Chú Giải I Cô-rinh-tô 03:09-15 Khái Niệm Sai Lầm về Môn Đồ của Đấng Christ – Phần 1

4,883 views

 

Nguồn: https://youtu.be/mAagu0h54Z8

Chú Giải I Cô-rinh-tô 3:9-15
Khái Niệm Sai Lầm về Môn Đồ của Đấng Christ – Phần 1

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 3:9-15

9 Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa. Các anh chị em là ruộng của Thiên Chúa, là nhà của Thiên Chúa.

10 Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng mà người khác xây cất trên đó. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất trên đó như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm phẩm chất công việc của mỗi người sẽ là.

14 Nếu công việc của ai cứ còn lại, là việc mà người ấy đã xây cất trên nền ấy, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, người ấy sẽ bị tổn thất nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.

Nguyên nhân thứ tư trong các nguyên nhân gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh là do con dân Chúa có khái niệm sai lầm về môn đồ của Đấng Christ. Nhiều người lầm tưởng môn đồ của Đấng Christ là tín đồ của một giáo hội hay giáo phái nào đó mang danh Đấng Christ. Có người nghĩ rằng, môn đồ của Đấng Christ phải là người thuộc về một người lãnh đạo nào đó, như một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nghĩ rằng, họ thuộc về Phi-e-rơ.

Lẽ thật là môn đồ của Đấng Christ thuộc về Đấng Christ và thuộc về Hội Thánh của Đấng Christ, chứ không thuộc về một giáo hội hay một giáo phái nào. Mỗi một người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng sống theo Thánh Kinh là một chi thể trong Hội Thánh của Đấng Christ, không phân biệt chủng tộc, quốc gia, phái tính, tuổi tác, giai cấp hay địa vị trong xã hội, trình độ học thức hay trí thức, giàu sang hay nghèo hèn… Mỗi Hội Thánh địa phương được Đấng Christ giao cho các trưởng lão chăn dắt nhưng chính Ngài là Đầu của Hội Thánh. Ngài đi lại giữa các Hội Thánh địa phương và Ngài chăn dắt mỗi Hội Thánh địa phương qua các trưởng lão.

Môn đồ chân thật của Đấng Christ là người hội đủ bảy điều sau đây:

  • Tin nhận Đấng Christ. Tin rằng, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Tin rằng, ngoài Ngài không có sự cứu rỗi. Tin rằng, sau khi chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, thân thể xác thịt của Ngài đã sống lại cách vinh quang và đã vào trong thiên đàng. Tin rằng, một ngày không bao lâu nữa, Ngài sẽ trở lại giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và bắt đầu bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Tin rằng, cuối bảy năm đại nạn, Ngài sẽ cùng Hội Thánh giáng lâm trên đất để tiêu diệt thế lực của Sa-tan cùng với thế lực của AntiChrist, rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất.
  • Học theo Đấng Christ. Sống thánh khiết, vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
  • Vâng phục Đấng Christ. Làm theo mọi lời phán dặn của Ngài, nhất là yêu anh chị em cùng đức tin như Ngài đã yêu mình.
  • Rao giảng Đấng Christ. Rao truyền sự chết của Đấng Christ cho tới khi Ngài đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.
  • Tôn vinh Đấng Christ. Mọi lời nói, mọi việc làm luôn luôn ở trong danh của Đấng Christ để tôn vinh Ngài.
  • Phụng sự Đấng Christ. Qua sự giảng Tin Lành và tham dự các mục vụ của Hội Thánh.
  • Chịu khổ vì Đấng Christ. Sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả mạng sống, để sống theo Đấng Christ và phụng sự Đấng Christ.

Qua đó, chúng ta thấy rõ, Đấng Christ là trung tâm và cũng là nền tảng đức tin của những ai xưng mình là môn đồ của Ngài, chứ không phải một người nào hay một tổ chức tôn giáo nào. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã dạy cho con dân Chúa khái niệm đúng về môn đồ của Đấng Christ trong I Cô-rinh-tô 3:9-23. Trong các câu Thánh Kinh đó, chúng ta được học biết rằng:

