Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 12:20-25 Vua Hê-rốt Bị Thiên Sứ Đánh Chết

1,878 views

YouTube: https://youtu.be/s6FJNpXUmIk

44032 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 12:20-25
Vua Hê-rốt Bị Thiên Sứ Đánh Chết

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 12:20-25

20 Hê-rốt vốn rất căm giận dân thành Ti-rơ và dân thành Si-đôn. Nhưng họ đã thuyết phục Ba-la-tút, quan phụ trách phòng ngủ của vua, cùng một lòng đến với vua mà xin hòa, vì xứ của họ được nuôi bởi xứ của vua.

21 Tới ngày đã định, Hê-rốt đã vận trang phục của vua, ngồi trên ngai, truyền phán cho họ.

22 Dân chúng đã kêu lên rằng: Ấy là tiếng của thần linh, chẳng phải của loài người!

23 Ngay lúc đó, thiên sứ của Chúa đã đánh vua, vì người chẳng trao cho Đức Chúa Trời sự vinh quang. Người đã bị trùng ăn mà chết.

24 Bấy giờ, Lời của Đức Chúa Trời đã tấn tới và thêm ra.

25 Ba-na-ba và Sau-lơ đã trở về [thành An-ti-ốt] từ Giê-ru-sa-lem, hoàn thành mục vụ; và đem theo Giăng, gọi là Mác.

Trong bài trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu 19 câu đầu của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 12, với đề tài “Gia-cơ Bị Giết và Phi-e-rơ Được Thiên Sứ Cứu Khỏi Nhà Tù”. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các câu còn lại của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 12, về sự Vua Hê-rốt đã bị thiên sứ đánh chết, vì kiêu ngạo. Đó là từ câu 20 đến câu 25.

20 Hê-rốt vốn rất căm giận dân thành Ti-rơ và dân thành Si-đôn. Nhưng họ đã thuyết phục Ba-la-tút, quan phụ trách phòng ngủ của vua, cùng một lòng đến với vua mà xin hòa, vì xứ của họ được nuôi bởi xứ của vua.

Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất sinh năm 11 TCN và qua đời năm 44, khi được 54 tuổi. Ông là vua của xứ Giu-đê từ năm 41 tới năm 44, nhưng từ năm 39 ông đã là vua phần lãnh thổ do chú của ông là Vua Phi-líp cai trị trước đó. Đó là khu vực thuộc xứ I-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít (Lu-ca 3:1).

Bản đồ xứ I-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít
Nguồn: [1], [2]

Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất là bạn thân với hoàng đế La-mã đương thời, là Sê-sa Gai-út. Chính Sê-sa Gai-út phong cho ông làm vua của xứ I-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít. Sau đó, Sê-sa Gai-út ra lệnh lưu đày Hê-rốt An-ti-ba và thêm cho ông xứ Ga-li-lê và xứ Bê-ri-a (Perea) vốn do Hê-rốt An-ti-ba cai trị.

Vì là bạn thân với hoàng đế La-mã nên Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất rất có thế lực và tỏ ra rất trung thành với sê-sa. Vào năm 40, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã thành công trong việc liều mình, can ngăn Sê-sa Gai-út ban hành lệnh dựng tượng của Gai-út trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem, để dân chúng thờ phượng Gai-út. Sau đó, Sê-sa Gai-út dự định phong cho Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất ngai vị của ông nội của ông là Hê-rốt Đại Đế. Nhưng ý định chưa kịp thi hành thì Sê-sa Gai-út đã bị ám sát vào tháng Một, năm 41. Một trong các nguồn sử liệu cho rằng, trước khi bị ám sát, Sê-sa Gai-út đã ra lệnh lần thứ nhì về việc cho dựng tượng của ông trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem [3]. Nếu thật vậy, chúng ta có thể thấy sự can thiệp của Đức Chúa Trời, khi Ngài khiến cho Sê-sa Gai-út bị ám sát.

