Chú Giải II Cô-rinh-tô 04:07-18 Sức Mạnh của Đức Tin Trong Xác Thịt

3,689 views

YouTube: https://youtu.be/9Ur3cAcMUDw

Chú Giải II Cô-rinh-tô 4:7-18
Sức Mạnh của Đức Tin Trong Xác Thịt

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 4:7-18

7 Nhưng chúng tôi có của báu này trong những chậu bằng đất, để cho sự vượt trội của năng lực là của Đức Chúa Trời, chứ không phải ra từ chúng tôi.

8 Chúng tôi bị ép trong mọi sự nhưng không bị căng thẳng; bị cùng đường nhưng không tuyệt vọng;

9 bị bách hại nhưng không bị bỏ quên; bị ném xuống nhưng không bị hủy diệt.

10 Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jesus trong thân thể, để cho sự sống của Đức Chúa Jesus cũng tỏ ra trong thân thể của chúng tôi.

11 Vì chúng tôi, những người đang sống, qua Đức Chúa Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết, để cho sự sống của Đức Chúa Jesus được tỏ ra trong xác thịt sẽ chết của chúng tôi.

12 Vậy nên, sự chết thực tế tác động trong chúng tôi, còn sự sống tác động trong các anh chị em.

13 Vì chúng tôi có cùng một thần trí của đức tin, y như lời đã được chép: Ta đã tin, cho nên ta nói [Thi Thiên 116:10]. Cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên chúng tôi nói.

14 Chúng tôi đã biết rằng, Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus sống lại cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại bởi Đức Chúa Jesus, và sẽ trình ra chúng tôi cùng với các anh chị em.

15 Vì mọi sự qua các anh chị em là để cho ân điển thêm lên qua sự cảm tạ của nhiều người càng dư dật cho sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

16 Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng. Nhưng nếu ngay cả người bề ngoài của chúng ta bị băng hoại thì người bề trong được đổi mới từng ngày.

17 Vì sự tạm thời của sự hoạn nạn nhẹ của chúng ta sinh cho chúng ta sự vô cùng cao trọng và vĩnh hằng của sự vinh quang.

18 Chúng ta chẳng nhìn xem những sự thấy được nhưng những sự không thấy được. Vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà những sự không thấy được là vĩnh hằng.

Điều quan trọng và cần thiết nhất đối với mỗi một người được sinh ra trong cuộc đời này là có đức tin nơi Thiên Chúa. Có đức tin nơi Thiên Chúa là tin rằng, Thiên Chúa có thật, đồng thời tin vào những lời phán và những việc làm của Ngài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật. Sự Thiên Chúa có thật đã được chính Ngài tỏ ra trong tâm thần của mỗi người (Rô-ma 1:19-20). Những lời phán của Ngài phần thì Ngài phán trực tiếp với một số người, phần thì được những người ấy ghi lại trong Thánh Kinh. Còn những việc làm của Thiên Chúa vừa thể hiện trong cõi thiên nhiên, trong lịch sử của loài người, vừa được ghi lại trong Thánh Kinh.

Người có đức tin nơi Thiên Chúa thì có sức mạnh đến từ Thiên Chúa để giúp người ấy có thể sống đúng theo Lời Chúa, và làm trọn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy. II Cô-rinh-tô 4:7-18 dạy cho chúng ta về sức mạnh của đức tin trong thân thể xác thịt của chúng ta.

7 Nhưng chúng tôi có của báu này trong những chậu bằng đất, để cho sự vượt trội của năng lực là của Đức Chúa Trời, chứ không phải ra từ chúng tôi.

Danh từ “những chậu bằng đất” được dùng để gọi thân thể xác thịt của loài người. Thân thể xác thịt của loài người được Thiên Chúa làm ra từ bụi đất; và trong thân thể xác thịt có thân thể thiêng liêng là tâm thần cùng bản ngã là linh hồn.

Danh từ “sự vượt trội” (G5236) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là sự ném xa hơn, như được dùng trong môn thi đấu ném tạ; có nghĩa bóng là xuất sắc, vượt trên mọi tiêu chuẩn.

