Chú Giải Sáng Thế Ký 01:02 Trái Đất Lúc Ban Đầu

5,530 views

900102 Chú Giải Sáng Thế Ký 1:2
Trái Đất Lúc Ban Đầu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 1:2

thì đất là vô hình và trống không; sự tối tăm ở trên mặt vực. Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước. [Chữ thần được dùng trong câu này để chỉ năng lực của Thiên Chúa. Trái đất lúc bấy giờ là một khối hình cầu được bao phủ bởi nước nhưng không có một hình thể nào và cũng không có gì trên mặt đất khác hơn là nước bao phủ khắp bề mặt của đất. Có thể bấy giờ trái đất được bao phủ bằng một lớp nước đá; vì chưa có sức nóng từ mặt trời sưởi ấm trái đất.]

Sáng Thế Ký 1:1 đã công bố cho chúng ta lẽ thật về nguồn gốc của vũ trụ thuộc thể lẫn thuộc linh. Đó là: Thiên Chúa sáng tạo nên các tầng trời và đất. Qua Thi Thiên 33:6 chúng ta biết Thiên Chúa dựng nên các tầng trời bởi Lời của Ngài, Thiên Chúa dựng nên cả thiên binh, tức là các thiên sứ, bởi hơi thở (hay thần linh) ra từ miệng Ngài:

“Các tầng trời được làm nên bởi Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, cả thiên binh bởi hơi thở của miệng Ngài mà có.”

II Phi-e-rơ 3:5 cũng tái xác nhận bởi Lời của Đức Chúa Trời mà có các tầng trời và trái đất:

“Chúng nó cố ý không nhận biết rằng, có các tầng trời xưa kia, và đất ra từ nước, ở giữa nước, là bởi Lời của Đức Chúa Trời.”

Cùng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, khi các tầng trời và đất được tạo thành bởi lời phán của Thiên Chúa, thì lập tức vật chất xuất hiện, sự trương nở của vật chất tạo thành không gian và thời gian. Khoa học nhận biết rằng, vật chất, không gian, và thời gian là ba yếu tố làm nền tảng cho vũ trụ thuộc thể của chúng ta; nhưng cho rằng, chúng tự nhiên có. Thánh Kinh cho chúng ta biết, Thiên Chúa đã sáng tạo nên chúng.

Trái với các giả thuyết của khoa học về thứ tự xuất hiện của trái đất so với các ngôi sao trong vũ trụ, Thánh Kinh cho chúng ta biết, ngay từ buổi ban đầu khi các tầng trời xuất hiện bởi lời phán của Thiên Chúa, thì trái đất đã hình thành: “Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất”. Trái đất được hình thành từ trước khi có ánh sáng, từ trước khi có mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao.

Vào lúc ban đầu, khi vũ trụ vật chất vừa được Thiên Chúa tạo thành, thì vũ trụ chứa đầy các hạt vật chất và cứ trương nở. Khi ấy, các hành tinh chưa thành hình, mà chỉ có trái đất là một khối cầu được bao phủ bằng nước mà thôi. Cả vũ trụ chìm đắm trong bóng tối, vì chưa có sự sáng. Tiếp theo đó, Thiên Chúa ra lệnh cho ánh sáng xuất hiện để tạo ra chu kỳ ngày đêm. Đến ngày Thứ Tư, Thiên Chúa mới ra lệnh cho mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao thành hình.

Trong Sáng Thế Ký 1:2, liên từ “vav”, phiên âm /vao/ đứng trước danh từ “đất”. Liên từ này có thể dịch là “và” hoặc “nhưng”. Chúng tôi nhận thấy, theo văn mạch từ câu 1, thì nên dịch là “nhưng”. Có nghĩa là: vào lúc ban đầu thì Thiên Chúa đã dựng nên trái đất cùng một lúc với các tầng trời, nhưng lúc bấy giờ thì hình dạng của trái đất chưa được nhìn thấy (vì không có ánh sáng) và bề mặt của trái đất hoàn toàn được bao phủ bởi nước, không có một vật gì khác.

Một trường phái giải kinh cận đại đã đưa ra một giả thuyết gọi là “Thuyết Khoảng Cách”, cho rằng, giữa Sáng Thế Ký 1:1 và Sáng Thế Ký 1:2 là một khoảng cách dài nhiều tỉ năm. Mục đích của giả thuyết này là để dung hòa sự sáng tạo được ghi lại trong Sáng Thế Ký với Thuyết Tiến Hóa. Bởi vì, theo Thuyết Tiến Hóa, địa cầu đã được hình thành từ nhiều tỉ năm.

