Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 16:01-15 Tin Lành Được Rao Giảng tại Ma-xê-đoan

1,222 views

YouTube: https://youtu.be/5UVcCUsWpj0

44039 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 16:1-15
Tin Lành Được Rao Giảng tại Ma-xê-đoan

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:1-15

1 Người đã đến thành Đẹt-bơ và thành Lít-trơ. Kìa! có một môn đồ kia ở đó, tên là Ti-mô-thê, con của một người đàn bà kia, một nữ tín đồ người Do-thái, nhưng cha là người Hy-lạp.

2 Người ấy đã được lời chứng tốt bởi các anh chị em cùng Cha tại Lít-trơ và I-cô-ni.

3 Phao-lô muốn đi với người ấy. Bởi cớ những người Do-thái ở trong các nơi đó, nên Phao-lô đã đem người đi và làm phép cắt bì cho, vì hết thảy họ biết rằng, cha của người là người Hy-lạp.

4 Khi ghé qua các thành, họ đã trao các giáo luật cho con dân Chúa giữ; là các giáo luật đã được phán quyết bởi các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem.

5 Vậy, thực tế các Hội Thánh đã được vững vàng trong đức tin và đã thêm lên số người mỗi ngày.

6 Họ đã trải qua xứ Phi-ri-gi và khu vực Ga-la-ti, vì Đức Thánh Linh đã cấm rao giảng Lời trong cõi A-si.

7 Khi đã đến gần xứ Mi-si, họ đã tìm cách để đi vào xứ Bi-thi-ni. Nhưng Đấng Thần Linh đã không cho phép họ.

8 Họ đã qua khỏi xứ Mi-si, đi xuống đến thành Trô-ách.

9 Một khải tượng đã hiện ra cho Phao-lô trong ban đêm. Có một người Ma-xê-đoan đứng, xin ông, nói rằng: Hãy qua đến xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi!

10 Sau khi người thấy khải tượng, chúng tôi liền tìm cách đi đến xứ Ma-xê-đoan, vì đã định rằng, Chúa đã gọi chúng tôi giảng Tin Lành cho họ.

11 Vậy, chúng tôi từ thành Trô-ách đi tàu thẳng đến đảo Sa-mô-tra-xơ; rồi, hôm sau, đến thành Nê-a-bô-li.

12 Từ đó, chúng tôi đến thành Phi-líp. Đó là thành đứng đầu của tỉnh Ma-xê-đoan, một thuộc địa. Chúng tôi đã lưu lại vài ngày, ở trong thành ấy. [Thuộc địa của đế quốc La-mã.]

13 Ngày Sa-bát, chúng tôi đã đi ra ngoài thành, đến gần bên sông, nơi thường có sự cầu nguyện. Chúng tôi đã ngồi, giảng cho các phụ nữ nhóm hiệp tại đó.

14 Có một phụ nữ kia, tên là Li-đi, ở thành Thi-a-ti-rơ, là nữ lái buôn hàng màu tím, là người tin kính Đức Chúa Trời, đã lắng nghe. Chúa đã mở trí cho bà để bà chăm chú nghe những điều được nói bởi Phao-lô.

15 Khi bà đã chịu báp-tem với gia đình của bà, bà xin rằng: Nếu các ông đã xác định tôi là trung tín với Chúa thì hãy đến, vào nhà của tôi mà ở lại. Rồi, bà đã nài ép chúng tôi.

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Nhì của Phao-lô [1]
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/03/HanhTrinhTruyenGiao_2.png

Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô bắt đầu ngay sau khi Ba-na-ba rời khỏi ông. Cùng đi với Phao-lô là Si-la. Si-la là người dẫn đầu phái đoàn do các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem phái đến An-ti-ốt. Nhiệm vụ của phái đoàn là bác bỏ giáo lý dạy phải cắt bì, do những tín đồ theo Do-thái Giáo từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt giảng dạy, đồng thời công bố điều răn của Đức Thánh Linh cho con dân Chúa tại An-ti-ốt cùng các vùng phụ cận. Sau khi phái đoàn đã làm xong nhiệm vụ và về lại Giê-ru-sa-lem, thì Si-la quyết định ở lại An-ti-ốt, cùng Phao-lô và Ba-na-ba giảng dạy cho con dân Chúa tại đó.

