Chú Giải I Ti-mô-thê 02:01-15

7,025 views

Chú Giải I Ti-mô-thê 2:1-15
Sự Tương Giao với Chúa, Đấng Trung Bảo, Tư Cách của Phụ Nữ Trong Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người:

2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.

3 Ấy {là} một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

5 Vì {có} một Thiên Chúa và {có} một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!

6 Đấng đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng trong đúng thời điểm của nó.

7 Vì lời chứng ấy, ta đã được chỉ định {làm} người rao giảng và sứ đồ, ta nói thật trong Đấng Christ, ta không nói dối, {làm} giáo sư cho các dân ngoại trong đức tin và lẽ thật.

8 Vậy, ta muốn những người đàn ông cầu nguyện khắp nơi, đưa cao tay tinh sạch, không có sự giận và sự tranh cãi.

9 Cũng vậy, những người đàn bà sửa soạn chính mình trong áo quần cách nề nếp, với nết na và tiết độ, không dùng những kiểu tóc bới, vàng, châu ngọc, và áo quần quý giá,

10 nhưng với những việc lành, là những điều hợp với những phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính.

11 Người vợ hãy học tập trong sự yên tĩnh, trong sự vâng phục mọi bề.

12 Và ta không cho phép người vợ dạy hoặc lấn quyền của người chồng, mà hãy ở trong sự yên tĩnh.

13 Vì A-đam được dựng nên trước, kế tiếp {là} Ê-va.

14 Và không phải A-đam bị gạt nhưng người vợ bị gạt mà trở nên ở trong sự phạm pháp.

15 Nhưng nàng sẽ được cứu đang khi mang thai, nếu họ tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTc4NjQyNjJf 
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9054020-i-ti-mo-the-2_1-15
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/d6wdnd5ih0s23nr/9054020_I_Timothe_2_1-15.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về các hình thức tương giao với Chúa, ý nghĩa của Đấng Trung Bảo giữa Thiên Chúa với loài người, và lời dạy của Chúa về tư cách của những phụ nữ trong Hội Thánh.

1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người:

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, những lời khuyên dạy Phao-lô viết cho Ti-mô-thê không phải chỉ là những lời khuyên dành riêng cho Ti-mô-thê, mà là những lời khuyên Phao-lô muốn Ti-mô-thê truyền đạt lại cho con dân Chúa trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô và tại bất cứ nơi nào Ti-mô-thê có dịp đến thăm và giảng dạy. Đó cũng chính là lời của Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, truyền dạy cho Hội Thánh chung qua mọi thời đại. Dĩ nhiên, trong thư I và II Ti-mô-thê cũng có những lời Phao-lô truyền dạy riêng cho Ti-mô-thê liên quan đến chức vụ của Ti-mô-thê. Các lời khuyên ấy áp dụng cho Ti-mô-thê và những ai cùng một chức vụ chăn bầy như Ti-mô-thê. Lại có lời khuyên dành riêng cho cá nhân Ti-mô-thê, liên quan đến sức khoẻ của Ti-mô-thê. Lời khuyên ấy cũng áp dụng cho những ai có cùng hoàn cảnh sức khoẻ như Ti-mô-thê. Toàn bộ lời khuyên trong I Ti-mô-thê đoạn 2 mà chúng ta cùng nhau học trong bài này là áp dụng cho Hội Thánh chung.

Trong nếp sống của con dân Chúa, dù là ở nơi nào, vào thời đại nào, thì việc cần làm trước hết là tương giao với Thiên Chúa qua những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, và những sự tạ ơn cho mọi người.

  • Những sự khẩn xin là những sự tha thiết kêu cầu Chúa ban cho những nhu cầu hay cứu giúp. Chúng ta khẩn xin cho chính mình và cho mọi người. Chúng ta có thể khẩn xin cho một tổ chức, một địa phương, một quốc gia, một dân tộc. Trong thời Cựu Ước, Áp-ra-ham đã nêu gương về sự khẩn xin cho người khác khi ông khẩn xin cho dân chúng thành Sô-đôm. Thánh Kinh chép về dân Sô-đôm như sau:

Nhưng dân Sô-đôm là độc ác và là những kẻ phạm tội rất nghiêm trọng trước Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Sáng Thế Ký 13:13).