Thuyết Khoảng Cách cho rằng, Sáng Thế Ký 1:1 mô tả sự sáng tạo vũ trụ lúc ban đầu. Liền theo đó là sự tiến hóa xảy ra tuần tự theo thời gian, khiến cho các thiên hà hình thành, rồi đến thái dương hệ của chúng ta. Sau khi địa cầu được hình thành thì có sự tiến hóa trên địa cầu trải qua nhiều thời đại địa chất. Những di tích hóa thạch do ngành khảo cổ tìm ra đã chứng minh cho các thời đại địa chất. Thế rồi, có một thiên tai lớn xảy ra trong vũ trụ, khiến cho mọi sinh vật trên đất đều bị hủy diệt, địa cầu bị bao phủ bởi nước, vũ trụ chìm vào bóng tối. Thiên tai ấy chính là sự Thiên Chúa hình phạt sự phản nghịch của Sa-tan cùng các thiên sứ được giao cho cai quản các vì tinh tú. Thuyết Khoảng Cách cho rằng, sáu ngày sáng tạo như được ghi trong Sáng Thế Ký 1 là sáu ngày bình thường, mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ, nhưng là sự tái sáng tạo trái đất sau nhiều tỉ năm của sự sáng tạo được nói đến trong Sáng Thế Ký 1:1.

Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhớ rằng, Sáng Thế Ký không hề nói đến sự tái sáng tạo các tầng trời và đất, mà là, nói đến sự sáng tạo các tầng trời và đất. Mặc dù chúng ta không biết Sa-tan và các thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa vào thời điểm nào; nhưng chắc chắn là sự chết vào trong thế gian không phải vì sự phản nghịch của Sa-tan và các thiên sứ, mà là bởi sự phạm tội của loài người. Bởi vì, Thánh Kinh nói rõ:

“Vì như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian và sự chết đến bởi tội lỗi, thì cũng vậy sự chết đã trải qua trên mỗi người, vì mỗi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 5:12).

Vì thế, không thể có sự chết xảy ra trên thế gian trước khi loài người phạm tội, mang tội lỗi cùng với hậu quả của tội lỗi là sự chết vào trong thế gian.

Tất cả các di tích hóa thạch mà ngành khảo cổ đào xới được trong lòng đất được các nhà khoa học dùng kỹ thuật định tuổi phóng xạ (radiometric dating), để kết luận là chúng đã có từ nhiều chục triệu năm; thật ra, chỉ là hậu quả của Cơn Lụt Lớn cách nay khoảng 5.000 năm. Cơn Lụt Lớn ấy làm thay đổi toàn bộ môi trường sống của địa cầu, tiêu diệt mọi sinh vật, chôn vùi chúng trong lòng đất, ngoại trừ gia đình Nô-ê gồm tám người.

Kỹ thuật định tuổi phóng xạ dựa trên giả thuyết cho rằng: Tốc độ phân rã của một nguyên tử không hề thay đổi. Tuy nhiên, ai dám khẳng định là tốc độ phân rã ấy cũng chính là tốc độ của thời kỳ trước Cơn Lụt Lớn? Thậm chí, chúng ta cũng không thể quả quyết là tốc độ ánh sáng hiện nay không hề thay đổi so với buổi ban đầu khi Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất, hay so với thời kỳ trước Cơn Lụt Lớn. Nếu khoa học cho rằng, vào buổi ban đầu của vụ nổ lớn (Big Bang) vật chất di chuyển với một tốc độ nhanh hơn tốc độ của ánh sáng mà chúng ta biết được ngày nay, thì tại sao lại không thể tin rằng tốc độ di chuyển của ánh sáng lúc ban đầu cũng nhanh hơn so với tốc độ hiện nay? Trong thực tế, với những khám phá gần đây chúng ta biết rằng, tốc độ phân rã của nguyên tử có thay đổi.