Lu-ca, người ghi lại chuyến đi, có lẽ đã không cùng khởi hành với Phao-lô từ An-ti-ốt. Theo giọng văn thì có lẽ Lu-ca đã gặp Phao-lô tại Trô-ách và cùng đi với Phao-lô từ Trô-ách. Vì từ câu 10 trở đi thì Lu-ca dùng cách nói “chúng tôi” thay cho cách nói “họ”.

Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô đã bắt đầu vào khoảng cuối mùa thu năm 49, ra đi từ thành An-ti-ốt; và kết thúc vào khoảng mùa thu năm 52, khi Phao-lô đã về lại thành An-ti-ốt.

Trong bài này, chúng ta học về chặng đầu trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô, từ thành An-ti-ốt của xứ Si-ri đến thành Phi-líp của xứ Ma-xê-đoan.

1 Người đã đến thành Đẹt-bơ và thành Lít-trơ. Kìa! có một môn đồ kia ở đó, tên là Ti-mô-thê, con của một người đàn bà kia, một nữ tín đồ người Do-thái, nhưng cha là người Hy-lạp.

2 Người ấy đã được lời chứng tốt bởi các anh chị em cùng Cha tại Lít-trơ và I-cô-ni.

Từ An-ti-ốt, Phao-lô đã đi đường bộ đến Đẹt-bơ và Lít-trơ. Trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, từ năm 44 đến năm 46, Phao-lô đã cùng Ba-na-ba rao giảng tại Đẹt-bơ, Lít-trơ, và I-cô-ni. Lần này, tại Lít-trơ, Phao-lô đã gặp Ti-mô-thê, một môn đồ của Đấng Christ. Tên Ti-mô-thê có nghĩa là: tôn kính Thiên Chúa. Bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê cũng đều có đức tin nơi Đấng Christ. Rất có thể, Ti-mô-thê cùng với bà ngoại và mẹ đã tin nhận Tin Lành trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô. Nhưng họ vốn là các người tin kính Thiên Chúa theo Do-thái Giáo. Ti-mô-thê đã được bà ngoại và mẹ dạy Lời Chúa cho, từ khi còn thơ ấu (II Ti-mô-thê 1:5; 3:15). Mẹ của Ti-mô-thê là người Do-thái nhưng cha của ông là người Hy-lạp. Đối với dân I-sơ-ra-ên thì Ti-mô-thê vẫn được kể là người I-sơ-ra-ên, nếu Ti-mô-thê vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, trong đó có sự chịu cắt bì. Chúng ta không biết gì hơn về cha của Ti-mô-thê nhưng có lẽ ông không phải là người theo Do-thái Giáo. Vì ông đã không làm nghi thức cắt bì cho Ti-mô-thê. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48, nếu một người dân ngoại muốn dự phần thờ phượng Thiên Chúa với dân I-sơ-ra-ên, thì người ấy phải chịu cắt bì. Cũng có thể ông đã qua đời khi Ti-mô-thê chưa được sinh ra.

Ti-mô-thê đã được con dân Chúa trong Hội Thánh tại Lít-trơ và I-cô-ni làm chứng tốt. Hai Hội Thánh chỉ cách nhau khoảng 30 km. Có lẽ Ti-mô-thê đã thường xuyên sinh hoạt trong cả hai nơi và được nhiều người biết đến.

Theo lịch sử của Hội Thánh thì vào năm 97, khi Ti-mô-thê đã 80 tuổi, ông rao giảng Tin Lành trong khi dân chúng Ê-phê-sô tổ chức lễ hội rước tượng nữ tà thần Đi-anh, nên ông đã bị họ đánh đập và ném đá chết. Vậy, năm 49, khi Ti-mô-thê bắt đầu theo Phao-lô đi truyền giáo thì ông đã được 32 tuổi.

