Chú Giải Hê-bơ-rơ 06:01-08 Lời Cảnh Báo về Sự Bội Đạo

3,917 views

Chú Giải Hê-bơ-rơ 6:1-8
Lời Cảnh Báo về Sự Bội Đạo

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzgzMjg5MDhf/58012_LoiCanhbaoVeSuBoiDao_Heboro_06_01-08.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58012-loicanhbaovesuboidao-heboro-06-01-08
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/p6gjstsxyy3oo3w/58012_LoiCanhbaoVeSuBoiDao_Heboro_06_01-08.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 6:1-8

1 Vậy nên, chúng ta hãy bỏ qua những điều căn bản về giáo lý của Đấng Christ. Chúng ta hãy đạt đến bên trong sự trọn vẹn, đừng thiết lập trở lại nền tảng của sự ăn năn từ những công việc chết, như: đức tin nơi Thiên Chúa,

2 giáo lý về các phép báp-tem, sự đặt tay, sự sống lại của những người chết, và án phạt vĩnh cửu.

3 Chúng ta sẽ làm điều đó nếu Đức Chúa Trời cho phép.

4 Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh,

5 đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau,

6 rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.

7 Vì đất thấm nhuần mưa thường xuyên đến trên nó mà sinh ra cây cỏ, có ích cho họ, những người cày xới nó, thì nhận phước từ Đức Chúa Trời.

8 Nhưng nếu nó sinh ra những cây gai và những cây tật lê, thì bị bỏ và gần sự nguyền rủa. Sự cuối cùng của nó là vào trong sự thiêu đốt.

Trong bài trước, chúng ta đã học lời cảnh báo về sự nguy hiểm của sự thiếu hiểu biết căn bản về Mười Điều Răn. Người tin Chúa mà thiếu hiểu biết căn bản về Mười Điều Răn thì sẽ cứ mãi là trẻ con trong đức tin, không thể trưởng thành thuộc linh. Trong bài này, chúng ta học về sự Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, khuyên chúng ta hãy bỏ qua những điều sơ học trong giáo lý của Đấng Christ để bước vào trong sự học biết những điều sâu nhiệm của Lời Chúa.

Những điều sơ học về Lời Chúa chỉ giúp cho đức tin của chúng ta phát triển như một chồi non, còn những điều sâu nhiệm giúp cho chúng ta trưởng thành như một cổ thụ, đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ. Nếu đức tin của chúng ta không sớm trưởng thành bởi sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng sẽ lui đi trong đức tin, bị trật phần ân điển (Hê-bơ-rơ 12:15), rơi trở lại vào trong sự hư mất đời đời. Vũ khí duy nhất của chúng ta để đánh trả mọi sự tấn công của mọi kẻ thù chính là Lời Chúa, được gọi là gươm của Đấng Thần Linh:

Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 6:17).

Để có thể sử dụng hữu hiệu bất cứ một loại vũ khí nào thì chúng ta phải có sự hiểu biết và tập luyện thuần thục về loại vũ khí ấy. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta vũ khí để tự vệ và tấn công ngược lại mọi kẻ thù. Vì kể từ khi chúng ta thật lòng quyết định tin nhận Tin Lành thì chúng ta đứng về phía của Đức Chúa Trời, và đương nhiên ở trong một cuộc chiến thuộc linh, luôn bị ma quỷ và những người không tin Chúa bách hại chúng ta. Đó là một cuộc chiến không thể tránh được.

Về thuộc thể, người xưa có câu: “Văn ôn vũ luyện”. Văn, tức đọc sách, gia tăng sự hiểu biết, giúp trau dồi và phát triển con người bên trong, là nhân cách. Vũ, tức luyện võ, giúp giữ gìn sức khoẻ và tự vệ con người bên ngoài, là thân thể xác thịt. Về thuộc linh, chúng ta có thể nói: Lời Chúa vừa là văn vừa là vũ. Lời Chúa vừa giúp chúng ta thêm khôn sáng, được thánh hóa ngày càng giống Đấng Christ càng hơn, vừa giúp chúng ta chống lại mọi tấn công của mọi kẻ thù trong mọi cảnh ngộ của đời sống. Chính vì thế mà chúng ta cần siêng năng đọc, nghe, suy ngẫm Lời Chúa, rồi cẩn thận làm theo.