Thiên Chúa không hề phán bảo Áp-ra-ham hãy khẩn xin cho dân Sô-đôm. Áp-ra-ham khẩn xin cho họ vì ông có lòng thương xót họ. Dù vậy, Thiên Chúa đã liên tiếp sáu lần nhận lời khẩn xin của Áp-ra-ham. Chỉ tiếc là dân Sô-đôm đã không có đủ mười người công bình, để được Thiên Chúa bỏ qua sự hình phạt (Sáng Thế Ký 18).

Thực tế, danh xưng Cơ-đốc nhân (Christianos, G5546, /Kris-ti-a-nót/ – Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26) của chúng ta, hàm ý chúng ta là những tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Một trong bổn phận của thầy tế lễ là khẩn xin cho người khác.

  • Những sự cầu nguyện là những sự trò chuyện với Chúa, không nhất thiết là cầu xin một điều gì. Chúng ta trò chuyện với Chúa để tâm tình với Chúa những buồn vui trong cuộc sống, để hỏi Chúa những điều chúng ta thắc mắc, để tôn vinh Chúa. Chúng ta trò chuyện với Chúa những sự liên quan đến chính mình và liên quan đến người khác.

  • Những sự hiệp nguyện là những sự chúng ta cùng với các anh chị em cùng Cha khẩn xin với Chúa. Từ ngữ được dịch là “hiệp nguyện” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ có nghĩa đen là họp mặt để trao đổi bằng lời nói. Danh từ này chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước: I Ti-mô-thê 2:1 và I Ti-mô-thê 4:5. Chúng ta có thể hiệp nhau khẩn xin cho một người hay nhiều người.

  • Những sự tạ ơn là những sự dâng lời tạ ơn lên Chúa về mọi điều Chúa cho phép xảy ra trong cuộc sống và về sự quan phòng của Chúa đối với chúng ta, đối với mọi người.

Tuy nhiên, danh từ “sự cầu nguyện” cũng có thể được dùng để gọi chung sự thông công giữa chúng ta và Chúa qua mọi hình thức đối thoại, bao gồm những sự: tâm tình, khẩn xin, hiệp nguyện, tạ ơn, tôn vinh.

2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.

Chúng ta làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, và những sự tạ ơn không chỉ riêng cho bản thân mình hay là cho các anh chị em cùng đức tin, mà cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những bậc cầm quyền. Không chỉ riêng các bậc cầm quyền trực tiếp trên chúng ta, trong địa phương của chúng ta, hay trong quốc gia của chúng ta, mà là chung cho tất cả các bậc cầm quyền trong thế gian.

Từ ngữ “các vua” chỉ về những bậc lãnh đạo đứng đầu một quốc gia. Từ ngữ “hết thảy các bậc cầm quyền” chỉ về những bậc lãnh đạo trong mọi cấp của một quốc gia. Dù Vương Quốc Trời không thuộc về thế gian nhưng chúng ta, những công dân của Vương Quốc Trời, có bổn phận cầu thay cho các bậc cầm quyền trong các quốc gia thuộc về thế gian, vì sự cầm quyền của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống trong xác thịt của con dân Chúa khắp nơi trong thế gian. Nhờ cầu thay như vậy mà con dân Chúa có thể được sống một đời yên tĩnh và bình an trong đức tin và lẽ thật. Nếu con dân Chúa khắp nơi thiếu sót trong việc cầu thay cho các bậc cầm quyền trong thế gian, thì đương nhiên con dân Chúa sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thuộc thể, vì bị cai trị bởi những người cầm quyền thiếu ơn Chúa.

Chúng ta phải hiểu rằng, Chúa cho phép các bậc cầm quyền tự do lựa chọn làm lành hay làm ác, Ngài cũng cho phép sự làm ác của họ được thể hiện đến một mức độ nào đó, kể cả việc giết hại con dân Chúa (như Ngài đã cho phép Phao-lô bách hại Hội Thánh). Tuy nhiên, nếu chúng ta cầu thay cho các bậc cầm quyền, thì Chúa sẽ đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, và Ngài sẽ làm thay đổi đường lối, chính sách của nhà cầm quyền. Châm Ngôn 21:1 chép:

Lòng của vua ở trong tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.”