3 Phao-lô muốn đi với người ấy. Bởi cớ những người Do-thái ở trong các nơi đó, nên Phao-lô đã đem người đi và làm phép cắt bì cho, vì hết thảy họ biết rằng, cha của người là người Hy-lạp.

Phao-lô muốn đi với người ấy” là Phao-lô muốn đem Ti-mô-thê theo mình đi truyền giáo. Vì muốn cho Ti-mô-thê được kể là dân I-sơ-ra-ên nên Phao-lô đã làm cắt bì cho Ti-mô-thê. Lý do thứ nhất là để những người Do-thái tại địa phương thấy rằng, Ti-mô-thê được chính thức công nhận là người I-sơ-ra-ên, qua nghi thức cắt bì. Lý do thứ nhì là để Ti-mô-thê được thừa hưởng các lời hứa của Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên thuộc thể, như quyền được hưởng sản nghiệp đời đời trong xứ Ca-na-an.

4 Khi ghé qua các thành, họ đã trao các giáo luật cho con dân Chúa giữ; là các giáo luật đã được phán quyết bởi các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem.

Danh từ “δόγμα” (G1378) /đót-ma/ có nghĩa là: giáo luật, sắc lệnh, pháp lệnh… được dùng trong câu này để chỉ về Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh, đã được phán quyết bởi các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem. Phán quyết có nghĩa là: lời khẳng định đúng theo luật pháp.

Danh từ “giáo luật” có nghĩa là quy định theo luật pháp được giảng dạy. Luật pháp được nói đến ở đây là luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong câu này, danh từ giáo luật mang hình thức số nhiều để chỉ các điều luật (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29):

  • Kiêng ăn của cúng thần tượng.

  • Kiêng ăn máu và thú vật chết ngạt.

  • Tránh sự tà dâm.

Và thêm vào đó là sự con dân Chúa không cần chịu cắt bì để được cứu.

Ngoài Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh thì con dân Chúa vẫn phải giữ các luật lệ về vệ sinh và đạo đức đã được ghi rõ trong Cựu Ước. Điển hình là luật tránh xa xác chết, rửa tay trước khi ăn, không kết hôn với người có quan hệ huyết thống hoặc có quan hệ gần, trong gia đình.

Si-la là người đại diện cho các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem. Vì thế, tiếng nói của ông có thẩm quyền để bác bỏ mọi lời rao giảng về sự con dân Chúa phải chịu cắt bì mới được cứu.

5 Vậy, thực tế các Hội Thánh đã được vững vàng trong đức tin và đã thêm lên số người mỗi ngày.

Các Hội Thánh” được nói đến ở đây là các Hội Thánh đã được thành lập trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô. Con dân Chúa trong các Hội Thánh được vững vàng trong đức tin, vì được hiểu biết thêm hơn về Lời Chúa, qua sự giảng dạy của Phao-lô và Si-la. Nhờ vững vàng trong đức tin mà con dân Chúa thể hiện nếp sống chiếu ra vinh quang của Thiên Chúa. Bởi đó, ngày càng có thêm nhiều người tin nhận Tin Lành. Chúng ta cần ghi nhớ: Tin Lành vừa được rao giảng bằng lời nói, vừa được rao giảng bằng nếp sống của con dân Chúa. Điều đó giống như hai mặt của một đồng tiền, không thể thiếu một trong hai.

6 Họ đã trải qua xứ Phi-ri-gi và khu vực Ga-la-ti, vì Đức Thánh Linh đã cấm rao giảng Lời trong cõi A-si.

Phao-lô và các người đồng hành đã đi qua xứ Phi-ri-gi và khu vực Ga-li-ti mà không ghé lại một thành nào. Cõi A-si là một tỉnh thuộc đế quốc La-mã, bao gồm các xứ: Mi-si, Phi-ri-gi, Li-đi (Lydia), và Ca-ri (Caria); với thủ phủ là thành Ê-phê-sô. Hai xứ Li-đi và Ca-ri không được nói đến trong Thánh Kinh. Xứ Li-đi nằm về phía bắc của thành phố Ê-phê-sô, còn xứ Ca-ri thì nằm về phía nam của thành phố Ê-phê-sô.

