Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 19:01-20 Phao-lô tại Ê-phê-sô…

1,412 views

YouTube: https://youtu.be/MVsO2WMaUJs

44045 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1-20
Phao-lô tại Ê-phê-sô
Mấy Kẻ Mạo Danh Chúa Đuổi Quỷ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Ba của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/04/HanhTrinhTruyenGiao_3.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1-20

1 Đã xảy ra, khi A-bô-lô ở tại thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã đi qua các miền trên, đến tận thành Ê-phê-sô, và đã gặp mấy môn đồ kia.

2 Người đã nói với họ: Các anh em tin, nhưng có nhận được thánh linh không? Họ đã nói với người: Nhưng chúng tôi chưa nghe rằng, có thánh linh.

3 Người đã nói với họ: Vậy, các anh em đã chịu báp-tem vào trong sự gì? Họ đã trả lời: Vào trong phép báp-tem của Giăng.

4 Phao-lô đã nói: Thật, Giăng đã báp-tem với phép báp-tem về sự ăn năn tội, truyền cho dân chúng rằng, họ phải tin vào Đấng sẽ đến sau người, tức là tin vào Đấng Christ Jesus.

5 Khi họ đã nghe vậy, họ đã chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus.

6 Phao-lô đã đặt tay trên họ. Đức Thánh Linh đã đến trên họ. Họ đã nói các ngôn ngữ và đã nói tiên tri.

7 Hết thảy các người đàn ông đó là khoảng mười hai người.

8 Người đã đi vào trong nhà hội, dạn dĩ nói trong ba tháng, biện luận và khuyên dỗ những điều liên quan Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

9 Nhưng khi mấy kẻ bị cứng lòng và không tin, gièm chê Đạo trước đám đông, thì người đã rời khỏi họ; phân rẽ các môn đồ ra, biện luận mỗi ngày trong trường học của Ti-ra-nu kia.

10 Việc đó cứ tiếp tục trong hai năm, đến nỗi mỗi người cư trú trong cõi A-si đã nghe Lời của Đức Chúa Jesus; cả người Do-thái và người Hy-lạp.

11 Đức Chúa Trời đã làm những phép lạ khác thường qua tay của Phao-lô;

12 đến nỗi các chiếc khăn hoặc các tấm vải choàng từ thân thể của người đã được đem đặt trên những người bệnh, thì các chứng bệnh đã ra khỏi họ và các tà linh cũng đã ra khỏi họ.

13 Bấy giờ, có mấy người Do-thái trừ quỷ dạo kia đã đặt tay trên những người có tà linh, gọi danh của Đức Chúa Jesus rằng: Chúng ta truyền cho các ngươi bởi Jesus mà Phao-lô rao giảng.

14 Các kẻ đã làm việc đó là bảy con trai của Sê-va, một người Do-thái, là thầy tế lễ thượng phẩm.

15 Nhưng tà linh đã đáp lại rằng: Ta nhận biết Jesus, và ta biết về Phao-lô; nhưng các ngươi là ai?

16 Người đàn ông mà trong người có tà linh đã sấn vào chúng, trấn áp chúng, mạnh hơn chúng, đến nỗi chúng đã trần truồng và bị thương, trốn ra khỏi nhà đó.

17 Sự này đã được hết thảy những người Do-thái và những người Hy-lạp cư trú tại Ê-phê-sô biết. Sự sợ hãi đã giáng trên họ, và danh của Đức Chúa Jesus đã được tôn cao.

18 Nhiều người đã tin, đến, xưng tội và tỏ ra những việc làm của họ.

19 Một số người từng làm nghề phù phép đã gom những sách vở của họ đốt trước mọi người. Họ đã tính giá của chúng, thấy là năm mươi ngàn lượng bạc.

20 Vậy, với quyền năng, Lời của Đức Chúa Trời đã được thêm lên và mạnh mẽ.

Sau khi kết thúc hành trình truyền giáo lần thứ nhì vào mùa thu năm 52 và về lại An-ti-ốt, xứ Si-ri, Sứ Đồ Phao-lô đã ở lại An-ti-ốt một thời gian.

