Chú Giải Truyền Đạo 12:01-14

7,257 views


YouTube: https://youtu.be/mZ4iJGyLyPY

Chú Giải Truyền Đạo 12:1-14

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Truyền Đạo 12:1-14

1 Hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa của ngươi ngay lúc này, trong những ngày thanh xuân của ngươi, trước khi những ngày xấu chưa đến và những năm tới gần mà ngươi sẽ nói rằng: Ta không vui lòng;

2 trước khi mặt trời, ánh sáng, mặt trăng, và các ngôi sao chưa tối tăm, và mây lại tuôn đến sau cơn mưa;

3 trong ngày mà những người giữ nhà sẽ run rẩy, những người mạnh sức sẽ khom lưng, những người xay cối ngừng lại bởi vì số ít, và những người nhìn xem qua các cửa sổ bị tối tăm.

4 Những cánh cửa hướng ra đường phố sẽ bị đóng lại, khi tiếng xay cối thưa lần. Người ta sẽ trỗi dậy khi nghe tiếng chim, và những con gái của sự ca hát sẽ hạ mình.

5 Người ta cũng sẽ sợ chiều cao; sự hãi hùng ở trên lối đi; cây hạnh sẽ trổ hoa; cào cào sẽ trở nên nặng; và sự ước ao sẽ tan vỡ; vì loài người đi đến nơi ở đời đời của mình, và những kẻ than khóc đi vòng quanh các đường phố.

6 Cũng hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa của ngươi trước khi dây bạc bị đứt, chén vàng bị vỡ, bình bị vỡ tan bên suối, hay bánh xe bị vỡ ra bên giếng.

7 Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.

8 Người truyền đạo nói: Hư không của những sự hư không! Mọi sự đều hư không!

9 Bởi vì người truyền đạo là khôn sáng, nên cũng dạy sự trí thức cho dân sự. Người đã lắng nghe, tra xét, và sắp đặt thứ tự nhiều câu châm ngôn.

10 Người truyền đạo tra tìm những lời có thể tiếp nhận được, những lời được viết cách ngay thẳng, những lời của lẽ thật.

11 Những lời của người khôn sáng giống như cây gậy kích bò. Sự thu thập chúng như những đinh đóng chặt. Chúng được ban cho bởi Đấng Chăn Chiên Duy Nhất.

12 Và hơn nữa, hỡi con trai của ta! Hãy chịu sự dạy này: Sự làm ra nhiều sách thì không cùng. Sự học nhiều là sự mệt nhọc của xác thịt.

13 Chúng ta hãy nghe lời kết luận của trọn sự việc: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.

14 Vì Đức Chúa Trời sẽ đem mọi việc vào trong sự phán xét, cả mỗi một việc kín giấu, hoặc thiện, hoặc ác.

Truyền Đạo đoạn 12 là phân đoạn cuối cùng của sách Truyền Đạo, đúc kết tất cả những gì đã được Vua Sa-lô-môn trình bày trong 11 đoạn trước đó bằng một lời kêu gọi những người trẻ tuổi: Vì đời sống trong thế gian này chóng qua, mọi việc làm của xác thịt đều là vô nghĩa, nếu không đúng với các điều răn của Thiên Chúa; nên từ khi còn rất trẻ, một người hãy học biết kính sợ Thiên Chúa và vâng giữ các điều răn của Ngài.

