Chú Giải I Cô-rinh-tô 14:26-40 Sự Trật Tự Trong Các Buổi Nhóm của Hội Thánh

2,469 views

 

YouTube: https://youtu.be/v7FR48g_ACI

Chú Giải I Cô-rinh-tô 14:26-40
Sự Trật Tự Trong Các Buổi Nhóm của Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 14:26-40

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!

27 Nếu có ai nói một ngôn ngữ khác thì hai hoặc nhiều lắm là ba người nói theo phiên, và có một người thông giải.

28 Nếu không có ai thông giải thì người ấy phải giữ im lặng trong Hội Thánh, mà tự nói với mình và với Đức Chúa Trời.

29 Còn các tiên tri, hai hay ba người nói, những người khác thì suy xét.

30 Nhưng, nếu có sự mạc khải cho một người đang ngồi, thì người trước phải giữ im lặng.

31 Bởi vì hết thảy các anh chị em có thể lần lượt nói tiên tri, để tất cả đều được học và tất cả đều được khích lệ.

32 Thần trí của các tiên tri vâng phục các tiên tri.

33 Vì Đức Chúa Trời chẳng phải Đức Chúa Trời của sự loạn lạc mà của sự hòa bình, như trong tất cả các Hội Thánh của các thánh đồ.

34 Những người vợ của các anh em hãy giữ im lặng trong các Hội Thánh; vì họ không được phép nói chuyện nhưng phải vâng phục, theo như luật pháp nói.

35 Và nếu họ muốn học được điều gì thì họ hãy hỏi những người chồng của họ ở nhà; vì những người vợ nói chuyện trong Hội Thánh là điều hổ thẹn.

36 Lời của Đức Chúa Trời ra từ các anh chị em, hay chỉ đến với các anh chị em?

37 Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay người thiêng liêng, thì người ấy hãy biết rằng, những điều tôi viết cho các anh chị em đây là các mệnh lệnh của Chúa.

38 Nhưng nếu có ai không quan tâm hãy để người ấy không quan tâm.

39 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy khao khát nói tiên tri và đừng ngăn cấm sự nói các ngôn ngữ khác.

40 Mọi sự đều nên làm cách phải lẽ và theo thứ tự.

I Cô-rinh-tô 14:26-40 là lời hướng dẫn cụ thể từ Đức Thánh Linh cho con dân Chúa, qua Sứ Đồ Phao-lô, về sự mỗi người trong Hội Thánh nên thực hành các ân tứ một cách có trật tự trong các buổi nhóm hiệp. Nhưng câu 34 và 35 là hai câu bị nhiều nhà Thần học trong các giáo hội mang danh Chúa hiểu sai, khiến cho các giáo hội này đưa ra quy định không cho phép phụ nữ rao giảng Lời Chúa trong Hội Thánh. Lý do họ hiểu sai là vì họ đã không tìm hiểu ý nghĩa của hai câu ấy theo văn mạch.

Trước khi chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 14:26-40 thì chúng ta cần ghi nhớ điều này. Đây là sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh dành cho tất cả con dân Chúa có mặt trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Vì thế, mỗi chi tiết trong phân đoạn Thánh Kinh này đều áp dụng cho tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh, không phân biệt ai cả. Ngoại trừ hai câu 34 và 35 là áp dụng riêng cho những phụ nữ có chồng.

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!

Các ân tứ của Đấng Thần Linh ban cho mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh, ngoại trừ ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ mà không có người thông giải (I Cô-rinh-tô 14:4), thì tất cả đều có mục đích để giúp ích cho Hội Thánh. Vì thế, sự thực hành các ân tứ trong Hội Thánh là điều đương nhiên và cần thiết.

Sau khi Phao-lô trình bày sự khác biệt rất lớn giữa ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ với ân tứ nói tiên tri, thì ông đề cập đến sự thực hành các ân tứ của Đấng Thần Linh một cách có trật tự, trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Qua câu hỏi và câu trả lời của Phao-lô trong câu 26, chúng ta hiểu rằng, trong khi Hội Thánh nhóm hiệp, bất cứ ai, cũng có thể và nên thực hành những sự ban cho của Chúa, để gây dựng Hội Thánh.

