Chú Giải I Cô-rinh-tô: Giới Thiệu Thư I Cô-rinh-tô

5,730 views

Nguồn: https://youtu.be/wGmxX3Gc-QE

Chú Giải I Cô-rinh-tô
Giới Thiệu Thư I Cô-rinh-tô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Cách gọi “thư I Cô-rinh-tô” là cách gọi tắt của: “thư thứ nhất gửi cho Hội Thánh tại thành phố Cô-rinh-tô”. Tên Cô-rinh-tô có nghĩa là “được thỏa mãn một cách dư dật”. Thành phố Cô-rinh-tô vào giữa thế kỷ thứ nhất, khi Tin Lành được rao giảng tại đó và Hội Thánh của Chúa được thành lập, là một thành phố thương nghiệp lớn của dân Hy-lạp, thuộc đế quốc La-mã. Đế quốc La-mã thôn tính đế quốc Hy-lạp, triệt hạ thành Cô-rinh-tô vào năm 146 TCN (Trước Công Nguyên). Vào năm 46 TCN, thành Cô-rinh-tô được tái xây dựng và nhanh chóng trở thành một trong những thành phố thương mãi phồn thịnh nhất, và là thủ phủ của tỉnh A-chai, thuộc đế quốc La-mã.

Dân số của Cô-rinh-tô vào giữa thế kỷ thứ nhất ước chừng 600.000 người. Cô-rinh-tô có 12 đền thờ tà thần. Nổi bật nhất là đền thờ nữ tà thần tình dục Áp-phơ-đai-ti (Aphrodite) với hơn 1.000 nữ tế sư là gái điếm phục vụ nhu cầu tình dục cho cư dân và khách vãng lai. Đời sống của dân Cô-rinh-tô thời bấy giờ rất là đồi trụy trong sự ăn nhậu và phạm tà dâm. Đến nỗi phát sinh ra động từ “cô-rinh-tô hóa” trong tiếng Hy-lạp, với nghĩa: “trụy lạc như dân Cô-rinh-tô”. Ngoài ra, còn có danh từ “đàn bà Cô-rinh-tô” được dùng để chỉ những phụ nữ sống buông thả trong sự quan hệ tình dục.

Sứ Đồ Phao-lô từ A-then đi đến Cô-rinh-tô vào khoảng cuối mùa thu năm 50 trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:1-18). Tại Cô-rinh-tô, Phao-lô gặp vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin là hai người I-sơ-ra-ên và là môn đồ của Đấng Christ. Họ cũng làm nghề may trại như Phao-lô. Phao-lô tạm trú với họ và cùng hành nghề may trại với họ. Nghề may trại bao gồm việc may vá, sửa chữa các lều trại cũ và may các lều trại mới. Vào mỗi ngày Sa-bát, Phao-lô đến nhà hội của người Do-thái để giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên lẫn dân Hy-lạp. Tuy nhiên, Phao-lô gặp sự chống đối mãnh liệt của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Phao-lô ở tại Cô-rinh-tô được một năm rưỡi thì dân Do-thái kiện Phao-lô ra trước tòa án của thống đốc tỉnh A-chai là Ga-li-ôn. Nhưng Thống Đốc Ga-li-ôn không chấp nhận xử án sự tranh chấp về tín ngưỡng. Phao-lô ở lại Cô-rinh-tô thêm một ít lâu nữa, rồi ông cùng A-qui-la và Bê-rít-sin về lại thành Ê-phê-sô. Như vậy, Hội Thánh tại thành Cô-rinh-tô được thành lập qua sự giảng Tin Lành của Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của ông, với sự đồng công của A-qui-la và Bê-rít-sin. Sau khi Phao-lô về lại Ê-phê-sô thì A-bô-lô từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô, giảng dạy một thời gian, đóng góp nhiều công sức trong sự gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-19:1).

