Chú Giải Hê-bơ-rơ 12:01-03 Đời Sống Trong Đấng Christ Là Một Cuộc Đua

3,687 views


Nguồn: https://youtu.be/Paf0evTPAH4

Chú Giải Hê-bơ-rơ 12:1-3
Đời Sống Trong Đấng Christ Là Một Cuộc Đua

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 12:1-3

1 Thế thì, chúng ta cũng được những chứng nhân bao quanh chúng ta như một đám mây rất lớn. Chúng ta hãy bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi bao vây chúng ta. Với sự nhẫn nại, chúng ta hãy chạy cuộc đua được bày ra trước chúng ta.

2 Hãy nhìn vào Đức Chúa Jesus, Đấng Dẫn Đầu và Đấng Kết Thúc của đức tin, Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước Ngài mà chịu đựng thập tự giá, xem thường sự sỉ nhục, và được ngồi bên phải ngai của Đức Chúa Trời.

3 Vậy, các anh chị em hãy nghĩ đến Đấng đã kiên trì trước sự những kẻ tội lỗi đối nghịch Ngài dường ấy, kẻo các anh chị em mỏi mệt, nao sờn trong linh hồn của các anh chị em.

Sau khi nêu lên gương đức tin của các thánh đồ trong Hê-bơ-rơ đoạn 11, Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa hãy nhìn chăm vào Đấng Christ để hoàn tất cuộc đua thuộc linh. Cuộc đua thuộc linh tức là đời sống phụng sự Thiên Chúa trong đức tin của mỗi con dân Chúa trong cuộc đời này.

Đời sống của con dân Chúa được Đức Thánh Linh, trước hết, ví như nếp sống của một chiến sĩ; và qua Sứ Đồ Phao-lô, Ngài kêu gọi con dân Chúa hãy trở nên như một người lính giỏi:

“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Vì thực tế, đời sống của con dân Chúa trong thân thể xác thịt hiện tại chính là một cuộc chiến với thế lực bóng tối, trong vương quyền của Sa-tan, như chúng ta đã học trong Ê-phê-sô đoạn 6:

“Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.” (Ê-phê-sô 6:11-12).

Tuy nhiên, đời sống của con dân Chúa cũng được ví như một cuộc chạy đua, mà bất cứ ai trung tín chạy cho đến cùng, đều sẽ là người thắng cuộc (I Cô-rinh-tô 9:24-27). Trung tín, chạy cuộc đua thuộc linh cho đến cuối cùng là trung tín hầu việc Chúa, làm tròn những sự Chúa đã sắm sẵn cho mình cho đến hơi thở cuối cùng. Vào cuối đời, Sứ Đồ Phao-lô đã tâm sự với Ti-mô-thê:

“Ta đã đánh một trận đánh tốt lành. Ta đã xong cuộc đua. Ta đã giữ đức tin.” (II Ti-mô-thê 4:7).

Lời tâm sự trên đây của Phao-lô đã giúp cho chúng ta thấy rõ khái niệm về sự đời sống của con dân Chúa trong cuộc đời này chính là một sự đánh trận và chạy đua thuộc linh.

1 Thế thì, chúng ta cũng được những chứng nhân bao quanh chúng ta như một đám mây rất lớn. Chúng ta hãy bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi bao vây chúng ta. Với sự nhẫn nại, chúng ta hãy chạy cuộc đua được bày ra trước chúng ta.

Vì đã có biết bao nhiêu con dân Chúa trước thời đại của chúng ta đã chịu khổ, giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa và nơi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, phụng sự Chúa, như đã nói đến trong Hê-bơ-rơ đoạn 11, nên họ đã trở thành những người khích lệ chúng ta. Họ là những chứng nhân đang nhìn vào sự chiến đấu và chạy đua thuộc linh của chúng ta.

“Chứng nhân” là người chứng kiến một sự việc xảy ra trong thực tế và có thể thuật lại cách trung thực.

Thành ngữ “như một đám mây” trong tiếng Hy-lạp lẫn tiếng La-tinh đều có nghĩa là một đám đông rất lớn.