Vào mùa xuân năm 53, Phi-e-rơ đã đến thăm Hội Thánh tại An-ti-ốt, cùng tham dự các Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, và Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa với con dân Chúa tại đó. Vào lúc ấy, Ba-na-ba cũng đã có mặt tại An-ti-ốt. Lúc mới đến, Phi-e-rơ đã vui vẻ cùng ăn chung với con dân Chúa thuộc các dân ngoại. Nhưng khi có mấy con dân Chúa người I-sơ-ra-ên từ Giê-ru-sa-lem đến, thì Phi-e-rơ đã tránh ngồi ăn chung với con dân Chúa thuộc các dân ngoại. Vì ông sợ bị các con dân Chúa người I-sơ-ra-ên trách móc ông ngồi ăn chung với những người chưa chịu cắt bì. Việc làm đó của Phi-e-rơ đã làm gương xấu, khiến Ba-na-ba cũng bắt chước ông. Sứ Đồ Phao-lô đã lên tiếng, quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh tại An-ti-ốt (Ga-la-ti 2:11-14).

Khoảng cuối mùa xuân năm 53, Phao-lô đã từ An-ti-ốt viết thư, gửi cho con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti. Trong thư, ông đã nhắc đến việc Phi-e-rơ phạm lỗi, làm gương xấu, khiến cho Ba-na-ba bị vấp phạm.

Đầu mùa hè năm 53, Phao-lô đã bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ ba. Từ An-ti-ốt, Phao-lô đã đi đường bộ sang xứ Ga-la-ti. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về mục vụ rao giảng Tin Lành của Phao-lô tại Ê-phê-sô.

1 Đã xảy ra, khi A-bô-lô ở tại thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã đi qua các miền trên, đến tận thành Ê-phê-sô, và đã gặp mấy môn đồ kia.

Khi Phao-lô bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ ba thì A-bô-lô đã rời Ê-phê-sô và đến Cô-rinh-tô. Trước khi đến Ê-phê-sô, Phao-lô đã đi qua các miền phía trên Ê-phê-sô. Có thể, Phao-lô đã ghé thăm các Hội Thánh trong xứ Ga-la-ti mà ông và Ba-na-ba đã thiết lập, trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, từ năm 44 đến năm 46. Đó là các Hội Thánh tại An-ti-ốt (thuộc Bi-si-đi), I-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ. Lu-ca đã không ghi lại chi tiết cuộc ghé thăm các Hội Thánh tại Ga-la-ti của Phao-lô, trong hành trình truyền giáo lần thứ ba. Nhưng với tâm tình của Phao-lô đối với con dân Chúa và sự kiện Phao-lô cần phải nghỉ đêm trên hành trình, chúng ta có thể tin rằng, Phao-lô đã ghé thăm các Hội Thánh, cho dù ông không ở lại lâu.

Khi đến thành Ê-phê-sô, Phao-lô đã gặp được mấy người môn đồ của Đức Chúa Jesus. Danh từ “môn đồ” (G3101) được dùng ở đây là để chỉ về những người đã tin nơi Đức Chúa Jesus. Có thể họ là những người từng đến Giê-ru-sa-lem, được nghe giảng về Đức Chúa Jesus, hoặc họ đã được nghe giảng về Đức Chúa Jesus ngay tại Ê-phê-sô, và tin nhận. Cũng rất có thể họ là những người đã nghe A-bô-lô giảng, trước khi A-bô-lô gặp A-qui-la và Bê-rít-sin.

2 Người đã nói với họ: Các anh em tin, nhưng có nhận được thánh linh không? Họ đã nói với người: Nhưng chúng tôi chưa nghe rằng, có thánh linh.

Trong bài giảng đầu tiên của Sứ Đồ Phi-e-rơ, ngay sau khi Hội Thánh được Đức Chúa Jesus thành lập, vào ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27, Đức Thánh Linh đã qua môi miệng của ông, phán dạy rằng:

…Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).

Có nghĩa là sự ban cho Đức Thánh Linh như lời Đức Chúa Jesus đã phán trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:4-8 chỉ xảy ra, sau khi một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận mọi lời phán dạy của Đức Chúa Jesus.

Hối cải” tức là ăn năn tội, là ghét sự phạm tội và quyết tâm từ bỏ sự phạm tội.

Chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ” là chịu báp-tem đúng theo sự dạy dỗ của Ngài (Ma-thi-ơ 28:19), thể hiện đức tin nơi Ngài, để được nhúng chìm vào trong ơn tha thứ những tội lỗi của Đức Chúa Trời. Chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus khác với chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus.

Sự ban cho Đức Thánh Linh” là do Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus. Nghĩa là Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh cho con dân của Ngài, nhưng sự ban cho đó là bởi lời cầu xin của Đức Chúa Jesus, được ban cho trong danh của Đức Chúa Jesus, và được ban cho qua Đức Chúa Jesus (Giăng 14:16, 26; 15:26).