Vì thế, thay vì cùng với những người không tin Chúa xuống đường, biểu tình, cùng lúc phạm tội mang ách chung với kẻ chẳng tin và tội không vâng phục chính quyền, chúng ta chỉ cần sốt sắng cầu thay cho các bậc cầm quyền. Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta trong sự cầu thay. Nói như thế, không có nghĩa là sự xuống đường, biểu tình không mang lại kết quả. Trong thực tế, sự xuống đường, biểu tình của dân chúng Ba-lan đã lật đổ chế độ cộng sản tại Ba-lan. Nhưng đó là sự hành động của Chúa. Chúa luôn dùng hành động của những người không tin Chúa để làm thành chương trình và ý muốn của Ngài, nhưng Ngài không muốn con dân Chúa mang ách chung với kẻ chẳng tin, không muốn chúng ta có hành động chống đối chính quyền. Hành động chống đối chính quyền, cho dù chúng ta có lý do chính đáng, chính là hành động chống cự kẻ dữ mà Chúa ngăn cấm con dân của Ngài, như đã chép trong Ma-thi-ơ 5:39.

Con dân Chúa có thể ngồi lại với nhau, nêu lên những sự sai sót, lỗi lầm, bất công của chính quyền để cùng nhau cầu thay cho chính quyền. Nhưng con dân Chúa không nên bêu rếu việc xấu của chính quyền, vì điều đó không ích lợi gì cho chúng ta, mà chỉ khiến chính quyền có lý do bách hại chúng ta càng hơn. Những người không tin Chúa đã thường bêu rếu việc xấu của chính quyền rồi. Chúa dạy chúng ta: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết (Ma-thi-ơ 8:22; Lu-ca 9:60)! Có nghĩa là, hãy để người thế gian lo việc thế gian, còn chúng ta là con dân Chúa thì hãy lo việc của Chúa.

3 Ấy {là} một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

Sự con dân Chúa làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người là sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa. Thành ngữ “đẹp mắt Thiên Chúa” có nghĩa là làm cho Thiên Chúa vui và được Ngài tiếp nhận.

Danh xưng “Đấng Giải Cứu” hay “Đấng Cứu Rỗi” khi được dùng với danh xưng “Chúa”, “Thiên Chúa”, hoặc dùng với tên riêng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng Giải Cứu hay Đấng Cứu Rỗi.

Danh xưng “Đấng Giải Cứu” hay “Đấng Cứu Rỗi” khi được dùng với danh xưng “Đức Chúa Trời” thì có nghĩa: Thiên Chúa Đức Cha ban ơn cứu rỗi cho loài người (Lu-ca 1:47).

Danh xưng “Đấng Giải Cứu” hay “Đấng Cứu Rỗi” khi được dùng với danh xưng “Jesus” hoặc “Jesus Christ” thì có nghĩa: Đức Chúa Jesus hay Đức Chúa Jesus Christ là Đấng thi hành sự cứu rỗi (Phi-líp 3:20; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10; II Ti-mô-thê 1:10; Tít 1:4; 3:6; II Phi-e-rơ 1:1, 11).

Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng Giải Cứu của chúng ta. Thiên Chúa muốn cho mọi người trong thế gian được cứu rỗi và tự do đến với tri thức về lẽ thật. Một người được tự do đến với tri thức về lẽ thật khi người ấy được cứu thoát khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, thoát khỏi sự ảnh hưởng và kiềm chế của Sa-tan.

Tri thức về lẽ thật là sự hiểu biết tự nhiên do Thiên Chúa ban cho chúng ta trong tâm thần của chúng ta về những gì đã được Thiên Chúa bày tỏ trong Thánh Kinh. Sự hiểu biết đó không cần phải học tập hay suy luận.

