Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ Giới Thiệu Sách Công Vụ Các Sứ Đồ

7,601 views

YouTube: https://youtu.be/OXrXrO9rpKk

40001 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ
Giới Thiệu Sách Công Vụ Các Sứ Đồ

 

 Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Tên Sách

Tên sách trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “Các Hoạt Động”, được dịch diễn ý sang tiếng Việt là “Công Vụ Các Sứ Đồ”.

Danh từ “công vụ” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là: việc làm đem lại ích lợi chung cho xã hội; hoặc là việc làm của viên chức nhà nước. Cả hai ý nghĩa này đều đúng với sự rao giảng Tin Lành của các sứ đồ. Vì sự rao giảng Tin Lành của các sứ đồ đem lại ích lợi chung cho xã hội, và là ích lợi cao nhất, khi sự tin nhận Tin Lành khiến cho người tin được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Các sứ đồ cũng là các viên chức của Vương Quốc Trời, những người làm công việc xây dựng và phát triển vương quốc.

Danh từ “sứ đồ” được dùng để gọi người được Đấng Christ sai đi khắp nơi rao giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương.

Trong thực tế, sách Công Vụ Các Sứ Đồ không ghi lại mục vụ của tất cả các sứ đồ, mà phần lớn là ghi lại mục vụ của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Sứ Đồ Phao-lô.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng có thể được gọi là sách ghi lại mục vụ của Đức Thánh Linh hoặc lịch sử ban đầu của Hội Thánh. Thực tế, sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại lịch sử khoảng 35 năm đầu tiên của Hội Thánh, bao gồm các mục vụ quan trọng, được tiến hành dưới sự tác động của Đức Thánh Linh.

Người Viết

Người viết sách Công Vụ Các Sứ Đồ là Lu-ca. Ông cũng là người viết sách Lu-ca. Tên Lu-ca chỉ được nói đến ba lần trong Thánh Kinh và đều nằm trong các thư do Sứ Đồ Phao-lô viết: Cô-lô-se 4:14; II Ti-mô-thê 4:11; và Phi-lê-môn câu 24.

Tên Lu-ca trong tiếng La-tinh có nghĩa là “sự chiếu sáng”. Lu-ca là người Hy-lạp, có học thức, và thông thạo văn chương Hy-lạp. Hai sách trong Thánh Kinh do ông viết: Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ, là hai sách viết đúng văn phạm Hy-lạp nhất và có giọng văn trau chuốt nhất trong Tân Ước.

Có lẽ không ít người thắc mắc, tại sao Đức Thánh Linh thần cảm cho một số con dân Chúa viết Thánh Kinh và thần cảm cho họ chọn từng từ ngữ để diễn đạt, nhưng lại cho phép phần lớn họ viết văn sai văn phạm và hành văn thiếu trau chuốt. Chúng ta cần hiểu rằng, Đức Thánh Linh thần cảm cho họ các ý tưởng để viết nhưng Ngài để yên cho họ viết theo khả năng viết văn của họ. Chính nhờ thế mà người đọc nhận biết các sách ấy đúng là do các môn đồ của Chúa viết ra.

Lu-ca là một bác sĩ (Cô-lô-se 4:14) và có lẽ là người tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Sứ Đồ Phao-lô. Cũng có thể ông vốn là người theo Do-thái Giáo, có sự hiểu biết về Thánh Kinh Cựu Ước. Lu-ca là một trong các người đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:10-17; 20:5-15; 21:1-18; 27:1-28:16). Ông là người trung thành, theo sát Phao-lô trong hai lần Phao-lô bị tù, dù nhiều người khác đã bỏ rơi Phao-lô khi Phao-lô bị tù tại thành La-mã lần thứ nhì (II Ti-mô-thê 4:11). Đó là lần Phao-lô bị tù, dẫn đến sự Phao-lô bị tử hình, vì ông đã rao giảng Tin Lành trong cơn bách hại Đạo Chúa bởi Hoàng Đế Nê-rô của đế quốc La-mã. Vì Lu-ca là một bác sĩ nên chắc chắn trong suốt các cuộc hành trình của Lu-ca với Phao-lô, ông đã chăm sóc Phao-lô những khi Phao-lô bị bệnh, bị tù, và bị đánh đập.

