Chú Giải Hê-bơ-rơ 10:01-18 Luật Pháp về Sinh Tế Chuộc Tội Là Hình Bóng…

2,978 views

Nguồn: https://youtu.be/yxs4EHlZlKo

Chú Giải Hê-bơ-rơ 10:1-18
Luật Pháp về Sinh Tế Chuộc Tội Là Hình Bóng
cho Sự Chết Chuộc Tội của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 10:01-18

1 Vì luật pháp có hình bóng của những sự tốt lành sẽ đến, không phải chính hình thật của những sự việc, nên những sinh tế mà họ vẫn dâng suốt năm không thể làm những người đến gần trở nên trọn vẹn.

2 Nếu không, chẳng phải chúng đã bị ngưng dâng hiến? Vì những người phụng sự đã một lần được sạch thì sẽ không còn có sự nhận thức về những tội lỗi. [Vì đã được làm sạch bản tính tội.]

3 Nhưng trong những sự đó là sự nhắc nhớ những tội lỗi suốt năm.

4 Vì máu của những bò đực và của những dê đực không có sức cất đi tội lỗi.

5 Vậy nên, khi Ngài vào trong thế gian, Ngài phán: Sinh tế và của lễ Ngài đã không muốn. Nhưng một thân thể Ngài đã sắm sẵn cho tôi.

6 Ngài đã chẳng vui với những của lễ thiêu về tội lỗi.

7 Rồi, tôi đã nói, trong cuộn sách đã chép về tôi: Hỡi Đức Chúa Trời! Này, tôi đến để làm theo ý muốn của Ngài. [Thi Thiên 40:6-8]

8 Trên đây nói: Sinh tế, lễ vật, và những của lễ thiêu về tội lỗi, những sự được dâng hiến theo luật pháp, Ngài đã không muốn cũng đã không vui.

9 Rồi, Ngài đã phán: Hỡi Đức Chúa Trời! Này, tôi đến để làm theo ý của Ngài. Ngài [Đấng Christ] đã bỏ điều thứ nhất để lập điều thứ nhì.

10 Trong ý muốn ấy, chúng ta được làm cho nên thánh bởi sự dâng thân thể của Đức Chúa Jesus Christ một lần đủ cả.

11 Thực tế, mỗi thầy tế lễ hằng ngày đứng phụng sự và thường dâng của lễ là những sinh tế giống nhau, mà chúng không bao giờ có thể cất đi những tội lỗi.

12 Nhưng Ngài, đã dâng chỉ một sinh tế cho những tội lỗi; đã ngồi bên phải Đức Chúa Trời cho đến mãi mãi.

13 Từ nay, Ngài chờ cho đến khi những kẻ thù của Ngài bị đặt làm bệ chân của Ngài. [Thi Thiên 110:1; I Cô-rinh-tô 15:25]

14 Vì một lần dâng của lễ, Ngài đã làm nên trọn vẹn cho đến mãi mãi những người được làm nên thánh.

15 Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây,

16 Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.

17 Ta sẽ chẳng còn nhớ đến những tội lỗi và những sự vô luật pháp của họ nữa. [Giê-rê-mi 31:33-34]

18 Nơi nào có những sự tha thứ này thì không còn sự dâng của lễ vì tội lỗi.

Ngay từ thời trước Cựu Ước thì Đức Chúa Trời đã mạc khải cho con dân của Ngài về sự dâng sinh tế chuộc tội. Dù Thánh Kinh không nói rõ, Đức Chúa Trời đã mạc khải cho loài người về việc dâng sinh tế chuộc tội như thế nào và từ bao giờ. Nhưng Sáng Thế Ký 4:4 cho chúng ta thấy, A-bên biết dâng con đầu lòng trong bầy súc vật của mình làm sinh tế lên Đức Chúa Trời. Trong Sáng Thế Ký 22:7, I-sác hỏi Áp-ra-ham về chiên con dùng làm của lễ thiêu. Trong Gióp 1:5 nói đến việc Gióp dâng của lễ thiêu để chuộc tội cho các con của mình.

Sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú là một phần trong luật pháp của Đức Chúa Trời. Luật pháp ấy đã được Đức Chúa Trời ban truyền cho con dân của Ngài trước khi Ngài ban truyền cho dân I-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i. Sáng Thế Ký 26:5 chép:

“Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.”

Rõ ràng là Đức Chúa Trời đã mạc khải cho Áp-ra-ham sự quy định của Ngài, bao gồm: các điều răn của Ngài, các luật lệ liên quan đến việc giữ các điều răn ấy, và các luật pháp về hình phạt dành cho sự vi phạm các điều răn và các luật lệ.

Luật pháp về sự dâng sinh tế chuộc tội là hình bóng cho sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Luật pháp đòi hỏi mạng sống của một người có tội phải được chuộc lại bằng mạng sống của một người vô tội. Sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú giúp cho người có tội được Đức Chúa Trời tha thứ bởi sự ăn năn của người ấy và đức tin của người ấy nơi Đức Chúa Trời. Nhưng cái giá phải trả để mạng sống của người ấy được chuộc lại chính là mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ. Dù là con dân Chúa trước thời Cựu Ước, trong thời Cựu Ước, trong thời Tân Ước, hay trong thời Vương Quốc Ngàn Năm, tất cả đều được cứu chuộc ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi bằng máu của Đức Chúa Jesus Christ.

Chỉ bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà loài người mới có thể được cứu ra khỏi bản tính tội lỗi. Thánh Kinh gọi đó là: Được dựng nên mới. Được tái sinh. Được rửa sạch tội. Nhờ đó mà loài người có thể sống theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, không còn phạm tội. Người được cứu vẫn đối diện với những sự cám dỗ, nhưng có năng lực của Thiên Chúa để thắng sự cám dỗ và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Người ấy không còn muốn phạm tội mà chỉ muốn sống thánh khiết theo Lời Chúa.

1 Vì luật pháp có hình bóng của những sự tốt lành sẽ đến, không phải chính hình thật của những sự việc, nên những sinh tế mà họ vẫn dâng suốt năm không thể làm những người đến gần trở nên trọn vẹn.

Giả sử có một công ty địa ốc chuẩn bị xây dựng một chung cư cao ốc. Công ty tạo ra một mô hình của chung cư và làm ra một đoạn phim quảng cáo, giúp cho khách hàng nhìn thấy thiết kế bên trong của từng loại căn hộ. Khách hàng trả tiền để mua căn hộ mà mình thích trong chung cư. Dù là khách hàng chưa nhìn thấy chung cư thật, chưa thể vào ở trong căn hộ mà mình đã mua, nhưng khách hàng đã hợp pháp làm chủ căn hộ ấy. Mô hình của chung cư và đoạn phim quảng cáo về chung cư là hình bóng cho chung cư với những căn hộ khang trang, tiện nghi sẽ đến khi công ty hoàn thành việc xây cất.

Luật pháp được nói đến trong Hê-bơ-rơ 10:1-18 là luật pháp về sự dâng sinh tế chuộc tội. Luật pháp ấy giúp cho con dân Chúa hình dung và hiểu được những sự tốt lành sẽ đến, khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, hy sinh mạng sống để cứu chuộc loài người. Hành động dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú chỉ là hình bóng cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đó chỉ là hình bóng của sự cứu chuộc, không phải hình thật, cũng như mô hình chung cư và hình ảnh trong đoạn phim quảng cáo chỉ là hình bóng về chung cư, không phải hình thật.

Sinh tế chuộc tội vẫn được những thầy tế lễ dâng hằng năm từ đời này sang đời khác không thể khiến cho những người đến dâng tế lễ được sạch bản tính tội và được phục hồi mạng sống.