Chúng ta cần phân biệt các sự hiểu biết như sau:

  • Tri thức: Còn gọi là lương tri, là sự hiểu biết tự nhiên do Thiên Chúa đặt để và khai sáng trong chúng ta.

  • Kiến thức: Sự hiểu do quan sát, kinh nghiệm. Kiến = gặp gỡ.

  • Học thức: Sự hiểu do học tập.

  • Trí thức: Sự hiểu do suy luận tổng hợp từ tri thức, kiến thức, và học thức.

Sự hiểu do suy ngẫm khi đọc Thánh Kinh cũng là trí thức, nhưng nếu chúng ta đọc một câu hay một đoạn Thánh Kinh mà bỗng nhiên nhận được sự hiểu biết, không cần phải suy nghĩ, lý luận, thì đó là tri thức.

Trong khi chúng tôi đọc Thánh Kinh để soạn bài giảng thì chúng tôi thường nhận được tri thức. Có thể nói 70% những gì được chúng tôi trình bày trong các bài giảng là do tri thức, 20% là do trí thức, và 10% là do kiến thức cùng với học thức. Nhưng 20% hiểu biết do trí thức lại chiếm nhiều thời gian nhất trong sự biên soạn một bài giảng. Có tri thức về Lời Chúa, có học thức và kiến thức phổ thông hoặc chuyên môn, nhưng để tổng hợp và đúc kết thành một sự hiểu biết nhất quán đúng với Lời Chúa, thì tốn nhiều thời gian suy luận và sắp xếp ý tưởng.

Những người không thật lòng ăn năn tội, tin nhận Tin Lành cũng có thể bị ma quỷ gieo vào tâm thần sự hiểu Thánh Kinh một cách sai trật, mà họ lầm tưởng là tri thức đến từ Thiên Chúa. Chính vì thế mà tà giáo phát sinh. Đức Chúa Jesus Christ gọi sự hiểu đó là: “những điều sâu thẳm của Sa-tan” (Khải Huyền 2:24).

5 Vì {có} một Thiên Chúa và {có} một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!

Người trung bảo là người ở giữa làm trung gian và bảo chứng cho hai hay nhiều bên. Một thí dụ điển hình là công ty E-bay làm trung bảo giữa người bán hàng và mua hàng trên mạng. Người bán hàng quảng cáo hàng trên trang mạng của E-bay. Người mua hàng chọn mặt hàng mình muốn mua rồi gửi tiền đến E-bay. E-bay thông báo cho người bán hàng gửi hàng đến người mua hàng. Sau khi người mua hàng nhận được hàng, đúng như quảng cáo, thì E-bay chuyển tiền của người mua hàng đến người bán hàng. E-bay bảo đảm cho người mua là hàng hóa đúng như quảng cáo; bảo đảm cho người bán là sẽ nhận được đủ tiền bán hàng sau khi gửi hàng đi.

Lẽ thật là: Chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có một loài người. Chỉ có một Đấng Trung Bảo giữa Thiên Chúa và loài người. Đấng Trung Bảo ấy là Người Christ Jesus.

Dù Thiên Chúa có ba thân vị nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Dù loài người có hàng tỉ thân vị nhưng chỉ có một loài người. Riêng Đấng Trung Bảo được gọi là Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người vì Ngài vừa có thân vị Thiên Chúa, vừa có thân vị loài người. Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, mang tên là Jesus. Tên Ngài có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi. Ngài mang danh xưng Christ, có nghĩa là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu. Sự xức dầu ô-li-ve trên một người là hình thức Đức Chúa Trời tuôn đổ thánh linh, tức là thẩm quyền, năng lực, và ân tứ của Thiên Chúa, trên một người, để người ấy làm thành ý muốn của Ngài qua các chức vụ được Ngài giao phó. Thân vị loài người của Đấng Trung Bảo được ban cho chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và vua. Chức vụ tiên tri là để bày tỏ về Thiên Chúa và tình yêu cùng ý muốn của Thiên Chúa dành cho loài người. Chức vụ thầy tế lễ là để dâng của lễ chuộc tội và cầu thay cho loài người. Chức vụ vua là để cai trị loài người.