Chúng ta có thể hiểu rằng, khi Phao-lô hỏi các môn đồ này: “Các anh em tin, nhưng có nhận được thánh linh không?” Thì ông đã biết họ chưa nhận được thánh linh. Vì nếu họ đã nhận được thánh linh thì họ cùng một thánh linh với ông và ông đã nhận biết ngay. Chúng ta không thấy ông hỏi như vậy với A-qui-la hay Bê-rít-sin.

Các môn đồ này dù thật lòng tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ nhưng họ lại chưa nghe biết gì về sự Đức Thánh Linh được Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài.

3 Người đã nói với họ: Vậy, các anh em đã chịu báp-tem vào trong sự gì? Họ đã trả lời: Vào trong phép báp-tem của Giăng.

4 Phao-lô đã nói: Thật, Giăng đã báp-tem với phép báp-tem về sự ăn năn tội, truyền cho dân chúng rằng, họ phải tin vào Đấng sẽ đến sau người, tức là tin vào Đấng Christ Jesus.

Phao-lô đã hỏi tiếp rằng, họ đã được báp-tem vào trong sự gì. Câu trả lời của họ là họ đã được báp-tem vào trong phép báp-tem của Giăng. Giăng được nói đến ở đây là Giăng Báp-tít. Điều này giúp cho chúng ta hiểu rằng, có thể họ là những người I-sơ-ra-ên đã trực tiếp nghe Giăng Báp-tít rao giảng, tin và chịu báp-tem bởi Giăng Báp-tít hay bởi các môn đồ của Giăng Báp-tít.

Phép báp-tem do Giăng Báp-tít giảng và ông cùng các môn đồ của ông thi hành là phép báp-tem vào trong sự ăn năn tội để được tha tội. Phép báp-tem của Giăng Báp-tít tiêu biểu cho sự máu của Đức Chúa Jesus Christ sẽ rửa sạch tội cho những ai có lòng ăn năn, từ bỏ tội. Phép báp-tem đó là hình thức thể hiện tấm lòng của một người chán ghét tội, muốn từ bỏ tội để đón nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua Đấng Christ.

5 Khi họ đã nghe vậy, họ đã chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus.

6 Phao-lô đã đặt tay trên họ. Đức Thánh Linh đã đến trên họ. Họ đã nói các ngôn ngữ và đã nói tiên tri.

Chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus có nghĩa là chịu báp-tem vào trong sự chết và sự sống lại của Ngài, vào trong mọi sự giảng dạy của Ngài.

Có hai trường hợp người tin Chúa được báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Thánh Kinh. Trường hợp thứ nhất là những người Sa-ma-ri tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Phi-líp (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1-17). Trường hợp thứ nhì thì chúng ta đang học tại đây.

Trong trường hợp thứ nhất, Thánh Kinh ghi rõ:

Vì thánh linh chưa giáng trên dù chỉ một người trong họ. Họ đã chịu báp-tem chỉ vào trong danh của Đức Chúa Jesus.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:16).

Lý do con dân Chúa tại Sa-ma-ri chưa có người nào được báp-tem bằng thánh linh là vì họ chỉ chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus, thay vì chịu báp-tem vào trong danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Sau đó, hai sứ đồ là Phi-e-rơ và Giăng đã đến, cầu nguyện cho họ được báp-tem bằng thánh linh. Cầu nguyện xong, hai sứ đồ đặt tay trên họ, thì họ nhận được thánh linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:17). Nghĩa là Đức Chúa Jesus đã báp-tem họ vào trong thánh linh, ngay sau lời cầu nguyện và sự đặt tay của hai sứ đồ. Sự đặt tay của hai sứ đồ hàm ý, họ được tiếp nhận vào trong Hội Thánh, là thân thể của Đấng Christ, trở nên một với Đấng Christ.

Trong trường hợp thứ nhì, đối với các môn đồ của Chúa tại thành Ê-phê-sô, Phao-lô đã báp-tem họ vào trong danh của Đức Chúa Jesus, rồi đặt tay trên họ, thì họ cũng đã nhận được Đức Thánh Linh, được Đức Chúa Jesus báp-tem vào trong thánh linh. Họ đã nói các ngôn ngữ mà họ chưa từng biết và nói tiên tri.

Lý do gì Phao-lô đã báp-tem họ vào trong danh của Đức Chúa Jesus, thay vì báp tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh? Thánh Kinh không giải thích.