Qua hai thư I và II Cô-rinh-tô mà chúng ta được biết về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nhiều hơn là các Hội Thánh địa phương khác vào thế kỷ thứ nhất. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có mặt một số người Do-thái (I Cô-rinh-tô 7:18), nhưng phần lớn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là dân ngoại (I Cô-rinh-tô 6:9-11; 12:2). Chúng ta không biết nhân số của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vào thời Phao-lô là bao nhiêu. Có lẽ vào khoảng trên dưới 100 người. Dựa vào sự phân biệt giữa nhà riêng và Hội Thánh trong I Cô-rinh-tô 11:22, 34; 14:34-35 mà chúng ta có thể hiểu rằng, Hội Thánh không nhóm hiệp tại nhà riêng của con dân Chúa mà có thể nhóm hiệp ở một nơi được thuê mướn, dùng làm chỗ nhóm hiệp của Hội Thánh. Hoặc có thể một con dân Chúa giàu có đã dùng một căn nhà trống của mình, làm chỗ nhóm hiệp của Hội Thánh.

Mặc dù phần lớn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô vào thời bấy giờ là những người bình dân (I Cô-rinh-tô 1:26), thậm chí là những nô lệ (I Cô-rinh-tô 7:21-22), nhưng cũng có những người sang trọng và có quyền thế như được hàm ý trong I Cô-rinh-tô 1:26. Có lẽ chính những người sang trọng và quyền thế đã tạo ra sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, khi họ thi hành sự kỳ thị giai cấp và tạo ra những nhóm biệt lập theo tên các sứ đồ (I Cô-rinh-tô 1:12; 3:4). Có lẽ chính họ là những người ăn trước một cách no đủ và phí phạm trong các bữa ăn chung của Hội Thánh khiến cho những người nghèo ăn sau không có đủ thức ăn (I Cô-rinh-tô 11:20-21; 33-34).

Dân Cô-rinh-tô thời bấy giờ quen sống trong nền văn hóa thờ lạy thần tượng, sa đọa trong sự ăn uống say sưa trong các lễ hội tôn vinh các tà thần và trong các đền thờ tà thần, thường xuyên phạm tà dâm với gái điếm, phạm tà dâm đồng giới tính (I Cô-rinh-tô 6:9-11), cho nên, khó mà tránh khỏi các thói xấu tội lỗi đó vẫn còn trong nếp sống của một số con dân Chúa.

Khi thư I Cô-rinh-tô được viết ra thì Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã được khoảng 6 tuổi. Đó là một khoảng thời gian khá đủ để cho một Hội Thánh địa phương trưởng thành trong sự hiểu biết Lời Chúa và trong nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa. Vào thời ấy, Hội Thánh chung chỉ có Thánh Kinh phần Cựu Ước. Thánh Kinh phần Tân Ước đang bắt đầu hình thành với các lá thư của các sứ đồ. Những lời giảng dạy của những sứ đồ, của những người chăn hầu như không được ghi chép hoặc không được ghi âm lại như trong thời đại của chúng ta. Thỉnh thoảng, những lá thư của các sứ đồ, phần lớn là của Phao-lô, được sao chép lại và chuyển đến các Hội Thánh địa phương để được đọc lên trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời quan phòng từng Hội Thánh, Đức Chúa Jesus Christ đi lại giữa các Hội Thánh, Đức Thánh Linh hiện diện trong lòng con dân Chúa. Vì thế, chỉ cần con dân Chúa nói riêng và Hội Thánh nói chung có tấm lòng tin kính Chúa thì Hội Thánh sẽ lớn mạnh trong đức tin và trong sự thông hiểu Lời Chúa. Lẽ thật ấy đã được Đức Thánh Linh bày tỏ qua Sứ Đồ Phao-lô trong I Cô-rinh-tô đoạn 2.

Ngày nay, chúng ta có toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước trong ngôn ngữ mẹ đẻ, có biết bao nhiêu bài giảng dạy Lời Chúa được viết thành bài hoặc được ghi âm lại mà nếu mỗi ngày đọc hoặc nghe chỉ ba bài thôi, thì một năm vẫn chưa đọc và nghe hết các bài giảng. Vậy thì chúng ta thật có phước hơn con dân Chúa thuở ban đầu của Hội Thánh rất nhiều. Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa! Nguyện lẽ thật thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17)!