  • Đức Chúa Jesus Christ là nền tảng duy nhất cho đức tin của con dân Chúa.
  • Mỗi con dân Chúa phải xây dựng đời sống mới của mình trên nền tảng đức tin của mình nơi Đấng Christ.
  • Thân thể của mỗi con dân Chúa là Đền Thờ của Thiên Chúa, phải được dùng để thờ phượng Thiên Chúa. Thờ phượng Thiên Chúa là phụng sự Thiên Chúa, bằng cách làm trọn những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người, như Ê-phê-sô 2:10 đã nói rõ, dùng đời sống mình tôn vinh Thiên Chúa.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về Đấng Christ là nền tảng của Hội Thánh và con dân Chúa xây dựng đời sống đức tin của mình trên nền tảng ấy, như đã dạy trong I Cô-rinh-tô 3:9-15.

9 Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa. Các anh chị em là ruộng của Thiên Chúa, là nhà của Thiên Chúa.

Sứ Đồ Phao-lô ví sánh ông và các bạn của ông, tức là những người cùng theo ông trong các hành trình truyền giáo, như là những người cùng lao động với Thiên Chúa trong công việc xây dựng và phát triển Hội Thánh. Chúng ta chú ý, trong câu này, Phao-lô dùng danh xưng Thiên Chúa để chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Nghĩa là công cuộc xây dựng và phát triển Hội Thánh là việc làm của Ba Ngôi Thiên Chúa mà Phao-lô và các bạn của ông cùng được dự phần.

Phao-lô ví sánh Hội Thánh như là ruộng và nhà của Thiên Chúa. Ruộng là nơi sản xuất, nhà là nơi cư trú. Thiên Chúa hành động qua Hội Thánh để đem lại kết quả cho Nước Trời. Thiên Chúa ngự trong Hội Thánh, ngự trong thân thể của mỗi con dân Chúa, để dẫn dắt họ, chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa qua họ, và ấn chứng rằng, họ thuộc về Thiên Chúa.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển Hội Thánh, Đức Chúa Trời định sẵn chương trình và ban ơn, Đức Chúa Jesus Christ lãnh đạo và thêm sức, Đức Thánh Linh ban cho các ân tứ và giữ gìn sự hiệp một của con dân Chúa. Hội Thánh là ruộng vườn thuộc linh của Thiên Chúa, được các sứ đồ, các trưởng lão cùng Thiên Chúa chăm sóc để sinh ra kết quả tốt. Hội Thánh là chỗ ở thuộc linh của Thiên Chúa, chiếu ra vinh quang của Ngài, được các sứ đồ, các trưởng lão cùng Thiên Chúa xây dựng, để nên trọn vẹn trong Vương Quốc Đời Đời.

10 Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng mà người khác xây cất trên đó. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất trên đó như thế nào.

Riêng bản thân Phao-lô, ông đã cậy nhờ ân điển Đức Chúa Trời ban cho ông, để lập nền tảng của đức tin cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, cũng như ở các nơi khác. Trong mục vụ thiết lập nền tảng đức tin cho các Hội Thánh địa phương, có nhiều anh chị em khác đồng công (cùng lao động) với Phao-lô, nhưng ông là người dẫn dắt họ trong mục vụ, như người thợ cả khôn sáng dẫn dắt những người thợ dưới quyền mình hoàn thành công việc xây dựng nền nhà. Việc còn lại là mỗi con dân Chúa trong mỗi Hội Thánh địa phương tự quyết định về việc mỗi người sẽ xây dựng như thế nào, trên nền đã được lập.

Nền tảng của đức tin cho Hội Thánh phải là Đức Chúa Jesus Christ. Nền tảng ấy không thể là một cá nhân nào, cho dù đó là một người đầy ơn Chúa nhất, hết lòng thi hành thiên chức Chúa giao phó cho người ấy. Nền tảng ấy cũng không thể là bất cứ một giáo hội hay giáo phái nào, cho dù là giáo hội hay giáo phái ấy tự xưng nhận là Hội Thánh của Chúa. Sự thành lập giáo hội hay giáo phái đã là một sự nghịch lại Lời Chúa, như chúng ta đã học trong các phân đoạn trước.

