Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 01:12-26 Chọn Người Thay Thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt

1,799 views

YouTube: https://youtu.be/EixSHxoBxfg

44003 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12-26
Chọn Người Thay Thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12-26

12 Bấy giờ, họ từ núi gọi là Ô-li-ve trở về, đến Giê-ru-sa-lem. Núi ấy gần Giê-ru-sa-lem chỉ có một chặng đường của ngày Sa-bát.

13 Khi họ đã về đến, họ đi lên, vào trong một phòng cao, là nơi ở của cả Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt, và Giu-đa con của Gia-cơ.

14 Hết thảy các người đó đã tiếp tục hiệp ý trong sự cầu nguyện và sự khẩn xin với các người đàn bà và Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus, cùng với các em trai của Ngài.

15 Trong các ngày đó, Phi-e-rơ đã đứng dậy trong vòng các môn đồ, và danh sách số đông nhóm với nhau là vào khoảng một trăm hai mươi, người nói:

16 Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Lời Thánh Kinh này mà Đức Thánh Linh bởi miệng của Đa-vít phán trước đây về Giu-đa, là kẻ dẫn đường cho chúng bắt Đức Chúa Jesus, cần được ứng nghiệm.

17 Vì nó vốn được đếm số với chúng tôi và đã nhận phần trong chức vụ này.

18 Nhưng thực tế, nó đã sở hữu một mảnh ruộng bởi số tiền thưởng của tội ác; rồi ngã nhào xuống, nứt bụng, và hết thảy ruột của nó đổ ra.

19 Sự đó được hết thảy cư dân tại Giê-ru-sa-lem biết, đến nỗi mảnh ruộng đó được gọi theo thổ âm của họ là Ác-en-đa-ma, nghĩa là ruộng máu.

20 Vì đã được chép trong sách Thi Thiên: Nguyện chỗ ở của nó trở nên hoang vắng và không ai cư trú tại đó. Nguyện người khác nhận lấy chức giám mục của nó. [Thi Thiên 69:25; 109:8]

21 Vậy, cần phải trong những người đã theo cùng chúng tôi trọn lúc, trong khi Đức Chúa Jesus vào ra và tới lui giữa chúng tôi,

22 bắt đầu từ sự báp-tem của Giăng cho tới ngày mà Ngài được cất lên khỏi chúng ta, một trong số họ trở nên chứng nhân với chúng tôi về sự phục sinh của Ngài.

23 Họ cử ra hai người: Giô-sép, được gọi là Ba-sa-ba mà tên họ là Giúc-tu; và Ma-thia.

24 Và họ cầu nguyện rằng: Lạy Chúa! Ngài là Đấng biết lòng của mọi người, xin Ngài chỉ ra ai, một trong hai người này, mà Ngài đã chọn,

25 để nhận phần của mục vụ này và chức vụ sứ đồ bởi sự Giu-đa đã phạm tội, bị dời đi vào trong nơi của nó.

26 Rồi, họ gieo các thăm của họ. Thăm rơi vào Ma-thia, và người được đếm số với mười một sứ đồ.

Từ ngày Đấng Christ thăng thiên cho tới khi Hội Thánh được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần, có một khoảng thời gian là bảy ngày. Trong bảy ngày đó, các môn đồ của Đấng Christ cùng nhau nhóm hiệp để cầu nguyện, theo lời phán dạy của Ngài.

Chúng ta cần chú ý điều này, Đấng Christ chỉ phán bảo họ ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem mà cầu nguyện, trong khi chờ đợi sự ban cho của Đức Chúa Trời, tức là sự ban cho Đức Thánh Linh, và được Đấng Christ báp-tem họ trong thánh linh. Đấng Christ không hề cho họ biết ngày nào thì Đức Thánh Linh sẽ được ban cho họ và khi nào thì họ sẽ được báp-tem trong thánh linh. Điều đó cũng tương tự như lời Đấng Christ phán dạy về sự trở lại của Ngài dành cho Hội Thánh:

“Vậy, hãy tỉnh thức và luôn cầu nguyện, để các ngươi được xứng đáng tránh khỏi mọi sự ấy sẽ xảy ra và được đứng trước Con Người.” (Lu-ca 21:36).

