Chú Giải Rô-ma 03:27-31

6,582 views

Roma_015 Đức Tin và Luật Pháp
(Rô-ma 3:27-31)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

27 Vậy, sự khoe mình ở đâu? Nó đã bị trừ bỏ. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của những việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin;

28 Vậy nên, chúng ta kết luận: người ta được xưng công chính bởi đức tin, mà không bởi những việc làm của luật pháp.

29 Hay là: Đức Chúa Trời chỉ là của những người Do-thái, nhưng chẳng phải của các dân tộc? Phải, Ngàicũng là của các dân tộc.

30 Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ xưng công chính kẻ chịu cắt bì ra từ đức tin và kẻ thuộc về đức tin mà không chịu cắt bì.

31 Vậy, chúng ta bởi sự thuộc về đức tin mà hủy bỏ luật pháp hay sao? Chẳng phải vậy! Nhưng chúng ta làm cho vững bền luật pháp.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMDY3MTBf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11615-chugiairoma-3-27-31-ductinvaluatphap
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/vrxvmxvumg7rbvr/11615_ChuGiaiRoma_3_27-31_DucTinVaLuatPhap.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Một trong những giáo lý sai lầm vẫn thường được giảng dạy trong Hội Thánh là: “Người tin Chúa được cứu bởi đức tin và không còn ở dưới luật pháp, cho nên, người tin Chúa không cần phải vâng giữ các điều răn của Chúa.” Các câu Thánh Kinh được đưa ra để hổ trợ cho giáo lý này là:

“Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8-9).

“Nhưng, nếu các anh chị em nhờ thần trí dẫn dắt, thì các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp.” (Ga-la-ti 5:18).

Những người giảng dạy giáo lý này đã giải thích sai và áp dụng sai Thánh Kinh, để bảo vệ cho tà giáo. Đúng là Thánh Kinh xác định, một người được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin, nhưng Thánh Kinh không hề dạy rằng, người đã được cứu không cần phải vâng giữ các điều răn của Chúa. Thánh Kinh nói, người đã được cứu thì không còn ở dưới luật pháp, có nghĩa là người ấy không còn bị luật pháp hình phạt vì những sự người ấy vi phạm luật pháp, bởi vì, Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay án phạt cho người ấy; chứ không có nghĩa là người ấy không cần phải vâng giữ các điều răn của Chúa.

Trong năm câu cuối cùng của Rô-ma 3, Phao-lô đã trình bày rõ: một người được cứu bởi đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ chứ không bởi sự người ấy làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đức tin không hề hủy bỏ luật pháp, trái lại người đã được cứu có bổn phận phải vâng giữ luật pháp. Điều này không phải chỉ áp dụng riêng cho dân I-sơ-ra-ên, mà là áp dụng chung cho mọi dân tộc. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của mọi dân tộc và luật pháp của Đức Chúa Trời được áp dụng chung cho mọi dân tộc.

Sự Được Cứu và Sự Vâng Giữ Luật Pháp

Chúng ta cần phân biệt rõ các điều sau đây:

1. Chúng ta bị luật pháp hình phạt, bị hư mất vì chúng ta vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.

2. Đức Chúa Jesus Christ gánh thay cho chúng ta sự hình phạt của luật pháp. Nếu chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Sức mạnh của tội lỗi là bản chất tội ở trong chúng ta, khiến cho chúng ta không thể không phạm tội. Hậu quả của tội lỗi là bị hình phạt hư mất đời đời trong hỏa ngục.

3. Người được cứu là người không còn bị hình phạt bởi luật pháp, tức là không còn ở dưới luật pháp, cũng không còn khuất phục sức mạnh của tội lỗi. Vì thế, người ấy có khả năng sống theo các điều răn của Đức Chúa Trời, làm cho vững bền luật pháp của Ngài, được Đức Chúa Trời xưng là công chính.

4. Người được cứu thì được Đức Thánh Linh chép luật pháp của Đức Chúa Trời vào trong lòng để người ấy tự nhiên sống theo luật pháp của Ngài: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta.” (Giê-rê-mi 31:33). “Chúa phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên. Sau những ngày đó, Ta sẽ để các luật pháp của Ta trong trí của họ và ghi chúng trong lòng của họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân Ta.” (Hê-bơ-rơ 8:10). “Chúa phán: Này, giao ước Ta sẽ lập với chúng nó, sau những ngày đó, Ta sẽ để các luật pháp của Ta vào lòng của chúng nó và trong trí của chúng nó Ta sẽ chép.” (Hê-bơ-rơ 10:16).

