Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL042 Đức Chúa Jesus tại Thành Ca-bê-na-um – Phần 3

322 views

YouTube: https://youtu.be/Pa7EmdZ6Dj4

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL042 Đức Chúa Jesus tại Thành Ca-bê-na-um – Phần 3
Chúa Chữa Lành Người Bị Phong Hủi và Người Bị Bại Liệt
Ma-thi-ơ 8:1-4; 9:1-8; Mác 1:40-45; 2:1-12; Lu-ca 5:12-26

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 8:1-4

1 Khi Ngài đã xuống khỏi núi, những đoàn dân đông đã theo Ngài.

2 Này, một người phong hủi đã đến, thờ phượng Ngài, thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.

3 Đức Chúa Jesus đã đưa tay ra, chạm người, phán rằng: Ta muốn, hãy sạch đi! Tức thì, sự phong hủi của người đã được sạch.

4 Đức Chúa Jesus phán với người: Hãy giữ, ngươi chớ nói với ai; nhưng hãy đi, tỏ mình cho thầy tế lễ, và dâng của lễ mà Môi-se đã truyền để làm chứng cho họ.

Ma-thi-ơ 9:1-8

1 Ngài đã bước xuống thuyền, ngang qua biển và vào đến thành của mình. [Thành Ca-bê-na-um]

2 Này, họ đã đem đến cho Ngài một người bại liệt, nằm trên giường. Đức Chúa Jesus thấy đức tin của họ, đã phán với người bại liệt: Hỡi con, hãy vững lòng! Những tội lỗi của con đã được tha cho con.

3 Này, có mấy thầy thông giáo đã nói với nhau: Người này phạm thượng.

4 Đức Chúa Jesus biết những ý tưởng của họ, đã phán rằng: Vì sao các ngươi nghĩ ác trong lòng của các ngươi?

5 Vì điều nào dễ hơn? Nói: Những tội lỗi đã được tha cho ngươi. Hay là nói: Hãy trỗi dậy và bước đi!

6 Nhưng để các ngươi biết rằng, Con Người có quyền trên đất, tha thứ những tội lỗi. Rồi, Ngài phán với người bại liệt: Hãy trỗi dậy, vác giường của ngươi mà đi về nhà của ngươi!

7 Người đã trỗi dậy và đi về nhà của mình.

8 Khi những đám dân đông đã thấy, họ đã kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho loài người quyền phép như vậy.

Mác 1:40-45

40 Có một người phong hủi đã đến với Ngài, quỳ xuống và cầu xin Ngài, thưa với Ngài rằng: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.

41 Đức Chúa Jesus đã động lòng thương xót, đưa tay ra, chạm người, và phán với người: Ta muốn, hãy sạch đi!

42 Ngài đã phán, lập tức, chứng phong hủi ra khỏi người và người đã được sạch.

43 Ngài đã nghiêm truyền cho người, lập tức, sai người đi khỏi.

44 Ngài phán với người: Hãy giữ, ngươi chớ nói với ai! Nhưng hãy đi, tỏ mình cho thầy tế lễ, và dâng của lễ về sự tinh sạch của ngươi mà Môi-se đã truyền, để làm chứng cho họ!

45 Nhưng người đã đi, bắt đầu công bố nhiều và đồn rộng sự việc, đến nỗi Ngài không thể công khai vào trong thành, mà ở ngoài, trong các nơi hoang vắng. Người ta từ bốn phương đã đến với Ngài.

Mác 2:1-12

1 Vài ngày sau, Ngài lại vào trong thành Ca-bê-na-um. Đã được nghe rằng, Ngài ở trong nhà.

2 Lập tức, nhiều người đã nhóm hiệp lại, đến nỗi không còn chỗ trước cửa. Ngài đã giảng Đạo cho họ.

3 Họ đến với Ngài, đem theo một người bại liệt, được khiêng bởi bốn người.

4 Vì đám đông, họ đã không thể đến gần Ngài. Họ đã dỡ mái nhà, ngay chỗ Ngài. Dỡ xong, họ đưa giường có người bại nằm trên đó xuống.

5 Khi Đức Chúa Jesus đã thấy đức tin của họ, Ngài đã phán với người bại liệt: Hỡi con, những tội lỗi của con đã được tha cho con!

6 Có mấy thầy thông giáo đã ngồi đó, lý luận trong lòng họ:

7 Sao người này nói phạm thượng như vậy? Ai có thể tha thứ những tội lỗi, ngoại trừ một Đức Chúa Trời?

8 Lập tức, Đức Chúa Jesus nhận biết trong thần trí của Ngài rằng, họ đã lý luận như vậy trong vòng họ. Ngài đã phán với họ: Sao các ngươi lý luận các sự ấy trong lòng của các ngươi?

9 Điều nào là dễ hơn? Nói với người bại liệt: Những tội lỗi đã được tha cho ngươi. Hay nói: Hãy trỗi dậy, vác giường của ngươi và bước đi!