“Của báu này” chính là Tin Lành. Trong Ma-thi-ơ 13:44, Đức Chúa Jesus Christ đã ví Vương Quốc Trời như của báu được chôn trong một thửa ruộng. Vì Tin Lành dẫn loài người vào trong sự cứu rỗi để được hưởng Vương Quốc Trời, nên Tin Lành cũng chính là của báu.

Trong thân thể xác thịt của Phao-lô và các bạn của ông có của báu là Tin Lành, vì ông và các bạn của ông đã tin nhận Tin Lành, sống theo sự dạy dỗ của Tin Lành, nhận được lời hứa về sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời. Tin Lành hoàn toàn tác động đến mọi sinh hoạt của thân thể xác thịt, khi mọi sự thân thể xác thịt làm ra đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa:

“Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:13).

“Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:20).

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

“Sự vượt trội của năng lực” là năng lực vượt quá sức mạnh của loài người, nhờ đó, loài người có sức chịu đựng khác thường, hoặc có năng lực làm ra những phép lạ. Loài người có năng lực nhưng khi năng lực trong con dân Chúa vượt trội, thì đó chính là sự tác động của Đấng Thần Linh trong thân thể họ, bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời.

Về sự chịu đựng khác thường, trong Cựu Ước ghi lại sự kiện Môi-se hai lần trải qua 40 ngày và 40 đêm không ăn, không uống, và có lẽ cũng không ngủ (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:18; 34:28); Tiên Tri Ê-li đi suốt 40 ngày và 40 đêm từ Bê-e-sê-ba cho đến núi Hô-rếp (I Các Vua 19:8). Trong Tân Ước ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus Christ kiêng ăn 40 ngày và 40 đêm trong đồng vắng, trước khi Ngài thi hành chức vụ rao giảng Tin Lành (Ma-thi-ơ 4:2; Lu-ca 4:2). Còn về phép lạ thì từ Cựu Ước đến Tân Ước đều ghi lại rất nhiều sự kiện do loài người làm ra, mà ngay cả khoa học thời nay cũng không thể giải thích. Tuy nhiên, có lẽ năng lực vượt trội thực dụng nhất của Phao-lô và các bạn của ông chính là năng lực chịu khổ để giảng Tin Lành.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ là Sa-tan cùng các quỷ sứ của nó cũng có thể ban cho những kẻ thờ phượng chúng sự vượt trội của năng lực, để họ có sức chịu đựng không bình thường, hoặc có thể làm ra một số phép lạ. Ngoài ra, còn có những trường hợp gọi là thần đồng mà thực tế chỉ là sự tác động của tà linh trên một số trẻ con. Thánh Kinh ghi lại trường hợp Giăng Báp-tít được đầy dẫy thánh linh ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ (Lu-ca 1:15). Điều đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, những cặp vợ chồng thờ lạy thần tượng, ma quỷ, cầu khẩn các tà thần cho sự mang thai, dâng cúng con của họ cho tà thần… thì con cái của họ có thể bị ma quỷ chiếm hữu và tác động qua chúng, để làm ra những việc phi thường.

8 Chúng tôi bị ép trong mọi sự nhưng không bị căng thẳng; bị cùng đường nhưng không tuyệt vọng;

9 bị bách hại nhưng không bị bỏ quên; bị ném xuống nhưng không bị hủy diệt.

Động từ “ép” (G2346) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là ép như ép nho để lấy nước cốt nho, làm rượu, hoặc bị kéo thẳng thành một đường hẹp; nghĩa bóng là bị rơi vào nghịch cảnh.

“Bị ép trong mọi sự” hàm ý luôn bị rơi vào nghịch cảnh. Lời tâm sự của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 11:23-27 giúp cho chúng ta dễ hình tưởng như thế nào là bị ép trong mọi sự:

  • Làm việc nhiều hơn những người khác.
  • Chịu khó nhọc nhiều hơn những người khác.
  • Ở tù nhiều hơn những người khác.
  • Bị đánh đòn tám lần.
  • Bị ném đá gần chết một lần.
  • Bị chìm tàu ba lần.
  • Nhiều lần bị nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy giữa dân Do-thái, nguy với các dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với những anh chị em cùng Cha giả dối.
  • Chịu khó, chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói và khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.