1 Vậy nên, chúng ta hãy bỏ qua những điều căn bản về giáo lý của Đấng Christ. Chúng ta hãy đạt đến bên trong sự trọn vẹn, đừng thiết lập trở lại nền tảng của sự ăn năn từ những công việc chết, như: đức tin nơi Thiên Chúa,

2 giáo lý về các phép báp-tem, sự đặt tay, sự sống lại của những người chết, và án phạt vĩnh cửu.

Vậy nên” có nghĩa là vì những điều đã được nêu ra trong Hê-bơ-rơ 5:11-14, cảnh báo mối nguy hiểm về sự con dân Chúa thiếu hiểu biết về Mười Điều Răn, mà con dân Chúa cần phải làm theo những gì được khuyên bảo tiếp theo.

Động từ “bỏ qua” không có nghĩa là bỏ đi, không còn dùng đến, mà là hãy để yên, đừng bàn luận đến, trong khi vẫn ứng dụng vào trong đời sống. Con dân Chúa, sau khi đã học và hiểu rõ những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời, tức Mười Điều Răn, và những điều căn bản về giáo lý của Đấng Christ thì không nên tốn thời gian để bàn luận về những điều ấy nữa. Một học sinh sau khi đã học và hiểu rõ các phép tính số học căn bản là cộng, trừ, nhân, chia, thì có thể bỏ qua việc luận bàn về các phép tính ấy, trong khi vẫn ứng dụng chúng, để tiếp tục học về đại số và các môn toán học cao cấp.

Để không lâm vào hoàn cảnh thiếu hiểu biết Lời Chúa thì con dân Chúa không nên ở lại trong sự hiểu biết những điều căn bản về Lời Chúa, mà phải sốt sắng học tập để đạt đến sự hiểu biết những điều sâu nhiệm của Lời Chúa. Khi có khả năng hiểu biết những điều sâu nhiệm của Lời Chúa do biết dành thời gian để đọc, nghe, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa, thì con dân Chúa đã đạt đến bên trong sự trọn vẹn của tri thức về Lời Chúa.

Động từ “đạt đến” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng ở đây hàm ý, mang theo sự hiểu biết căn bản, nhanh chóng tiến vào trong sự trọn vẹn của sự hiểu biết. Sự trọn vẹn của sự hiểu biết không hề có nghĩa là không còn một điều gì thuộc về Lời Chúa mà không hiểu biết. Nhưng là khả năng học đến đâu thì hiểu đến đấy bởi thần trí của Đấng Christ, không còn vướng mắc sai lầm, không còn bị chi phối bởi cách suy diễn của con người xác thịt.

Sự ăn năn từ những công việc chết” là sự hối tiếc và quyết tâm từ bỏ những việc làm nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời mà Thánh Kinh gọi là tội lỗi. Vì tiền công, tức hậu quả, của tội lỗi là sự chết, nên tất cả những việc làm tội lỗi đều là công việc chết.

Thiết lập trở lại nền tảng của sự ăn năn”: Nền tảng của sự ăn năn là những lẽ thật căn bản đưa một người đến với sự cứu rỗi đã được Đức Chúa Jesus Christ giảng dạy, đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, vẫn được những người rao giảng Tin Lành công bố. Vì thế, người mới tin Chúa chỉ cần nghe giảng, đối chiếu lời giảng với Thánh Kinh, rồi xây dựng đức tin của mình trên nền đã thiết lập. Công việc cần làm của người mới tin Chúa là tiếp nhận lẽ thật, làm theo lẽ thật để sớm trưởng thành trong sự hiểu biết Lời Chúa; không phải bàn bạc, tranh luận về các giáo lý căn bản.

Nền tảng của sự ăn năn là sự nhận thức về các lẽ thật căn bản của Lời Chúa, bao gồm: Đức tin nơi Thiên Chúa; giáo lý về các phép báp-tem; sự đặt tay; sự sống lại của những người chết; và án phạt vĩnh cửu.

