Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 07:51-60 Sự Chết của Ê-tiên

1,516 views

YouTube: https://youtu.be/jkRmaF9cHBo

44020 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51-60
Sự Chết của Ê-tiên

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51-60

51 Hỡi những kẻ cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì! Các ngươi cứ chống nghịch Đức Thánh Linh. Các ngươi cũng như các tổ phụ của các ngươi.

52 Có tiên tri nào mà các tổ phụ của các ngươi chẳng bách hại? Họ cũng đã giết những người nói trước về sự đến của Đấng Công Chính, Đấng mà giờ đây các ngươi đã phản nghịch và đã giết.

53 Các ngươi, những kẻ đã nhận luật pháp bởi sự sắp xếp của các thiên sứ mà không giữ lấy!

54 Chúng đã nghe những điều đó, thì trở nên giận hoảng trong lòng và nghiến răng với người.

55 Nhưng được đầy dẫy thánh linh, người đã nhìn chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời.

56 Người đã nói: Kìa, ta thấy các tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên phải Đức Chúa Trời.

57 Bấy giờ, chúng đã kêu lớn tiếng lên, bịt lỗ tai của chúng, cùng nhau xông vào người.

58 Chúng đã kéo người ra ngoài thành, ném đá người. Các chứng nhân đã đặt áo ngoài của họ nơi chân của một thanh niên, được gọi là Sau-lơ.

59 Chúng đang ném đá, Ê-tiên đã kêu cầu và thưa: Lạy Đức Chúa Jesus, xin tiếp lấy tâm thần của tôi.

60 Rồi, người đã quỳ xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ! Người đã nói vậy, thì ngủ.

Trong hai bài trước, chúng ta đã học về nội dung bài giảng của Chấp Sự Ê-tiên, là bài giảng đã được ông giảng trước Tòa Công Luận, khi họ mang ông ra để xét xử ông về tội phạm thượng. Ê-tiên đã lược thuật lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, kể từ khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham cho tới khi Vua Sa-lô-môn xây cất Đền Thờ Thiên Chúa.

Khi Ê-tiên trưng dẫn lời phán của Đức Chúa Trời được ghi lại trong sách Ê-sai và bắt đầu giải thích ý nghĩa lời phán của Ngài, thì có lẽ những người trong Tòa Công Luận đã ồn ào, lên tiếng phản đối. Mục đích của Ê-tiên là chứng minh rằng, Đức Chúa Jesus Christ chính là Đền Thờ Thiên Chúa và những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì được hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ, thân thể họ cũng trở thành Đền Thờ Thiên Chúa. Nhưng đối với những người trong Tòa Công Luận, chỉ cần nói rằng, Đức Chúa Trời không ngự trong đền thờ do tay người làm ra là đủ để họ tức giận và đánh giết người nói như vậy. Mặc dù chính Đức Chúa Trời đã phán dạy như vậy với Tiên Tri Ê-sai:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Trời là ngai Ta, đất là bệ chân Ta. Các ngươi sẽ xây nhà thế nào cho Ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ ngơi cho Ta?” (Ê-sai 66:1).

Nói cách khác, những người theo Do-thái Giáo đã bác bỏ các điều răn và lời phán của Đức Chúa Trời, để giữ những lời truyền khẩu không đúng với Thánh Kinh (Ma-thi-ơ 15:3-9; Mác 7:6-13).

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự chết của Chấp Sự Ê-tiên.

51 Hỡi những kẻ cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì! Các ngươi cứ chống nghịch Đức Thánh Linh. Các ngươi cũng như các tổ phụ của các ngươi.

Chúng ta thấy, trong câu 50, Ê-tiên vẫn còn đang trích dẫn Lời Chúa trong sách Ê-sai; nhưng qua câu 51 thì ông lên tiếng quở trách những người trong Tòa Công Luận. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, khi nghe Ê-tiên trích dẫn Lời Chúa trong sách Ê-sai thì những người trong Tòa Công Luận đã lên tiếng phản đối, nên Ê-tiên ngưng giảng mà lên tiếng quở trách họ. Chúng ta cũng cần hiểu rằng, tuy lời quở trách ra từ miệng của Ê-tiên, nhưng đó là ý muốn và sự tác động của Đức Thánh Linh. Nói cách khác, Đức Thánh Linh đang quở trách những người trong Tòa Công Luận, qua miệng của Ê-tiên. Đây là điều mà Đức Chúa Jesus đã phán dạy:

Nhưng khi họ giải giao các ngươi, đừng lo trước cũng đừng nghĩ trước các ngươi sẽ nói điều gì, mà hãy nói bất cứ điều gì được ban cho các ngươi trong giờ ấy. Vì không phải là các ngươi nói nhưng Đức Thánh Linh nói.” (Mác 13:11).