Quê hương của Lu-ca có lẽ là thành An-ti-ốt xứ Si-ri hoặc thành Phi-líp xứ Ma-xê-đoan. Lu-ca là người ngoại duy nhất được Đức Chúa Trời dùng để viết Thánh Kinh. Ông là người viết hơn 27% Thánh Kinh Tân Ước. Theo một tài liệu được viết vào thế kỷ thứ nhì thì Lu-ca sống độc thân và qua đời lúc 84 tuổi, tại xứ Bi-thi-ni, thuộc miền bắc của Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay [1].

Thời Gian và Nơi Viết

So sánh Lu-ca 1:1-4 và Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1, chúng ta biết sách Công Vụ Các Sứ Đồ được viết sau sách Lu-ca. Chúng ta không biết sách Công Vụ Các Sứ Đồ lẫn sách Lu-ca được bắt đầu viết từ khi nào và tại đâu. Nhưng sách Công Vụ Các Sứ Đồ kết thúc với chi tiết Sứ Đồ Phao-lô ở tại thành Rô-ma trọn hai năm, chờ đợi được hoàng đế La-mã xét xử cho sự kêu nài của ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 28:30). Và như vậy, sách Công Vụ Các Sứ Đồ có thể đã được kết thúc vào mùa xuân năm 63, trước khi Phao-lô được trắng án.

Rất có thể, Lu-ca đã dựa vào các chi tiết trong nhật ký của ông để viết sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng như sách Lu-ca, tại thành Rô-ma, trong khoảng thời gian hai năm Phao-lô bị giam lỏng, chờ ngày được xét xử trước hoàng đế La-mã.

Vào mùa xuân năm 63, Phao-lô được trắng án và tiếp tục mục vụ cho tới khi ông bị chết chém vào khoảng tháng Năm hoặc tháng Sáu năm 68. Nhưng chúng ta không thấy Lu-ca viết gì thêm về mục vụ của Phao-lô, mặc dù vào khoảng thời gian bị tù lần cuối cùng của Phao-lô tại thành Rô-ma vào năm 68, Lu-ca đã ở bên cạnh Phao-lô (II Ti-mô-thê 4:11). Chúng ta không rõ vì lý do gì Lu-ca đã không viết tiếp về Phao-lô trong khoảng thời gian năm năm còn lại trong mục vụ của Phao-lô. Hoặc là Lu-ca có viết tiếp nhưng văn bản đã bị thất lạc.

Khi chúng ta tin rằng, Thánh Kinh do Đức Thánh Linh thần cảm thì chúng ta cũng tin rằng, Đức Chúa Trời đã định sẵn những phần nào trong các bài viết của các con dân Chúa được lưu giữ trong Thánh Kinh. Vì thế, chúng ta tin rằng, toàn bộ 66 sách trong Thánh Kinh như chúng ta đang có là tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn lưu truyền cho con dân của Ngài; và được Ngài công nhận là Lời của Thiên Chúa.

Người Nhận Sách

Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1 thì sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng như sách Lu-ca được Lu-ca viết cho một người tên là Thê-ô-phi-lơ. Tên Thê-ô-phi-lơ có nghĩa là “bạn của Thiên Chúa”. Có lẽ ông là một người Hy-lạp thuộc giới quý tộc, có quen biết lớn với Lu-ca, và là người bảo trợ cho Lu-ca trong việc viết sách. Theo Lu-ca 1:1-4 thì Thê-ô-phi-lơ là một môn đồ của Đấng Christ, đã được học tập về giáo lý của Đấng Christ. Chúng ta không biết gì nhiều về Thê-ô-phi-lơ.

Vì sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng như sách Lu-ca đã được đưa vào Thánh Kinh nên ngoài Thê-ô-phi-lơ, người nhận hai sách này cũng là con dân Chúa trong mọi thời đại.

Chủ Đề

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại sự kiện sau khi Đấng Christ phục sinh, Tin Lành được rao giảng từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến khắp các vùng thuộc đế quốc La-mã thời bấy giờ, đến tận kinh đô của đế quốc là thành Rô-ma; và được rao giảng cho muôn dân. Công Vụ Các Sứ Đồ là những trang sử đầu tiên của Hội Thánh, nhấn mạnh đến sự Hội Thánh được thành lập, sự Đức Thánh Linh giáng lâm trên Hội Thánh, sự ăn năn tội, đức tin, sự báp-tem, sự can đảm và trung tín làm chứng về Đấng Christ, rao truyền Tin Lành trong khi bị bách hại, và sự cầu nguyện kêu cầu sự giải cứu từ Chúa, tôn vinh Chúa trong nghịch cảnh.