  • Đức tin nơi Thiên Chúa: Đức tin nơi Thiên Chúa trước hết là đức tin về sự thực hữu của Thiên Chúa trong ba thân vị, tin rằng Thiên Chúa có thật và là Đấng tạo ra muôn loài vạn vật. Kế tiếp, tin rằng Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa mà Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là nền tảng luật pháp của Thiên Chúa, (như các điều quy định trong hiến pháp là nền tảng luật pháp của loài người.) Sau cùng là tin vào tình yêu và sự cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho loài người. Xin đọc và nghe loạt bài giảng về Thiên Chúa trong tiết mục “Những Bài Cần Đọc và Nghe Trước”, trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1].

  • Giáo lý về các phép báp-tem: Là sự bày tỏ của Thánh Kinh về các phép báp-tem. Trong đó, có hai phép báp-tem quan trọng là phép báp-tem bằng nước do Hội Thánh làm ra cho người mới tin Chúa và phép báp-tem bằng thánh linh do chính Đức Chúa Jesus Christ làm ra cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài:

Đức Chúa Jesus đáp lời: Thật vậy! Thật vậy! Ta nói với ngươi: Trừ khi một người được sinh ra bởi nước và linh, người ấy không thể vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:5).

Xin đọc và nghe các bài giảng về phép báp-tem trong tiết mục “Những Bài Cần Đọc và Nghe Trước”, trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1]. Gồm có các bài: “Hội Thánh: 15 Lễ Báp-tem” [2]; “Báp-tem vào Trong Danh của Ba Ngôi Thiên Chúa” [3]; “Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh” [4].

  • Sự đặt tay: Những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành đã quen thuộc với truyền thống đặt tay của dân tộc họ. Trong dân I-sơ-ra-ên, sự đặt tay được thể hiện khi một người chúc phước cho một người khác (Sáng Thế Ký 48:14); khi công nhận chức vụ của một người (Dân Số Ký 27:18); khi dâng sinh tế chuộc tội thì thầy tế lễ thượng phẩm đặt hai tay trên đầu con sinh để xưng ra tội lỗi của dân chúng (Lê-vi Ký 16:21); khi ném đá một người phạm trọng tội thì những người chứng đặt tay trên tội nhân (Lê-vi Ký 24:14).

Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ đã đặt tay trên các trẻ con để ban phước cho chúng (Ma-thi-ơ 19:13). Đức Chúa Jesus Christ đã đặt tay trên bé gái đã chết để gọi bé sống lại (Ma-thi-ơ 9:18, 25; Mác 5:23, 42). Các sứ đồ đặt tay trên các chấp sự để cầu nguyện chúc phước (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:6). A-na-nia đặt tay trên Phao-lô để chữa lành đôi mắt của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:12, 17). Các môn đồ đặt tay trên Ba-na-ba và Phao-lô để chúc phước cho chức vụ của hai ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:3). Phi-e-rơ và Giăng đặt tay tiếp nhận những người Sa-ma-ri mới tin Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:17). Phao-lô đặt tay trên những môn đồ mới chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus tại thành Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:5-6). Phao-lô đặt tay trên người bệnh để chữa lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 28:8). Ti-mô-thê được các trưởng lão và Phao-lô đặt tay khi nhận lãnh chức vụ và các ân tứ từ Đức Thánh Linh (I Ti-mô-thê 4:14; II Ti-mô-thê 1:6). Đặc biệt, Thánh Kinh ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về sự các môn đồ của Ngài đặt tay trên những người bệnh thì những người bệnh sẽ được lành bệnh:

Họ sẽ bắt những rắn và nếu họ uống chất độc gì, nó cũng chẳng hại họ. Họ sẽ đặt tay trên những kẻ bệnh thì chúng sẽ lành.” (Mác 16:18).

Qua đó, chúng ta thấy sự đặt tay trong Hội Thánh là để chúc phước trong sự công nhận chức vụ của một người trong Hội Thánh, hoặc để tiếp nhận người mới gia nhập Hội Thánh, hoặc để cầu nguyện chữa bệnh.

  • Sự sống lại của những người chết: Trong vòng những người I-sơ-ra-ên, có những người tin sự sống lại, điển hình là phái Pha-ri-si; có những người không tin sự sống lại, điển hình là phái Sa-đu-sê. Nhưng khi họ tin nhận Tin Lành thì họ được giảng dạy về sự thân thể của những người chết trong Chúa sẽ sống lại để đời đời hạnh phúc và vinh quang trong Vương Quốc Trời (I Cô-rinh-tô 15:12-58; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18); thân thể của những người chết ngoài Chúa sẽ sống lại để chịu phán xét về mỗi tội lỗi đã làm ra (Khải Huyền 20:11-15).

