Chú Giải Rô-ma 01:18-23

7,329 views

Roma_006 Sự Hiểu Biết về Đức Chúa Trời Đã Được Tỏ Ra cho Dân Ngoại
(Rô-ma 1:18-23)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Dẫn Nhập

Thư Rô-ma trình bày rất rõ ràng và chi tiết về bản chất tội lỗi, hành động tội lỗi, và hậu quả của tội lỗi. Ngay từ đoạn một, sau lời mở đầu, chào thăm các thánh đồ tại thành Rô-ma và công bố năng lực của Tin Lành Đấng Christ, Sứ Đồ Phao-lô đã đề cập ngay đến tội lỗi, làm tiền đề cho nhu cầu cần được cứu rỗi của loài người. Bởi vì, nếu không có tội lỗi thì không cần phải có sự cứu rỗi.

Phao-lô dành 15 câu trong 1:18-32 để nói về tội lỗi của các dân ngoại và 37 câu trong 2:1-3:8 để nói về tội lỗi của Dân Do-thái. Chúng ta thấy Phao-lô dùng nhiều lời để nói về tội lỗi của con dân Chúa hơn là nói về tội lỗi của những người chưa thuộc về Chúa. Đây cũng chính là hiện trạng trong thời đại của chúng ta. Nếu phải nói về tội lỗi thì sự phạm tội của con dân Chúa nhiều và nghiêm trọng hơn là sự phạm tội của những người chưa thuộc về Chúa.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những điều Phao-lô trình bày về tội lỗi của các dân ngoại.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwMzNf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11606-suhieubietveducchuatroi
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/2ob8hhjo7i2qcgd/11606_ChuGiaiRoma_1_18-23_SuHieuBietVeDucChuaTroi.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Cơn Giận của Thiên Chúa

Rô-ma 1:18 Nhưng cơn giận của Thiên Chúa từ trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình của loài người, của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật.

Trước hết, Phao-lô nói đến “cơn giận của Thiên Chúa” thay vì nói đến “cơn giận của Đức Chúa Trời” như trong Ê-phê-sô 5:6. Bởi vì, trong Ê-phê-sô 5:6, Phao-lô nói đến cơn giận của Đức Chúa Cha tỏ ra cùng những con dân Chúa phạm tội; còn trong Rô-ma 1:18, Phao-lô nói đến cơn giận của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với những hành động tội lỗi.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ Thiên Chúa được dùng ở đây không có mạo từ xác định đứng trước cho nên không chỉ về Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Ngôi Cha, nhưng gồm chung Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh đều tỏ ra cơn giận đối với những hành động tội lỗi do loài người làm ra. Chúng ta cần để ý đến điều này: Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa giận “nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình của loài người, của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật.”

Chữ “nhưng” ở đầu câu có liên quan đến hai câu 16 và 17; nghĩa là: Dù Thiên Chúa ban sự cứu rỗi cho nhân loại qua Đấng Christ “nhưng” cơn giận của Thiên Chúa vẫn tỏ ra nghịch cùng những hành động tội lỗi. Điều này trái ngược với niềm tin của một số người, họ tin rằng, Chúa là yêu thương, cho nên, không có chuyện Chúa sẽ giam những người không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi đời đời trong hỏa ngục.

Chúng ta cũng cần chú ý đến sự kiện: “cơn giận của Thiên Chúa từ trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình của loài người, của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật,” chứ không phải nghịch cùng những tội nhân. Cơn giận đó đến từ trời, tức là từ nơi Thiên Chúa ngự ở trong thiên đàng. Cơn giận đó thể hiện bằng cách Thiên Chúa để mặc cho tội nhân tự làm nhục thân thể mình trong những sự ham muốn tội lỗi, như đã chép trong 1:24.

Không tin kính” là không kính sợ Thiên Chúa. “Không công bình” là trái nghịch các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Lòng không tin kính dẫn đến tư tưởng, lời nói, và hành động không công bình, tức là tội lỗi. Thiên Chúa không ngoại trừ một tội lỗi nào, từ một lời nói dối, một ý tưởng tham lam, cho đến hành động giết người hoặc thờ lạy hình tượng, hễ là thái độ và hành động không tin kính và không công bình thì đều là đối tượng cho cơn giận của Thiên Chúa.