Khi họ đem các ngươi đến các nhà hội và các bậc cầm quyền cùng các bậc có thẩm quyền, thì chớ lo điều gì hay cách nào các ngươi sẽ đối đáp, hoặc sẽ nói lời gì. Vì trong giờ ấy, Đức Thánh Linh sẽ dạy các ngươi những gì phải nói.” (Lu-ca 12:11-12).

Những người trong Tòa Công Luận là những người theo Do-thái Giáo, xưng nhận rằng, họ tin nhận Thánh Kinh và tôn thờ Đức Chúa Trời của Thánh Kinh. Thánh Kinh mà họ tin nhận đó tức là phần Thánh Kinh Cựu Ước, bao gồm sách Ê-sai. Thế nhưng họ lại không chấp nhận lời phán của Đức Chúa Trời do Ê-sai ghi chép lại và được Ê-tiên trích dẫn. Vì thế mà họ chính là những kẻ cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì.

Kẻ cứng cổ” có nghĩa là kẻ không chịu vâng phục lẽ thật.

Lòng và tai chẳng cắt bì” có nghĩa là lỗ tai không chịu nghe lẽ thật, tấm lòng không nhận thức lẽ thật.

Ngay từ thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã nhiều lần quở trách dân I-sơ-ra-ên về sự cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng phán với Môi-se rằng: Ta đã xem thấy dân này, kìa là một dân cứng cổ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:9).

Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Môi-se rằng: Hãy nói với dân I-sơ-ra-ên: Các ngươi là dân cứng cổ, nếu Ta cùng lên với các ngươi chỉ trong một lúc, thì Ta sẽ diệt các ngươi! Vậy, bây giờ, hãy cất đồ trang sức trong mình ngươi đi, để Ta biết liệu đãi ngươi cách nào.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:5).

Vậy, hãy biết rằng, chẳng phải vì cớ sự công chính ngươi mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi cho ngươi nhận lấy xứ tốt tươi này đâu; bởi ngươi vẫn là một dân cứng cổ.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:6).

Khi ấy, họ sẽ xưng nhận sự gian ác mình, và sự gian ác của tổ phụ mình, những tội lỗi họ đã phạm, và sự chống trả họ đã cự nghịch Ta, đến nỗi Ta cũng chống trả lại, dẫn họ vào xứ kẻ thù nghịch. Bấy giờ, nếu lòng không chịu cắt bì của họ sẽ tự hạ mình xuống, và sẽ phục điều sửa phạt về gian ác mình, thì Ta sẽ nhớ lại sự giao ước Ta đã lập cùng Gia-cốp, cùng I-sác, cùng Áp-ra-ham, và Ta sẽ nhớ lại xứ này.” (Lê-vi Ký 26:40-42).

Vậy, hãy cắt bì lòng của các ngươi và đừng cứng cổ nữa!” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:16).

Ta sẽ nói và làm chứng cho ai, để họ nghe Ta! Này, tai họ chưa cắt bì, họ không nghe được. Này, lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã trở nên sự quở trách cho họ, họ chẳng lấy làm đẹp lòng chút nào.” (Giê-rê-mi 6:10).

Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh luôn ban ân tứ và đổ đầy thánh linh cho những người rao giảng lẽ thật. Vì thế, mọi sự chống nghịch lời rao giảng về lẽ thật từ những người ấy đều là sự chống nghịch chính Đức Thánh Linh. Những người trong Tòa Công Luận thật sự đã cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì, như các tổ phụ của họ, khi họ không chấp nhận lời rao giảng của Ê-tiên.

52 Có tiên tri nào mà các tổ phụ của các ngươi chẳng bách hại? Họ cũng đã giết những người nói trước về sự đến của Đấng Công Chính, Đấng mà giờ đây các ngươi đã phản nghịch và đã giết.