Người Viết

Người viết thư I Cô-rinh-tô chính là Sứ Đồ Phao-lô, như lời tự giới thiệu trong thư:

“Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng Sốt-then, người anh em cùng Cha của chúng ta, gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô, là những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi là các thánh đồ, cùng tất cả những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ. Ngài là Chúa của họ lẫn của chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 1:1-2).

Tên Sốt-then được nhắc đến có lẽ là vì Sốt-then đang có mặt bên cạnh Phao-lô trong lúc thư I Cô-rinh-tô được viết ra, mà Sốt-then vốn là chủ nhà hội của Do-thái Giáo tại Cô-rinh-tô, đã trở thành môn đồ của Đấng Christ và chịu khổ vì danh Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:17). Như vậy, Sốt-then chỉ dự phần trong lời chào thăm con dân Chúa tại Cô-rinh-tô chứ không dự phần trong nội dung còn lại của lá thư. Có lẽ Sốt-then chính là người cầm lá thư của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, đi đến Ê-phê-sô, trao lại cho Sứ Đồ Phao-lô; rồi mang thư hồi âm của Phao-lô về lại Cô-rinh-tô.

Trước khi thư I Cô-rinh-tô được viết thì Phao-lô cũng đã có viết một thư khác cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, nhưng thư ấy không còn được lưu giữ trong Hội Thánh. Đó là lá thư được nhắc đến trong I Cô-rinh-tô 5:9. Sau thư I Cô-rinh-tô và trước thư II Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng có viết một thư khác cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nhưng thư ấy cũng không còn được lưu giữ trong Hội Thánh. Đó là lá thư được nhắc đến trong II Cô-rinh-tô 2:4. Như vậy, tổng cộng có bốn lá thư do Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Thư I Cô-rinh-tô và II Cô-rinh-tô trong Thánh Kinh thực ra là thư thứ nhì và thứ tư. Vì sao Đức Thánh Linh không bảo tồn hai lá thư còn lại là điều mà chúng ta không biết, cho đến khi chúng ta được vào trong thiên đàng, như Lời Chúa đã hứa trong I Cô-rinh-tô 13:12.

Xin đọc bài “Giới Thiệu Thư Rô-ma” để biết chi tiết về Sứ Đồ Phao-lô [1].

Thời Gian và Nơi Viết

Mùa thu năm 54 Phao-lô đến thành Ê-phê-sô và ở lại đó hơn ba năm. Mùa đông năm 56, từ Ê-phê-sô, Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô, gửi cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô.

Những Người Nhận

Những người nhận thư I Cô-rinh-tô chính là con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, theo I Cô-rinh-tô 1:2 thì thư I Cô-rinh-tô cũng được gửi cho: “tất cả những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta: Jesus Christ”. Mệnh đề này có ý chỉ tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh vào thời bấy giờ. Ngày nay, thư I Cô-rinh-tô đã được Đức Thánh Linh xếp vào Thánh Kinh Tân Ước, nên nội dung của thư cũng dành cho tất cả con dân Chúa.

Chủ Đề

Đời sống của con dân Chúa là khiến thân thể xác thịt của mình trở thành các công cụ làm ra những sự công bình cho Đức Chúa Trời, là những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho (Rô-ma 6:13; Ê-phê-sô 2:10), để qua đó, chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, ngay từ trong tư tưởng cho đến lời nói và việc làm, con dân Chúa chỉ suy nghĩ, nói, và làm những gì có ích lợi, có gây dựng, và làm tôn vinh Thiên Chúa:

“Mọi sự tôi được phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Mọi sự tôi được phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều gây dựng.” (I Cô-rinh-tô 10:23).

“Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm. Đừng làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 10:31-32).

Mọi sự thân thể xác thịt hiện tại làm ra sẽ được Chúa xét nghiệm. Chúa sẽ không ban thưởng hoặc sẽ ban thưởng cách xứng đáng cho mỗi việc làm của mỗi người. Những việc làm có ích lợi, có gây dựng, làm tôn vinh Thiên Chúa sẽ được ban thưởng. Những việc làm bởi lòng tham muốn, khoe khoang, ích kỷ sẽ không được ban thưởng.