Ngày nay, hơn bao giờ hết, Hội Thánh cần tỉnh thức và cầu nguyện cho ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Mỗi người phải sống thánh sạch theo Lời Chúa để xứng đáng tránh khỏi cơn đại nạn của Kỳ Tận Thế và được đứng trước mặt Đấng Christ trong ngày Chúa đến.

Trong khoảng thời gian cầu nguyện và chờ đợi, có lẽ các môn đồ của Chúa đều nhóm hiệp mỗi ngày. Vào một trong các buổi nhóm hiệp ấy, họ đã gieo thăm để chọn người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trong chức vụ sứ đồ.

Chúng ta đã biết, chính Đức Chúa Jesus đã kêu gọi và chọn ra 12 người trong các môn đồ của Ngài để ban cho họ chức vụ sứ đồ. Sứ đồ là người trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, thay thế Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương. Các sứ đồ và các môn đồ làm công việc rao giảng Tin Lành đều được Chúa sai đi từng đôi (Mác 6:7; Lu-ca 10:1). Nhưng vì Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một trong 12 sứ đồ, đã phạm tội và tự sát nên Phi-e-rơ đã đứng lên, triệu tập một buổi nhóm hiệp các môn đồ của Chúa để chọn người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Vì có hai người được đề cử nên các môn đồ của Chúa đã dùng phương thức gieo thăm để chọn ra một trong hai.

Phân đoạn Thánh Kinh chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong bài này ghi lại sự gieo thăm chọn người vào trong chức vụ sứ đồ thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt; và cũng đưa ra tiêu chuẩn một người phải có để được chọn làm sứ đồ trong nhóm 12 sứ đồ.

12 Bấy giờ, họ từ núi gọi là Ô-li-ve trở về, đến Giê-ru-sa-lem. Núi ấy gần Giê-ru-sa-lem chỉ có một chặng đường của ngày Sa-bát.

“Bấy giờ” là ngay sau khi hai thiên sứ phán với các môn đồ của Chúa, như đã được ghi lại trong câu 11.

Núi Ô-li-ve ở về phía đông của thành Giê-ru-sa-lem, nằm trong địa phận của làng Bê-tha-ni. Từ tường thành phía đông của Giê-ru-sa-lem đến núi Ô-li-ve là một khoảng đường dài chừng một ngày đường mà dân I-sơ-ra-ên được phép đi trong ngày Sa-bát, theo luật của Do-thái Giáo. Thánh Kinh không hề đưa ra giới hạn là trong ngày Sa-bát thì một người chỉ được phép đi bao xa. Sự giới hạn là do những thầy dạy luật trong Do-thái Giáo đặt ra. Theo truyền thống của Do-thái Giáo thì trong ngày Sa-bát, một người không được đi quá 2.000 cu-bít [1]. Một cu-bít là chiều dài của một cánh tay người lớn, từ cùi chỏ đến đầu ngón tay giữa, trung bình là ½ mét. Hai ngàn cu-bít tương đương 1 km.

13 Khi họ đã về đến, họ đi lên, vào trong một phòng cao, là nơi ở của cả Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt, và Giu-đa con của Gia-cơ.

“Về đến” là về đến thành Giê-ru-sa-lem.

“Phòng cao” là căn phòng thuộc tầng trên của căn nhà.

Theo một số tài liệu xưa trong Hội Thánh thì căn nhà có phòng cao được nói đến trong câu này là nhà của Giăng Mác, người viết sách Mác và cũng là người theo Ba-na-ba và Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô. Gia đình của Mác giàu có. Vì thế, nhà của Mác rộng lớn, được dùng làm nơi nhóm hiệp của các môn đồ (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:12) và nơi trú ngụ cho các sứ đồ của Chúa. Phòng cao này cũng có thể là nơi Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài ăn bữa ăn của Lễ Vượt Qua, trước khi Ngài bị bắt (Mác 14:12-16). Và cũng có thể là nơi Đức Chúa Jesus hiện ra với các môn đồ, sau khi Ngài phục sinh (Lu-ca 24:33-43; Giăng 20:19, 26).

