Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18-28 Phao-lô Về An-ti-ốt – A-bô-lô tại Ê-phê-sô

1,004 views

YouTube: https://youtu.be/J9vrL2BkDSM

44044 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18-28
Phao-lô Về An-ti-ốt – A-bô-lô tại Ê-phê-sô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Nhì của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/03/HanhTrinhTruyenGiao_2.png

Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18-28

18 Sau đó, Phao-lô đã ở lại thêm nhiều ngày. Rồi, người đã từ giã các anh chị em cùng Cha, đi tàu đến xứ Si-ri. Cùng đi với người là Bê-rít-sin và A-qui-la. Người đã cắt tóc tại thành Xen-cơ-rê, vì người có lời hứa nguyện.

19 Khi vào đến thành Ê-phê-sô, người để họ ở đó. Người đã vào trong nhà hội, biện luận với những người Do-thái.

20 Khi chúng xin người ở lại với chúng thêm một thời gian, thì người đã chẳng đồng ý.

21 Nhưng người đã từ giã chúng, nói rằng: Ta phải bằng mọi cách giữ lễ hội sắp đến tại Giê-ru-sa-lem. Nếu Đức Chúa Trời muốn thì ta sẽ trở lại với các ngươi lần nữa. Rồi, người đã đi tàu từ thành Ê-phê-sô.

22 Khi đã đến tại thành Sê-sa-rê, đã đi lên và chào Hội Thánh, thì người đã đi xuống thành An-ti-ốt.

23 Người đã ở đó ít lâu, rồi đi, trải qua xứ Ga-la-ti và Phi-ri-gi, để làm cho vững lòng hết thảy các môn đồ.

24 Có một người Do-thái kia, tên là A-bô-lô, quê ở thành A-léc-xan-tri, là một người khéo nói và giỏi về Thánh Kinh, đã đến tại thành Ê-phê-sô.

25 Người này đã được dạy dỗ về đường lối của Chúa và nóng cháy trong tâm thần. Người đã nói và dạy đúng những điều thuộc về Chúa, chỉ biết phép báp-tem của Giăng.

26 Người cũng bắt đầu nói cách dạn dĩ trong nhà hội. Khi A-qui-la và Bê-rít-sin đã nghe người thì họ đã đem người về với họ; và giãi bày cho người về đường lối của Đức Chúa Trời cách chính xác hơn.

27 Khi người đã có ý đi qua tới xứ A-chai, các anh em cùng Cha đã viết lời khích lệ các môn đồ tiếp nhận người. Khi người đến, đã giúp ích nhiều cho họ, là những người đã tin bởi ân điển.

28 Vì người đã mạnh mẽ đối đầu những người Do-thái cách công khai, chứng minh bởi Thánh Kinh: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về sự kết thúc hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô và sự kiện nhà truyền giáo A-bô-lô rao giảng Tin Lành tại Ê-phê-sô. Hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô đã kết thúc, khi ông về lại thành An-ti-ốt, là điểm xuất phát.

18 Sau đó, Phao-lô đã ở lại thêm nhiều ngày. Rồi, người đã từ giã các anh chị em cùng Cha, đi tàu đến xứ Si-ri. Cùng đi với người là Bê-rít-sin và A-qui-la. Người đã cắt tóc tại thành Xen-cơ-rê, vì người có lời hứa nguyện.

Phao-lô đã ở lại thêm nhiều ngày tại thành Cô-rinh-tô, sau sự kiện Trấn Thủ Ga-li-ôn đã không chấp nhận cho dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo thưa kiện ông. Có lẽ, Phao-lô muốn dành thời gian ít ngày để thông công với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, trước khi về lại thành An-ti-ốt. Vào thời điểm này thì Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã được vững mạnh, sau một năm rưỡi được học Lời Chúa với Phao-lô, được sự chăm sóc của A-qui-la và Bê-rít-sin.

Phao-lô đi tàu đến xứ Si-ri có nghĩa là Phao-lô từ thành Cô-rinh-tô đi đường bộ đến hải cảng của thành Xen-cơ-rê để từ đó xuống tàu, đi đến hải cảng của thành Sê-lơ-xi; rồi, từ Sê-lơ-xi đi đường bộ về lại thành An-ti-ốt. Tuy nhiên, sau khi ghé lại Ê-phê-sô thì Phao-lô đã đổi ý, không đi tàu trực tiếp đến xứ Si-ri nữa, mà đi đến thành Sê-sa-rê của xứ Sa-ma-ri để từ đó, đi đường bộ về Giê-ru-sa-lem tham dự lễ hội.