Dựa vào trường hợp thứ nhất, chúng ta biết rằng, sự báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus đã không giúp cho người chịu báp-tem nhận được sự ban cho Đức Thánh Linh, không giúp cho người chịu báp-tem được Đức Chúa Jesus báp-tem vào trong thánh linh. Nhưng chỉ sau khi được các sứ đồ đặt tay trên người chịu báp-tem, tiếp nhận người chịu báp-tem vào trong Hội Thánh, thì người ấy mới nhận được Đức Thánh Linh và mới được Đức Chúa Jesus báp-tem vào trong thánh linh.

Chúng ta có thể hiểu rằng, vì người I-sơ-ra-ên và người Sa-ma-ri (người Sa-ma-ri là người I-sơ-ra-ên lai với các dân ngoại và những người dân ngoại sống tại Sa-ma-ri tin nhận và thờ phượng Thiên Chúa của Áp-ra-ham) đều đã tin nhận Đức Chúa Trời và đều đang mong chờ Đấng Christ, nên sự báp-tem họ vào trong danh Đấng Christ nhằm nhấn mạnh sự kiện Đấng Christ mà họ mong chờ đã đến và đã hoàn thành sự cứu chuộc loài người. Nhưng tiếp theo đó, họ cần các sứ đồ của Chúa đặt tay trên họ để tiếp nhận họ vào Hội Thánh, thì họ mới nhận lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh và mới được Đức Chúa Jesus báp-tem họ vào trong thánh linh.

Ngày nay, Đức Chúa Jesus tùy theo thánh ý của Ngài, vẫn có thể báp-tem vào trong thánh linh cho người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, trước khi người ấy chịu báp-tem bằng nước, vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, như trường hợp của gia đình Cọt-nây. Nhưng điều tốt hơn hết là Hội Thánh nên báp-tem ngay cho người mới tin Chúa, vào trong danh của Thiên Chúa, tức là danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus [1].

7 Hết thảy các người đàn ông đó là khoảng mười hai người.

Qua câu này, chúng ta biết các người này đều là đàn ông và tổng cộng vào khoảng 12 người. Lu-ca đã chọn dùng trạng từ “khoảng” trước chữ số 12 là vì ông không nhớ rõ chính xác số người. Dù đây là một chi tiết nhỏ, nhưng nó giúp cho chúng ta hiểu các điều sau đây:

  • Lu-ca trung thực với sự ghi chép của ông. Vì ông không nhớ chính xác số người nên ông đã dùng trạng từ “khoảng”.

  • Mặc dù Đức Thánh Linh thần cảm cho Lu-ca ghi chép sách Công Vụ Các Sứ Đồ nhưng Ngài đã cho phép ông dùng văn phong của riêng ông.

  • Dĩ nhiên, Đức Thánh Linh có thể nhắc cho Lu-ca nhớ rõ số người, nhưng điều đó là không cần thiết. Đó cũng là cơ hội Chúa ban cho Lu-ca để ông thể hiện bản tính trung thực của mình.

  • Ngoại trừ khi các tiên tri ghi chính xác lời Thiên Chúa phán với họ, có thể nói phần lớn Thánh Kinh được ghi chép bởi sự thần cảm của Thiên Chúa nhưng theo phong cách viết văn riêng của mỗi người.

  • Trong các trường hợp đặc biệt, Đức Thánh Linh vẫn thần cảm cho người viết chọn đúng từ ngữ mà Ngài muốn dùng.

  • Kể cả khi người viết phạm các lỗi về ngữ pháp, như trường hợp Sứ Đồ Giăng viết sách Khải Huyền, thì Đức Thánh Linh vẫn cho phép các lỗi ấy xảy ra, để xác chứng rằng, sách Khải Huyền thật sự là do chính tay Giăng đã viết. Dù vậy, các lỗi về ngữ pháp ấy không làm sai lạc ý nghĩa những gì Đấng Christ muốn cho Giăng truyền đạt cho Hội Thánh.

  • Chúng ta có thể tin rằng, toàn bộ Thánh Kinh được Đức Thánh Linh thần cảm, như chính Đức Thánh Linh đã xác nhận qua Phao-lô:

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Một bài học cho chúng ta: Dù chỉ là một chi tiết nhỏ, không quan trọng, chúng ta cũng cần trung thực trong lời nói, chữ viết của mình. Vì không trung thực tức là dối trá, dù là cố ý hay vô ý.