Những sự ban cho đó có thể là một bài thánh ca tôn vinh và cảm tạ Chúa, hoặc nói lên sự khao khát Chúa trong lòng của một người. Có thể là một lẽ thật trong Lời Chúa cần được giảng dạy cho Hội Thánh. Danh từ “lời giảng dạy” cũng có thể dịch là “giáo lý”. Có thể là sự mầu nhiệm và cao trọng của Đức Chúa Trời được nói qua một ngôn ngữ khác. Có thể là sự Đức Chúa Trời trực tiếp bày tỏ trong thần trí của một người qua chiêm bao, qua khải tượng, hoặc qua tiếng phán. Có thể là sự thông giải các ngôn ngữ.

27 Nếu có ai nói một ngôn ngữ khác thì hai hoặc nhiều lắm là ba người nói theo phiên, và có một người thông giải.

28 Nếu không có ai thông giải thì người ấy phải giữ im lặng trong Hội Thánh, mà tự nói với mình và với Đức Chúa Trời.

Riêng về trường hợp có ai trong Hội Thánh muốn nói lên những sự mầu nhiệm và cao trọng của Đức Chúa Trời trong một ngôn ngữ khác, thì mỗi người lần lượt nói nhưng không quá ba người trong một buổi nhóm; và phải có người thông giải. Chúng ta có thể hiểu như thế này, người được ân tứ nói ngôn ngữ khác có thể đứng lên nói một câu và chờ xem trong Hội Thánh có ai đứng lên thông giải hay không. Nếu không có ai thông giải mà chính mình cũng không thể thông giải, thì người ấy phải ngồi xuống, không được nói tiếp. Người thứ nhì và thứ ba, nếu có, cũng làm như vậy.

Lời dạy “tự nói với mình và với Đức Chúa Trời” hàm ý, người ấy chờ sau buổi nhóm thì tự mình nói với Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ khác, trong nơi riêng tư của mình. Còn trong buổi nhóm của Hội Thánh, người ấy phải hiệp ý với mọi người trong sự thông công của Hội Thánh và cùng mọi người thờ phượng Chúa, học Lời Chúa.

29 Còn các tiên tri, hai hay ba người nói, những người khác thì suy xét.

30 Nhưng, nếu có sự mạc khải cho một người đang ngồi, thì người trước phải giữ im lặng.

Danh từ “các tiên tri” được dùng ở đây, theo văn mạch, không phải nói riêng về những người được ban cho chức vụ tiên tri trong Hội Thánh, mà là bất cứ ai trong Hội Thánh được Đấng Thần Linh ban cho ân tứ nói tiên tri. Vì phân đoạn này không nói về các chức vụ trong Hội Thánh, nhưng nói về sự thực hành các ân tứ được ban cho bởi Đấng Thần Linh. Như chúng ta đã học biết, người nói tiên tri là người truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý muốn quan trọng nhất của Đức Chúa Trời là Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4). Vì thế, người rao giảng Tin Lành hoặc người giảng dạy Lời Chúa cũng chính là người có ân tứ nói tiên tri. Người nói tiên tri có thể nói những sự do chính Đức Chúa Trời mạc khải riêng cho người ấy qua giấc mơ, qua khải tượng, qua lời phán, hoặc nói những gì đã được ghi lại trong Thánh Kinh.

Nếu trong buổi nhóm của Hội Thánh mà có người muốn nói tiên tri thì nhiều lắm là ba người lần lượt nói. Nhưng nếu có ai đang nói mà Đức Chúa Trời mạc khải cho người nào đó và muốn người ấy nói ra sự mạc khải, thì người đang nói phải kết thúc sự nói của mình, nhường cho người vừa được mạc khải nói.

Mạc khải có nghĩa đen là vén màn lên để phơi bày những gì được che giấu đàng sau tấm màn. Mạc là tấm màn; khải là mở ra. Trong Thánh Kinh, sự mạc khải có nghĩa là sự Đức Chúa Trời bày tỏ cho con dân của Ngài một lẽ thật trước đây chưa được bày tỏ. Đức Chúa Trời có thể mạc khải về chính Ngài, mạc khải về Lời Hằng Sống của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh, mạc khải về những sự kín giấu của một ai đó, hoặc mạc khải về những sự sẽ xảy ra trong tương lai.

Động từ “đang ngồi” giúp cho chúng ta biết, trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh thì mọi người cùng ngồi trong chỗ nhóm. Riêng người nói trong Hội Thánh thì có thói quen đứng nói: Công Vụ Các Sứ Đồ 11:28; 13:16; 15:5, 7. Tuy nhiên, cũng có nhiều lần Đức Chúa Jesus Christ ngồi, khi Ngài giảng dạy: Ma-thi-ơ 5:1; 24:3; Mác 13:3; Lu-ca 4:20.