Đường bộ từ Cô-rinh-tô đến Xen-cơ-rê vào khoảng 13 km. Theo Rô-ma 16:1 thì tại Xen-cơ-rê cũng có Hội Thánh của Chúa và Phê-bê là một nữ chấp sự trong Hội Thánh. Rất có thể, Hội Thánh tại Xen-cơ-rê cũng được thành lập cùng thời điểm với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, khi những người tại Xen-cơ-rê đến Cô-rinh-tô được nghe Phao-lô giảng Tin Lành và tin nhận.

Bê-rít-sin và A-qui-la cũng cùng đi tàu với Phao-lô đến Ê-phê-sô. Có lẽ là vì họ muốn cùng Phao-lô gây dựng Hội Thánh tại đó.

Tại Xen-cơ-rê, Phao-lô đã cắt tóc theo lời hứa nguyện của ông. Chúng ta không biết chi tiết về sự hứa nguyện của Phao-lô. Nhưng trong Thánh Kinh chỉ nói đến một sự hứa nguyện có liên quan đến sự cắt tóc. Đó là sự hứa nguyện của những người có lời hứa nguyện Na-xi-rê (Dân Số Ký 6:1-21). Na-xi-rê (H5139) có nghĩa là biệt riêng, hàm ý, biệt riêng để dâng lên Thiên Chúa. Người hứa nguyện Na-xi-rê là người hứa biệt riêng mình trong một khoảng thời gian để tương giao với Thiên Chúa. Người hứa nguyện có thể là nam hoặc nữ. Trong suốt thời gian hứa nguyện, người ấy:

  • Không được uống rượu, giấm, chất làm cho say, hoặc nước nho. Không được ăn trái nho tươi hoặc trái nho khô, kể cả hạt nho hay da trái nho.

  • Không được cạo đầu.

  • Không được đến gần người chết.

  • Nếu bất ngờ có người chết gần bên người hứa nguyện Na-xi-rê thì người ấy bị ô uế. Người ấy phải thực hiện nghi thức tẩy uế và cạo đầu trong ngày thứ bảy của thời gian tẩy uế. Ngày thứ tám người ấy phải dâng của lễ lên Thiên Chúa và được kể là tinh sạch trở lại. Người ấy bắt đầu trở lại số ngày đã hứa nguyện Na-xi-rê.

Khi số ngày hứa nguyện Na-xi-rê đã mãn thì người hứa nguyện dâng của lễ lên Thiên Chúa, cạo đầu, lấy tóc bỏ vào lửa, dưới của lễ cảm tạ. Số ngày hứa nguyện Na-xi-rê là tùy mỗi người.

Rất có thể sự hứa nguyện và cắt tóc của Phao-lô được nói đến ở đây không phải là sự hứa nguyện Na-xi-rê, vì ba lý do sau đây:

  • Động từ “cắt tóc” (G2751) được dùng thay vì động từ “cạo đầu” (G3587) như được dùng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 21:24.

  • Tại Xen-cơ-rê không có Đền Thờ để dâng của lễ như tại Giê-ru-sa-lem.

  • Nếu Phao-lô có lời hứa nguyện Na-xi-rê thì ông sẽ không thể dự Tiệc Thánh, vì không được uống nước nho.

Rất có thể, Phao-lô đã tự mình hứa nguyện với Chúa rằng, ông chỉ sẽ không cắt tóc cho tới khi ông hoàn thành hành trình truyền giáo lần thứ nhì; hoặc ít nhất là cho tới khi ông hoàn thành việc giảng dạy Lời Chúa tại Cô-rinh-tô. Mái tóc dài giúp cho Phao-lô mỗi ngày đều nhớ đến sự hứa nguyện của mình. Một sự hứa nguyện biệt riêng mình để phụng sự Chúa nhưng không phải là lời hứa nguyện Na-xi-rê.

19 Khi vào đến thành Ê-phê-sô, người để họ ở đó. Người đã vào trong nhà hội, biện luận với những người Do-thái.

Từ Xen-cơ-rê đi tàu đến Ê-phê-sô thì phải vượt qua một hải trình khoảng 400 km, trong khoảng 40 giờ.