10 Nhưng để các ngươi biết rằng, Con Người có quyền trên đất, tha thứ những tội lỗi. Ngài đã phán với người bại liệt:

11 Ta bảo ngươi, hãy trỗi dậy, vác giường của ngươi mà đi về nhà của ngươi!

12 Lập tức, người đã trỗi dậy, vác giường mà đi ra trước mọi người; đến nỗi ai nấy đã kinh ngạc, tôn vinh Đức Chúa Trời, nói rằng: Chúng tôi chưa hề thấy như vậy.

Lu-ca 5:12-26

12 Đã xảy ra, Ngài đã ở tại một thành kia. Này, có một người đàn ông đầy phong hủi, thấy Đức Chúa Jesus, đã sấp mặt xuống đất, xin Ngài, thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.

13 Ngài đã đưa tay ra, chạm người, phán rằng: Ta muốn, hãy sạch đi! Tức thì, chứng phong hủi đã ra khỏi người.

14 Ngài đã truyền cho người: Ngươi chớ nói với ai, nhưng hãy đi, tỏ mình cho thầy tế lễ; và dâng của lễ về sự tinh sạch của ngươi, như Môi-se đã truyền, để làm chứng cho họ.

15 Nhưng tiếng đồn về Ngài đã lan rộng càng hơn. Những đoàn dân đông đã nhóm lại để nghe Ngài. Họ đã được chữa lành khỏi những bệnh tật của họ bởi Ngài.

16 Nhưng Ngài đã lui vào trong đồng vắng mà cầu nguyện.

17 Đã xảy ra, trong một ngày kia, Ngài đang dạy dỗ, những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật đã ngồi đó. Họ đã đến từ các làng của Ga-li-lê, Giu-đê, và thành Giê-ru-sa-lem. Quyền phép của Chúa đã chữa lành họ.

18 Này, có mấy người đã khiêng đến một người đã bị bại liệt trên giường. Họ đã tìm cách đem người vào, để trước Ngài.

19 Họ đã không tìm được cách đem người qua đám đông. Họ đã lên trên nóc nhà, qua mái ngói, đưa người và giường xuống, giữa đám dân đông, trước Đức Chúa Jesus.

20 Khi Ngài đã thấy đức tin của họ, Ngài đã phán với người: Hỡi người, những tội lỗi của ngươi đã được tha cho ngươi!

21 Những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si đã bắt đầu bàn luận rằng: Người này là ai mà nói phạm thượng? Ai có thể tha thứ những tội lỗi, ngoại trừ chỉ Đức Chúa Trời?

22 Nhưng Đức Chúa Jesus nhận biết những ý tưởng của họ. Ngài đã đáp lời, phán với họ: Các ngươi nghị luận gì trong lòng của các ngươi?

23 Điều nào là dễ hơn? Nói: Những tội lỗi của ngươi đã được tha cho ngươi. Hay nói: Hãy trỗi dậy và bước đi!

24 Nhưng để các ngươi biết rằng, Con Người có quyền trên đất, tha thứ những tội lỗi. Ngài đã phán với người bại liệt: Ta bảo ngươi, hãy trỗi dậy, vác giường của ngươi mà đi về nhà của ngươi!

25 Tức thì, người đã trỗi dậy trước họ, vác giường mình đã nằm, đi về nhà của người, tôn vinh Đức Chúa Trời.

26 Sự kinh ngạc đã chiếm lấy mọi người. Họ đã tôn vinh Đức Chúa Trời và đầy sự sợ hãi, nói: Hôm nay, chúng ta đã thấy những việc lạ lùng.

Trong bài này, chúng ta cùng nhau học thêm hai phép lạ Đức Chúa Jesus đã làm ra tại thành Ca-bê-na-um. Phép lạ thứ nhất là chữa lành cho một người bị chứng phong hủi. Phép lạ thứ nhì là chữa lành cho một người bị bại liệt.

Tổng kết từ các phân đoạn Thánh Kinh trên, chúng ta có được các chi tiết về người bị chứng phong hủi được chữa lành, như sau:

  • Khi Ngài đã xuống khỏi núi, có những đoàn dân đông đã theo Ngài. Có một người bị chứng phong hủi đã đến trước Ngài. Người ấy đã quỳ xuống, rồi sấp mặt xuống đất, thờ phượng Ngài, thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.

  • Đức Chúa Jesus đã động lòng thương xót. Ngài đã đưa tay ra, chạm vào người bị chứng phong hủi, và phán: “Ta muốn, hãy sạch đi”.

  • Ngay sau lời phán của Chúa thì sự phong hủi của người ấy đã được sạch. Nói cách khác, người ấy đã được lành bệnh ngay lập tức.

  • Đức Chúa Jesus đã nghiêm khắc, truyền lệnh cho người ấy ra khỏi đó, hãy giữ mình, không được nói với ai, nhưng hãy đi, tỏ mình cho thầy tế lễ; và dâng của lễ về sự tinh sạch, theo như Môi-se đã truyền, để làm chứng cho về sự mình đã hết bệnh phong hủi.