Các trưởng lão trong Hội Thánh phải cẩn thận trong việc hướng dẫn và điều hành buổi nhóm. Không phải hễ bất cứ ai nói rằng, mình có sự mạc khải và muốn chia sẻ với Hội Thánh, thì là người nhận được sự mạc khải từ Đức Chúa Trời. Các trưởng lão phải xem xét và nhận định những lời của một người nói giữa Hội Thánh có đúng với Lời Chúa hay không. Nếu không thì các trưởng lão phải lập tức yêu cầu người ấy ngưng nói, và các trưởng lão chỉ ra những gì người ấy nói không đúng với Lời Chúa. Trong Hội Thánh, có thể có người vì kiêu ngạo muốn tự lập làm thầy (Gia-cơ 3:1); có thể có người vì phạm tội kín giấu, không ăn năn, bị ma quỷ xâm nhập, lạm dụng để lừa gạt Hội Thánh. Cũng có thể ma quỷ cài đặt giáo sư giả và tiên tri giả vào trong Hội Thánh (II Phi-e-rơ 2:1). Lời Chúa dạy chúng ta phải thử mọi thần trí (I Giăng 4:1).

31 Bởi vì hết thảy các anh chị em có thể lần lượt nói tiên tri, để tất cả đều được học và tất cả đều được khích lệ.

Chính câu này giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự nói tiên tri được đề cập trong phân đoạn này là ơn nói tiên tri chứ không phải chức vụ tiên tri. Vì chức vụ tiên tri chỉ được Đức Chúa Jesus Christ ban cho một số người trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:11), nhưng ân tứ nói tiên tri thì được Đấng Thần Linh ban cho mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh. Chính Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã dạy rõ: Bởi vì hết thảy các anh chị em có thể lần lượt nói tiên tri… Tính từ “hết thảy” (G3956) được dùng trong câu này có nghĩa là mỗi một người, không ngoại trừ ai.

32 Thần trí của các tiên tri vâng phục các tiên tri.

Đây là một câu cũng thường bị hiểu sai. Nhiều người hiểu sai rằng, câu này hàm ý, từ trong tâm thần, các tiên tri phải có sự vâng phục các tiên tri khác. Nhưng ý nghĩa đúng của câu này là mỗi tiên tri làm chủ thần trí của mình trong khi nói tiên tri. Mặc dù sự nói tiên tri là sự nói những gì đã được Đức Chúa Trời bày tỏ trong thần trí, nhưng người nói hoàn toàn làm chủ tâm trí của mình, nói một cách có ý thức.

Khi chúng ta nhìn thấy những người nói tiếng lạ tự xưng là họ đang nói tiên tri, thì chúng ta thấy họ giống như những người đang bị tà linh xâm nhập, tà linh kiềm chế họ, nói qua môi miệng của họ. Họ không có sự tỉnh táo và tự chủ. Họ giống như những người ngồi đồng của ngoại giáo. Đó chính là dấu hiệu cho biết, họ không phải là những người thuộc về Chúa, càng không phải là tiên tri của Chúa, mặc dù họ tự nhận là tiên tri của Chúa và có thể nói những lời tôn vinh Chúa.

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16-18 có ghi lại trường hợp một cô gái trẻ bị tà linh ám nhập, mỗi ngày, cô đi theo Phao-lô và các bạn của ông, kêu la: Những người đó là đầy tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, rao truyền cho chúng ta Đạo Cứu Rỗi.

Nội dung lời kêu la của cô gái là đúng, nhưng sự kêu la đó là bởi sự tác động của tà linh với mục đích làm phiền sự rao giảng của Phao-lô và các bạn của ông, và để liên kết việc bói toán của cô gái với sự rao giảng Tin Lành, ma quỷ mong rằng, những người tin nhận Tin Lành cũng sẽ tin vào sự bói toán. Vì thế, Phao-lô đã truyền lệnh cho tà linh phải ra khỏi cô gái.