Chúng ta cần hiểu rằng, khi một người phạm tội thì lập tức người ấy gánh hậu quả đương nhiên của sự phạm tội, là bị cắt đứt sự thông công với Thiên Chúa. Kế tiếp là phải trải qua sự chết của thân thể xác thịt để chấm dứt sự phạm tội. Sau cùng là chịu hình phạt về mỗi việc làm tội lỗi trong ngày phán xét chung cuộc. Lòng ăn năn và sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú theo quy định của luật pháp giúp cho người có tội được Đức Chúa Trời tha tội. Nghĩa là người ấy không còn bị hình phạt về việc tội lỗi người ấy đã làm ra. Nhưng sự phục hồi mạng sống, tức phục hồi sự thông công với Thiên Chúa thì không có được. Vì máu của loài thú không thể rửa sạch bản tính tội lỗi trong người ấy. Dù người ấy không còn bị hình phạt về những việc làm tội lỗi nhưng trong lòng người ấy vẫn hướng về tội, và khi có cơ hội thì vẫn sẽ phạm tội.

Chúng ta nên nhớ, mạng sống hay sự sống của loài người không chỉ có nghĩa là sự hiệp một của linh hồn, tâm thần (thân thể thiêng liêng), với xác thịt (thân thể vật chất). Mà còn là được thông công với Thiên Chúa. Dù không bị hình phạt về những tội lỗi đã làm ra nhưng nếu không được thông công với Thiên Chúa thì một người sẽ thực hữu trong cô đơn, buồn chán, cho đến đời đời!

2 Nếu không, chẳng phải chúng đã bị ngưng dâng hiến? Vì những người phụng sự đã một lần được sạch thì sẽ không còn có sự nhận thức về những tội lỗi. [Vì đã được làm sạch bản tính tội.]

Đại danh từ “chúng” trong câu này là chỉ về những sinh tế chuộc tội. Danh từ “Những người phụng sự” được dùng để chỉ những người có tội, đem của lễ đến Đền Tạm hoặc Đền Thờ, nhờ thầy tế lễ dâng sinh tế chuộc tội cho họ. Động từ “được sạch” có nghĩa là được sạch bản tính tội lỗi, không còn ưa thích phạm tội.

Nếu sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú có thể rửa sạch bản tính tội của những người dâng sinh tế thì họ không còn phạm tội và không cần phải cứ dâng sinh tế.

Nhóm chữ “không còn nhận thức về tội lỗi” bao gồm các nghĩa sau đây:

  • Không còn mặc cảm phạm tội về những tội đã phạm.
  • Không còn nhận biết sự thôi thúc phạm tội. Không còn thèm muốn phạm tội. Vì đã thoát khỏi ách nô lệ cho tội lỗi.
  • Vì thế, không còn cố ý phạm tội.

Trong thực tế, nhiều con dân Chúa vẫn cố tình phạm tội. Điều đó không có nghĩa là máu của Đấng Christ không rửa sạch bản tính tội trong họ, mà là, họ đã xem thường ân điển của Thiên Chúa mà chọn quay về vui thú với tội lỗi. Bởi sự thương xót rất lớn của Đức Chúa Trời mà Ngài có thể ban cho họ thêm cơ hội để ăn năn. Nhưng nếu họ vẫn cứ sống trong tội thì Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa họ ra (Khải Huyền 3:16), và họ sẽ bị hư mất đời đời, như lời cảnh báo mà chúng ta sẽ học trong Hê-bơ-rơ 10:26-39.

Chắc chắn, máu của Đấng Christ rửa sạch bản tính tội của bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Nhưng sau khi một người được rửa sạch bản tính tội, được tái sinh, được ban cho thánh linh của Thiên Chúa thì người ấy vẫn phải đối diện với sự cám dỗ, như A-đam và Ê-va khi họ chưa phạm tội.

Đức Chúa Trời không khiến cho loài người không thể phạm tội, mà Ngài ban cho loài người quyền tự do lựa chọn phạm tội hoặc không phạm tội. Khi một người được tự do lựa chọn mà chọn không phạm tội, thì người ấy thật sự đã chọn Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài cách trọn vẹn.