Những Kẻ Dùng Sự Không Công Bình mà Cầm Giữ Lẽ Thật

Rô-ma 1:18 Nhưng cơn giận của Thiên Chúa từ trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình của loài người, của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật.

Có nhiều người không tin kính Thiên Chúa và làm ra những điều trái nghịch với điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, nhưng trong số đó, lại có những kẻ cố tình làm ra những điều tội lỗi nhằm ngăn cản người khác biết đến lẽ thật, tức là biết đến Lời Chúa, biết đến Tin Lành cứu rỗi của Thiên Chúa. Hành động đó được gọi là “cầm giữ lẽ thật.” Cầm giữ lẽ thật có nghĩa là khiến cho lẽ thật không được bày tỏ và không được thi hành.

Các nhà cầm quyền trong thế gian lập ra những luật không công bình để cấm việc rao giảng Tin lành và phổ biến Thánh Kinh. Các tiên tri giả và giáo sư giả trà trộn trong Hội Thánh thì rao giảng tà giáo khiến cho con dân Chúa không nhìn thấy lẽ thật của Lời Chúa. Ngày nay, hầu hết trong các giáo hội mang danh Chúa, người ta vẫn dạy cho con dân Chúa bỏ đi điều răn thứ tư, hủy bỏ sự vâng giữ ngày Sa-bát. Hàng năm, người ta vẫn tổ chức Christmas, tức là tổ chức “Tế Đấng Christ” (chữ “mas” trong Christmas ra từ chữ “mass” có nghĩa là “giết một con sinh làm tế lễ) và cùng nhau nói: “Mery Christmas,” nghĩa là “Mừng Christ Bị Giết!” Hàng năm, người ta vẫn tổ chức Easter với bao nhiêu là tục lệ mê tín dị đoan đến từ ngoại giáo để mừng Chúa phục sinh. Việc Chúa phục sinh thì có liên quan gì đến Nữ Thần Easter của ngoại giáo? Tại sao lại gọi ngày lễ mừng Chúa phục sinh bằng tên của một nữ tà thần và làm ra các tục lệ mê tín dị đoan liên quan đến nữ tà thần này, như việc săn trứng và làm bánh, kẹo hình con thỏ?

Thiên Chúa từ trời tỏ ra cơn giận nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình của loài người” nói chung, và Thiên Chúa cũng “từ trời tỏ ra cơn giận nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình… của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật.”

Nếu ai đó cản trở việc rao giảng Tin Lành, cản trở việc phổ biến Thánh Kinh hoặc phiên dịch Thánh Kinh theo ý riêng, chìu theo văn hóa của thế gian mà thay đổi, thêm bớt Lời Chúa trong khi phiên dịch hoặc tham dự vào việc giảng dạy cho người khác hủy bỏ ngày Sa-bát, tham dự vào các ngày Christmas và Easter thì người đó đã ”dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật.”

Sự Hiểu Biết về Đức Chúa Trời Đã Được Tỏ Ra cho Dân Ngoại

Rô-ma 1:19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ

Rô-ma 1:20 những sự không thấy được của Ngài, qua sự sáng tạo thế gian là sự được thấy rõ ràng, để họ bởi những vật được làm ra mà nhận biết cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.

Dân I-sơ-ra-ên là tuyển dân của Thiên Chúa, có nghĩa là Ngài lập ra dân I-sơ-ra-ên và tuyển chọn họ làm con dân của Ngài, làm một dân tộc thánh, một vương quốc của thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6) để họ đón nhận các điều răn, luật pháp của Ngài rồi rao truyền cho muôn dân. Vì thế, họ được chính Ngài mạc khải lẽ thật cho họ qua các dấu kỳ, phép lạ, qua mọi lời phán của Ngài một cách trực tiếp hoặc qua các tiên tri. Tuy nhiên, đối với những dân tộc khác mà Thánh Kinh dùng từ ngữ “dân ngoại” [1] để gọi (ngoại có nghĩa là ở ngoài, ở ngoài dân I-sơ-ra-ên), thì Thiên Chúa cũng đã bày tỏ những điều cần biết về Thiên Chúa cho họ. Rô-ma 1:19 khẳng định sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được chiếu ra trong họ,” tức là trong tâm trí họ có sự nhận biết về Đức Chúa Trời và trong lương tâm của họ đã ghi lại điều răn cùng luật pháp của Ngài.

