Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL009 Ma-ri Thăm Ê-li-sa-bét và Lời Tôn Vinh Thiên Chúa của Ma-ri

562 views

YouTube: https://youtu.be/mvyZ5LteCUE

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL009 Ma-ri Thăm Ê-li-sa-bét
và Lời Tôn Vinh Thiên Chúa của Ma-ri

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 1:39-56

39 Trong những ngày đó, Ma-ri đã trỗi dậy, vội vã đi vào trong miền núi, đến một thành thuộc chi phái Giu-đa.

40 Nàng đã vào trong nhà của Xa-cha-ri và chào Ê-li-sa-bét.

41 Đã xảy ra, khi Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Ma-ri, con nhỏ đã nhảy lên trong lòng của bà; và Ê-li-sa-bét đã được đổ đầy thánh linh.

42 Bà đã kêu lớn tiếng và nói: Ngươi đã được phước trong những người nữ! Phước thay bông trái của lòng ngươi!

43 Vì sao sự này xảy đến cho tôi, mà mẹ của Chúa tôi đã đến với tôi?

44 Vì kìa! Tiếng chào của ngươi vừa đến trong lỗ tai của tôi thì con nhỏ đã nhảy mừng trong lòng tôi.

45 Phước cho ngươi đã tin, vì sẽ có sự hoàn thành những lời đã nói với ngươi từ Chúa.

46 Ma-ri đã nói: Linh hồn tôi tôn vinh Chúa!

47 Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, Đấng Giải Cứu của tôi!

48 Vì Ngài đã nhìn đến sự hèn hạ của nữ tôi tớ của Ngài. Vì này, từ nay về sau, mọi dòng dõi sẽ xưng tôi là có phước.

49 Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh!

50 Sự thương xót của Ngài đối với những người kính sợ Ngài, từ dòng dõi này sang dòng dõi khác.

51 Ngài đã làm ra sự mạnh mẽ bởi cánh tay của Ngài. Ngài đã làm tản lạc những kẻ kiêu ngạo trong sự suy tưởng của lòng họ.

52 Ngài đã hạ những kẻ quyền thế khỏi những ngai của họ, và nhấc những người khiêm nhường lên.

53 Ngài đã làm cho những người đói được đầy thức ăn ngon, và Ngài đã đuổi những kẻ giàu đi khỏi với tay không.

54 Ngài đã nắm lấy I-sơ-ra-ên, tôi tớ của Ngài, nhớ lại sự thương xót của Ngài,

55 như Ngài đã phán với những tổ phụ của chúng tôi, với Áp-ra-ham và dòng dõi của người, cho tới vĩnh cửu.

56 Ma-ri đã ở với bà chừng ba tháng, rồi trở về nhà của mình.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về sự kiện Ma-ri đến thăm Ê-li-sa-bét, được xác chứng sự Ê-li-sa-bét có thai, được khích lệ bởi lời chúc phước của Ê-li-sa-bét; và Ma-ri đã dâng lời tôn vinh Thiên Chúa.

39 Trong những ngày đó, Ma-ri đã trỗi dậy, vội vã đi vào trong miền núi, đến một thành thuộc chi phái Giu-đa.

Trong những ngày đó” là trong những ngày tiếp theo sự việc đã xảy ra, khoảng thời gian này có thể kéo dài từ vài ngày cho đến một tháng. Với sự vội vã của Ma-ri chúng ta có thể hiểu rằng, ngay sau khi thiên sứ lìa khỏi Ma-ri thì bà đã thu xếp, để có thể lên đường trong vòng một hai ngày.

Vào thời ấy, sự di chuyển thường là đi bộ. Để tránh bị cướp hoặc bị đi lạc đường, khách du hành thường đi chung với các đoàn thương buôn. Ngựa chỉ được dùng cho quân đội và nhà cầm quyền. Dân chúng thì sử dụng lừa, bò, lạc đà để vận chuyển hàng hóa. Bò thường được dùng để kéo xe, lừa và lạc đà thì mang hàng hóa trong hai giỏ hàng ở hai bên hông. Khách đi đường có thể thuê lừa để cưỡi, hoặc thuê chỗ ngồi trong một giỏ hàng hóa bên hông lạc đà, hoặc thuê một chỗ ngồi trên một chiếc xe do bò kéo. Các đoàn thương buôn luôn có vệ sĩ mang gươm bảo vệ. Cũng có khi chính quyền La-mã cho quân lính theo hộ tống các đoàn thương buôn cung cấp nhu yếu phẩm cho các đơn vị quân đội. Tùy theo địa hình và thời tiết, tốc độ di chuyển trung bình của các đoàn thương buôn là từ 3 km đến 5 km một giờ. Mỗi ngày có thể di chuyển từ 8 tới 15 tiếng [1].