Con dân Chúa trong thời Tân Ước đã được máu của Đấng Christ rửa sạch bản tính tội, đã được Đức Chúa Trời tái sinh thành một tạo vật mới, đã được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể và đổ đầy thánh linh, tức năng lực của Thiên Chúa, nên tội lỗi không còn ép buộc họ cứ phạm tội như những người không có Chúa. Vì thế, khi họ chọn cố ý phạm tội thì họ đã giày đạp Đức Chúa Jesus Christ, xem máu của Ngài là ô uế, và sỉ nhục Đức Thánh Linh, Đấng Thiên Chúa đang ngự trong họ (Hê-bơ-rơ 10:29).

Ba hình thức tội lỗi dễ tái phạm hơn hết là: kiêu ngạo, tham lam, và tà dâm. Cả ba tội này, dẫn đến tội dối trá và giả hình. Nhưng tội khó tránh nhất là tội kiêu ngạo. Nhiều khi người kiêu ngạo không nhận ra là mình kiêu ngạo.

Người kiêu ngạo là người tôn bản ngã, tức “cái tôi”, làm trên hết trong cuộc sống; tự ái không đúng; không xem người khác là tôn trọng hơn mình. Người ấy không chấp nhận bị sửa sai, luôn tìm cách bào chữa cho sự sai trái của mình, tìm cách bẻ cong Lời Chúa để bảo vệ cái sai của mình. Người ấy có thể hy sinh về vật chất, công sức để được tiếng khen, để được nhiều người biết ơn mình. Người ấy luôn tìm cách áp đặt người khác phải làm theo ý của mình; lạm dụng Lời Chúa để bảo vệ ý riêng của mình; cho rằng, ai không làm theo ý của mình là không sống theo Lời Chúa. Thay vì tìm xem ý nghĩ, lời nói, hoặc hành động của mình có chỗ nào không đúng với Lời Chúa thì người kiêu ngạo lại tìm xem có chỗ nào trong Thánh Kinh ủng hộ cho ý nghĩ, lời nói, hoặc hành động của mình. Làm như thế, người kiêu ngạo đã mặc định rằng, mình đúng, mình chỉ cần tìm các câu Thánh Kinh chứng minh là mình đúng. Chính sự mặc định này đã khiến cho người kiêu ngạo không có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh để hiểu đúng Lời Chúa.

3 Nhưng trong những sự đó là sự nhắc nhớ những tội lỗi suốt năm.

4 Vì máu của những bò đực và của những dê đực không có sức cất đi tội lỗi.

“Những sự đó” là những nghi thức dâng sinh tế chuộc tội theo quy định của luật pháp. Từ sự dâng sinh tế chuộc tội mỗi khi có người phạm tội và ăn năn, cho đến sự dâng sinh tế chuộc tội chung cho toàn dân I-sơ-ra-ên vào ngày Lễ Chuộc Tội mỗi năm. Máu của những sinh tế bằng thú vật dù được tuyển chọn không tì, không vết, cũng vẫn không thể thay thế cho mạng sống của loài người. Vì loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa và xác thịt của loài người khác với xác thịt của các loài khác:

“Mọi xác thịt chẳng phải cùng xác thịt; nhưng thực tế, xác thịt của loài người khác, xác thịt của loài thú khác, xác thịt của loài cá khác, xác thịt của loài chim khác.” (I Cô-rinh-tô 15:39).

Chỉ có mạng sống của một người vô tội mới có thể cứu chuộc mạng sống của một người có tội. Chỉ có mạng sống vô hạn của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt của loài người mới có thể cứu chuộc mạng sống có giới hạn của toàn thể loài người trong mọi thời đại. Vì thế, không còn có một chương trình nào khác hơn để cứu chuộc loài người ngoài chương trình Thiên Chúa phải nhập thế làm người để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại. Và cũng chính vì thế mà không có sự cứu rỗi trong ai khác ngoài Đức Chúa Jesus Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Vì thế, những nghi thức dâng sinh tế chuộc tội trong thời Cựu Ước chỉ là để nhắc cho con dân Chúa sự họ đã phạm tội trong suốt một năm.

