Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL061 Người Đàn Bà Có Tội Được Chúa Tha Thứ

182 views

YouTube: https://youtu.be/hKBr1t6cb9c

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL061 Người Đàn Bà Có Tội Được Chúa Tha Thứ
Lu-ca 7:36-50

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 7:36-50

36 Một trong những người Pha-ri-si mời Ngài ăn với người. Ngài đã đi vào nhà của người Pha-ri-si và ngồi xuống.

37 Kìa, một người đàn bà ở trong thành, vốn là một tội nhân, biết rằng, Ngài đã ngồi ăn trong nhà của người Pha-ri-si, nên đem đến một bình tuyết hoa thạch cao đựng dầu thơm. [Alabastro/alabaster = tuyết hoa thạch cao]

38 Người đã đứng phía sau, nơi chân Ngài, khóc, bắt đầu làm ướt chân Ngài với những giọt nước mắt, rồi lau với tóc của đầu mình. Người đã hôn chân Ngài và xức dầu thơm cho.

39 Người Pha-ri-si đã mời Ngài, thấy vậy, đã tự nói với chính mình rằng: Nếu người này là tiên tri, chắc biết người đàn bà rờ đến mình là ai, loại người nào, vì ấy là một tội nhân.

40 Đức Chúa Jesus đã cất tiếng, phán với người: Hỡi Si-môn! Ta có điều nói với ngươi. Người thưa rằng: Thưa Thầy, xin nói.

41 Một chủ nợ kia có hai người thiếu nợ: một người thiếu năm trăm đơ-ni-ê, còn người kia thiếu năm chục.

42 Họ không có gì để trả. Người đã tha nợ cả hai. Vậy, hãy nói! Ai trong họ yêu người hơn?

43 Si-môn đã cất tiếng, thưa: Tôi nghĩ rằng, ai mà người đã tha nợ nhiều hơn. Ngài đã phán với người: Ngươi đã phán đoán đúng.

44 Kế đó, Ngài xoay qua người đàn bà và phán với Si-môn: Ngươi thấy người đàn bà này không? Ta đã vào trong nhà của ngươi, ngươi không cho nước cho chân Ta; nhưng người đã thấm ướt chân Ta với những giọt nước mắt, rồi lau với tóc của đầu mình.

45 Ngươi không cho Ta nụ hôn; nhưng người này, từ khi Ta đã đi vào, đã không ngừng hôn chân Ta.

46 Ngươi không xức dầu đầu Ta; nhưng người này đã xức chân Ta với dầu thơm.

47 Vậy nên, Ta nói với ngươi, nhiều tội lỗi của người đã được tha, vì người đã yêu nhiều; nhưng ai được tha ít thì yêu ít.

48 Ngài đã phán với bà: Những tội lỗi của ngươi đã được tha.

49 Những người ngồi ăn chung đã bắt đầu tự nói với chính mình: Người này là ai, mà cũng tha tội?

50 Ngài đã phán với người đàn bà: Đức tin của ngươi đã cứu ngươi. Hãy đi trong sự bình an!

Trong Thánh Kinh có bốn chỗ ghi lại sự kiện một người đàn bà xức dầu cho Đức Chúa Jesus. Giăng 12:1-8 ghi lại sự kiện Ma-ri, em của La-xa-rơ, đã lấy dầu thơm xức chân cho Đức Chúa Jesus, khi Ngài đang ngồi ăn trong nhà của bà, tại làng Bê-tha-ni. Sự kiện này đã xảy ra sáu ngày trước kỳ Lễ Vượt Qua mà Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Ma-thi-ơ 26:6-13 và Mác 14:3-9 cùng ghi lại sự kiện một người đàn bà đã rưới dầu thơm trên đầu Đức Chúa Jesus, khi Ngài đang ngồi tại bàn ăn, trong nhà một người bị phong hủi tên là Si-môn, tại làng Bê-tha-ni. Sự kiện này xảy ra hai ngày trước kỳ Lễ Vượt Qua mà Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Còn Lu-ca 7:36-50 thì ghi lại sự kiện một người đàn bà vốn có tội, xức chân Đức Chúa Jesus bằng nước mắt và dầu thơm, khi Ngài đang ngồi ăn trong nhà của một người Pha-ri-si tên là Si-môn. Lu-ca không nói rõ thời gian và địa điểm. Rất có thể câu chuyện do Lu-ca ghi lại đã xảy ra tại thành Ca-bê-na-um, sau khi Đức Chúa Jesus đã hồi đáp Giăng Báp-tít, qua hai môn đồ của ông. Điều chắc chắn là người đàn bà trong câu chuyện do Lu-ca ghi lại khác với người đàn bà trong câu chuyện do Ma-thi-ơ và Mác ghi lại. Và bà cũng không phải là Ma-ri, em của La-xa-rơ.