Từ ngữ “chiếu ra” nói đến sự làm cho hiện rõ, như cách chúng ta dùng máy chiếu hình ngày hôm nay để chiếu ra trên màn ảnh những thông tin mà chúng ta muốn cho người khác biết. Thiên Chúa đã chiếu ra trong tâm trí loài người những gì loài người cần biết về Đức Chúa Trời. Ở đây, chúng ta thấy Phao-lô không dùng danh từ Thiên Chúa nhưng dùng danh từ Đức Chúa Trời, vì ông muốn nhấn mạnh đến Thiên Chúa Ngôi Cha. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa Ngôi Con chưa nhập thế làm người và Thiên Chúa Ngôi Đức Thánh Linh cũng chưa giáng lâm. Loài người thời bấy giờ chỉ được mạc khải về Thiên Chúa Ngôi Cha và nhận được lời hứa về sự đến của Thiên Chúa Ngôi Con cùng Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh.

Ngay cả trước khi dân I-sơ-ra-ên được thành lập, các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được ban cho họ qua chữ viết, thì hơn 430 năm trước đó, Áp-ra-ham đã biết và vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Điều đó minh chứng rằng: Thiên Chúa đã chiếu ra sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong tâm trí Áp-ra-ham và các điều răn, luật pháp của Ngài đã được ghi chép trong lương tâm của ông:

Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5)

Những Sự Không Thấy Được của Đức Chúa Trời

Những sự không thấy được của Đức Chúa Trời vẫn được Ngài tỏ ra cho nhân loại. Những sự không thấy được đó chính là năng lực và thần tính của Ngài. Năng lực là sức mạnh và khả năng làm ra một điều gì đó. Thần tính là những tính chất thuộc riêng về Thiên Chúa. Qua thế gian mà loài người có thể nhận biết năng lực và thần tính của Đức Chúa Trời. Từ một bông hoa dại bé nhỏ bên đường tới muôn vàn tinh tú trong không gian, mỗi một loài thọ tạo trong thế gian đều bày tỏ năng lực và thần tính của Đức Chúa Trời.

Không một ai có thể tạo ra những gì mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo trong thế gian. Từ ngữ “thế gian” dùng trong câu này, trong nguyên ngữ của Thánh Kinh bao gồm toàn thể thế giới vật chất và nghĩa đen là “vũ trụ.” Vì thế, chính trong mỗi vật thọ tạo đó mà loài người có thể nhìn thấy sức mạnh và khả năng của Đức Chúa Trời. Sự nhận thức sức mạnh và khả năng của Đức Chúa Trời dẫn đến sự nhận thức thần tính của Ngài, rằng: có một Đấng Tạo Hóa toàn năng (làm được mọi sự), toàn tri, (biết hết mọi sự), toàn tại (ở khắp mọi nơi). Khi nhìn vào chính mình, loài người còn nhận ra Đức Chúa Trời là toàn chân (hoàn toàn chân thật), toàn thiện (hoàn toàn thiện lành), và toàn mỹ (hoàn toàn tốt đẹp). Bởi vì, Đấng đã tạo nên loài người, đặt vào trong lòng của loài người sự khao khát được biết lẽ thật, sự khao khát được đối xử cách chân thật, sự thán phục những điều thiện và muốn làm ra những điều lành, sự ưa thích và khao khát những điều tốt đẹp, phải là Đấng toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ.

Năng lực và thần tính của Đức Chúa Trời còn lại đời đời vì Ngài là Đấng đời đời. Tên của Ngài trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là: “Đấng Tự Có và Có đến Mãi Mãi” được phiên âm ra tiếng Việt là “Giê-hô-va.”

