Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:01-02 Đức Tin

2,748 views

Nguồn: https://youtu.be/wqWavCC4DQI

Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:01-02
Đức Tin

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 11:1-2

1 Đức tin là nền tảng của những điều đang trông mong là bằng cớ của những điều chẳng xem thấy.

2 Vì trong nó mà các trưởng lão đã được lời chứng tốt.

Theo định nghĩa của từ điển, đức tin là sự hoàn toàn tin vào một ai đó hay một sự gì đó. Khi được dùng để nói về tín ngưỡng thì đức tin là sự hoàn toàn tin vào Thiên Chúa, hay một thần linh nào đó, hay tín lý của một tôn giáo nào đó dựa trên nhận thức thuộc linh hơn là dựa vào chứng cớ.

Trong bài này, có một số ý tưởng được tổng hợp từ các bài chia sẻ trước đây của chúng tôi về đức tin. Mong rằng bài này sẽ giúp cho quý ông bà anh chị em hiểu rõ về mười phương diện của đức tin, trước khi chúng ta cùng nhau học về gương đức tin của các thánh đồ trong Hê-bơ-rơ đoạn 11.

1. Dù có khi được dùng tương tự nhau nhưng đức tin (faith) khác với lòng tin, còn gọi là niềm tin (belief).

Trích từ: https://timhieutinlanh.com/video-chan-gia-luan-55-long-tin-va-duc-tin/

Lòng tin được thiết lập bởi sự quan sát, học hỏi, lý luận, và kinh nghiệm thực tế; nghĩa là, những gì chúng ta tin, ít ra có thể kiểm chứng trước khi tin. Chúng ta nhìn thấy: khi đưa thẻ rút tiền vào máy rút tiền, thì chúng ta lấy được tiền. Chúng ta nhìn thấy: chiếc máy bay vận chuyển hành khách bay trong không gian. Chúng ta nhìn thấy: chiếc ghế vững vàng giữ lấy thân thể của chúng ta. Chúng ta lý luận: nếu những sự kiện đó xảy ra cho người khác được, thì cũng có thể xảy ra cho chúng ta.

Cũng có những điều chúng ta tin mà không thể kiểm chứng qua sự tai nghe, mắt thấy, như: lòng tin vào Đức Chúa Trời, lòng tin vào thiên đàng và hỏa ngục, lòng tin vào sự sống đời đời… Lòng tin không thể kiểm chứng trước khi tin đó, được gọi là đức tin.

2. Đức tin được nói đến trong Thánh Kinh là sự tuyệt đối tin rằng, Thiên Chúa có thật, Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, và hoàn toàn trông cậy nơi Ngài. Sự thể hiện của đức tin là sự hết lòng vâng phục Thiên Chúa, sống theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh.

Đức tin chỉ có thể và chỉ nên dành cho Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài. Vì trong đức tin hàm ý, sự thờ phượng chỉ có thể dành cho Thiên Chúa và sự trông cậy chỉ có thể nhận được từ Thiên Chúa.

3. Đức tin là sự ban cho từ Thiên Chúa cho loài người. Trước hết là đức tin về sự có thật của Thiên Chúa đã được ban cho trong tâm thần của loài người:

“Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.” (Rô-ma 1:19-20).

Kế tiếp là đức tin về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người khi họ được rao giảng về Tin Lành:

Rô-ma 10:13-17

13 Vì hễ ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. [Công Vụ Các Sứ Đồ 2:21; Giô-ên 2:28-32]

14 Nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ chưa tin? Nhưng làm sao họ tin Đấng mà họ chưa nghe đến? Nhưng làm sao họ nghe khi không có người rao giảng?

15 Nhưng làm sao những người ấy rao giảng trừ khi họ được sai đi? Như có chép: Những bàn chân của những người rao truyền Tin Lành của Sự Bình An và Tin Lành của Sự Tốt Đẹp là xinh đẹp biết bao! [Ê-sai 52:7]

16 Nhưng chẳng phải mọi người đều vâng phục Tin Lành đâu; vì Ê-sai có nói: Lạy Chúa! Ai tin lời rao giảng của chúng tôi? [Ê-sai 53:1]

17 Như vậy, đức tin đến bởi sự nghe, là sự nghe tiếng phán của Thiên Chúa.

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-10_1-21/

Đức tin [của sự cứu rỗi] đến bởi sự được nghe tiếng phán của Thiên Chúa. Trong thời Cựu Ước và trước Cựu Ước, người ta có thể nghe tiếng phán trực tiếp của Đức Chúa Trời hoặc nghe gián tiếp qua các thiên sứ, hoặc qua các tiên tri. Trong thời Tân Ước người ta được nghe tiếng phán trực tiếp của Đức Chúa Jesus Christ hoặc của Đức Thánh Linh, hoặc nghe gián tiếp qua các sứ đồ (người rao giảng Tin Lành), tiên tri, giám mục, trưởng lão, người chăn, hoặc bất cứ một môn đồ nào của Đấng Christ.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người được nghe giảng Tin Lành thì đều tin nhận Tin Lành. Sự tin nhận Tin Lành đòi hỏi trước hết là lòng chân thành ăn năn tội, nghĩa là đau đớn vì nhận biết mình phạm tội, đã làm ra những điều chống nghịch các điều răn của Đức Chúa Trời; đồng thời gớm ghét tội và quyết tâm từ bỏ tội. Những người vẫn say mê những thú vui của tội lỗi, xem mình là cao trọng hơn người khác, thì sẽ không thể nào tin nhận Tin Lành.