Dù luôn phải đối diện với nghịch cảnh nhưng Phao-lô và các bạn của ông không hề bị căng thẳng. Có nghĩa là họ có sự bình an của Đấng Christ trong lòng họ:

“Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối và cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Phao-lô cũng đã ghi lại cách thức để không bị căng thẳng, khi bị ép trong mọi sự, như sau:

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

“Bị cùng đường” là khi không còn nhìn thấy lối thoát ra khỏi nghịch cảnh. Phao-lô và các bạn của ông đã trải qua nhiều nghịch cảnh mà trong đó có những lúc không còn nhìn thấy đường thoát, để bảo tồn mạng sống, như khi ông và các bạn của ông bị chìm tàu, phải ở trong lòng biển một ngày, một đêm (II Cô-rinh-tô 11:25). Dù vậy, Phao-lô và các bạn của ông vẫn không mất hy vọng được giải cứu bởi Chúa. Có lẽ lần bị cùng đường sau cùng của Phao-lô là khi ông đối diện với hình phạt bị lính La-mã chém đầu, vì rao giảng Tin Lành. Khi ấy, Phao-lô đã không còn con đường sống, nhưng ông vẫn không tuyệt vọng. Vì bởi đức tin, Phao-lô biết rằng, cái chết chỉ là phương tiện đưa ông vào trong thiên đàng để gặp Chúa và mãi mãi ở bên cạnh Chúa, hoàn thành sự khao khát của lòng ông (Phi-líp 1:23).

Khi Phao-lô và các bạn của ông bị bách hại, bị đánh đập, bị ném đá, bị nhốt tù, có thể những người thân quen không thể tiếp cận; nhưng Chúa vẫn không bỏ quên họ. Khi Phao-lô và các bạn của ông bị hạ nhục, bị coi khinh, như rác rưởi bị ném xuống đất và bị chà đạp, thì Chúa vẫn bảo tồn họ. Cuối cùng, khi kẻ thù lấy đi mạng sống của họ thì cũng không thể hủy diệt họ, vì họ đã là những người vượt khỏi sự chết vào trong sự sống (Giăng 5:24; I Giăng 3:14).

10 Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jesus trong thân thể, để cho sự sống của Đức Chúa Jesus cũng tỏ ra trong thân thể của chúng tôi.

“Mang sự chết của Đức Chúa Jesus trong thân thể” là vì danh Chúa mà mang lấy mọi dấu vết từ sự bách hại của thế gian, từ mọi gian nan, nghịch cảnh trên thân thể xác thịt. Phao-lô đã tâm sự với Hội Thánh tại Cô-lô-se:

“Nay, tôi vui mừng trong sự thương khó của tôi thay cho các anh chị em. Tôi lại vì thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh, mà đổ đầy trong xác thịt của tôi những gì còn lại trong sự bị bách hại của Ngài.” (Cô-lô-se 1:24).

“Sự sống của Đức Chúa Jesus” trong câu này bao gồm các nghĩa sau đây:

  • Nếp sống của người được dựng nên mới trong Đấng Christ, đầy dẫy thánh linh, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.
  • Nếp sống phản chiếu sự vinh quang của Thiên Chúa, thể hiện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa.
  • Sức sống mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ; nhưng nhu mì và khiêm nhường, làm tròn mọi việc lành đã được Đức Chúa Trời giao phó.

“Để cho sự sống của Đức Chúa Jesus cũng tỏ ra trong thân thể” là để các điều trên đây thể hiện qua nếp sống mỗi ngày, qua từng lời nói, từng việc làm.

11 Vì chúng tôi, những người đang sống, qua Đức Chúa Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết, để cho sự sống của Đức Chúa Jesus được tỏ ra trong xác thịt sẽ chết của chúng tôi.

“Những người đang sống” hàm ý, sự sống của thân thể xác thịt.