Câu Gốc

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và là những chứng nhân cho Ta chẳng những tại Giê-ru-sa-lem, tại cả xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, mà cho đến tận cùng của trái đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8).

Mục Đích

Mục đích thứ nhất của sách Công Vụ Các Sứ Đồ là ghi lại những lời giảng dạy và công việc giảng Tin Lành của các sứ đồ, sau khi Đấng Christ đã thăng thiên.

Có thể nói, sách Lu-ca được viết để ghi lại mục vụ của Đấng Christ khi Ngài ở trên đất; còn sách Công Vụ Các Sứ Đồ được viết để ghi lại mục vụ của Đấng Christ từ trên trời, qua Đức Thánh Linh.

Mục đích thứ nhì của sách Công Vụ Các Sứ Đồ là ghi lại sử liệu về Hội Thánh, từ khi Hội Thánh được thành lập tại Giê-ru-sa-lem trong vòng dân I-sơ-ra-ên cho tới khi phát triển khắp đế quốc La-mã, đến mọi dân tộc.

Có thể nói, sách Công Vụ Các Sứ Đồ giúp cho con dân Chúa hiểu biết về cách thức rao giảng Tin Lành cho muôn dân và cách thức thành lập các Hội Thánh địa phương. Theo đó, con dân Chúa đi từ nơi này đến nơi khác để rao giảng Tin Lành, và khi có người tin nhận Tin Lành thì thành lập Hội Thánh địa phương. Không có chuyện thành lập các giáo hội giáo phái. Không có chuyện khởi xướng phong trào này hay phong trào nọ. Không có chuyện các Hội Thánh địa phương ở dưới quyền một giáo hoàng, một giáo hạt trưởng, một chủ tịch giáo hội, hay bất cứ một giáo quyền trung ương nào. Mỗi Hội Thánh địa phương được trực tiếp cai trị bởi Đấng Christ qua các trưởng lão trong các Hội Thánh tại địa phương.

Mục đích thứ ba của sách Công Vụ Các Sứ Đồ là ghi lại gương chịu khổ của con dân Chúa khi bị thế gian chống đối và bách hại. Con dân Chúa đứng vững trong mọi nghịch cảnh nhờ vững vàng trong đức tin và luôn biết kêu cầu Chúa.

Nội Dung

Nội dung của sách Công Vụ Các Sứ Đồ bao gồm các điểm sau đây:

  • Các môn đồ bắt thăm, cử Ma-thia thay thế chức vụ sứ đồ của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

  • Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

  • Nhiều người tin nhận Tin Lành và được báp-tem vào trong Hội Thánh.

  • Hội Thánh bị bách hại bởi những người theo Do-thái Giáo.

  • Chấp Sự Ê-tiên bị ném đá chết, là người tử Đạo đầu tiên trong Hội Thánh.

  • Sự chết của Ê-tiên đánh dấu sự kiện dân I-sơ-ra-ên từ chối Tin Lành và Tin Lành bắt đầu được giảng ra cho các dân tộc khác.

  • Cơn bách hại của Do-thái Giáo trên Hội Thánh ngày càng khốc liệt, khiến cho con dân Chúa trong Hội Thánh, ngoại trừ các sứ đồ, phải rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem.

  • Đức Chúa Jesus bắt phục Sau-lơ, một người I-sơ-ra-ên, tích cực dự phần trong sự bách hại Hội Thánh, khiến ông trở nên một sứ đồ của Ngài, với tên Phao-lô.

  • Sứ Đồ Phi-e-rơ nhận khải tượng từ Đức Chúa Trời, giảng Tin Lành cho Cọt-nây, một người La-mã và là sĩ quan trong quân đội La-mã, cùng gia đình, người thân, và bạn bè của ông. Cả gia đình Cọt-nây cùng các người thân và bạn bè của ông tin nhận Tin Lành và được báp-tem bằng thánh linh trước Sứ Đồ Phi-e-rơ. Điều ấy xác nhận rằng, Tin Lành Cứu Rỗi là dành cho muôn dân.

  • Hội Thánh giữa vòng dân ngoại được thiết lập tại thành An-ti-ốt. Cũng tại đó, lần đầu tiên những môn đồ của Đấng Christ được gọi bằng danh xưng “Cơ-đốc nhân”.

  • Cuộc hội nghị đầu tiên của Hội Thánh tại thành Giê-ru-sa-lem công nhận sự giảng Tin Lành cho các dân tộc không phải dân I-sơ-ra-ên, và xác định những môn đồ của Đấng Christ không phải dân I-sơ-ra-ên thì không cần vâng giữ các nghi thức của người I-sơ-ra-ên.