Bản đồ minh họa vị trí Na-xa-rét và Hếp-rôn
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/10/NaxaretVaHepron.jpg

Nếu Ê-li-sa-bét sống tại Hếp-rôn thì chặng đường từ Na-xa-rét đến Hếp-rôn là vào khoảng 191 km. Nhưng nếu phải đi đường vòng, dọc theo bờ Địa Trung Hải hay dọc theo bờ đông của sông Giô-đanh, để tránh đi ngang qua xứ Sa-ma-ri, thì chặng đường sẽ xa hơn nhiều. Người Sa-ma-ri và người I-sơ-ra-ên không ưa nhau. Người I-sơ-ra-ên thì cho rằng, bước vào xứ Sa-ma-ri là bước vào nơi ô uế; còn người Sa-ma-ri thì có thể tấn công người I-sơ-ra-ên đi ngang qua xứ của họ. Vào thời ấy, nếu đi bộ từ Na-xa-rét đến Hếp-rôn mà không đi vòng thì phải mất khoảng năm ngày đi đường.

Miền núi” là vùng đất phía đông của xứ Giu-đê, dọc theo Biển Chết, bao gồm nhiều đồi núi và bao gồm các thành: Giê-ri-cô, Bê-tha-ni, Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem, và Hếp-rôn.

Một thành thuộc chi phái Giu-đa” có thể là thành Hếp-rôn, thuộc vùng đất đã chia cho chi phái Giu-đa, là một trong các thành đã được biệt riêng cho chi phái Lê-vi, như đã chép trong Giô-suê 21:13. Nếu là thành Hếp-rôn thì chặng đường từ Hếp-rôn đến Giê-ru-sa-lem là khoảng 41 km. Còn chặng đường từ Na-xa-rét đến Giê-ru-sa-lem là vào khoảng 150 km.

40 Nàng đã vào trong nhà của Xa-cha-ri và chào Ê-li-sa-bét.

41 Đã xảy ra, khi Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Ma-ri, con nhỏ đã nhảy lên trong lòng của bà; và Ê-li-sa-bét đã được đổ đầy thánh linh.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, sự kiện Ma-ri đi thăm Ê-li-sa-bét là việc làm bất ngờ, ngay sau khi Ma-ri được thiên sứ báo tin về sự ra đời của Đức Chúa Jesus. Lúc đó, Ê-li-sa-bét đang bước vào tháng thứ sáu của thai kỳ và không biết gì về việc thiên sứ báo tin cho Ma-ri. Khi Ma-ri đến nơi, bước vào nhà, cất tiếng chào Ê-li-sa-bét thì cùng một lúc, thai nhi trong lòng của Ê-li-sa-bét đã nhảy lên và Ê-li-sa-bét đã được đầy dẫy thánh linh từ Thiên Chúa. Sự kiện này chứng minh, Giăng Báp-tít đã được đầy dẫy thánh linh từ khi còn ở trong lòng mẹ, như thiên sứ đã phán với cha của Giăng là Xa-cha-ri (Lu-ca 1:15).

Cũng chính vì Ê-li-sa-bét được đầy dẫy thánh linh mà bà được Đấng Thần Linh thần cảm cho biết việc Ma-ri đang mang thai Đấng Christ. Đấng Thần Linh cũng dùng môi miệng của Ê-li-sa-bét để chúc phước cho Ma-ri và khẳng định thai nhi trong lòng Ma-ri là “Chúa”.

42 Bà đã kêu lớn tiếng và nói: Ngươi đã được phước trong những người nữ! Phước thay bông trái của lòng ngươi!

43 Vì sao sự này xảy đến cho tôi, mà mẹ của Chúa tôi đã đến với tôi?

Đấng Thần Linh đã thần cảm cho Ê-li-sa-bét nói ra cùng một lời như thiên sứ đã phán với Ma-ri (Lu-ca 1:28): “Ngươi đã được phước trong những người nữ!” Ê-li-sa-bét cũng được Đấng Thần Linh thần cảm cho biết là Ma-ri đang có thai và thai nhi trong lòng Ma-ri là “Chúa” của bà. Vì thế, lời tiếp theo của Ê-li-sa-bét là chúc phước cho thai nhi trong lòng Ma-ri: “Phước thay bông trái của lòng ngươi!”