Vì lý do gì Đức Thánh Linh đã không cho phép Phao-lô đến giảng Tin Lành trong các thành thuộc tỉnh A-si vào lúc ấy thì Thánh Kinh không nêu ra. Có lẽ là vì trong chương trình của Đức Chúa Trời thì dân Ma-xê-đoan cần được nghe giảng Tin Lành trước. Cũng có thể vào lúc bấy giờ dân ở trong các thành thuộc A-si chưa sẵn sàng để tin nhận Tin Lành.

Chúng ta chú ý, trong câu này, Thánh Kinh dùng nhóm chữ “rao giảng Lời” để nói về sự rao giảng Tin Lành. Danh từ “Lời” trong câu này có mạo từ xác định đứng trước, hàm ý: Lời của Đức Chúa Trời, hoặc thân vị của Thiên Chúa. Vì thế, giảng Tin Lành là giảng Lời của Đức Chúa Trời, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh, về sự kiện Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người, gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người.

7 Khi đã đến gần xứ Mi-si, họ đã tìm cách để đi vào xứ Bi-thi-ni. Nhưng Đấng Thần Linh đã không cho phép họ.

8 Họ đã qua khỏi xứ Mi-si, đi xuống đến thành Trô-ách.

Xứ Mi-si là vùng đất nằm về phía tây, thuộc tỉnh A-si. Các thành phố của xứ Mi-si nằm dọc theo bờ biển Aegean thuộc Địa Trung Hải. Xứ Bi-thi-ni nằm về phía bắc của tỉnh A-si. Trong khi Phao-lô và các bạn của ông đang sắp xếp để đi lên hướng bắc, đến xứ Bi-thi-ni, thì Đức Thánh Linh đã một lần nữa, ngăn cản họ. Vì thế, Phao-lô và các bạn của ông chỉ còn cách đi thẳng về hướng tây, tạm dừng chân tại thành Trô-ách.

9 Một khải tượng đã hiện ra cho Phao-lô trong ban đêm. Có một người Ma-xê-đoan đứng, xin ông, nói rằng: Hãy qua đến xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi!

Trong khi Phao-lô và các bạn của ông tạm nghỉ tại Trô-ách thì Chúa đã ban cho Phao-lô một khải tượng. Phao-lô đã nhìn thấy một người đàn ông thuộc dân Ma-xê-đoan, đứng trước ông, nài xin ông hãy đi qua đến xứ Ma-xê-đoan để cứu giúp dân Ma-xê-đoan. Vì Thánh Kinh dùng danh từ “khải tượng” nên chúng ta hiểu, không phải Phao-lô nằm mơ, mà là ông có sự nhìn thấy trong khi ông đang thức. Chúa có thể dùng giấc mơ hoặc khải tượng để bày tỏ thánh ý của Ngài cho con dân của Ngài.

Xứ Ma-xê-đoan nằm đối diện với thành Trô-ách, phía bên kia biển Aegean. Thời đó, Ma-xê-đoan cũng là một tỉnh thuộc địa của đế quốc La-mã, nằm về phía bắc của xứ Hy-lạp. Ngày nay, miền nam của xứ Ma-xê-đoan, bao gồm các thành Phao-lô đã đi đến, thuộc về Hy-lạp.

10 Sau khi người thấy khải tượng, chúng tôi liền tìm cách đi đến xứ Ma-xê-đoan, vì đã định rằng, Chúa đã gọi chúng tôi giảng Tin Lành cho họ.

11 Vậy, chúng tôi từ thành Trô-ách đi tàu thẳng đến đảo Sa-mô-tra-xơ; rồi, hôm sau, đến thành Nê-a-bô-li.

Kể từ câu 10, Lu-ca đã đổi cách dùng đại danh từ ngôi thứ ba số nhiều “họ” sang cách dùng đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi”. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, Lu-ca đã gặp Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê tại Trô-ách; rồi, từ đó, ông đã đồng hành với Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô.