1 Hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa của ngươi ngay lúc này, trong những ngày thanh xuân của ngươi, trước khi những ngày xấu chưa đến và những năm tới gần mà ngươi sẽ nói rằng: Ta không vui lòng;

Động từ “nhớ” nói đến sự kiện một điều gì đó cứ luôn ở trong tâm trí của chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng đã yêu cầu con dân Chúa nhớ đến Ngài (Lu-ca 22:19; I Cô-rinh-tô 11:24-25). Nhớ đến Chúa không phải chỉ nhớ rằng Ngài thực hữu và Ngài là Thiên Chúa; không phải chỉ nhớ rằng Ngài đã, đang, và sẽ làm gì cho chúng ta; mà còn nhớ rằng Ngài muốn chúng ta làm gì cho Ngài. Những gì Chúa muốn chúng ta làm cho Ngài, đã được Ngài cho ghi chép rất đầy đủ và rõ ràng trong Thánh Kinh. Bổn phận của chúng ta là đọc, suy ngẫm, nhớ và cẩn thận làm theo mọi điều Chúa muốn chúng ta làm, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Đấng Tạo Hóa tức là Đấng dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có bản thân của chúng ta. Chúng ta thực hữu làm người là bởi sự sáng tạo của Ngài. Ngài không dựng nên chúng ta chỉ một lần, mà Ngài dựng nên chúng ta hai lần. Lần đầu chúng ta được dựng nên và chúng ta phạm tội, bị hư mất. Lần thứ nhì, bởi ân điển của Ngài và đức tin của chúng ta vào trong sự cứu chuộc của Ngài, mà chúng ta được dựng nên thành một người mới, còn gọi là được tái sinh, được sinh từ trên cao, được sinh bởi Đức Chúa Trời:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Sự dựng nên mới của chúng ta cũng chính là biểu tượng cho sự Thiên Chúa sẽ dựng nên trời mới đất mới, là nơi không còn tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, mà chỉ có tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa chiếu sáng cho đến đời đời. Những sự ấy đã bắt đầu chiếu sáng từ ngay trong con người được dựng nên mới của chúng ta.

Thánh Kinh cho chúng ta biết, chính Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, còn gọi là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Đấng trực tiếp dựng nên muôn loài:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Bởi Ngài, muôn vật đã có. Ngoài Ngài, không một vật đã có nào thực hữu.” (Giăng 1:1-3).

“Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Chúng ta đã học biết về một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị. Chỉ có một thực thể Thiên Chúa tự có và có mãi. Thiên Chúa thể hiện qua ba thân vị riêng biệt nhưng hiệp một có danh xưng là: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Khi Ba Ngôi Thiên Chúa thông công với Hội Thánh thì được gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19). Đức Con và Đức Thánh Linh còn có các danh hiệu khác để nói lên thần tính và mục vụ của Đức Con và Đức Thánh Linh.

Thân vị Đức Chúa Trời, tiêu biểu cho ý muốn của Thiên Chúa; Thân vị Ngôi Lời, tiêu biểu cho ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói và hành động; Thân vị Đấng Thần Linh, tiêu biểu cho sự toàn năng của Thiên Chúa và sự sống ra từ Thiên Chúa.

Cả ba thân vị Thiên Chúa đều dự phần trong sự sáng tạo, vì thế, Thánh Kinh chép: “Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…” (Sáng Thế Ký 1:1). Bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi hành động của Ngôi Lời, và bởi năng lực của Đấng Thần Linh mà muôn vật được sáng tạo, và chúng ta được tái sinh. Danh từ “Đấng Tạo Hóa”, vì thế, được dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nhớ đến Đấng Tạo Hóa là nhớ đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nhớ đến ý muốn, việc làm của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và nhớ đến Đức Thánh Linh đang ngự trong thân thể của chúng ta, nhớ đến thánh linh của Ngài đang tuôn tràn trong chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật và chúng ta phải nhận biết và nhớ rằng, Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta! Có như vậy, chúng ta mới luôn ý thức rằng, chúng ta không thuộc về chính mình, mà chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không được thờ lạy bất cứ loài thọ tạo nào mà chỉ thờ lạy Thiên Chúa. Chúng ta không được đặt ý riêng của mình lên trên ý muốn của Thiên Chúa, là những điều đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Và quan trọng hơn hết, chúng ta đừng bao giờ để cho lòng tự ái không đúng và sự kiêu ngạo khiến cho chúng ta nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa, làm như vậy, là chúng ta tự đặt mình lên trên Thiên Chúa!