Cho tới giờ phút ấy, Ma-ri chỉ mới mang thai Đức Chúa Jesus được vài ngày, nhưng Đấng Thần Linh đã dùng môi miệng của Ê-li-sa-bét để gọi phôi thai trong lòng của Ma-ri là “Chúa của tôi”. Điều ấy giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự sống của một người bắt đầu ngay từ khi phôi thai được hình thành trong lòng mẹ.

44 Vì kìa! Tiếng chào của ngươi vừa đến trong lỗ tai của tôi thì con nhỏ đã nhảy mừng trong lòng tôi.

45 Phước cho ngươi đã tin, vì sẽ có sự hoàn thành những lời đã nói với ngươi từ Chúa.

Khi Ma-ri đến thăm Ê-li-sa-bét thì thai nhi trong lòng của Ê-li-sa-bét đã bước vào tháng thứ sáu và đã có khả năng chòi đạp. Cũng trong sự được thần cảm mà Ê-li-sa-bét biết rằng, con trai của mình nhảy mừng, khi mẹ của nó được mẹ của Chúa cất tiếng chào.

Ê-li-sa-bét cũng biết rằng, Ma-ri đã tin những gì đã được phán với nàng, dù có thể bà chưa được Ma-ri tường thuật cách chi tiết. Và Đấng Thần Linh đã dùng môi miệng của Ê-li-sa-bét để khẳng định với Ma-ri rằng, những lời mà thiên sứ đã phán với Ma-ri là ra từ Chúa và sẽ được hoàn thành.

46 Ma-ri đã nói: Linh hồn tôi tôn vinh Chúa!

47 Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, Đấng Giải Cứu của tôi!

Ma-ri bắt đầu cất lời tôn vinh Chúa. Ma-ri dùng cách nói “linh hồn tôi tôn vinh Chúa” để thể hiện sự tôn vinh Chúa của bà xuất phát từ chính trong bản ngã của bà, là linh hồn.

Trong thần trí, Ma-ri nhận thức rằng, Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu của bà. Sự giải cứu ở đây là sự giải cứu khỏi hậu quả của tội lỗi, khỏi sự chết đời đời trong hỏa ngục. Chính vì thế không hề có chuyện Ma-ri được sinh ra không nhiễm tội, như giáo lý “vô nhiễm nguyên tội” của Giáo Hội Công Giáo dạy. Ma-ri cũng là một tội nhân như bao nhiêu người và cần được cứu rỗi bởi Đức Chúa Trời.

48 Vì Ngài đã nhìn đến sự hèn hạ của nữ tôi tớ của Ngài. Vì này, từ nay về sau, mọi dòng dõi sẽ xưng tôi là có phước.

Danh từ “nữ tôi tớ” (G1399) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là nữ nô lệ. Ma-ri xưng nhận mình là một nữ nô lệ thấp hèn của Đức Chúa Trời. Vì thế, danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” do Giáo Hội Công Giáo phong cho bà vừa vô lý vừa phạm thượng.

Từ một nữ nô lệ thấp hèn của Đức Chúa Trời, Ma-ri đã trở thành người được phước trong những người nữ là vì chính Đức Chúa Trời đã chọn bà và ban phước cho bà.

Đức Chúa Trời ban phước cho loài người theo hai cách. Cách thứ nhất là theo sự thương xót của Ngài, cho dù người được ban phước không xứng đáng để được Ngài ban phước. Điển hình là ơn cứu rỗi loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi được Đức Chúa Trời ban cho toàn thể loài người, không phân biệt một ai, kể cả những kẻ tích cực chống nghịch Thiên Chúa. Cách thứ nhì là theo sự đáp ứng của một người đối với Thiên Chúa. Người càng tin kính Thiên Chúa, càng vâng phục Thiên Chúa bao nhiêu thì càng nhận được nhiều ơn phước của Thiên Chúa bấy nhiêu. Các trường hợp điển hình đã được nói đến trong Thi Thiên 1, Ma-thi-ơ 5:1-12.

Trong trường hợp của Ma-ri, trước hết, bà được Đức Chúa Trời chọn để ban phước cho; kế tiếp là phước càng thêm phước khi Ma-ri hết lòng tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Điều đó cũng xảy ra cho mỗi chúng ta. Trước hết, Đức Chúa Trời đã chọn ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Kế tiếp, nếu chúng ta ở lại trong sự cứu rỗi của Ngài, hết lòng tin kính Ngài, vâng phục Ngài, thì Ngài sẽ khiến chúng ta trở thành những công cụ trong tay Ngài để hoàn thành ý muốn của Ngài trên đất.