  • Người ấy đã đi nhưng lại không vâng theo lời nghiêm truyền của Chúa mà lại bắt đầu công bố nhiều và đồn rộng sự việc, đến nỗi Ngài không thể công khai vào trong thành, mà ở ngoài, trong các nơi hoang vắng. Dù vậy, người từ bốn phương đã đến với Ngài để nghe Ngài giảng dạy và chữa lành mọi bệnh tật của họ.

  • Sau đó, Đức Chúa Jesus đã lui vào trong đồng vắng để cầu nguyện.

Ngọn núi được nói đến trong Ma-thi-ơ 8:1 có lẽ là ngọn núi ngày nay được gọi là Núi Phước Hạnh, cách thành Ca-bê-na-um khoảng 6 km, về hướng bắc. Gọi là Núi Phước Hạnh vì theo truyền thuyết thì Đức Chúa Jesus đã giảng một bài giảng dài trên núi, mở đầu bằng sự giảng về các phước hạnh. Các bài giảng trên núi được ghi lại trong Ma-thi-ơ từ 5:1 đến 7:29.

Mặc dù Đức Chúa Jesus dẫn các môn đồ của Ngài lên núi để dạy dỗ họ nhưng có những đoàn dân đông đã theo Ngài lên núi. Họ cũng được nghe những lời Đức Chúa Jesus giảng dạy. Có lẽ sau khi Đức Chúa Jesus giảng xong 16 bài giảng thì đã vào buổi chiều. Ngài cùng các môn đồ xuống núi. Những đoàn dân đông cũng xuống núi, theo Ngài.

Theo Lu-ca 5:12 thì Đức Chúa Jesus đã ở tại “một thành kia”. Nhưng thành Ca-bê-na-um là gần nhất để Chúa cùng các môn đồ ghé lại. Hơn nữa, đó cũng là nơi Chúa tạm trú. Chúng ta có thể hiểu là Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài chưa vào trong thành. Vì những người bị chứng phong hủi không thể vào thành. Họ phải sống, xin ăn bên ngoài thành. Nếu bị bắt gặp vào trong thành thì sẽ bị ném đá chết. Có thể, khi Đức Chúa Jesus vừa đến trước cổng thành thì người bị chứng phong hủi đã chạy đến, ra mắt Chúa.

Mác ghi là người ấy đã quỳ gối trước Chúa. Lu-ca ghi là người ấy đã sấp mặt trước Chúa, tức là sấp mình, nằm dài ra đất. Ma-thi-ơ ghi là người ấy đã thờ phượng Chúa. Hành động quỳ gối và sấp mặt trước Chúa chính là hành động thờ phượng Chúa. Chúng ta có thể hiểu rằng, trong thực tế, người bị chứng phong hủi đã thờ phượng Đức Chúa Jesus, qua sự quỳ gối, rồi sấp mình trước mặt Ngài. Ma-thi-ơ gọi chung sự quỳ gối và sự sấp mình là sự thờ phượng. Mác chỉ ghi sự quỳ gối, trong khi Lu-ca chỉ ghi sự sấp mình. Chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi người ghi chép sự việc theo lời kể của các nhân chứng. Và mỗi nhân chứng có thể thuật lại các chi tiết khác nhau. Người thì bỏ qua chi tiết này, người thì bỏ qua chi tiết kia, người thì tường thuật đủ các chi tiết. Vì thế, cả ba sự ghi chép đều đúng.

Ma-thi-ơ và Mác đều ghi là “một người phong hủi” còn Lu-ca thì ghi rõ là “một người đàn ông đầy phong hủi”. Đầy phong hủi có nghĩa là đã bị bệnh vào giai đoạn thứ nhì, bị nổi u toàn thân.

Lời kêu xin của người bị chứng phong hủi được Ma-thi-ơ và Lu-ca ghi giống nhau: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.” Riêng Mác thì không ghi chữ “Lạy Chúa”.

Ma-thi-ơ và Lu-ca cùng ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus đã đưa tay ra, chạm vào người phong hủi và phán: “Ta muốn, hãy sạch đi!” Trong khi đó, Mác cũng ghi lại cùng một lời phán, nhưng có viết thêm: “Đức Chúa Jesus đã động lòng thương xót”.

Kết quả là người phong hủi lập tức được chữa lành. Ma-thi-ơ đã ghi: “Tức thì, sự phong hủi của người đã được sạch.” Lu-ca đã ghi: “Tức thì, chứng phong hủi đã ra khỏi người.” Còn Mác thì tổng kết cả hai: “lập tức, chứng phong hủi ra khỏi người và người đã được sạch.” Một lần nữa, chúng ta thấy rõ, sự ghi chép của Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca dựa trên lời tường thuật của các nhân chứng khác nhau.

