Chú Giải I Ti-mô-thê 01:12-20

4,140 views

Chú Giải I Ti-mô-thê 1:12-20
Điển Hình về Sự Thương Xót của Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

12 Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung tín, đặt ta vào trong mục vụ.

13 {Ta} trước đây là kẻ phạm thượng, kẻ bách hại và hung bạo, nhưng ta đã được ơn thương xót, vì ta đã làm {những sự đó} cách ngu dại trong sự không tin.

14 Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta với đức tin và tình yêu, {là} sự {ở} trong Đấng Christ Jesus.

15 Đây là lời chắc chắn đáng cho mọi người nhận lấy, rằng: Đấng Christ Jesus đã đến trong thế gian để cứu những kẻ có tội, trong những kẻ ấy, ta là đầu.

16 Nhưng vì lý do này mà ta đã được ơn thương xót: Để trong ta, trước hết, Đức Chúa Jesus Christ tỏ mọi sự nhẫn nại, làm gương cho những ai sẽ tin nơi Ngài để được sự sống đời đời.

17 Nguyện sự tôn quý và vinh quang đời đời thuộc về Vua Đời Đời, bất tử, không thấy được, Thiên Chúa Thông Sáng Có Một! A-men.

18 Hỡi con! Ti-mô-thê! Sự răn bảo này ta truyền cho con, theo các lời tiên tri về con trước đây, rằng, nhờ những lời đó mà con đánh trận tốt lành,

19 giữ lấy đức tin và lương tâm tốt, là điều có mấy kẻ đã chối bỏ nên đức tin của họ bị chìm đắm.

20 Trong mấy kẻ ấy là Hi-mê-nê và A-léc-xan-đơ, mà ta đã phó cho Sa-tan rồi, để họ được dạy cho biết đừng phạm thượng nữa.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTc3MTk4Mjhf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9054011-i-ti-mo-the-1_12-20
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ronyyvyxee8t9tz/9054011_I_Timothe_1_12-20.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Chúng ta đã biết, ân điển của Thiên Chúa là ơn thương xót của Thiên Chúa ban cho loài người, dù loài người không xứng đáng nhận lãnh. Vì sao loài người không xứng đáng nhận lãnh ơn thương xót của Thiên Chúa?

Vì loài người đã cố tình chống nghịch Thiên Chúa bằng cách không vâng phục Ngài, vui thú trong sự phản nghịch của mình, dù đã được hưởng sự yêu thương, chăm sóc của Thiên Chúa, và được Ngài ban cho quyền cai trị đất cùng muôn vật trên đất.

Thiên Chúa là tình yêu. Trong tình yêu có sự thương xót. Sự thương xót là sự yêu thương và cùng cảm nhận mọi sự yếu đuối, đau đớn, và sợ hãi của người được yêu. Nhưng loài người không đáng được thương xót vì loài người vui thú trong sự phạm tội của mình, như Rô-ma 1:32 nói rõ:

Dù họ biết mệnh lệnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.”

Nhiều người cho rằng, việc loài người không vâng lời Thiên Chúa, ăn trái cây Thiên Chúa đã cấm ăn trong vườn tại Ê-đen, là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, hậu quả của sự không vâng lời Thiên Chúa đem đến sự đau khổ và sự chết cho loài người trong suốt khoảng 6000 năm nay, đã cho chúng ta thấy, dù chỉ một sự không vâng phục Thiên Chúa, cũng sẽ đem đến tai họa lớn biết chừng nào.

Cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho loài người ơn thương xót của Ngài qua sự ban cho loài người ơn cứu rỗi, để phục hồi loài người. I Ti-mô-thê 1:12-20 đưa Phao-lô ra làm hình ảnh tiêu biểu cho ơn thương xót của Thiên Chúa, nhưng cũng nói lên sự nghiêm khắc của Thiên Chúa khi loài người chối bỏ ơn thương xót của Ngài.

12 Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung tín, đặt ta vào trong mục vụ.