  • Các chuyến truyền giáo của Sứ Đồ Phao-lô và các bạn của ông trong khắp đế quốc La-mã cho các dân tộc không phải dân I-sơ-ra-ên.

Bố Cục

I. Các Sự Kiện Trước Ngày Hội Thánh Được Thành Lập (1:1-26)

1. Lời chào viết cho Thê-ô-phi-lơ (1:1-2)

2. Sự phục sinh và sự hiện ra của Đấng Christ trước các môn đồ (1:3)

3. Mệnh lệnh về sự rao giảng Tin Lành (1:4-8)

4. Sự thăng thiên của Đấng Christ (1:9)

5. Lời tiên tri về sự tái lâm của Đấng Christ (1:10-11)

6. Ma-thia được bốc thăm để thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (1:12-26)

II. Hội Thánh Được Thành Lập tại Giê-ru-sa-lem và Tin Lành Được Giảng cho Các Dân Ngoại (2:1-12:25)

1. Hội Thánh được thành lập (2:1-13)

2. Bài giảng đầu tiên của Phi-e-rơ trong ngày Hội Thánh được thành lập (2:14-41)

3. Sự nhóm hiệp của Hội Thánh lúc ban đầu (2:42-47)

4. Phi-e-rơ chữa lành một người què (3:1-10)

5. Bài giảng của Phi-e-rơ tại Đền Thờ (3:11-26)

6. Phi-e-rơ và Giăng trước Tòa Công Luận (4:1-22)

7. Lời cầu nguyện tôn vinh và cảm tạ của Hội Thánh (4:23-31)

8. Sự thông công của Hội Thánh lúc ban đầu (4:32-37)

9. Tội lỗi đầu tiên trong Hội Thánh (5:1-11)

10. Dấu kỳ và phép lạ qua Hội Thánh (5:12-16)

11. Các sứ đồ trước Tòa Công Luận (5:17-42)

12. Sự chọn ra bảy chấp sự (6:1-7)

13. Chấp Sự Ê-tiên trước Tòa Công Luận (6:8-15)

14. Bài giảng của Ê-tiên trước Tòa Công Luận (7:1-53)

15. Sự chết của Ê-tiên (7:54-60)

16. Sau-lơ bách hại Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (8:1-3)

17. Chấp Sự Phi-líp giảng Tin Lành trong xứ Sa-ma-ri (8:4-8)

18. Thuật sĩ Si-môn (8:9-25)

19. Hoạn quan Ê-thi-ô-bi (8:26-40)

20. Sau-lơ gặp Đức Chúa Jesus Christ (9:1-9)

21. Sau-lơ chịu báp-tem và mắt được chữa lành (9:10-19)

22. Bài giảng đầu tiên của Sau-lơ (9:20-31)

23. Phi-e-rơ chữa lành Ê-nê và cứu sống Ta-bi-tha (9:32-43)

24. Khải tượng của Cọt-nây (10:1-8)

25. Khải tượng của Phi-e-rơ (10:9-23)

26. Gia đình Cọt-nây cùng các người thân tín và bạn bè của ông nhận Tin Lành (10:24-48)

27. Phi-e-rơ làm chứng cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem về sự Tin Lành cũng được giảng cho các dân ngoại (11:1-18)

28. Hội Thánh tại An-ti-ốt được thành lập (11:19-30)

29. Gia-cơ bị giết và Phi-e-rơ được thiên sứ cứu khỏi nhà tù (12:1-19)

30. Vua Hê-rốt bị thiên sứ đánh chết (12:20-25)

III. Công Cuộc Truyền Giáo từ An-ti-ốt đến Rô-ma (13:1-28:31)

1. Hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô (13:1-14:28)

a) Đảo Chíp-rơ (13:1-12)

b) Thành An-ti-ốt (13:13-52)

c) Thành I-cô-ni (14:1-7)

d) Thành Lít-trơ (14:8-20)

e) Trở về thành An-ti-ốt (14:21-28)

2. Đại hội đầu tiên của Hội Thánh tại thành Giê-ru-sa-lem (15:1-34)

3. Phao-lô phân rẽ khỏi Ba-na-ba (15:35-41)

4. Hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô (16:1-18:23)

a) Từ thành Đẹt-bơ đến thành Trô-ách (16:1-10)

b) Thành Phi-líp (16:11-40)

c) Thành Tê-sa-lô-ni-ca (17:1-9)

d) Thành Bê-rê (17:10-15)

e) Thành A-thên (17:16-34)

f) Thành Cô-rinh-tô (18:1-23)