Ma-thi-ơ và Lu-ca ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus đã truyền cho người lành bệnh phong hủi không được thuật lại cho ai nghe, về sự ông được Chúa chữa lành. Ngài nhắc ông hãy đi ra mắt thầy tế lễ và dâng của lễ theo sự quy định của luật pháp về người được lành bệnh phong hủi (Lê-vi Ký 14:1-32). Nhưng Mác đã ghi thêm chi tiết sau: “Ngài đã nghiêm truyền cho người, lập tức, sai người đi khỏi.” Qua đó, chúng ta biết, Chúa đã truyền cho người ấy một cách nghiêm khắc. Ngài muốn người ấy ra khỏi đó, nghĩa là không được đi theo Ngài.

Cũng chính Mác đã ghi lại sự kiện người được lành bệnh phong hủi đã không vâng lời Chúa cách trọn vẹn. Người ấy đã đi khỏi đó nhưng lại lan truyền sự Chúa chữa lành cho người ấy. Tiếng đồn lan rộng, số người từ các nơi nghe tiếng đồn kéo đến với Chúa càng lúc càng đông. Đến nỗi Ngài đã không thể vào trong thành, vì trong thành không có chỗ để chứa những đoàn dân đông như vậy. Ngài đành ở bên ngoài thành, trong đồng vắng. Ma-thi-ơ và Lu-ca không ghi lại chi tiết người lành bệnh phong hủi không vâng lời Chúa. Riêng Lu-ca thì có ghi lại sự việc tiếng đồn về Chúa đã lan rộng càng hơn. Có những đoàn dân đông đã nhóm lại để nghe Ngài giảng dạy và được Ngài chữa lành khỏi những bệnh tật.

Chúng ta hãy suy nghĩ về sự không vâng lời của người lành bệnh phong hủi. Có lẽ người ấy vốn là cư dân của Ca-bê-na-um. Khi bị phong hủi thì bị đuổi ra khỏi thành. Nhưng người ấy vẫn sống trong khu vực đồng vắng gần thành, vừa có thể xin bố thí từ những khách ra vào thành, vừa có thể nhận thức ăn từ người nhà đang sống trong thành. Rất có thể người ấy không cố ý không vâng lời Chúa. Nhưng khi người ấy đi vào trong thành, nhiều người đã nhận ra người ấy không còn bệnh phung nên hỏi thăm. Người ấy không thể nói dối nên đã thú nhận mình đã được Đức Chúa Jesus chữa lành. Cũng có thể sự vui mừng được chữa lành quá lớn đã khiến cho người ấy phải lớn tiếng công bố sự mình được chữa lành. Dù là vì nguyên cớ nào thì điều quan trọng là người ấy đã không vâng lời Chúa. Đây là điểm đáng cho chúng ta suy ngẫm. Chúng ta có thể vì bất cứ một điều gì, cho dù có vẻ như hợp tình hợp lý, mà không vâng lời phán truyền của Chúa hay không?

Thêm một điều để chúng ta suy nghĩ nữa, là tại sao Chúa nghiêm truyền cho người ấy đừng nói với ai về sự được chữa lành của mình mà chỉ đi tỏ mình với thầy tế lễ và làm tròn nghi thức tẩy uế theo luật định. Rất có thể Chúa không muốn Ngài được biết đến chỉ như một người làm phép lạ chữa bệnh. Ngài muốn người ta tìm đến Ngài để được nghe giảng Tin Lành, tin nhận Tin Lành, và được cứu rỗi. Có nhiều lần Chúa truyền cho người được Ngài chữa lành đừng nói ra sự họ được Ngài chữa lành (Ma-thi-ơ 9:30; 12:16; Mác 5:43; 7:36). Chúng tôi nghĩ rằng, các trường hợp đó cũng đều cùng một lý do nói trên.

Chứng phong hủi, thường gọi là “bệnh cùi”, là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn cùi (Mycobacterium leprae) gây ra. Vi khuẩn cùi còn được gọi là vi khuẩn Hansen để vinh danh nhà nghiên cứu Armauer Hansen, người đã phát hiện vi khuẩn cùi vào năm 1873. Chứng phong hủi lây lan từ người sang người do tiếp xúc với người bệnh, và đặc biệt là qua các hạt nước bọt tiết ra từ mũi hoặc miệng của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện. Mỗi lần như vậy, có thể đến hàng trăm triệu vi khuẩn cùi bay ra, lan trong không khí. Vi khuẩn cùi có thể sống bên ngoài cơ thể người lâu đến hai tuần, nhất là trong môi trường ẩm ướt.

Vi khuẩn cùi có thể xâm nhập qua da và niêm mạc. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương trên da. Sau khi vào cơ thể, chúng phát triển và gây nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh là từ năm đến 20 năm. Vi khuẩn cùi tấn công mô cơ và dây thần kinh, gây ra các triệu chứng như mất cảm giác và bại liệt. Chứng phong hủi làm cho biến dạng hình thể người bệnh, có thể dẫn đến đui mắt, sứt mũi, u bướu trên toàn thân, rụng các ngón tay và các ngón chân.