Đức tin được ban cho mỗi người tùy ý của Thiên Chúa và chỉ ban cho những ai thật lòng ăn năn tội. Khi một người thật lòng ăn năn tội thì trước hết Đức Chúa Trời ban cho người ấy đức tin về sự có thật của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người. Đức tin ấy khiến cho người thật lòng ăn năn tội tin nhận Tin Lành. Kế tiếp là Đức Chúa Trời ban cho người ấy lượng đức tin thích hợp theo sự phân phát của Đức Thánh Linh để người ấy dự phần trong sự hầu việc Chúa giữa Hội Thánh:

“Vậy, nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong các anh chị em, chớ có ai suy nghĩ về mình cao hơn như đáng phải nghĩ, nhưng phải suy nghĩ cách sáng suốt, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phân chia cho từng người.” (Rô-ma 12:3)

“Bởi cùng Đấng Thần Linh, cho người này được đức tin; cũng bởi cùng Đấng Thần Linh ấy, cho kẻ kia được ân tứ chữa tật bệnh… Mọi điều đó là sự tác động của cùng một Đấng Thần Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.” (I Cô-rinh-tô 12:9, 11).

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-12_1-8/

Thí dụ: Người được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy thì cũng được ban cho đức tin để nhận biết Chúa muốn mình làm công việc chăn bầy, kèm theo là sự ban cho các ân tứ cần thiết để người ấy thi hành chức vụ. Người ấy phải thi hành chức vụ chăn bầy trong đức tin. Nếu một người không được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy mà lại suy nghĩ rằng, mình xứng đáng làm một người chăn bầy, thì người ấy đã suy nghĩ về mình cao hơn như đáng phải suy nghĩ.

Mỗi người trong Hội Thánh đều được Chúa ban cho các ân tứ để dự phần trong công việc gây dựng Hội Thánh và hầu việc Chúa. Chúa cũng ban cho mỗi người lượng đức tin đủ để cho mỗi người nhận biết sự ban cho của Chúa, mà mạnh dạn, nhận lãnh công việc Chúa giao, và làm việc trong đức tin.

4. Thánh Kinh phân biệt các mức độ của đức tin.

Trích từ: https://timhieutinlanh.com/21-3-2013-muc-do-cua-duc-tin-phan-1/

Thánh Kinh dùng các từ ngữ “ít đức tin” (Ma-thi-ơ 6:30, 8:26, 16:8, 17:20), “đức tin lớn” (Ma-thi-ơ 8:10, 15:28), và “đầy đức tin” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5, 11:24) để nói đến các mức độ của đức tin trong tâm thần của những người tin nhận Chúa.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:

  • Từ ngữ “ít” bao gồm các ý nghĩa:

a) nhỏ bé về kích thước, ít ỏi về số lượng;

b) ngắn ngủi về thời gian;

c) yếu ớt về cường độ, thí dụ: ánh sáng yếu ớt không đủ để soi sáng, không thể chiếu đi xa.

  • Từ ngữ “lớn” bao gồm các ý nghĩa:

a) rất lớn về kích thước, rất nhiều về số lượng;

b) rất lâu dài về thời gian;

c) rất mạnh về cường độ.

  • Từ ngữ “đầy” bao gồm các ý nghĩa:

a) đầy tràn, ngược lại với trống rỗng;

b) bao phủ khắp bề mặt, thấm nhuần khắp bề trong, như miếng bông đá được nhúng vào trong nước hoặc như cơn mưa lớn làm ngập một vùng;

c) hoàn toàn; trọn vẹn; không thiếu hụt.

Người ít đức tin là người thiếu đức tin, vì không có đủ đức tin để làm theo Lời Chúa, không có đủ đức tin để được bình an trước nghịch cảnh. Từ ngữ “kẻ ít đức tin” (G3640) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh bao gồm các nghĩa sau đây:

  • Người ít đức tin trong Đấng Christ (who is of little faith in Christ).
  • Người thiếu đức tin trong Đấng Christ (who is lacking confidence in Christ).
  • Người trông cậy quá ít trong Đấng Christ (who is trusting too little in Christ).
  • Người hoài nghi Đấng Christ (who is incredulous of Christ).

Sự ít đức tin hay thiếu đức tin khác với sự đức tin nhỏ bằng hạt cải. Hạt cải là rất nhỏ nhưng hạt cải cần có khoảng 17.250 nguyên tử để tạo nên nó. Có ít nguyên tử, có chừng vài ngàn nguyên tử thì không thể có hạt cải, vì thiếu nguyên tử để tạo nên hạt cải. Dù đức tin của chúng ta chỉ nhỏ bằng hạt cải nhưng là chúng ta có đức tin và có đủ, để có thể làm ra những việc lớn, như dời núi.

Danh từ “người ít đức tin” chỉ được Đức Chúa Jesus Christ dùng năm lần trong Thánh Kinh Tân Ước. Trong văn chương Hy-lạp của người đời không hề dùng đến danh từ này. Nói cách khác, đây là một danh từ do chính Đức Chúa Jesus Christ đặt ra, bằng cách kết hợp tính từ “oligos” /ô-li-gót/ (G3641) có nghĩa là một ít, một vài, nhỏ bé, hầu như… với danh từ “pistis” /phít-tít/ (G4102) có nghĩa là đức tin.