Nhớ đến Đấng Tạo Hóa giúp cho chúng ta nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa thể hiện qua mọi công trình sáng tạo của Ngài, nhất là từng chi tiết trong thân thể xác thịt của chúng ta. Sự sáng tạo của Thiên Chúa thật là kỳ diệu, tinh vi, đầy dẫy sự khôn sáng, và vô cùng xinh đẹp, ích lợi.

Sự nhận biết và nhớ đến Đấng Tạo Hóa phải bắt đầu từ khi chúng ta còn thơ ấu, khi chúng ta bắt đầu biết nhận thức về tội lỗi. Kết quả đầu tiên của sự nhận biết và nhớ đến Đấng Tạo Hóa là lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Càng nhận biết và nhớ đến Đấng Tạo Hóa sớm chừng nào thì đời sống của chúng ta càng phước hạnh hơn chừng nấy, càng có nhiều thời gian phụng sự Thiên Chúa và càng được Thiên Chúa ban thưởng hơn chừng nấy.

Đây là điều các bậc cha mẹ cần ghi nhớ: Bổn phận hàng đầu của cha mẹ là dạy cho con cái biết đến Đấng Tạo Hóa ngay từ khi chúng còn là trẻ thơ. Chuyên cần dùng Lời Chúa dạy dỗ con cái trong bảy năm đầu tiên, từ khi chúng biết nhận thức, sẽ đem lại kết quả phước hạnh đời đời cho cả cha mẹ lẫn con cái. Chỉ có Lời Chúa mới có năng lực biến đổi lòng người. Chỉ có Lời Chúa mới có năng lực giữ cho con cái của chúng ta không bị ngã vào thói hư tật xấu. Chỉ có Lời Chúa mới có thể giữ gìn, bảo vệ con cái của chúng ta. Và nếu con cái của chúng ta được học biết Lời Chúa từ khi còn thơ ấu, thì khi chúng nó trưởng thành, chúng nó sẽ không lìa khỏi Lời Chúa:

“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo thì khi nó già, nó sẽ không lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6).

“Như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở lại, mà đượm nhuần đất, khiến nó sinh ra chồi non, để có giống cho người gieo trồng và có bánh cho người ăn, thì Lời của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng Ta, thì sẽ chẳng trở về cùng Ta cách vô ích, nhưng nó sẽ làm trọn điều Ta muốn, sẽ hoàn thành công việc Ta đã sai khiến nó.” (Ê-sai 55:10-11).

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Ngay lúc này là lúc còn trong tuổi thanh xuân, tức là còn trẻ. Những ngày xấu là những ngày tai ương, hoạn nạn, thử thách sẽ đến trong cuộc đời của loài người. Những năm tới gần là những năm sau cùng trong đời sống của một người lớn tuổi, đầy đau ốm, bệnh tật. Đó là những thời điểm mà chúng ta sẽ nói rằng: Ta không vui lòng!

Chính vì những khốn khó trong đời sống, trong tuổi già, mà một người cần nhận biết và nhớ đến Đấng Tạo Hóa ngay từ khi còn thơ ấu. Vì chính Đấng Tạo Hóa sẽ chăn dắt những ai tin nhận Ngài và kính sợ Ngài, như Thi Thiên 23 đã làm chứng. Số phận chung của loài người, dù là người tin Chúa hay người không tin Chúa, cũng đều phải trải qua đủ thứ tai ương, hoạn nạn, bất công, tật bệnh… trong cuộc sống, vì cả thế gian đang đắm chìm trong tội lỗi và đang quằn quại dưới sự rủa sả của luật pháp. Nhưng người thuộc về Chúa thì sẽ được Ngài giữ gìn, bảo vệ hoặc ban thêm sức cho qua khỏi. Sự chịu khổ của người thuộc về Chúa là sự dự phần trong sự chịu khổ của Đấng Christ. Trong mọi sự ấy, người thuộc về Chúa, nếu đứng vững, không phạm tội còn được Chúa ban thưởng. Vì thế, đối với người thuộc về Chúa, mọi tai họa đều trở thành phước hạnh:

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Trong quý ông bà anh chị em có ai là người nhận biết và tin cậy Thiên Chúa cách muộn màng, trong những năm cuối cùng của đời sống, thậm chí đang nằm trên giường bệnh, chờ chết, thì người ấy hãy vui mừng, cảm tạ Chúa, vì Ngài đã thương xót ban cho mình cơ hội tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài, trước khi quá trễ! Người ấy hãy tận dụng tháng ngày còn lại, vui thỏa trong sự đọc Lời Chúa, nghe giảng về Lời Chúa, và cầu thay cho người khác.

2 trước khi mặt trời, ánh sáng, mặt trăng, và các ngôi sao chưa tối tăm, và mây lại tuôn đến sau cơn mưa;

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu 2 là: Khi tuổi già đến, thị lực của loài người bị suy kém, không còn nhìn thấy rõ ánh sáng của mặt trời, của đèn, của mặt trăng, hoặc của các ngôi sao; thân thể cũng không chịu nổi những khi trái gió trở trời, mùa mưa thân thể thường đau nhức…

Hoặc hiểu rằng, câu 2 là một cách nói bóng trong thi ca Hê-bơ-rơ (sách Truyền Đạo là một tập thơ):

  • Mặt trời là tri thức, tức sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa, không do học tập.
  • Ánh sáng là trí thức, tức là sự hiểu biết do suy luận từ tri thức, học thức, và kiến thức.
  • Mặt trăng là học thức, tức là sự hiểu biết do học tập.
  • Các ngôi sao là kiến thức, tức là sự hiểu biết do quan sát.
  • Mây tuôn đến sau cơn mưa là bệnh tật tiếp nối bệnh tật, sự bất tiện này tiếp theo sự bất tiện khác trong sinh hoạt của một người lớn tuổi, vì sức khỏe đã suy yếu.

Khi tuổi già đến, sự trí thức của loài người sẽ bị lu mờ, thậm chí, trở nên tối tăm, tức là không còn nữa; đau ốm, bệnh tật sẽ cứ tiếp nối cho đến khi chúng ta qua đời, khiến cho chúng ta không còn làm chủ được các hoạt động thân thể xác thịt của mình. Chúng ta hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa của mình trước khi tuổi già đến, để Ngài chăm sóc và bồng ẵm chúng ta trong tuổi già của chúng ta, giải cứu chúng ta khỏi mọi nan đề:

“Cho đến chừng các ngươi già cả, tóc bạc, Ta là Đấng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra và Ta sẽ gánh vác. Ta sẽ bồng ẵm và sẽ giải cứu các ngươi.” (Ê-sai 46:4).

Trong thực tế, thân thể xác thịt của chúng ta vẫn phải chịu đựng mọi đau khổ trong đời sống cho tới khi nó chết đi. Đó là bản án do chính Thiên Chúa tuyên phán sau khi loài người phạm tội, và đã được ghi chép trong Sáng Thế Ký 3:16-19. Nhưng nếu chúng ta có Chúa trong đời sống của chúng ta, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sức chịu đựng.

3 trong ngày mà những người giữ nhà sẽ run rẩy, những người mạnh sức sẽ khom lưng, những người xay cối ngừng lại bởi vì số ít, và những người nhìn xem qua các cửa sổ bị tối tăm.

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu 3 là: căn nhà là thân thể xác thịt; những người giữ nhà là đôi tay chuyên làm việc để phục vụ thân thể sẽ trở nên run rẩy; những người mạnh sức là đôi chân vốn nâng đỡ toàn thân thể sẽ trở nên cong khom; những người xay cối là hai hàm răng sẽ bị rụng mất nhiều, không còn nhai được; và những người nhìn xem qua các cửa sổ là đôi mắt sẽ bị mù, không còn thấy được.