Qua câu này, chúng ta thấy cả 11 sứ đồ của Chúa, đều cư trú trong căn phòng cao này (so sánh Lu-ca 6:14-16).

14 Hết thảy các người đó đã tiếp tục hiệp ý trong sự cầu nguyện và sự khẩn xin với các người đàn bà và Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus, cùng với các em trai của Ngài.

“Cầu nguyện” là thưa chuyện với Thiên Chúa.

“Khẩn xin” là tha thiết kêu cầu Chúa về một điều gì đó trong khi cầu nguyện.

Ngoài 11 sứ đồ còn có nhiều môn đồ khác của Chúa đến nhóm hiệp trong căn phòng cao để cùng nhau cầu nguyện và khẩn xin. Có nhiều phụ nữ tham dự. Có Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus. Có các em trai của Đức Chúa Jesus. Theo Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus có ít nhất là bốn em trai và hai em gái. Các em trai được liệt kê với bốn tên, còn các em gái chỉ được nhắc đến với danh từ “em gái” số nhiều, nên ít nhất là Đức Chúa Jesus có hai em gái (Ma-thi-ơ 13:54-57; Mác 6:3). Thánh Kinh dùng danh từ “a-đeo-phót” (G80) để gọi các em trai của Ngài và dùng danh từ “a-đeo-phây” (G79) để gọi các em gái của Ngài. Cả hai danh từ này đều được dùng để gọi anh chị em ruột, cùng cha mẹ hoặc ít nhất là cùng cha hay cùng mẹ. Vì thế, chúng ta hiểu rằng, sau khi bà Ma-ri sinh ra Đức Chúa Jesus thì bà đã sinh ra thêm các con trai và con gái cho Giô-sép, chồng của bà. Giáo lý của Công Giáo dạy rằng, bà Ma-ri đồng trinh trọn đời là không đúng Thánh Kinh.

15 Trong các ngày đó, Phi-e-rơ đã đứng dậy trong vòng các môn đồ, và danh sách số đông nhóm với nhau là vào khoảng một trăm hai mươi, người nói:

16 Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Lời Thánh Kinh này mà Đức Thánh Linh bởi miệng của Đa-vít phán trước đây về Giu-đa, là kẻ dẫn đường cho chúng bắt Đức Chúa Jesus, cần được ứng nghiệm.

“Trong các ngày đó” là khoảng thời gian bảy ngày, sau ngày Đấng Christ thăng thiên và trước ngày Lễ Ngũ Tuần.

Nhóm chữ “danh sách số đông nhóm với nhau” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là: “con số tên của các người nhóm với nhau”; hàm ý, số người nhóm hiệp biết tên lẫn nhau. Chi tiết này giúp cho chúng ta hiểu rằng, trong số các môn đồ của Đức Chúa Jesus, có khoảng 120 người rất là thân thiết với nhau. Đa số họ từ xứ Ga-li-lê đến và có lẽ một số ít là dân thành Giê-ru-sa-lem. Mà cũng có thể những người cư trú tại Giê-ru-sa-lem đều đến từ Ga-li-lê.

Phi-e-rơ đã đứng lên giữa các môn đồ, trong một buổi nhóm, áp dụng lời Thi Thiên cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Phi-e-rơ đã xác định rằng, lời Thi Thiên do Vua Đa-vít hát ra là lời được thần cảm bởi Đức Thánh Linh.

Chúng ta cần biết rằng, 150 đoạn Thi Thiên trong Thánh Kinh là 150 bài thánh ca do Đấng Thần Linh thần cảm cho một số con dân Chúa viết ra để dân I-sơ-ra-ên tôn vinh, cảm tạ, và cầu xin Thiên Chúa. Nhiều đoạn Thi Thiên cũng chính là lời tiên tri về những sự sẽ xảy đến trong thời Tân Ước và trong Vương Quốc Trời. Nhiều đoạn Thi Thiên cũng là lời tiên tri được áp dụng cho từng con dân Chúa, như Thi Thiên 1 hoặc 23. Vì thế, chắc chắn là có lời tiên tri trong Thi Thiên ứng nghiệm cho trường hợp của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một trong 12 sứ đồ nhưng đã trở thành kẻ phản nghịch Chúa.