Ma-ri cũng nói lên một lời tiên tri về sự bà sẽ được mọi dòng dõi sau bà xưng nhận rằng, bà là người có phước.

49 Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh!

Ma-ri gọi Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng vì Ngài làm được mọi sự. Ma-ri khẳng định Ngài đã làm các việc lớn cho bà. Là một thiếu nữ khoảng chừng 15 hay 16 tuổi thì Ma-ri đã được Đức Chúa Trời làm các việc lớn nào cho bà? Dĩ nhiên việc Đức Chúa Trời khiến cho Ma-ri mang thai Đấng Christ là một việc lớn, vô cùng lớn. Nhưng trước đó, Đức Chúa Trời đã ban cho Ma-ri sự thực hữu làm người cũng chính là một việc lớn. Sự Đức Chúa Trời ban cho bà sự hiểu biết về Thiên Chúa, đức tin vào Thiên Chúa, và hưởng ơn cứu rỗi của Ngài cũng là các việc lớn mà Đức Chúa Trời đã làm cho bà.

Mỗi một chúng ta cũng cần tự hỏi mình rằng, Đức Chúa Trời đã làm các việc lớn nào cho mình để cất tiếng tôn vinh và cảm tạ Ngài.

Câu “Danh Ngài là thánh”, là nói đến danh “Ta Là”, danh “Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14).

Danh của Thiên Chúa là thánh có nghĩa là danh của Ngài được biệt riêng và tôn cao. Nhưng chính Thiên Chúa còn làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn cả danh của Ngài:

Tôi sẽ thờ lạy hướng về Đền Thánh của Ngài và tôn vinh danh của Ngài, vì sự từ ái và sự chân thật của Ngài, vì Ngài đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài.” (Thi Thiên 138:2).

Nếu chúng ta tôn thánh danh của Thiên Chúa mà lại không vâng theo mọi lời phán của Thiên Chúa thì chúng ta phạm tội xúc phạm Thiên Chúa còn hơn là những kẻ xúc phạm danh của Ngài.

50 Sự thương xót của Ngài đối với những người kính sợ Ngài, từ dòng dõi này sang dòng dõi khác.

Điều răn thứ nhì trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời có lời hứa rằng, Ngài sẽ làm ơn đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu Ngài và giữ các điều răn của Ngài. Vì thế, sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với những ai kính sợ Ngài được lưu truyền từ dòng dõi này sang dòng dõi khác là điều đương nhiên. Thánh Kinh đã chứng minh cho chúng ta thấy, vì Đa-vít yêu kính Đức Chúa Trời mà Ngài đã không hình phạt nặng tay trên Sa-lô-môn, con trai của ông, và ngay cả trên vương quốc Giu-đa, khi Sa-lô-môn và dân chúng nước Giu-đa chống nghịch Thiên Chúa.

51 Ngài đã làm ra sự mạnh mẽ bởi cánh tay của Ngài. Ngài đã làm tản lạc những kẻ kiêu ngạo trong sự suy tưởng của lòng họ.

Từ câu 51 đến câu 55, Ma-ri đã liệt kê ra bảy điều Đức Chúa Trời làm:

1. Đức Chúa Trời đã thể hiện sức toàn năng của Ngài bằng cánh tay của Ngài. Thánh Kinh thường dùng các từ ngữ ngón tay, bàn tay, và cánh tay của Thiên Chúa để nói lên các hành động của Thiên Chúa thể hiện sự toàn năng của Ngài. Nhiều nhà Thần học cho rằng, Thiên Chúa không có hình dáng như loài người, không có các chi thể như loài người. Nhưng Thánh Kinh ghi rõ: Loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:26).

2. Đức Chúa Trời đã làm tản lạc những kẻ kiêu ngạo ngay trong sự suy tưởng của lòng họ. Nghĩa là Đức Chúa Trời đã khiến cho sự suy tưởng trong lòng của những kẻ kiêu ngạo dẫn dắt họ đi sai lạc khỏi lẽ thật.

52 Ngài đã hạ những kẻ quyền thế khỏi những ngai của họ, và nhấc những người khiêm nhường lên.

3. Đức Chúa Trời đã cất đi quyền cao, chức trọng của nhiều người. Vì mọi quyền đều được ban cho bởi Ngài (Rô-ma 13:1; Cô-lô-se 2:10).