“Qua Đức Chúa Jesus” là trong danh của Đức Chúa Jesus; vì có đức tin nơi Đức Chúa Jesus; vì rao giảng Tin Lành về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

“Hằng bị nộp cho sự chết” là thường xuyên bị rơi vào nghịch cảnh, nguy hiểm đến mạng sống.

“Xác thịt sẽ chết” có nghĩa là thân thể xác thịt của loài người đã bị định cho sự chết, tức là sự bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn, để trở về với bụi đất. Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ là một số người không trải qua sự chết của thân thể xác thịt, nhưng thân thể xác thịt được biến hóa thành thân thể siêu vật chất (I Cô-rinh-tô 15:52).

Thân thể xác thịt sẽ chết nên chỉ là sự tạm thời nhưng lại có thể chiếu ra sự sống của Đấng Christ, là vì trong thân thể ấy có đức tin nơi Thiên Chúa, đức tin vào Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa.

12 Vậy nên, sự chết thực tế tác động trong chúng tôi, còn sự sống tác động trong các anh chị em.

“Sự chết” trong câu này hàm ý, sự chết của thân thể xác thịt.

“Sự sống” trong câu này hàm ý sự sống của Đức Chúa Jesus, là sự: đầy dẫy thánh linh; vâng phục Thiên Chúa; chiếu sáng tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa qua nếp sống; thắng mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ; luôn nhu mì, khiêm nhường, và hoàn thành mọi việc lành đã được giao phó.

Bởi sự chịu khổ trên thân thể xác thịt của Phao-lô và các bạn của ông, những người phục vụ Giao Ước Mới trong chức vụ, mà con dân Chúa tại Cô-rinh-tô kinh nghiệm được sự sống của Đức Chúa Jesus tác động trong họ. Sự sống của Đức Chúa Jesus tác động trong họ có nghĩa là sự sống ấy khiến cho họ trở nên giống như Đức Chúa Jesus.

13 Vì chúng tôi có cùng một thần trí của đức tin, y như lời đã được chép: Ta đã tin, cho nên ta nói [Thi Thiên 116:10]. Cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên chúng tôi nói.

“Thần trí của đức tin” có nghĩa là sự hiểu biết trong tâm thần về đức tin nơi Thiên Chúa. Đức tin nơi Thiên Chúa là đức tin về sự thực hữu của Thiên Chúa, về ý muốn và việc làm của Thiên Chúa.

“Có cùng một thần trí của đức tin” có nghĩa là có cùng sự hiểu biết về đức tin như tác giả của Thi Thiên 116. Tác giả Thi Thiên 116 đã ở trong hoàn cảnh vô cùng buồn thảm, bị vây phủ bởi sự chết; nhưng ông vẫn vững đức tin nơi Thiên Chúa. Ông trông chờ sự cứu rỗi từ Thiên Chúa để được Ngài giải cứu linh hồn của ông khỏi sự chết, mắt của ông khỏi giọt lệ, và chân của ông khỏi sự vấp ngã. Ông cũng tin và hiểu rằng, cho dù Thiên Chúa để cho ông chết, thì sự chết của ông cũng là điều quý báu đối với Thiên Chúa.

Vì có đức tin nơi Thiên Chúa và có sự hiểu biết về đức tin nên Phao-lô và các bạn của ông đã dạn dĩ rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, và tâm tình với con dân Chúa. Không một lời nói nào ra từ môi miệng của họ mà không bởi thần trí của đức tin.

Có một điều đáng buồn là trong vòng con dân Chúa lại có những người không có thần trí của đức tin. Có thể những người ấy thật lòng tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa và tin vào sự cứu rỗi của Ngài. Nhưng họ lại không có sự hiểu biết về ý muốn và việc làm của Ngài, dẫn đến sự nghi ngờ và lòng vô tín về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho họ. Vì thế, khi đối diện với nghịch cảnh, họ mở miệng oán trách Chúa, chẳng khác nào dân I-sơ-ra-ên xưa kia thường xuyên oán trách Chúa trong đồng vắng. Thậm chí, có người còn so sánh Chúa với các tà thần. Họ nói rằng, theo Chúa sao nghèo khổ, khó khăn quá; còn những người theo thần linh của các tôn giáo thì lại giàu có, sung sướng. Thiên Chúa sẽ đối xử với những người như vậy, theo những lời mà Ngài đã nghe họ nói:

“Hãy nói với chúng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Ta hằng sống! Theo như các ngươi đã nói trong tai Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy.” (Dân Số Ký 14:28).