Công tác xây dựng đời sống mới trong đức tin của mỗi con dân Chúa vừa là cho chính mình, vừa là cho toàn thể Hội Thánh. Con dân Chúa có bổn phận sống thánh khiết theo Lời Chúa để được nhận lãnh sự sống đời đời. Nếu có ai lỡ phạm tội thì phải ăn năn tội, xưng tội với Đức Chúa Trời ngay để được Chúa tha thứ và được Chúa làm cho sạch mọi điều không công bình:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

Người nào cứ phạm tội mà không ăn năn, thì sẽ không có sự cứu rỗi, như Lời Chúa đã khẳng định trong Hê-bơ-rơ 6:4-8 và 10:26-29. Không thể nào một người cứ sống trong tội mà người ấy lại được cứu, vì điều kiện đầu tiên để được cứu rỗi là phải ăn năn tội.

Con dân Chúa có bổn phận sống thánh khiết theo Lời Chúa. Đó là yêu kính Chúa, vâng giữ các điều răn của Chúa, tin cậy Chúa trong mọi sự; yêu người lân cận như chính mình, làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình; yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình, sẵn sàng hy sinh phương tiện sống và ngay cả mạng sống để cứu giúp họ.

Phải thật sự là con dân Chúa, có nếp sống thánh khiết thì mới có thể dự phần trong công tác xây dựng và gây dựng Hội Thánh. Một người chưa được làm chi thể trong thân thể của Chúa thì làm sao người ấy có thể dự phần vào việc xây dựng và gây dựng Hội Thánh? Một người sau khi được cứu, được gia nhập vào Hội Thánh của Chúa thì sẽ biết tự mình quyết định đóng góp trong công tác xây dựng và gây dựng Hội Thánh, theo sự soi dẫn và cảm động của Đức Thánh Linh.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

Hội Thánh chỉ có một nền duy nhất là Đức Chúa Jesus Christ, không ai có thể thay thế bằng một nền nào khác. Nền ấy chính là lẽ thật về sự chết chuộc tội của Ngài đem lại sự cứu rỗi cho Hội Thánh và lời dạy của Ngài khiến cho Hội Thánh hiểu biết về Đức Chúa Trời, về chương trình, ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho loài người để giúp loài người sống hạnh phúc trong sự thánh khiết. Hội Thánh phải được xây dựng trên đức tin vào Đấng Christ và trên mọi lời phán dạy của Ngài.

Khi các sứ đồ và những người rao giảng Tin Lành rao giảng về Đấng Christ và sự chết chuộc tội của Ngài thì họ làm công việc thiết lập Đấng Christ, làm nền tảng đức tin cho những ai tin nhận Tin Lành. Người tin nhận Tin Lành là người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo mọi lời phán dạy của Ngài. Lời phán dạy đầu tiên của Đức Chúa Jesus Christ là: “Hãy ăn năn!” (Ma-thi-ơ 4:17; Mác 1:15). Mười hai sứ đồ bắt đầu đi ra rao giảng Tin Lành cũng giảng rằng: “Hãy ăn năn!” (Mác 6:12).

Không có sự thật lòng ăn năn tội và không có đức tin hoàn toàn vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì không được cứu rỗi. Không được cứu rỗi thì không thể sống theo Lời Chúa, vì không có năng lực từ Thiên Chúa để sống thánh khiết theo ý muốn của Thiên Chúa. Sự thật lòng ăn năn tội và sự có đức tin hoàn toàn nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ phải là tình trạng thường xuyên của mỗi con dân Chúa. Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt yếu đuối này, ngày đó chúng ta vẫn còn có thể phạm tội. Và khi lỡ phạm tội thì chúng ta cần lập tức ăn năn tội, xưng tội với Chúa, trông cậy vào máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ để được tha tội và được làm cho sạch tội.

Cuộc đời của mỗi người phải có một nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống của mình trong suốt khoảng thời gian Chúa cho phép mình được sống trong thân thể xác thịt hiện tại. Xây dựng đời sống có nghĩa là nói và làm dựa trên đức tin, hướng về một mục đích. Người không thuộc về Chúa thì sống cho mục đích riêng của họ, dựa trên đức tin của họ vào các tôn giáo hoặc vào chính bản thân hay một lý tưởng nào đó, nếu họ là người vô thần. Người thuộc về Chúa thì sống cho ý muốn của Thiên Chúa, dựa trên đức tin của họ vào Thiên Chúa.