Chúng ta hoàn toàn không biết gì về các dữ kiện vật lý của vũ trụ trước khi loài người phạm tội, khiến cho đất bị rủa sả; ngay cả các dữ kiện vật lý của địa cầu trước Cơn Lụt Lớn chúng ta cũng không có cách nào biết được. Những gì chúng ta biết được ngày hôm nay, chỉ có giá trị trong khoảng 5.000 năm trở lại mà thôi.

Nói cách khác, Sáng Thế Ký 1:2 nói đến tình trạng sơ khai của địa cầu khi được Thiên Chúa sáng tạo, đó là:

  • Địa cầu không được nhìn thấy (vô hình) vì chìm trong bóng tối của vũ trụ.
  • Khắp bề mặt của địa cầu được bao phủ bởi nước.
  • Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước bao phủ địa cầu.

Chữ “thần” được dùng trong Sáng Thế Ký 1:2 không có mạo từ xác định đứng trước nên không chỉ về thân vị của Ngôi Ba Thiên Chúa, mà chỉ về tình yêu, năng lực, sự sống của Thiên Chúa, mà trong Tân Ước gọi là thánh linh.

Chữ “vận hành” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là một động từ có thể dịch là “ấp ủ” như sự gà mái ấp con.

Chữ “vực” là một danh từ để chỉ một hố sâu hoặc chỉ lòng biển. Ở đây, chúng ta hiểu rằng, vì cớ toàn thể địa cầu lúc ban đầu được bao phủ bằng nước với một độ sâu nào đó, nên toàn bộ mặt nước lúc bấy giờ được gọi là mặt vực.

Cho đến thời điểm của Sáng Thế Ký 1:2 thì cả vũ trụ vật chất do Thiên Chúa sáng tạo chưa có sự sống, chưa có ánh sáng, chưa có một hành tinh nào thành hình, ngoại trừ trái đất. Những khối mây bụi khổng lồ, được các nhà khoa học gọi là “tinh vân”, tức là những khối mây bao gồm vô số các nguyên tử hóa học, cứ trải rộng ra, tạo thành không gian bao la. Trái đất là hành tinh đầu tiên hình thành, được năng lực của Thiên Chúa ấp ủ, chuẩn bị làm thành nơi ở của loài người, mà Ngài sẽ sáng tạo để làm con của Ngài. Ngay khi vừa được hình thành, trái đất đã được bao phủ bởi nước. Khoa học khẳng định rằng, không có nước thì không có sự sống. Vì thế, ngay khi trái đất vừa được hình thành, thì trái đất đã được bao phủ bởi một môi trường sẵn sàng cho sự sống. Bên cạnh đó, môi trường sống của trái đất còn được ấp ủ bởi tình yêu và năng lực của Thiên Chúa: Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước!

Những điều được ghi chép trong Sáng Thế Ký 1:1-2 là những điều xảy ra trong bóng đêm của ngày Thứ Nhất trong tuần lễ sáng tạo. Mặc dù khi ấy, khái niệm ngày chưa có, cho đến khi Thiên Chúa tạo ra sự sáng, đặt tên cho tối là ban đêm và sáng là ban ngày, kết hợp đêm với ngày thành một đơn vị gọi là một ngày, để đếm thời gian.

Dưới đây là phần phỏng dịch hai bài viết của Tiến Sĩ Andrew Snelling, viết về phương pháp định tuổi phóng xạ, được đăng trên trang web https://answersingenesis.org/, nhằm giúp quý bạn đọc hiểu rõ sự không đáng tin của phương pháp định tuổi phóng xạ [1], [2].

Định Tuổi Phóng Xạ: Căn Bản

Kỹ thuật “định tuổi phóng xạ” thường được dùng để “chứng minh” các mẫu đá đã có từ hàng triệu năm trước. Nhưng một khi bạn có sự hiểu biết căn bản về khoa học, thì bạn sẽ thấy rằng, những sự giả định sai lầm đã dẫn đến sự định tuổi sai trật.

Nhiều người tưởng rằng, sự định tuổi phóng xạ đã chứng minh tuổi của địa cầu là hàng tỉ năm. Dù sao thì các sách học, các nguồn thông tin, và các bảo tàng viện đã khéo léo trình bày các thời đại kéo dài hàng triệu năm như là thực tế.

Tuy nhiên, ít có người biết sự định tuổi phóng xạ được tiến hành như thế nào, hay là chẳng quan tâm đến việc tìm hiểu xem những sự giả định nào đã dẫn đến các kết luận. Vì vậy, chúng ta hãy cẩn thận tìm xem phương pháp định tuổi này thật sự đáng tin đến mức độ nào.