  • Trong Ma-thi-ơ 6:30 và Lu-ca 12:28 là trường hợp thiếu đức tin nên lo lắng về nhu cầu thuộc thể.
  • Trong Ma-thi-ơ 8:26; 14:31 là trường hợp thiếu đức tin nên sợ hãi trước nghịch cảnh.
  • Trong Ma-thi-ơ 16:8 là trường hợp thiếu đức tin nên hiểu lầm Chúa và lo lắng

Ngoài ra, còn có trường hợp vì thiếu đức tin nên hoài nghi Chúa như Sứ Đồ Thô-ma (Giăng 20:24-29). Sự hoài nghi đồng nghĩa với sự không tin.

Tất cả những sự ít (thiếu) đức tin đều khiến cho chúng ta lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ không làm được điều đáng phải làm. Thánh Kinh cho thấy, không có trường hợp ít đức tin nào là “đủ dùng” trong nếp sống của một con dân Chúa.

Sự ít đức tin cũng không liên quan đến lượng đức tin Đức Chúa Trời ban cho mỗi con dân của Ngài. Trong khi sự ít đức tin là sự không có đủ đức tin và là chọn lựa của con dân Chúa thì lượng đức tin là sự ban cho của Đức Chúa Trời, tùy theo sức chứa của mỗi người và vị trí của người ấy trong chương trình của Đức Chúa Trời. Lượng đức tin Đức Chúa Trời ban cho mỗi con dân của Ngài luôn đầy dẫy để làm thành thánh ý của Ngài. Nhưng mỗi con dân Chúa tự chọn lựa sẽ nhận lấy bao nhiêu trong sự ban cho của Ngài.

Trích từ: https://timhieutinlanh.com/23-3-2013-muc-do-cua-duc-tin-phan-3/

…sức đón nhận đức tin từ nơi Chúa của mỗi người khác nhau, có người chứa được nhiều, có người chứa được ít; nhưng chứa nhiều hay chứa ít thì sự ban cho của Đức Chúa Trời vẫn là dư dật để mỗi người làm tròn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn trước cho họ làm theo (Ê-phê-sô 2:10). Như chiếc xe tải có thể chứa hàng trăm lít xăng để dùng vào việc vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa đến những nơi xa xôi được đổ đầy xăng thế nào, thì chiếc xe gắn máy chỉ có thể chứa vài lít xăng để đưa tôi đi đó, đi đây trong thành phố, vận chuyển một khối lượng nhỏ hàng hóa, cũng được đổ đầy xăng thế ấy.

Vậy, “lượng,” tức là sức chứa được nhiều hay ít, không phải là vấn đề, mà vấn đề là tôi có đầy trọn đức tin hay không. Có sức chứa lớn nhưng hoàn toàn không có đức tin hoặc chỉ có một ít đức tin thì có ích lợi gì? Chiếc xe tải lớn không có xăng hoặc chỉ có vài lít xăng thì không bao giờ làm tròn công việc giao hàng, nhưng chiếc xe gắn máy nhỏ lúc nào cũng chứa đầy xăng, sẽ dần dần chuyển hết một khối lượng hàng hóa lớn.

Giả sử, người chủ sắm sẵn trạm đổ xăng để tất cả các nhân viên lái xe giao hàng lúc nào cũng được tự do đổ đầy xăng cho xe để làm công việc giao hàng. Người lái xe máy hai bánh hay người lái xe tải lớn đều có quyền đổ đầy xăng cho xe của mình. Nhưng nếu có ai chỉ chọn đổ một ít xăng vào xe của mình, giữa đường công tác thì xe bị chết máy vì hết xăng và người ấy không hoàn tất việc giao hàng, thì điều gì sẽ xảy ra?

Người ít (thiếu) đức tin trong Chúa là người đã chọn không nhận lãnh đầy dẫy lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho người ấy. Vì thế, người ấy không có đủ đức tin để sống theo Lời Chúa, để làm tròn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy.

Người có đức tin lớn là người có đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa về bất cứ một điều gì. Thánh Kinh Tân Ước ghi lại hai trường hợp của hai người có đức tin lớn nơi Đấng Christ. Một là viên sĩ quan đại đội trưởng trong quân đội La-mã. Ông ta tin rằng, chỉ cần Chúa phán một lời thì người tôi tớ của ông sẽ được lành bệnh, mà không cần Chúa đến tận nhà ông. Chúa đã phán rằng, Ngài chưa hề thấy ai trong dân I-sơ-ra-ên có đức tin lớn như vậy (Ma-thi-ơ 8:5-10). Hai là một người đàn bà xứ Ca-na-an van xin Chúa chữa lành đứa con gái bị quỷ ám của bà. Chúa đã phán rằng, vì bà có đức tin lớn nên con gái của bà được chữa lành (Ma-thi-ơ 15:21-28). Cả hai người có đức tin lớn này đều là người không thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên và họ đã có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ trước khi Tin Lành được giảng cho các dân ngoại.

Người đầy dẫy đức tin là người hoàn toàn và tuyệt đối tin vào Thiên Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc, trong mọi sự. Chính vì thế mà người ấy sẵn sàng chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa, như Chấp Sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5; 7:59-60).

5. Thánh Kinh cũng đề cập đến cường độ, tức sức mạnh, của đức tin, gọi là đức tin mạnh mẽ và đức tin yếu đuối. Áp-ra-ham được gọi là người mạnh mẽ trong đức tin:

“Ông chẳng lưỡng lự về lời hứa của Đức Chúa Trời vì chẳng tin, nhưng mạnh mẽ trong đức tin, tôn vinh Đức Chúa Trời…” (Rô-ma 4:20).