Chú của Sê-sa Gai-út là Cơ-lốt, được Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất tích cực ủng hộ trong việc tranh quyền, kế vị Sê-sa Gai-út. Nên sau khi lên ngôi, Sê-sa Cơ-lốt đã ban thêm cho Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất quyền cai trị xứ Sa-ma-ri và xứ Giu-đê. Và như vậy, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất trở thành một trong các vua có uy quyền nhất tại phương đông thời bấy giờ. Phần lãnh thổ do ông cai trị không thua kém phần lãnh thổ do ông nội của ông là Hê-rốt Đại Đế cai trị. Ngay sau đó, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã nhiệt tình theo đuổi chính sách ủng hộ Do-thái Giáo, đàn áp Hội Thánh, nên được dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo yêu thích.

Lãnh thổ của Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất (màu xanh)
Nguồn: [4], [5]

Ti-rơ và Si-đôn là hai thành phố lớn nằm trên bờ phía đông của Địa Trung Hải và ở về phía bắc của thành Sê-sa-rê. Hai thành phố này vào thời ấy rất thịnh vượng, nhờ sự mua bán, trao đổi hàng hóa với các thành phố trong lãnh thổ của Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất.

Động từ “căm giận” (G2371) có nghĩa đen là gây chiến cách dữ dội; nghĩa bóng là vô cùng tức giận. Động từ này chỉ được dùng một lần trong Thánh Kinh, hàm ý, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất rất căm giận dân chúng của hai thành Ti-rơ và Si-đôn. Thánh Kinh cũng như sử liệu không cho biết lý do gì khiến cho Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất căm giận. Nhưng có thể là vì hai thành phố này đã không tôn trọng một số luật lệ về giao thương do vua đề ra.

Dân Ti-rơ và dân Si-đôn sau khi chọc giận Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, đã nhận thức sự thiệt hại lớn sẽ xảy ra cho họ, nên đã hối lộ Ba-la-tút, quan phụ trách phòng ngủ của vua, xin thu xếp, giúp họ phục hòa với vua.

Dân Ti-rơ và dân Si-đôn là dân đã được Đấng Christ cho rằng, nếu họ được xem các phép lạ Ngài đã làm thì họ sẽ ăn năn trong áo gai và tro; chứ không cứng lòng như dân thành Cô-ra-xin và dân thành Bết-sai-đa (Ma-thi-ơ 11:21).

21 Tới ngày đã định, Hê-rốt đã vận trang phục của vua, ngồi trên ngai, truyền phán cho họ.

Ngày đã định” là ngày mà dân Ti-rơ và dân Si-đôn ra mắt để phục hòa với Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất.

Theo sử liệu thì vào mùa xuân năm 44, sau Lễ Vượt Qua, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã đến Sê-sa-rê, tổ chức một lễ hội các trò chơi, có thể là các cuộc thi đấu thể thao, để tôn vinh Sê-sa Cơ-lốt. Có lẽ dân Ti-rơ và dân Si-đôn đã đến ra mắt để phục hòa với Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, trong dịp ấy.

Sử liệu cho biết, trong ngày thứ nhì của lễ hội các trò chơi, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã đến hí trường sớm, mặc trang phục hoàn toàn dệt bằng các sợi chỉ làm bằng bạc, ngồi trên ngai. Ánh nắng sớm phản chiếu trên trang phục của vua, giống như vua được bao bọc bởi hào quang. Dân chúng đã cùng nhau trầm trồ trước khung cảnh lạ lùng ấy [6].

Chữ “ngai” được dùng ở đây để chỉ chỗ ngồi dành riêng cho vua hoặc quan tòa. Có lẽ đó là chỗ ngồi danh dự trong hí trường.

22 Dân chúng đã kêu lên rằng: Ấy là tiếng của thần linh, chẳng phải của loài người!

Khi Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất cất tiếng nói, thì dân chúng đã cùng nhau kêu lên rằng, tiếng nói của vua là tiếng nói của thần linh, không phải tiếng nói của loài người.

Danh từ “thần linh” (G2316) được dùng để chỉ Thiên Chúa hoặc các thần linh do Thiên Chúa dựng nên, kể cả các thiên sứ phạm tội. Theo văn mạch, dân chúng tôn Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất làm một thần linh ngang hàng với các tà thần mà họ thờ phượng.