Thánh Kinh không gọi Ma-ri, em của La-xa-rơ, và người đàn bà được nói đến trong câu chuyện do Ma-thi-ơ và Mác ghi lại, vốn là một tội nhân.

Xưởng làm bình bằng tuyết hoa thạch cao tại Ý [1]
Tải xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2024/03/Alabastro.jpg

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong phân đoạn này.

36 Một trong những người Pha-ri-si mời Ngài ăn với người. Ngài đã đi vào nhà của người Pha-ri-si và ngồi xuống.

37 Kìa, một người đàn bà ở trong thành, vốn là một tội nhân, biết rằng, Ngài đã ngồi ăn trong nhà của người Pha-ri-si, nên đem đến một bình tuyết hoa thạch cao đựng dầu thơm. [Alabastro/alabaster = tuyết hoa thạch cao]

Minh họa cách ngồi nghiêng người tựa bàn ăn
Tải xuống:
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2024/03/RecliningAtTheTable.jpg

Trong số những người đi theo Đức Chúa Jesus để nghe Ngài giảng dạy và xem Ngài làm phép lạ có nhiều người Pha-ri-si. Một số đi theo để tìm cách bắt lỗi Ngài nhưng cũng có một số đi theo vì họ đã tin Ngài. Một trong số những người Pha-ri-si tin Ngài đã mời Ngài đến nhà để dùng bữa. Ngài đã nhận lời mời, đi đến nhà của ông và ngồi xuống bên bàn ăn. Động từ “ngồi” (G347) trong câu này được dùng để chỉ sự ngồi nghiêng người vào bàn ăn, theo thói quen của dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ.

Rất có thể nhà của người Pha-ri-si mời Chúa dùng bữa là ở trong thành Ca-bê-na-um. Đó cũng là thành mà Đức Chúa Jesus cư trú, sau khi Ngài từ bỏ nơi cư trú của Ngài ở Na-xa-rét.

Người đàn bà trong câu chuyện có lẽ đã có mặt trong những lần Đức Chúa Jesus giảng dạy, tại thành Ca-bê-na-um và các vùng lân cận. Tận mắt bà đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Thậm chí, cũng có thể bà là một trong những người đã được Ngài chữa lành bệnh. Bà đã tin Chúa và biết ơn Ngài. Vì thế, khi nghe tin Chúa đang đi đến nhà của người Pha-ri-si để dự bữa thì bà đã đến, và đem theo dầu thơm để xức cho Ngài.

Lu-ca ghi rằng, bà vốn là một tội nhân. Có lẽ vì bà vốn là một gái điếm trong thành mà hầu hết dân trong thành đều biết. Người chủ nhà mời Đức Chúa Jesus dự bữa cũng biết. Điều đáng ngạc nhiên là ông cho bà bước vào nhà. Có thể khuôn mặt đầy cảm xúc của bà với bình dầu thơm trên tay, hướng về phía Đức Chúa Jesus, bước tới, đã khiến cho ông im lặng, chờ đợi xem bà sẽ làm gì và Chúa sẽ phán gì.

Một vài nhà giải kinh cho rằng, cách viết “vốn là một tội nhân” hàm ý, người đàn bà trong câu chuyện là một người thuộc dân ngoại. Vì dân I-sơ-ra-ên thường gọi người dân ngoại là “kẻ có tội”. Như cách dùng trong Ga-la-ti 2:15.

Chúng ta tự nhiên là người Do-thái, không phải là những kẻ có tội trong các dân ngoại,”

Tuy nhiên, nếu bà là người dân ngoại thì không thể nào được bước vào nhà của một người I-sơ-ra-ên, và nhất là nhà của một người Pha-ri-si. Dân Do-thái không cho phép bất cứ một người dân ngoại nào bước vào nhà của họ và họ cũng không ngồi ăn chung với dân ngoại.

Tuyết hoa thạch cao (G211) là một loại đá mềm, màu trắng, đôi khi có vân, và ánh sáng có thể chiếu qua lớp đá mỏng. Loại đá này thường được dùng để điêu khắc hình tượng nhưng cũng thường được chạm thành bình hoặc thành hộp, đựng các loại dầu thơm hoặc nữ trang.