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-14_1-12/

Người mạnh mẽ trong đức tin là người có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, dành nhiều thời gian suy ngẫm Thánh Kinh, rồi cẩn thận làm theo Lời Chúa, nên có sự hiểu biết sâu rộng về Lời Chúa để áp dụng vào trong cuộc sống mỗi ngày. Người yếu đuối trong đức tin là người chưa có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, chưa dành nhiều thời gian để suy ngẫm Lời Chúa, nên thiếu sự hiểu biết sâu rộng về Lời Chúa để áp dụng đúng nơi, đúng lúc vào trong nếp sống. Tuy nhiên, những gì người ấy tin, đều được ghi rõ trong Thánh Kinh.

Điều quan trọng là đức tin dù mạnh hay yếu cũng đều dựa trên lẽ thật đến từ Thiên Chúa. Đức tin không dựa trên lẽ thật của Thánh Kinh là đức tin mù quáng vào tà giáo. Đó chính là điều Đức Chúa Jesus Christ đã nói đến:

“Chúng nó thờ lạy Ta cách vô ích, giảng dạy giáo lý về các điều răn của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:9; Mác 7:7).

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, vào thời của Phao-lô, Hội Thánh chỉ mới có Thánh Kinh phần Cựu Ước, và chưa có Thánh Kinh in thành sách mà chỉ là những bản chép tay. Vì thế, sự hiểu biết Lời Chúa của Hội Thánh thời bấy giờ không được thuận tiện như chúng ta thời nay. Trong số những người yếu đức tin trong Hội Thánh thời bấy giờ là những người bị ảnh hưởng của Do-thái Giáo. Họ có thể là những người I-sơ-ra-ên trước đây theo Do-thái Giáo như Phao-lô và các sứ đồ của Chúa, hoặc là những người không thuộc dân I-sơ-ra-ên nhưng tin theo sự giảng dạy của những tín đồ I-sơ-ra-ên vẫn còn chịu ảnh hưởng của Do-thái Giáo. Vì thế, họ đắn đo trong việc không làm nghi thức cắt bì, trong việc ăn các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước, trong việc không giữ những ngày lễ hội hình bóng của thời Cựu Ước.

Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phao-lô viết ra những lời dạy dỗ trong Rô-ma 14:1-12, để dạy cho Hội Thánh thời bấy giờ về cách thức cư xử với những anh chị em cùng Cha nhưng yếu đuối trong đức tin.

“Các anh chị em hãy tiếp nhận người yếu đức tin, nhưng không phải để đánh giá những ý tưởng đắn đo.” (Rô-ma 14:1).

Chữ “yếu” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là không có năng lực, có nghĩa bóng là không có phương tiện. Người yếu đức tin là người chưa có đủ sức mạnh thuộc linh, vì thiếu sự hiểu biết đầy trọn thuộc linh, để có thể sống một đời sống đắc thắng và vui thỏa trong Chúa. Nếu không có sự chăm sóc, khích lệ, dạy dỗ của Hội Thánh thì người ấy dễ dàng vấp ngã, lui đi trong đức tin.

Sự yếu đuối trong đức tin khác với sự ít hay thiếu đức tin và không liên quan gì đến lượng đức tin. Người yếu đuối trong đức tin là người có đủ đức tin để sống theo Lời Chúa nhưng người ấy không sốt sắng tìm hiểu ý Chúa qua Lời Chúa, không sốt sắng làm theo Lời Chúa. Tương tự như một nông dân được chính phủ cấp phát cho ruộng và máy cày nhưng lại dùng cuốc để xới đất thay vì dùng máy cày, vì không bỏ thời gian ra để học biết cách sử dụng máy cày.

Những người tin Chúa nhưng không dành thời gian để nuôi mình bằng Lời Chúa qua sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8) thì đức tin của họ sẽ ngày càng yếu đi và rồi đức tin sẽ chết, vì không thể biến thành hành động để đức tin dẫn đến đức tin.

Trích từ: https://timhieutinlanh.com/23-3-2013-muc-do-cua-duc-tin-phan-3/

Tôi thường nghe một số người nói rằng, tôi sống theo “lượng đức tin” Chúa ban cho tôi. Mới nghe thì thấy thật là hợp với lời dạy của Chúa, nhưng thật ra, họ dùng câu nói đó để bao che cho việc chống nghịch Lời Chúa của họ. Sống theo “lượng đức tin” Chúa ban là hết lòng, hết sức làm theo Lời Chúa trong mọi cảnh ngộ theo năng lực và ơn Chúa đã ban, chứ không phải có nghĩa là “không vâng giữ” các điều răn của Chúa! Khi Chúa phán: “Chớ phạm tội tà dâm!” thì tôi phải hết lòng hết sức không đặt mình vào hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, và nhờ cậy Thánh Linh của Chúa cùng Lời của Đức Chúa Trời để chống lại mọi cám dỗ khiến tôi có thể phạm tội tà dâm, chứ không phải tôi cứ miệt mài xem, đọc các loại sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm… rồi nói rằng, tôi sống theo “lượng đức tin” Chúa ban!

Tương tự như vậy, tôi không thể nào cứ đi làm kiếm sống trong ngày Sa-bát rồi nói rằng, tôi sống theo “lượng đức tin” Chúa ban! Hành động đi làm kiếm sống trong ngày Sa-bát là hành động “không có đức tin” chứ không phải là “sống theo lượng đức tin Chúa ban.” Không một hành động nào vi phạm, chống nghịch lại Mười Điều Răn có thể gọi là “sống theo lượng đức tin Chúa ban.” Thánh Kinh gọi những hành động đó là tội lỗi:

“Còn ai kết quả tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” (I Giăng 3:4).