Nếu một người có đức tin nơi Đấng Christ thì người ấy có một nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc sống. Những gì người ấy nói và làm dựa trên Đấng Christ sẽ còn lại cho đến đời đời. Nếu một người có đức tin nơi bất cứ ai khác hay bất cứ sự gì khác hơn là tin vào Đấng Christ thì người ấy không có một nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc sống. Đức Chúa Jesus Christ ví sánh sự xây dựng của người ấy giống như một người xây nhà trên nền cát. Khi có mưa to, gió lớn đến thì công trình xây cất của người ấy bị sụp đổ hoàn toàn (Ma-thi-ơ 7:26-27).

Cũng có những con dân Chúa xây dựng đời sống trên nền Đấng Christ nhưng mục đích xây dựng của họ có thể khác nhau, mà Đức Thánh Linh đã ví sánh giá trị việc xây dựng của họ như vàng, bạc, những đá quý, hoặc là những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ, trong hai câu tiếp theo:

12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm phẩm chất công việc của mỗi người sẽ là.

Vàng, bạc, và đá quý là các loại vật liệu quý giá, bền chắc. Gỗ, cỏ khô, rơm rạ là các loại vật liệu rẻ tiền, không bền chắc. Mỗi thứ đều có công dụng riêng trong việc xây dựng. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dùng hình ảnh các loại vật liệu dùng trong xây dựng, để so sánh với phẩm chất và giá trị những công việc do con dân Chúa làm ra trong cuộc đời này.

Là con dân Chúa, chúng ta vừa là những người lính chiến, vừa là những công nhân xây dựng. Ê-phê-sô 6:10-18 dạy chúng ta trang bị và tận dụng các khí giới của Đức Chúa Trời để chiến đấu. I Cô-rinh-tô 3:9-15 dạy chúng ta về sự lựa chọn các loại vật liệu trong công tác xây dựng thuộc linh để gây dựng bản thân và Hội Thánh. Sự lựa chọn các loại vật liệu trong công việc xây dựng đời sống đức tin trong Đấng Christ và trên Đấng Christ là sự lựa chọn phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em cùng đức tin với mục đích gì, với thái độ như thế nào. Cùng một việc làm mà giá trị và sự còn lại lâu dài của việc ấy có thể là vàng, bạc, đá quý, hoặc là gỗ, cỏ khô, hay rơm rạ. Vàng, bạc, và đá quý là những việc làm có ích, có gây dựng, làm tôn vinh danh Chúa và được chúng ta hết lòng mà làm (Cô-lô-se 3:23). Gỗ, cỏ khô, và rơm rạ cũng là những việc làm có ích, có gây dựng, làm tôn vinh danh Chúa nhưng không được chúng ta hết lòng mà làm, chỉ làm cho có làm, hoặc chỉ làm để tìm kiếm vinh quang cho chính mình, hoặc lầm bầm, than thở, không vui trong khi làm.

Công tác xây dựng Hội Thánh đòi hỏi con dân Chúa hy sinh bản thân về nhiều phương diện, dâng hiến thì giờ, tiền bạc, khả năng, công sức. Giá trị của sự hy sinh, dâng hiến không tùy thuộc vào mức độ hay số lượng, mà tùy thuộc vào tấm lòng: lòng yêu Chúa, yêu người, thuận phục, hiến dâng, và gắng hết sức trong mọi việc.

Người đàn bà góa nghèo khổ, chỉ dâng hiến lên Chúa có hai đồng tiền bằng một phần tư xu, nhưng giá trị của hai đồng tiền ấy là toàn bộ tài sản của bà.

Mác 12:41-44

41 Đức Chúa Jesus ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào rương đựng tiền dâng như thế nào. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền vào.

42 Có một người đàn bà góa nghèo kia đến, bỏ vào hai đồng tiền ăn một phần tư xu.

43 Ngài gọi các môn đồ của Ngài và phán với họ: Thật vậy! Ta nói với các ngươi rằng, người đàn bà góa nghèo này đã bỏ tiền vào nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào rương đựng tiền dâng.

44 Vì tất cả họ đã bỏ vào của dư mình, còn bà đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình.

Sự dâng hiến của những người giàu chỉ là bỏ ra một phần dư thừa trong tài sản của họ, nhưng sự dâng hiến của người đàn bà góa nghèo là sự hy sinh tất cả những gì bà có để nuôi mình. Sự dâng hiến của bà chính là sự dùng vàng, bạc, đá quý mà xây trên nền Đấng Christ.