Trước đây, bệnh phong hủi bị xem là không thể trị. Nhưng từ năm 1941 thì kháng sinh điều trị bệnh đã được các nhà khoa học Mỹ tìm ra, giúp cho việc trị bệnh phong hủi có hiệu quả. Từ những năm 1980, chiến dịch xóa bỏ bệnh phong hủi toàn cầu đã được thực hiện. Nhờ sự phát triển của phác đồ điều trị và các nỗ lực toàn cầu, bệnh phong hủi đã được điều trị hữu hiệu, và số người mắc bệnh đã giảm đáng kể. Riêng tại Việt Nam, từ năm 2000, bệnh phong hủi đã nằm trong sự kiểm soát của cơ quan y tế, hạn chế được sự lây lan và đạt hiệu quả cao trong sự chữa lành người bị bệnh.

Chứng phong hủi được Thánh Kinh dùng tiêu biểu cho sự tội lỗi làm băng hoại loài người. Sự chữa lành chứng phong hủi tiêu biểu cho sự Đấng Christ làm cho tội nhân được sạch tội. Vì mọi người đều đã phạm tội, bị mang án phạt hư mất đời đời nên ai nấy cần đến với Chúa và xin Ngài làm cho mình sạch tội. Đức Chúa Jesus luôn động lòng thương xót những ai tìm cầu sự cứu rỗi nơi Ngài. Ngài sẽ đưa tay ra, tiếp nhận họ, làm cho họ sạch tội để họ được Đức Chúa Trời nhận làm con cái của Ngài và ban cho họ sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

Theo Lu-ca thì Đức Chúa Jesus đã chữa lành những người có bệnh trong những đám dân đông đến với Ngài, bên ngoài thành Ca-bê-na-um. Sau đó, Chúa đã rời khỏi họ, vào sâu trong đồng vắng để cầu nguyện. Có thể Chúa đã sai các môn đồ vào thành trước Ngài, còn Ngài một mình vào trong đồng vắng để tương giao với Đức Chúa Trời.

Tổng kết từ các phân đoạn Thánh Kinh trên, chúng ta có được các chi tiết về việc người bị bại liệt được chữa lành, như sau:

  • Sau thời gian biệt riêng để tương giao với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus đã từ một nơi nào đó trên bờ Biển Ga-li-lê, xuống thuyền, đi đến thành Ca-bê-na-um. Thành Ca-bê-na-um được gọi là thành của Ngài, vì sau khi Ngài bị dân chúng thành Na-xa-rét muốn giết Ngài thì Ngài đã cư trú tại đó, không còn cư trú ở Na-xa-rét. Sự kiện chữa lành cho người bị bại liệt cách xa sự kiện Chúa chữa lành người bị chứng phong hủi nhiều ngày. Khi đã vào thành, có lẽ Ngài đã đến nhà của Phi-e-rơ.

  • Dân chúng hay tin Ngài đang ở trong nhà thì kéo đến, đến nỗi trước cửa nhà cũng không còn chỗ đứng. Trong nhà thì có những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo, trong đó có những người chuyên dạy luật, tức dạy về Lời Chúa trong Cựu Ước, đã đến và đang ngồi nghe Ngài giảng. Chúa cũng đã chữa lành nhiều người bệnh có mặt tại đó.

  • Có mấy người đem đến cho Ngài một người bị bại liệt, nằm trên giường, do bốn người khiêng. Khi họ thấy không thể theo cửa, đưa người bệnh vào nhà đến trước Ngài, vì người ta quá đông, họ đã đưa người bệnh lên nóc nhà. Họ đã dỡ mái ngói ngay chỗ Đức Chúa Jesus ngồi, rồi đưa người bệnh nằm trên giường xuống trước mặt Ngài.

  • Khi Đức Chúa Jesus thấy đức tin của họ, Ngài đã phán với người bệnh: “Hỡi con, hãy vững lòng! Những tội lỗi của con đã được tha cho con.” Những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si nghe Chúa phán như vậy thì suy nghĩ trong lòng, rồi bàn tán với nhau: “Người này là ai mà nói phạm thượng? Ai có thể tha thứ những tội lỗi, ngoại trừ chỉ Đức Chúa Trời?”

  • Lập tức, trong thần trí, Đức Chúa Jesus biết các ý tưởng của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo nên Ngài đã phán: “Vì sao các ngươi nghĩ ác trong lòng của các ngươi? Vì điều nào dễ hơn? Nói: Những tội lỗi đã được tha cho ngươi. Hay là nói: Hãy trỗi dậy và bước đi! Nhưng để các ngươi biết rằng, Con Người có quyền trên đất, tha thứ những tội lỗi.”

  • Tiếp theo đó, Đức Chúa Jesus phán với người bị bại liệt: “Hãy trỗi dậy, vác giường của ngươi mà đi về nhà của ngươi!” Lập tức người bị bại liệt đã đứng dậy, vác giường, đi về nhà, tôn vinh Đức Chúa Trời.

  • Dân chúng chứng kiến sự chữa lành đã kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời. Trong lòng họ kính sợ Đức Chúa Trời. Họ nói: “Chúng tôi chưa hề thấy như vậy”. Và họ cũng nói với nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.