  • Án phạt vĩnh cửu: Là án phạt dành cho những ai không có đức tin vào Thiên Chúa, không được hưởng sự cứu rỗi của Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Khải Huyền 20:10, 15).

Có những người, suốt cuộc đời tin Chúa không lo học tập Lời Chúa mà chỉ lo tranh cãi, cho rằng, Đức Chúa Jesus Christ không phải là Thiên Chúa nhập thế làm người; cho rằng, Đức Thánh Linh không phải là một thân vị Thiên Chúa.

Có những người, suốt cuộc đời tin Chúa không lo học tập Lời Chúa mà chỉ lo tranh cãi, cho rằng, phép báp-tem có thể làm cho trẻ con chưa có ý thức về sự ăn năn tội, bất kể Lời Chúa dạy rõ, sự ăn năn tội phải đi trước phép báp-tem (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38). Hoặc họ cho rằng, có thể làm báp-tem bằng cách rưới nước trên đầu, bất kể danh từ báp-tem có nghĩa là nhúng chìm trong một chất lỏng, và Lời Chúa khẳng định rằng, phép báp-tem là hình thức tiêu biểu cho tội nhân bị chết chìm trong cơn Lụt Lớn thời Nô-ê (I Phi-e-rơ 3:21). Hoặc họ cho rằng, phép báp-tem có năng lực tái sinh một người trong khi Lời Chúa đã khẳng định phép báp-tem chỉ là một biểu tượng. Lại có người cho rằng, phải chịu báp-tem trong danh của Đức Chúa Jesus thì mới đúng, trong khi mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ truyền cho các môn đồ là hãy làm báp-tem cho người mới tin Chúa “vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh”, tức là tên riêng của Thiên Chúa, danh: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Ma-thi-ơ 28:19).

Có những người, suốt cuộc đời tin Chúa không lo học tập Lời Chúa mà chỉ lo tranh cãi, cho rằng, sự đặt tay của một người có chức vụ trong Hội Thánh sẽ khiến cho người mới tin Chúa được đầy dẫy thánh linh, thể hiện bằng sự nói tiên tri hoặc nói “tiếng lạ”. Họ không hiểu rằng, vào buổi đầu Hội Thánh mới thành lập, trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm và ở lại với Hội Thánh thì hiện tượng có những lưỡi như ngọn lửa xuất hiện, có tiếng động như tiếng gió lớn thổi, và các môn đồ của Chúa được Đức Thánh Linh thần cảm nói những lời tôn vinh Đức Chúa Trời bằng các ngôn ngữ mà trước đó họ chưa biết (không phải “tiếng lạ”), là phép lạ chỉ xảy ra một lần.

Sau đó, khi Phi-e-rơ và Giăng đặt tay chúc phước những người Sa-ma-ri tin Chúa thì những người ấy nói tiên tri trong các ngoại ngữ. Đó là việc làm của Đức Thánh Linh để ấn chứng Ngài đã tiếp nhận những người Sa-ma-ri vào trong Hội Thánh mà lúc bấy giờ chỉ gồm có những người I-sơ-ra-ên. Tương tự như vậy là việc gia đình sĩ quan Cọt-nây người La-mã đang nghe Phi-e-rơ giảng Tin Lành thì được Đức Thánh Linh thần cảm, khiến cho họ nói lời tôn vinh Đức Chúa Trời trong các ngoại ngữ để Hội Thánh biết rằng, Đức Thánh Linh tiếp nhận những người thuộc các dân ngoại vào trong Hội Thánh. Và thêm một trường hợp khi Phao-lô đặt tay chúc phước cho những môn đồ ở thành Ê-phê-sô thì họ được Đức Thánh Linh thần cảm, nói tiên tri trong các ngoại ngữ để chứng minh rằng, họ đã ở trong Đấng Christ, vì trước đó, họ chỉ tin lời rao giảng của Giăng Báp-tít và chịu báp-tem của Giăng Báp-tít, mà không biết Đấng Christ đã hoàn thành sự chuộc tội và Đức Thánh Linh đã giáng lâm.