Chắc chắn là trong suốt bao năm Ti-mô-thê cùng đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo, thì Phao-lô đã nhiều lần tâm sự với Ti-mô-thê về cuộc đời của ông và làm chứng về ơn thương xót của Thiên Chúa đã ban cho ông. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh đã cảm động lòng Phao-lô, để ông ghi lại mấy lời trong chương đầu của thư I Ti-mô-thê, giúp chúng ta hiểu rõ về sự thương xót của Thiên Chúa đối với loài người, mà ông là một chứng nhân và là một điển hình.

Trước hết, Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ. Vì Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người để cứu ông và ban cho ông chức vụ sứ đồ. Phao-lô dùng cách nói “Đấng Christ Jesus” để nhấn mạnh đến mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ. Khi danh xưng Christ được đặt đàng sau tên gọi Jesus, thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến phương diện con người Jesus được Đức Chúa Trời chọn làm chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong chương trình cứu rỗi loài người. Khi danh xưng Christ được đặt đàng trước tên gọi Jesus, thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến thành quả trong các chức vụ của Đức Chúa Jesus. Xin đọc bài “Đức Chúa Jesus Christ và Christ Jesus” trên trang www.thanhoc.timhieutinlanh.net [1].

Đấng Christ được gọi là “Chúa của chúng ta” tức là Chúa của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Danh từ “Chúa” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: “Người có toàn quyền trên người khác”, như vua trong một vương quốc, chủ nhân của những nô lệ. Chúng ta có bổn phận hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Jesus Christ, như nô lệ vâng phục chủ, như người dân trong một vương quốc vâng phục vua. Ngài chính là chủ của chúng ta vì Ngài đã dùng chính sự vinh quang và mạng sống của Ngài, để cứu chuộc chúng ta ra khỏi hậu quả của tội lỗi. Ngài chính là vua của chúng ta vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, đã dựng nên chúng ta, và Ngài cũng là Vua của các vua, Chúa của các chúa. Nếu chúng ta gọi Ngài là “Chúa” mà chúng ta không vâng phục Ngài, thì chúng ta là những kẻ dối trá, giả hình, và Ngài biết rõ điều đó. Gần hai ngàn năm trước, Ngài đã phán:

Sao các ngươi gọi Ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời Ta phán?” (Lu-ca 6:46).

Chức vụ sứ đồ là một chức vụ phải chịu nhiều gian nan, khốn khó; vì thế sức người không thể chịu nổi, nếu không có sự thêm sức của Đấng Christ. Chúng ta hãy đọc lại lời tâm sự của Phao-lô với Hội Thánh tại Cô-rinh tô:

II Cô-rinh-tô 11:23-29

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Vâng! Tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là người hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Nhiều khi tôi gần phải bị chết;

24 năm lần bị người Do-thái đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục;

25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với những anh chị em cùng Cha giả dối;

27 chịu khó, chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói và khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.

28 Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.

29 Nào có ai yếu đuối mà tôi chẳng yếu đuối sao? Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt sao?

Chính Phao-lô đã xác nhận với Hội Thánh tại Phi-líp rằng, ông làm được mọi sự nhờ Đức Chúa Jesus Christ ban thêm sức cho ông:

Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Và chính Đức Chúa Jesus Christ phán với Phao-lô rằng, ân điển của Ngài khiến cho sự yếu đuối của ông được nên trọn vẹn:

Nhưng Ngài phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ vui lòng thà khoe mình trong sự yếu đuối của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9).

Không riêng gì Phao-lô là sứ đồ của Chúa, mà mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh đều được Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ truyền lệnh cho làm ánh sáng của thế gian, làm muối của đất (Ma-thi-ơ 5:13-14). Nghĩa là sống đúng theo Lời Chúa và rao giảng Tin Lành của Ngài cho thế gian. Và chắc chắn là chúng ta không thể nào làm trọn công việc ấy nếu chúng ta không được chính Đức Chúa Jesus Christ thêm sức cho chúng ta và ban ân điển cho chúng ta. Chúng ta cần sức thiêng từ Đấng Christ khi đối diện với khó khăn, nghịch cảnh, nhất là sự bách hại của thế gian. Và chúng ta cần ân điển của Ngài mỗi khi chúng ta yếu đuối, vấp ngã, phạm lỗi, phạm tội.