Chúng ta phải hoàn toàn dựa trên Lời Chúa là Thánh Kinh để nhận định mọi sự, chúng ta không thể cứ thấy, nghe ai đó nhân danh Chúa nói về Chúa, thậm chí làm ra những dấu kỳ, phép lạ, thì tin rằng, người ấy thuộc về Chúa và đang hầu việc Chúa. Ngày nay, có nhiều con dân Chúa dùng trang mạng xã hội của mình để lan truyền những sự giảng dạy, những việc làm của những giáo sư giả và tiên tri giả, của những giáo hội mang danh Chúa mà không sống theo Lời Chúa, không giảng dạy lẽ thật của Lời Chúa nhưng giảng dạy các tà giáo. Xin quý ông bà anh chị em cùng đọc lại bài “Trách Nhiệm của Con Dân Chúa Khi Phổ Biến Hoặc Không Phổ Biến Một Bài Giảng” đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com [1], và cẩn thận trong việc giới thiệu hay ủng hộ một bài giảng, một bài viết. Hãy học thuộc lòng và làm theo mệnh lệnh này:

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Nếu không, quý ông bà anh chị em sẽ phải trả giá đắt cho mỗi việc làm của mình. Nhất là khi, việc làm ấy là sự tiếp tay phổ biến tà giáo, khiến cho có ai đó bị tiêm nhiễm tà giáo, xa lìa lẽ thật của Lời Chúa. Hãy tránh tối đa việc phổ biến bất cứ một tài liệu nào của các giáo hội. Nếu đã biết các giáo hội rao giảng tà giáo, sao còn giúp cho mọi người biết đến họ?

33 Vì Đức Chúa Trời chẳng phải Đức Chúa Trời của sự loạn lạc mà của sự hòa bình, như trong tất cả các Hội Thánh của các thánh đồ.

Sự loạn lạc, mất trật tự là sự đi ngược lại những quy luật và uy quyền của Thiên Chúa. Sự hòa bình là sự vâng phục những quy luật và uy quyền của Thiên Chúa. Những quy luật của Thiên Chúa bao gồm tất cả các điều răn và nguyên tắc đạo đức mà Thiên Chúa đặt để trong thần trí của các thiên sứ, của loài người; và tất cả các định luật vật lý cho thế giới vật chất.

Sự các thiên sứ và loài người vi phạm những quy luật của Thiên Chúa, bất tuân uy quyền của Thiên Chúa là tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi là đau khổ, bất công, và sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa dẫn đến sự đời đời bị giam và chịu khổ trong hỏa ngục.

“Đức Chúa Trời chẳng phải Đức Chúa Trời của sự loạn lạc mà của sự hòa bình” hàm ý, Đức Chúa Trời không tạo ra sự loạn lạc, vì Ngài là Đức Chúa Trời của sự bình an và phước hạnh. Ngài là Đấng ban sự bình an và phước hạnh cho những ai thuộc về Ngài. Điều đó được thể hiện trong từng Hội Thánh địa phương.

Danh từ Hội Thánh được dùng với số nhiều để nói đến Hội Thánh của Chúa thể hiện trong từng địa phương. Hội Thánh của Chúa được gọi là Hội Thánh của các thánh đồ, hàm ý, Hội Thánh của Chúa là một tập thể bao gồm những người đã được thánh hóa bởi họ thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng sống theo Thánh Kinh.

34 Những người vợ của các anh em hãy giữ im lặng trong các Hội Thánh; vì họ không được phép nói chuyện nhưng phải vâng phục, theo như luật pháp nói.

35 Và nếu họ muốn học được điều gì thì họ hãy hỏi những người chồng của họ ở nhà; vì những người vợ nói chuyện trong Hội Thánh là điều hổ thẹn.

Danh từ γυνή (G1135), phiên âm quốc tế /gynē/, phiên âm tiếng Việt /gù-nê/, vừa có nghĩa là người nữ, vừa có nghĩa là người vợ. Theo văn mạch thì danh từ gù-nê trong câu 34 và 35 phải được dịch là “những người vợ” thì mới hợp với nhóm chữ “những người chồng của họ ở nhà”. Tương tự như vậy là cách dịch gù-nê trong các câu dưới đây:

“Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa.” (Ê-phê-sô 5:22).

“Vậy nên, như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ, thì những người vợ cũng phải vâng phục chồng mình trong mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:24).

“Những người vợ, hãy vâng phục những người chồng của mình, như một điều phải lẽ trong Chúa.” (Cô-lô-se 3:18).

“Những người chồng, hãy yêu những người vợ của mình, đừng ở cay nghiệt với họ.” (Cô-lô-se 3:19).

“Hỡi những người làm vợ, hãy vâng phục những người chồng của mình, để nếu có người chồng nào không vâng phục Đạo, cũng có thể bởi nếp sống của những người vợ, không bởi lời nói, mà họ bị thu phục…” (I Phi-e-rơ 3:1).