Thiên Chúa cần một Đấng Trung Bảo hiểu biết rõ về Thiên Chúa, về tình yêu và ý muốn của Thiên Chúa dành cho loài người, để bày tỏ các lẽ thật ấy cho loài người, vì thế, Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa phải là Thiên Chúa. Loài người cần một người trung bảo trọn vẹn (không phạm tội) để bước vào giao ước với Thiên Chúa và người làm trung bảo của loài người phải là loài người. Đấng Trung Bảo thích hợp nhất giữa Thiên Chúa và loài người phải cùng một lúc vừa là Thiên Chúa vừa là loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm loài người để trở thành Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người. Ngài là của Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa. Ngài là của loài người vì Ngài là loài người.

Vì chỉ có một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người, nên mọi giao dịch giữa Thiên Chúa và loài người phải qua Đấng Trung Bảo ấy. Thiên Chúa chỉ có thể bày tỏ chính Ngài và ban ơn cứu chuộc cho loài người qua Đấng Trung Bảo. Loài người chỉ có thể hiểu biết Thiên Chúa và nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa qua Đấng Trung Bảo.

6 Đấng đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng trong đúng thời điểm của nó.

Đấng Trung Bảo của loài người cũng chính là Đấng hy sinh mạng sống của Ngài để chuộc tội cho loài người. Nhờ đó, Ngài có thể bảo chứng họ trước Thiên Chúa, rằng họ đã trở nên những người công bình, không còn bị luật pháp hình phạt, xứng đáng làm con dân của Thiên Chúa, xứng đáng cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Sự hy sinh của Đấng Trung Bảo để cứu chuộc loài người cũng chính là lời chứng được công bố vào đúng thời điểm cần công bố. Lời chứng về sự Đức Chúa Trời hứa ban cho loài người một Đấng Cứu Rỗi (Ê-sai 9:6-7). Thời điểm cần công bố là những ngày sau cùng trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người, gọi là “kỳ đầy trọn của thời gian” (Ê-phê-sô 1:10).

7 Vì lời chứng ấy, ta đã được chỉ định {làm} người rao giảng và sứ đồ, ta nói thật trong Đấng Christ, ta không nói dối, {làm} giáo sư cho các dân ngoại trong đức tin và lẽ thật.

Vì lời chứng ấy tức là vì sự Đấng Trung Bảo chết để chuộc tội cho loài người, còn gọi là Tin Lành của Đức Chúa Trời hoặc Tin Lành của Đấng Christ, mà Phao-lô đã được Thiên Chúa và Đấng Christ chỉ định làm người rao giảng lời chứng ấy, tức rao giảng Tin Lành, làm sứ đồ, tức làm người đại diện cho Đấng Christ để hoàn thành công việc giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh của Đấng Christ. Phao-lô cũng được chỉ định làm người giảng dạy Lời Chúa cho các dân ngoại để gây dựng đức tin của họ trong lẽ thật của Lời Chúa. Dân I-sơ-ra-ên đã được sinh ra và lớn lên trong sự hiểu biết Lời Chúa (lúc bấy giờ là Thánh Kinh Cựu Ước), nhưng các dân ngoại thì không biết gì về Lời Chúa, nên Phao-lô được Chúa sai làm giáo sư dạy Thánh Kinh cho các dân ngoại.

Được chỉ định có nghĩa là không phải Phao-lô tự ý làm người rao giảng, làm sứ đồ, làm giáo sư mà ông nhận lãnh các chức vụ ấy từ Thiên Chúa và Đấng Christ. Vì thế, Phao-lô viết: “Ta nói thật trong Đấng Christ, ta không nói dối!”

8 Vậy, ta muốn những người đàn ông cầu nguyện khắp nơi, đưa cao tay tinh sạch, không có sự giận và sự tranh cãi.

Chúng ta có thể nhận thấy, theo văn mạch từ câu 8 đến câu 10 là lời khuyên chung dành cho những người đàn ông và những người đàn bà trong Hội Thánh. Chú ý hình thức số nhiều của hai danh từ “đàn ông” và “đàn bà” được dùng trong ba câu này, để chỉ chung tất cả những đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh.

