Chú Giải Ga-la-ti 04:21-31 Hai Giao Ước và Hai Thành Giê-ru-sa-lem

4,756 views


YouTube: https://youtu.be/6KXKzwr_7rk

904810 Chú Giải Ga-la-ti 4:21-31
Hai Giao Ước và Hai Thành Giê-ru-sa-lem

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 4:21-31

21 Hãy nói cho tôi, các anh chị em ưa phục dưới luật pháp, không nghe luật pháp sao?

22 Vì có chép rằng, Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ nô lệ, một là con của người nữ tự do. [Sáng Thế Ký 16:15]

23 Nhưng thực tế, con của người nữ nô lệ sinh ra theo xác thịt, con của người nữ tự do sinh ra theo lời hứa.

24 Các sự đó có một nghĩa bóng. Thực tế, chúng là hai giao ước. Một là tại Núi Si-na-i, sinh con ra để làm nô lệ, ấy là A-ga.

25 Vì A-ga ấy là Núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi, tương ứng với thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm nô lệ.

26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ của tất cả chúng ta.

27 Vì có lời chép: Hãy vui mừng! Ngươi là kẻ son sẻ, chẳng sinh nở. Hãy vỡ tiếng reo! Ngươi là kẻ chẳng từng chịu cơn đau sinh nở. Vì người bị bỏ rơi có đông con cái hơn người có chồng. [Ê-sai 54:1]

28 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng ta là con của lời hứa cũng như I-sác.

29 Nhưng, như lúc bấy giờ, kẻ sinh bởi xác thịt bách hại người sinh bởi Đấng Thần Linh, thì hiện nay cũng vậy.

30 Nhưng Thánh Kinh nói gì? Hãy đuổi người nữ nô lệ và con trai nó; vì con trai của người nữ nô lệ sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự do.

31 Vậy nên, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ nô lệ, mà là của người nữ tự do.

Thánh Kinh ghi lại nhiều ngụ ngôn. Ngụ ngôn là cách nói bóng gió, dùng một việc này để ám chỉ đến một việc khác, mà mục đích chính là để khuyên dạy. Ngụ là gửi ý vào bên trong; ngôn là lời nói. Ngụ ngôn là gửi ý dạy dỗ vào bên trong lời nói, thay vì dạy một cách trực tiếp. Ngụ ngôn không phải là một câu chuyện có thật mà là câu chuyện được dựa trên một sự việc thường thấy xảy ra trong cuộc sống, nhờ đó, giúp cho người nghe hiểu được sự dạy dỗ của người nói. Chúng ta đã quen thuộc với các ngụ ngôn về Vương Quốc Trời của Đức Chúa Jesus Christ. Các ngụ ngôn ấy đều dùng những sự việc diễn ra thường ngày trong cuộc sống, để dẫn đến các lẽ thật về Vương Quốc Trời, như việc gieo giống, việc đãi tiệc cưới, việc buôn ngọc, v.v.. Trong ngụ ngôn không hề có tên các nhân vật, vì đó chỉ là câu chuyện làm thí dụ, để so sánh, không phải là một câu chuyện có thật. Chính vì thế mà chúng ta biết Lu-ca 16:19-31 không phải là một ngụ ngôn, vì trong phân đoạn ấy có nói đến tên của Áp-ra-ham và một người ăn mày tên La-xa-rơ. Phân đoạn ấy là một câu chuyện có thật, do chính Đức Chúa Jesus Christ thuật lại, để dạy về số phận của những người tin Chúa lẫn những người không tin Chúa sau khi họ qua đời. Trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại, linh hồn của tất cả những người chết đều vào trong âm phủ. Nhưng những người tin Chúa thì được ở trong nơi phước hạnh, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại để hưởng sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời; còn những người không tin Chúa thì ở trong nơi khốn khổ, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại để ra trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