Trước khi Chúa đặt Phao-lô vào trong mục vụ, Ngài đã biết rằng ông sẽ trung tín hầu việc Ngài cho đến chết. Khi Phao-lô viết những dòng chữ này, thì ông đã ở vào những ngày cuối cùng của đời mình, và Chúa đã an ủi ông, bằng cách tỏ cho ông biết, Ngài đã biết lòng trung tín của ông từ trước khi Ngài gọi ông vào trong chức vụ.

13 {Ta} trước đây là kẻ phạm thượng, kẻ bách hại và hung bạo, nhưng ta đã được ơn thương xót, vì ta đã làm {những sự đó} cách ngu dại trong sự không tin.

Trước khi tin nhận Tin Lành, Phao-lô là một người tin cậy và thờ phượng Thiên Chúa theo Thánh Kinh Cựu Ước. Ông là một người I-sơ-ra-ên chính gốc, thuộc phái Pha-ri-si, một giáo phái của Do-thái Giáo, bao gồm những người biệt riêng cuộc đời để học Thánh Kinh và dạy Thánh Kinh. Ông xác nhận rằng, về sự công chính trong luật pháp thì ông không chỗ trách được, nghĩa là, ông là người giữ trọn phần hình thức của 613 điều luật trong Cựu Ước, bao gồm Mười Điều Răn. Chẳng những vậy, Phao-lô lại là người sốt sắng bách hại Hội Thánh của Chúa, khi ông tưởng rằng, họ là một nhóm người theo tà giáo, nghịch lại Thánh Kinh (Phi-líp 3:5-6).

Bách hại Hội Thánh của Chúa chính là bách hại Đấng Christ, vì Đấng Christ là đầu của Hội Thánh và Hội Thánh là thân thể của Ngài (Ê-phê-sô 5:23-30). Vì thế, Phao-lô đã xem đó là việc làm phạm thượng, dù Phao-lô đã phạm tội mà không biết đó là tội, lại hiểu lầm là ông đang hầu việc Thiên Chúa, bảo vệ danh Thiên Chúa, bảo vệ sự thánh khiết của dân I-sơ-ra-ên, dân được Thiên Chúa chọn. Ông gọi sự ông bách hại Hội Thánh của Chúa là sự ông đã làm cách ngu dại trong sự không tin.

Chắc chắn rằng, một người có học như Phao-lô, trước khi ra tay bách hại Hội Thánh, thì đã bỏ ra thời gian để tìm hiểu về đức tin của những người mà ông nghĩ là đang rao giảng một thứ tà giáo. Nhưng có lẽ khi ấy, ông đang hãnh diện về sự hiểu biết luật pháp của mình mà không đối chiếu lời chứng của con dân Chúa với các lời tiên tri trong Thánh Kinh, để nhận biết, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ đã được hứa trong Cựu Ước. Vì thế, ông nói rằng, ông đã hành động cách ngu dại trong sự không tin.

Ngày nay, có biết bao nhiêu người hãnh diện về kiến thức thần học thu thập trong các giáo hội mà bác bỏ việc vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy một cách “ngu dại trong sự không tin”. Họ chỉ cần vứt bỏ hết những kiến thức ấy, ngồi lại đọc Lời Chúa và chỉ Lời Chúa mà thôi, thì sẽ thấy được lẽ thật trong Lời Chúa.

Phao-lô nhận được ơn thương xót của Chúa là vì ông không phải là người đã nhận biết lẽ thật của Lời Chúa nhưng lại ham muốn quyền lợi, danh tiếng, hay bất cứ sự gì khác mà không làm theo lẽ thật. Ông là người chống nghịch Chúa mà lại tưởng rằng mình đang hết lòng hầu việc Chúa. Ông đã phạm tội trong sự ngu dại vì không tin lẽ thật của Tin Lành, là lẽ thật do những con dân Chúa bị ông bách hại rao giảng.