Cho dù họ có kịp thời ăn năn thì họ cũng sẽ trở nên giống như Giăng Báp-tít, không có phần thưởng trong Vương Quốc Trời (Ma-thi-ơ 11:11).

Đời sống trong thân thể xác thịt của chúng ta luôn có nhu cầu vật chất, và nhu cầu vật chất là nan đề lớn nhất đối với sự sống của thân thể vật chất. Tuy nhiên, là con dân Chúa, là những con trai và con gái của Đức Chúa Trời, chúng ta đã có lời hứa chắc chắn của Chúa, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 6:24-34, nên chúng ta không cần phải lo lắng như những người không có Chúa. Vì khi chúng ta thật sự tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho chúng ta (Ma-thi-ơ 6:33).

Đối với người thật sự tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì người ấy luôn trọn lòng tin kính Thiên Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, dâng trình mọi nhu cầu của mình lên Đức Chúa Trời, làm trọn mọi bổn phận, và trông chờ sự ban cho, sự tiếp trợ, và sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Người ấy khi bị ép mọi bề cũng không căng thẳng, khi cùng đường cũng không thất vọng, khi bị bách hại vẫn nhận biết sự hiện diện của Chúa trong mình và bên cạnh mình, khi bị cả thế gian khinh khi và ghét bỏ vẫn biết mình là con của Đức Chúa Trời, có sự sống đời đời. Người ấy chẳng những có cùng một thần trí của đức tin với tác giả Thi Thiên 116 mà cũng có cùng một thần trí đức tin với Gióp, để có thể nói rằng: “Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15). Người ấy sẽ làm theo lời dạy của Đức Thánh Linh trong mọi hoàn cảnh:

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh là điều dường như khó hiểu. Nhưng nếu chúng ta tin vào lời phán của Đức Thánh Linh trong Rô-ma 8:28 rằng, “Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài”, thì chúng ta tin và hiểu rằng, mỗi một nghịch cảnh Đức Chúa Trời cho phép xảy ra trong đời sống của chúng ta đều là vì sự lợi ích của chúng ta.

14 Chúng tôi đã biết rằng, Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus sống lại cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại bởi Đức Chúa Jesus, và sẽ trình ra chúng tôi cùng với các anh chị em.

Động từ “trình ra” (G3936) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: có mặt, xuất hiện, hoặc trình diện một người để người khác thấy và xét hỏi.

“Bởi Đức Chúa Jesus” là bởi thẩm quyền và năng lực của Đức Chúa Jesus. Chúng ta cần luôn ghi nhớ, Đức Chúa Jesus hoàn toàn là một người, nhưng Ngài cũng hoàn toàn là Thiên Chúa. Thân vị loài người của Ngài đã được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu “Đức Chúa Trời” (Phi-líp 2:9; Hê-bơ-rơ 1:8, 9); và Ngài toàn quyền thay cho Đức Chúa Trời, cai trị Vương Quốc Trời. Bởi thánh ý của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus sẽ khiến cho thân thể xác thịt của những người thuộc về Đức Chúa Trời được sống lại hoặc được biến hóa, vinh quang và bất tử, giống như thân thể phục sinh của chính Ngài.

Đức Chúa Trời là Đấng đã làm cho thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus sống lại cũng sẽ làm cho Phao-lô và các bạn của ông được sống lại bởi Đức Chúa Jesus. Và Đức Chúa Trời sẽ đặt để Phao-lô và các bạn của ông bên cạnh con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, trong ngày thân thể xác thịt phục sinh vinh quang của họ xuất hiện trước Ngài, trong thiên đàng. Sự đặt để đó là sự Đức Chúa Trời trình diện những người phục vụ Giao Ước Mới trong chức vụ cùng với thành quả của họ, trước ngai của Ngài, để chứng minh ý muốn của Ngài về Hội Thánh đã được hoàn thành cách tốt đẹp.