Để họ ở đó” có nghĩa là Phao-lô đã để Bê-rít-sin và A-qui-la ở lại Ê-phê-sô thay vì mang họ theo ông. Trong thời gian chờ đợi Phao-lô quay lại Ê-phê-sô trong hành trình truyền giáo lần thứ ba của ông thì Bê-rít-sin và A-qui-la đã chăm sóc con dân Chúa tại Ê-phê-sô.

Theo thói quen, Phao-lô đã đến nhà hội để biện luận với những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo về sự Đức Chúa Jesus là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh.

20 Khi chúng xin người ở lại với chúng thêm một thời gian, thì người đã chẳng đồng ý.

21 Nhưng người đã từ giã chúng, nói rằng: Ta phải bằng mọi cách giữ lễ hội sắp đến tại Giê-ru-sa-lem. Nếu Đức Chúa Trời muốn thì ta sẽ trở lại với các ngươi lần nữa. Rồi, người đã đi tàu từ thành Ê-phê-sô.

Mặc dù những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại Ê-phê-sô sau khi nghe Phao-lô giảng dạy thì có ý muốn được nghe thêm; nhưng Phao-lô đã không đồng ý ở lại Ê-phê-sô. Lý do là Phao-lô muốn kịp về Giê-ru-sa-lem để tham dự các lễ hội sắp xảy ra. Nếu lúc ấy đã sắp vào mùa thu của năm 52 thì có lẽ đó là ba kỳ lễ hội: Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Trại, và ngày Sa-bát sau Lễ Lều Trại. Ba kỳ lễ hội này liên tiếp xảy ra vào ngày 1, ngày 10, và từ ngày 15 tới ngày 22 tháng Bảy, theo Lịch Do-thái. Nếu lúc ấy đã vào đầu mùa thu của năm 52 thì có lẽ Phao-lô muốn kịp đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Trại. Danh từ “lễ hội” (G1859) được dùng với số ít nên có lẽ Phao-lô muốn nói đến chỉ một lễ hội là Lễ Lều Trại [1].

Phao-lô đã hứa với những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại Ê-phê-sô rằng, nếu Đức Chúa Trời muốn thì ông sẽ quay lại với họ lần nữa. Trong hành trình truyền giáo lần thứ ba, Phao-lô đã quay lại Ê-phê-sô và ở lại đó suốt ba năm (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1; 20:31).

Chúng ta không biết vì lý do gì Phao-lô muốn phải về Giê-ru-sa-lem cho kịp dự lễ hội. Có lẽ, sau cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhì kéo dài khoảng ba năm, đầy gian khổ, Phao-lô muốn về lại Giê-ru-sa-lem cho kịp dự Lễ Lều Trại tại Đền Thờ, mong đó như là một sự phục hồi năng lực thuộc linh qua sự thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ và thông công với những người quen biết, trong đó có các sứ đồ, tại Giê-ru-sa-lem.

22 Khi đã đến tại thành Sê-sa-rê, đã đi lên và chào Hội Thánh, thì người đã đi xuống thành An-ti-ốt.

Hải trình từ Ê-phê-sô đến Sê-sa-rê dài hơn 1.000 km và có lẽ phải ghé qua hải cảng Ba-phô của đảo Chíp-rơ. Lộ trình từ Sê-sa-rê đến Giê-ru-sa-lem vào khoảng 104 km, cần hai ngày đi đường.

Đi lên” tức là đi lên thành Giê-ru-sa-lem. Thành Giê-ru-sa-lem ở trên núi và là nơi có Đền Thờ Thiên Chúa, nên Thánh Kinh dùng từ ngữ “đi lên” để chỉ sự từ các nơi khác đi đến Giê-ru-sa-lem; và dùng từ ngữ “đi xuống” để chỉ sự từ Giê-ru-sa-lem đi đến các nơi khác.