Tất cả những hiện tượng đó là cần thiết trong mỗi trường hợp để xác định các lẽ thật như sau:

  • Đức Thánh Linh đã giáng lâm và đã ngự trong thân thể của con dân Chúa.

  • Đức Thánh Linh tiếp nhận những người Sa-ma-ri (những người I-sơ-ra-ên lai các dân ngoại) vào trong Hội Thánh.

  • Đức Thánh Linh tiếp nhận những người thuộc dân ngoại vào trong Hội Thánh, như gia đình Cọt-nây.

  • Dù đã tin nhận lời giảng của Giăng Báp-tít và đã chịu phép báp-tem ăn năn tội, nhưng nếu chưa tin nhận lẽ thật về Đấng Christ thì vẫn chưa được Đức Thánh Linh tiếp nhận vào trong Hội Thánh, như những người tin Chúa tại Ê-phê-sô.

Tất cả những hiện tượng đó, nếu Đức Chúa Trời muốn thì Ngài sẽ cho phép tái diễn, chứ các hiện tượng đó không phải là điều ắt phải thường xuyên xảy ra trong Hội Thánh. Hiện tượng đặt tay té ngã và lắp ba lắp bắp những âm thanh vô nghĩa ngày nay trong các giáo hội Ngũ Tuần và Ân Tứ chỉ là việc dối gạt của Sa-tan. Những âm thanh lắp ba lắp bắp đó không phải là các ngoại ngữ do Đức Thánh Linh ban cho. Xin đọc các bài liên quan về sự đặt tay té ngã và sự nói tiếng lạ trong tiết mục “Những Bài Cần Đọc và Nghe Trước”, trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1]. Trong đó, có cuốn sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã” [5].

Có những người, suốt cuộc đời tin Chúa không lo học tập Lời Chúa mà mê tín dị đoan, cho rằng, người chết có thể xuất hiện làm ma hoặc ban ơn hay giá họa cho người sống. Và họ sợ ma, hoặc tin rằng cần phải thờ cúng người chết.

Có những người, suốt cuộc đời tin Chúa không lo học tập Lời Chúa mà chỉ lo tranh cãi, cho rằng, sẽ không có chuyện những ai không ở trong sự cứu rỗi của Chúa thì bị khổ đời đời trong hỏa ngục. Họ cho rằng, những người ấy sẽ trở thành hư không, sau khi đã nhận lãnh án phạt một thời gian. Họ bất kể Lời Chúa đã khẳng định: “Chúng nó sẽ chịu đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.” (Khải Huyền 14:11; 20:10).

Thật ra, năm điều căn bản trên đây về giáo lý của Đấng Christ rất là đơn giản, dễ hiểu. Người mới tin Chúa chỉ cần tin nhận rồi bắt đầu đọc, suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo, và nhờ đó, ngày càng đi vào trong sự sâu nhiệm Lời Chúa càng hơn. Thế nhưng, nhiều người đã cứ dành thời gian tranh luận về các lẽ thật ấy, đem ý riêng không đúng với Thánh Kinh ra giảng giải cách sai lạc, tự chuốc lấy cho mình sự hư mất:

Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy. Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:15-16).

Chúng ta thấy rõ, sự không chấp nhận những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời, tức Mười Điều Răn, hay không chấp nhận những điều căn bản về giáo lý của Đấng Christ, sẽ khiến cho một người không thể lớn lên trong sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa. Lại còn khiến cho người ấy dễ dàng sa vào tà giáo, đi lạc khỏi lẽ thật.

3 Chúng ta sẽ làm điều đó nếu Đức Chúa Trời cho phép.

Chúng ta sẽ làm điều đó” có nghĩa là chúng ta sẽ “đạt đến bên trong sự trọn vẹn”. Thành ngữ “Nếu Đức Chúa Trời cho phép” hoặc “nếu Chúa cho phép”, hoặc “nếu Chúa muốn” là một cách nói tôn cao quyền tể trị của Chúa, như được dùng trong thư I Cô-rinh-tô và thư Gia-cơ:

Vì tôi sẽ chẳng chỉ gặp các anh chị em trong khi ghé qua; nhưng tôi mong sẽ ở lại với các anh chị em một thời gian, nếu Chúa cho phép.” (I Cô-rinh-tô 16:7).