Hoặc hiểu rằng, câu 3 nói đến sự suy kém của tuổi già trong các tầng lớp xã hội: Khi tuổi già đến, những người trước đây lực lưỡng, khỏe mạnh được giao cho việc canh giữ nhà cửa sẽ trở nên run rẩy, yếu sức; những người mạnh sức có thể xông pha trận mạc, hăng say tác chiến, sẽ trở nên khom lưng, không còn sức để đứng vững; những người siêng năng lao động sẽ không còn sức để làm việc; ngay cả những người nhàn nhã không cần làm việc, nhìn đời qua khung cửa cũng sẽ không còn thị lực tốt để nhìn ngắm.

4 Những cánh cửa hướng ra đường phố sẽ bị đóng lại, khi tiếng xay cối thưa lần. Người ta sẽ trỗi dậy khi nghe tiếng chim, và những con gái của sự ca hát sẽ hạ mình.

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu 4 là: đôi môi sẽ khép lại để giữ thức ăn khi hàm răng không còn nhai kỹ thức ăn. Người già sẽ dễ giật mình thức giấc khi nghe tiếng động, dù chỉ là tiếng chim hót. Đôi lỗ tai vốn thích nghe âm nhạc cũng không còn nhạy cảm với lời ca tiếng hát.

Hoặc hiểu rằng, câu 4 nói đến sự kiện khi người ta đã già, không còn sức làm việc nhiều thì cửa nhà cũng không còn mở thường xuyên. Người già sẽ ít ngủ, hay thức dậy khi nghe tiếng chim hót sớm. Những con gái của sự ca hát là tất cả những bộ phận phát ra âm thanh, như môi, lưỡi, cổ họng, phổi của người già sẽ không còn hoạt động hữu hiệu.

5 Người ta cũng sẽ sợ chiều cao; sự hãi hùng ở trên lối đi; cây hạnh sẽ trổ hoa; cào cào sẽ trở nên nặng; và sự ước ao sẽ tan vỡ; vì loài người đi đến nơi ở đời đời của mình, và những kẻ than khóc đi vòng quanh các đường phố.

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu 5 là: người già sẽ sợ hãi khi đến những nơi cao, ngay cả đi đường bình thường cũng lấy làm mệt nhọc, sợ bị té ngã. Cây hạnh trổ hoa là mái tóc bạc trắng. Cào cào trở nên nặng là vì sức khỏe quá yếu đến nỗi con cào cào cũng là nặng. Lòng người già không còn những sự say mê, ao ước. Cuối cùng là sự chết, khi thân thể xác thịt trở về với bụi đất và ở lại đó lâu dài. Những người thân tham dự đám tang, than khóc, đi qua các con phố.

6 Cũng hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa của ngươi trước khi dây bạc bị đứt, chén vàng bị vỡ, bình bị vỡ tan bên suối, hay bánh xe bị vỡ ra bên giếng.

Bạc và vàng là hai thứ kim loại quý, có tính bền vững lâu dài. Người ta dùng bạc làm những sợi dây chuyền để trang sức, dùng vàng làm những chén uống rượu (I Các Vua 10:21; Ê-sai 40:19). Dây bạc đứt, chén vàng bị vỡ hàm ý một khoảng thời gian dài đã trôi qua, tương đương với tuổi thọ cao nhất của đời người. Bình bị vỡ tan bên suối là loại bình bằng gốm, được dùng để lấy nước. Phụ nữ Trung Đông thời xưa hay đội bình đến các nguồn nước để lấy nước. Bánh xe bị vỡ ra bên giếng là bánh xe cuộn dây để thả thùng xuống giếng, đem nước lên. Bình bị vỡ, bánh xe bị vỡ hàm ý mọi vật thường dùng trong cuộc sống, theo thời gian, đều sẽ đến lúc bị hư hoại.