17 Vì nó vốn được đếm số với chúng tôi và đã nhận phần trong chức vụ này.

18 Nhưng thực tế, nó đã sở hữu một mảnh ruộng bởi số tiền thưởng của tội ác; rồi ngã nhào xuống, nứt bụng, và hết thảy ruột của nó đổ ra.

Thuật ngữ “được đếm số” có nghĩa là được đếm vào số người biệt riêng cho một mục đích.

“Được đếm số với chúng tôi” có nghĩa là được kể là một trong các sứ đồ của Đấng Christ.

“Nhận phần trong chức vụ này” có nghĩa là nhận phần trong chức vụ sứ đồ.

Động từ “kơ-tó-ơ-mai” (G2932) có nghĩa là mua; sở hữu; chiếm lấy; thu thập… tùy theo văn mạch.

Liên kết Ma-thi-ơ 27:5 với các chi tiết trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:18 chúng ta có thể hiểu như sau: Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thắt cổ tự sát. Có thể dây thắt cổ bị đứt hoặc cành cây Giu-đa Ích-ca-ri-ốt treo mình bị gẫy vì không chịu được sức nặng của ông, khiến cho ông bị rơi xuống triền đá, bị cạnh đá bén rạch đứt bụng, làm ruột đổ ra ngoài. Cũng có thể là sau khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt chết vài ngày, xác chết trương phình, dây đứt, xác rơi xuống đất, nứt bụng, đổ ruột.

Riêng về việc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt sở hữu một mảnh ruộng với số tiền bán Chúa thì Ma-thi-ơ đã ghi rõ: Sau khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bán Đức Chúa Jesus cho các thầy tế lễ của Do-thái Giáo với giá 30 miếng bạc, là giá tiền bán một nô lệ, ông đã hối hận. Ông đã đem số tiền đó ném trả lại cho họ, rồi đi ra ngoài, thắt cổ, tự sát (Ma-thi-ơ 27:3-10). Các thầy tế lễ đã dùng số bạc đó mua một miếng ruộng, làm chỗ chôn những xác chết vô thừa nhận. Vì số tiền đó vốn là của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt nên mảnh ruộng đó được xem là thuộc sở hữu của ông.

19 Sự đó được hết thảy cư dân tại Giê-ru-sa-lem biết, đến nỗi mảnh ruộng đó được gọi theo thổ âm của họ là Ác-en-đa-ma, nghĩa là ruộng máu.

“Sự đó” là sự Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bán Chúa, hối hận tự sát, xác chết của ông rơi xuống đất, nứt bụng, đổ ruột ra ngoài. Tiền bán Chúa của ông được dùng mua một mảnh ruộng làm nghĩa trang cho những xác chết vô thừa nhận.

“Thổ âm” được nói đến ở đây là tiếng A-ra-mai được nói bởi dân I-sơ-ra-ên sống tại Giê-ru-sa-lem. Tiếng A-ra-mai có cùng nguồn gốc với tiếng Hê-bơ-rơ, là ngôn ngữ của các đế quốc A-si-ri và Ba-bi-lôn, và là ngôn ngữ thứ hai của dân I-sơ-ra-ên, theo sau tiếng Hê-bơ-rơ. Tiếng A-ra-mai đã trở nên thông dụng trong dân I-sơ-ra-ên sau cuộc lưu đày ở Ba-bi-lôn. Đây cũng là tiếng mẹ đẻ của Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Chúa.

Mảnh ruộng của người thợ gốm được dân thành Giê-ru-sa-lem gọi là “ruộng máu” vì số tiền mua nó là số tiền có được bởi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bán Chúa, khiến Ngài bị giết.

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:19 không phải là lời nói của Phi-e-rơ mà là một câu giải thích của Lu-ca.