Ơn thương xót của Chúa cũng vẫn ban cho biết bao con dân Chúa đang phạm điều răn thứ tư của Chúa, vì họ đã tin theo lời giảng dạy tà giáo của các giáo hội mang danh Chúa. Nhưng nếu có ai đã nhận biết lẽ thật về sự phải giữ điều răn thứ tư theo Thánh Kinh, mà vì bất cứ lý do gì, lại không vâng theo, thì họ sẽ bị hư mất trong sự phạm tội của mình, y theo lời phán dạy của Đức Thánh Linh:

Vì thà chúng nó không biết đường công chính, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó. Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:21-22).

Sự phạm tội của người ngu dại vì không tin hoàn toàn khác xa với sự phạm tội của người biết lẽ thật mà vẫn không vâng theo lẽ thật.

14 Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta với đức tin và tình yêu, {là} sự {ở} trong Đấng Christ Jesus.

Ân điển của Chúa chúng ta” tức là ân điển từ Đức Chúa Jesus Christ. Ân điển ấy không phải chỉ có đủ cho Phao-lô mà là có dư dật trong ông. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ được dịch là “dư dật”, có nghĩa đen là nhiều vượt sức chứa, đến nỗi tràn ra. Ân điển của Chúa ban cho con dân của Ngài luôn vượt quá mọi nhu cầu của họ. Ân điển của Chúa khiến cho chúng ta có đức tin trong Đấng Christ và giúp chúng ta yêu Ngài. Nói cách khác, bởi ơn thương xót Đấng Christ ban cho chúng ta mà chúng ta có đức tin nơi Ngài và biết yêu Ngài. Sự ấy chỉ xảy ra ở trong Đấng Christ.

Ân điển được nói đến ở đây là ơn thương xót của Đấng Christ ban cho chúng ta SAU KHI chúng ta tin nhận Tin Lành, để giúp chúng ta sống theo Lời Chúa và hầu việc Chúa, khác với ân điển cứu rỗi, là ơn thương xót Đức Chúa Trời ban cho chúng ta về sự cứu rỗi, đã ban cho chúng ta trước khi chúng ta tin nhận Tin Lành.

15 Đây là lời chắc chắn đáng cho mọi người nhận lấy, rằng: Đấng Christ Jesus đã đến trong thế gian để cứu những kẻ có tội, trong những kẻ ấy, ta là đầu.

Lẽ thật trụ cột của Tin Lành là: “Đấng Christ Jesus đã đến trong thế gian để cứu những kẻ có tội!” Lẽ thật ấy là chắc chắn đáng cho mọi người trong thế gian tin nhận. Lời Chúa đã khẳng định:

Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Phao-lô nhận rằng, trong những kẻ có tội của thế gian, ông là người đứng đầu, vì ông đã giết hại con dân của Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng, khi Phao-lô viết câu này, lòng ông vẫn quặn thắt, nhưng không phải vì mặc cảm phạm tội, mà vì xót xa cho các nạn nhân của ông.

16 Nhưng vì lý do này mà ta đã được ơn thương xót: Để trong ta, trước hết, Đức Chúa Jesus Christ tỏ mọi sự nhẫn nại, làm gương cho những ai sẽ tin nơi Ngài để được sự sống đời đời.

Bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, Phao-lô nhận biết rằng, ơn thương xót mà ông nhận được từ nơi Chúa bao gồm mục đích Chúa dùng ông làm điển hình cho sự thương xót vô bờ bến của Ngài đối với loài người tội lỗi. Phao-lô trở thành tấm gương cho thế gian nhìn vào, để thấy sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ đối với sự phạm tội của loài người. Ngài cho phép họ phạm tội theo ý muốn của họ, nhưng Ngài cũng ban cho họ cơ hội ăn năn và tin nhận Tin Lành, để được tha tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên thành một người mới, và được hưởng sự sống đời đời.