Chính vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được chiếu ra trong mỗi người, chính vì muôn loài thọ tạo trong thế gian này đều tỏ ra sức mạnh, khả năng và thần tính đời đời của Đức Chúa Trời mà không ai có thể bào chữa cho sự phạm tội của mình. Vì tự trong lòng của mỗi người đều nhận thức rằng: có một Đấng Tạo Hóa, tức là Đức Chúa Trời mà mình phải thờ phượng; tự trong lòng của mỗi người đều nhận thức rằng: các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra trong lương tâm mình và mình có bổn phận phải vâng theo.

Sự Ngu Dại và Tối Tăm của Loài Người

Rô-ma 1:21 Bởi vì họ được hiểu biết Đức Chúa Trời, mà không tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, cũng không tạ ơn Ngài; nhưng họ ngu dại trong những ý tưởng của họ, và lòng ngu dốt của họ thì tối tăm.

Rô-ma 1:22 Họ tự xưng là khôn ngoan, họ trở nên ngu dại.

Thánh Kinh ghi lại một số trường hợp có những người sau khi hiểu biết về Đức Chúa Trời thì tôn vinh, cảm tạ, vâng phục và thờ phượng Ngài, như Gióp và ba người bạn của ông, như Áp-ra-ham, tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên, là những người đã sống cách nay trên 4,000 năm. Tuy nhiên, phần lớn loài người đã không có thái độ và hành động đúng về sự hiểu biết Đức Chúa Trời, mà Ngài đã chiếu ra trong họ và bày tỏ qua muôn loài vạn vật thọ tạo trong thế gian.

Khi loài người không áp dụng sự hiểu biết của mình về Đức Chúa Trời vào trong sự tôn vinh và cảm tạ Ngài, thì họ tự biến mình thành ra ngu dại trong mọi ý tưởng. Từ ngữ “ngu dại” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: trống không, vô ích, và ưa thích thần tượng. Một người chối bỏ Đức Chúa Trời, có những ý tưởng trống không, vô ích, thì chỉ biết nương cậy nơi chính mình, tự biến mình thành Đức Chúa Trời của mình. Những ý tưởng ngu dại làm cho một người trở thành ngu dốt, nghĩa là người ấy không còn khả năng tiếp nhận lẽ thật, như một người bị mù không còn nhận được ánh sáng. Từ ngữ “ngu dốt” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: thiếu hiểu biết, không biết nhận thức, và ác độc. Một người thiếu hiểu biết, không biết nhận thức, đương nhiên sẽ làm ra những việc ác độc.

Thi Thiên 14:1 và 53:1 chép rằng: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Thiên Chúa. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành.” Không phải họ không biết rằng có một Thiên Chúa, nhưng vì họ không tôn vinh và cảm tạ Ngài nên họ trở thành ngu dại, đến nỗi tự mình dối gạt mình, nói với lòng mình rằng, không có Thiên Chúa. Vì thế, họ trở nên bại hoại, làm ra những việc tội lỗi gớm ghiếc và không thể nào làm được việc lành. Thế nhưng, họ tự xưng là khôn ngoan và biết bao nhiêu là văn bằng “tiến sĩ” đã được cấp cho những kẻ ngu dại, là những kẻ công khai nói rằng, không có Thiên Chúa. Chính hành động xưng mình là khôn ngoan đó đã biến họ trở thành những kẻ ngu dại.

Khi một người chối bỏ Thiên Chúa là người ấy đồng thời chối bỏ luôn các điều răn và luật pháp của Ngài. Ngược lại, dù cho một người mở miệng xưng nhận Thiên Chúa nhưng trong hành động lại không vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài, thì người đó cũng đã chối bỏ Thiên Chúa qua hành động. Sự tuyên xưng của người ấy chỉ là một lời dối trá:

“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.” (I Giăng 2:4).

Thánh Kinh gọi nếp sống của họ là nếp sống thù nghịch thập tự giá; bởi lẽ, trên thập tự giá Đấng Christ đã chết vì tội lỗi của họ, để họ nhận được sự tha tội của Đức Chúa Trời, mà họ vẫn tiếp tục phạm tội trong khi môi miệng xưng nhận rằng, họ tin nhận Tin lành. Phao-lô viết:

“Vì tôi đã thường nói điều này cho các anh chị em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.” (Phi-líp 3:18).