Dầu thơm” (G3464) được nói đến trong câu này có lẽ là chất một dược pha với dầu ô-li-ve. Một dược là chất nhựa thơm lấy từ một loài cây nhỏ, có gai, và bào chế thành dầu thơm, hương đốt, và dược phẩm. Đây là một thứ hương liệu rất cao giá. Loại dầu một dược thường được xức trên người, trên quần áo, chăn nệm như được diễn tả trong Thi Thiên 45:8; Châm Ngôn 7:17; Nhã Ca 5:5.

38 Người đã đứng phía sau, nơi chân Ngài, khóc, bắt đầu làm ướt chân Ngài với những giọt nước mắt, rồi lau với tóc của đầu mình. Người đã hôn chân Ngài và xức dầu thơm cho.

Nhìn vào hình minh họa trên đây, chúng ta sẽ dễ hiểu, người đàn bà đã đứng phía sau, nơi chân Chúa như thế nào. Lòng biết ơn Chúa và yêu kính Chúa đã khiến cho bà khóc và những giọt nước mắt đã rơi xuống, làm ướt chân Chúa. Bà đã dùng mái tóc của mình để lau chân Chúa. Bà đã hôn chân Chúa, rồi xức dầu thơm lên chân Ngài.

Có lẽ trong suốt Thánh Kinh, đây là một hình ảnh thờ phượng Chúa đẹp nhất và gợi nhiều cảm xúc nhất.

Điều này khiến cho chúng ta nhìn lại chính mình, xét xem, có khi nào lòng mình biết ơn và yêu Đức Chúa Jesus cách mãnh liệt như vậy? Tình yêu mãnh liệt dành cho Đức Chúa Jesus sẽ khiến cho chúng ta dâng lên Chúa những gì quý nhất của mình. Sẽ khiến cho chúng ta không thể nào phạm tội để đóng đinh Chúa thêm lần nữa. Sẽ khiến cho chúng ta sốt sắng rao truyền danh Chúa cho nhiều người. Và điều quan trọng là sẽ khiến cho chúng ta luôn vui thỏa, bình an trong Ngài.

39 Người Pha-ri-si đã mời Ngài, thấy vậy, đã tự nói với chính mình rằng: Nếu người này là tiên tri, chắc biết người đàn bà rờ đến mình là ai, loại người nào, vì ấy là một tội nhân.

40 Đức Chúa Jesus đã cất tiếng, phán với người: Hỡi Si-môn! Ta có điều nói với ngươi. Người thưa rằng: Thưa Thầy, xin nói.

Người chủ nhà vốn biết rõ về người đàn bà, khi chứng kiến sự việc như vậy đã thầm nghĩ, nếu Đức Chúa Jesus thật sự là tiên tri thì Ngài phải biết người đàn bà đang chạm tay vào Ngài là ai, thuộc loại người như thế nào trong xã hội. Vì theo ông, một người đàn ông I-sơ-ra-ên trong sạch, nhất là một tiên tri của Đức Chúa Trời, thì không thể để cho một người đàn bà có tội chạm vào mình.

Dù người chủ nhà tự nghĩ trong lòng nhưng Đức Chúa Jesus biết ý tưởng của ông. Ngài gọi tên ông, bảo rằng, Ngài có điều nói với ông. Ông đã cung kính thưa với Chúa, gọi Chúa là “Thầy” (G1320), và xin Ngài nói. Danh từ “Thầy” vào thời bấy giờ được những người I-sơ-ra-ên gọi những người giảng dạy Lời Chúa, tương đương với danh xưng “Giáo Sư Thần Học” ngày nay.

41 Một chủ nợ kia có hai người thiếu nợ: một người thiếu năm trăm đơ-ni-ê, còn người kia thiếu năm chục.

42 Họ không có gì để trả. Người đã tha nợ cả hai. Vậy, hãy nói! Ai trong họ yêu người hơn?

Đức Chúa Jesus đã đưa ra một ngụ ngôn về một người chủ nợ tha nợ cho hai con nợ không có tiền trả nợ. Một người thiếu nợ 500 đơ-ni-ê và một người thiếu nợ 50 đơ-ni-ê. Đơ-ni-ê là một đơn vị tiền đúc bằng bạc vào thời bấy giờ. Một đơ-ni-ê tương đương tiền công của một ngày lao động (Ma-thi-ơ 20:2). Năm trăm đơ-ni-ê tương đương với tiền công lao động của 16 tháng rưỡi. Năm mươi đơ-ni-ê tương đương với tiền công lao động của 50 ngày.

Chúa hỏi Si-môn, trong hai người được chủ nợ tha nợ đó, ai là người yêu chủ nợ nhiều hơn.