17 Nguyện sự tôn quý và vinh quang đời đời thuộc về Vua Đời Đời, bất tử, không thấy được, Thiên Chúa Thông Sáng Có Một! A-men.

Câu 17 là câu tôn vinh Đấng Christ trong thân vị Thiên Chúa. Qua Giăng đoạn 1 chúng ta đã biết Đấng Christ chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, vì thế, Đấng Christ vừa có thân vị Thiên Chúa vừa có thân vị loài người. Chúng ta đã biết, danh xưng Thiên Chúa và tên riêng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được dùng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đức Thánh Linh. Nhưng khi có chức vị “vua” được kèm theo, thì danh xưng Thiên Chúa hoặc tên riêng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được dùng để chỉ Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Trong suốt Thánh Kinh, danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” chỉ được dùng cho Thiên Chúa Ngôi Lời: I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 17:14; Khải Huyền 19:16. Chính Sứ Đồ Giăng đã ghi lại trong Giăng 12:41 rằng, “Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân” mà Tiên Tri Ê-sai đã nhìn thấy trong một khải tượng, được ghi lại trong Ê-sai đoạn 6, chính là Thiên Chúa Ngôi Lời.

Đấng Christ trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời chính là: “Vua Đời Đời, bất tử, không thấy được, Thiên Chúa Thông Sáng Có Một!”

Vua Đời Đời có nghĩa là vua từ trước vô cùng cho đến về sau vô cùng. Vương quyền này không giới hạn trong thế giới loài người mà bao trùm trên muôn loài thọ tạo. Giê-rê-mi 10:10 cũng dùng danh xưng “Vua Đời Đời” để gọi Thiên Chúa. Thi Thiên 145:13 nói đến vương quyền của Ngài như sau:

Vương quốc của Ngài là Vương Quốc Đời Đời. Quyền cai trị của Ngài khắp từ đời này đến đời kia.”

Bất tử vừa có nghĩa là không chết vừa có nghĩa là không hư hoại. Thiên Chúa là sự sống và là nguồn của sự sống, nghĩa là, Thiên Chúa là sự sống và từ Ngài mà muôn vật có sự sống. Sự chết là hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi là bất cứ điều gì nghịch lại sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Thiên Chúa bất tử có nghĩa là trong Ngài không có tội lỗi, không có bất cứ điều gì nghịch lại với sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của chính Ngài. Mặc dù Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để chết chuộc tội cho nhân loại trong thân vị loài người, nhưng trong thân vị Thiên Chúa Ngài là bất tử.

Con mắt xác thịt của loài người không thể nhìn thấy được thân vị Thiên Chúa của Ngôi Lời. Ngay cả khi Tiên Tri Ê-sai trong một khải tượng, nhìn thấy Ngài ngự trên ngai cao sang, thì cũng chỉ là cái thấy của tâm thần trong sự khải tượng mà thôi.

Chỉ có một Thiên Chúa thông sáng duy nhất và Ngôi Lời là một trong ba thân vị của Thiên Chúa. Giu-đe câu 25 cũng gọi Ngôi Lời là “Thiên Chúa Thông Sáng Có Một” [2]. Danh xưng “Đấng Thiên Chúa Thông Sáng” cùng nghĩa với danh xưng “Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng” trong Ê-sai 9:6. Phao-lô kết thúc lời tôn vinh của mình bằng chữ “a-men”, có nghĩa là, thật như vậy!

18 Hỡi con! Ti-mô-thê! Sự răn bảo này ta truyền cho con, theo các lời tiên tri về con trước đây, rằng, nhờ những lời đó mà con đánh trận tốt lành,

19 giữ lấy đức tin và lương tâm tốt, là điều có mấy kẻ đã chối bỏ nên đức tin của họ bị chìm đắm.