“Vậy, người nào biết làm điều lành mà chẳng làm, thì người ấy phạm tội.” (Gia-cơ 4:17).

Rô-ma 14:1-6 cũng thường bị những người sống theo những sự ưa thích của xác thịt, chống nghịch các điều răn của Chúa, lạm dụng để bao che cho tội lỗi. Kẻ yếu đức tin là kẻ hết lòng vâng phục những gì họ đã học biết về Chúa, nhưng sự hiểu biết chưa nhiều nên đức tin chưa được mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi được nghe sự giảng dạy từ những tôi tớ chân thật của Chúa thì họ liền vui mừng tiếp nhận lẽ thật của Lời Chúa, và nhờ đó mà đức tin của họ được tăng trưởng. Kẻ yếu đức tin vì chưa hiểu biết nhiều về Lời Chúa khác với kẻ chống nghịch lẽ thật của Lời Chúa. Tiếp lấy kẻ yếu đức tin trong Hội Thánh khác với cho phép người ta tiếp tục chống nghịch Lời Chúa trong Hội Thánh.

Trong thực tế, nhiều người tin Chúa qua sự rao giảng của các giáo hội nên bị các giáo hội dạy cho nhiều tà giáo là những điều không có trong Thánh Kinh hoặc nghịch lại Thánh Kinh. Vì thế đời sống của họ không có sự mạnh mẽ trong đức tin, khiến họ dễ dàng phạm tội trở lại, nhất là khi họ nhìn thấy những người trong các giáo hội vẫn sống trong tội, thậm chí có khi còn tệ hơn những người không tin Chúa. Mỗi con dân Chúa cần chính mình đến với Đức Thánh Linh, cầu xin Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, dắt mình vào mọi lẽ thật, rồi chuyên tâm đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Khi đã nhận biết lẽ thật từ Lời Chúa thì vui mừng và sốt sắng làm theo. Có như vậy thì mới tránh được tà giáo và đức tin mới ngày càng mạnh mẽ.

6. Đức tin không thể hiện bằng việc làm thì đức tin sẽ chết.

“Thân xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có các việc làm thì cũng chết như vậy.” (Gia-cơ 2:26).

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-gia-co-214-26/

Kinh nghiệm rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta là: “thân xác chẳng có hơi thở thì chết!” Thân xác cần phải có hơi thở để sống động như thế nào thì đức tin cũng cần phải có các việc làm để trở thành sống động như thế ấy. Thánh Kinh không dùng từ ngữ “đức tin sống” nhưng chúng ta có thể gọi đức tin được thể hiện bởi các việc làm là “đức tin sống!” Đức tin sống đem lại sự cứu rỗi cho chính chúng ta, đem lại ích lợi cho nhiều người, và làm tôn vinh danh Chúa.

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-6_1-10/

Người công bình là người nhờ lòng ăn năn tội và đức tin vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ mà được Đức Chúa Trời xưng là công bình, được Đức Thánh Linh tái sinh thành một người mới trong Đức Chúa Jesus Christ, có bản tính giống như Đức Chúa Trời, có năng lực của Đức Thánh Linh để có thể làm theo mọi lời phán dạy của Thánh Kinh. Thế nhưng, người ấy phải chọn làm theo điều mình đã tin. Một người trưởng thành phải tự chọn ăn uống để nuôi dưỡng phần thân thể xác thịt của mình như thế nào thì một người được dựng nên mới cũng phải tự chọn làm theo Lời Chúa để đức tin được nuôi dưỡng và phát triển như thế ấy.

7. Con dân Chúa có thể từ bỏ đức tin để theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ.

“Nhưng Đấng Thần Linh phán tỏ tường rằng, trong những thời buổi sẽ đến, một số người sẽ từ bỏ đức tin, mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ.” (I Ti-mô-thê 4:1).

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-4_1-16/

Những gì Đấng Thần Linh phán cách tỏ tường, được Phao-lô ghi lại trong I Ti-mô-thê 4:1-3, là những sự xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, kể từ khi thư I Ti-mô-thê được viết ra.

Một số người sẽ từ bỏ đức tin mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ: Đức tin của con dân Chúa vào chính Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ngài luôn luôn dựa trên lẽ thật là Lời của Thiên Chúa, được ghi chép trong Thánh Kinh. Nếu con dân Chúa tin bất cứ điều gì không đúng với Thánh Kinh, thì trở thành từ bỏ đức tin mà tin theo các thần lừa dối, tin theo những giáo lý của ma quỷ.

Các thần lừa dối bao gồm các tà linh, tức là các thiên sứ phạm tội, theo Sa-tan chống nghịch Thiên Chúa, có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người; lẫn những người có tâm thần chống nghịch Thiên Chúa, chọn phục vụ Sa-tan; và chính bản thân Sa-tan. Lời Chúa chép:

“Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, vì chính Sa-tan giả dạng thành thiên sứ sáng láng. Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó giả dạng như những người giúp việc công bình. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ xứng với việc làm của chúng nó.” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).

Những giáo lý của ma quỷ: Là tất cả những sự dạy dỗ nào không đúng với Thánh Kinh, như dạy rằng: Con dân Chúa phải biết nói tiếng lạ, tức là phải biết lắp ba, lắp bắp những âm thanh vô nghĩa, không có cấu trúc của một ngôn ngữ; trong khi ơn nói ngoại ngữ là ơn nói các thứ ngôn ngữ của loài người, như đã được liệt kê trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2. Hoặc dạy rằng: Con dân Chúa phải được giàu có về vật chất; trong khi Lời Chúa dạy:

“Như vậy, được có ăn, có mặc thì chúng ta phải thỏa lòng. Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất. Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:8-10).