8 Người đã đi vào trong nhà hội, dạn dĩ nói trong ba tháng, biện luận và khuyên dỗ những điều liên quan Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Phao-lô đã theo thói quen của ông, dù được kêu gọi làm sứ đồ để giảng Tin Lành cho các dân ngoại, nhưng ông luôn giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên trước. Vì thế, Phao-lô đã dành suốt ba tháng, vào trong nhà hội của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại Ê-phê-sô để giảng Tin Lành cho họ.

Biện luận” là dùng lý luận để giải thích. Ở đây là lý luận để giải thích Thánh Kinh Cựu Ước nói về Đấng Christ.

Khuyên dỗ” là dùng lời nói nhẹ nhàng khuyên bảo người nghe tiếp nhận lẽ thật đã được trình bày.

Những điều liên quan về Vương Quốc của Đức Chúa Trời bao gồm: Tin Lành của Đức Chúa Trời, sự kiện Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, ý nghĩa của sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, sự trở lại của Đấng Christ dành riêng cho Hội Thánh, sự tái lâm của Đấng Christ trên đất để thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm, sự hư mất đời đời của những ai không tin nhận Tin Lành, và sự thiết lập Vương Quốc Đời Đời.

9 Nhưng khi mấy kẻ bị cứng lòng và không tin, gièm chê Đạo trước đám đông, thì người đã rời khỏi họ; phân rẽ các môn đồ ra, biện luận mỗi ngày trong trường học của Ti-ra-nu kia.

Động từ “bị cứng lòng” (G4645) và “không tin” (G544) nói đến tình trạng một người hiểu biết lẽ thật nhưng vẫn ngoan cố, quyết định không tin.

Động từ “gièm chê” (G2551) bao gồm các nghĩa: nói xấu, chê bai, mắng chửi…

Danh từ “Đạo” có nghĩa đen là đường đi; nghĩa bóng là đường lối của Thiên Chúa hoặc giáo lý của Thiên Chúa.

Sau ba tháng Phao-lô rao giảng trong nhà hội tại Ê-phê-sô, có một số người tin và một số người không tin lời giảng của Phao-lô. Mấy người không tin đã công khai gièm chê giáo lý mà Phao-lô rao giảng. Phao-lô đã đem những người tin nhận và trở thành môn đồ của Chúa ra khỏi sự nhóm hiệp trong nhà hội. Mỗi ngày, Phao-lô tiếp tục giảng dạy và biện luận với những người nghe trong trường học của một người tên là Ti-ra-nu. Động từ “biện luận” được dùng để chỉ sự Phao-lô thảo luận với những người nghe về những gì ông giảng dạy.

Ti-ra-nu có thể là một giáo sư người Hy-lạp mở trường dạy về triết học, hoặc toán học và khoa học. Trường chỉ là một căn phòng đủ rộng cho nhiều người nhóm hiệp để nghe giảng. Phao-lô có thể mượn hoặc thuê mướn căn phòng ấy, làm chỗ nhóm hiệp cho con dân Chúa và làm chỗ rao giảng Tin Lành. Trong một vài bản chép tay có thêm mệnh đề: “từ giờ thứ năm cho tới giờ thứ mười” (từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều), hàm ý, đó là khoảng thời gian mỗi ngày Phao-lô dùng cho sự giảng dạy và biện luận.

10 Việc đó cứ tiếp tục trong hai năm, đến nỗi mỗi người cư trú trong cõi A-si đã nghe Lời của Đức Chúa Jesus; cả người Do-thái và người Hy-lạp.

Thời gian hai năm là thời gian Phao-lô giảng dạy trong trường của Ti-ra-nu. Trong hành trình truyền giáo lần thứ ba, Phao-lô đã ở lại Ê-phê-sô khoảng ba năm (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:31). Như vậy, trước khi giảng dạy trong trường học của Ti-ra-nu, Phao-lô đã rao giảng trong nhà hội của Do-thái Giáo ba tháng. Sau khi không còn giảng dạy trong trường học thì Phao-lô vẫn còn ở lại Ê-phê-sô khoảng chín tháng nữa.

Những người cư trú trong cõi A-si, dù là người I-sơ-ra-ên hay người Hy-lạp, đều có cơ hội nghe Phao-lô rao giảng về những sự dạy dỗ của Đức Chúa Jesus. Có thể tiếng đồn về sự kiện trường học của Ti-ra-nu có một giáo sư mới, giảng về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus, đã khiến cho mọi người trong cõi A-si tìm đến để nghe.