Các Nguyên Tử – Những Điều Căn Bản Chúng Ta Quan Sát Hôm Nay

Mỗi nguyên tố hóa học (chemical element), như các-bon và ô-xy (carbon, oxygen) đều chứa các nguyên tử (atoms). Mỗi nguyên tử được cho rằng được cấu tạo bởi ba thành phần. Hạt nhân (nucleus) của nguyên tử chứa các dương điện tử (protons) và các trung hòa tử (neutrons). Dương điện tử là những hạt vật chất rất nhỏ, chứa một điện tích dương duy nhất. Trung hòa tử là những hạt vật chất rất nhỏ, không chứa một điện tích nào cả. Xoay chung quanh hạt nhân của nguyên tử là các âm điện tử (electrons). Âm điện tử là những hạt vật chất rất nhỏ, chứa một điện tích âm duy nhất.

[Lời người dịch: Khoảng một triệu nguyên tử các-bon mới bằng bề dày của một sợi tóc. Vì vậy, trong một sợi tóc ngắn chừng một gang tay, đã có đến hàng tỉ dương điện tử, hàng tỉ trung hòa tử, cùng với hàng tỉ âm điện tử.]

Các nguyên tử của mỗi nguyên tố hóa học có thể chứa số lượng trung hoà tử khác nhau trong các hạt nhân của chúng. Sự khác biệt này được gọi là các “đồng vị” (isotopes) của nguyên tố ấy. Trong khi số lượng trung hòa tử có thể khác nhau thì mỗi nguyên tử của bất cứ một nguyên tố nào cũng luôn luôn có cùng số lượng âm điện tử và dương điện tử.

[Lời người dịch: “đồng vị” có nghĩa là cùng một vị trí. Vị trí được nói đến ở đây là vị trí trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.]

Thí dụ: Mỗi nguyên tử các-bon có 6 dương điện tử và 6 âm điện tử, nhưng số lượng trung hòa tử trong mỗi hạt nhân có thể là 6, 7 hoặc 8. Vì thế, các-bon có ba “đồng vị”, được gọi là các-bon 12, các-bon 13, và các-bon 14 (xem hình 1).

Hình 1 – Nguồn: https://cdn-assets.answersingenesis.org/img/articles/am/v4/n3/atoms.gif

[Lời người dịch: Các-bon 12 có 6 dương điện tử + 6 trung hòa tử; các-bon 13 có 6 dương điện tử + 7 trung hòa tử, các-bon 14 có 6 dương điện tử + 8 trung hòa tử.]

Sự Phân Rã Phóng Xạ (Radioactive Decay)

Một số đồng vị có tính phóng xạ, tức là, chúng không ổn định vì hạt nhân của chúng quá lớn. Để đạt đến tình trạng ổn định thì nguyên tử phải thực hành một sự điều chỉnh, đặc biệt là trong hạt nhân của nó. Trong một số trường hợp, các đồng vị phóng ra các phân tử (particles), chủ yếu là các trung hòa tử và các dương điện tử. (Đây là những phân tử di động được đo bởi máy đo Gai-gờ (Geiger) hoặc các máy đo tương tự). Kết quả cuối cùng là một nguyên tử ổn định, nhưng lại là nguyên tử của một nguyên tố hóa học khác; bởi vì nguyên tử mới này có số lượng dương điện tử và âm điện tử khác với nguyên tử trước đó.

Tiến trình thay đổi một nguyên tố – được gọi là “đồng vị mẹ” (parent isotope) – thành một nguyên tố khác – được gọi là “đồng vị con” (daughter isotope) – là sự phân rã phóng xạ (radioactive decay). Các đồng vị mẹ bị phân rã đó được gọi là các “đồng vị phóng xạ” (radioisotopes).

Thật ra, đó chẳng phải là một tiến trình phân rã theo nghĩa thông thường của từ ngữ, như sự phân rã của trái cây. Các nguyên tử con không kém phần phẩm chất hơn các nguyên tử mẹ mà từ đó sinh thành ra chúng. Cả hai đều hoàn toàn là các nguyên tử đúng nghĩa.