Trái lại, các anh chị em phải nói: Nếu như Chúa muốn, thì chúng ta còn sống và sẽ làm việc nọ, việc kia.” (Gia-cơ 4:15).

Nói cách khác, Hê-bơ-rơ 6:3 có nghĩa là: Nếu Đức Chúa Trời đã cho phép chúng ta được hiểu biết sự sâu nhiệm của Lời Chúa thì chúng ta hãy gắng sức, mang theo các hiểu biết căn bản về các điều răn của Đức Chúa Trời và giáo lý của Đấng Christ, mà vào bên trong sự trọn vẹn của sự hiểu biết Lời Chúa.

Nếu chúng ta không lo thăng tiến trong sự hiểu biết Lời Chúa thì chúng ta sẽ dễ bị sai lạc khỏi lẽ thật và trở thành chối bỏ Lời Chúa. Khi đó, chúng ta đã thua kế ma quỷ mà sa ngã vào tà giáo, hoặc là đức tin của chúng ta bị khô héo, nghẹt ngòi mà quay về sống trong tội lỗi. Khi đó, chúng ta sẽ không còn được phục hồi vào trong sự ăn năn, như Hê-bơ-rơ 6:4-6 đã khẳng định:

4 Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh,

5 đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau,

6 rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.

Sự tin nhận Chúa rồi lui đi trong đức tin còn gọi là sự bội Đạo. Bội là chối bỏ, phản lại. Đạo là giáo lý của Đấng Christ. Hậu quả của sự bội Đạo là sự hư mất đời đời mà hình phạt còn nghiêm hơn là hình phạt của những người không tin nhận Chúa:

Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu. Vì thà chúng nó không biết đường công bình, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó. Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:20-22).

Nhóm chữ “Vì không thể nào” trong câu 4 kết nối với nhóm chữ “được phục hồi vào trong sự ăn năn” của câu 6. Nói lên một lẽ thật rất rõ ràng: Người đã tin nhận Chúa mà sa ngã trở lại vào trong tội lỗi thì không thể nào được Chúa phục hồi để có thể ăn năn, như chúng ta sẽ học về trường hợp điển hình của Ê-sau, khi chúng ta học đến Hê-bơ-rơ đoạn 12:

Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! Kẻo có ai là đĩ đực, hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng của mình. Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt.” (Hê-bơ-rơ 12:15-17).

Người được soi sáng là người được chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh soi sáng thần trí để người ấy nhận biết lẽ thật về Thiên Chúa, lẽ thật về tình trạng phạm tội và bị hư mất của bản thân, lẽ thật về tình yêu và sự cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho người ấy.

Người được nếm sự ban cho từ trên trời là người sau khi được Đức Thánh Linh soi sáng thần trí đã tin nhận sự cứu rỗi, được ở trong sự cứu rỗi, được kinh nghiệm nếp sống mới bình an và phước hạnh trong Chúa.

Chúng ta chú ý động từ “nếm” được dùng trong câu này và trong câu kế tiếp. Động từ nếm hàm ý sự thực tế kinh nghiệm và có đủ chứng cớ một điều gì đó. Thí dụ, một người đã nếm sự chết có nghĩa là người ấy đã thực sự chết và được y học chứng thực. Vì thế, một người đã nếm sự ban cho từ trên trời là một người đã thật sự ở trong sự cứu rỗi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người ấy không thể sa ngã và bị hư mất trở lại. Tương tự như một người Việt Nam được nếm quyền công dân của Hoa Kỳ là người ấy đã thật sự được nhập tịch Hoa Kỳ và trở nên công dân của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người ấy vẫn có thể bị tước quyền công dân Hoa Kỳ nếu người ấy vi phạm luật pháp Hoa Kỳ cách nghiêm trọng [7].