Động từ “bao quanh” không nhất thiết phải là một khoảng cách gần. Chúng ta có thể hiểu, các thánh đồ đã chết trong đức tin đang ở trên thiên đàng, quan sát nếp sống của con dân Chúa trên trần gian. Chúng ta có thể tin rằng, họ đang cầu thay cho chúng ta. Vì bổn phận của con dân Chúa là cầu thay cho nhau. Riêng họ thì không cần chúng ta cầu thay cho họ, vì họ đã xong cuộc đua của chính họ.

Mặc dù Thánh Kinh không trực tiếp nói về sự con dân Chúa trong thiên đàng cầu thay cho chúng ta, nhưng qua câu chuyện, người nhà giàu ở trong âm phủ nghĩ đến các anh em còn sống của mình, cầu xin Áp-ra-ham cho La-xa-rơ sống lại để làm chứng cho họ (Lu-ca 16:19-31), thì chúng ta hiểu rằng, những người đã chết có thể cầu thay cho những người còn sống. Riêng người sống thì không thể cầu thay cho người chết. Vì khi một người đã chết thì hoặc là người ấy ở trong sự cứu rỗi, được vào trong thiên đàng, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại, vinh quang đời đời trong Vương Quốc Trời; hoặc là người ấy không ở trong sự cứu rỗi, phải bị tạm giam trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại để chịu phán xét, rồi vào trong hỏa ngục.

Hình ảnh những khán giả ngồi trên khán đài ở trên cao, vòng quanh đấu trường, xem những cuộc thi đấu giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn động từ “bao quanh” được dùng trong câu này. Phao-lô đã từng nói:

“Vì tôi nghĩ rằng, Đức Chúa Trời đã phô bày chúng tôi là các sứ đồ ra, như những người bị định cho sự chết. Vì chúng tôi bị làm trò cho thế gian, cho các thiên sứ và cho nhiều người.” (I Cô-rinh-tô 4:9).

Điều quan trọng mà mỗi con dân Chúa nên ghi nhớ là: Ba Ngôi Thiên Chúa, các thiên sứ, ma quỷ, và loài người thường xuyên nhìn thấy nếp sống của chúng ta. Trong khi loài người cùng thời với chúng ta có thể không nhìn thấy hết các chi tiết trong đời sống của chúng ta thì các thánh đồ đã qua đời, các thiên sứ, và ma quỷ luôn nhìn thấy từng hành vi, cử chỉ của chúng ta. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh đã qua Sứ Đồ Phao-lô khuyên chúng ta:

“Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không bước đi trong sự thác loạn và say sưa! Không bước đi trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không bước đi trong sự cãi lẫy và ganh tỵ.” (Rô-ma 13:13).

Và Sứ Đồ Giăng đã nói rõ:

“Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Bước đi có nghĩa là sống nếp sống. Bước đi như chính Đấng Christ tức là sống nếp sống như chính Đấng Christ đã sống trong cuộc đời này. Là con dân Chúa, mục đích duy nhất của chúng ta trong cuộc đời này là trở nên giống như Đấng Christ, để một ngày kia, chúng ta được thật sự hiệp một với Ngài cách trọn vẹn trong Lễ Cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:7-9). Mục đích đó, do chính Đức Chúa Trời định trước và đặt ra cho mỗi chúng ta:

“Vì những ai Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của con Ngài, để con ấy là con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Lời của Sứ Đồ Giăng khẳng định rằng, chúng ta sẽ giống như Đấng Christ:

“Các con yêu dấu! Chính lúc bây giờ chúng ta là con cái của Thiên Chúa, còn về sự chúng ta sẽ ra thế nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Nhưng chúng ta biết rằng, khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.” (I Giăng 3:2).

Với mục đích tốt đẹp Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta, với sự chứng kiến của Ba Ngôi Thiên Chúa, của các thánh đồ, của các thiên sứ, chúng ta hãy noi gương đức tin của các thánh đồ trước kia mà hoàn thành cuộc chạy đua của chính mình. Muốn có thể chạy được đến đích, trước hết, chúng ta phải bỏ đi mọi gánh nặng và bỏ đi mọi tội lỗi bao vây chúng ta. Kế tiếp, chúng ta phải nhẫn nại sống theo Lời Chúa. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành xuất sắc cuộc đua, tức là sống trọn vẹn đời sống phụng sự Thiên Chúa trong đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trên đất này, sau khi Ngài cứu chuộc chúng ta.