Câu 22 gợi cho chúng ta sự cảm nhận có điều gì đó không ổn, trong thời gian Phao-lô lưu lại Giê-ru-sa-lem để dự lễ hội. Phao-lô đã đến gặp con dân Chúa trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, trong đó có các sứ đồ của Chúa, để chào Hội Thánh. Nhưng Lu-ca đã không ghi lại chi tiết sự thông công của Phao-lô với Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, vào lúc ấy. Lẽ ra, tương tự như lần đến trước của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:27), phải có lời tường thuật về sự Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem vui mừng nhóm lại để nghe Phao-lô làm chứng kết quả truyền giáo. Có lẽ tin đồn vu khống cho Phao-lô rằng, ông đã dạy cho người Do-thái lưu lạc trong các dân ngoại là phải từ bỏ Môi-se, từ bỏ sự cắt bì (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:21) đã lan truyền rộng giữa vòng con dân Chúa, trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, là những người I-sơ-ra-ên rất trọng các lễ nghi, truyền thống trong Cựu Ước. Nếu là vậy thì tin đồn vu khống đó đã khiến cho họ cư xử lạnh nhạt với Phao-lô.

Chúng ta không biết Phao-lô đã lên đường về An-ti-ốt ngay, sau khi đến chào Hội Thánh mà không được tiếp đón thân thiện; hay là ông đã nán lại, dự xong kỳ lễ hội. Câu văn dường như cho thấy là Phao-lô đã rời Giê-ru-sa-lem ngay sau khi đến chào Hội Thánh. Vì mục đích của Phao-lô là được thông công với Hội Thánh, cùng các anh chị em thờ phượng Chúa trong kỳ lễ hội. Nhưng nếu họ đã tỏ ra lơ là với ông thì sự thông công là không thể, việc ở lại dự lễ hội trở thành vô nghĩa.

Trên hành trình theo Chúa, có nhiều khi chính những sự hiểu lầm trong Hội Thánh đem lại đau buồn cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần ghi nhớ rằng, Chúa là Đầu của Hội Thánh và Ngài biết hết mọi sự. Chúa cũng là Đấng cho phép mọi sự xảy ra để đem lại ích lợi cho chúng ta. Và trên hết, Chúa là nơi nương náu của chúng ta.

23 Người đã ở đó ít lâu, rồi đi, trải qua xứ Ga-la-ti và Phi-ri-gi, để làm cho vững lòng hết thảy các môn đồ.

Phao-lô đã ở lại An-ti-ốt ít lâu, khoảng chừng năm tháng. Vào mùa hè năm 53, Phao-lô bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ ba. Từ An-ti-ốt ông đã theo đường bộ đi qua xứ Ga-la-ti và xứ Phi-ri-gi để thăm các Hội Thánh tại đó, trước khi trở lại Ê-phê-sô để gây dựng Hội Thánh tại Ê-phê-sô.

24 Có một người Do-thái kia, tên là A-bô-lô, quê ở thành A-léc-xan-tri, là một người khéo nói và giỏi về Thánh Kinh, đã đến tại thành Ê-phê-sô.

A-léc-xan-tri thuộc xứ Ê-díp-tô, tức Ai-cập, là nơi có nhiều dân I-sơ-ra-ên lưu lạc đến; và cũng là nơi mà Thánh Kinh Cựu Ước từ nguyên ngữ Hê-bơ-rơ đã được dịch sang tiếng Hy-lạp, gọi là Bản Dịch 70 [2]. Từ A-léc-xan-tri có thể đi đường biển hoặc đường bộ đến Giê-ru-sa-lem. Nếu đi đường biển thì phải xuống tàu tại hải cảng Gióp-bê (ngày nay là Jaffa) để đi thêm đường bộ khoảng 50 km, về Giê-ru-sa-lem.

Bản đồ minh họa vị trí A-léc-xan-tri và Giê-ru-sa-lem.
Nguồn: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/04/AlecxantriToGierusalem.png

Chúng ta không biết gì nhiều về A-bô-lô và sự xuất hiện của ông rất là bất ngờ. Trước khi ông đến thành Ê-phê-sô thì không biết ông đã đi qua các thành nào. Tên A-bô-lô (G624) là một tên trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là: được ban cho bởi Thần A-bô-lô (G622). Theo thần thoại Hy-lạp thì A-bô-lô là thần của sự bắn cung, thần của âm nhạc và khiêu vũ, thần của chân lý và tiên tri, thần của sự chữa lành và bệnh tật, Thần Mặt Trời, và Thần Ánh Sáng… Chúng ta không hiểu vì sao một người I-sơ-ra-ên mà lại có tên là “Được Ban Cho bởi A-bô-lô”. Có thể cha mẹ của ông thuộc về những người I-sơ-ra-ên đã mất đức tin nơi Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên mà tôn thờ các tà thần của ngoại giáo.