5 Vậy nên, khi Ngài vào trong thế gian, Ngài phán: Sinh tế và của lễ Ngài đã không muốn. Nhưng một thân thể Ngài đã sắm sẵn cho tôi.

6 Ngài đã chẳng vui với những của lễ thiêu về tội lỗi.

7 Rồi, tôi đã nói, trong cuộn sách đã chép về tôi: Hỡi Đức Chúa Trời! Này, tôi đến để làm theo ý muốn của Ngài. [Thi Thiên 40:6-8]

Câu: “Vậy nên, khi Ngài vào trong thế gian, Ngài phán” là chỉ về Thiên Chúa Ngôi Lời. Bốn chữ “Ngài” còn lại là chỉ về Đức Chúa Trời. Lời phán trên đây của Thiên Chúa Ngôi Lời chính là lời trích dẫn từ Thi Thiên 40:6-8, là những lời được Vua Đa-vít viết ra, trước khi Đức Chúa Jesus được sinh ra hàng ngàn năm. Chúng ta hiểu rằng, lời phán này là lời Thiên Chúa Ngôi Lời phán khi Ngài sắp sửa nhập thế làm người, và được Đức Thánh Linh thần cảm cho Vua Đa-vít viết ra như một lời tiên tri. Sự kiện Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người đối với Vua Đa-vít là việc sẽ xảy ra trong tương lai, và đối với Phao-lô, người viết thư Hê-bơ-rơ, là việc đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng trong câu 5 trên đây, Phao-lô đã dùng động từ “phán” với thì hiện tại và thức chỉ định, là một hình thức văn phạm trong tiếng Hy-lạp không phải để tỏ ra Thiên Chúa Ngôi Lời “phán” khi nào, mà là tỏ ra: Sự kiện Thiên Chúa Ngôi Lời phán như vậy là có thật.

“Sinh tế và của lễ Ngài đã không muốn” có nghĩa là Đức Chúa Trời không hề muốn những sinh tế và của lễ được loài người dâng lên bằng mạng sống của loài thú hay sản phẩm của đồng ruộng.

“Nhưng một thân thể Ngài đã sắm sẵn cho tôi” có nghĩa là Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho Thiên Chúa Ngôi Lời một thân thể xác thịt, để Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người và dâng chính mạng sống trong thân thể ấy làm của lễ chuộc tội cho loài người.

“Ngài đã chẳng vui với những của lễ thiêu về tội lỗi” là vì những mạng sống của những con thú được dâng làm sinh tế chuộc tội đó không thể thay thế mạng sống của những người phạm tội và cũng không thể rửa sạch bản tính tội lỗi của họ.

“Cuộn sách đã chép về tôi” tức là toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước, trong đó có sách Thi Thiên, và trong đó có Thi Thiên 40 do Vua Đa-vít được thần cảm, ghi lại lời phán của Thiên Chúa Ngôi Lời.

Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người, đã vào trong thế gian trong một thân thể xác thịt của loài người tên là Jesus để làm tròn ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Đức Chúa Trời là: Muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật, như đã chép trong I Ti-mô-thê 2:4.

8 Trên đây nói: Sinh tế, lễ vật, và những của lễ thiêu về tội lỗi, những sự được dâng hiến theo luật pháp, Ngài đã không muốn cũng đã không vui.

9 Rồi, Ngài đã phán: Hỡi Đức Chúa Trời! Này, tôi đến để làm theo ý của Ngài. Ngài [Đấng Christ] đã bỏ điều thứ nhất để lập điều thứ nhì.