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu 6 như sau: các vật được nói đến đều là hình ảnh tiêu biểu cho sự sống kết thúc vào cuối đời của một người. Dây bạc bị đứt là hơi thở tắt đi. Chén vàng bị vỡ là bộ não bị liệt. Bình bị vỡ tan là trái tim ngừng đập. Bánh xe bị vỡ ra là các mạch máu ngừng chảy.

7 Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.

Bụi đất chính là thân thể xác thịt của chúng ta. Tâm thần là thân thể thiêng liêng, vô hình của chúng ta, ra từ linh sự sống của Thiên Chúa:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Sự chết của thân thể xác thịt là sự xác thịt bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn, là án phạt tội lỗi trên xác thịt:

“Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng Thế Ký 3:19).

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, khi sự chết xảy ra, thân thể xác thịt của tất cả mọi người đều trở về đất, thân thể thiêng liêng, là tâm thần, trở về cùng Đức Chúa Trời, linh hồn vào trong âm phủ. Những người thuộc về Chúa ở nơi phước hạnh trong âm phủ chờ ngày Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi, phục sinh, và đem họ cùng vào thiên đàng với Ngài. Những người không thuộc về Chúa thì chịu khổ ở nơi tạm giam trong âm phủ.

Lời của Đức Chúa Jesus Christ trong Lu-ca 16:19-31 dạy về số phận của người chết trước khi Ngài hoàn thành sự cứu rỗi. Ê-phê-sô 4:8-9, thuật lại sự kiện Ngài đem linh hồn những thánh đồ trong âm phủ vào thiên đàng với Ngài, sau khi Ngài phục sinh. Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55-60 và Khải Huyền 6:9 cho chúng ta biết, sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi thì linh hồn những người chết trong Chúa đều vào trong thiên đàng, không còn phải vào âm phủ.

Trong ngày Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian trước khi Ngài phán xét toàn thế gian, thì thân thể xác thịt của những người chết trong Chúa trong suốt thời kỳ Hội Thánh sẽ được phục sinh. Tâm thần và linh hồn của họ sẽ kết hiệp với thân thể phục sinh của họ. Thân thể xác thịt của những thánh đồ trong các thời kỳ trước và sau thời kỳ Hội Thánh (thời Cựu Ước và trước Cựu Ước, thời bảy năm đại nạn) sẽ được phục sinh sau khi Đức Chúa Jesus Christ tiêu diệt mọi thế lực chống nghịch Thiên Chúa vào cuối của bảy năm đại nạn. Thân thể xác thịt của tất cả những ai không thuộc về Chúa sẽ được sống lại để chịu sự phán xét chung cuộc khi Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc và trời cũ đất cũ đã qua đi (Khải Huyền 20:11-15). Linh hồn của những người không thuộc về Chúa sẽ kết hiệp với thân thể xác thịt được phục sinh, nhưng họ không được ban cho tâm thần, vì họ sẽ bị đời đời xa cách Thiên Chúa (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9), họ không cần có tâm thần để tương giao với Thiên Chúa!

8 Người truyền đạo nói: Hư không của những sự hư không! Mọi sự đều hư không!

Hư không là không có giá trị, không còn lại mãi mãi. Tất cả mọi sự xảy ra dưới ánh mặt trời đều là hư không, kể từ khi loài người phạm tội. Nhưng sự hư không lớn nhất chính là đời sống của một người. Đó là sự hư không của những sự hư không! Cho đến khi loài người biết nhớ đến Đấng Tạo Hóa, được Ngài dựng nên mới, loài người chỉ là hư không!

9 Bởi vì người truyền đạo là khôn sáng, nên cũng dạy sự trí thức cho dân sự. Người đã lắng nghe, tra xét, và sắp đặt thứ tự nhiều câu châm ngôn.