4. Đức Chúa Trời đã đem những người có lòng khiêm nhường lên các địa vị cao trọng. Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy, một Giô-sép bị gia đình và xã hội bách hại, một thiếu niên chăn chiên như Đa-vít đều được Đức Chúa Trời ban cho quyền cai trị quốc gia.

53 Ngài đã làm cho những người đói được đầy thức ăn ngon, và Ngài đã đuổi những kẻ giàu đi khỏi với tay không.

5. Đức Chúa Trời đã ban thức ăn ngon thuộc thể cho những người đói thuộc thể; nhưng Ngài cũng ban thức ăn ngon thuộc linh, là Lời Hằng Sống của Ngài, cho những ai khao khát Lời Ngài.

6. Đức Chúa Trời đã khiến cho những kẻ giàu có vật chất trong thế gian phải rời khỏi cơ nghiệp của họ với đôi bàn tay không; nhưng Ngài cũng đã khiến cho những kẻ giàu có về sự trí thức của thế gian trở nên thiếu sự trí thức thật trong nơi mà họ sẽ đến, sau khi qua đời.

54 Ngài đã nắm lấy I-sơ-ra-ên, tôi tớ của Ngài, nhớ lại sự thương xót của Ngài,

55 như Ngài đã phán với những tổ phụ của chúng tôi, với Áp-ra-ham và dòng dõi của người, cho tới vĩnh cửu.

7. Đức Chúa Trời đã nắm lấy dân I-sơ-ra-ên trong bàn tay toàn năng của Ngài để bảo vệ họ và phục hồi họ, theo sự thương xót lớn của Ngài, như lời Ngài đã kết ước với các tổ phụ của họ, bắt đầu từ Áp-ra-ham, cho tới các con cháu của Áp-ra-ham. Sự thương xót của Đức Chúa Trời trên dân I-sơ-ra-ên là còn mãi, không dứt.

Trên một phương diện khác, tất cả những ai tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Trời đều được kể là con cháu thuộc linh của Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:7, 29). Vì thế, giao ước thuộc linh của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham bao gồm Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta là các chi thể trong Hội Thánh của Chúa. Chúng ta được dự phần trong các ơn phước thuộc linh Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Chúng ta được xưng nhận là con cháu của Áp-ra-ham về phương diện đức tin. Chúng ta chính là những người I-sơ-ra-ên thuộc linh.

56 Ma-ri đã ở với bà chừng ba tháng, rồi trở về nhà của mình.

Thời gian Ma-ri lưu lại với Ê-li-sa-bét là khoảng ba tháng. Khi Ma-ri lên đường về lại Na-xa-rét cũng là lúc mà Ê-li-sa-bét sắp sinh ra Giăng Báp-tít. Dựa vào văn mạch từ câu 56 đến câu 57 mà chúng ta có thể hiểu rằng, Ma-ri đã về lại Na-xa-rét, trước khi Ê-li-sa-bét sinh con.

Chúng ta không biết trong khoảng thời gian ba tháng Ma-ri và Ê-li-sa-bét ở bên nhau họ đã trao đổi những gì. Nhưng chắc chắn đó đã là khoảng thời gian rất là phước hạnh cho cả hai.

Qua câu chuyện Ma-ri đến thăm Ê-li-sa-bét và qua lời tôn vinh Thiên Chúa của Ma-ri, chúng ta thấy rõ, khi một người có lòng tin kính, vâng phục Thiên Chúa thì người ấy được Ngài dùng cách lạ lùng cho những công việc của Ngài trên đất. Người ấy sẽ được đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa để có sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa, về Lời của Thiên Chúa, và về ý muốn của Thiên Chúa trên chính họ; để làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy. Thiên Chúa sẽ dùng môi miệng và việc làm của những người như vậy để tôn vinh Ngài, rao truyền sự vinh quang của Ngài. Vì thế mà họ trở thành sự sáng của thế gian, chiếu sáng sự vinh quang của Đức Chúa Trời, qua mọi việc lành của họ, cho mọi người trong thế gian (Ma-thi-ơ 5:14-16).

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/10/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://bibleresources.americanbible.org/resource/methods-of-travel

Karaoke Thánh Ca: “Được Ngài Yêu Thương”
https://karaokethanhca.net/duoc-ngai-yeu-thuong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.