5. Nhà Truyền Giáo A-bô-lô (18:24-28)

6. Hành trình truyền giáo lần thứ ba của Phao-lô (19:1-21:14)

a) Thành Ê-phê-sô (19:1-41)

      • Hai năm giảng dạy tại Ê-phê-sô (19:1-12)

      • Bảy người mạo danh Chúa trừ quỷ (19:13-20)

      • Cơn bạo loạn tại thành Ê-phê-sô (19:21-41)

b) Tại xứ Ma-xê-đoan và xứ Hy-lạp (20:1-16)

c) Bài giảng cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô (20:17-38)

d) Thành Ti-rơ (21:1-6)

e) Thành Bê-tô-lê-mai và thành Sê-sa-rê (21:7-14)

7. Phao-lô về lại thành Giê-ru-sa-lem (21:15-26)

8. Phao-lô bị bắt tại thành Giê-ru-sa-lem (21:27-40)

9. Phao-lô giảng cho những người theo Do-thái Giáo (22:1-29)

10. Phao-lô trước Tòa Công Luận (22:30-23:11)

11. Những người theo Do-thái Giáo lập mưu giết Phao-lô (23:12-22)

12. Phao-lô được giải giao đến thành Sê-sa-rê (23:23-35)

13. Phao-lô trước Thống Đốc Phê-lít (24:1-27)

14. Phao-lô trước Thống Đốc Phê-tu (25:1-12)

15. Phao-lô trước Vua Ạc-ríp-ba (25:13-27)

16. Phao-lô giảng cho Vua Ạc-ríp-ba (26:1-32)

17. Phao-lô được giải giao đến thành Rô-ma hoặc hành trình truyền giáo lần thứ tư của Phao-lô (27:1-28:31)

a) Bắt đầu cuộc hải hành đến thành Rô-ma (27:1-13)

b) Bị bão và chìm tàu (27:14-44)

c) Trên đảo Man-tơ (28:1-10)

d) Thành Rô-ma (28:11-31)

Lời Kết

Khi chúng ta xét về cấu trúc của Tân Ước, chúng ta thấy rõ, sách Công Vụ Các Sứ Đồ là gạch nối giữa bốn sách Tin Lành với các thư tín. Bốn sách Tin Lành dạy cho chúng ta biết Tin Lành là gì. Các thư tín dạy cho chúng ta biết, nếp sống mới của người tin nhận Tin Lành phải như thế nào. Nhưng sách Công Vụ Các Sứ Đồ khẳng định sự kiện Hội Thánh được thành lập và giúp cho chúng ta hiểu biết cách thức thi hành mệnh lệnh của Đấng Christ về việc rao giảng Tin Lành. Tất cả được đúc kết bằng lời tiên tri trong sách Khải Huyền về một tương lai đời đời phước hạnh của những ai thuộc về Thiên Chúa.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng giúp cho chúng ta hiểu rõ sự tác động của Đức Thánh Linh trong mỗi con dân Chúa và trong các mục vụ của Hội Thánh.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng chính là sử liệu về những ngày đầu khi nền tảng của Vương Quốc Trời được thiết lập. Đấng Christ là nền tảng của Hội Thánh và Hội Thánh là nền tảng của Vương Quốc Trời. Đấng Christ là đầu của Hội Thánh và Hội Thánh đồng trị Vương Quốc Trời với Đấng Christ.

Cảm tạ Chúa! Chúng ta thật là có phước đặc biệt giữa những người tin kính Thiên Chúa trong mọi thời đại, khi chúng ta được thuộc về Hội Thánh. Chúng ta có phước càng hơn giữa các thánh đồ trong Hội Thánh, khi chúng ta là những người sẽ kinh nghiệm sự biến hóa thân thể xác thịt mà không trải qua sự chết. Cảm tạ Chúa! Ngày phước hạnh ấy không còn xa; có thể là bất kỳ lúc nào và có thể không quá sáu năm, kể từ khi bài giảng này được giảng ra [2].

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/04/2021

Ghi Chú

[1] https://archive.org/details/butlerslivesofsa00butl/page/342/mode/2up

[2] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

Karaoke Thánh Ca: “Nương Nơi Jesus”
https://karaokethanhca.net/nuong-noi-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.