Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL046 Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa Được Chữa Lành

527 views

YouTube: https://youtu.be/8b2UZlpx_WA

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL046 Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa Được Chữa Lành
Giăng 5:1-18

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giăng 5:1-18

1 Sau những sự đó, có một lễ hội của dân Do-thái. Đức Chúa Jesus đã đi lên đến Giê-ru-sa-lem.

2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một cái ao có năm mái hiên, được gọi là Bê-tết-đa trong tiếng Hê-bơ-rơ.

3 Tại các nơi đó, một đám đông những kẻ đau ốm: những kẻ mù, những kẻ què, những kẻ teo khô bắp thịt đã nằm chờ cho nước xao động.

4 Vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm khuấy động nước nên ai xuống ao trước, sau sự khuấy động của nước, thì được trở nên lành bất cứ bệnh gì người ấy có.

5 Có một người kia đã ở đó, người có bệnh đã ba mươi tám năm.

6 Đức Chúa Jesus đã thấy người ấy nằm, biết rằng, người ấy có bệnh đã lâu ngày rồi. Ngài phán với người: Ngươi có muốn được lành chăng?

7 Người bệnh đã đáp lời Ngài: Lạy Chúa! Tôi chẳng có ai để khi nước bị khuấy động, quăng tôi xuống ao. Trong lúc tôi đến, người khác đã xuống trước tôi.

8 Đức Chúa Jesus phán với người: Hãy đứng dậy! Hãy vác giường của ngươi và đi!

9 Tức thì, người đã lành bệnh, vác giường của mình và đi trong ngày ấy, là ngày Sa-bát.

10 Vì vậy, những người Do-thái đã nói với người được chữa lành: Nay là ngày Sa-bát, không hợp pháp cho ngươi vác giường.

11 Người đã đáp lời họ: Chính người đã chữa lành tôi bảo tôi: Hãy vác giường của ngươi và đi!

12 Vậy, họ đã hỏi người: Người nào là người đã bảo ngươi, hãy vác giường của ngươi và đi?

13 Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai. Vì Đức Chúa Jesus đã đi lẫn trong đám đông tại chỗ đó.

14 Sau những sự đó, Đức Chúa Jesus tìm gặp người ấy trong Đền Thờ, và phán với người: Kìa, ngươi đã lành bệnh! Đừng phạm tội nữa! Kẻo sự xấu hơn có thể đến với ngươi!

15 Người ấy đã đi và nói với những người Do-thái rằng, ấy là Đức Chúa Jesus đã chữa lành người.

16 Bởi đó, những người Do-thái đã bắt bớ Đức Chúa Jesus và tìm cách giết Ngài, vì Ngài đã làm những sự ấy trong ngày Sa-bát.

17 Nhưng Đức Chúa Jesus đã trả lời họ: Cha của Ta làm việc cho tới bây giờ và Ta cũng làm việc.

18 Vậy, bởi đó, những người Do-thái càng kiếm cách giết Ngài, vì chẳng những Ngài phạm ngày Sa-bát mà còn gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự một người bị bệnh đã 38 năm được Đức Chúa Jesus chữa lành trong một ngày Sa-bát. Chúng ta cũng học về sự dân Do-thái bách hại Chúa, tìm cách giết Ngài, khi Ngài chữa bệnh trong ngày Sa-bát và xưng Đức Chúa Trời là Cha của Ngài.

1 Sau những sự đó, có một lễ hội của dân Do-thái. Đức Chúa Jesus đã đi lên đến Giê-ru-sa-lem.

Sau những sự đó” là sau các sự việc đã xảy ra, như đã chép trong Giăng đoạn 4. Tuy nhiên, sau các sự việc xảy ra trong Giăng đoạn 4 thì Đức Chúa Jesus đã rao giảng Tin Lành, chữa lành nhiều người bệnh trong các thành và các làng của xứ Ga-li-lê.