20 Vì đã được chép trong sách Thi Thiên: Nguyện chỗ ở của nó trở nên hoang vắng và không ai cư trú tại đó. Nguyện người khác nhận lấy chức giám mục của nó. [Thi Thiên 69:25; 109:8]

Phi-e-rơ cùng lúc nhắc đến hai câu Thi Thiên trong hai đoạn khác nhau để áp dụng cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Chúng ta cần ghi nhớ điều này, trước hết, Phi-e-rơ là người thất học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13), kế đến, vào thời của Phi-e-rơ, các văn bản Thánh Kinh đều được chép bằng tay và giá thành rất cao, gấp mấy lần tiền công lao động trong một năm của một người. Chỉ những nhà hội của Do-thái Giáo và những người giàu mới có Thánh Kinh. Người bình thường chỉ đến Đền Thờ hoặc các nhà hội để được nghe đọc Thánh Kinh vào mỗi ngày Sa-bát. Vì thế, những câu Thánh Kinh mà Phi-e-rơ trích dẫn là do ông nghe đọc rồi ghi nhớ. Điều đó chứng tỏ Phi-e-rơ là một người có lòng tin kính Chúa và ham thích Lời Chúa.

Dưới đây là nguyên văn hai câu Thi Thiên mà Phi-e-rơ trích dẫn:

“Nguyện đồn trại của chúng nó bị bỏ hoang. Nguyện trong các lều của chúng nó là không người cư trú.” (Thi Thiên 69:25).

“Nguyện các ngày của nó là ít. Nguyện kẻ khác chiếm lấy chức giám sát của nó.” (Thi Thiên 109:8).

Chúng ta thấy, Phi-e-rơ đã đổi số nhiều “chúng nó” trong Thi Thiên 69:25 thành số ít “nó”. Điều này cho chúng ta thấy, Phi-e-rơ trích dẫn ý nghĩa áp dụng chứ không trích dẫn nguyên văn của Thi Thiên 69:25. Nghĩa là trích ý chứ không trích lời. Đây cũng là cách trích dẫn ý nghĩa của Cựu Ước để áp dụng trong Tân Ước mà chúng ta thường gặp trong Thánh Kinh Tân Ước.

Chúng ta không biết gì về chỗ ở của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, nhưng chúng ta biết chức vụ sứ đồ của ông đã được người khác nhận lấy.

Danh từ “chức giám sát” dùng để gọi người đứng đầu và chăm sóc trong một đơn vị, một văn phòng. Trong Tân Ước được dịch là “giám mục” để chỉ trưởng lão đứng đầu trong một Hội Thánh địa phương. Mỗi sứ đồ của Chúa đương nhiên là giám mục của Hội Thánh địa phương nơi họ tạm trú và thi hành mục vụ. Riêng trường hợp tại thành Giê-ru-sa-lem, cùng lúc có 12 sứ đồ cư trú thì Gia-cơ, em Chúa, là giám mục.

21 Vậy, cần phải trong những người đã theo cùng chúng tôi trọn lúc, trong khi Đức Chúa Jesus vào ra và tới lui giữa chúng tôi,

22 bắt đầu từ sự báp-tem của Giăng cho tới ngày mà Ngài được cất lên khỏi chúng ta, một trong số họ trở nên chứng nhân với chúng tôi về sự phục sinh của Ngài.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:21-22, Phi-e-rơ đã đưa ra tiêu chuẩn cần thiết để một người được chọn làm sứ đồ trong nhóm 12 sứ đồ. Người ấy phải là người đã theo cùng các sứ đồ trọn thời gian Đấng Christ thi hành mục vụ, bắt đầu từ khi Đấng Christ chịu báp-tem bởi Giăng Báp-tít cho tới khi Đấng Christ thăng thiên. Có như vậy, người ấy mới chứng kiến đầy đủ mọi việc Đấng Christ làm, nghe đầy đủ mọi lời Đấng Christ dạy, và có thể là một chứng nhân trọn vẹn cho Đấng Christ.

Nhóm chữ “vào ra và tới lui” có nghĩa là thường xuyên ở bên cạnh trong mọi hoàn cảnh.

Chúng ta nên hiểu rằng, đây là tiêu chuẩn và điều kiện của chức vụ sứ đồ trước khi Hội Thánh được thành lập, là 12 sứ đồ mà lời rao giảng của họ liên kết với Đấng Christ để làm nền tảng của Hội Thánh; tên của họ được ghi trên 12 nền của thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời (Khải Huyền 21:14). Chức vụ sứ đồ này khác với chức vụ sứ đồ trong Hội Thánh, do Đức Chúa Trời thiết lập, sau khi Hội Thánh được thành lập (I Cô-rinh-tô 12:28). Hai người đầu tiên nhận chức vụ sứ đồ trong Hội Thánh là Phao-lô và Ba-na-ba (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2).