Danh từ “gánh nặng” được dùng để chỉ một khối lượng lớn với nghĩa bóng là gánh nặng, sự cản trở. Trong giới thể thao, danh từ này được dùng để chỉ những khối thịt mỡ dư thừa trên thân thể của người lực sĩ mà người ấy cần siêng năng luyện tập để làm cho chúng tan biến. Gánh nặng thuộc linh mỗi con dân Chúa cần phải bỏ đi có thể là sự lo lắng về nhu cầu vật chất trong đời sống; có thể là lòng khoe khoang, kiêu ngạo; có thể là lòng tự ái không đúng; có thể là lòng tự ti mặc cảm… Là con dân Chúa, chúng ta phải hoàn toàn tin cậy vào sự quan phòng và sự thành tín của Chúa mà không lo lắng về bất cứ nhu cầu nào. Là con dân Chúa chúng ta phải học gương nhu mì và khiêm nhường của Chúa, chúng ta không thể nào khoe khoang kiêu ngạo mà phải luôn xem mọi người là tôn trọng hơn mình. Là con dân Chúa chúng ta cũng không tự ái không đúng, vì lòng tự ái không đúng chính là sự tự đặt mình lên trên hết. Là con dân Chúa chúng ta cũng không thể tự ti mặc cảm, cho dù chúng ta kém học thức, nghèo vật chất, từng phạm nhiều tội trọng… thì chúng ta vẫn là một tạo vật mới, được dựng nên mới giống như Thiên Chúa, được Đức Chúa Trời chọn làm đồ dùng của Ngài, được ở trong địa vị là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời. Lời Chúa khẳng định:

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại của thế gian, để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu của thế gian, để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ của thế gian, những sự bị khinh chê, cùng những sự không có, để làm cho những sự có ra không có; để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 1:27-29).

Vì thế, chúng ta hãy vui mừng và hãnh diện trong Chúa. Khi chúng ta bị thế gian chê cười thì chúng ta được chia xẻ sự sỉ nhục mà thế gian đã dành cho Đấng Christ, và ngay cả chúng ta cũng có lần sỉ nhục Ngài:

“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ; một con người của sự thống khổ, biết sự đau ốm; như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng xem Người ra gì.” (Ê-sai 53:3).

Chúng ta thật sự cần phải bỏ hết mọi gánh nặng để có thể hoàn tất cuộc chạy đua thuộc linh của chúng ta. Mỗi người nên đến với Chúa, xin Chúa chỉ ra cho chúng ta thấy, các gánh nặng nào đang còn trong mỗi chúng ta. Rồi, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta trao ra các gánh nặng đó cho Ngài để Ngài đem nó xa khỏi chúng ta.

Nhóm chữ “tội lỗi bao vây chúng ta” nói lên thực tế chúng ta đang sống giữa một thế gian đầy dẫy tội lỗi; và tội lỗi ngày càng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng ở khắp nơi trên thế giới. Tội lỗi bao vây chúng ta vừa là những sự tội lỗi xảy ra chung quanh chúng ta, cám dỗ chúng ta buông mình theo chúng, vừa là những thói quen tội lỗi của con người cũ của chúng ta.

Động từ “bao vây” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp có ý nói đến một sự bao vây khéo léo, có chiến thuật, có chiến lược nhằm dụ dỗ hoặc gây khó khăn, khổ sở, hù dọa, ngăn cản người bị bao vây hoàn thành mục đích của người ấy. Không cần phải nói, chúng ta cũng hiểu rằng, chính Sa-tan và các quỷ sứ của nó luôn chủ động bao vây loài người bằng đủ thứ tội lỗi. Chúng tận dụng những người không tin Chúa trong sự dùng tội lỗi để bao vây con dân Chúa. Chúng tạo ra các tổ chức tôn giáo mang danh Đấng Christ, giả làm Hội Thánh của Thiên Chúa. Chúng cài đặt những kẻ giả hình vào trong Hội Thánh để phá tán Hội Thánh từ bên trong. Sứ Đồ Phao-lô đã từng than thở về sự ông bị nguy hiểm với “những anh chị em cùng Cha giả dối” (II Cô-rinh-tô 11:26).