Với ý nghĩa của câu 14, chúng ta hiểu rằng, một ngày kia, những người rao giảng Tin Lành, những người chăn dắt Hội Thánh của Chúa, sẽ cùng được đặt để bên cạnh những người tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của họ, bên cạnh những người được họ nuôi dưỡng bằng Lời Chúa; và hết thảy được trình ra trước Đức Chúa Trời. Điều này gợi cho chúng ta ý tưởng, những người từng cùng nhau phụng sự Chúa trong đời này vẫn sẽ có cơ hội cùng nhau phụng sự Chúa trong Vương Quốc Trời; con dân Chúa trong Hội Thánh địa phương đời này vẫn có cơ hội gần nhau trong đời sau.

15 Vì mọi sự qua các anh chị em là để cho ân điển thêm lên qua sự cảm tạ của nhiều người càng dư dật cho sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

“Mọi sự qua các anh chị em” hàm ý, tất cả những sự ban cho của Đức Chúa Trời và tất cả ý nghĩ, lời nói, và việc làm của con dân Chúa được thể hiện qua con dân Chúa. Sự ban cho của Đức Chúa Trời bao gồm ơn sáng tạo, ơn cứu rỗi, và ơn quan phòng. Quan phòng có nghĩa là bảo vệ và chăm sóc.

Khi con dân Chúa nhận thức những sự ban cho của Đức Chúa Trời, tin kính Chúa, vâng phục Chúa, và phụng sự Chúa qua nếp sống mỗi ngày thì họ sẽ hiểu biết Chúa càng hơn, biết ơn Chúa càng hơn, và cảm tạ Chúa càng hơn. Con dân Chúa càng dâng lời cảm tạ Chúa thì càng tôn cao sự vinh quang của Đức Chúa Trời, tức càng chiếu sáng tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa.

Khải Huyền 5:8 nói đến 24 trưởng lão trong Hội Thánh có bát bằng vàng đựng đầy hương là những lời cầu nguyện của các thánh đồ. Lời ấy có nghĩa là những lời tôn vinh và cảm tạ của con dân Chúa trong Hội Thánh được dâng lên Chúa như một thức hương thơm dành riêng cho Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:34-38). Không một ai ngoài Thiên Chúa xứng đáng với những lời tôn vinh và cảm tạ ấy.

16 Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng. Nhưng nếu ngay cả người bề ngoài của chúng ta bị băng hoại thì người bề trong được đổi mới từng ngày.

17 Vì sự tạm thời của sự hoạn nạn nhẹ của chúng ta sinh cho chúng ta sự vô cùng cao trọng và vĩnh hằng của sự vinh quang.

“Vậy nên” hàm ý, vì tất cả những gì đã được trình bày từ câu 7 đến câu 15.

Đại danh từ “chúng ta” được dùng để chỉ chung mọi con dân Chúa.

Vì trong mỗi con dân Chúa:

  • Có đức tin nơi Thiên Chúa, có sự hiểu biết về ý muốn và việc làm của Đức Chúa Trời.
  • Có Tin Lành cao quý của Thiên Chúa tác động, khiến cho họ có năng lực siêu nhiên để sống theo Lời Chúa, và phụng sự Chúa qua mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người (Ê-phê-sô 2:10).
  • Phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa qua nếp sống mới trong Đấng Christ.

Nên con dân Chúa không hề ngã lòng trước bất cứ nghịch cảnh nào. Thân thể xác thịt hiện tại là thân thể xác thịt đang chết để được phục sinh thành một thân thể xác thịt siêu vật chất, vinh quang và bất tử. Tất cả những nghịch cảnh tác động lên thân thể xác thịt hiện tại khiến cho nó bị đau yếu, tổn thương, và thậm chí bị chết cũng đều là giúp ích cho con người bên trong, tức tâm thần là thân thể thiêng liêng và linh hồn là bản ngã của chúng ta. Thân thể xác thịt càng chịu khổ vì danh Chúa bao nhiêu thì thân thể thiêng liêng và linh hồn càng hiểu biết Chúa càng hơn và càng giống Chúa càng hơn, theo thời gian.