Bỏ điều thứ nhất là bỏ đi những nghi thức dâng sinh tế chuộc tội và những nghi thức thờ phượng Đức Chúa Trời chỉ là hình bóng. Lập điều thứ nhì là lập nên sự dâng sinh tế thật và sự thờ phượng thật. Sự dâng sinh tế thật là Đức Chúa Jesus Christ dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho toàn thể loài người. Sự thờ phượng thật là sự mỗi người đã ở trong sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời dùng chính thân thể của mình, lời tôn vinh xưng danh của Đức Chúa Trời, và những việc lành của mình làm những của lễ dâng lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1; Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Sự bỏ điều thứ nhất và lập điều thứ nhì này hoàn toàn không phải bỏ đi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời để chỉ lập ra điều răn mới: “Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy” (Giăng 13:34). Điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29) là hai điều răn được bổ sung vào Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Giao Ước Mới không bỏ đi tinh thần và mục đích của Giao Ước Cũ, nhưng khiến cho Giao Ước Cũ được trở nên trọn vẹn. Trong Giao Ước Cũ, con dân Chúa chỉ cần giữ cho không có lời nói hay hành động vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nhưng trong Giao Ước Mới, con dân Chúa chẳng những không có lời nói hay hành động vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà ngay cả trong tư tưởng cũng không có ý nghĩ vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Đó chính là sự thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật.

Con dân Chúa trong thời Tân Ước có bổn phận yêu lẫn nhau như Đấng Christ đã yêu mình nhưng cũng có bổn phận vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Ngay cả các thánh đồ trong Kỳ Tận Thế cũng là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:17; 14:12).

Sự giảng dạy nào dạy rằng con dân Chúa thời Tân Ước không bị ràng buộc bởi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là sự giảng dạy tà giáo. Vì Đức Chúa Jesus Christ không hề bỏ đi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, và một chấm hay một nét trong luật pháp sẽ không qua đi cho đến khi trời đất qua đi (Ma-thi-ơ 5:17-18).

Sự giảng dạy nào dạy rằng, con dân Chúa nào không phải là người I-sơ-ra-ên thì không bị ràng buộc bởi Mười Điều Răn, vì Mười Điều Răn chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên, cũng là sự giảng dạy tà giáo. Vì lẽ thật là: Con dân Chúa trong mọi dân tộc được tháp nhập vào dân I-sơ-ra-ên và trở thành một với dân I-sơ-ra-ên trong Đấng Christ.

10 Trong ý muốn ấy, chúng ta được làm cho nên thánh bởi sự dâng thân thể của Đức Chúa Jesus Christ một lần đủ cả.

“Trong ý muốn ấy” là trong ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, sự chết của Đức Chúa Jesus Christ làm sinh tế chuộc tội cho loài người là một lần đủ cả. Những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì họ được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản tính tội lỗi, được Đức Chúa Trời tái sinh, được Đức Thánh Linh ngự vào trong thân thể của họ, ban cho họ thánh linh của Thiên Chúa. Họ được làm cho nên thánh với hai ý nghĩa: được sạch tội và được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời.

11 Thực tế, mỗi thầy tế lễ hằng ngày đứng phụng sự và thường dâng của lễ là những sinh tế giống nhau, mà chúng không bao giờ có thể cất đi những tội lỗi.

12 Nhưng Ngài, đã dâng chỉ một sinh tế cho những tội lỗi; đã ngồi bên phải Đức Chúa Trời cho đến mãi mãi.

Trong suốt khoảng thời gian gần 1.500 năm dân I-sơ-ra-ên vẫn cứ nhờ thầy tế lễ thường xuyên dâng sinh tế chuộc tội cho họ, từ năm 1446 TCN cho đến năm 70, ngoại trừ 70 năm bị lưu đày nơi Ba-by-lôn, bản chất tội vẫn còn trong họ. Nhưng khi Đấng Christ đến, dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho loài người, thì bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, dù là người I-sơ-ra-ên hay là người thuộc các dân tộc khác, cũng đều được Ngài rửa sạch bản tính tội lỗi của họ. Và Đấng Christ chỉ cần một lần dâng sinh tế chuộc tội. Sau đó, Ngài làm công việc cầu thay cho con dân của Đức Chúa Trời trong chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, trong Đền Thờ trên trời.