Các học giả cho rằng vào năm 100, có khoảng 80.000 môn đồ của Đấng Christ trong cõi A-si. Vào năm 200 thì hầu hết cư dân của A-si là môn đồ của Đấng Christ [2]. Chúng ta không biết dân số của cõi A-si vào thời bấy giờ là bao nhiêu.

11 Đức Chúa Trời đã làm những phép lạ khác thường qua tay của Phao-lô;

12 đến nỗi các chiếc khăn hoặc các tấm vải choàng từ thân thể của người đã được đem đặt trên những người bệnh, thì các chứng bệnh đã ra khỏi họ và các tà linh cũng đã ra khỏi họ.

Chúng ta thấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đồng công trong mục vụ của Phao-lô. Đức Chúa Trời làm những phép lạ qua ông. Đức Chúa Jesus thêm sức cho ông (Phi-líp 4:13; I Ti-mô-thê 1:12). Đức Thánh Linh dẫn dắt và ban ân tứ cho ông.

Những phép lạ Đức Chúa Trời làm qua Phao-lô được gọi là khác thường vì chưa bao giờ xảy ra. Các chiếc khăn hoặc các tấm vải choàng từ trên thân thể của Phao-lô, nếu được đem đặt trên người bị bệnh hay người bị quỷ ám thì các chứng bệnh và các quỷ cũng ra khỏi thân thể của họ. Đây là ân điển của Đức Chúa Trời ban cho những người đến nghe Phao-lô giảng Tin Lành tại Ê-phê-sô. Đồng thời cũng là dấu hiệu Đức Chúa Trời dùng để xác chứng những gì Phao-lô rao giảng là lẽ thật. Lẽ ra, trước những phép lạ ấy, cả dân chúng thành Ê-phê-sô, thậm chí, cả dân chúng cõi A-si đều tin nhận Tin Lành. Nhưng thực tế cho chúng ta biết, có những người rất cứng lòng. Họ chỉ muốn tự do sống theo ý riêng, không muốn vâng phục các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Các chiếc khăn có lẽ là các khăn tay Phao-lô dùng để lau mồ hôi. Các tấm vải choàng có lẽ là các tấm tạp-dề được Phao-lô mang trong khi làm việc may, sửa lều trại. Chúng ta hiểu rằng, bản thân của Phao-lô, các chiếc khăn, các tấm vải choàng không hề có năng lực chữa bệnh, đuổi quỷ. Nhưng Đức Chúa Trời thi hành việc chữa bệnh, đuổi quỷ khi các chiếc khăn hoặc các tấm vải choàng đó được đặt trên những người bị bệnh hoặc bị quỷ ám.

13 Bấy giờ, có mấy người Do-thái trừ quỷ dạo kia đã đặt tay trên những người có tà linh, gọi danh của Đức Chúa Jesus rằng: Chúng ta truyền cho các ngươi bởi Jesus mà Phao-lô rao giảng.

Trừ quỷ dạo” có nghĩa là đi đó đi đây làm nghề đuổi quỷ. Nghề đuổi quỷ là một trong các trò lừa gạt của ma quỷ. Chúng quấy phá một người rồi cho tôi tớ của chúng đến, giới thiệu với gia đình của nạn nhân một tà thần, yêu cầu gia đình nạn nhân thờ cúng tà thần để tôi tớ của chúng ra tay đuổi quỷ. Thật sự không có sự đuổi quỷ mà chỉ có sự sau khi gia đình của nạn nhân bằng lòng thờ cúng tà thần thì quỷ không nhập vào nạn nhân nữa. Đây là cách ma quỷ khiến cho loài người tin cậy và tôn thờ các tà thần. Những người làm nghề đuổi quỷ vừa thu được tiền, vừa được sự khen ngợi.

Trong dân I-sơ-ra-ên vào thời ấy cũng có những người chuyên làm công việc nhân danh của Thiên Chúa để đuổi quỷ. Chính Đức Chúa Jesus đã xác nhận sự kiện trong dân I-sơ-ra-ên có những người làm công việc đuổi quỷ (Ma-thi-ơ 12:27).

Cũng rất có thể mấy kẻ đuổi quỷ dạo được nói đến ở đây chỉ bắt đầu vào nghề đuổi quỷ, khi họ nghe biết về những phép lạ chữa bệnh và đuổi quỷ được làm ra bởi Phao-lô, và nghe biết ông giảng về Đức Chúa Jesus. Họ đã dùng danh của Đức Chúa Jesus và đã cẩn thận, nói rõ là Jesus mà Phao-lô rao giảng, để đuổi quỷ. Họ đã nghĩ rằng, nếu Phao-lô đã có thể chữa bệnh, đuổi quỷ trong danh của Đức Chúa Jesus thì họ cũng có thể làm được như Phao-lô.