Sự răn bảo này” là tất cả những gì Phao-lô truyền cho Ti-mô-thê, được viết ra trong thư. Sự răn bảo của Phao-lô thích hợp với các lời tiên tri trước đây về Ti-mô-thê, mà Ti-mô-thê đã nhờ các lời tiên tri ấy mà giữ vững đức tin, giữ vững tấm lòng được dựng nên mới, thắng mọi cám dỗ và thử thách.

Các lời tiên tri về Ti-mô-thê có lẽ là các lời tiên tri do các trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô nói ra, khi họ đặt tay trên Ti-mô-thê để cầu nguyện chúc phước cho Ti-mô-thê trong chức vụ làm giám mục của Hội Thánh tại Ê-phê-sô, như Phao-lô đã nhắc đến trong I Ti-mô-thê 4:14:

Đừng bỏ quên ơn đã ban trong con, bởi lời tiên tri với sự đặt tay của hội đồng trưởng lão.”

Các lời tiên tri ấy có thể là những lời chúc phước từ các trưởng lão cho mục vụ của Ti-mô-thê. Chúa có thể dùng môi miệng của con dân Chúa nói những lời chúc phước tốt lành cho nhau, như là những lời tiên tri. Những lời chúc phước tốt lành con dân Chúa nói với nhau còn là những lời giúp ích cho người nghe, giúp họ vững vàng trong đức tin, đánh trận tốt lành trên bước đường theo Chúa và hầu việc Chúa. Con dân Chúa cần đắc thắng mọi cám dỗ và thử thách để giữ vững đức tin và lương tâm tốt.

Đức tin là đức tin vào sự có thật của Thiên Chúa, vào ơn cứu rỗi và sự quan phòng của Thiên Chúa, vào Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh. Lương tâm tốt là tâm thần đã được dựng nên mới, nhận biết lẽ thật của Thiên Chúa, yêu kính Thiên Chúa trên hết mọi sự, và sẵn sàng trả mọi giá để không phạm tội.

Điều đáng buồn là trong Hội Thánh bao giờ cũng có những người chối bỏ đức tin và lương tâm tốt, nhất là trong những ngày cuối cùng này, vì họ ham muốn những sự thuộc về thế gian, không thể chịu khổ để đi theo Chúa.

20 Trong mấy kẻ ấy là Hi-mê-nê và A-léc-xan-đơ, mà ta đã phó cho Sa-tan rồi, để họ được dạy cho biết đừng phạm thượng nữa.

Thời bấy giờ, trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô cũng đã có những người tin nhận Tin Lành nhưng lại kiêu ngạo, muốn khoe sự hiểu biết thuộc linh theo lý trí, nên tạo ra tà giáo. Khi bị sứ đồ, người chăn, trưởng lão trong Hội Thánh quở trách, thì không ăn năn mà còn chống trả. Vì thế, họ trở thành những kẻ chối bỏ đức tin và lương tâm tốt. Dĩ nhiên, họ không nói là họ chối bỏ đức tin. Họ vẫn xưng nhận họ là môn đồ của Đấng Christ nhưng đức tin của họ không còn là tin vào lẽ thật của Lời Chúa, mà tin vào sự suy diễn nghịch Thánh Kinh của họ. Hội Thánh chúng ta đã có kinh nghiệm tương tự như vậy với những người suy diễn rằng, Ngôi Lời và Đức Thánh Linh không phải là Thiên Chúa; suy diễn rằng, con dân Chúa không được mừng sinh nhật, không được cưới gả, không được ăn các thức ăn bị kể là không tinh sạch trong thời Cựu Ước. Họ bất chấp sự giảng dạy của những người Chúa giao phó cho công việc chăn dắt và giảng dạy trong Hội Thánh.

Phao-lô nêu ra tên của hai trong số những kẻ chối bỏ đức tin và lương tâm tốt tại Ê-phê-sô mà ông đã dứt thông công họ. Một người bị phó cho Sa-tan như đã nói đến trong I Cô-rinh-tô 5:5, chính là một người đã bị chặt ra khỏi gốc của cây nho thật là Đấng Christ (Giăng 15:1-2), bị chặt ra khỏi gốc của cây ô-li-ve thánh là Hội Thánh (Rô-ma 11:17-24). Người ấy có thể ăn năn hoặc không ăn năn.