Một lần nữa, chúng ta thấy, cùng một sự kiện được ba người ghi chép nhưng có các chi tiết khác nhau. Tuy nhiên, các chi tiết ấy không mâu thuẫn nhau mà bổ sung nhau, giúp cho chúng ta có một bản tường trình đầy đủ hơn.

Ma-thi-ơ ghi lại chi tiết Đức Chúa Jesus đi thuyền, vượt biển để về lại thành của mình. Chúng ta hiểu là sau mấy ngày biệt riêng mình để cầu nguyện với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus đã từ trong một đồng vắng nào đó, bên bờ Biển Ga-li-lê, đi thuyền về lại Ca-bê-na-um. Chúng ta biết đó là thành Ca-bê-na-um, vì Ma-thi-ơ gọi đó là thành của Ngài và Mác gọi đích danh thành Ca-bê-na-um.

Mác ghi rằng, “vài ngày sau”, có nghĩa là vài ngày sau khi Đức Chúa Jesus đã chữa lành người bệnh phong hủi. Lu-ca ghi rằng, “trong một ngày”. Còn Ma-thi-ơ thì không ghi rõ thời gian xảy ra sự việc, không ghi lại nơi xảy ra sự việc, không ghi lại có đám dân đông kéo đến, vây kín nhà, và trong nhà có mặt những người Pha-ri-si, những thầy thông giáo. Trong khi đó, Mác và Lu-ca đều ghi chi tiết Đức Chúa Jesus đang ở trong nhà giảng cho đám dân đông. Mác dùng cách nói “giảng Đạo”. Chữ “Đạo” trong nguyên ngữ Hy-lạp là chữ “lời” (G3056) có mạo từ xác định (G3588), mà Sứ Đồ Giăng dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Hai, được dịch sang tiếng Việt là “Ngôi Lời”. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, chúng tôi dịch là “Đạo” với ý nghĩa: đạo lý, đường lối, hoặc Lời của Đức Chúa Trời.

Lu-ca ghi thêm một chi tiết là những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật đến từ các làng của Ga-li-lê, Giu-đê, và thành Giê-ru-sa-lem. Lu-ca dùng danh từ “thầy dạy luật” (G3547), lẫn danh từ “thầy thông giáo” (G1122) có lẽ là vì những thầy thông giáo đó không phải là những người chuyên sao chép Thánh Kinh mà là những người chuyên dạy về Thánh Kinh. Danh từ “thầy thông giáo” được dùng để gọi chung hai loại người này. Những người chuyên về việc sao chép Thánh Kinh cũng có khả năng giải thích Thánh Kinh nhưng họ không chuyên về việc giảng dạy Thánh Kinh. Danh từ “thầy dạy luật” tương đương với danh từ “giáo sư tiến sĩ Thần học” ngày nay.

Lu-ca còn ghi rằng: “Quyền phép của Chúa đã chữa lành họ”. Đại danh từ “họ” được hiểu là chỉ chung về đám đông, bao gồm những người bình dân lẫn những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật. Sự chữa lành ở đây bao gồm sự chữa lành bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm linh. Chúng ta không biết là trong số những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật có ai được chữa lành hay không. Nhưng chắc chắn là trong đám đông dân chúng có nhiều người được chữa lành. Câu “Quyền phép của Chúa đã chữa lành họ” cũng có thể được hiểu là tất cả những ai có bệnh trong thân thể xác thịt, khi đến đó nghe Đức Chúa Jesus thì bỗng nhiên được lành bệnh mà không cần Đức Chúa Jesus lên tiếng phán chữa lành. Điều đó cũng có nghĩa là mọi tội của những người ấy đã được tha, tức là họ đã được chữa lành tâm linh trước khi được chữa lành thể xác, như được tiêu biểu bởi sự chữa lành người bị bại liệt.

Chúng ta không biết chắc là Đức Chúa Jesus đã ở trong nhà nào nhưng có lẽ Ngài đã ở trọ trong nhà của Phi-e-rơ. Khi câu chuyện mà chúng ta đang học xảy ra thì có lẽ Đức Chúa Jesus đã giảng dạy vài ngày tại nhà nên những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật mới nghe tin mà tìm đến. Chúng ta cũng có thể hình tưởng ra sự kiện, trước đó, họ không thể vào được trong nhà, vì có quá đông người đã đến trước họ. Nên họ đã cùng nhau qua đêm, trước cửa nhà, để sáng hôm sau họ có thể vào được trong nhà.

Khi người nhà, bạn bè, hàng xóm của người bị bại liệt khiêng người ấy đến để xin Chúa chữa lành thì đã không thể nào đưa được người ấy vào trong nhà. Vì những người đứng trước cửa đã không nhường chỗ. Ngược lại, khi người ấy đã được chữa lành, vâng lời Chúa, đứng dậy, vác giường, đi về nhà thì đám đông đã tránh ra để nhường lối. Những người khiêng người bị bại liệt đã chật vật đưa người ấy cùng với chiếc giường lên mái nhà. Từ trên mái nhà, họ đã dùng dây, dòng nguyên chiếc giường có người bệnh nằm trên đó, xuống giữa đám đông trong nhà, trước mặt Đức Chúa Jesus. Chữ “giường” (G2826) được dùng ở đây là một danh từ để chỉ một chiếc giường nhỏ hoặc bất cứ một phương tiện nhỏ nào mà người ta có thể nằm lên, như cáng tải thương. Có thể chiếc giường trong câu chuyện này chỉ là một cái cáng dùng để khiêng người bệnh.