5. Chúng ta được cứu ra khỏi nếp sống cũ phạm pháp để sống một nếp sống mới làm cho vững bền luật pháp (Rô-ma 3:31). Không phải chúng ta được cứu khỏi hình phạt của luật pháp để tha hồ phạm pháp.

6. Chính sự kiện chúng ta vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, tôn cao luật pháp của Ngài chứng minh rằng chúng ta đã được cứu. Người vẫn còn sống trong tội là người chưa được cứu.

7. Sự cậy nơi việc làm theo luật pháp để được cứu là sai, khác với sự sau khi đã nhờ ân điển bởi đức tin được cứu thì cậy Thánh Linh để vâng giữ luật pháp, là điều Thánh Kinh dạy bảo.

Nói tóm lại: Chúng ta cậy ân điển và đức tin chứ không cậy việc làm theo luật pháp để được cứu; nhưng sau khi đã được cứu thì chúng ta cậy Thánh Linh để vâng giữ luật pháp mà Đức Thánh Linh đã ghi chép trong lòng chúng ta, làm cho vững bền luật pháp của Đức Chúa Trời.

Nhờ Thần Trí Dẫn Dắt

“Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt! Vì xác thịt ưa muốn trái với sự ưa muốn của tâm thần và tâm thần trái với của xác thịt. Hai bên trái nghịch nhau, nên các anh chị em không làm được điều mình muốn. Nhưng, nếu các anh chị em nhờ thần trí dẫn dắt, thì các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp.” (Ga-la-ti 5:16-18).

“Bước đi trong thần trí” có nghĩa là sống theo sự tâm thần nhận thức về điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, sống theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh trong tâm thần. Nếu chúng ta sống như vậy thì chúng ta không làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt mà chỉ làm những điều ưa muốn nào của xác thịt không nghịch lại điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Từ ngữ được dịch là “tâm thần” trong Ga-la-ti 5:17, theo văn phạm, có thể chỉ về Đức Thánh Linh mà cũng có thể chỉ về tâm thần của người đã được cứu. Dù từ ngữ đó chỉ về Đức Thánh Linh hay chỉ về tâm thần của người đã được cứu thì sự ưa muốn của tâm thần một người đã được cứu luôn luôn phản ánh sự ưa muốn của Đức Thánh Linh: “Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Một người bước đi theo thần quyền thì không còn làm theo những điều ưa muốn bất chính của xác thịt, cho nên, không phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Một người không phạm các điều răn của Đức Chúa Trời thì không bị ở dưới luật pháp, tức là không bị luật pháp lên án. Nếu người đã được cứu vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời thì lập tức người ấy bị luật pháp lên án:

“Nếu các anh chị em thật sự vâng giữ toàn vẹn vương pháp, theo như Thánh Kinh: Hãy yêu người lân cận như mình! Thì các anh chị em ăn ở tốt lắm. Nhưng nếu các anh chị em tư vị người ta, thì các anh chị em phạm tội, bị luật pháp định tội như những kẻ phạm luật. Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:8-10).

Chú Giải Rô-ma 3:27-31

27 Vậy, sự khoe mình ở đâu? Nó đã bị trừ bỏ. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của những việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin;

Sự khoe mình nói đến ở đây là sự khoe mình về sự được tha tội và làm cho sạch tội. Trước khi ân điển đến, loài người dựa vào sự vâng giữ luật pháp để nhận được lời hứa về sự tha tội của Đức Chúa Trời. Không ai có thể giữ trọn vẹn Mười Lời của Đức Chúa Trời, tức là Mười Điều Răn, vì thế luật pháp quy định việc dâng sinh tế để chuộc tội. Hễ ai làm theo quy định của luật pháp về việc dâng sinh tế chuộc tội thì người ấy nhận được lời hứa về sự tha tội của Đức Chúa Trời. Gọi là lời hứa về sự tha tội bởi vì sự tha tội không xảy ra khi tội nhân dâng sinh tế, mà chỉ có thể xảy ra khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá, là lúc bức màn trong đền thờ, tiêu biểu cho tội lỗi ngăn cách Đức Chúa Trời khỏi loài người, bị xé ra.