Có một giáo lý của ma quỷ được công khai giảng dạy trong phần lớn các giáo hội mang danh Chúa, là giáo lý dạy rằng, con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Ma quỷ chỉ cần con dân Chúa vi phạm MỘT ĐIỀU RĂN, vì nó biết rõ câu Thánh Kinh này:

“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10).

Đồng thời, ma quỷ lại dựng lên nhiều giáo hội mang danh Chúa, kêu gọi giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nhưng lồng vào đó là những giáo lý sai trật Thánh Kinh khác, như: buộc con dân Chúa phải kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước, hoặc buộc con dân Chúa phải giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước, hoặc buộc con dân Chúa phải gọi danh Chúa theo tiếng Hê-bơ-rơ, hoặc là kêu gọi con dân Chúa thờ phượng một “Đức Chúa Trời Mẹ”…

Con dân Chúa thực sự cần phải bước ra khỏi các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, mà quay về với Thánh Kinh. Nhóm hiệp với những người cùng đức tin nơi lẽ thật của Thánh Kinh. Đó mới là sự nhóm hiệp của Hội Thánh.

Những người rao giảng tà giáo đương nhiên là công cụ trong tay Sa-tan. Con dân Chúa không thể thông công với những người rao giảng tà giáo (Tít 3:10).

8. Con dân Chúa cũng có thể phạm tội chối bỏ đức tin khi không sống theo đức tin.

“Nhưng nếu người nào không chu cấp cho những người thuộc về mình, nhất là những người ở chung nhà, thì người ấy đã chối bỏ đức tin và xấu hơn người không tin.” (I Ti-mô-thê 5:8).

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-5_1-16/

Gia đình là một ơn phước Chúa ban cho loài người. Qua mối quan hệ yêu thương, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, chúng ta được vui thỏa và hiểu biết càng hơn về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta về nhiều phương diện. Mỗi thành viên trong gia đình có bổn phận yêu nhau cách chân thật. Tình yêu thật luôn mang tính phục vụ và hy sinh, để giúp cho người mình yêu được an vui và thăng tiến. Vì thế, bất cứ ai trong gia đình cần được cứu giúp thì mọi người còn lại trong gia đình phải hết lòng góp phần, theo ơn Chúa ban, để cứu giúp người ấy, từ thuộc thể đến thuộc linh.

Những người thuộc về mình: Những người có quan hệ huyết thống với mình hoặc với chồng hay vợ của mình.

Những người ở chung nhà: Những người sống chung dưới một mái nhà.

Là con dân Chúa mà không chu cấp cho những người thân yêu trong gia đình của mình khi họ không có khả năng tự chăm sóc, thì phạm tội chối bỏ điều Chúa truyền dạy, tức là chối bỏ đức tin. Và như vậy, còn xấu hơn là người không tin Chúa, vì nhiều người không tin Chúa vẫn biết yêu thương, chu cấp cho những người thân yêu của họ.

Tuy nhiên, chúng ta không để cho những người xấu lợi dụng chúng ta. Những người lười biếng không chịu làm việc, chỉ biết phung phí tiền bạc cho các thú vui tội lỗi, thì không đáng để cho chúng ta cứu giúp. Trái lại, chúng ta cần phải dứt họ ra khỏi gia đình, để họ không ảnh hưởng xấu đến gia đình.

Trường hợp không chu cấp cho những người thuộc về mình hay những người ở chung nhà chỉ là một trong các hình thức chối bỏ đức tin khi không sống theo những sự dạy dỗ của Lời Chúa. Một điển hình khác, như việc chúng ta biết và tin rằng con dân Chúa phải giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta vẫn thản nhiên đi làm kiếm sống vào ngày Sa-bát Thứ Bảy, vì chúng ta ít đức tin, thiếu đức tin, không tin lời phán dạy này của Đức Chúa Jesus Christ:

Ma-thi-ơ 6:23-34

24 Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc sẽ hiệp với người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể làm nô lệ của Thiên Chúa và của Ma-môn. [Ma-môn là một tên gọi của Thần Tài.]

25 Bởi vậy, Ta phán với các ngươi: Đừng lo lắng về sự sống của các ngươi, các ngươi sẽ ăn gì, các ngươi sẽ uống gì, hoặc là các ngươi sẽ mặc gì cho thân thể của các ngươi. Không phải sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn quần áo sao?

26 Các ngươi hãy nhìn vào những chim trời: Chúng chẳng gieo, cũng chẳng gặt, cũng chẳng thu trữ vào các kho tàng, mà Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, nuôi chúng. Các ngươi chẳng vượt trội hơn chúng sao?

27 Ai trong các ngươi lo lắng mà có khả năng thêm lên được một cu-bít vào vóc dáng mình? [Một cu-bít tương đương 1/2 mét.]

28 Và sao các ngươi lo lắng về quần áo? Các ngươi hãy học những hoa huệ của đồng ruộng. Nó mọc lên thế nào; nó chẳng lao động, cũng không kéo chỉ;

29 nhưng Ta phán với các ngươi, ngay cả Sa-lô-môn trong mọi sự vinh quang của mình, cũng không được mặc giống như một trong chúng nó.