Lễ hội được nói đến trong câu này không phải là một trong bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa, như đã được quy định trong Lê-vi Ký đoạn 23. Danh từ “lễ hội” dùng trong câu này không có mạo từ xác định đứng trước, được gọi là “một lễ hội của dân Do-thái” thay vì gọi là “lễ hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Lê-vi Ký 23:4). Dựa vào Giăng 6:4, thì chúng ta biết, lễ hội được nói đến ở đây xảy ra trước Lễ Vượt Qua. Và như vậy, có lẽ đó chính là Lễ Phu-rim, một lễ hội nhằm ngày 14 và 15 của tháng A-đa, tức là tháng Mười Hai, trước Lễ Vượt Qua một tháng, theo Lịch Do-thái. Lễ Phu-rim được dân Do-thái cử hành để kỷ niệm sự dân Do-thái được thoát khỏi âm mưu diệt chủng của Ha-man. Câu chuyện được ghi lại trong sách Ê-xơ-tê từ đoạn 3 đến đoạn 9. Chữ Phu-rim có nghĩa là “những lần bốc thăm”, nói đến sự kiện Ha-man trong gần suốt một năm, mỗi ngày cho người bốc thăm, tìm xem ngày tốt nhất để diệt chủng dân Do-thái. Nhưng cuối cùng, ngày được chọn lại chính là ngày mà Ha-man và mười con trai của mình bị dân Do-thái giết chết.

Có lẽ Đức Chúa Jesus đã từ xứ Ga-li-lê đi lên Giê-ru-sa-lem không phải để dự lễ, mà để nhân cơ hội giảng Tin Lành cho nhiều người tập trung về Giê-ru-sa-lem dự lễ.

2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một cái ao có năm mái hiên, được gọi là Bê-tết-đa trong tiếng Hê-bơ-rơ.

Cửa Chiên của thành Giê-ru-sa-lem nằm về phía bắc, dẫn đến khu vực những người nghèo và bệnh tật sinh sống. Cửa này được xây dựng vào thời của Nê-hê-mi (444 TCN), như đã chép trong Nê-hê-mi đoạn 3. Đây là một trong những cổng lâu đời nhất thuộc thành Giê-ru-sa-lem và nổi tiếng với kiến trúc và thiết kế độc đáo. Cửa được làm bằng đá và có một cổng vòm duy nhất với hai tháp ở hai bên. Các tòa tháp có hình chữ nhật và có ba tầng. Vào thế kỷ 16, hai bên cửa được chạm thêm các hình sư tử nên còn được gọi là Cửa Sư Tử (the Lions Gate).

Cửa Chiên được xây dựng bằng cách sử dụng kết hợp đá vôi và đá đô-lo-mít (dolomit). Móng của cửa được đặt trên nền đá và được neo bằng kẹp sắt để đảm bảo sự ổn định. Các khối đá vôi được sử dụng để xây cổng được khai thác từ các sườn đồi gần đó, trong khi đá đô-lo-mít được khai thác từ khu vực Biển Chết. Những viên đá được cắt và tạo hình bằng đục và búa, sau đó được vận chuyển đến công trường bằng lừa và xe đẩy.

Cửa Chiên được đặt tên như vậy vì nó dẫn đến khu vực bên trong Đền Thờ, nơi tiếp nhận những con chiên được dùng làm sinh tế. Nó cũng dẫn đến khu vực dành cho sự bán chiên trong khuôn viên Đền Thờ cho những người muốn mua chiên làm của lễ dâng lên Thiên Chúa [1].

Tên “Bê-tết-đa” (G964) ra từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là: nhà của sự từ ái, hoặc: nhà của sự thương xót. Trước năm 1888, là năm các nhà khảo cổ học khám phá di tích của ao Bê-tết-đa, nhiều người cho rằng, câu chuyện được ghi lại trong Giăng đoạn 5 là không đúng sự thật. Vì không ai tìm thấy di tích của ao Bê-tết-đa trong khu vực gần Cửa Chiên.