Người truyền đạo là người rao giảng Lời Chúa, và người rao giảng Lời Chúa có sự khôn sáng để dạy sự trí thức cho con dân của Chúa. Người truyền đạo tương giao với Thiên Chúa, lắng nghe sự phán dạy của Thiên Chúa, có thể là trực tiếp đến từ Thiên Chúa, có thể là qua Thánh Kinh, có thể là qua sự giảng dạy của người khác, rồi suy ngẫm, áp dụng vào cuộc sống của chính mình. Người truyền đạo hệ thống những lời khôn sáng của Thiên Chúa, như sắp xếp theo chủ đề, để con dân Chúa tiện tra cứu.

10 Người truyền đạo tra tìm những lời có thể tiếp nhận được, những lời được viết cách ngay thẳng, những lời của lẽ thật.

Người truyền đạo học qua những con dân Chúa khác, những người được Chúa ban cho sự khôn sáng, thông sáng và nói ra sự hiểu biết của họ. Lời nói của họ được chính họ hoặc những người nghe họ ghi chép lại một cách ngay thẳng (không thêm, không bớt). Những lời ấy là những lời của lẽ thật vì chúng đến từ Thiên Chúa.

11 Những lời của người khôn sáng giống như cây gậy kích bò. Sự thu thập chúng như những đinh đóng chặt. Chúng được ban cho bởi Đấng Chăn Chiên Duy Nhất.

Cây gậy kích bò là cây gậy có đầu nhọn, dùng để thúc bò đi theo hướng người chăn bò hay người đánh xe bò muốn. Lời của người khôn sáng giúp định hướng cho người nghe, dù lời của lẽ thật lúc đầu có thể khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu. Đinh đóng các phần gỗ lại với nhau cách chặt chẽ như thế nào thì những lời của người khôn sáng được thu thập cũng vững chắc như thế ấy.

Tất cả những lời của người khôn sáng đều được ban cho bởi Đấng Chăn Chiên Duy Nhất. Danh từ “người chăn chiên” có tính từ “duy nhất” kèm theo chỉ có thể hiểu là: Đấng Chăn Chiên Duy Nhất.

Đấng Chăn Chiên Duy Nhất chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như Thi Thiên 23:1 đã nói rõ. Xin ghi nhớ: Tên gọi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu của Thiên Chúa là tên gọi chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh đồng tự có và có mãi.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chăn dắt dân I-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước; khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhập thế làm người mang tên Jesus, thì Ngài cũng chính là Đấng Chăn Chiên Ngay Lành, đứng đầu những người chăn:

“Nhưng cung của người vẫn vững chắc, các cánh tay của người được làm nên mạnh bởi tay của Đấng Toàn Năng của Gia-cốp, từ Đấng Chăn Chiên, Vầng Đá của I-sơ-ra-ên.” (Sáng Thế Ký 49:24).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Chăn Chiên của tôi. Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” (Thi Thiên 23:1).

“Ta là Người Chăn Ngay Lành. Người Chăn Ngay Lành bỏ đi sự sống của mình vì bầy chiên.” (Giăng 10:11).

“Ta là Người Chăn Ngay Lành, Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta…” (Giăng 10:14).

“Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an đã đem Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Đấng Chăn Chiên Lớn của bầy chiên, ra khỏi sự chết, bởi máu của giao ước vĩnh cửu…” (Hê-bơ-rơ 13:20).

“Vì các anh chị em vốn như những con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 2:25).

“Khi Đấng làm đầu những người chăn hiện ra, các anh chị em sẽ được mão vinh quang, chẳng hề tàn héo.” (I Phi-e-rơ 5:4).

Có thể nói Truyền Đạo 12:11 kết hiệp với những câu Thánh Kinh trên đây đã chứng minh rằng, Ngôi Lời chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa nhập thế làm người.

12 Và hơn nữa, hỡi con trai của ta! Hãy chịu sự dạy này: Sự làm ra nhiều sách thì không cùng. Sự học nhiều là sự mệt nhọc của xác thịt.