Cũng theo sử liệu, dân chúng đã cầu nguyện với Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất rằng: “Xin Ngài có lòng thương xót đối với chúng tôi; vì cho dù đến nay, chúng tôi chỉ tôn kính Ngài như một người, nhưng từ nay, chúng tôi sẽ xem Ngài như Đấng Rất Cao Trọng đối với phàm trần.” Lời cầu nguyện đó đã ngang nhiên nâng -rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất lên địa vị ngang với Đức Chúa Trời. Nhưng vua đã không hề khước từ hay phản đối lời xưng tụng của dân chúng [6].

23 Ngay lúc đó, thiên sứ của Chúa đã đánh vua, vì người chẳng trao cho Đức Chúa Trời sự vinh quang. Người đã bị trùng ăn mà chết.

Chữ “đánh” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp cùng là một chữ được dịch là “vỗ” trong câu 7. Đối với Phi-e-rơ thì thiên sứ đã vỗ nhẹ vào ông để đánh thức ông và giải cứu ông ra khỏi nhà tù. Đối với Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất thì thiên sứ đã gieo vào thân thể ông một chứng bệnh khiến cho ông vô cùng đau đớn, rồi qua đời.

Lý do Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất bị thiên sứ đánh đã được Đức Thánh Linh bày tỏ qua Lu-ca. Đó là vì ông đã chẳng trao cho Đức Chúa Trời sự vinh quang, khi dân chúng tôn vinh ông.

Theo sử liệu, sau khi Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất tiếp nhận lời xưng tụng và cầu nguyện của dân chúng thì một cơn đau bụng dữ dội đã nổi lên trong ông. Người ta phải khiêng ông vào trong cung điện của ông. Năm ngày sau, ông qua đời trong sự đau đớn tột cùng [6]. Các sử liệu không nói Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất chết vì bị trùng ăn. Có lẽ vì các sử gia không biết rõ chứng bệnh của ông. Nhưng Thánh Kinh xác định Hê-rốt chết vì bị trùng ăn.

Chữ “trùng” trong tính từ “bị trùng ăn” của nguyên ngữ Hy-lạp có thể là dòi, tức ấu trùng của ruồi, mà cũng có thể là trùng đất, hay các loại giun sán, ký sinh trùng đường ruột. Chúng ta không biết chắc chứng bệnh bị trùng ăn của Hê-rốt là bệnh gì. Nhưng có thể là bệnh viêm phúc mạc cùng lúc với bệnh giun tròn [7], [8].

Phúc mạc là một màng mỏng bao phủ bên trong cơ thể và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Viêm phúc mạc là tình trạng lớp phúc mạc nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc nấm, do các tạng bị vỡ hay thủng, hoặc do biến chứng của một bệnh nào đó. Giun sán cũng có thể làm thủng ruột, gây viêm phúc mạc. Tháng 08, năm 2018, tại thành phố Vinh, ở Nghệ An có trường hợp một bé gái hai tuổi bị giun sán cắn thủng ruột đến 50 lỗ, bị viêm phúc mạc suýt chết [9].

Có thể, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã bị giun tròn ăn thủng ruột, gây ra viêm phúc mạc, dẫn đến cái chết rất đau đớn.

24 Bấy giờ, Lời của Đức Chúa Trời đã tấn tới và thêm ra.

Bấy giờ” là sau khi Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất qua đời.

Lời của Đức Chúa Trời” có thể dịch là Đạo của Đức Chúa Trời, là toàn bộ giáo lý của Đấng Christ mà Ngài đã truyền cho các môn đồ (Ma-thi-ơ 28:20).

Đã tấn tới và thêm ra” có nghĩa là sự hiểu biết Lời Chúa đã ngày càng gia tăng trong các môn đồ của Chúa; và Lời Chúa ngày càng được truyền bá cho nhiều người. Động từ “tấn tới” chỉ sự tăng trưởng như sự tăng trưởng của cây cối, được dùng để nói về sự tăng trưởng trong tri thức về Lời Chúa trong các môn đồ của Chúa. Động từ “thêm ra” chỉ sự gia tăng về số lượng, được dùng để nói về sự có thêm nhiều người được nghe rao giảng Lời Chúa.