Mọi người trong đoàn truyền giáo của Phao-lô đồng ý rằng, khải tượng về người Ma-xê-đoan cầu cứu Phao-lô là đến từ Chúa, là sự Chúa kêu gọi họ đến Ma-xê-đoan để giảng Tin Lành. Vì thế, họ đã thu xếp để xuống tàu đi đến Ma-xê-đoan. Họ đã từ thành Trô-ách đi đến đảo Sa-mô-tra-xơ, nghỉ lại một đêm, rồi đi tiếp đến thành Nê-a-bô-li. Nhưng họ đã không ở lại thành Nê-a-bô-li.

12 Từ đó, chúng tôi đến thành Phi-líp. Đó là thành đứng đầu của tỉnh Ma-xê-đoan, một thuộc địa. Chúng tôi đã lưu lại vài ngày, ở trong thành ấy. [Thuộc địa của đế quốc La-mã.]

Từ Nê-a-bô-li, Phao-lô và các bạn của ông đã đi đường bộ đến thành Phi-líp. Phi-líp là thành phố lớn, đứng đầu xứ Ma-xê-đoan thời bấy giờ. Họ đã nghỉ ngơi vài ngày, có lẽ để lấy sức và tìm hiểu dân tình. Thành Phi-líp được đặt theo tên cha của Đại Đế A-léc-xan-đơ, đại đế của đế quốc Hy-lạp. Về sau, thành Phi-líp trở thành chiến trường cho các trận đánh trong cuộc nội chiến của đế quốc La-mã. Nhưng cũng tại Phi-líp, Hội Thánh đầu tiên trong xứ Ma-xê-đoan được thành lập. Hội Thánh tại Phi-líp là Hội Thánh đã tích cực nhất trong việc tiếp trợ Phao-lô trong mục vụ truyền giáo của ông, ngoài việc tiếp trợ tiền bạc, phẩm vật, Hội Thánh còn cử Ép-ba-phô-đích đi theo, chăm sóc Phao-lô (Phi-líp 2:25; 4:15).

13 Ngày Sa-bát, chúng tôi đã đi ra ngoài thành, đến gần bên sông, nơi thường có sự cầu nguyện. Chúng tôi đã ngồi, giảng cho các phụ nữ nhóm hiệp tại đó.

Vào lúc bấy giờ, có lẽ tại thành Phi-líp đã có một số người theo Do-thái Giáo, nhưng chưa có nhà hội. Vì thế, vào ngày Sa-bát, những người thờ phượng Chúa theo Do-thái Giáo đã nhóm hiệp bên bờ sông, ngoài thành, tại một địa điểm đã định. Nơi đó có ghế ngồi nhưng không có mái che. Mục đích chính của họ là nhóm hiệp để cầu nguyện.

Vào ngày Sa-bát, khi Phao-lô và các bạn của ông đến nơi nhóm hiệp cầu nguyện thì đã gặp nhiều phụ nữ có mặt tại đó. Có lẽ các phụ nữ đã đến sớm, trước giờ nhóm chung. Phao-lô và các bạn của ông đã ngồi xuống, giảng Lời Chúa cho các phụ nữ.

14 Có một phụ nữ kia, tên là Li-đi, ở thành Thi-a-ti-rơ, là nữ lái buôn hàng màu tím, là người tin kính Đức Chúa Trời, đã lắng nghe. Chúa đã mở trí cho bà để bà chăm chú nghe những điều được nói bởi Phao-lô.

Trong số các phụ nữ nghe giảng, có bà Li-đi là người có lòng tin kính Chúa, đã lắng nghe lời giảng. Vì thế, Chúa đã mở trí cho bà nghe, hiểu những điều được Phao-lô rao giảng. Điều đó có nghĩa là Phao-lô đã dùng Lời Chúa trong Cựu Ước để giảng về Đấng Christ; và bà Li-đi đã hiểu ý nghĩa của Tin Lành Cứu Rỗi, như chúng ta hiểu ngày nay. Đó là sự Đấng Thần Linh tác động trong thần trí của bà Li-đi, ban cho bà sự khôn sáng. Người có lòng tin kính Chúa là người luôn khao khát được hiểu biết về Chúa, về Lời của Ngài. Đó chính là sự tìm kiếm Chúa. Khi một người hết lòng tìm kiếm Chúa thì sẽ gặp được. Lời Chúa đã hứa chắc như vậy:

Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Quê của bà Li-đi là ở thành Thi-a-ti-rơ, xứ Li-đi, thuộc tỉnh A-si. Tên của bà trùng với tên của xứ Li-đi, là nơi nổi tiếng về việc sản xuất các loại hàng tơ lụa màu tím và thuốc nhuộm màu tím; hoặc đó là tên mà người Ma-xê-đoan gọi bà, vì bà là người buôn hàng từ xứ Li-đi.