Tên Hy-mê-nê được nhắc lại trong II Ti-mô-thê 2:17 và tên A-léc-xan-đơ được nhắc lại trong II Ti-mô-thê 4:14. Cả hai đều phạm thượng vì chống lại thẩm quyền của Phao-lô. Khi một người bị dứt thông công khỏi Hội Thánh thì họ không còn sự bình an của Đấng Christ cho đến khi họ ăn năn. Nếu họ không ăn năn thì họ sẽ chết trong tội lỗi của họ và bị hư mất đời đời.

Chúa đã ban quyền buộc và mở, tha tội và cầm giữ tội cho Hội Thánh.

Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; bất cứ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 16:19).

Bất cứ ai các ngươi tha tội cho, thì đối với họ tội được tha. Bất cứ ai các ngươi cầm giữ tội, thì tội bị cầm giữ.” (Giăng 20:23).

Vì thế, thẩm quyền của Hội Thánh chính là thẩm quyền của Chúa.

Qua I Ti-mô-thê 1:12-20 chúng ta thấy: Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã ban cho loài người ân điển cứu rỗi, cho dù loài người phạm tội trầm trọng như thế nào. Chúa dùng Sứ Đồ Phao-lô làm điển hình cho ơn thương xót của Ngài, để giúp loài người thấu hiểu lời kêu gọi của Ngài trong Ê-sai 1:18:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên {trắng} như len.”

Và trong I Giăng 1:9:

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.”

Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng rất là nghiêm khắc đối với những ai không hết lòng tin cậy và vâng phục Ngài. Sẽ có sự tỉa sửa và chặt bỏ như lời Đức Chúa Jesus Christ đã phán:

Ta là gốc nho thật, Cha của Ta là người trồng nho. Bất cứ nhánh nào trong Ta mà không kết quả thì Ngài chặt bỏ; và Ngài tỉa sửa {nhánh} nào kết quả, để nó ra nhiều trái hơn.” (Giăng 15:1-2).

Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra ngoài, như một nhánh nho bị khô đi, và người ta gom nhặt, ném vào trong lửa, thì bị cháy.” (Giăng 15:6).

Những người bị ném vào trong lửa là những người bị báp-tem bằng lửa, tức là bị nhúng chìm trong hồ lửa đời đời.

Sự thánh khiết của Thiên Chúa khiến cho Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Sự công chính của Thiên Chúa khiến cho Ngài phải hình phạt tội lỗi. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa ban cho những ai có lòng ăn năn tội được cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Mỗi người được tự do lựa chọn để tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, hay là ở lại trong sự hình phạt của tội lỗi là sự hư mất đời đời trong hồ lửa. Sau khi tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì mỗi người được tự do lựa chọn, hoặc là ở lại trong sự cứu rỗi bằng cách giữ vững đức tin vào lẽ thật của Lời Chúa và lương tâm tốt, hoặc là chối bỏ đức tin và lương tâm tốt khi cứ sống theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt.

Những ai đã nếm biết sự cứu rỗi của Thiên Chúa mà lại quay về sống trong tội thì sẽ bị hình phạt nặng hơn là những người không hề tin nhận sự cứu rỗi:

Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu.” (II Phi-e-rơ 2:20).

Cảm tạ Đức Chúa Trời về ân điển cứu rỗi của Ngài đã ban cho loài người. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ về ân điển thêm sức của Ngài luôn ban cho những ai tin nhận Tin Lành, thuộc về Hội Thánh là thân thể của Ngài. Cảm tạ Đức Thánh Linh về ân điển ban cho sự khôn sáng và ân tứ cho mỗi một con dân của Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/09/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Về Đâu Khi Qua Cuộc Đời”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-ve-dau-khi-qua-cuoc-doi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-giu-de-906504_giu-de-17-25/