Thánh Kinh khẳng định, huyết của con sinh không thể chuộc tội mà chỉ là hình bóng về sự huyết của Đức Chúa Jesus Christ sẽ đổ ra để chuộc tội cho nhân loại: “Ấy là một hình bóng chỉ về đời bây giờ, để tỏ rằng các lễ vật và hi sinh dâng đó, không có thể làm cho kẻ thờ phượng được vẹn lành về lương tâm” (Hê-bơ-rơ 9:9). “Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. Vì máu của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được” (Hê-bơ-rơ 10:3-4). “… máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:7).

Như vậy, sự cứu rỗi, tức là sự được tha tội và làm cho sạch tội mà loài người nhận được là bởi đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ chứ không bởi sự dâng của lễ chuộc tội theo quy định của luật pháp, cho nên, không ai có thể khoe mình, đại khái khoe là: nhờ tôi làm theo sự đòi hỏi của luật pháp mà tôi được cứu. Sự dâng sinh tế chuộc tội theo luật pháp cùng một lúc nhắc cho mọi người biết mình là tội nhân và tiêu biểu cho sự chuộc tội mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ làm ra cho cả nhân loại.

Trong khi luật pháp của việc làm, còn gọi là luật pháp Môi-se (với ý nghĩa Môi-se là người nhận luật pháp ấy từ Đức Chúa Trời để truyền đạt cho con dân Chúa), lên án và hình phạt kẻ phạm pháp, thì luật pháp của đức tin xưng công chính kẻ nào tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta cần ghi nhớ điều quan trọng này: sự kiện Đức Chúa Jesus Christ chết thay cho nhân loại và sự kiện hễ ai ăn năn tội, tin nhận sự chết thay chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy được tha tội, cũng chính là luật pháp của Đức Chúa Trời, và được gọi là luật pháp của đức tin hoặc luật pháp của ân điển hoặc luật pháp của Đấng Christ (với ý nghĩa Đấng Christ nhận luật pháp ấy từ Đức Chúa Trời để truyền đạt cho con dân Chúa). Luật pháp của đức tin trừ bỏ tất cả những sự khoe mình, vì sự cứu rỗi do chính Đức Chúa Jesus Christ thực hiện và ban cho nhân loại.

28 Vậy nên, chúng ta kết luận: người ta được xưng công chính bởi đức tin, mà không bởi những việc làm của luật pháp.

Những việc làm của luật pháp bao gồm: (1) Sự tôn kính và vâng giữ trọn vẹn luật pháp; (2) Sự dâng sinh tế làm của lễ chuộc tội khi vi phạm luật pháp. Trong thực tế: (1) Không một người nào có thể vâng giữ trọn vẹn luật pháp; (2) Sinh tế chuộc tội chỉ là hình bóng cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và nhắc cho mọi người nhớ rằng, tội lỗi phải bị hình phạt và hình phạt tội lỗi là sự chết!

Chính vì thế mà những việc làm của luật pháp không khiến cho một người được trở thành công chính. Đức Chúa Trời xưng một người là công chính khi người ấy tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Một người chỉ có thể tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ khi người ấy đã thật sự ăn năn những việc làm và nếp sống tội lỗi của mình. Như vậy, loài người chỉ có thể được xưng là công chính bởi luật pháp của đức tin.

29 Hay là: Đức Chúa Trời chỉ là của những người Do-thái, nhưng chẳng phải của các dân tộc? Phải, Ngài cũng là của các dân tộc.

Câu này dẫn đến ý nghĩa: Luật pháp của đức tin không dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên mà bao gồm mọi dân tộc. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của mọi dân tộc vì mọi dân tộc đều ra từ con người đầu tiên do Thiên Chúa dựng nên. Mọi dân tộc đều chịu sự di truyền của bản chất tội, khiến cho họ mất đi sự vinh quang của Thiên Chúa và không thể không phạm tội. Mọi dân tộc cần được cứu rỗi. Đức Chúa Trời yêu thương mọi người và “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4). Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là để cứu chuộc mọi người, không phải chỉ cứu chuộc riêng dân I-sơ-ra-ên: “Vì chỉ có một Thiên Chúa, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Thiên Chúa và loài người, tức là Đấng Christ Jesus, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (I Ti-mô-thê 2:5-6).