43 Si-môn đã cất tiếng, thưa: Tôi nghĩ rằng, ai mà người đã tha nợ nhiều hơn. Ngài đã phán với người: Ngươi đã phán đoán đúng.

44 Kế đó, Ngài xoay qua người đàn bà và phán với Si-môn: Ngươi thấy người đàn bà này không? Ta đã vào trong nhà của ngươi, ngươi không cho nước cho chân Ta; nhưng người đã thấm ướt chân Ta với những giọt nước mắt, rồi lau với tóc của đầu mình.

Si-môn đã thưa với Chúa, ông nghĩ rằng, người yêu chủ nợ nhiều hơn là người đã được tha nợ nhiều hơn. Và Chúa xác nhận, ông đã phán đoán đúng. Rồi, Chúa xoay qua nhìn người đàn bà, trong khi Ngài vẫn phán với Si-môn. Ngài muốn Si-môn hãy nhìn kỹ người đàn bà mà trong ý tưởng của ông, ông đã xem bà là một người không ra gì, để làm một sự so sánh. So sánh chính bản thân Si-môn và người đàn bà ấy.

Si-môn, một người Pha-ri-si đáng kính trọng trong dân I-sơ-ra-ên, có lòng mời Chúa đến nhà dùng bữa. Nhưng khi Chúa đến thì ông đã không cho Chúa nước rửa chân, theo như thói quen hiếu khách của người I-sơ-ra-ên thời ấy.

Người đàn bà vốn là một tội nhân mà cả thành cùng biết và khinh chê, ngay cả Si-môn cũng khinh chê, nhưng bà đã dùng những giọt nước mắt để rửa chân cho Chúa và dùng tóc trên đầu mình lau chân cho Chúa.

Thói quen và phong tục hiếu khách khiến người ta dùng nước rửa chân cho khách, lau chân khách bằng khăn. Nhưng lòng biết ơn chân thành và tình yêu vô cùng đối với Chúa đã khiến cho người đàn bà dùng nước mắt rửa chân cho Chúa, và dùng tóc mình lau chân cho Chúa.

45 Ngươi không cho Ta nụ hôn; nhưng người này, từ khi Ta đã đi vào, đã không ngừng hôn chân Ta.

46 Ngươi không xức dầu đầu Ta; nhưng người này đã xức chân Ta với dầu thơm.

Chúa muốn Si-môn tiếp tục so sánh chính bản thân ông, một người Pha-ri-si, có nghĩa là một người tự biệt riêng mình, suốt đời phụng sự Thiên Chúa, qua việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh [2], với người đàn bà mà ông cho là tội nhân.

Si-môn, người Pha-ri-si, đã không chào Chúa bằng nụ hôn trên hai gò má của Chúa, theo phong tục thời ấy, để thể hiện lòng yêu quý khách. Nhưng người đàn bà vốn là tội nhân đã không ngừng hôn chân Chúa từ khi Chúa bước vào nhà Si-môn. Điều này hàm ý, người đàn bà biết tin Chúa đang đến nhà Si-môn nên đã vội chạy về nhà mình, lấy bình dầu thơm và đến ngay nhà của Si-môn, kịp lúc Chúa cũng vừa đến. Chúa bước vào nhà Si-môn, ngồi xuống, tựa vào bàn ăn thì bà cũng vào theo và phụng sự Chúa.

Si-môn, người Pha-ri-si, dù gọi Chúa là “Thầy” nhưng đã không xức dầu cho đầu Chúa để thể hiện sự long trọng tiếp đón một bậc đáng tôn kính. Nhưng người đàn bà vốn là tội nhân đã dùng dầu thơm quý giá xức cho chân Chúa.

47 Vậy nên, Ta nói với ngươi, nhiều tội lỗi của người đã được tha, vì người đã yêu nhiều; nhưng ai được tha ít thì yêu ít.

48 Ngài đã phán với bà: Những tội lỗi của ngươi đã được tha.

Lời phán của Đức Chúa Jesus khẳng định rằng, người đàn bà xức dầu thơm cho chân Ngài có nhiều tội lỗi; nhưng bà đã nhận được sự tha thứ. Không phải tội lỗi của bà được tha thứ trong giây phút ấy nhưng chúng đã được tha thứ từ khi bà tin Ngài. Việc làm hiện tại của bà là sự thể hiện lòng biết ơn của bà và tình yêu của bà dành cho Chúa, sau khi những tội lỗi của bà đã được tha thứ. Chính vì ý thức được, biết bao nhiêu tội lỗi của mình đã được Chúa tha thứ mà người đàn bà đã xúc động và khóc như vậy. Bà không đến tìm gặp Đức Chúa Jesus để được Ngài tha thứ tội nhưng bà đã đến gặp Ngài để thờ phượng Ngài, tỏ lòng biết ơn Ngài, và thể hiện tình yêu của bà đối với Ngài. Vì Ngài đã cứu bà. Bà không quan tâm đến những người khác đang nhìn bà, đánh giá bà, xem thường bà. Bà chỉ chăm chú vào Đức Chúa Jesus, Đấng Cứu Rỗi của bà, và hết lòng thờ phượng Ngài, phụng sự Ngài. Bà không mở miệng nói ra một lời nào. Bà chỉ im lặng hành động.