Thánh Kinh cũng ghi lại nhiều câu chuyện có thật, đã xảy ra trong lịch sử hoặc sẽ xảy ra trong tương lai. Một số những câu chuyện có thật đã xảy ra trong lịch sử được Thánh Kinh dùng làm hình bóng cho những việc sẽ đến trong tương lai. Các câu chuyện ấy được gọi là loại chuyện có nghĩa bóng. Như chuyện Môi-se dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô có nghĩa bóng về sự Đức Chúa Jesus Christ dẫn con dân Chúa ra khỏi sự nô lệ của tội lỗi; chuyện Giô-suê tiếp nối Môi-se dẫn dân I-sơ-ra-ên vào Đất Hứa có nghĩa bóng về sự Đức Thánh Linh dẫn Hội Thánh vào trong Vương Quốc Trời.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về một câu chuyện có nghĩa bóng rất là đặc biệt trong Thánh Kinh, qua Ga-la-ti 4:21-31. Đó là câu chuyện hai người vợ của Áp-ra-ham có nghĩa bóng về hai giao ước và hai thành Giê-ru-sa-lem.

21 Hãy nói cho tôi, các anh chị em ưa phục dưới luật pháp, không nghe luật pháp sao?

Một trong những điều thường xảy ra trong Hội Thánh, là có một số người không có lòng tin cậy và vâng phục thẩm quyền chăn bầy và giảng dạy Lời Chúa do chính Chúa đặt ra trong Hội Thánh. Những người ấy cho rằng, ai cũng có thể tự mình học Lời Chúa mà không cần phải học từ người khác. Quan điểm ấy chỉ đúng phần đầu, là phần: Ai cũng có thể tự mình học Lời Chúa. Nhưng sai phần sau, là phần: Không cần phải học từ người khác.

Chúng ta phải tự mình học Lời Chúa và chúng ta phải học Lời Chúa từ những người khác, nhất là từ những người Chúa đã giao phó cho họ trách nhiệm chăn bầy và trách nhiệm giảng dạy Lời Chúa. Nếu con dân Chúa không cần học Lời Chúa từ người khác thì các chức vụ chăn bầy và giảng dạy Lời Chúa đã không có trong Hội Thánh, và các câu sau đây đã không có trong Thánh Kinh:

Giăng 21:15-17

15 Khi họ đã ăn xong, Đức Chúa Jesus phán với Si-môn Phi-e-rơ: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng? Ông thưa với Ngài: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài. Ngài phán rằng: Hãy cho những chiên con của Ta ăn.

16 Ngài lại phán với ông lần thứ nhì: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta chăng? Ông thưa rằng: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài. Ngài phán rằng: Hãy chăn những chiên của Ta.

17 Ngài phán với ông lần thứ ba: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi thương mến Ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài đã phán với ông lần thứ ba: Ngươi thương mến Ta chăng? Ông đã thưa với Ngài: Lạy Chúa! Ngài biết mọi sự. Ngài biết rằng, tôi thương mến Ngài! Đức Chúa Jesus phán với ông: Hãy cho những chiên của Ta ăn.

I Cô-rinh-tô 12:28

28 Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.

Ê-phê-sô 4:11-13

11 Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy,

12 hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ,

13 cho đến chừng chúng ta hết thảy đều hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Con Đức Chúa Trời, mà nên một người hoàn toàn, theo mức độ trưởng thành trọn vẹn của Đấng Christ;

Những người không có lòng tin cậy và vâng phục thẩm quyền chăn bầy, thẩm quyền giảng dạy Lời Chúa do chính Chúa đặt ra trong Hội Thánh, thì sớm hay muộn cũng đều bị sa ngã vào trong tà giáo. Điều vô lý và khó hiểu của những người ấy là họ tự cho mình thông hiểu Lời Chúa hơn những người thật sự được Chúa giao cho trách nhiệm giảng Lời Chúa. Họ đọc vài câu Thánh Kinh, suy diễn theo ý riêng ngoài văn mạch, rồi cho rằng, mình đã hiểu cách sâu nhiệm Lời Chúa. Họ không hiểu rằng, sự hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa tùy thuộc vào:

  • Tấm lòng sốt sắng tìm kiếm lẽ thật trong sự hạ mình, khiêm nhường, biết lắng nghe, học hỏi từ người khác.
  • Biết dành nhiều thời gian để suy ngẫm Lời Chúa.
  • Được Chúa gọi vào chức vụ giảng dạy Lời Chúa.