30 Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ xưng công chính kẻ chịu cắt bì ra từ đức tin và kẻ thuộc về đức tin mà không chịu cắt bì.

Câu này nhắc lại lẽ thật căn bản là chỉ có một Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng Tạo Hóa của muôn loài. Vì thế, Ngài là Đấng duy nhất ban phước, giáng họa, làm ơn, sửa phạt, và tha thứ mọi dân tộc. Đối với dân I-sơ-ra-ên được Ngài kết ước và ấn chứng giao ước qua phép cắt bì hay đối với các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên được Ngài kết ước và ấn chứng giao ước qua phép báp-tem, thì Ngài là Đấng xưng họ là công chính khi họ tin cậy Ngài. Trong Thời Cựu Ước, dân I-sơ-ra-ên tỏ lòng tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời qua sự chịu cắt bì [1], tiêu biểu cho sự cắt bỏ lương tâm bị ô uế, trở thành nguồn của tội lỗi trong. Trong Thời Tân Ước, phép báp-tem [2] thay thế cho phép cắt bì, tiêu biểu cho sự chết đi bản ngã cũ tội lỗi và sống lại trong một bản ngã mới, được đầy dẫy năng lực từ Thiên Chúa. Người tin cậy Đức Chúa Trời trong thời Tân Ước phải chịu báp-tem để bày tỏ đức tin của mình.

31 Vậy, chúng ta bởi sự thuộc về đức tin mà hủy bỏ luật pháp hay sao? Chẳng phải vậy! Nhưng chúng ta làm cho vững bền luật pháp.

Phao-lô kết luận một cách rõ ràng: Luật pháp của đức tin không hủy bỏ luật pháp của chữ viết. Luật pháp của đức tin giúp cho người tin cậy Đức Chúa Trời làm trọn luật pháp của chữ viết qua Đấng Christ. Chính vì sự làm trọn những đòi hỏi của luật pháp chữ viết mà luật pháp của chữ viết được vững bền. Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, từ ngữ “làm cho vững bền” có nghĩa là “được thiết lập một cách vững vàng.” Từ ngữ này đối chọi mạnh mẽ với từ ngữ “hủy bỏ.”

Ngày nay, các giáo sư giả, tôi tớ của Sa-tan, là những người sống theo tinh thần II Phi-e-rơ 2, dùng đủ lời ngụy biện để xúi giục con dân Chúa “hủy bỏ” luật pháp. Nào là:

  • Con dân Chúa sống trong Thời Kỳ Ân Điển nên không cần phải vâng giữ luật pháp.

  • Điều răn và luật pháp chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên.

  • Đức Chúa Jesus Christ đã làm trọn luật pháp nên con dân Chúa không cần phải vâng giữ luật pháp.

  • Con dân Chúa sống trong ân điển, không còn ở dưới luật pháp nên không cần phải vâng giữ luật pháp.

  • Chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin, không bởi việc làm, cho nên, không cần phải vâng giữ luật pháp.

  • Ngày Sa-bát thứ bảy là của dân I-sơ-ra-ên, còn ngày Sa-bát của Hội Thánh là ngày thứ nhất, nhằm ngày Chúa sống lại và cũng nhằm ngày Hội Thánh được thành lập.

Riêng đối với lời ngụy biện về sự thay đổi ngày Sa-bát thì có những lẽ thật sau đây mà chúng ta cần ghi nhớ:

  • Ngày Sa-bát được Thiên Chúa thiết lập ngay từ buổi sáng thế, trước khi dân I-sơ-ra-ên được sinh ra: “Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày thứ bảy Ngài nghỉ mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]” (Sáng Thế Ký 2:1-3).

  • Ngày Sa-bát vì toàn thể loài người mà được Thiên Chúa lập ra, không phải chỉ vì dân I-sơ-ra-ên: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người” (Mác 2:27).

  • Dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va là những người giữ ngày Sa-bát: “Các con của người ngoại, họ tự kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, {là} tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế {nó}, và giữ lời giao ước của Ta,” (Ê-sai 56:6). Chúng ta lưu ý, Ê-sai 56 là lời tiên tri về Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm Bình An, sau khi thành Giê-ru-sa-lem được dựng nên mới theo lời tiên tri trong Ê-sai 54. Vì thế, chúng ta biết rằng, từ khi sáng thế cho đến Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, ngày Sa-bát luôn là ngày thánh của Đức Giê-hô-va mà muôn dân cần vâng giữ.