Người bị bệnh đương nhiên có đức tin mình sẽ được Đức Chúa Jesus chữa lành nhưng chính những người giúp khiêng người ấy đến với Chúa cũng có đức tin như vậy. Cả Ma-thi-ơ, Mác, lẫn Lu-ca đều ghi rõ: “Đức Chúa Jesus thấy đức tin của họ”. Đức tin của họ được thể hiện cách mạnh mẽ bằng hành động. Khi gặp trở ngại họ vẫn tìm cách vượt qua. Chúng ta có thể hiểu rằng: Đức tin chân thật có năng lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được điều đã tin. Điều đó cũng giúp cho chúng ta hiểu sâu thêm ý nghĩa của lẽ thật này: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Rô-ma 1:17; Ga-la-ti 3:11; Hê-bơ-rơ 10:38). Chúng tôi muốn tạm dừng ở đây để hỏi quý ông bà anh chị em rằng: Quý ông bà anh chị em có đức tin thật về sự đến của Đấng Christ để đem quý ông bà anh chị em vào thiên đàng hay không? Thánh Kinh gọi đó là “sự trông cậy hạnh phúc” (Tít 2:13). Bởi đức tin chân thật đó, quý ông bà anh chị em đã vượt qua những khó khăn, thử thách nào trong cuộc sống? Có khi nào, ngay chính những người cùng tin Chúa lại là chướng ngại khiến cho quý ông bà anh chị em không thể đến gần Chúa? Nếu có, quý ông bà anh chị em đã bởi đức tin, phấn đấu như thế nào? Chúng tôi cầu xin Chúa giúp cho bài học về gương đức tin trong câu chuyện này sẽ được ghi nhớ mãi, trong tâm trí của quý ông bà anh chị em.

Ma-thi-ơ và Mác đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus dùng danh từ “con” (G5043) để gọi người bị bại liệt, còn Lu-ca thì dùng danh từ “người” (G444). Rất có thể người bị bại liệt là một thanh niên. Lời phán đầy đủ của Đức Chúa Jesus được Ma-thi-ơ ghi lại: “Hỡi con, hãy vững lòng! Những tội lỗi của con đã được tha cho con”. Động từ “vững lòng” (G2293) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh cũng có nghĩa là: vui mừng lên. Qua lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta có thể hiểu rằng, tất cả những trường hợp Chúa chữa lành bệnh tật trong thân thể xác thịt của một người thì trước đó, Ngài đã chữa lành tâm linh của họ, bằng sự tha thứ những tội lỗi của họ. Điều đó cũng chứng tỏ, ân điển cứu rỗi là ơn ban cho cách nhưng không. Người ta không cần phải làm gì ngoài việc tin nhận. Sự Đức Chúa Jesus có quyền tha thứ tội lỗi của loài người chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.

Khi những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo, cụ thể là những thầy dạy luật, nghe Đức Chúa Jesus phán với người bị bại liệt như vậy thì họ rất là ngạc nhiên. Trước hết, họ suy nghĩ trong lòng, sau đó, họ bàn tán với nhau, có lẽ là thì thầm chứ không lớn tiếng: “Người này là ai mà nói phạm thượng? Ai có thể tha thứ những tội lỗi, ngoại trừ chỉ Đức Chúa Trời?” Từ xa xưa, người I-sơ-ra-ên biết và tin rằng, chỉ có Thiên Chúa, cụ thể là Đức Chúa Trời, mới có quyền tha tội, vì loài người phạm tội là phạm tội nghịch lại Thiên Chúa, khi họ vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Ai dám xưng mình tha tội cho người khác là phạm thượng, có thể bị ném đá chết, theo luật của Do-thái Giáo. Vì thế, lời phán của Đức Chúa Jesus có thể ví như là tiếng sét đánh ngang tai của những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật, đặc biệt là những thầy dạy luật. Phản ứng tự nhiên là trong lòng họ nổi lên thắc mắc. Có lẽ, sau đó, họ đã người này đưa mắt nhìn người kia, rồi xì xào, bàn luận với nhau.

Ma-thi-ơ và Lu-ca viết: Đức Chúa Jesus biết những ý tưởng của họ, nhưng Mác viết rõ hơn: “Lập tức, Đức Chúa Jesus nhận biết trong thần trí của Ngài rằng, họ đã lý luận như vậy trong vòng họ”. Ma-thi-ơ ghi lại chi tiết lời phán của Chúa: “Vì sao các ngươi nghĩ ác trong lòng của các ngươi? Vì điều nào dễ hơn? Nói: những tội lỗi đã được tha cho ngươi. Hay là nói: Hãy trỗi dậy và bước đi! Nhưng để các ngươi biết rằng, Con Người có quyền trên đất, tha thứ những tội lỗi.”