Ai cũng có thể nấu ăn và tự mình nấu ăn cho mình, nhưng người không có thời gian học nấu ăn, cũng không có thời gian đi chợ lẫn thời gian nấu ăn, thì làm sao có thể nấu ăn bằng những đầu bếp chuyên nghiệp, được huấn luyện và cứ học tập không ngừng nghỉ, có thời gian đi chợ chọn mua thực phẩm, có thời gian rộng rãi để chế biến và nấu nướng?

Những người chính thức khước từ thẩm quyền chăn bầy, thẩm quyền giảng dạy Lời Chúa do chính Chúa đặt ra trong Hội Thánh sẽ bị ma quỷ thổi phồng họ lên, để làm những giáo sư giả đánh phá Hội Thánh của Chúa. Ma quỷ sẽ giúp cho họ ngụy biện cách tinh vi để dẫn dụ người nghe.

Những tín đồ tại Ga-la-ti đã vội bỏ những lời giảng dạy chân thật của Phao-lô, để nghe theo những lời rao giảng tà giáo của các giáo sư giả. Có lẽ, họ bắt đầu luận về luật pháp trong sự nhóm hiệp của họ, khoe khoang sự làm theo luật pháp của họ, khiến cho Phao-lô hỏi họ rằng: “Hãy nói cho tôi, các anh chị em ưa phục dưới luật pháp, không nghe luật pháp sao?”

Ngay trong câu hỏi của Phao-lô đã tỏ ra rằng: Họ nói về luật pháp, sốt sắng làm theo luật pháp, mong rằng nhờ đó sẽ được cứu rỗi, mà họ chẳng hiểu gì về vai trò của luật pháp!

Ngày nay, trong Hội Thánh lại có một hiện tượng phổ biến. Đó là có nhiều người ưa nói về ân điển của Chúa, tình yêu của Chúa, sự ban cho của Chúa, mà họ chẳng hiểu gì về ân điển hết. Họ giảng Tin Lành cho người khác mà bản thân họ thì chưa hề từ bỏ nếp sống tội. Nhất là những người tự cao và kiêu ngạo, cùng những người tự ái không đúng cách. Kế đến là những người vẫn ăn nói, sinh hoạt như thế gian. Chỉ cần vào những trang facebook của họ, đọc những bài đăng của họ và những lời góp ý của họ, thì sẽ thấy rõ!

Mong rằng quý ông bà anh chị em sẽ luôn ghi nhớ rằng, mỗi một lời nói, việc làm của chúng ta đều phải xứng đáng để nói và làm trong danh Chúa.

22 Vì có chép rằng, Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ nô lệ, một là con của người nữ tự do. [Sáng Thế Ký 16:15]

23 Nhưng thực tế, con của người nữ nô lệ sinh ra theo xác thịt, con của người nữ tự do sinh ra theo lời hứa.

Mệnh đề: “Vì có chép rằng” được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước là để nhắc đến những sự đã được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước. Phao-lô nhắc lại câu chuyện Áp-ra-ham có hai con trai. Đứa con thứ nhất là Ích-ma-ên, do ông ăn ở với A-ga, người tớ gái của vợ ông. Đó là đứa con theo ý muốn của xác thịt. Đứa con thứ nhì là I-sác, do vợ của ông là bà Sa-ra sinh ra. Đó là đứa con mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban cho hai vợ chồng Áp-ra-ham, để qua con đó, dòng dõi của ông sẽ thành một dân lớn và muôn dân trên đất sẽ được hưởng phước bởi dòng dõi của ông. Toàn bộ câu chuyện được ghi chép trong Sáng Thế Ký 15, 16 và 21.