Những người vợ không được phép nói chuyện trong Hội Thánh là không được phép nói chuyện trong khi Hội Thánh đang nhóm hiệp thờ phượng Chúa, nghe giảng Lời Chúa, nghe ai đó hát tôn vinh Chúa, nghe ai đó trong Hội Thánh nói những sự mầu nhiệm và cao trọng của Đức Chúa Trời, nghe ai đó tường trình, tâm sự, hoặc làm chứng… Ngay cả có điều gì các bà nghe mà không hiểu thì cũng phải chờ về nhà hỏi lại chồng, chứ không được chuyện trò, hỏi han, gây mất trật tự trong buổi nhóm.

Danh từ luật pháp được đề cập trong câu 34 được dùng để gọi luật pháp của Đức Chúa Trời lẫn luật pháp của loài người, như luật pháp do các nhà cầm quyền đặt ra. Danh từ ấy cũng được dùng để gọi những phong tục, tập quán được tôn trọng trong một xã hội. Rất có thể, Phao-lô nói đến phong tục xã hội về sự những người tham dự không được ồn ào nói chuyện trong khi có người phát biểu trong một cuộc họp. Nhiều người nghĩ rằng, có thể Phao-lô nhắc đến mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 3:16 về sự chồng cai trị vợ nên vợ phải vâng phục chồng.

Chúng ta thấy rõ, sự kiện những người vợ không được nói chuyện trong buổi nhóm của Hội Thánh hoàn toàn không có nghĩa là phụ nữ không được giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Vì trong I Cô-rinh-tô 11:5 nói rõ, người đàn bà phải trùm đầu trong khi cầu nguyện hoặc nói tiên tri. Mà nói tiên tri tức là rao truyền Lời Chúa. Trong sự rao truyền Lời Chúa có sự giảng và sự dạy.

Sự hiểu sai I Cô-rinh-tô 14:34-35 cùng với sự hiểu sai I Ti-mô-thê 2:11-15 đã khiến cho nhiều giáo hội mang danh Chúa không cho phép phụ nữ giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Về ý nghĩa của I Ti-mô-thê 2:11-15 thì xin quý ông bà anh chị em cùng đọc và nghe lại bài giảng “Chú Giải I Ti-mô-thê 2:1-15” đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [2].

36 Lời của Đức Chúa Trời ra từ các anh chị em, hay chỉ đến với các anh chị em?

Lời của Đức Chúa Trời, tức là tất cả những gì do Đức Chúa Trời phán truyền, mà con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thời xưa cũng như chúng ta thời nay được nghe rao giảng và tin nhận, không phải ra từ họ hay ra từ chúng ta. Nhưng Lời của Đức Chúa Trời đến với họ và chúng ta qua những người rao giảng Lời Chúa. Vì thế, bổn phận của họ và của chúng ta là tin và vâng theo Thánh Kinh chứ không phải để lý luận, tìm cách không vâng theo Thánh Kinh.

Một trong những thái độ lý luận tìm cách không vâng theo Lời Chúa điển hình nhất là sự lý luận bác bỏ việc con dân Chúa vâng giữ điều răn thứ tư. Những người chống đối việc con dân Chúa phải vâng giữ điều răn thứ tư đã ngang nhiên tự cho họ có quyền bỏ đi một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, hoặc có quyền đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang ngày Thứ Nhất. Quý ông bà anh chị em chỉ cần tra xem những câu Thánh Kinh có chữ Sa-bát thì sẽ thấy mọi lý luận của họ đều là ngụy biện, hay nói cho đúng hơn đều là quỷ biện, tức là sự biện luận đến từ ma quỷ. Quý ông bà anh chị em có thể đọc và nghe những bài liên quan đến điều răn thứ tư và ngày Sa-bát đã được chúng tôi tổng hợp trên trang “Các Bài Liên Quan Đến Ngày Sa-bát” của khu mạng timhieutinlanh.com [3]. Nếu quý ông bà anh chị em đọc và nghe hết những bài được liệt kê trên trang này, thì sẽ có đủ tất cả những lời phản biện cho mọi lời quỷ biện của những kẻ bác bỏ điều răn thứ tư hoặc đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật.

37 Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay người thiêng liêng, thì người ấy hãy biết rằng, những điều tôi viết cho các anh chị em đây là các mệnh lệnh của Chúa.