Đức Chúa Jesus không nói sự hiểu của họ về việc chỉ Đức Chúa Trời là Đấng có quyền tha tội là sự nghĩ ác. Mà họ nghĩ ác khi cho rằng, Đức Chúa Jesus đã phạm thượng. Dù sự suy nghĩ cho rằng Đức Chúa Jesus là phạm thượng hợp lý theo sự hiểu biết của họ về Thánh Kinh và vì họ không biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, nhưng nó vẫn là sự nghĩ ác. Vì nghĩ như vậy là xúc phạm Đức Chúa Jesus. Chúng ta thật phải cẩn thận trong sự suy nghĩ và nói của mình. Nếu không, có khi chúng ta nghĩ ác, nói ác về Chúa mà chúng ta không biết. Thí dụ, người nghĩ hay nói rằng: “Sao những người không tin Chúa lại được giàu có, sung sướng hơn tôi”, là người ấy đã nghĩ ác, cho rằng, Chúa bất công, Chúa không thành tín, Chúa không có quyền năng, Chúa không quan phòng người ấy.

Giữa hai câu nói: “Những tội lỗi đã được tha cho ngươi” và: “Hãy trỗi dậy và bước đi” thì đương nhiên câu nói: “Hãy trỗi dậy và bước đi” là dễ nói hơn. Vì Chúa đã chữa lành cho không biết bao nhiêu người. Còn câu nói: “Những tội lỗi đã được tha cho ngươi” là khó nói. Vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền nói câu ấy. Nhưng để cho cả loài người biết rằng, con người xác thịt Jesus có quyền tha tội, vì chính Ngài cũng là Thiên Chúa, nên Đức Chúa Jesus đã phán lời tha tội. Đây là sự Đức Chúa Jesus khẳng định và thể hiện Ngài là Thiên Chúa.

Sau khi quở trách những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật, Đức Chúa Jesus đã phán với người bị bại liệt: “Hãy trỗi dậy, vác giường của ngươi mà đi về nhà của ngươi!” Lập tức, người bị bại liệt đã đứng dậy, vác giường, đi về nhà, vừa đi vừa tôn vinh Đức Chúa Trời. Dân chúng đứng trước cửa nhà đã tránh đường cho người ấy đi.

Trước phép lạ Đức Chúa Jesus chữa lành người bị bại liệt, sau khi tuyên bố tha tội cho người ấy, những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật đã không thể phản bác lời khẳng định của Đức Chúa Jesus, rằng trên đất, Ngài là Đấng có quyền tha tội cho loài người. Hàm ý, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người. Về sau, sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh, Ngài đã ban cho Hội Thánh quyền tha tội và quyền buộc tội (Giăng 20:23). Điều đó chứng tỏ Hội Thánh được hiệp một với Đấng Christ. Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Ngài, hành động trên đất theo thánh ý của Đức Chúa Trời.

Trong tất cả các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa ngày nay, người ta xưng mình là Hội Thánh của Chúa nhưng hành động của họ là theo ý muốn của một nhóm người trong giáo hội, không phải theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì những việc làm của họ nghịch lại Thánh Kinh. Họ đặt ra những điều răn, giáo lý, nghi thức, luật lệ không đúng Lời Chúa. Họ gọi Đức Chúa Jesus là “người chăn” nhưng tự xưng mình là “thầy chăn” (mục sư), tự xưng mình là “bậc đáng tôn kính” (reverend). Thánh Kinh chỉ một lần dùng danh từ này để gọi danh của Thiên Chúa là “đáng tôn kính” (H3372), (Thi Thiên 111:9). Khi họ tự xưng mình là đáng tôn kính thì họ đã ngang nhiên nâng mình lên cao bằng danh Chúa. Họ cũng ngang nhiên dùng quỷ biện để chối bỏ điều răn của Đức Chúa Trời. Điều rõ ràng hơn hết là họ sống trong tội. Đời sống của họ tỏ ra trái của những kẻ sống trong tội: kiêu ngạo, tự ái không đúng, tham lam, tà dâm, dối trá…

Khi dân chúng thấy người bị bại liệt được chữa lành, sau khi Đức Chúa Jesus phán lời công bố sự tha tội cho người ấy thì họ đã kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời. Đấng Thần Linh đã tác động trong lòng họ, khiến họ có sự kính sợ Đức Chúa Trời và miệng họ nói lên những lời tôn vinh Ngài. Họ khẳng định, chưa bao giờ họ thấy việc lạ lùng như vậy. Việc lạ lùng không phải chỉ là sự người bị bại liệt được chữa lành mà còn là những ai có bệnh trong số họ cũng được chữa lành, và lời công bố sự tha tội của Đức Chúa Jesus.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/08/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Jesus Là Chúa Bình An”
https://karaokethanhca.net/jesus-la-chua-binh-an/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.