Khi Ích-ma-ên được sinh ra thì Áp-ra-ham đã 86 tuổi. Từ khi Đức Chúa Trời hứa ban con cho Áp-ra-ham, đến khi Sa-ra thấy mình vẫn cứ không mang thai, nên bà đề nghị Áp-ra-ham ăn ở với người tớ gái của bà, để mong có được một đứa con, là bao nhiêu năm, thì Thánh Kinh không nói rõ. Nhưng sau đó thêm 14 năm nữa, lời hứa của Đức Chúa Trời mới hiện thực. Lúc ấy Áp-ra-ham đã 100 tuổi.

Ích-ma-ên là tổ phụ của 12 sắc dân Ả-rập, còn I-sác là tổ phụ của 12 chi phái I-sơ-ra-ên. Ích-ma-ên làm hình bóng cho con cái của xác thịt, bị nô lệ cho tội lỗi, vì sống theo ý riêng. I-sác làm hình bóng cho con cái của lời hứa từ Thiên Chúa, được sinh ra trong tự do, cầm quyền trên tội lỗi.

24 Các sự đó có một nghĩa bóng. Thực tế, chúng là hai giao ước. Một là tại Núi Si-na-i, sinh con ra để làm nô lệ, ấy là A-ga.

25 Vì A-ga ấy là Núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi, tương ứng với thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm nô lệ.

Câu chuyện về sự ra đời của Ích-ma-ên và I-sác còn làm hình bóng cho hai giao ước mà chúng ta quen gọi là Cựu Ước và Tân Ước. Cựu là cũ, tân là mới, và ước là lời hứa (hai danh từ “Cựu Ước” và “Tân Ước” còn được dùng để chỉ về hai phần của Thánh Kinh).

Cựu Ước hay Giao Ước Cũ do Đức Chúa Trời lập ra với loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên tại Núi Si-na-i, trong đồng vắng Si-na-i. Người trung bảo của giao ước là Môi-se. Cựu Ước bao gồm mười lời phán của Đức Chúa Trời, mà chúng ta đã quen gọi là Mười Điều Răn:

“Ông đã ở đó với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Ông không ăn bánh, cũng không uống nước. Ngài đã chép trên các bảng đá các lời giao ước, tức là Mười Lời.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28).

“Ngài rao truyền cho các ngươi giao ước của Ngài, mà Ngài ra lệnh cho các ngươi làm theo, tức là Mười Lời. Ngài chép chúng trên hai bảng đá.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:13).

“Ngài viết trên các bảng, như lần viết trước, Mười Lời mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với các ngươi, từ giữa lửa tại trên núi, trong ngày nhóm hiệp; rồi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trao chúng cho ta.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:4).

Vô số người thuộc các dân tộc khác cùng đi theo dân I-sơ-ra-ên, rời bỏ xứ Ê-díp-tô, và vô số người thuộc các dân tộc khác tại xứ Ca-na-an bị dân I-sơ-ra-ên chinh phục, đều dự phần trong Cựu Ước, khi họ được sát nhập vào với dân I-sơ-ra-ên:

“Cùng một luật pháp dùng cho người bản xứ và khách lạ kiều ngụ giữa các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:49).

“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng thu thập dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán: Ta sẽ thu thập các dân khác cùng nó, cùng những người đã được thu thập của nó.” (Ê-sai 56:6-8).

Trong Giao Ước Cũ, Đức Chúa Trời hứa ban phước cho những ai giữ trọn các điều răn và luật pháp của Ngài, hứa hình phạt cách nghiêm khắc những ai vi phạm chúng. Vì bản tính tội lỗi cai trị trong thân thể xác thịt mà loài người khó vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Vì thế, loài người vừa làm nô lệ cho tội lỗi, vừa làm nô lệ cho luật pháp. Làm nô lệ cho tội lỗi vì không có năng lực để chống lại sự sai khiến của nó. Làm nô lệ cho luật pháp, vì phải vất vả hết sức mà vẫn không giữ trọn, nên bị luật pháp hình phạt. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn ban ân điển cho tội nhân có giới hạn, bằng cách Ngài ban cho họ cơ hội được tha thứ bằng cách dâng sinh tế. Gọi là ân điển giới hạn vì đối với một số tội, người ta có thể nhờ dâng sinh tế mà được tha tội, nhưng có nhiều tội vẫn bị lên án chết.