A-bô-lô vừa là một người khéo nói vừa là một người giỏi về Thánh Kinh. Ông cũng là người thông thạo tiếng Hy-lạp khi được sinh ra và lớn lên tại một trung tâm văn hóa Hy-lạp rất lớn là thành A-léc-xan-tri.

25 Người này đã được dạy dỗ về đường lối của Chúa và nóng cháy trong tâm thần. Người đã nói và dạy đúng những điều thuộc về Chúa, chỉ biết phép báp-tem của Giăng.

Nhóm chữ “đường lối của Chúa” được dùng trong câu này, theo câu 26, là để chỉ về chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời, về sự Ngài đã hứa trong Thánh Kinh về Đấng Cứu Rỗi, gọi là Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ.

Dù Thánh Kinh không nói gì nhiều về A-bô-lô nhưng chúng ta hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn ông cho sự giảng Tin Lành, và đã kêu gọi ông vào chức vụ “người giảng Tin Lành” mà ngày nay còn gọi là “nhà truyền giáo”. Có thể, ông đã được học Lời Chúa, tức Thánh Kinh Cựu Ước, với các bậc thầy I-sơ-ra-ên, tại A-léc-xan-tri. Rồi, ông từng về thăm Giê-ru-sa-lem và biết đến sự giảng dạy của Giăng Báp-tít. Ông tin nhận lời giảng của Giăng Báp-tít và trở thành một trong các môn đồ của Giăng Báp-tít. Sau đó, ông đã rời Giê-ru-sa-lem nên không có dịp gặp và nghe Đức Chúa Jesus giảng dạy. Vì thế, sự hiểu biết của ông về Đấng Christ là đúng nhưng không đủ, và ông không biết gì về phép báp-tem do Đấng Christ phán truyền.

Điều nổi bật về A-bô-lô là ông có sự nóng cháy trong tâm thần, thôi thúc ông rao giảng lẽ thật mà ông đã hiểu và tin nhận. Sự rao giảng đó vừa thể hiện tình yêu của ông đối với Đức Chúa Trời, ông muốn phụng sự Ngài; vừa thể hiện tình yêu của ông đối với những người khác, ông muốn họ hiểu biết lẽ thật để họ cũng được cứu rỗi như ông. Đó là dấu chứng của sự tình yêu của Đức Chúa Trời đã tuôn đổ trong ông. Vì tâm thần nóng cháy, phụng sự Chúa là một trong các đức tính của tình yêu của Đức Chúa Trời trong những con trai và những con gái của Ngài.

Rô-ma 12:9-13

9 Tình yêu không giả vờ; gớm ghét sự dữ; gắn bó với sự lành;

10 yêu quý lẫn nhau bằng tình yêu anh chị em; dẫn dắt nhau với sự tôn trọng;

11 chẳng lui đi trong sự sốt sắng; tâm thần nóng cháy, phụng sự Chúa;

12 vui mừng trong sự trông cậy; kiên trì trong sự hoạn nạn; bền lòng trong sự cầu nguyện;

13 chia xẻ những sự cần dùng cho các thánh đồ; theo đuổi lòng hiếu khách.

Chúng ta có thể nhìn vào chính mình và nhìn vào bất cứ ai xưng nhận là môn đồ của Chúa, xem có sự thể hiện tình yêu của Đức Chúa Trời hay không. Một người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ, con cái của Đức Chúa Trời thì phải thể hiện các đức tính của tình yêu của Đức Chúa Trời.

Chúng tôi đã biết và tin tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu, ai ở trong tình yêu, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.” (I Giăng 4:16).

Chúng ta biết mình yêu con cái của Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài. Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:2-3).

Một người ngang nhiên sống nếp sống không vâng phục các điều răn của Đức Chúa Trời, dù chỉ là một điều, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài. Một người dám nói rằng, làm theo điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, tôn thánh ngày Thứ Bảy Sa-bát, là gánh nặng thì người ấy đã ngang nhiên lên án Thánh Kinh là dối trá, gọi Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, là dối trá. Vì Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Sứ Đồ Giăng viết ra I Giăng 5:3.