Từ xưa cho đến nay, vẫn có một số người trong Hội Thánh tỏ ra mình là người đầy ơn Chúa, tỏ ra mình hiểu biết Lời Chúa hơn mọi người, và hay tranh cãi với những người đã được Chúa ban cho chức vụ rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa. Họ là những người thích tìm kiếm sự vinh quang cho bản thân, muốn mọi người trong Hội Thánh trọng vọng họ. Họ là một kiểu người Pha-ri-si trong Hội Thánh. Chúa vẫn thương xót họ và ban cho họ thời gian, cơ hội để họ ăn năn. Nếu họ không ăn năn thì đến thời điểm Chúa sẽ mửa họ ra, và Hội Thánh sẽ dứt thông công họ.

Đối với những người như vậy, Phao-lô không tranh cãi với họ. Ông chỉ nghiêm khắc viết: Những điều tôi viết cho các anh chị em đây là các mệnh lệnh của Chúa. Có nghĩa là con dân Chúa có bổn phận vâng theo những gì Phao-lô viết mà không được phép tranh cãi. Câu ấy cũng xác nhận, những điều Phao-lô viết chính là Lời Chúa.

38 Nhưng nếu có ai không quan tâm hãy để người ấy không quan tâm.

“Không quan tâm” có nghĩa là biết mà bỏ qua. Nếu có ai đã được nghe giảng dạy Lời Chúa mà rồi vì bất cứ một lý do gì lại bỏ qua, không vâng theo, không thực hành, thì người ấy sẽ gánh trách nhiệm về chính mình trước Chúa. Hội Thánh cũng không cần khuyên bảo gì thêm.

39 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy khao khát nói tiên tri và đừng ngăn cấm sự nói các ngôn ngữ khác.

Trong sự nhóm hiệp của Hội Thánh, sự quan trọng hơn hết là sự được nghe Lời của Đức Chúa Trời rao truyền, giảng giải cho Hội Thánh. Vì thế, mỗi con dân Chúa hãy khao khát ân tứ nói tiên tri. Hãy nhớ, ân tứ nói tiên tri khác với chức vụ tiên tri. Chức vụ tiên tri cũng cần ân tứ nói tiên tri, nhưng chức vụ tiên tri chỉ được ban cho một số người trong Hội Thánh. Còn ân tứ nói tiên tri thì được ban cho mỗi người trong Hội Thánh. Tương tự như vậy là chức vụ giảng dạy Lời Chúa. Chức vụ giảng dạy Lời Chúa cũng cần có ân tứ nói tiên tri nhưng chức vụ giảng dạy Lời Chúa chỉ được ban cho một số người trong Hội Thánh. Nhưng mỗi người trong Hội Thánh đều có thể giảng dạy Lời Chúa qua ân tứ nói tiên tri.

Dù ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ là ân tứ thấp hơn hết trong các ân tứ, nhưng nếu có người thông giải thì Hội Thánh không nên ngăn cản sự nói một ngôn ngữ khác về những sự mầu nhiệm và cao trọng của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh.

40 Mọi sự đều nên làm cách phải lẽ và theo thứ tự.

“Mọi sự” là mọi việc làm của con dân Chúa trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh.

“Làm cách phải lẽ” là làm đúng theo Lời Chúa, đúng nơi, đúng lúc, đúng người.

“Theo thứ tự” là việc cần làm trước thì làm trước, việc nên làm sau thì làm sau; và mỗi người theo phiên mà thực hành các ân tứ Chúa ban.

Một buổi nhóm hiệp thờ phượng Chúa và học Lời Chúa của Hội Thánh ở một địa phương nên bắt đầu với lời cầu nguyện tôn vinh, cảm tạ Chúa và dâng trình buổi nhóm lên Chúa. Tiếp theo là ôn lại Các Điều Răn của Thiên Chúa, rồi ca hát tôn vinh Chúa. Sau đó là nghe sự giảng dạy Lời Chúa, rồi nghe tiếp những lời tâm tình, chia sẻ, tôn vinh, cảm tạ… Rồi nêu ra các nhu cầu và nan đề để cùng nhau dâng trình lên Chúa. Tiếp đến là sự dự Tiệc Thánh và bữa ăn thông công. Sau cùng là lời cầu nguyện cảm tạ Chúa, kết thúc buổi nhóm hiệp.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/06/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-2_1-15/

[3] https://timhieutinlanh.com/cac-bai-lien-quan-den-ngay-sa-bat/

Karaoke Thánh Ca: “Con Đi Theo Chúa”
https://karaokethanhca.net/con-di-theo-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net