còn tùy thuộc vào sự chúng ta tha thứ những người có lỗi với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta tha thứ người khác như thế nào thì Đức Chúa Trời sẽ tha thứ chúng ta như thế ấy. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết về sự tha thứ khi học đến câu 14.

13 Xin dẫn chúng con không vào trong sự cám dỗ, nhưng giải cứu chúng con khỏi Kẻ Dữ. Vì vương quyền, năng lực, và sự vinh quang đều thuộc về Ngài cho tới vĩnh cửu. A-men.

Trong câu này, có thêm hai điểm chính trong sự chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Điểm thứ bảy là cầu xin được Đức Chúa Trời giữ cho không sa ngã vào sự cám dỗ và được Ngài giải cứu khỏi Kẻ Dữ. Động từ “dẫn” (G1533) có nghĩa là đưa vào, đem vào trong một môi trường, trong một hoàn cảnh, trong một nơi chốn nào đó. Đời sống của con dân Chúa đương nhiên phải được sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Đức Chúa Trời đương nhiên không cám dỗ ai (Gia-cơ 1:13) nhưng Ngài có thể cho phép ma quỷ cám dỗ chúng ta, như Sa-tan đã cám dỗ bà Ê-va, ông Gióp, và Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Trời cũng có thể cho phép loài người cám dỗ chúng ta, như vợ của Phô-ti-pha đã cám dỗ Giô-sép, Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã cám dỗ ba người bạn của Đa-ni-ên.

Danh từ “sự cám dỗ” (G3986) vừa có nghĩa là sự cám dỗ, vừa có nghĩa là sự thử thách. Sự việc gì do Sa-tan hay loài người gây ra để khiến chúng ta phạm tội thì đó là sự cám dỗ. Sự việc gì Đức Chúa Trời cho phép xảy đến để chúng ta thể hiện đức tin nơi Ngài và lòng trung tín vâng phục của chúng ta thì đó là sự thử thách. Sự cám dỗ nào cũng cùng lúc là sự thử thách, vì Đức Chúa Trời cho phép nó xảy ra. Nhưng không phải sự thử thách nào cũng là sự cám dỗ. Khi Đức Chúa Trời thử thách đức tin của Áp-ra-ham, bảo ông dâng con trai của ông là I-sác làm sinh tế thì đó không phải là sự cám dỗ.

Lời cầu xin trong câu 13 là lời cầu xin Đức Chúa Trời đừng để cho chúng ta sa ngã trong sự cám dỗ. Chúng ta hiểu rằng, đó là sự cám dỗ vì mệnh đề kế tiếp là “nhưng giải cứu chúng con khỏi Kẻ Dữ”. Ma quỷ và loài người có thể cám dỗ chúng ta nhưng Đức Chúa Trời sẽ giúp cho chúng ta tránh khỏi sự ngã vào trong sự cám dỗ. Sự đắc thắng mọi cám dỗ của chúng ta là do đức tin và năng lực được ban cho bởi Thiên Chúa. Không bao giờ chúng ta thắng được sự cám dỗ bởi sức riêng của mình. Ngay từ buổi đầu sáng thế, loài người đã thất bại trước sự cám dỗ.

Danh từ “Kẻ Dữ” (G3588 G4190) với mạo từ xác định được dùng để chỉ Sa-tan. Ngay cả khi sự cám dỗ đến từ các tà linh, là các thiên sứ theo Sa-tan phạm tội, thì cũng được xem là sự cám dỗ đến bởi Sa-tan. Vì các tà linh ấy hành động theo mệnh lệnh và sách lược của Sa-tan, nhằm tấn công và hủy diệt đức tin của con dân Chúa.

Được giải cứu khỏi Kẻ Dữ là được đem ra khỏi mọi sự cám dỗ đến từ Sa-tan, không bị chôn vùi trong đó, không bị Sa-tan khống chế.

Điểm thứ tám là công nhận vương quyền, năng lực, sự vinh quang tuyệt đối và còn mãi của Đức Chúa Trời.

Vương quyền là quyền cai trị của vua. Năng lực là sức mạnh và uy quyền. Sự vinh quang là sự chiếu sáng bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Câu cuối cùng trong lời cầu nguyện là sự công nhận quyền tể trị, sức mạnh và uy quyền, cùng sự vinh quang của Đức Chúa Trời là trên hết mọi sự và còn mãi không dứt. Lời đó cũng hàm ý, xin mãi được sống trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, được bảo vệ bởi sức mạnh và uy quyền của Ngài, được vui thỏa trong sự vinh quang của Ngài cho tới đời đời. Nguyện điều ấy xảy ra cho mỗi chúng ta.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/06/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Linh Hồn Con”
https://karaokethanhca.net/linh-hon-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.