Ngày nay, có rất nhiều người hiểu biết Tin Lành và tin nhận Tin Lành, nhưng tiếc thay, họ đã bị các giáo hội mang danh Chúa dạy tà giáo cho họ, bảo họ bỏ đi điều răn của Đức Chúa Trời để làm theo điều răn của loài người, do các giáo hội đặt ra (Mác 7:7). Họ tin nhận Tin Lành nhưng không có quyền năng biến đổi của Tin Lành. Vì họ chưa vâng phục các điều răn của Đức Chúa Trời. Đời sống của họ không thể hiện rằng, tình yêu của Đức Chúa Trời đang ở trong họ. Thực tế, họ vẫn đang sống trong sự phạm tội vì tin theo tà giáo. Điển hình là họ vẫn kiêu ngạo, tự ái không đúng, tham lam, tà dâm, và dối trá. Kể cả những người đứng đầu trong các giáo hội.

Vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời là thể hiện chúng ta yêu kính Ngài, vâng phục Ngài. Nhưng cũng thể hiện chúng ta tiếp nhận tình yêu của Ngài. Vì các điều răn của Ngài là để bảo vệ chúng ta và ban phước cho chúng ta. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là bất khả phân ly, là vĩnh cửu (Thi Thiên 119:98). Không ai có thể bỏ đi một điều nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Phép báp-tem của Giăng Báp-tít là sự báp-tem vào trong sự ăn năn tội để sẵn sàng đón nhận Đấng Christ. Đó là sự thanh tẩy thân thể trong dòng nước để thể hiện sự quyết tâm muốn được thanh tẩy tấm lòng và đời sống tội lỗi. Sự thanh tẩy bên trong chỉ có thể được thực hiện bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, sau khi một người ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Tất cả những người chịu phép báp-tem ăn năn tội của Giăng Báp-tít đều phải tin nhận sự cứu rỗi trong Đấng Christ thì mới nhận được sự tha tội và làm cho sạch tội. Rồi sau đó, họ được nhận thánh linh, tức quyền năng và sự sống của Thiên Chúa, khi chính Đức Chúa Jesus báp-tem họ vào trong thánh linh.

26 Người cũng bắt đầu nói cách dạn dĩ trong nhà hội. Khi A-qui-la và Bê-rít-sin đã nghe người thì họ đã đem người về với họ; và giãi bày cho người về đường lối của Đức Chúa Trời cách chính xác hơn.

A-bô-lô đã đến nhà hội của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, tại Ê-phê-sô, để rao giảng Lời Chúa. A-qui-la và Bê-rít-sin cũng đã đến nhà hội để cầu nguyện và nghe giảng Lời Chúa. Tại đó, sau khi gặp được A-bô-lô và nghe ông rao giảng, thì họ đã đem A-bô-lô về nhà. Chính tại nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin mà A-bô-lô đã được học biết cách rõ ràng về Đấng Christ.

Động từ “giãi bày” (G1620) được dùng với hình thức số nhiều, cho thấy cả A-qui-la và Bê-rít-sin đều làm công việc giãi bày đường lối của Đức Chúa Trời cho A-bô-lô. Với khoảng 23 năm tin nhận Đấng Christ, và với hơn một năm rưỡi được nghe Phao-lô giảng Tin Lành tại Cô-rinh-tô, A-qui-la và Bê-rít-sin đã có sự hiểu biết rất sâu nhiệm về đường lối của Đức Chúa Trời, còn được gọi là Tin Lành của Đức Chúa Trời.

Chúng ta thấy, A-bô-lô thật sự là một người thuộc về Đức Chúa Trời. Dù ông có sự hiểu biết sâu nhiệm về Thánh Kinh nhưng đã sẵn sàng tiếp nhận sự giảng dạy từ một phụ nữ mới quen biết. Đức tính khiêm nhường, xem người khác là tôn trọng hơn mình của A-bô-lô đáng cho những người rao giảng Lời Chúa học theo.

Kể từ đó, A-bô-lô chính thức trở thành người rao giảng Tin Lành. Trước đây, ông nóng cháy giảng về sự ăn năn tội để tiếp nhận Đấng Christ sẽ đến. Từ đây, ông nóng cháy rao giảng về sự Đấng Christ đã đến và đã hoàn thành sự cứu chuộc loài người; kêu gọi mọi người hãy ăn năn tội và tin nhận Tin Lành.

27 Khi người đã có ý đi qua tới xứ A-chai, các anh em cùng Cha đã viết lời khích lệ các môn đồ tiếp nhận người. Khi người đến, đã giúp ích nhiều cho họ, là những người đã tin bởi ân điển.