Hàng màu tím” có thể là tơ lụa màu tím hoặc thuốc nhuộm màu tím. Cũng có thể là bà Li-đi buôn cả tơ lụa và thuốc nhuộm.

15 Khi bà đã chịu báp-tem với gia đình của bà, bà xin rằng: Nếu các ông đã xác định tôi là trung tín với Chúa thì hãy đến, vào nhà của tôi mà ở lại. Rồi, bà đã nài ép chúng tôi.

Rất có thể là ngay trong buổi nhóm ngày hôm đó, khi gia đình của bà Li-đi đã đến và nghe Phao-lô giảng, thì họ cũng tin nhận Tin Lành. Chúng ta có thể tin rằng, bà Li-đi và gia đình đã chịu báp-tem ngay tại dòng sông bên cạnh chỗ nhóm. Trong Thánh Kinh luôn luôn ghi lại sự kiện người tin nhận Tin Lành được báp-tem ngay.

Sau khi chịu báp-tem, bà Li-đi đã xin Phao-lô và các bạn của ông đến cư trú tại nhà của bà. Động từ “nài ép” (G3849) có nghĩa là mời mà không cho phép từ chối. Động từ này chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước. Một lần trong câu này và một lần trong Lu-ca 24:29, khi hai môn đồ của Chúa nài ép Ngài dừng lại, cùng vào làng Em-ma-út với họ.

Câu nói của bà Li-đi: “Nếu các ông đã xác định tôi là trung tín với Chúa thì hãy đến, vào nhà của tôi mà ở lại”, không có ý là bà chẳng biết Phao-lô và các bạn của ông nhận xét về lòng trung tín của bà như thế nào. Mà chữ “nếu” ở đây có nghĩa là “vì”. Bà Li-đi biết chắc họ nhận biết đức tin của bà, lòng tin kính Chúa của bà, và lòng trung tín của bà đối với Chúa. Vì thế, bà mời họ đến ở nhà bà. Vì bà và họ đã trở thành anh chị em cùng Cha. Nhà của bà cũng là nhà của họ. Sự bà Li-đi biết Phao-lô và các bạn của ông cũng như sự họ biết bà là do hai bên cùng một thánh linh, cùng một thần trí.

Chữ “nếu” được dùng trong Thánh Kinh không phải lúc nào cũng có nghĩa giả định, dùng cho trường hợp có thể hoặc không có thể xảy ra. Chữ “nếu” trong Thánh Kinh thường được dùng với nghĩa khẳng định, tương đương với chữ “vì”. Rõ ràng là chữ “nếu” trong câu Thánh Kinh sau đây không phải là trường hợp giả định, mà là trường hợp khẳng định, cùng nghĩa với chữ “vì”:

Nếu Đấng Thần Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jesus sống lại từ trong những kẻ chết, ở trong các anh chị em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong những kẻ chết cũng sẽ nhờ Đấng Thần Linh của Ngài ở trong các anh chị em, khiến cho những thân thể sẽ chết của các anh chị em được sống lại.” (Rô-ma 8:11).

Vì thế, chúng ta nên cẩn thận khi đọc đến các câu Thánh Kinh có chữ “nếu”. Chúng ta phải dựa vào văn mạch để hiểu đúng ý của câu văn, hiểu đúng ý và tâm trạng của người nói.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/03/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/03/HanhTrinhTruyenGiao_2.png

Karaoke Thánh Ca: “Tình Chúa”
https://karaokethanhca.net/tinh-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.