Các nhà địa chất học thường dùng năm đồng vị sau đây để định tuổi các mẫu đá: uranium-238, uranium-235, potassium-40, rubidium-87, và samarium-147. Các đồng vị phóng xạ mẹ này chuyển thành các đồng vị con, theo thứ tự tương ứng: lead-206, lead-207, argon-40, strontium-87, và neodymium-143. Như vậy, các nhà địa chất học nói đến tuổi của các mẫu đá theo sự đo uranium-lead (hai phiên bản), potassium-argon, rubidium-strontium, hoặc samarium-neodymium. Xin để ý là phương pháp đo carbon-14 (hoặc radiocarbon) không được dùng để định tuổi các mẫu đá, vì hầu hết các mẫu đá không chứa chất các-bon.

Sự Phân Tích Hóa Học Các Mẫu Đá Ngày Nay

Các nhà địa chất học không thể dùng bất cứ loại đá xưa nào cho việc định tuổi. Họ phải tìm các loại đá có chứa các đồng vị nói trên, cho dù các đồng vị này chỉ có mặt trong các mẫu đá với một số lượng rất nhỏ. Thường khi, mẫu xét nghiệm là một khối đá hay một đơn vị đá đã hình thành từ các loại đá nóng chảy được nguội lại (gọi là magma). Điển hình là các đá hoa cương (grannites), nguội lại dưới lòng đất, và các đá huyền vũ nham, còn gọi là nham thạch (basalts), do dung nham (lava) nguội lại trên mặt đất.

Bước kế tiếp là đo số lượng của đồng vị mẹ và đồng vị con trong một mẫu đá ấy. Các phòng thí nghiệm được trang bị cách đặc biệt có thể thực hiện việc đo này một cách đúng và chính xác. Vì vậy, nói chung, ít có ai phản đối kết quả phân tích hóa học.

Nhưng sự diễn giải ý nghĩa của các sự phân tích hóa học này làm phát sinh các nan đề khả dĩ. Để hiểu được các nhà địa chất học định tuổi các mẫu đá như thế nào chúng ta hãy mượn hình ảnh của một chiếc đồng hồ cát (xem hình 2).

Trong một chiếc đồng hồ cát, những hạt cát mịn rơi đều từ bầu chứa phía trên xuống bầu chứa phía dưới. Vì vậy, trong khoảng nửa giờ đồng hồ, phân nửa cát sẽ ở trong bầu chứa phía trên và phân nửa cát sẽ ở trong bầu chứa phía dưới.

Giả sử có một người không hề nhìn thấy lúc đồng hồ cát được lật ngược. Anh ta bước vào phòng khi phân nửa cát ở trong bầu chứa phía trên và phân nửa cát ở trong bầu chứa phía dưới. Hầu hết mọi người sẽ giả định rằng, chiếc đồng hồ cát đã bắt đầu trước đó nửa giờ.

Theo phép loại suy, những hạt cát ở trong bầu chứa phía trên tiêu biểu cho các nguyên tử của đồng vị phóng xạ mẹ, như: uranium-238, potassium-40, v.v.. Những hạt cát đang rơi tiêu biểu cho sự phân rã phóng xạ, và những hạt cát ở trong bầu chứa phía dưới tiêu biểu cho các đồng vị con, như: lead-206, argon-40, v.v..

Hình 2

Nguồn: https://cdn-assets.answersingenesis.org/img/articles/am/v4/n3/wrong-assumptions.gif

Khi một nhà địa chất học thử nghiệm một mẫu đá, ông ta giả định rằng, tất cả các nguyên tử con đều là sản phẩm của sự phân rã của các nguyên tử mẹ từ khi mẫu đá được hình thành. Vì vậy, nếu ông ta biết được tốc độ phân rã của các nguyên tử mẹ, thì ông ta có thể tính ra khoảng thời gian cần phải có để cho các nguyên tử con (đo được trong mẫu đá ngày nay) hình thành.

Nhưng nếu sự giả định sai thì sao? Thí dụ: Nếu các đồng vị phóng xạ được thêm vào bầu chứa phía trên hoặc tốc độ phân rã bị thay đổi thì sao?