Thân thể xác thịt của con dân Chúa sẽ được sống lại hoặc được biến hóa cách vinh quang, bất tử, trở thành siêu vật chất, có thể sinh hoạt trong thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh, sống đời đời trong Nước Trời.

Câu Gốc

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là đền thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em đã có từ Thiên Chúa; và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Mục Đích

Phao-lô nhận được những báo cáo về tình trạng thuộc linh của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (1:11) cũng như nhận được thư của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nêu lên một số thắc mắc (7:1) nên ông viết thư I Cô-rinh-tô để quở trách, khuyên dạy con dân Chúa tại đó, làm sáng tỏ một số giáo lý của Thánh Kinh, và giải đáp các thắc mắc của họ. Qua thư I Cô-rinh-tô, Phao-lô:

  • Chỉ ra những chỗ sai lầm của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, là những sai lầm dẫn đến sự phân rẽ trong Hội Thánh, sự dung túng tội lỗi trong Hội Thánh, và nếp sống còn nhiễm tội, thiếu tình yêu anh chị em trong Chúa.
  • Nêu ra các nguyên tắc về hôn nhân và sự độc thân.
  • Làm sáng tỏ giáo lý về các ân tứ của Đức Thánh Linh.
  • Làm sáng tỏ những sự liên quan đến thần tượng.
  • Làm sáng tỏ quyền lợi và sự hy sinh của những người rao giảng Tin Lành.
  • Nêu ra các nguyên tắc về sự nhóm hiệp của Hội Thánh.
  • Làm sáng tỏ giáo lý về sự sống lại của thân thể xác thịt.

Nội Dung

Sau lời chào thăm, chúc phước và cảm tạ theo phong cách viết thư của Phao-lô, ông lập tức nói ngay đến sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Sự phân rẽ phát sinh vì con dân Chúa tạo ra bè phái dựa trên các khái niệm sai lầm về Tin Lành; về những người rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa; và về nếp sống của môn đồ Đấng Christ. Phao-lô giúp đánh tan các khái niệm sai lầm ấy và khuyên con dân Chúa theo gương các sứ đồ.

Kế tiếp, Phao-lô nói đến sự thiếu kỷ luật trong Hội Thánh, khi Hội Thánh chấp nhận sự phạm tội tà dâm của một con dân Chúa, là người phạm ngoại tình với vợ bé của cha mình. Phao-lô quở trách Hội Thánh và nhân danh Chúa dứt thông công người phạm tội.

Phao-lô cũng nói đến sự con dân Chúa cư xử bất công với nhau còn thưa nhau ra tòa án của thế gian, để cho người không tin Chúa phán xét con dân Chúa. Rồi ông nói đến sự một số con dân Chúa vẫn còn phạm tà dâm với gái điếm. Phao-lô nhắc cho con dân Chúa biết, thân thể của họ là đền thờ của Thiên Chúa, họ phải dùng thân thể xác thịt cùng thân thể thiêng liêng của họ để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Phao-lô cũng trả lời các thắc mắc về sự kết hôn, sự ly dị, sự sống chung với chồng hoặc vợ không tin Chúa, và sự sống độc thân.

Phao-lô nhấn mạnh đến sự hư không của thần tượng và lý do vì sao con dân Chúa không nên ăn thức ăn đã cúng cho thần tượng.

Phao-lô nói đến quyền lợi và sự hy sinh của ông trong chức vụ sứ đồ.

Phao-lô cảnh cáo con dân Chúa về sự thờ thần tượng và nhấn mạnh về mục đích đời sống của con dân Chúa.

Phao-lô nói đến một số nguyên tắc trong sự nhóm hiệp của Hội Thánh: Những phụ nữ phải trùm đầu khi cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa trước Hội Thánh; sự nghiêm trọng của lễ nghi Tiệc Thánh; ý nghĩa và mục đích của các ân tứ Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa; và sự trật tự trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh.

Phao-lô đặc biệt giảng dạy lẽ thật về sự sống lại hoặc sự biến hóa của thân thể xác thịt của con dân Chúa.