Sau khi căn dặn Ti-mô-thê phải đặt những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, và những sự tạ ơn cho mọi người lên hàng đầu trong mọi sự; nhắc lại ý muốn tốt lành của Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu; nhắc lại lẽ thật Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người; Sứ Đồ Phao-lô viết tiếp điều mà ông muốn cho con dân Chúa thể hiện trong nếp sống. Đó là, những người đàn ông trong Hội Thánh nên cầu nguyện trong mọi nơi với đôi tay thánh sạch hướng về Thiên Chúa và không có sự bất hòa, tranh cãi lẫn nhau.

Tay thánh sạch là thành ngữ chỉ về một người không làm ra sự phạm tội. Chẳng những không tự mình làm ra sự phạm tội, mà còn là không bênh vực những người phạm tội mà không ăn năn, sẵn sàng lên tiếng cáo trách, sửa trị những người có lỗi, có tội trong Hội Thánh. Trạng từ “khắp nơi” là chỉ về bất cứ nơi nào những người đàn ông thực hiện việc cầu nguyện, từ trong phòng riêng, trong nhà với gia đình, hay trong chỗ nhóm hiệp của Hội Thánh… Tất cả những sự bất hòa, tranh cãi với bất cứ ai đều phải được giải quyết trước khi dâng lời cầu nguyện lên Chúa (Ma-thi-ơ 5:24).

9 Cũng vậy, những người đàn bà sửa soạn chính mình trong áo quần cách nề nếp, với nết na và tiết độ, không dùng những kiểu tóc bới, vàng, châu ngọc, và áo quần quý giá,

Những người đàn bà trong Hội Thánh phải ăn mặc cách nề nếp với dáng điệu nết na và cư xử tiết độ, chứ không theo thói thường của những phụ nữ không tin Chúa, là những người ưa thích trang điểm xa hoa, cầu kỳ, và lãng phí. Tính từ “nề nếp” nói lên sự gọn, sạch, kín đáo, thể hiện sự thanh bạch và lương thiện. Danh từ “nết na” nói về bản tính e thẹn, dịu dàng, nhưng biết quan tâm đến người khác. Danh từ “tiết độ” cũng có thể dịch là “tâm trí tỉnh táo” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:25), được dùng để chỉ về đức tính biết kiềm chế lấy mình, không để cho bất cứ sự gì thuộc về thế gian điều khiển mình. Người phụ nữ có tâm trí tỉnh táo, biết tự kiềm chế mình cũng chính là người phụ nữ ít nói, nhưng khi đáng nói thì nói những “lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe” (Ê-phê-sô 4:29).

Kiểu tóc bới được nói đến trong câu này là kiểu tóc bới cầu kỳ, xa hoa, theo thời trang để chứng tỏ sự giàu có, sang trọng, quyền thế. Vàng, châu ngọc, và áo quần quý giá là những đồ trang sức và quần áo mắc tiền, không xứng hợp với con dân Chúa. Thay vì tiêu phí tiền vào những thứ đó, con dân Chúa có thể dâng hiến lên Chúa để dùng vào các mục vụ của Hội Thánh.

10 nhưng với những việc lành, là những điều hợp với những phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính.

Phụ nữ trong Chúa nên thể hiện lòng tin kính của mình bằng những việc lành hợp với Lời Chúa hơn là chạy theo những sự chưng diện của thế gian. Những việc nào là những việc lành hợp với sự tuyên xưng đức tin của các chị em trong Chúa? Chính là những việc được dạy dỗ trong Thánh Kinh, điển hình là những việc được đề cập từ câu 9 đến câu 12. Chắc chắn là các sự: lớn tiếng la mắng con cháu, cãi vã với chồng, hỗn với chồng, nói năng hung tợn và thô lỗ, ăn mặc hoang phí, diêm dúa, hoặc hở hang, trang điểm loè loẹt theo các trào lưu của thế gian đều không phải là những việc hợp với sự tuyên xưng lòng tin kính của những phụ nữ trong Chúa.