Động từ “truyền” (G3726) trong nguyên ngữ Hy-lạp được dùng trong câu này, có nghĩa rất đặc biệt. Đó là nhân danh một thần linh buộc kẻ được truyền phải tuyên hứa và làm theo lời hứa. Trong trường hợp đuổi quỷ là quỷ phải tuyên hứa ra khỏi người nó nhập và không được quay lại. Tà linh cũng từng dùng động từ này với Đức Chúa Jesus, được dịch là “khẩn cầu” trong Mác 5:7, hàm ý, tà linh xin Đức Chúa Jesus trong danh của Đức Chúa Trời, hứa là sẽ không làm khổ nó. Và Phao-lô đã dùng động từ này trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27, được dịch là “truyền”, hàm ý, Phao-lô yêu cầu con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca hứa trong danh Chúa là sẽ đọc thư I Tê-sa-lô-ni-ca cho tất cả con dân Chúa cùng nghe.

14 Các kẻ đã làm việc đó là bảy con trai của Sê-va, một người Do-thái, là thầy tế lễ thượng phẩm.

Trong danh sách các thầy tế lễ thượng phẩm tại Giê-ru-sa-lem không hề có tên Sê-va, hơn nữa, tên Sê-va là một tên ra từ tiếng La-tinh. Có lẽ vì thế mà Lu-ca đã thêm “người Do-thái” để xác định Sê-va thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên. Danh từ “thầy tế lễ thượng phẩm” (G749) được dùng ở đây không thể chỉ về thầy tế lễ thượng phẩm lúc bấy giờ, ở Giê-ru-sa-lem. Thầy tế lễ thượng phẩm lúc bấy giờ là A-na-nia, người ở trong chức vụ từ năm 47 đến năm 59 (Công Vụ Các Sứ Đồ 23:2) [3].

Danh từ “sê-va” (G4630) có nghĩa là: “người đọc tâm trí”. Danh từ “người đọc tâm trí” có thể được dùng để gọi các phù thủy trong ngoại giáo. Vì thế Công Vụ Các Sứ Đồ 19:14 cũng có thể dịch là: “Các kẻ đã làm việc đó là bảy con trai của người đọc tâm trí, một người Do-thái, là thầy tế lễ thượng phẩm.” Và như vậy, Sê-va là một người Do-thái nhưng làm thầy tế lễ thượng phẩm trong một đền thờ tà thần của ngoại giáo, tại Ê-phê-sô.

15 Nhưng tà linh đã đáp lại rằng: Ta nhận biết Jesus, và ta biết về Phao-lô; nhưng các ngươi là ai?

Hai động từ “nhận biết” (G1097) và “biết về” (G1987) có nghĩa khác nhau. Tà linh nhận biết Đức Chúa Jesus có nghĩa là tà linh có sự biết tuyệt đối về Đức Chúa Jesus; biết một cách rõ ràng và đầy đủ; biết rằng, Ngài là Con của Đức Chúa Trời và có toàn quyền trên tà linh (Mác 5:7). Tà linh biết về Phao-lô có nghĩa là tà linh biết ông là một sứ đồ của Chúa, đang rao giảng Tin Lành, và được Chúa dùng để chữa bệnh và đuổi quỷ cho nhiều người; nhưng nó không biết gì nhiều về ông.

Tà linh không biết các kẻ đuổi quỷ dạo là ai, hàm ý, nó không công nhận thẩm quyền đuổi quỷ của họ.

16 Người đàn ông mà trong người có tà linh đã sấn vào chúng, trấn áp chúng, mạnh hơn chúng, đến nỗi chúng đã trần truồng và bị thương, trốn ra khỏi nhà đó.

Qua người đàn ông bị quỷ ám, tà linh đã xông vào, tấn công bảy kẻ đuổi quỷ dạo, đánh xé quần áo của họ và làm họ bị thương, phải chạy trốn.