Thành Giê-ru-sa-lem là điển hình cho dân I-sơ-ra-ên phần xác thịt. Ngày nay, những người I-sơ-ra-ên còn giữ đức tin nơi Thiên Chúa, nhưng không tiếp nhận Giao Ước Mới, thì họ vẫn còn nô lệ cho tội lỗi và luật pháp. Họ giống như những người phải làm việc một ngày tám tiếng nhưng phải đi bộ một chặng đường 30 km từ nhà đến chỗ làm. Số giờ đi về khoảng 12 tiếng. Họ chỉ còn lại bốn tiếng một ngày để ngủ, nghỉ, ăn uống, và giải quyết các nhu cầu khác. Mỗi lần đi làm trễ hoặc vắng mặt vì bất cứ lý do gì, thì bị phạt. Đời sống như vậy đúng là đời sống của một nô lệ!

Tân Ước hay Giao Ước Mới do Đức Chúa Trời lập ra với loài người qua dân I-sơ-ra-ên, tại đồi Gô-gô-tha, xứ Ca-na-an. Người trung bảo của giao ước là Đức Chúa Jesus Christ. Giao Ước Mới không hủy bỏ cũng không thay thế Giao Ước Cũ nhưng bao gồm Giao Ước Cũ và thêm vào một điều khoản mới về việc ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus sẽ được thoát khỏi án phạt của luật pháp. Nội dung chính của Giao Ước Mới được tóm lược trong Giăng đoạn 3.

Trong Giao Ước Mới, loài người chỉ cần thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì được tha tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên mới (tái sinh), được ban cho năng lực để đắc thắng tội lỗi. Vì thế, loài người được tự do khỏi tội lỗi và được tự do đối với luật pháp. Họ giống như những người phải làm việc một ngày tám tiếng. Họ phải đi một chặng đường 30 km từ nhà đến chỗ làm, nhưng được hãng cho xe đưa đón. Số giờ đi về chỉ mất khoảng 1/2 tiếng (tính theo tốc độ lái xe ở Mỹ). Họ còn lại hơn 15 tiếng một ngày để ngủ, nghỉ, ăn uống, và giải quyết các nhu cầu khác. Mỗi lần đi làm trễ hoặc vắng mặt có lý do gì chính đáng, thì không bị phạt. Nhờ thế, họ dễ dàng hoàn thành bổn phận làm việc và được ban thưởng.

Chúng ta cần phân biệt hai điều này:

  • Tự do không vâng theo luật pháp: Không bị buộc phải vâng theo luật pháp nhưng sẽ bị hình phạt hư mất đời đời.
  • Tự do đối với luật pháp: Không còn ở dưới luật pháp, không còn bị luật pháp định tội vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay mọi hình phạt của tội lỗi.

Những ai cho rằng, không cần phải giữ Mười Điều Răn, hay không cần phải giữ điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn, thì họ là những kẻ chọn sự tự do không vâng theo luật pháp. Những ai giữ Mười Điều Răn nhưng tự ý thay đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật, hay sang bất cứ một ngày nào khác, thì họ là những kẻ thêm, bớt Lời Chúa. Họ phạm tội. Chắc chắn là không có một chỗ nào trong Thánh Kinh hủy bỏ điều răn thứ tư, hoặc cho phép đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật hay sang bất cứ ngày nào khác. Sự bác bỏ hay thay đổi ngày Sa-bát là do truyền thống sai lầm của loài người trong các giáo hội.

26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ của tất cả chúng ta.

Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao tức là nơi ngự của Thiên Chúa, là thiên đàng, và đã được Ngài ban cho Hội Thánh. Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao tiêu biểu cho Hội Thánh, một ngày kia sẽ là vợ mới của Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 21:2, 9-10). Chúng ta cần phân biệt rõ, “tiêu biểu” khác với “là”.

  • Thành Giê-ru-sa-lem tại Ca-na-an tiêu biểu cho dân tộc I-sơ-ra-ên chứ nó không phải là dân tộc I-sơ-ra-ên.
  • Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao tiêu biểu cho Hội Thánh chứ nó không phải là Hội Thánh.