Sau cùng, trong phần kết thúc lá thư, Phao-lô dặn dò con dân Chúa tại Cô-rinh-tô sẵn sàng cho sự quyên góp để tiếp trợ con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem; thông báo dự định của mình; căn dặn và khuyên bảo một số việc; gửi lời chào thăm và chúc phước.

Bố Cục

I. Phần mở đầu: Lời chào thăm; lời chúc phước và cảm tạ (1:1-9)

II. Sự phân rẽ trong Hội Thánh (1:10-4:21)

A. Thực tế của sự phân rẽ (1:10-17)

B. Nguồn gốc của sự phân rẽ (1:18-3:22)

1. Khái niệm sai lầm về Tin Lành (1:18-31)

2. Khái niệm sai lầm về sự giảng Tin Lành (2:1-16)

3. Khái niệm sai lầm về những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa (3:1-8)

4. Khái niệm sai lầm về môn đồ của Đấng Christ (3:9-23)

  • Đấng Christ là nền của Hội Thánh; nếp sống của con dân Chúa là sự làm lành theo đức tin (3:9-15)
  • Con dân Chúa là đền thờ của Thiên Chúa (3:16-23)

C. Mục vụ của các sứ đồ tại Cô-rinh-tô (4:1-21)

1. Lời khuyên theo gương của Phao-lô và A-bô-lô (4:1-13)

2. Lời khuyên về sự vâng phục (4:14-21)

III. Các gương xấu trong Hội Thánh (5:1-6:20)

A. Sự thiếu kỷ luật trong Hội Thánh (5:1-13)

B. Sự con dân Chúa thưa kiện nhau trước quan toà không tin Chúa (6:1-11)

C. Sự tà dâm (6:12-20)

IV. Lời khuyên về hôn nhân (7:1-40)

A. Nguyên tắc chung (7:1-7)

B. Sự ly dị – Sự chồng hoặc vợ không tin Chúa (7:8-24)

C. Sự độc thân (7:25-40)

V. Lời khuyên về của cúng thần tượng (8:1-13)

VI. Quyền lợi và sự hy sinh của Phao-lô trong chức vụ sứ đồ (9:1-27)

VII. Lời cảnh cáo về sự thờ thần tượng; lời khuyên về nếp sống tôn vinh Thiên Chúa (10:1-11:1)

A. Gương xấu của dân I-sơ-ra-ên (10:1-13)

B. Con dân Chúa không được thờ lạy thần tượng (10:14-22)

C. Mục đích nếp sống của con dân Chúa là tôn vinh Thiên Chúa (10:23-11:1)

VIII. Lời khuyên về sự nhóm hiệp, thờ phượng Chúa (11:2-14:40)

A. Phụ nữ phải trùm đầu trong khi cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa trước Hội Thánh (11:2-16)

B. Lễ nghi Tiệc Thánh (11:17-34)

C. Các ân tứ thuộc linh (12:1-14:25)

1. Các ân tứ thuộc linh được ban cho bởi Đức Thánh Linh (12:1-11)

2. Sự hiệp một của con dân Chúa với các ân tứ khác nhau (12:12-31a)

3. Ân tứ lớn hơn hết: Tình yêu (12:31b-13:13)

4. Ân tứ nói tiên tri quan trọng hơn ân tứ nói ngoại ngữ (14:1-25)

D. Sự trật tự trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh (14:26-40)

IX. Sự sống lại của thân thể xác thịt (15:1-58)

A. Sự sống lại của thân thể xác thịt là chắc chắn (15:1-34)

1. Sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ (15:1-11)

2. Sự sống lại của những người chết (15:12-34)

B. Bản thể của thân thể xác thịt được sống lại (15:35-58)

1. Bản thể siêu vật chất (15:35-49)

2. Sự biến hóa của thân thể xác thịt đang sống (15:50-58)

X. Phần kết thúc: Sự quyên góp để tiếp trợ những con dân Chúa gặp khó khăn; dự định của Phao-lô; lời căn dặn và lời khuyên sau cùng; lời chào thăm và chúc phước (16:1-24)