Người được dự phần về thánh linh là người được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể xác thịt của người ấy, ban cho người ấy thánh linh của Thiên Chúa. Thánh linh của Thiên Chúa là thẩm quyền, năng lực, và các khả năng, còn gọi là các ân tứ, do chính Thiên Chúa ban cho để người ấy sống một đời sống mới đắc thắng trong Chúa. Các ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho được liệt kê trong I Cô-rinh-tô đoạn 12. Xin đọc bài chú giải I Cô-rinh-tô đoạn 12 trên khu mạng timhieutinlanh.com [8].

Người được nếm lời phán lành của Thiên Chúa là người được nghe chính tiếng phán của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thần trí của mình. Khi thì Đức Chúa Trời phán, khi thì Đức Chúa Jesus Christ phán, và thường xuyên là Đức Thánh Linh phán.

Người được nếm những năng lực của đời sau là người được kinh nghiệm những phép lạ siêu nhiên. Trong đời này, đó là những phép lạ nhưng trong đời sau đó là những điều bình thường đối với thân thể phục sinh hoặc được biến hóa vinh quang của con dân Chúa.

Hê-bơ-rơ 6:6 cho chúng ta thấy rõ, một người thật sự ở trong sự cứu rỗi, được đổ đầy thánh linh, được nghe tiếng Chúa phán, được kinh nghiệm những phép lạ siêu nhiên từ Thiên Chúa vẫn có thể sa ngã, quay về sống trong tội. Lý do là vì người ấy không đơn sơ chấp nhận những lẽ thật căn bản của Mười Điều Răn hoặc của giáo lý của Đấng Christ, để sốt sắng vào bên trong sự trọn vẹn của sự hiểu biết Lời Chúa. Người như vậy, sau khi sa ngã sẽ không còn cơ hội ăn năn. Chúng ta sẽ trở lại với lẽ thật này khi chúng ta học đến Hê-bơ-rơ 10:26-29.

Lời Chúa cho thấy giáo lý dạy rằng: “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn” là tà giáo; vì giáo lý ấy hàm ý, người đã một lần tin nhận Chúa thì sẽ không thể bị hư mất trở lại.

Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá có năng lực cứu tất cả những ai thật sự ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là “một lần đủ cả” cho tất cả mọi hình phạt vì tội lỗi của những người tin nhận Ngài, từ những tội lỗi trong quá khứ, đến những tội lỗi trong hiện tại sau khi đã tin nhận Chúa, và cả những tội lỗi trong tương lai; nếu những tội lỗi trong hiện tại và tương lai là những tội phạm vì sự yếu đuối nhất thời hoặc vì sự thiếu hiểu biết, vô ý thức. Còn nếu người đã tin Chúa vì nghi ngờ hoặc kiêu ngạo mà không chấp nhận những lẽ thật căn bản của Lời Chúa, lại tin theo tà giáo; hoặc cố tình quay về sống trong tội, vui thú với tội lỗi, thì người ấy phạm vào tội đang đóng đinh Đức Chúa Jesus Christ lên thập tự giá một lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài. Chúng ta chú ý đến thời hiện tại của phân động từ “đang đóng đinh” cho thấy, nếp sống trong tội của họ là sự họ đang đóng đinh Chúa, họ đang sỉ nhục Chúa. Chẳng những họ công khai sỉ nhục Ngài trước Đức Chúa Trời, trước các thiên sứ, trước ma quỷ, và trước loài người mà họ còn công khai sỉ nhục Hội Thánh, vì Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ.

Đức Thánh Linh gọi nếp sống trong tội của họ là sự họ đang đóng đinh Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá là vì, trước đó, họ đã công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Đấng thay họ gánh lấy hình phạt của mọi tội lỗi mà họ phạm. Ngài đã chịu bị đóng đinh cho đến chết trên thập tự giá. Nhưng nay họ lại cố ý quay về sống trong tội thì chẳng khác nào họ đang tự mình đóng đinh Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá cho mỗi sự phạm tội của họ. Sự quay lại sống trong tội của họ là sự sỉ nhục lớn nhất mà một người có thể làm ra cho Thiên Chúa. Người I-sơ-ra-ên có câu tục ngữ: “Một giọt nước sẽ đủ để làm tinh sạch người vô tình chạm vật ô uế, nhưng cả một đại dương cũng không đủ để tẩy sạch người cứ cố ý nắm giữ vật ô uế trong tay.”