Một số những sự mà ma quỷ hay dùng để bao vây con dân Chúa, cám dỗ họ và tạo áp lực khiến họ phạm tội là: sự đau ốm, bệnh tật của thân thể xác thịt; sự thiếu nghèo về vật chất; sự cám dỗ phạm tà dâm; sự được người khác tâng bốc; và sự bách hại đức tin từ những người thân trong gia đình lẫn từ nhà cầm quyền.

Đối với tội lỗi xảy ra chung quanh chúng ta thì chúng ta phải tránh xa các môi trường dẫn đến sự phạm tội. Điển hình là nam nữ không gần gũi, đụng chạm thân mật. Đã bao lần sự gần gũi, đụng chạm giữa nam nữ không phải là vợ chồng dẫn đến sự phạm tà dâm? Có khi là phạm tà dâm trong tư tưởng, có khi là phạm tà dâm trong xác thịt! Điển hình là có bao lần chỉ vì tò mò ghé mắt vào các hình ảnh, câu chuyện dâm ô mà con dân Chúa phạm tà dâm? Lời phán dạy sau đây của Đức Chúa Jesus Christ vừa có nghĩa đen lẫn nghĩa bóng:

“Nếu tay ngươi hay chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi què hay cụt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa đời đời. Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó ra mà ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi một mắt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai mắt mà bị ném vào trong lửa của hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 18:8-9).

Thực tế, nếu một người không thể giữ cho chi thể nào đó của mình ngưng phạm tội, thì thà hủy hoại chi thể ấy để có thể ngưng phạm tội, còn hơn là có một thân thể toàn vẹn mà cứ phạm tội để rồi bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Trên một phương diện khác, một người phải triệt hạ và ném xa khỏi mình tất cả những môi trường, phương tiện, cơ hội có thể khiến cho mình phạm tội. Dù chỉ là một tấm ảnh lịch của ca sĩ, minh tinh không hở hang, không khêu gợi, nhưng có thể khiến cho mình động lòng ham muốn tà dâm, thì cũng phải đem nó ra khỏi nhà. Chúng ta phải biết sợ sự phạm tội như sợ rắn độc sẵn sàng tấn công mình, như sợ mìn bẫy có thể nổ tung bất kỳ lúc nào.

Chúng ta cần ra khỏi các tổ chức tôn giáo mang danh là Hội Thánh của Chúa mà lại giảng dạy tà giáo, không tôn kính các điều răn của Thiên Chúa. Trừ khi Chúa cảm động chúng ta đến đó một thời gian để rao giảng lẽ thật.

Đối với thói quen tội lỗi xưa cũ, Lời Chúa dạy:

“Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

“Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

Động từ được dịch là “bỏ” trong Ê-phê-sô 4:22 và động từ được dịch là “trừ bỏ” trong Cô-lô-se 3:8 cũng cùng là động từ được dịch là “bỏ đi” trong Hê-bơ-rơ 12:1. Động từ ấy trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là cởi ra hoặc tháo gỡ những gì khiến cho vướng mắc, như người thi đấu trong đấu trường cởi bỏ trang phục khiến cho người ấy bị vướng mắc trong khi thi đấu. Chỉ khi chúng ta cởi bỏ người cũ, mặc lấy người mới thì chúng ta mới có thể đắc thắng trong cuộc chiến thuộc linh và hoàn tất cuộc chạy đua thuộc linh. Cởi bỏ người cũ là cởi bỏ mọi gánh nặng và cởi bỏ mọi cơ hội phạm tội. Mặc lấy người mới là mặc lấy sự công chính và sức toàn năng của Thiên Chúa.

2 Hãy nhìn vào Đức Chúa Jesus, Đấng Dẫn Đầu và Đấng Kết Thúc của đức tin, Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước Ngài mà chịu đựng thập tự giá, xem thường sự sỉ nhục, và được ngồi bên phải ngai của Đức Chúa Trời.

Bước thứ ba để có thể chạy được đến đích là chúng ta phải nhìn vào Đức Chúa Jesus. Ở đây, chúng ta thấy Đức Thánh Linh không dùng danh xưng Đức Chúa Jesus Christ mà dùng danh xưng Đức Chúa Jesus. Khi Thánh Kinh đề cập đến danh hiệu “Christ” là nhấn mạnh đến mục vụ của Đức Chúa Jesus và kết quả của mục vụ ấy [1]. Mục vụ của Ngài là:

  • Rao giảng Tin Lành, bày tỏ cho thế gian biết về Đức Chúa Trời và ý muốn của Đức Chúa Trời, qua chức vụ tiên tri.
  • Dâng chính thân thể mình lên Đức Chúa Trời làm của lễ chuộc tội cho loài người, qua chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm.
  • Cai trị Hội Thánh trong hiện tại và cai trị Vương Quốc Trời trong tương lai, qua chức vụ vua.