Thiên Chúa xem xét mỗi việc làm của chúng ta một cách công chính để định phần thưởng cho chúng ta. Sự xem xét ấy được ví như lửa thử nghiệm. Mỗi việc làm lành của chúng ta đều sẽ qua lửa thử nghiệm của Thiên Chúa. Những việc được chúng ta hết lòng mà làm và làm vì sự vinh quang của Thiên Chúa sẽ còn lại; những việc chúng ta làm lấy có, hoặc làm để tìm kiếm sự vinh quang cho bản thân, hoặc làm mà không vui lòng đều sẽ bị thiêu hủy.

Ngày công bố giá trị việc làm của mỗi con dân Chúa chính là ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Vì trong ngày ấy, Đức Chúa Jesus Christ mang theo tiền công để trả cho mỗi người tùy theo việc làm của họ:

“Này, Ta đến mau chóng với tiền công của Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người đó.” (Khải Huyền 22:12).

Chúng ta có thể hiểu rằng, sự kiện Chúa xét nghiệm mỗi việc làm của chúng ta xảy ra ngay khi chúng ta đang làm việc ấy, nhưng ngày công bố kết quả sự xét nghiệm là ngày Chúa đến để đem chúng ta ra khỏi thế gian.

Đáng tiếc thay, ngày nay có rất nhiều người đã thay thế Đấng Christ bằng các tổ chức tôn giáo:

  • Họ tin nhận và trông cậy vào giáo hội thay vì tin nhận và trông cậy Đấng Christ.
  • Họ học theo những sự giảng dạy nghịch Thánh Kinh của giáo hội thay vì học theo những lời phán dạy của Đấng Christ đã được ghi chép cách rõ ràng trong Thánh Kinh.
  • Họ vâng phục giáo hội thay vì vâng phục Đấng Christ.
  • Họ rao giảng về giáo hội thay vì rao giảng về Đấng Christ.
  • Họ tôn vinh giáo hội và hàng giáo phẩm trong giáo hội thay vì tôn vinh Đấng Christ.
  • Họ phụng sự giáo hội và hàng giáo phẩm của giáo hội thay vì phụng sự Đấng Christ.
  • Họ chịu khổ vì giáo hội thay vì chịu khổ vì Đấng Christ.

Vì thế mà công cuộc xây dựng đời sống của họ đã giống như những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ. Chúng có thể tạm thời có ích lợi ngắn ngủi trong cuộc đời này nhưng giá trị của chúng sẽ không tồn tại trong đời sau. Một điển hình được ghi lại trong Thánh Kinh, đó là có những kẻ rao giảng Tin Lành vì lòng ganh ghét và cạnh tranh; tức là họ rao giảng Tin Lành vì chính họ, vì lòng kiêu ngạo và tự ái không đúng của họ, vì sự vinh quang cho bản thân họ:

“Thật có vài kẻ vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ, nhưng cũng có những người vì ý tốt.” (Phi-líp 1:15).

Dù vậy, những ai nghe lời rao giảng ấy mà tin nhận Tin Lành thì họ vẫn được cứu; nhưng kẻ rao giảng thì không được ban thưởng trong đời sau. Việc rao giảng của họ chỉ có giá trị như những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ. Khi được đưa qua lửa thử nghiệm của Thiên Chúa thì sẽ bị cháy tan.

14 Nếu công việc của ai cứ còn lại, là việc mà người ấy đã xây cất trên nền ấy, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, người ấy sẽ bị tổn thất nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.

Danh từ “tiền công” trong I Cô-rinh-tô 3:14 cũng cùng là danh từ “tiền công” trong Khải Huyền 22:12. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ này vừa có nghĩa là tiền công, tức là lương trả cho người được thuê làm việc, vừa có nghĩa là “phần thưởng” dùng theo nghĩa kết quả đương nhiên của sự lao động chăm chỉ và vất vả. Ngoài ra, nó còn có nghĩa là hình phạt cho những việc làm xấu, như trong II Phi-e-rơ 2:13.