Trong mấy chục năm qua, xuất hiện một tà giáo từ Nam Hàn, thờ lạy một “Đức Chúa Trời Mẹ”. Họ dùng Ga-la-ti 4:26 làm nền tảng cho giáo lý Đức Chúa Trời Mẹ của họ. Họ lý luận: Chúng ta là con dân của Thiên Chúa, gọi Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là Mẹ của chúng ta. Vậy Thành Giê-ru-sa-lem phải là Đức Chúa Trời Mẹ! Vì Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời Con, nên Đức Chúa Trời Mẹ chính là Đức Thánh Linh!

Họ không hiểu cách dùng chữ hình bóng. Trong Ma-thi-ơ 23:37 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

“Hỡi Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn gom con cái của ngươi như gà mái gom gà con mình lại, vào dưới cánh của nó, mà các ngươi chẳng muốn!”

Ngài dùng cách nói “con cái của Giê-ru-sa-lem” để chỉ chung toàn dân I-sơ-ra-ên, vì Giê-ru-sa-lem là thủ đô của dân I-sơ-ra-ên. Giê-ru-sa-lem làm hình bóng người mẹ của toàn dân I-sơ-ra-ên chứ Giê-ru-sa-lem không phải là mẹ của dân I-sơ-ra-ên. Hình bóng người mẹ của một dân tộc được dùng để nói đến nguồn gốc của một dân tộc. Khi chúng ta nói: “Mẹ Việt Nam trông chờ những đứa con tha hương trở về, góp tay xây dựng và bảo vệ đất nước”, là chúng ta nói đến tinh thần của quốc gia Việt Nam, nguyện vọng chung của toàn dân Việt Nam. Mẹ Việt Nam chính là đất nước Việt Nam được nhân cách hóa. Tương tự như vậy, Giê-ru-sa-lem tại Ca-na-an và Giê-ru-sa-lem ở trên trời cũng được nhân cách hóa. Nhưng Đức Chúa Trời là Cha thật của chúng ta trong mối tương giao cha con mật thiết.

27 Vì có lời chép: Hãy vui mừng! Ngươi là kẻ son sẻ, chẳng sinh nở. Hãy vỡ tiếng reo! Ngươi là kẻ chẳng từng chịu cơn đau sinh nở. Vì người bị bỏ rơi có đông con cái hơn người có chồng. [Ê-sai 54:1]

Sa-ra, tưởng chừng chẳng thể sinh con, nhưng vào lúc 91 tuổi đã có thể sinh con. Phao-lô ví sự sinh con của Sa-ra như sự dân I-sơ-ra-ên sẽ sinh ra nhiều đứa con của đức tin qua Đức Chúa Jesus Christ.

28 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng ta là con của lời hứa cũng như I-sác.

Phao-lô một lần nữa, gọi những tín đồ tại Ga-la-ti là “các anh chị em cùng Cha” để nhấn mạnh sự kiện, dù phần lớn trong số họ không phải là dân I-sơ-ra-ên, nhưng họ cũng là con cái của Đức Chúa Trời như bản thân ông. Trong khi I-sác là con của lời hứa vì Đức Chúa Trời hứa sẽ ban con cho Áp-ra-ham, thì chúng ta là con của lời hứa vì Đức Chúa Trời hứa sẽ nhận chúng ta làm những con trai và những con gái của Ngài:

“Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45] Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]” (II Cô-rinh-tô 6:17-18).

Ngày nay, có nhiều con dân Chúa vẫn còn sống trong sự nô lệ cho các giáo hội và các truyền thống của loài người. Họ thờ phượng Chúa trong thần trí nhưng không trong lẽ thật, là Lời Chúa.