30 Hỡi những kẻ ít đức tin! Nếu loài cỏ của đồng ruộng là giống nay còn sống, mai bị bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời mặc cho như vậy thì Ngài mặc cho các ngươi không hơn thế sao?

31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì?

32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.

33 Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm vương quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.

34 Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.

Nói cách ngắn gọn, khi chúng ta không sống theo bất cứ lời dạy nào của Thánh Kinh là chúng ta chối bỏ đức tin.

9. Con dân Chúa có thể vì tham tiền bạc mà phạm tội rời khỏi đức tin.

“Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:10).

Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-6_1-10/

Tiền bạc là phương tiện trong cuộc sống. Tiền bạc không phải là điều ác. Lời Chúa dạy:

“Có tiền bạc thì ứng cho mọi sự.” (Truyền Đạo 10:19).

Nhưng sự tham tiền bạc lại là cội rễ của mọi điều ác. Tham tiền bạc có nghĩa là muốn chiếm lấy tiền bạc một cách không chính đáng. Những sự lường gạt, trộm cắp, cướp giật, và các hình thức cờ bạc: mua vé số, cá độ, đánh bài, đánh số đề… đều phát xuất từ lòng tham tiền bạc. Lòng tham tiền bạc khiến cho người ta phạm đủ các điều răn của Thiên Chúa. Biết bao nhiêu người sau khi tin nhận Tin Lành nhưng không chịu chết đi con người cũ, vẫn sống với lòng tham tiền bạc, mà cuối cùng rời khỏi đức tin. Có một điều chúng ta cần biết là: Một khi chúng ta tin nhận Tin Lành rồi lại lui đi trong đức tin, thì ma quỷ sẽ tích cực tấn công chúng ta, làm cho chúng ta khốn khổ còn hơn là khi chúng ta chưa tin Chúa. Mục đích của ma quỷ là muốn cho thế gian thấy rằng, tin Chúa không có gì phước hạnh, mà chỉ có bất hạnh.

Chúng ta chỉ có thể: Hoặc là hoàn toàn sống theo thế gian rồi chịu sự hư mất đời đời; hoặc là hoàn toàn sống thánh khiết theo Lời Chúa để được sống đời đời trong Vương Quốc Trời. Chúng ta không thể vừa muốn được cứu rỗi lại vừa sống trong tội. Những người tin nhận Tin Lành nhưng không sống trong Tin Lành là những người khốn khổ nhất trong đời này, lẫn đời sau. Trong đời này, họ không dám buông mình tận hưởng các thú vui của tội lỗi như những người không tin Chúa, vì họ hy vọng sẽ được cứu rỗi, nên họ không được thỏa mãn các sự ham muốn của xác thịt như những người không tin Chúa. Trong đời sau họ chịu hình phạt nặng hơn những người không tin Chúa, vì tội chà đạp máu thánh của Đấng Christ, khi họ quay lại sống trong tội.

10. Đức tin dẫn đến tri thức thật về Thiên Chúa, làm chứng cớ cho những sự thuộc linh không thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt hiện tại, và làm chứng về lòng trông cậy của các thánh đồ nơi Thiên Chúa. Hê-bơ-rơ đoạn 11 là một bài ca dành riêng để nói lên đặc tính của đức tin và vinh danh các thánh đồ về đức tin của họ.

Hê-bơ-rơ 11:1-2

1 Đức tin là nền tảng của những điều đang trông mong là bằng cớ của những điều chẳng xem thấy.

2 Vì trong nó mà các trưởng lão đã được lời chứng tốt.

Danh từ “nền tảng” trong câu 1 bao gồm các nghĩa như sau:

  • Nền tảng vững chắc của một cấu trúc được xây dựng.
  • Sự có thật của một sự vật.
  • Bản tính của một thực thể.
  • Sự vững vàng của tâm trí.
  • Sự tin cậy vững chắc.

Tất cả năm nghĩa trên đây đều ứng dụng cho đức tin:

  • Đức tin là nền tảng vững chắc của điều mà chúng ta đang trông mong.
  • Đức tin là sự có thật của điều mà chúng ta đang trông mong.
  • Đức tin là bản tính thật của điều mà chúng ta đang trông mong.
    Đức tin là sự vững vàng của tâm trí chúng ta đang khi chúng ta trông mong.
  • Đức tin là sự tin cậy vững chắc vào điều mà chúng ta đang trông mong.
  • Điều mà chúng ta đang trông mong là Đấng Christ đến để đem chúng ta ra khỏi thế gian, ban cho chúng ta sự cứu rỗi trọn vẹn và cơ nghiệp đời đời của Đức Chúa Trời trong vương quốc của Đức Chúa Trời:

I Phi-e-rơ 1:3-9

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi lòng thương xót lớn của Ngài mà Ngài khiến cho chúng ta được tái sinh vào trong sự trông cậy sống, qua sự sống lại từ trong những kẻ chết của Đức Chúa Jesus Christ,

4 vào trong cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, và không suy tàn, được để dành trong các tầng trời cho các anh chị em,

5 là những người bởi đức tin, nhờ năng lực của Thiên Chúa giữ gìn cho sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ cuối cùng!

6 Trong sự đó, các anh chị em vui mừng, dù hiện nay, nếu cần thì các anh chị em phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau, khiến cho phải buồn bã ít lâu;

7 để cho sự thử thách đức tin của các anh chị em quý hơn vàng hay hư nát, dù đã bị thử lửa, sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ.