Một số người dựa vào lời của Phi-e-rơ về điều kiện để được làm sứ đồ mà kết luận rằng, sau 12 sứ đồ thì không có ai khác là sứ đồ trong Hội Thánh. Nhưng họ đã quên rằng, chính Phao-lô đã nhiều lần khẳng định chức vụ sứ đồ của ông, dù ông không hội đủ điều kiện do Phi-e-rơ đưa ra. Những người lập luận như vậy đã không phân biệt chức vụ sứ đồ trước khi Hội Thánh được thành lập với chức vụ sứ đồ sau khi Hội Thánh được thành lập. Tương tự như vậy là chức vụ tiên tri và chức vụ thầy tế lễ.

23 Họ cử ra hai người: Giô-sép, được gọi là Ba-sa-ba mà tên họ là Giúc-tu; và Ma-thia.

24 Và họ cầu nguyện rằng: Lạy Chúa! Ngài là Đấng biết lòng của mọi người, xin Ngài chỉ ra ai, một trong hai người này, mà Ngài đã chọn,

25 để nhận phần của mục vụ này và chức vụ sứ đồ bởi sự Giu-đa đã phạm tội, bị dời đi vào trong nơi của nó.

Các môn đồ có mặt trong buổi nhóm đã cử ra hai người. Lý do Giô-sép và Ma-thia được đề cử có lẽ là vì trong số các môn đồ có mặt tại đó, chỉ có hai ông là hội đủ điều kiện để làm sứ đồ. Sau khi đề cử, có lẽ thay vì một người đại diện dâng lời cầu xin thì mỗi người đều cầu xin Chúa chỉ ra người mà Ngài đã chọn làm sứ đồ thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

“Chúa biết lòng của mọi người” hàm ý, Chúa biết ai là người có lòng sốt sắng với chức vụ hơn. Các môn đồ chỉ nhìn thấy biểu hiện bên ngoài nhưng không nhìn biết được bên trong lòng người.

“Ngài đã chọn” hàm ý, các môn đồ tin rằng, Chúa đã tự Ngài chọn ra một người thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị mất chức vụ sứ đồ vì ông phạm tội chứ không phải vì ông chết. Vì thế, cần có người thay thế chức vụ của ông. Về sau, các sứ đồ lần lượt tử Đạo và cuối cùng là Sứ Đồ Giăng chết già. Nhưng không có việc chọn người thay thế, vì tuy họ chết nhưng chức vụ không bị cất đi khỏi họ. Vì thế, tên của họ được ghi trên các nền của thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Phương cách để Chúa chỉ ra người Ngài đã chọn là cách gieo thăm. Lời Chúa dạy:

“Cái thăm được gieo vào lòng nhưng trọn sự quyết định là từ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Châm Ngôn 16:33).

Nhóm chữ “gieo vào lòng” có nghĩa rộng là vạt áo được kéo ra giữa hai đùi và thăm được gieo trên vạt áo.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, tất cả các sự gieo thăm được ghi lại trong Thánh Kinh đều là vào thời Cựu Ước; và lần sau cùng được chép lại trong phân đoạn này là liền trước khi Hội Thánh được thành lập. Kể từ khi Hội Thánh được thành lập thì không có chuyện gieo thăm tìm cầu ý Chúa nữa, vì Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã ở cùng Hội Thánh và ngự trong thân thể của mỗi con dân Chúa, khiến cho con dân Chúa nói riêng và Hội Thánh nói chung vừa muốn vừa làm theo thánh ý của Thiên Chúa:

“Nhưng Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào trong mọi lẽ thật. Vì Ngài sẽ không tự mình nói, nhưng mọi điều Ngài đã nghe thì Ngài sẽ nói, và Ngài sẽ báo cho các ngươi những sự xảy đến.” (Giăng 16:13).

“Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Vì thế, ngày nay con dân Chúa không dùng cách gieo thăm để tìm cầu ý Chúa nhưng lắng nghe sự phán dạy của Đức Thánh Linh. Chúng ta thấy, khi Hội Thánh lập chức chấp sự thì con dân Chúa trong Hội Thánh đã bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh mà chọn ra bảy người đầy đức tin và đầy thánh linh làm chấp sự (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1-6); không hề có chuyện gieo thăm. Rồi khi Phao-lô và Ba-na-ba được chọn làm sứ đồ cho các dân ngoại thì chính Đức Thánh Linh chỉ định họ mà không qua sự gieo thăm (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2).

“Bị dời đi vào trong nơi của nó” hàm ý, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị dời từ nơi sáng láng của những người được cứu chuộc vào trong nơi tối tăm của những kẻ bị hư mất đời đời. Lời phán của Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị hư mất đời đời:

“Khi Con còn với họ trong thế gian, Con đã giữ họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho Con. Con đã giữ họ và không một ai trong họ bị hư mất, trừ đứa con của sự hư mất, để Thánh Kinh được ứng nghiệm.” (Giăng 17:12).

“Đứa con của sự hư mất” được nói đến chính là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Lời Thánh Kinh được ứng nghiệm là lời mà Phi-e-rơ đã trích dẫn từ Thi Thiên, trong ngày chọn người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

26 Rồi, họ gieo các thăm của họ. Thăm rơi vào Ma-thia, và người được đếm số với mười một sứ đồ.

Động từ “đí-đô-mi” (G1325) có nghĩa đen là ban ra, cho ra, đưa ra, giao ra, gieo ra, nhường ra, trao ra; đưa cho xem; đánh bằng tay… được dịch là “gieo” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:26 để chỉ hành động gieo thăm.

Danh từ “klay-rót” (G2819) được dịch là “thăm”, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ một vật dùng làm thăm trong việc gieo thăm. Vật đó có thể là một hòn sỏi, một mảnh sành, hay một mảnh gỗ… có hai mặt phẳng. Trên một mặt phẳng, tên của người hay vật cần được gieo thăm, được viết lên. Sau đó, thăm được gieo ra, nếu mặt thăm có tên của người hay vật viết trên đó ngửa lên, thì người hay vật ấy được chọn.

Thời Cựu Ước, dân I-sơ-ra-ên đã nhiều lần dùng cách gieo thăm để giải quyết một số việc:

  • Thiên Chúa truyền cho Môi-se dùng cách gieo thăm để chia đất cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên (Dân Số Ký 26:52-56; Giô-suê 14-19).
  • Vua Sau-lơ dùng cách gieo thăm để tìm người phạm tội (I Sa-mu-ên 14:41-43).
  • Vua Đa-vít dùng cách gieo thăm để phân chia nhiệm vụ cho các thầy tế lễ (I Sử Ký 24).

Chúng ta không biết rõ chi tiết về sự gieo thăm của các môn đồ. Vì Công Vụ Các Sứ Đồ 1:26 ghi rõ “họ gieo các thăm của họ” nên rất có thể mỗi môn đồ có mặt trong buổi nhóm đều có một vật được dùng làm thăm. Trên thăm một mặt viết tên Giô-sép và một mặt viết tên Ma-thia. Sau đó, mỗi người gieo thăm của mình ra. Tên của người nào hiện ra nhiều nhất thì gọi là thăm đã rơi trên người ấy, và người ấy được chọn.

Kết quả, thăm rơi vào Ma-thia và Ma-thia được chọn. Tên Ma-thia có nghĩa là “sự ban cho của Thiên Chúa”.

Ma-thia được đếm số với mười một sứ đồ có nghĩa là ông được kể là sứ đồ và ngang hàng với mười một sứ đồ. Một lần nữa, các sứ đồ của Đấng Christ lại có đủ 12 người, sẵn sàng cho ngày Hội Thánh được thành lập.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/04/2021

Ghi Chú

[1] http://www.biblestudytools.com/encyclopedias/isbe/sabbath-days-journey.html 

Karaoke Thánh Ca: “Anh Từng Nói”
https://karaokethanhca.net/anh-tung-noi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.