Thư I Cô-rinh-tô đã được viết cách nay gần 2.000 năm nhưng nội dung của nó hoàn toàn thích hợp với con dân Chúa trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, đặc biệt là trong thời đại của chúng ta:

  • Ngày nay, hơn bao giờ hết, sự phân rẽ trong Hội Thánh lớn đến mức không phải chỉ là một vài phe nhóm mà là hàng chục ngàn phe nhóm dưới danh xưng “giáo phái” [2]. Theo bộ Bách Khoa Từ Điển Thế Giới Cơ-đốc Nhân (World Christian Encyclopedia) phát hành năm 2001 thì trên toàn thế giới có 33.820 giáo phái Cơ-đốc [3].
  • Chưa bao giờ trong lịch sử Hội Thánh mà phần lớn con dân Chúa và ngay cả những người dẫn dắt họ lại thiếu hiểu biết về Tin Lành, về sự giảng Tin Lành, về những người giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa, về nếp sống của con dân Chúa như thời đại của chúng ta ngày nay. Điểm nghiêm trọng nhất là sự giảng dạy tà giáo biến ngày Sa-bát thánh của Thiên Chúa từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật, khiến cho con dân Chúa vi phạm điều răn thứ tư.
  • Ngày nay, sự thiếu kỷ luật trong Hội Thánh khiến cho tội lỗi xâm nhập và lây lan trong Hội Thánh, bao trùm trên cả những người chăn dắt Hội Thánh và giảng dạy Lời Chúa.
  • Ngày nay, sự tà dâm thuộc thể trong Hội Thánh vẫn xảy ra qua nếp sống luông tuồng về tình dục: quan hệ tình dục trước khi kết hôn; ngoại tình; xem, đọc, lưu trữ các tài liệu khiêu dâm. Còn sự tà dâm thuộc linh, tức là sự thờ lạy thần tượng, thì “thần tôi” được tôn thờ qua lòng kiêu ngạo, khoe khoang, không tôn trọng người khác, và lòng tự ái không đúng.
  • Ngày nay, phần lớn phụ nữ cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa trước Hội Thánh mà không trùm đầu, với lý do, đó chỉ là phong tục của người Do-thái, trong khi Lời Chúa dạy rõ: “Bởi đó, đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.” (I Cô-rinh-tô 11:10). Và, lời ấy được viết cho một Hội Thánh địa phương mà đa số con dân Chúa không phải là dân Do-thái.
  • Ngày nay, lẽ thật về Tiệc Thánh bị xuyên tạc khi rượu nho được dùng thay vì nước nho để làm thức uống trong Tiệc Thánh; và qua giáo lý dạy rằng, bánh không men và rượu nho biến thành thịt và máu thật của Đức Chúa Jesus Christ (giáo lý của Công Giáo), hoặc giáo lý dạy rằng, có sự hiện diện của thịt và máu thật của Đức Chúa Jesus Christ trong bánh không men và rượu nho (giáo lý của Lutherant).
  • Ngày nay, sự lảm nhảm những âm thanh vô nghĩa, không phải là ngôn ngữ được cho là “ân tứ nói tiếng lạ”; sự nhóm hiệp trở thành những màn lăn lộn, kêu la, khóc cười, ngất lịm… được gọi là “đầy dẫy thánh linh” [4].

Chúng ta thật sự đang sống trong những ngày cuối cùng, vào thời điểm của sự bội Đạo lớn xảy ra liền trước khi Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Hơn bao giờ hết, Đức Chúa Jesus Christ có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào giữa chốn không trung để gọi Hội Thánh lên với Ngài. Chúng ta hãy dọn mình thánh sạch bằng cách hết lòng sống theo Lời Chúa để sẵn sàng ra đi với Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/10 /2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-01_phan-gioi-thieu/

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Christian_denominations

[3] http://www.philvaz.com/apologetics/a106.htm

[4] Sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã”:
https://tinyurl.com/noi-tieng-la

Karaoke Thánh Ca: “Người Hỡi! Hãy Quay Về bên Chúa!
https://karaokethanhca.net/nguoi-hoi-hay-quay-ve-ben-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.