11 Người vợ hãy học tập trong sự yên tĩnh, trong sự vâng phục mọi bề.

12 Và ta không cho phép người vợ dạy hoặc lấn quyền của người chồng, mà hãy ở trong sự yên tĩnh.

Từ câu 11 đến câu 15 là lời khuyên về bổn phận của người vợ phải vâng phục người chồng. Chú ý hình thức số ít của danh từ “vợ” được dùng trong câu 11 và 12, tương ứng với hình thức số ít của danh từ “chồng” được dùng trong câu 12.

Sau khi dạy về nếp sống tin kính chung cho cả đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh, thì Phao-lô dạy thêm cho những phụ nữ đã có gia đình phải vâng phục, tôn trọng chồng. Ông khuyên rằng, trong gia đình, vợ phải yên lặng, lắng nghe học tập từ nơi chồng (chú ý cả hai danh từ “vợ” và “chồng” đều là hình thức số ít, để cho biết bối cảnh của lời dạy này là về quan hệ vợ chồng trong một gia đình). Vợ phải vâng phục chồng mọi bề. Sự vâng phục của người vợ đối với người chồng cũng giống như sự người vợ vâng phục Chúa:

Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như {vâng phục} Chúa.” (Ê-phê-sô 5:22).

Vợ phải vâng phục chồng vì chồng là người cai trị trong gia đình. Sau khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã đặt người vợ dưới sự cai trị của người chồng, như đã được ghi rõ trong Sáng Thế Ký 3:16. Vợ có vâng phục chồng mọi bề như vâng phục Chúa thì Lời của Đức Chúa Trời đã phán truyền trong Sáng Thế Ký 3:16 mới không bị phạm thượng (Tít 2:5).

Chính vì chồng cai trị vợ và vợ phải vâng phục chồng trong mọi sự mà vợ không thể dạy chồng hoặc lấn quyền chồng. Dạy chồng có nghĩa là không chấp nhận sự dạy dỗ của chồng nhưng bảo chồng phải chấp nhận những lý lẽ và ý muốn của mình. Điều này khác với sự chia sẻ kiến thức và học thức với chồng. Lấn quyền chồng là tự mình quyết định mọi sự, sai khiến chồng làm theo ý muốn của mình.

Từ ngữ “yên tĩnh” được dùng trong câu 11 và 12 có nghĩa là lo làm bổn phận của mình, không tranh cãi, không to tiếng với chồng con. Ngay cả khi quở trách, dạy dỗ con cái, người vợ cũng phải dịu dàng, nhỏ nhẹ, không gây ồn ào trong gia đình, làm ồn đến hàng xóm, láng giềng, là điều không làm gương tốt. Người vợ phải cậy ơn Chúa để tự kiềm chế mọi cảm xúc mà giữ cho gia đình được yên tĩnh. Người vợ phải yên tĩnh học tập nơi chồng và người vợ phải yên tĩnh vâng phục chồng trong mọi sự, miễn là sự dạy dỗ và ý muốn của chồng không nghịch lại Thánh Kinh.

13 Vì A-đam được dựng nên trước, kế tiếp {là} Ê-va.

Lý do vợ phải vâng phục chồng vì ngay từ khi sáng thế, Thiên Chúa dựng nên người nữ để giúp đỡ người nam, không phải để người nữ dạy dỗ hay cầm quyền trên người nam. Như đã nói, sự dạy dỗ nói đến ở đây không bao gồm sự truyền đạt kiến thức chuyên môn, như cô giáo dạy học ở trường, cũng không bao gồm sự truyền đạt sự hiểu biết về Lời Chúa, như bà Bê-rít-sin dạy cho ông A-bô-lô được thêm sâu nhiệm về đường lối của Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ được nói đến ở đây là hình thức vợ lấn áp chồng buộc chồng nghe theo mình trong mọi sự như một người mẹ dạy con. Sự lấn quyền hay sự cai trị chồng được nói đến ở đây cũng không bao gồm sự người nữ nắm giữ các chức vụ cai trị trong xã hội. Các Quan Xét đoạn 4 ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời dấy lên một người nữ để cai trị dân I-sơ-ra-ên. Đó là nữ Tiên Tri và Quan Xét Đê-bô-ra.