13 Từ nay, Ngài chờ cho đến khi những kẻ thù của Ngài bị đặt làm bệ chân của Ngài. [Thi Thiên 110:1; I Cô-rinh-tô 15:25]

“Từ nay” là từ khi Đấng Christ làm xong sự chuộc tội. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, trạng từ này có nghĩa là: Phần còn lại. “Những kẻ thù của Ngài” là các thiên sứ phạm tội, đứng đầu là Sa-tan, và tất cả những ai vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà không ăn năn. Thành ngữ “bị đặt làm bệ chân” có nghĩa là: Bị đánh hạ và hoàn toàn bị khống chế. Thành ngữ này phát sinh từ phong tục bên chiến thắng đạp chân trên cổ tù binh để thể hiện sự chiến thắng và quyền sinh sát của mình đối với tù binh.

14 Vì một lần dâng của lễ, Ngài đã làm nên trọn vẹn cho đến mãi mãi những người được làm nên thánh.

Câu này nhắc lại ý tưởng đã nói trong câu 10. “Những người được làm nên thánh” là những người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Nhờ đó, họ được tha tội, được làm cho sạch tội, được tái sinh, được ban cho thánh linh của Thiên Chúa, và được dành riêng cho Đức Chúa Trời, làm con dân của Ngài, vui hưởng cơ nghiệp của Ngài.

15 Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây,

16 Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.

17 Ta sẽ chẳng còn nhớ đến những tội lỗi và những sự vô luật pháp của họ nữa. [Giê-rê-mi 31:33-34]

Đức Thánh Linh làm chứng cho chúng ta phần lớn là qua những lời của Ba Ngôi Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh. Đức Thánh Linh làm chứng có nghĩa là Đức Thánh Linh xác nhận những lời phán của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Jesus Christ, hoặc của chính Ngài. Trong ba câu trên đây, Đức Thánh Linh làm chứng cho lời hứa của Đức Chúa Trời về một giao ước mới đối với những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa của lời hứa này chúng ta đã học qua Hê-bơ-rơ 8:1-13 [1].

18 Nơi nào có những sự tha thứ này thì không còn sự dâng của lễ vì tội lỗi.

“Những sự tha thứ này” là những sự tha thứ về những tội lỗi và những sự vô luật pháp. Tội lỗi là biết luật pháp bằng chữ viết, tức Thánh Kinh, mà sống một nếp sống không vâng theo luật pháp. Nghĩa đen của danh từ tội lỗi là sự sai mục tiêu, như người bắn cung bắn không trúng hồng tâm. Sự vô luật pháp là nếp sống không vâng theo luật pháp nhưng không biết gì về luật pháp, vì không biết đến Thánh Kinh. Tuy nhiên, lương tâm của người vô luật pháp vẫn lên án những việc làm sai nghịch Thánh Kinh của họ:

“Những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp phán xét…” (Rô-ma 2:12).

Rô-ma đoạn 2 nói rõ về những tội lỗi và những sự vô luật pháp.

Cảm tạ Đức Chúa Trời! Sự thương xót của Ngài đã khiến cho chúng ta được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ về sự hy sinh của Ngài để cứu chuộc chúng ta và làm cho chúng ta nên những thầy tế lễ và những vua đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Cảm tạ Đức Thánh Linh vẫn ngự trong chúng ta, ấn chứng cho chúng ta, dạy dỗ chúng ta, an ủi chúng ta, cáo trách chúng ta, dẫn dắt chúng ta, cầu thay cho chúng ta, ban năng lực cho chúng ta để chúng ta sống đắc thắng trong cuộc đời mới của những người được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ [2]. Nguyện mọi vinh quang và quyền thế đời đời thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/06/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-he-bo-ro-0801-13-den-tho-tren-troi-giao-uoc-moi-tot-hon-giao-uoc-cu/

[2] https://kytanthe.net/021-chu-giai-sach-khai-huyen-14-8/

Karaoke Thánh Ca: “Jesus Tìm Đến bên Tôi”
https://karaokethanhca.net/jesus-tim-den-ben-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.