Thay vì ngã lòng trong nghịch cảnh, con dân Chúa càng vững vàng trong đức tin càng hơn. Con dân Chúa tin và hiểu rằng, con dân Chúa phải chịu khổ vì danh Chúa. Đó là ý nghĩa của sự tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Chúa (Lu-ca 9:23). Con dân Chúa cũng tin và hiểu rằng, sự chịu khổ chỉ là tạm thời để được Đức Chúa Trời làm cho trở nên trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập trong vinh quang đời đời:

“Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài…” (Phi-líp 1:29).

“Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Chữ “cao trọng” trong câu 17 trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ có nghĩa đen là “sức nặng”, được dùng để đối với chữ “nhẹ”. Mọi nghịch cảnh trong đời sống hiện tại của con dân Chúa chỉ là “nhẹ” và tạm thời. Còn sự vinh quang của con dân Chúa, kết quả từ sự chịu khổ của họ là “nặng” và còn mãi.

18 Chúng ta chẳng nhìn xem những sự thấy được nhưng những sự không thấy được. Vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà những sự không thấy được là vĩnh hằng.

Động từ “nhìn xem” (G4648) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là ngắm nhìn như ngắm nhìn một mục tiêu; ngắm nhìn để đánh dấu; ngắm nhìn để theo dõi và tìm hiểu. Theo văn mạch, ý nghĩa được dùng trong câu 18 là ngắm nhìn để hiểu và có hành động thích ứng.

“Những sự thấy được” là những sự xảy ra trong thế giới vật chất mà chúng ta có thể quan sát bằng con mắt thuộc thể, bao gồm những tai ương, hoạn nạn, tật bệnh, nghèo khó, khốn khổ… Những sự ấy chỉ là tạm thời, được Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để rèn luyện hoặc sửa phạt chúng ta, rồi chúng sẽ qua đi.

“Những sự không thấy được” là những sự xảy ra trong thế giới thuộc linh mà chúng ta chỉ có thể quan sát bằng con mắt thuộc linh, tức là sự nhận thức của tâm thần, về sự vinh quang trên mọi phương diện của Vương Quốc Trời, là những sự còn lại đời đời. Trên hết những sự không thấy được là Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi đức tin, trong thần trí, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

“Nhưng, như có chép rằng: Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, cũng chưa nổi lên trong lòng người những sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai yêu Ngài. [Ê-sai 64:4] Đức Chúa Trời đã bởi Đấng Thần Linh của Ngài bày tỏ cho chúng ta. Vì Đấng Thần Linh dò xét mọi sự, cả những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 2:9-10).

“Những sự ấy chúng ta cũng không nói trong những lời mà sự khôn sáng của loài người đã dạy, nhưng nói trong những lời mà thánh linh đã dạy, giãi bày những sự thiêng liêng bởi những lời thiêng liêng.” (I Cô-rinh-tô 2:13).

Con dân Chúa sống và hành xử dựa theo sự nhận thức trong thần trí chứ không dựa vào những gì có thể quan sát bằng con mắt xác thịt. Đối với con dân Chúa, mọi sự xảy ra trong cuộc sống đều phải được đối chiếu với Lời Chúa là Thánh Kinh, để có sự nhận thức đúng và sự ứng xử đúng.

Một người chỉ có thể nhìn thấy những sự không thấy được khi người ấy có đức tin nơi Thiên Chúa, đức tin vào ý muốn và việc làm của Đức Chúa Trời. Đức tin khiến cho chúng ta hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, và kết quả sự thực hữu của chúng ta. Đức tin khiến cho chúng ta tận dụng năng lực của Thiên Chúa đã đổ đầy trong chúng ta (được gọi là đầy dẫy thánh linh) để sống đắc thắng và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, sẵn sàng cho ngày Đấng Christ đến để đem chúng ta vào trong thiên đàng, vào trong sự vui sống và đồng trị đời đời với Ngài trong Vương Quốc Trời.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/09/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Cùng Con Chung Bước”
https://karaokethanhca.net/chua-cung-con-chung-buoc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.