29 Nhưng, như lúc bấy giờ, kẻ sinh bởi xác thịt bách hại người sinh bởi Đấng Thần Linh, thì hiện nay cũng vậy.

Ích-ma-ên được sinh ra bởi ý muốn của loài người, bởi sức riêng của loài người, nên gọi là kẻ sinh bởi xác thịt. I-sác được sinh ra bởi ý muốn của Thiên Chúa, bởi lời hứa và năng lực của Thiên Chúa, nên gọi là sinh ra bởi Đấng Thần Linh. Chính Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã tác động trên thân thể của Áp-ra-ham, một ông cụ 100 tuổi, và Sa-ra, một bà cụ 91 tuổi, để họ sinh con.

Sáng Thế Ký 21:9 ghi lại rằng, trong ngày Áp-ra-ham bày tiệc mừng I-sác thôi bú, thì Ích-ma-ên chế giễu. Động từ “chế giễu” được dùng trong câu này với nghĩa: cười nhạo báng, cười chê, cười khinh một cách công khai và lớn tiếng. Phao-lô gọi đó là sự Ích-ma-ên bách hại I-sác. Ích-ma-ên khi ấy đã được 14 tuổi, còn I-sác thì vừa được một tuổi.

Ngày nay, con cháu của Ích-ma-ên gồm 12 chi phái Ả-rập lên đến gần 300 triệu người, con cháu của I-sác gồm 12 chi phái I-sơ-ra-ên chưa đến 10 triệu người. Dân Ả-rập thù ghét dân I-sơ-ra-ên và luôn tìm cách xóa sổ dân I-sơ-ra-ên. Tương tự như vậy, những người sống theo xác thịt bách hại những người sống theo tâm thần. Thời của Phao-lô những người sống theo xác thịt là những người nô lệ cho Do-thái Giáo; thời nay, họ là những người nô lệ cho các giáo hội. Những người sống theo tâm thần là những người chỉ sống theo Chúa và Thánh Kinh.

30 Nhưng Thánh Kinh nói gì? Hãy đuổi người nữ nô lệ và con trai nó; vì con trai của người nữ nô lệ sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự do.

Khi chúng ta đọc câu chuyện Sa-ra đuổi A-ga và Ích-ma-ên ra khỏi nhà, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 21, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy là Sa-ra quá khắt khe, bởi vì lúc bấy giờ, Ích-ma-ên chỉ là một thiếu niên 14 tuổi. Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng, hình phạt Sa-ra dành cho Ích-ma-ên quá nặng. Nhưng qua sự Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô, để ông viết ra câu Ga-la-ti 4:30, chúng ta hiểu rằng, việc làm của Sa-ra được Thiên Chúa chấp nhận. Tội lỗi luôn luôn đem lại đau khổ, tội lỗi luôn luôn bị hình phạt, và hậu quả của tội lỗi có thể lưu lại nhiều thế hệ sau. Nếu không có sự can thiệp của Đức Chúa Trời bởi lòng yêu thương rất lớn của Ngài dành cho loài người, thì không ai có thể thoát khỏi hậu quả của tội lỗi.

31 Vậy nên, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ nô lệ, mà là của người nữ tự do.

Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, phái tính, tuổi tác, giai cấp, địa vị xã hội, trình độ trí thức… nếu đã thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng sống theo Lời Chúa, thì đều là anh chị em cùng một Cha ở trên trời. Họ cùng hưởng sự tự do trong Đức Chúa Jesus Christ, cùng được đồng trị với Ngài, cùng được kết hiệp với Ngài, cùng dự phần trong thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Tiếc thay, từ xưa đến nay, có quá nhiều người vẫn sống trong sự nô lệ cho các hệ thống giáo quyền, các tư tưởng Thần học nghịch Thánh Kinh, và thậm chí bị các tà giáo dẫn dụ đi sai lạc Lời Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật ban cho chúng ta sự khôn sáng, thông sáng, để chúng ta luôn hiểu đúng Lời Chúa.

Nguyện Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Cứu Rỗi ban thêm sức mới cho chúng ta mỗi ngày, để chúng ta có đủ năng lực sống theo Lời Chúa.

Nguyện Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời của chúng ta giữ gìn chúng ta luôn trọn vẹn, không chỗ trách được.

Nguyện mọi vinh hiển, quyền thế, và mọi sự tôn quý đời đời thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa. 

A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/05/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.