Khi Thánh Kinh chỉ đề cập tên “Jesus” là nhấn mạnh đến đời sống yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài.

Nhìn vào Đức Chúa Jesus là nhìn vào đời sống của Ngài để bắt chước Ngài, như Phao-lô đã bắt chước Ngài:

“Các anh chị em hãy bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

Phao-lô chẳng những bắt chước Đức Chúa Jesus về nếp sống yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài mà ông còn bắt chước Ngài trong mục vụ, qua sự ông tận tụy rao giảng Tin Lành, hết lòng chăn dắt các Hội Thánh, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi của bản thân để làm tròn mục vụ, và cai trị chính mình một cách nghiêm khắc.

Khi chúng ta bắt chước Đức Chúa Jesus thì chúng ta cũng bắt chước Đức Chúa Trời theo lời kêu gọi của Đức Thánh Linh:

“Vậy, các anh chị em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như những con cái rất yêu dấu của Ngài.” (Ê-phê-sô 5:1).

Vì Đức Chúa Jesus là một với Đức Chúa Trời và trong Ngài đầy trọn thể trạng của Thiên Chúa, nên bắt chước Đức Chúa Jesus cũng chính là bắt chước Đức Chúa Trời:

“Ta và Cha, Chúng Ta là một!” (Giăng 10:30).

“Vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. [Thể trạng = bản thể và bản tính.]” (Cô-lô-se 2:9).

Nhìn vào Đức Chúa Jesus còn là nhìn vào Ngài như mục đích của đời sống và nguồn năng lực để hoàn thành cuộc chiến và cuộc đua thuộc linh của chúng ta. Ngài là “Đấng Dẫn Đầu và Đấng Kết Thúc” của đức tin. Vì bởi Ngài mà chúng ta có nhận thức về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời để chúng ta tin và được cứu rỗi. Chính Ngài dạy dỗ chúng ta, dẫn chúng ta đến đức tin vào Đức Chúa Trời, và nêu gương đức tin cho chúng ta, nên Ngài là Đấng Dẫn Đầu đức tin của chúng ta. Chính Ngài cũng là Đấng Kết Thúc đức tin của chúng ta khi chúng ta qua đời và được vào trong thiên đàng, đối diện với Ngài; hoặc khi chúng ta được biến hóa, được cất lên và gặp Ngài giữa chốn không trung. Khi đã được ở trong thiên đàng, mặt đối mặt với Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta không cần đức tin nữa, vì chúng ta đã thấy Đấng mà chúng ta tin, đã thấy những sự mà chúng ta tin.

Nhìn vào Đức Chúa Jesus còn là nhìn vào tấm gương chịu khổ của Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Trời và nhìn vào sự ban thưởng của Đức Chúa Trời cho người chịu khổ để làm thành ý muốn của Đức Chúa Trời.

Là con dân Chúa, mỗi khi chúng ta chịu khổ để sống theo Lời Chúa, để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời thì chúng ta luôn nhìn thấy bằng con mắt thuộc linh sự vui mừng mà Đức Chúa Trời đã đặt trước chúng ta. Đó là sự vui mừng được biết rằng, Đức Chúa Trời đẹp ý về đức tin và lòng vâng phục của chúng ta; được biết rằng, kết quả sự chịu khổ của chúng ta làm tôn vinh Thiên Chúa và mang lại kết quả tốt đẹp còn đến đời đời; và được biết rằng, kết quả ấy cũng chính là sự vinh quang của chúng ta trong đời sau (Khải Huyền 19:8). Vậy, chúng ta cần noi gương của Đức Chúa Jesus, vui mừng chịu khổ để sống theo Lời Chúa, xem thường mọi sự thương tổn, mọi sự thiệt hại, mọi sự sỉ nhục. Vì chắc chắn một ngày không còn bao lâu nữa, chúng ta sẽ nhận được sự ban thưởng xứng đáng từ Đức Chúa Trời, là sự sống đời đời và sự đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Trời.