Định Tuổi Phóng Xạ: Các Nan Đề với Các Giả Định

Không giống như chiếc đồng hồ cát mà sự chính xác có thể thử nghiệm bằng cách lật ngược nó, rồi so sánh với một đồng hồ khác đáng tin, sự đáng tin của chiếc “đồng hồ” phóng xạ dựa vào ba sự giả định chưa được kiểm chứng. Không một nhà địa chất nào có mặt khi các mẫu đá được hình thành để biết được chúng chứa những gì, và không có một nhà địa chất học nào có mặt để đo tốc độ phóng xạ phân rã được cho là đã diễn tiến suốt hàng triệu năm, từ khi mẫu đá được hình thành.

Giả Định 1: Các Điều Kiện Ban Đầu

Không một nhà địa chất học nào có mặt khi hầu hết các mẫu đá được hình thành, vì thế, họ không thể thử nghiệm xem mẫu đá lúc ban đầu đã có các đồng vị con cùng lúc với các đồng vị phóng xạ mẹ của chúng hay không. Thí dụ, đối với các dung nham núi lửa bùng nổ, chảy, và nguội lại thành đá trong thời quá khứ không ai nhìn thấy, thì các nhà địa chất học thiên về tiến hóa chỉ đơn sơ giả định rằng, không một nguyên tử con argon-40 nào có mặt trong các mẫu nham thạch.

Đối với các “đồng hồ” phóng xạ khác, thì được giả định rằng, nhờ phân tích nhiều mẫu của một khối đá hay một đơn vị đá, mà ngày nay có thể xác định có bao nhiêu đồng vị con, như: chì, strontium, hay neodymium đã hiện diện khi khối đá được hình thành (bởi cái gọi là kỷ thuật isochron, là kỹ thuật vẫn dựa trên các giả định chưa được kiểm chứng 2 và 3.)

Nhưng khi dung nham xảy ra trong thời hiện tại được xét nghiệm liền sau khi bùng nổ, cho thấy chúng luôn chứa nhiều nguyên tử argon-40 hơn là dự kiến [1a]. Thí dụ: Khi phân tích một mẫu dung nham trong miệng núi lửa St. Helens (được quan sát hình thành và nguội lại vào năm 1986 – xem hình 1a) vào năm 1996, thì cho thấy nó chứa rất nhiều nguyên tử argon-40 đến nỗi nó có số tuổi lên đến 350.000 năm! [2a]. Tương tự như vậy, dung nham chảy từ Núi Ngauruhoe, ở Tân Tây Lan (xem hình 2a), được biết rõ là chưa đầy 50 năm, đã cho kết quả “tuổi” đến 3,5 triệu năm [3a].

Vì thế, rất là hợp lý để kết luận rằng, nếu dung nham chảy gần đây với số tuổi được biết lại cho ra kết quả tuổi potassium-argon không chính xác vì số thặng dư argon-40 chúng nhận được từ sự bùng nổ của các núi lửa, thì những dung nham chảy từ các thời đại không biết cũng có thể nhận được số thặng dư argon-40, để cho ra kết quả tuổi rất già!

Có những nan đề tương tự với các “đồng hồ” phóng xạ khác. Thí dụ: Xét về sự định tuổi nham thạch (loại đá hình thành do dung nham nguội lại trên mặt đất) của Grand Canyon. Chúng ta thấy nhiều chỗ trên vùng North Rim, nơi các núi lửa bùng nổ sau khi hẻm núi được tạo thành, khiến cho dung nham chảy thành thác dọc theo các vách của hẻm núi và xuống tận đáy hẻm.

Rõ ràng, những sự bùng nổ này xảy ra rất gần đây, sau khi các lớp trầm tích trong hẻm núi đã hình thành (xem hình 3a). Các nham thạch này cho ra kết quả tuổi lên tới cả triệu năm, khi dựa vào số lượng đồng vị potassium và argon có mặt trong chúng. Nhưng khi dùng đồng vị rubidium và strontium để tính tuổi của chúng, thì chúng ta nhận được kết quả là 1,143 tỉ năm; cùng với độ tuổi mà chúng ta có được khi xét nghiệm các lớp trầm tích nham thạch sâu dưới các vách của phía đông Grand Canyon [4a].

Hình 1a – 5a

Nguồn: https://cdn-assets.answersingenesis.org/img/articles/am/v4/n4/assumptions-small.gif

Làm sao mà cả hai lớp dung nham, một ở phía trên và một ở dưới đáy của hẻm núi, lại có cùng một độ tuổi, dựa trên các đồng vị mẹ và con này? Có một câu trả lời, đó là cả hai lớp dung nham mới và cũ đã thừa hưởng cùng các hóa chất rubidium-strontium – không phải tuổi – từ cùng một nguồn, sâu trong lớp vỏ thượng tầng của địa cầu. Nguồn này đã có sẵn chất rubidium và strontium.