Sự Thờ Lạy Hình Tượng của Loài Người

Rô-ma 1:23 Họ đã đổi sự vinh quang không hư mất của Đức Chúa Trời cho hình tượng hay hư nát được làm giống như hình ảnh của loài người, của các loài chim, của các loài thú, của các loài côn trùng.

Điều mĩa mai, đáng giận và đáng trách, đó là, loài người chối bỏ vinh quang đời đời của Đức Chúa Trời toàn năng, để nương cậy nơi chính mình và hình tượng của những loài thọ tạo, là những loài nay còn, mai mất. Thậm chí, họ thờ lạy hình tượng của những côn trùng, thường bị họ giày đạp dưới chân, do đó, họ đã làm nhục hình ảnh của Thiên Chúa ở trong họ.

Rô-ma 1:23 không chỉ áp dụng cho những người sấp mình quỳ lạy trước các hình tượng, mà còn áp dụng luôn cho những ai say mê, ham thích các loại hình tượng giống như hình ảnh của loài người, của các loài chim, của các loài thú, của các loài côn trùng,” bỏ ra biết bao nhiêu là tiền bạc, công sức và thời gian để tạc, để đúc, để bảo quản, để mua bán, để trưng bày chúng, thay vì dùng tiền bạc, thời gian, công sức, và lòng nhiệt tình cho sự vinh quang đời đời của Đức Chúa Trời.

Kết Luận

Thiên Chúa yêu thương loài người đang chết mất trong tội lỗi, nhưng cơn giận của Thiên Chúa từ trời tỏ ra nghịch cùng “mọi sự không tin kính và không công bình của loài người, của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật,” nghĩa là, nghịch cùng mọi hình thức tội lỗi.

Thiên Chúa đã bày tỏ về Đức Chúa Trời trong tâm trí của loài người, đã đặt để các điều răn và luật pháp của Ngài trong lương tâm của loài người, và bày tỏ năng lực cùng thần tính của Ngài qua muôn loài thọ tạo, nhất là qua loài người. Nhưng loài người đã chối bỏ Đức Chúa Trời cùng các điều răn và luật pháp của Ngài. Sự chối bỏ Đức Chúa Trời, không tôn vinh và cảm tạ Ngài, không thờ phượng Ngài, đã khiến cho loài người trở nên ngu dại và không thể làm ra việc lành.

Sự ngu dại trong mọi ý tưởng dẫn đến sự ngu dốt trong lòng và sự đui mù thuộc linh, khiến cho loài người không còn nhận biết lẽ thật về Đức Chúa Trời, vì thế, loài người chỉ còn biết nương cậy nơi chính mình và nơi hình tượng của các loài thọ tạo, để tìm phước và lánh họa.

Vì sự yêu thương tuyệt đối của Đức Chúa Trời dành cho loài người mà Ngài đã sai Con Một của Ngài vào trong thế gian, để thi hành công cuộc cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi, ra khỏi sự ngu dốt tối tăm của họ. Một lần nữa, Thiên Chúa chiếu sáng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong tâm trí loài người, mà lòng ngu dốt tối tăm của họ không thể kiềm chế được ánh sáng của lẽ thật. Nghĩa là, không một ai không hiểu biết về Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời khi được nghe giảng Tin Lành. Vấn đề là: người đã nghe và biết về Tin Lành có muốn từ bỏ tội lỗi để được cứu rỗi hay không. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về sự quyết định của mình, và nếu đã chọn chối bỏ Tin Lành thì không ai có thể tự chữa mình trong ngày phán xét.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/07/2012

Ghi Chú:

[1] Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh thì từ ngữ được dịch sang Việt ngữ là “dân ngoại” cũng chính là từ ngữ được dịch thành “người Hy-lạp” trong Rô-ma 1:14. Nghĩa đen của từ ngữ này là “người Hy-lạp,” nghĩa bóng là “người không thuộc dân I-sơ-ra-ên.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.