Hai câu Thánh Kinh còn lại ví sánh đời sống của những người sau khi tin nhận Chúa mà bội Đạo như là mảnh đất không sinh ra hoa lợi cho người cày xới nó, sẽ bị bỏ, bị rủa sả, và bị đốt.

7 Vì đất thấm nhuần mưa thường xuyên đến trên nó mà sinh ra cây cỏ, có ích cho họ, những người cày xới nó, thì nhận phước từ Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Đấng ban phước trên đồng ruộng được cày xới để nó sinh ra cây cỏ có ích cho những người cày xới nó. Đồng ruộng càng cho ra thu hoạch bao nhiêu thì càng nhận lãnh ơn phước từ Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Thánh Kinh ví con dân Chúa như ruộng Thiên Chúa cày (I Cô-rinh-tô 3:9). Nếu một con dân Chúa hưởng sự ban phước của Chúa và sinh ra bông trái thuộc linh, có ích cho công việc của nhà Chúa là các mục vụ của Hội Thánh, thì người ấy sẽ cứ tiếp tục hưởng phước của Chúa càng hơn và kết quả càng hơn.

8 Nhưng nếu nó sinh ra những cây gai và những cây tật lê, thì bị bỏ và gần sự nguyền rủa. Sự cuối cùng của nó là vào trong sự thiêu đốt.

Nếu đồng ruộng được cày xới, được Đức Chúa Trời ban phước mà không sinh ra cây cỏ có ích lợi cho những người cày xới, mà chỉ sinh ra những gai góc và những cây tật lê, thì sẽ bị bỏ hoang, không còn ai cày xới nó nữa. Rồi khi thời điểm đến, sự nguyền rủa sẽ đến trên nó và nó sẽ bị đắm chìm trong sự thiêu đốt. Nếu một con dân Chúa hưởng sự ban phước của Chúa mà không sinh ra bông trái thuộc linh, không có ích lợi cho công việc của nhà Chúa là các mục vụ của Hội Thánh, thì người ấy sẽ bị cắt ra khỏi Hội Thánh (Giăng 15:2). Khi thời điểm đến, sự nguyền rủa sẽ đến trên người ấy và người ấy sẽ chịu đau khổ đời đời trong lửa của hỏa ngục (Ma-thi-ơ 25:41).

Sự nguyền rủa tức là lời lên án của Chúa về hình phạt đời đời trong hỏa ngục.

Sự học tập Lời Chúa là một tiến trình ắt phải có để tăng trưởng thuộc linh mà chúng ta không thể dừng lại trong những điều căn bản về Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời hoặc trong các điều sơ học về giáo lý của Đấng Christ. Chúng ta phải bởi đức tin mà đơn sơ tiếp nhận những sự ấy, áp dụng những lẽ thật ấy vào trong cuộc sống, để nhanh chóng tiến vào bên trong sự trọn vẹn của sự hiểu biết Lời Chúa. Nếu chúng ta dừng lại trong những điều ấy thì chúng ta sẽ không trưởng thành thuộc linh, thiếu sự hiểu biết Lời Chúa để tự vệ trước những tà giáo, những thử thách và cám dỗ. Rồi chúng ta sẽ sa ngã, lui đi trong đức tin, quay về sống trong tội, và mất đi sự cứu rỗi.

Nguyện Lời Chúa luôn là niềm vui và lẽ sống tuyệt vời cho mỗi chúng ta. Nguyện sự thông hiểu Lời Chúa ngày càng thêm lên cho mỗi chúng ta. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta nên trọn vẹn không chỗ trách được trong ngày Đấng Christ hiện ra. Ngày ấy đã gần! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/04/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-15-le-bap-tem/

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=438

[4] https://timhieuthanhkinh.com/y-nghia-cac-phep-bap-tem-trong-thanh-kinh/

[5] https://www.timhieutinlanh.com/?p=3518

[6] https://tinyurl.com/noi-tieng-la

[7] https://www.govinfo.gov/content/pkg/USCODE-2011-title8/pdf/USCODE-2011-title8-chap12-subchapIII-partIII-sec1481.pdf

[8] https://timhieutinlanh.com/i-co-rinh-12/

Karaoke Thánh Ca: “Tâm Nguyện Đời Tôi”
https://karaokethanhca.net/tam-nguyen-doi-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.