Xứ A-chai đã có Hội Thánh tại A-thên, tại Cô-rinh-tô, và tại Xen-cơ-rê.

Các anh em cùng Cha” tức là các trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Có lẽ A-qui-la cùng vài nam trưởng lão khác đã đứng tên, viết thư giới thiệu A-bô-lô với con dân Chúa tại xứ A-chai.

Khi A-bô-lô đến xứ A-chai, có lẽ ông đã đến thăm các Hội Thánh địa phương và giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa. Được một người thông thạo Lời Chúa, hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về Tin Lành giảng dạy là một ơn phước lớn cho con dân Chúa tại A-chai.

Đức Thánh Linh, qua Lu-ca, đã gọi con dân Chúa tại A-chai là “những người đã tin bởi ân điển”. Đó là vì bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà Tin Lành đã được rao giảng cho họ qua hành trình truyền giáo của Phao-lô. Bởi ân điển của Đức Chúa Jesus Christ mà họ được cứu chuộc. Bởi ân điển của Đấng Thần Linh mà thần trí của họ đã được khai sáng, để họ có thể hiểu và tin nhận Tin Lành. Đức tin của họ vào Tin Lành là bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời, bởi việc làm của Đấng Christ, và bởi sự tác động của Đấng Thần Linh. Không riêng gì con dân Chúa tại A-chai, mà bất cứ ai tin nhận Tin Lành cũng đều là bởi ân điển của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sự giảng dạy của A-bô-lô tại Cô-rinh-tô đã ảnh hưởng rất nhiều đến con dân Chúa ở đó. Rất có thể, có nhiều người tại Cô-rinh-tô đã tin nhận Tin Lành qua lời giảng của A-bô-lô. Về sau, trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã có những người xưng nhận mình là môn đồ của A-bô-lô (I Cô-rinh-tô 1:12; 3:4).

Chúng ta không biết A-bô-lô đã ở lại Cô-rinh-tô trong bao lâu; nhưng sau đó, ông đã về lại Ê-phê-sô. Vào mùa đông năm 56, khi Phao-lô từ Ê-phê-sô viết thư I Cô-rinh-tô, thì ở cuối thư, ông viết là ông muốn A-bô-lô cùng đến Cô-rinh-tô với Ti-mô-thê và Ê-rát (I Cô-rinh-tô 16:12). Nhưng A-bô-lô đã không muốn đến. Có lẽ A-bô-lô đã không muốn quay lại Cô-rinh-tô, trong lúc đang có sự phe đảng trong Hội Thánh.

28 Vì người đã mạnh mẽ đối đầu những người Do-thái cách công khai, chứng minh bởi Thánh Kinh: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Với sự hiểu biết Thánh Kinh cách sâu nhiệm cùng với sự hiểu biết về Đấng Christ do A-qui-la và Bê-rít-sin giãi bày, A-bô-lô đã dùng Lời Chúa để chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. A-bô-lô đã mạnh mẽ rao giảng Tin Lành cách khôn sáng như Phao-lô, giữa những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Với sự Trấn Thủ Ga-li-ôn không đứng về phía họ, những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo đã không làm khó được A-bô-lô. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã được lớn mạnh qua mục vụ của A-bô-lô. Phao-lô cũng xác nhận rằng, sự giảng dạy của A-bô-lô tại Cô-rinh-tô đã gây dựng cho Hội Thánh ở đó rất nhiều:

Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.” (I Cô-rinh-tô 3:6).

Đức Chúa Trời có chương trình của Ngài cho vương quốc của Ngài. Ngài luôn kêu gọi những ai có tấm lòng nóng cháy vào trong công cuộc gây dựng Vương Quốc Trời. Khi họ trung tín phụng sự Ngài, Đức Chúa Trời sẽ dùng họ để ban phước cho nhiều người và hoàn thành công việc của Ngài. Chỉ cần họ có tấm lòng muốn phụng sự Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ ban năng lực và cơ hội cho họ.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/04/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-thu-bay-sa-bat-va-cac-ky-le-hoi/

[2] Tra xem “Bản Dịch 70” tại đây: https://thewordtoyou.net/dictionary/

Karaoke Thánh Ca: “Tôi Có Ngờ Đâu”
https://karaokethanhca.net/toi-co-ngo-dau/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.