Điều tệ hại hơn nữa cho tính chính xác của các phương pháp định tuổi phóng xạ này là, cùng các nham thạch chảy từ đỉnh của hẻm núi, đã cho ra số tuổi 916 triệu năm, dựa trên tỉ số samarium-neodymium [5a], và 2,6 tỉ năm, dựa trên tỉ số uranium-lead [6a].

Giả Định 2: Không Bị Ô Nhiễm

Các nan đề về ô nhiễm, tương tự như sự thừa hưởng, đã được ghi nhận rõ trong các sách học về sự định tuổi phóng xạ các chất đá [7a]. Không giống như chiếc đồng hồ cát với hai bầu chứa đóng kín, “đồng hồ” phóng xạ trong đá được mở rộng cho sự ô nhiễm bởi sự thêm hay bớt các đồng vị mẹ hoặc con, vì nước chảy trong đất từ mưa và từ các đá nóng chảy bên dưới các núi lửa. Tương tự như vậy, khi các dung nham nóng chảy trào dâng trong các ống dẫn sâu bên trong lòng đất để rồi bùng nổ qua một núi lửa, những mảnh vụn từ vách đá các ống dẫn và các đồng vị của chúng có thể trộn lẫn vào trong dung nham và làm cho nó bị ô nhiễm.

Vì sự ô nhiễm như vậy, mà dung nham chưa tới 50 năm, chảy từ Núi Ngauruhoe, ở Tân Tây Lan (xem hình 4a) đã cho ra số tuổi: 133 triệu năm, khi tính bằng tỉ lệ rubidium-strontium; 197 triệu năm khi tính bằng tỉ lệ samarium-neodymium; và 3,908 tỉ năm khi tính bằng tỉ lệ uranium-lead! [8a].

Giả Định 3: Tốc Độ Phân Rã Không Thay Đổi

Các nhà vật lý học đã cẩn thận đo lường tốc độ phân rã phóng xạ của các đồng vị mẹ trong các phòng thí nghiệm hơn 100 năm qua, và đã tìm thấy về cơ bản thì các tốc độ ấy không thay đổi (trong phạm vi sai sót cho phép của sự đo lường). Hơn nữa, họ đã không thể làm cho các tốc độ phân rã này thay đổi bao nhiêu, khi dùng nhiệt, áp suất, hay điện trường và từ trường. Vì vậy, các nhà địa chất học đã giả định rằng, các tốc độ phân rã phóng xạ không hề thay đổi trong suốt hàng tỉ năm qua.

Tuy nhiên, đây là một sự ngoại suy rất lớn của bảy trường phái quan trọng, ngược về khoảng thời gian bao la không hề được quan sát, mà không có một chứng cớ chắc chắn nào cho thấy sự ngoại suy ấy là đáng tin. Dù vậy, các nhà địa chất học vẫn khẳng định rằng, các tốc độ phân rã phóng xạ đã luôn luôn không đổi, bởi vì nó làm cho các đồng hồ phóng xạ “làm việc!”

Chứng cớ mới được khám phá gần đây chỉ có thể được giải thích bằng sự các tốc độ phân rã phóng xạ đã không ổn định trong quá khứ [9a]. Thí dụ: Sự phân rã phóng xạ của uranium trong các mẫu thủy tinh nhỏ trong khối đá hoa cương ở New Mexico (xem hình 5a) đã cho ra số tuổi uranium-lead là 1,5 tỉ năm. Nhưng cùng chất uranium phân rã ấy đã sinh ra rất nhiều chất helium, mà số lượng helium phát ra từ các mẫu thủy tinh nhỏ ấy chỉ tương đương với khoảng 6.000 năm tuổi.

Điều này có nghĩa là chất uranium đã phân rã rất là nhanh trong cùng một thời gian 6.000 năm chất helium phát sinh. Tốc độ phân rã của uranium ít nhất nhanh gấp 250.000 lần hơn, so với tốc độ đo được ngày nay. Để biết thêm chi tiết, xin đọc cuốn sách “Thousands… Not Billions” của Don DeYoung (Master Books, Green Forest, Arkansas, 2005) trang 65-78.