Qua câu 12 chúng ta hiểu rằng, sách Truyền Đạo được Vua Sa-lô-môn viết cho con trai của mình là Rô-bô-am (I Các Vua 11:43; II Sử Ký 9:31). Tiếc thay, Rô-bô-am đã không học được sự khôn sáng về sự nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Ông đã phạm tội lìa bỏ luật pháp của Thiên Chúa!

Ngày nào thế giới mà chúng ta đang sống đây còn, thì sự làm ra sách cũng còn. Số lượng sách được viết ra trong một ngày nhiều đến nỗi suốt cả một đời chúng ta cũng không thể nào đọc hết. Chính vì thế mà sự học nhiều làm cho thân thể xác thịt mệt nhọc. Nói như thế, không có nghĩa là không nên học hỏi, không nên trau dồi học thức và kiến thức. Tuy nhiên, chúng ta phải biết khôn sáng, dành thời gian ưu tiên học Lời Chúa và đọc những sách viết về Lời Chúa. Các sự học khác là thứ yếu.

13 Chúng ta hãy nghe lời kết luận của trọn sự việc: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.

“Trọn sự việc” là trọn những điều mà Vua Sa-lô-môn đã nói về giá trị của mọi sự, mọi vật, mọi việc dưới ánh mặt trời trong suốt 11 đoạn trước. Vì tất cả đều là hư không mà đời sống của một người là sự hư không đứng đầu của mọi sự hư không, cho nên, Sa-lô-môn khuyên con của mình là: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài!”

Kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài là hai điều không thể phân rẽ. Không thể nào kính sợ Đức Chúa Trời mà không vâng giữ các điều răn của Ngài. Nhiều người nói: Tôi yêu Chúa và kính sợ Chúa lắm! Nhưng tôi buộc phải làm điều này, điều kia, nghịch lại điều răn của Chúa. Chúa biết lòng tôi.

Phải! Chúa biết lòng những người như vậy, và Chúa đã phán rõ trong Thánh Kinh về những người như vậy:

“Chúa phán: Vì dân này tới gần với miệng của nó. Với môi của nó chúng tôn kính Ta mà lòng của nó thì cách xa Ta. Sự chúng nó kính sợ Ta được dạy bởi điều răn của loài người.” (Ê-sai 29:13).

Một trong những điều răn của loài người dạy cho những con dân Chúa là: Ngày Sa-bát là Chủ Nhật! Tuy nhiên, không một chỗ nào trong Lời Chúa dạy như vậy.

Bổn phận duy nhất của loài người trước Thiên Chúa là vâng giữ các điều răn của Ngài. Tiếc thay, ngày nay có nhiều người xưng mình là con dân Chúa nhưng lại vâng giữ các điều răn của loài người mà bỏ đi các điều răn của Đức Chúa Trời! (Ma-thi-ơ 15:3-9; Mác 7:6-9).

14 Vì Đức Chúa Trời sẽ đem mọi việc vào trong sự phán xét, cả mỗi một việc kín giấu, hoặc thiện, hoặc ác.

Trong ngày phán xét, Đức Chúa Trời sẽ phán xét từng việc làm của mỗi người. Ngài không bỏ qua bất cứ một việc nào, dù là việc nhỏ hay việc lớn, kể cả việc làm ra cách kín giấu, dù là việc thiện đúng theo các điều răn của Ngài hay là việc ác nghịch lại các điều răn của Ngài; vì Ngài là công chính và thánh khiết.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa, sự khôn sáng được trình bày trong Lời Chúa, giúp cho chúng ta được lòng khôn sáng, thông sáng, để chúng ta biết kính sợ Chúa, vâng giữ các điều răn của Ngài, và cứ ở lại trong tình yêu, ân điển của Ngài, để chúng ta được đời đời sống trong hạnh phúc với Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/06/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.