Ma quỷ hay tà linh là các thiên sứ phạm tội. Đối với loài người, các thiên sứ, dù là các thiên sứ phạm tội, có sức mạnh siêu nhiên. Nếu không có sự bảo vệ của Chúa thì loài người không thể đánh bại tà linh. Tà linh có thể nhập vào trong thân thể của một người và dùng người ấy làm nô lệ cho nó. Cùng một lúc có thể có nhiều tà linh nhập vào một người (Mác 5:1-13; Lu-ca 8:2). Những môn đồ chân thật của Đấng Christ được Ngài ban cho thẩm quyền dùng danh của Ngài để trừ những quỷ (Mác 16:17). Tà linh không thể xâm nhập thân thể của những con dân chân thật của Chúa; không thể thắng được họ. Chúng có thể tấn công, quấy phá, và cám dỗ theo sự cho phép của Đức Chúa Trời. Nhưng những con dân chân thật của Chúa luôn có quyền trên tà linh.

17 Sự này đã được hết thảy những người Do-thái và những người Hy-lạp cư trú tại Ê-phê-sô biết. Sự sợ hãi đã giáng trên họ, và danh của Đức Chúa Jesus đã được tôn cao.

Tin đồn về sự bảy kẻ đuổi quỷ dạo bị tà linh đánh đuổi, làm cho bị trần truồng và bị thương, vì đã mạo danh của Đức Chúa Jesus và Phao-lô; cùng với tin đồn về sự những người bị bệnh và bị quỷ nhập đã được chữa lành trong danh của Đức Chúa Jesus, qua Phao-lô, đã lan truyền ra khắp thành Ê-phê-sô. Dân số thành Ê-phê-sô lúc bấy giờ vào khoảng 300.000 người [4]. Cảm giác đầu tiên đến với những người nghe là sự sợ hãi, vì một quyền năng siêu nhiên đã được thể hiện trong thành phố của họ. Cảm giác kế tiếp là họ tôn kính danh của Đức Chúa Jesus. Vì quyền năng siêu nhiên ấy đã được thể hiện trong danh của Đức Chúa Jesus.

18 Nhiều người đã tin, đến, xưng tội và tỏ ra những việc làm của họ.

19 Một số người từng làm nghề phù phép đã gom những sách vở của họ đốt trước mọi người. Họ đã tính giá của chúng, thấy là năm mươi ngàn lượng bạc.

Nhiều người đã tin” là tin vào Tin Lành mà Phao-lô rao giảng, tin về lời kêu gọi ăn năn tội của Tin Lành. Họ đã đến với Phao-lô, xưng nhận mình là tội nhân và công bố những việc làm tội lỗi của họ.

Nghề phù phép” tức là nghề thầy bùa, thầy pháp, chuyên chữa bệnh và đuổi quỷ bằng phù phép. Phù là bùa, là những văn tự hay ký hiệu liên quan đến tên của các tà thần, được chép vào vải hoặc giấy. Phép là nghi thức.

Trong số nhiều người tin nhận Tin Lành, có một số người là pháp sư. Họ đã đem những sách vở liên quan đến phù phép ra đốt ở nơi công cộng. Theo ước tính của họ, số sách vở ấy có giá trị là 50.000 lượng bạc. Một lượng bạc được nói đến ở đây có thể là một đơ-ni-ê bạc, tương đương với tiền lương lao động một ngày vào thời bấy giờ.

20 Vậy, với quyền năng, Lời của Đức Chúa Trời đã được thêm lên và mạnh mẽ.

Danh từ “Lời của Đức Chúa Trời” ở đây có thể vừa được hiểu là lời phán của Đức Chúa Trời được ghi chép trong Thánh Kinh, vừa được hiểu là “Ngôi Lời”, danh xưng của Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa. Mặc dù Thánh Kinh hay Thiên Chúa Ngôi Lời được rao giảng bởi loài người nhưng sự rao giảng đó được thi hành với quyền năng của Thiên Chúa.

Sự thêm lên là sự Lời của Đức Chúa Trời được thêm nhiều người nghe và tin nhận. Quyền năng của Thiên Chúa đã khiến cho ngày càng có thêm nhiều người hiểu và tin nhận Lời của Đức Chúa Trời. Sự mạnh mẽ là sự đức tin về Lời của Đức Chúa Trời được vững lập trong những người nghe. Quyền năng của Thiên Chúa đã giúp cho những người thật lòng tin nhận Lời Chúa giữ vững đức tin.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/04/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-15-le-bap-tem/

[2] https://www.thattheworldmayknow.com/province-of-asia-minor

[3] https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/ananias-ben-nedebeus

[4] https://bibletalk.tv/the-city-and-church-of-ephesus

Karaoke Thánh Ca: “Và Tôi Thuộc về Ngài”
https://karaokethanhca.net/va-toi-thuoc-ve-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.