  • Không một nơi nào trong Thánh Kinh dạy rằng, ngày Sa-bát thứ bảy đã đổi sang ngày thứ nhất.

  • Đức Chúa Jesus Christ không phục sinh vào ngày thứ nhất trong tuần lễ mà Ngài phục sinh vào cuối của ngày Sa-bát [3].

  • Ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Chúa phục sinh, là ngày Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được thành lập, không phải vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, mà vào ngày thứ sáu, nhằm ngày 30 tháng 5 năm 27 [4].

Kết Luận

Thánh Kinh là Lời hằng Sống của Đức Chúa Trời, “có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17) “mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10). Vì thế, Thánh Kinh không hề tự mâu thuẩn. Chẳng qua là vì các giáo sư giả đến từ Sa-tan đã dùng kỹ thuật ngụy biện, cố tình giải thích sai trật ý nghĩa của Lời Chúa, nhằm dẫn dắt con dân Chúa đi vào con đường của sự chết. Hoặc là, có một số người trong Hội Thánh “dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa” (II Phi-e-rơ 3:16).

Thánh Kinh bày tỏ rõ ràng và chắc chắn: Loài người được cứu rỗi nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, bởi đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, chứ không nhờ vào sự cố gắng làm theo luật pháp.

Được cứu rỗi là được cứu khỏi hậu quả của tội lỗi, tức là được cứu khỏi sự phán xét trong ngày phán xét chung cuộc, được thoát khỏi sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Được cứu rỗi còn là được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi, không còn khuất phục sự sai khiến của tội lỗi, vì đã được ban cho Thánh Linh của Thiên Chúa, nhờ đó mà người được cứu sống một đời sống đúng theo điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Đức tin vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời khiến cho một người được xưng là công chính không có nghĩa là người ấy có thể tiếp tục phạm điều răn, luật pháp của Đức Chúa Trời mà không bị hình phạt. Trái lại, người được Đức Chúa Trời xưng là công chính có bổn phận và trách nhiệm vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời để làm cho luật pháp của Đức Chúa Trời được vững bền.

Nếp sống đúng theo Lời Chúa, tôn kính và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, chứng minh rằng một người đã được cứu. Nếp sống không theo Lời Chúa, cố tình không vâng giữ bất cứ một điều răn nào trong các điều răn của Đức Chúa Trời, chứng minh rằng người đang sống như vậy chưa được cứu. Vì người ấy chưa ăn năn, từ bỏ tội.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/02/2013

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Cắt bỏ lớp da dư bao bọc chung quanh phần đầu của bộ phận sinh dục người nam: http://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%AFt_bao_quy_%C4%91%E1%BA%A7u

[2] “Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh:” http://www.timhieutinlanh.net/?p=250

[3] “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh:” http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=18

[4] “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người và Những Ứng Nghiệm của Các Lời Tiên Tri Trong Thánh Kinh,” phần ghi chú năm Julian 27 về ngày Chúa chết, ngày Chúa phục sinh, và ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Chúa phục sinh: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49

Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá và chết để chuộc tội nhân loại vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ tư 14 tháng Nissan năm 3787 Lịch Do-thái, nhằm thứ tư ngày 9 tháng 4 năm 27 Lịch Julian. Thân xác Ngài đã nghỉ yên trong lòng đất đúng ba ngày và ba đêm trước khi Ngài sống lại vào khoảng trước khi mặt trời lặn của ngày thứ bảy (ngày Sa-bát); làm ứng nghiệm lời tiên tri của chính Ngài: “Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.” (Ma-thi-ơ 12:40 đối chiếu Giô-na 2:1)

Ngày nay, nếu chúng ta muốn kỷ niệm sự thương khó của Chúa thì chúng ta phải kỷ niệm vào ngày Lễ Vượt Qua, và nếu chúng ta muốn kỷ niệm sự phục sinh của Chúa thì chúng ta phải kỷ niệm vào buổi chiều, trước khi mặt trời lặn, sau ngày Lễ Vượt Qua ba ngày ba đêm.