Tiên tri là những người được Đức Chúa Trời sai dùng để phán với dân I-sơ-ra-ên ngày xưa và Hội Thánh ngày nay các ý muốn của Ngài, rao truyền các lẽ thật của Ngài. Nhưng dân I-sơ-ra-ên đã luôn bách hại những tiên tri của Đức Chúa Trời, kể từ Môi-se. Chính Đức Chúa Jesus đã phán về tội lỗi của thành Giê-ru-sa-lem như sau:

Hỡi Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn gom con cái của ngươi như gà mái gom gà con mình lại, vào dưới cánh của nó, mà các ngươi chẳng muốn!” (Ma-thi-ơ 23:37).

Đấng Công Chính” chính là Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là công chính vì Ngài không hề phạm tội. Ê-sai, Xa-cha-ri là hai trong các tiên tri đã tiên tri về sự đến của Đấng Christ; và họ đã bị dân I-sơ-ra-ên giết.

Đức Thánh Linh, qua miệng của Ê-tiên, đã chính thức lên án những người trong Tòa Công Luận. Vì họ thật sự đã phản nghịch Đức Chúa Jesus Christ và mượn tay chính quyền La-mã để giết chết Ngài.

53 Các ngươi, những kẻ đã nhận luật pháp bởi sự sắp xếp của các thiên sứ mà không giữ lấy!

Không riêng gì những người trong Tòa Công Luận mà toàn thể dân I-sơ-ra-ên đều nhận luật pháp của Đức Chúa Trời. Luật pháp ấy là một phần trong giao ước giữa Đức Chúa Trời với các tổ phụ của họ, với chính mỗi một người trong số họ; miễn rằng, họ ra từ huyết thống của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.

Mệnh đề: “Con cháu của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp” hoặc “Dòng dõi của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp” là cách nói để nhắc rằng, giao ước của Đức Chúa Trời được thiết lập với Áp-ra-ham, do chính Đức Chúa Trời tái khẳng định với I-sác và Gia-cốp. Đồng thời phân biệt rõ, dòng dõi của Áp-ra-ham nằm trong giao ước phải ra từ I-sác và Gia-cốp.

Khi một người nhận rằng, người ấy là con cháu của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp; nhận rằng, người ấy tin nhận Thánh Kinh Cựu Ước; nhận rằng, người ấy thờ phượng Đức Chúa Trời của Thánh Kinh; thì người ấy đương nhiên đặt mình ở trong giao ước của Đức Chúa Trời và có bổn phận vâng giữ luật pháp của Ngài. Tất cả những người trong Tòa Công Luận đều xưng nhận như vậy, nhưng họ lại công khai bác bỏ lời của Đức Chúa Trời phán qua Tiên Tri Ê-sai, được lập lại bởi Ê-tiên.

Danh từ “sự sắp xếp” (G1296) chỉ được dùng hai lần trong Thánh Kinh Tân Ước. Một lần tại đây và một lần trong thư Rô-ma:

Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:2).

Từ ngữ này có nghĩa đen là sự kết cấu, sự sắp xếp. Rất có thể trong suốt thời gian Môi-se ở trên núi Si-na-i luật pháp của Đức Chúa Trời đã được nhiều thiên sứ trình bày cho Môi-se để ông ghi chép lại thành năm sách đầu tiên của Thánh Kinh. Có thể có các thiên sứ trình bày cho Môi-se những sự kiện lịch sử từ khi sáng thế cho tới khi ông ra đời. Có các thiên sứ trình bày cho ông cách thức xây dựng Đền Tạm. Có các thiên sứ trình bày cho ông các luật lệ về nghi thức thờ phượng Thiên Chúa. Có các thiên sứ trình bày cho ông các luật lệ về vệ sinh và dân sự. V.v..

54 Chúng đã nghe những điều đó, thì trở nên giận hoảng trong lòng và nghiến răng với người.

Khi những người trong Tòa Công Luận, vốn là những người có quyền cao, chức trọng, từ thầy tế lễ thượng phẩm, viên sĩ quan chỉ huy lính của Đền Thờ, đến các thầy tế lễ, các thầy thông giáo, và các nghị viên của Tòa Công Luận, cùng bà con, họ hàng của họ nghe Ê-tiên gọi họ là những kẻ cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì, nhắc đến tội lỗi các tổ phụ của họ thì họ vừa sợ vừa giận.