25 Ba-na-ba và Sau-lơ đã trở về [thành An-ti-ốt] từ Giê-ru-sa-lem, hoàn thành mục vụ; và đem theo Giăng, gọi là Mác.

Ba-na-ba và Sau-lơ trước đó đã đem tiền dâng hiến của con dân Chúa trong Hội Thánh tại An-ti-ốt, về Giê-ru-sa-lem để cứu trợ con dân Chúa trong các Hội Thánh tại xứ Giu-đê, vì cơn đói kém trong thời Sê-sa Cơ-lốt (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:27-30).

Hoàn thành mục vụ” là hoàn thành việc giao tiền dâng hiến cứu trợ cho các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem.

Giăng, gọi là Mác” là người viết sách Tin Lành Mác, và là anh em họ của Ba-na-ba. Sau khi đến An-ti-ốt, Mác sẽ cùng với Ba-na-ba tham dự chuyến truyền giáo thứ nhất của Sau-lơ.

Có người hỏi, tại sao Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất bị thiên sứ đánh chết vì kiêu ngạo, không nhường sự vinh quang cho Đức Chúa Trời, nhưng các sê-sa La-mã cho đúc tượng của mình, khiến dân chúng thờ lạy mình, thì lại không bị thiên sứ đánh chết. Chúng ta có thể hiểu, là vì các sê-sa không phải là người biết Lời Chúa. Họ không biết mình làm gì. Còn Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất thì biết rõ việc mình làm là phạm tội, vì ông là người biết Lời Chúa và xưng nhận mình là một người I-sơ-ra-ên tin kính Chúa.

Qua sự kiện Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất bị thiên sứ đánh chết vì kiêu ngạo, chúng ta hiểu rằng, người biết Chúa mà kiêu ngạo, nhận lấy những lời tôn vinh chỉ dành riêng cho Thiên Chúa là phạm trọng tội. Trong thực tế, có nhiều con dân Chúa thật lòng tin nhận sự thực hữu của Thiên Chúa, tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, tin nhận Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa, nhưng lại không từ bỏ sự kiêu ngạo, muốn mình hơn người và được người khác thán phục mình. Có nhiều người nói rằng, mình làm điều này, điều kia để hầu việc Chúa; nhưng thật ra là làm để tìm kiếm tiếng khen. Được khen tức là được đánh giá cao về một phương diện nào đó, không có gì sai, nhưng làm việc để được tiếng khen thì không đúng. Là con dân Chúa, chúng ta chỉ nên làm việc vì tình yêu: yêu Chúa nên làm những gì đẹp lòng Chúa; yêu người nên làm những gì có tính cách gây dựng, giúp ích, và làm gương tốt cho người. Khi được khen thì chúng ta nên cảm tạ Chúa để dâng sự vinh quang lên Chúa.

Lại có nhiều người là con dân Chúa nhưng say mê những sự thuộc về thế gian hơn là say mê những sự thuộc về Chúa. Họ dành thời gian, công sức, tiền bạc cho những sự họ ưa thích trong thế gian, thay vì chuyên tâm học biết Chúa và tham gia các mục vụ trong Hội Thánh. Những người như vậy đã vô tình tôn vinh những sự thuộc về thế gian thay vì tôn vinh Thiên Chúa. Họ sống cho những sự thuộc về thế gian thay vì sống cho Chúa.

Chúng ta kết thúc bài học về Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 12 tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/11/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://bibleatlas.org/full/ituraea.htm

[2] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/11/I-tu-re_Tra-co-nit.png

[3] Philo of Alexandria, On the Embassy to Gaius XLIII.346.

[4] https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/d/d8/Herod_Agrippa_Judea.png/800px-Herod_Agrippa_Judea.png

[5] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/11/Herod_Agrippa_Judea.png

[6] Josephus, Antiquities 19.8.2 343-361

[7] https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/viem-phuc-mac-co-nguy-hiem/

[8] http://www.swartzentrover.com/cotor/Bible/Bible/NT/The%20Deaths%20of%20Antiochus%20IV.,%20Herod%20the%20Great,%20and%20Herod%20Agrippa%20I.htm

[9] https://benhvienvietduc.org/2-tuoi-bi-giun-san-can-thung-ruot-50-lo-boi-mot-ly-khong-ngo.html

Karaoke Thánh Ca: “Bởi Được Ngài Yêu”
https://karaokethanhca.net/boi-duoc-ngai-yeu/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.