Lời phán của Đức Chúa Jesus trong câu 48 không phải là lời tuyên bố tha tội cho người đàn bà trong lúc ấy; mà là lời khẳng định rằng, những tội lỗi của bà đã được tha. Sự được tha tội xảy ra ngay trong khoảnh khắc một người nhận biết mình là tội nhân và tin nhận Đấng Christ. Khi một người thật lòng ăn năn tội thì Đức Chúa Trời ban cho họ sự tri thức để họ nhận biết, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Rỗi của họ và Ngài là Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống.

Lời phán của Đức Chúa Jesus dù là với người đàn bà nhưng cũng là để cho những người đang có mặt nhận thức lẽ thật ấy. Nhân phẩm của bà đã được phục hồi trước đó, khi bà tin nhận Đấng Christ. Cùng với Đấng Christ, bà là cao trọng hơn bất cứ người nào đang có mặt nhưng chưa thật lòng ăn năn tội, chưa tin nhận Đấng Christ.

49 Những người ngồi ăn chung đã bắt đầu tự nói với chính mình: Người này là ai, mà cũng tha tội?

50 Ngài đã phán với người đàn bà: Đức tin của ngươi đã cứu ngươi. Hãy đi trong sự bình an!

Những người ngồi ăn chung” có thể là khách và người nhà của Si-môn. Có thể họ đều là những người Pha-ri-si, thông thạo về Thánh Kinh. Họ biết rõ Đức Chúa Trời là Đấng định tội và tha tội. Vì thế, khi nghe Đức Chúa Jesus công bố, những tội lỗi của người đàn bà đã được tha, thì họ thầm nghĩ, Ngài là ai mà cũng tha tội. Trong sự hiểu biết của họ, chỉ Đức Chúa Trời là Đấng có quyền tha tội. Vì thế, họ thầm nghĩ, Đức Chúa Jesus là ai mà dám nói lời tha tội cho một người.

Đức Chúa Trời có quyền tha tội vì Ngài là Thiên Chúa. Những người ấy không biết rằng, Đức Chúa Jesus cũng chính là Thiên Chúa nên Ngài cũng có quyền tha tội.

Đức Chúa Jesus tiếp tục phán với người đàn bà: “Đức tin của ngươi đã cứu ngươi. Hãy đi trong sự bình an”. Lời phán của Đức Chúa Jesus khẳng định sự một người được cứu là bởi đức tin. Đức tin ấy bao gồm ba điều căn bản sau đây:

  • Tin Đức Chúa Trời có thật và là Đấng dựng nên muôn loài, cầm quyền cai trị trên muôn loài.

  • Tin mình là tội nhân vì đã sống nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời.

  • Tin Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Rỗi của mình.

Vào lúc ấy, những người tin Đức Chúa Jesus chỉ tin rằng, Ngài là Con của Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Rỗi như đã được hứa trong Thánh Kinh. Họ chưa biết Đức Chúa Jesus cứu chuộc họ bằng cách nào. Chỉ với đức tin ấy, họ nhận được sự tha tội và được ở trong sự cứu rỗi. Ngày nay, chúng ta đã biết, Đức Chúa Jesus cứu chuộc loài người bằng cách gánh thay hình phạt của Đức Chúa Trời giáng trên mỗi một tội nhân. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá, bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời, thay cho mỗi một tội nhân.

Hãy đi trong sự bình an” có nghĩa là hãy sống nếp sống bình an trong đức tin. Người tin nhận Đấng Christ có sự bình an do chính Ngài ban cho, là sự bình an đến từ sự tri thức đủ về Thiên Chúa. Bình an vì biết những tội lỗi của mình đã được tha. Bình an vì biết mình ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bình an vì biết mọi lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho những ai vâng phục Ngài sẽ được hiện thực cho mình.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/03/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Alabaster

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/8-pha-ri-si

Karaoke Thánh Ca: “Xin Được Luôn Theo Chúa”
https://karaokethanhca.net/xin-duoc-luon-theo-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.