Nhóm chữ “giận hoảng trong lòng” (G1282, G3588, G2588) được dùng để mô tả cơn giận vì cảm thấy bị xúc phạm quá lớn, đến nỗi có thể làm bất cứ điều gì để trút cơn giận.

Hành động nghiến răng là thói quen của người I-sơ-ra-ên và một số dân vùng Trung Đông, khi họ quá đau đớn hay quá tức giận.

55 Nhưng được đầy dẫy thánh linh, người đã nhìn chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời.

Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5 đã xác định, Ê-tiên là một người đầy dẫy đức tin và thánh linh. Trong tình huống lúc bấy giờ, trước sự giận hoảng của đám đông, Ê-tiên vẫn đầy dẫy đức tin và thánh linh. Nghĩa là ông vẫn bình an trước sự hung bạo của đám đông.

Tòa Công Luận nhóm hiệp trong một căn phòng gọi là “Đại Sảnh Đá Đẽo” (The Hall of Hewn Stones) trong khuôn viên của Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Quý ông bà anh chị em có thể xem video minh họa “Đại Sảnh Đá Đẽo” trên YouTube [1]. Vì chỗ nhóm là một đại sảnh nên hoặc là Ê-tiên đã nhìn lên trời xuyên qua cửa sổ bằng con mắt xác thịt; hoặc là Ê-tiên đã nhìn xuyên qua trần phòng trong thần trí.

Sự vinh quang của Thiên Chúa mà Ê-tiên nhìn thấy có thể là hình ảnh lửa cháy sáng như mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 24:17:

Cảnh trạng của sự vinh quang Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi đỉnh núi, trước mặt dân I-sơ-ra-ên, khác nào như đám lửa thiêu nuốt.”

Ê-tiên thấy Đức Chúa Jesus có nghĩa là ông nhìn thấy thân thể xác thịt đã phục sinh của Ngài. Ê-tiên không thấy Đức Chúa Jesus ngồi bên phải Đức Chúa Trời nhưng ông thấy Ngài đứng. Có lẽ Đức Chúa Jesus đứng lên để sẵn sàng đón tiếp tâm thần và linh hồn của Ê-tiên vào thiên đàng.

56 Người đã nói: Kìa, ta thấy các tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên phải Đức Chúa Trời.

Danh từ “tầng trời” được dùng với số nhiều, bao gồm tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển bao quanh trái đất, tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la của vũ trụ, và tầng trời thứ ba là thiên đàng. Cả hai tầng trời thuộc thể và tầng trời thuộc linh đều mở ra để Ê-tiên có thể nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, nhìn thấy Đức Chúa Trời và nhìn thấy Đấng Christ đứng bên phải Đức Chúa Trời. Danh từ “Con Người” Ê-tiên dùng để gọi Đức Chúa Jesus, giúp cho chúng ta hiểu rằng, Ê-tiên đã nhìn thấy Đấng Christ trong thân thể xác thịt loài người.

57 Bấy giờ, chúng đã kêu lớn tiếng lên, bịt lỗ tai của chúng, cùng nhau xông vào người.

58 Chúng đã kéo người ra ngoài thành, ném đá người. Các chứng nhân đã đặt áo ngoài của họ nơi chân của một thanh niên, được gọi là Sau-lơ.

Lời công bố của Ê-tiên trong câu 56 đã là giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly giận dữ của đám đông. Thánh Kinh không ghi lại họ đã kêu lên lớn tiếng những lời gì, nhưng có thể đó là các lời: Phạm thượng! Phạm thượng! Hãy ném đá nó! Hãy ném đá nó!

Họ bịt lỗ tai để tránh không nghe tiếp những lời Ê-tiên nói. Họ sợ bản thân họ bị ô uế thêm vì nghe những lời mà họ cho là phạm thượng. Họ xông vào, bắt lấy Ê-tiên, kéo ông ra bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, rồi cùng nhau ném đá ông.

Con đường ngắn nhất để ra khỏi thành là ngang qua Mái Hiên của Sa-lô-môn, ra ngoài Cửa Đẹp. Vì ngay bên ngoài Cửa Đẹp là ngoại thành Giê-ru-sa-lem. Khoảng cách từ chỗ nhóm hiệp của Tòa Công Luận ra đến bên ngoài Cửa Đẹp chỉ vào khoảng vài trăm mét.