Các sự giả định được làm nền tảng cho sự định tuổi phóng xạ không những không thể kiểm chứng mà còn đầy dẫy những nan đề. Như bài viết này đã mô tả, các mẫu đá có thể thừa hưởng các đồng vị mẹ và con từ các nguồn của chúng, hoặc là chúng bị ô nhiễm khi chúng di chuyển ngang qua các loại đá khác đến vị trí hiện tại của chúng. Hoặc là các dòng nước chảy qua chúng đã trộn các đồng vị vào trong chúng. Thêm vào đó, các tốc độ phân rã phóng xạ không hề ổn định.

Vì thế, nếu các đồng hồ được dựa trên các giả định đầy lỗi và cho ra các kết quả không đáng tin, thì các nhà khoa học không nên tin hay đề cao các tuyên bố “tuổi” phóng xạ với vô số triệu năm, nhất là khi chúng nghịch lại với lịch sử thật của vũ trụ như đã được ghi chép trong Lời của Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/01/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://answersingenesis.org/geology/radiometric-dating/radiometric-dating-back-to-basics/

[2] https://answersingenesis.org/geology/radiometric-dating/radiometric-dating-problems-with-the-assumptions/

[1a] A. A. Snelling, “Geochemical Processes in the Mantle and Crust”, in Radioisotopes and the Age of the Earth: A Young-Earth Creationist Research Initiative, L. Vardiman, A. A. Snelling, and E. F. Chaffin, eds. (El Cajon, California: Institute for Creation Research; St. Joseph, Missouri: Creation Research Society, 2000), pp. 123–304.

[2a] S. A. Austin, “Excess Argon within Mineral Concentrates from the New Dacite Lava Dome at Mount St. Helens Volcano”, Creation Ex Nihilo Technical Journal 10.3 (1996): 335–343.

[3a] A. A. Snelling, “The Cause of Anomalous Potassium-Argon ‘Ages’ for Recent Andesite Flows at Mt. Ngauruhoe, New Zealand, and the Implications for Potassium-Argon ‘Dating’”, in Proceedings of the Fourth International Conference on Creationism, ed. R. E. Walsh (Pittsburgh: Creation Science Fellowship, 1998), pp. 503–525.

[4a] A. A. Snelling, “Isochron Discordances and the Role of Inheritance and Mixing of Radioisotopes in the Mantle and Crust”, in Radioisotopes and the Age of the Earth: Results of a Young-Earth Creationist Research Initiative, eds. L. Vardiman, A. A. Snelling, and E. F. Chaffin (El Cajon, California: Institute for Creation Research; Chino Valley, Arizona: Creation Research Society, 2005), pp. 393–524; D. B. DeYoung, “Radioisotope Dating Case Studies” in Thousands… Not Billions (Green Forest, Arkansas: Master Books, 2005), pp. 123–139.

[5a] Ref. 4a, 2005.

[6a] S. A. Austin, ed., Grand Canyon: Monument to Catastrophe (Santee, California: Institute for Creation Research, 1994), pp. 123–126.

[7a] G. Faure and T. M. Mensing, Isotopes: Principles and Applications, 3rd ed. (Hoboken, New Jersey: John Wiley & Sons, Hoboken, 2005); A. P. Dickin, Radiogenic Isotope Geology, 2nd ed. (UK: Cambridge University Press, 2005).

[8a] A. A. Snelling, “The Relevance of Rb-Sr, Sm-Nd and Pb-Pb Isotope Systematics to Elucidation of the Genesis and History of Recent Andesite Flows at Mt. Ngauruhoe, New Zealand, and the Implications for Radioisotopic Dating”, in Proceedings of the Fifth International Conference on Creationism, ed. R. L. Ivey, Jr. (Pittsburgh: Creation Science Fellowship, 2003), pp. 285–303; Ref. 4, 2005.

[9a] L. Vardiman, A. A. Snelling, and E. F. Chaffin, eds., Radioisotopes and the Age of the Earth: Results of a Young-Earth Creationist Research Initiative (El Cajon, California: Institute for Creation Research; Chino Valley, Arizona: Creation Research Society, 2005); D. B. DeYoung, Thousands… Not Billions (Green Forest, Arkansas: Master Books, 2005).

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.