3 Vậy, các anh chị em hãy nghĩ đến Đấng đã kiên trì trước sự những kẻ tội lỗi đối nghịch Ngài dường ấy, kẻo các anh chị em mỏi mệt, nao sờn trong linh hồn của các anh chị em.

Bước sau cùng để có thể chạy được đến đích là chúng ta phải luôn nghĩ đến Đức Chúa Jesus và sự kiên trì chịu khổ của Ngài, khi Ngài đối diện với những kẻ chống nghịch Ngài. Nhờ đó, chúng ta được an ủi và khích lệ những khi chúng ta phải đối diện với những người thù nghịch chúng ta, với những nghịch cảnh mà Chúa cho phép xảy đến. Hãy luôn ghi nhớ rằng:

  • Chẳng có một điều gì xảy đến cho chúng ta mà không bởi thánh ý của Đức Chúa Trời.

“Không phải hai con chim sẻ bị bán với giá một đồng xu sao? Nhưng không một con nào trong chúng rơi xuống đất mà không bởi ý của Cha các ngươi.” (Ma-thi-ơ 10:29).

  • Chẳng có một điều gì xảy đến cho chúng ta mà không làm ích lợi cho chúng ta.

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

  • Chẳng có một sự cám dỗ hay thử thách nào sẽ quá sức chịu đựng của chúng ta, và Đức Chúa Trời sẽ mở đường cho chúng ta ra khỏi, cho dù có khi con đường để ra khỏi đó là sự chết của thân thể xác thịt này.

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Đời sống trong Đấng Christ là đời sống của một người đã thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Thiếu một trong ba yếu tố trên đây thì một người không thể nào sống trong Đấng Christ. Thành ngữ “sống trong Đấng Christ” có nghĩa là:

  • Sống trong đức tin vào mọi lời giảng dạy của Đấng Christ.
  • Sống trong sự thể hiện đức tin ấy thành hành động, thành nếp sống mỗi ngày.
  • Sống trong sự hiệp một với mọi chi thể của Hội Thánh.

Đời sống trong Đấng Christ là một cuộc chiến thuộc linh, vì con dân Chúa luôn phải chống trả mọi sự tấn công khốc liệt của ma quỷ lẫn của những người không tin Chúa. Ma quỷ, bao gồm chính Sa-tan và các thiên sứ phạm tội, ở dưới quyền của Sa-tan. Chúng luôn cám dỗ con dân Chúa phạm tội hoặc bách hại họ. Vì ma quỷ chỉ muốn phá hoại những sự tốt lành của Thiên Chúa và làm khổ những ai vâng phục Thiên Chúa. Những người không tin Chúa bách hại con dân Chúa vì con dân Chúa không có nếp sống giống họ, hoặc họ bị ma quỷ lợi dụng để làm khổ con dân Chúa. Nhưng đời sống trong Đấng Christ cũng là một cuộc chạy đua thuộc linh, vì con dân Chúa tận dụng thời gian còn lại trong thân thể xác thịt đang chết này để hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người. Đây là cuộc chạy đua với thời gian mà ai nấy gắng sức hoàn thành những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình (Ê-phê-sô 2:10), trước khi ra khỏi thế gian này.

Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 12:1-3 dạy chúng ta rằng, để có thể hoàn thành cuộc chạy đua thuộc linh một cách tốt đẹp:

  • Chúng ta phải bỏ đi mọi gánh nặng và bỏ đi mọi tội lỗi bao vây chúng ta.
  • Chúng ta phải nhẫn nại sống theo Lời Chúa để hoàn thành mọi việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.
  • Chúng ta phải nhìn vào Đức Chúa Jesus, nhìn vào gương đức tin của Ngài và nhìn vào sự tiếp trợ năng lực từ chính Ngài.
  • Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Chúa Jesus và sự kiên trì của Ngài, trong khi Ngài đối diện với những kẻ chống nghịch Ngài, để chúng ta được an ủi và khích lệ mỗi khi chúng ta đối diện với nghịch cảnh.

Nguyện bài học này sẽ giúp ích nhiều cho mỗi con dân Chúa. Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bài học này.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/08/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Tình Yêu”
https://karaokethanhca.net/chua-tinh-yeu/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.