Theo luật, các chứng nhân phải là người đầu tiên ném đá người bị kết tội (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:7). Điều đó, khiến cho các chứng nhân phải chịu trách nhiệm về lời chứng của mình và phải thật cẩn thận khi đứng ra làm chứng. Nhưng Thánh Kinh đã cho chúng ta biết, các chứng nhân trong vụ xử án Ê-tiên đều là chứng nhân dối (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:13). Họ đã cởi áo ngoài của mình, đặt dưới chân của một thanh niên để được thuận tiện trong việc ném đá.

Người thanh niên nhận giữ áo cho các chứng nhân dối là Sau-lơ, một nghị viên của Tòa Công Luận. Sau-lơ đã đồng ý với việc ném đá Ê-tiên, theo như Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1 đã ghi lại; và theo lời xưng tội của ông sau này, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 22:20. Sau khi Ê-tiên qua đời thì Sau-lơ tiếp tục truy bắt các môn đồ của Đấng Christ. Nhưng ông đã gặp Đức Chúa Jesus và trở thành sứ đồ của Ngài, với tên gọi Phao-lô.

59 Chúng đang ném đá, Ê-tiên đã kêu cầu và thưa: Lạy Đức Chúa Jesus, xin tiếp lấy tâm thần của tôi.

60 Rồi, người đã quỳ xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ! Người đã nói vậy, thì ngủ.

Hai lời cuối cùng của Ê-tiên là hai lời cầu nguyện với Đức Chúa Jesus. Lời cầu nguyện thứ nhất là Ê-tiên xin Chúa tiếp lấy tâm thần của ông. Vì tâm thần của ông sắp rời khỏi thân thể xác thịt, quay về cùng Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó:

Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã cầu nguyện dâng tâm thần vào tay Đức Chúa Cha (Lu-ca 23:46). Nhưng Ê-tiên thì cầu nguyện xin Đức Chúa Jesus tiếp lấy tâm thần của ông. Vì sau khi Đức Chúa Jesus hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại thì Đức Chúa Trời đã trao toàn quyền cho Ngài trong mọi sự, ngay cả trao cho Ngài danh xưng Đức Chúa Trời, như đã chép trong Giăng 17:12 và được Đức Thánh Linh ấn chứng trong Hê-bơ-rơ 1:8-9. Vì thế, chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ đứng ra tiếp nhận tâm thần và linh hồn của những con dân Chúa, khi họ qua đời.

Lời cầu nguyện thứ nhì là Ê-tiên xin Chúa đừng đổ tội cho những kẻ giết ông. Nghĩa là đừng trút đổ trách nhiệm về cái chết của Ê-tiên trên những kẻ đang ném đá ông. Lời cầu nguyện này tương tự như lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus Christ trước khi Ngài trút hơi thở trên thập tự giá (Lu-ca 23:34). Ê-tiên biết rõ những người theo Do-thái Giáo đã không có sự hiểu biết đúng Lời Chúa nên họ đã hành xử sai trái.

Thánh Kinh đặc biệt dùng chữ ngủ để nói đến sự chết của thân thể xác thịt của những người thuộc về Chúa. Trước đó, chính Đức Chúa Jesus dùng chữ ngủ để nói đến cái chết của La-xa-rơ, trong Giăng 11:11. Sau đó, Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Ma-thi-ơ (Ma-thi-ơ 27:52) và Sứ Đồ Phao-lô (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13) đã dùng chữ ngủ để nói đến các thánh đồ đã qua đời.

Tất cả mọi người được sinh ra trong cuộc đời này đều chết, tức là bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa vì sự phạm tội của mình. Nhưng những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì người ấy không còn chết nữa. Người ấy được phục hòa với Thiên Chúa, được vượt khỏi sự chết vào trong sự sống. Vì thế, Thánh Kinh gọi cái chết của thân thể xác thịt của con dân Chúa là sự ngủ. Vì dù thân thể xác thịt của họ tạm thời trở về với bụi đất nhưng nó sẽ được sống lại cách vinh quang trong ngày Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Thân thể xác thịt của con dân Chúa không bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/08/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://youtu.be/vFnckQrgO7s

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/chua-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.