8 Ngài là Đấng các anh chị em không thấy mà yêu; dù bây giờ các anh chị em không thấy Ngài, nhưng các anh chị em tin Ngài. Các anh chị em vui mừng trong niềm vui đầy sự vinh quang, không thể tả được,

9 nhận lãnh sự cuối cùng của đức tin các anh chị em, là sự cứu rỗi linh hồn mình.

Chính vì thế mà đức tin trở thành bằng cớ cho tất cả những lời hứa của Chúa, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, về những sự mà chúng ta đang trông mong, là những sự mà chúng ta chưa thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt trong hiện tại.

Trích từ: https://timhieutinlanh.com/20-3-2013-dac-tinh-cua-duc-tin/

1. Đức tin dẫn đến tri thức thật: Đức tin giúp cho tôi hiểu biết về Thiên Chúa và Lời của Đức Chúa Trời, từ đó, tôi hiểu biết nguồn gốc của tôi, hiểu biết ý nghĩa và mục đích của đời sống tôi, hiểu biết những nguyên tắc khiến cho tôi có thể sống có ý nghĩa và đúng mục đích. Sự tri thức về Thiên Chúa và Lời của Đức Chúa Trời khiến cho tôi có thể thờ phượng Đức Chúa Trời đúng theo ý muốn của Ngài, và đem lại cho tôi sự bình an, sự thỏa lòng. Sự tri thức đó, khiến cho tôi dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời, gọi Ngài là Cha, và phó thác trọn vẹn tâm thần, linh hồn, cùng thân thể xác thịt tôi trong tình yêu của Ngài. Sự tri thức đến bởi đức tin khiến cho tôi nhận thức địa vị cao quý và thiêng liêng của tôi trong chương trình của Đức Chúa Trời và ban cho tôi năng lực để vượt qua mọi cám dỗ, thử thách trong cuộc đời ngắn ngủi trên thế gian này.

2. Đức tin trở thành chứng cớ của Đức Chúa Trời: Sự tri thức đến bởi đức tin còn khiến cho tôi, bằng con mắt thuộc linh trong tâm thần, có thể nhìn thấy được những điều tôi trông cậy nơi Thiên Chúa. Vì thế, đức tin nơi Thiên Chúa và Lời của Ngài trở thành chứng cớ trong tôi về sự thực hữu của Thiên Chúa, về sự thành tín của Thiên Chúa, về ý định của Thiên Chúa và mọi việc làm của Ngài. Nhờ chứng cớ nội tại vững chắc ấy mà đời sống của tôi được biến đổi mỗi ngày theo sự sống động của năng lực Thiên Chúa, là thánh linh, do Đức Thánh Linh đổ đầy đến nỗi tuôn tràn trong tôi. Chính vì đức tin biến đổi tôi mà tôi trở thành bằng cớ sống động cho thế gian về sự thực hữu của Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và tái tạo của Ngài, về sự yêu thương, thánh khiết và công bình của Ngài, để đem người khác đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hoặc để làm chứng cớ mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để buộc tội những ai không tin trong ngày phán xét.

Danh từ các trưởng lão dùng trong câu 2 để chỉ về các thánh đồ tiền bối thời Cựu Ước và trước Cựu Ước. Đó là những người mà Sứ Đồ Phao-lô sẽ lần lượt nói đến gương đức tin của họ trong phần còn lại của Hê-bơ-rơ đoạn 11. Trong sự thể hiện đức tin của họ vào Thiên Chúa, tất cả các trưởng lão ấy đều đã được lời chứng tốt. Nhiều người đã nhận lãnh lời chứng tốt từ chính Đức Chúa Trời.

Đức tin là điều không thể thiếu trong đời sống của con dân Chúa.

Đời sống của con dân Chúa có kết quả hay không tùy thuộc vào việc họ có đức tin lớn và đầy dẫy đức tin hay không.

Chỉ cần có đủ đức tin, cho dù đức tin chỉ nhỏ bằng hạt cải, là có năng lực để làm ra những việc lớn, như dời núi.

Là con dân Chúa, chúng ta cần tin rằng, đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa:

  • Đủ để dời núi khi cần.
  • Đủ để giữ cho chúng ta không bị tổn thương khi bị rắn cắn hay khi bị uống nhằm chất độc.
  • Đủ để chúng ta vui lòng chết khi Chúa bảo chúng ta chết.
  • Đủ để chúng ta không phạm tội khi Chúa bảo chúng ta đừng phạm tội nữa.
  • Đủ để yêu anh chị em cùng Cha của chúng ta hơn chính chúng ta và người nhà của chúng ta. Nghĩa là chúng ta sẵn sàng và vui lòng hy sinh bản thân cùng người nhà của chúng ta cho ích lợi của bất cứ ai trong Hội Thánh.

Khi Chúa cho phép những điều đó xảy ra thì chúng ta hãy mạnh dạn bởi đức tin mà hành động theo ý Chúa.

Là con dân Chúa mà nghĩ rằng mình không thể bởi đức tin mà dời núi thì rõ ràng là ít đức tin, thiếu đức tin, hồ nghi Chúa, trông cậy nơi Chúa quá ít! Tại sao một người tin rằng mình có thể biến hóa và được cất lên không trung gặp Chúa mà lại không tin rằng mình có thể dời núi trong danh Chúa, theo ý Chúa?

Nguyện mọi lẽ thật của Lời Chúa khiến cho chúng ta được bền vững trong đức tin. Nguyện sự trông cậy của chúng ta hoàn toàn đặt trên lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/07/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Hãy Về bên Jesus”
https://karaokethanhca.net/hay-ve-ben-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.