Thiên Chúa được xưng là “như một đám lửa thiêu đốt” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24). Vì thế, sự xét nghiệm của Chúa về việc làm của con dân Chúa được ví như lửa thử nghiệm. Bất cứ việc làm nào không hết lòng mà làm, không vui lòng mà làm, hoặc chỉ làm để tìm kiếm vinh quang cho bản thân đều sẽ bị sự công chính và thánh khiết của Chúa thiêu hủy. Những việc ấy là gớm ghiếc trước Chúa.

Người được cứu dường như qua lửa là người được cứu mà trọn cuộc đời đi theo Chúa không làm ra những việc lành có giá trị để được Chúa trả công. Mọi việc làm của người ấy, dù bề ngoài vẫn là những việc có ích, gây dựng, tôn vinh danh Chúa, nhưng bề trong thì thiếu tấm lòng. Người ấy vẫn ở lại trong sự cứu rỗi, vì chúng ta được cứu không bởi việc làm của chúng ta, nhưng người ấy hoàn toàn không được Chúa trả công gì cả, vì những việc làm của người ấy không còn lại trong lửa thử nghiệm của Chúa. Người ấy thực sự giống như một người được cứu thoát khỏi căn nhà bị cháy, chỉ giữ được mạng sống nhưng toàn bộ tài sản bị thiêu rụi.

Những người được cứu dường như qua lửa là những người thuộc hạng bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời (Ma-thi-ơ 5:19; Lu-ca 7:28). Dĩ nhiên, có những người vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà xây dựng đời sống thuộc linh của mình bằng gỗ, cỏ khô, và rơm rạ; nhưng cũng có những người vì bị sự giảng dạy sai nghịch Thánh Kinh của các giáo hội mà không biết dùng vàng, bạc, và những đá quý để xây dựng đời sống thuộc linh. Những người như vậy không thể trách ai hơn là trách chính bản thân. Vì họ đã không sốt sắng đọc, suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo mà chỉ nhắm mắt làm theo sự dạy dỗ sai trái từ giáo hội.

Sự thiếu hiểu biết Lời Chúa cũng có thể khiến cho một người phạm tội và bị trật phần ân điển, ảnh hưởng đến nhiều đời con cháu:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Chính Thiên Chúa đã làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn cả danh thánh của Ngài:

“Tôi sẽ thờ lạy hướng về đền thánh của Ngài và tôn vinh danh của Ngài, vì sự từ ái và sự chân thật của Ngài, vì Ngài đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài.” (Thi Thiên 138:2).

Trong Lời Chúa có các điều răn và luật pháp của Chúa. Loài người phạm tội vì vi phạm các điều răn và luật pháp của Chúa. Loài người được cứu nhờ ăn năn tội và tin Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Jesus Christ đã cứu chuộc loài người ra khỏi án phạt của tội lỗi bởi sự Ngài sống theo luật pháp và chịu hình phạt bởi luật pháp thay cho loài người. Vậy, chúng ta là những người đã được cứu, hãy sống theo Lời Chúa, làm vững bền luật pháp của Chúa:

“Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31).

“Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công bình, và tốt lành.” (Rô-ma 7:12).

Tại sao luật pháp và điều răn của Chúa là thánh, công bình, và tốt lành mà con dân Chúa không vâng giữ? Chúng ta KHÔNG GIỮ LUẬT PHÁP ĐỂ ĐƯỢC CỨU như lời quỷ biện của những kẻ chống lại sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi chúng ta đã được cứu khỏi sự chết đời đời bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, vì chúng ta đã phạm luật pháp của Chúa, tức là chúng ta đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, thì chúng ta không tiếp tục phạm các điều răn của Đức Chúa Trời nữa. Trái lại, đời sống mới của chúng ta là đời sống yêu kính Chúa, vâng phục Chúa, làm vững bền luật pháp của Chúa bằng sự vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Chúa.

Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 15:57-58 chép:

“Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự thắng, nhờ Chúa của chúng ta là Jesus Christ. Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy dư dật luôn trong công việc của Chúa. Vì biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích.”

Trong Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta là những chiến binh đắc thắng mà cũng là những công nhân xây dựng thành công, vì chính Đấng Christ ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta có thể làm được mọi sự trong Ngài:

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Vì thế, chúng ta chỉ cần hết lòng làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10) và dâng mọi vinh quang lên Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được tiền công và phần thưởng lớn từ nơi Chúa, trong ngày Chúa hiện ra.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/11/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Đi với Chúa”
https://karaokethanhca.net/di-voi-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.