14 Và không phải A-đam bị gạt nhưng người vợ bị gạt mà trở nên ở trong sự phạm pháp.

Ngay từ khi sáng thế, người nữ đã dễ bị ma quỷ lường gạt và cám dỗ hơn là người nam. Còn A-đam vì nghe theo vợ hoặc chìu theo vợ mà phạm tội. Có lẽ vì thế mà trong Sáng Thế Ký 3:16 Đức Chúa Trời đã công khai trao quyền cai trị vợ cho chồng. Mệnh đề “trở nên ở trong sự phạm pháp” có nghĩa là ở trong tình trạng là một tội nhân và phải gánh chịu sự hình phạt của tội lỗi, cụ thể là người vợ phải chịu nhiều cực khổ và đau đớn, đến nỗi có thể nguy đến tính mạng, trong khi mang thai và sinh nở.

15 Nhưng nàng sẽ được cứu đang khi mang thai, nếu họ tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.

Đây là một câu hơi khó hiểu.

Sự được cứu ở đây của người vợ không thể hiểu là sự được cứu rỗi khỏi tội lỗi, vì sự cứu rỗi khỏi tội lỗi chỉ bởi đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Hơn nữa, thư I Ti-mô-thê được viết cho Ti-mô-thê, nói đến những người đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh, tức là những người đã được cứu khỏi tội lỗi. Văn mạch cho biết là “nàng sẽ được cứu đang khi mang thai”. Giới từ “đang khi” chỉ về suốt một khoảng thời gian, đó là khoảng thời gian từ khi người vợ mang thai cho đến khi sinh con. Vì thế, sự được cứu được nói đến ở đây là sự được cứu khỏi: “nhiều sự cực khổ trong cơn thai nghén”; và khỏi sự: “đau đớn trong khi sinh con” (Sáng Thế Ký 3:16).

Kể từ khi Ê-va phạm tội, tất cả những người vợ đều ở trong sự cực khổ và đau đớn trong khi mang thai và sinh nở. Con số những phụ nữ chết vì hư thai hoặc vì sự sinh con gặp khó khăn không phải là ít. Nhưng người vợ sẽ được cứu khỏi cơn cực khổ và đau đớn trong suốt thời kỳ mang thai và sinh nở, nếu “họ” tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.

Đại danh từ “họ” trong câu này có thể chỉ về cả vợ lẫn chồng mà cũng có thể chỉ về tất cả những người vợ có lòng tin kính Chúa. Đôi vợ chồng có lòng tin kính Chúa, trung tín trong đức tin thì người vợ sẽ được cứu khỏi sự đau đớn, nguy hiểm khi mang thai và sinh nở; hoặc tất cả những người vợ có lòng tin kính Chúa, trung tín trong đức tin, đều được cứu khỏi sự đau đớn, nguy hiểm khi mang thai và sinh nở.

Qua I Ti-mô-thê 2:1-15 chúng ta được Lời Chúa nhắc cho nhớ rằng:

  • Sự tương giao với Chúa qua các hình thức: khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, và cảm tạ cho mọi người là ưu tiên trong nếp sống của con dân Chúa.

  • Chỉ trong Đấng Trung Bảo là Đấng Christ Jesus mà chúng ta mới có sự hiểu biết về Thiên Chúa và nhận được sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

  • Con dân Chúa phải sống thánh khiết theo Lời Chúa. Con dân Chúa là phụ nữ không trang điểm quá mức, không mặc quần áo và trang sức quá xa hoa, lãng phí. Những phụ nữ có chồng phải vâng phục chồng, không lấn quyền chồng, và ít nói.

Nguyện Lời Chúa làm cho chúng ta luôn tươi mới trong sự hiểu biết Thiên Chúa, thánh hóa chúng ta, và thêm sức cho chúng ta, để chúng ta được vững vàng trong đức tin và luôn sống đẹp ý Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/09/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Con Xin Luôn Vâng Lời”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-con-xin-luon-vang-loi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.