Ngày “Thứ Sáu Thương Khó” và Lễ Easter hàng năm không phải là ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh. Chúa không chết vào ngày thứ sáu và Lễ Easter là một lễ của dân ngoại giáo mừng ngày phục sinh của Easter với đủ các thứ phong tục và cách trang trí đầy mê tín dị đoan của ngoại giáo. Easter là tên nữ thần của mùa màng và sự sinh sản của dân ngoại giáo. Kỷ niệm “Thứ Sáu Thương Khó” và Easter là thờ phượng Chúa qua lễ nghi của ngoại giáo và không bằng lẽ thật. Xin xem chi tiết về ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh trong bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh.”

Đức Thánh Linh giáng lâm và Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần, thứ sáu, ngày 6 tháng Sivan (tháng 3) năm 3787 Lịch Do-thái. Không phải là chủ nhật (ngày thứ nhất) trong tuần lễ như truyền thống của các giáo hội dạy.

Ngũ Tuần là “năm nhật tuần,” mỗi nhật tuần là 10 ngày. Lễ Ngũ Tuần rơi vào ngày thứ 50, sau ngày Sa-bát của Lễ Bánh Không Men: “Đến ngày mười bốn tháng giêng, vào buổi chiều tối, ấy là lễ Vượt Qua của Đức Giê-hô-va; qua ngày rằm tháng nầy, ấy là lễ bánh không men để kính trọng Đức Giê-hô-va; các ngươi sẽ ăn bánh không pha men trong bảy ngày. Ngày đầu, các ngươi sẽ có một sự nhóm hiệp thánh, chẳng nên làm một công việc xác thịt [tức là ngày Lễ Sa-bát]. Trong bảy ngày các ngươi phải dâng cho Đức Giê-hô-va những của lễ dùng lửa dâng lên; đến ngày thứ bảy, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh nữa, các ngươi đừng làm một công việc xác thịt nào hết [tức là ngày Lễ Sa-bát]. Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân I-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà Ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày sau Lễ Sa-bát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm. Chánh ngày dâng bó lúa đưa qua đưa lại đó, các ngươi cũng phải dâng cho Đức Giê-hô-va một chiên con giáp năm, không tì vít chi, đặng làm của lễ thiêu; và dâng thêm một của lễ chay bằng hai phần mười bột lọc chế dầu, làm của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va, với một phần tư hin rượu, làm lễ quán. Các ngươi chớ ăn hoặc bánh, hoặc hột lúa rang, hoặc lúa đang ở trong gié cho đến chánh ngày nầy, tức là ngày các ngươi đem dâng của lễ cho Thiên Chúa mình. Mặc dầu ở nơi nào, ấy là một lệ định đời đời cho con cháu các ngươi. Kể từ ngày sau Lễ Sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn: các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của tuần thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va.” (Lê-vi Ký 23:5-16)

Ngày Lễ Sa-bát được dùng làm ngày dâng các bó lúa đầu mùa được nói đến trong phân đoạn nêu trên, chính là ngày Lễ Sa-bát 15 tháng Nissan, cũng là ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men, và là ngày Lễ Sa-bát đầu tiên trong các ngày Lễ Sa-bát.

Chúng ta có Lễ Vượt Qua của năm 3787 Lịch Do-thái (27 TCN Lịch Julian) nhằm ngày thứ tư, 14 tháng Nissan (tháng Giêng) và ngày Sa-bát đầu tiên của Lễ Bánh Không Men nhằm thứ năm ngày 15 tháng Nissan.

Tháng Nissan (tháng Giêng) có 30 ngày

Tháng Iyyar (tháng 2) có 29 ngày

Tháng Sivan (tháng 3) có 30 ngày

Vậy, 50 ngày sau ngày 15 tháng Nissan phải là thứ sáu, ngày 6 tháng Sivan (tháng 3). Lễ Ngũ Tuần luôn luôn rơi vào ngày 6 tháng Sivan theo Lịch Do-thái.

Ngày nay, con dân Chúa muốn kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần thì phải kỷ niệm vào ngày 6 tháng Sivan theo Lịch Do-thái. Ngày đó có thể rơi vào các thứ tự khác nhau trong tuần lễ chứ không phải luôn luôn là chủ nhật như truyền thống của các giáo hội dạy.