Hình Cửa Chiên [1]
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/09/CuaChien.jpg

Nhưng phải thêm hơn 100 năm sau thì các nhà khảo cổ học mới khám phá đầy đủ di tích của ao Bê-tết-đa và xác nhận là có năm mái hiên chung quanh ao. Vì ao có hình chữ nhật, được ngăn làm hai khu với một vách ngăn. Bốn cạnh chung quanh ao và trên vách ngăn có các mái hiên. Các mái hiên do những nhà hảo tâm dựng lên để che mưa, che nắng cho những người bệnh đến ở chung quanh ao, chờ được chữa lành bằng một hiện tượng siêu nhiên [2], [3]. Trước đó, những người chỉ trích Thánh Kinh cho rằng, ao có năm mái hiên thì ao phải có hình năm cạnh với mái hiên chạy dài theo mỗi cạnh. Nhưng đó không phải là hình dạng thông thường của các ao được xây dựng vào thời ấy. Vì thế, họ kết luận, Giăng đoạn 5 là không đúng sự thật.

3 Tại các nơi đó, một đám đông những kẻ đau ốm: những kẻ mù, những kẻ què, những kẻ teo khô bắp thịt đã nằm chờ cho nước xao động.

4 Vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm khuấy động nước nên ai xuống ao trước, sau sự khuấy động của nước, thì được trở nên lành bất cứ bệnh gì người ấy có.

Khi Đức Chúa Jesus đến ao Bê-tết-đa thì tại đó đã có một đám đông những kẻ đau ốm với nhiều tật bệnh khác nhau. Lý do có nhiều người tật bệnh tập trung chung quanh ao là vì có hiện tượng nước trong ao có thể chữa lành tật bệnh khi nó xao động.

Một số nhà giải kinh cho rằng, Giăng 5:3-4 là được thêm vào trong một số bản chép tay. Vì có một số bản chép tay không có nội dung của Giăng 5:3-4. Nhưng Giăng 5:7 ghi lại câu người bệnh trả lời Đức Chúa Jesus giúp cho chúng ta hiểu rằng, Giăng 5:3-4 thật do Giăng viết ra.

Nhiều nhà Thần học cho rằng, hiện tượng được ghi trong Giăng 5:4 không phải là phép lạ đến từ Chúa. Nhưng Giăng không nói đó là phép lạ đến từ Chúa. Giăng chỉ ghi lại thực tế của sự việc xảy ra tại ao Bê-tết-đa. Vì có nhiều người bệnh nằm chờ cơ hội chung quanh bờ ao Bê-tết-đa, vì chính người bệnh 38 năm cũng xác nhận có nhiều người xuống ao trước ông ta và được chữa lành, nên chúng ta có thể tin rằng, Giăng 5:3-4 là lời Giăng tường thuật một hiện tượng xảy ra được nhiều người chứng kiến. Nếu phép lạ chữa lành đó không có thật thì người bị bệnh 38 năm đã không cứ nằm đó, chờ cơ hội. Hơn ai hết, ông ta là người đã nhiều lần chứng kiến phép lạ chữa lành xảy ra.

Danh từ “thiên sứ” (G32) có thể được dùng để chỉ thiên sứ của Chúa hoặc sứ giả của Sa-tan. Giăng không nói đó là thiên sứ của Chúa nhưng ông cũng không nói đó là sứ giả của Sa-tan.

Nếu đó là thiên sứ của Chúa thì chúng ta không có chi tiết nào khác trong Thánh Kinh để biết, vì sao thiên sứ của Chúa giáng xuống ao; và vì sao mỗi lần như vậy thì bất cứ ai xuống ao trước sẽ được lành tật bệnh.

Một số người thì cho rằng, đáy ao Bê-tết-đa có những vết nứt sâu xuống lòng đất, tương tự như các suối nước nóng. Mỗi khi có sự rung động địa chấn thì các chất khí và khoáng chất trong lòng đất mang tính chữa lành theo các đường nứt trào lên, giúp cho nước ao có tính chữa lành bệnh. Mặc dù các suối nước nóng chứa nhiều khoáng chất giúp ích cho cơ thể nhưng không thể có chuyện chỉ có người đầu tiên xuống ao được chữa lành. Cũng không có chuyện bất cứ tật bệnh gì cũng được chữa lành. Và cũng không thể có chuyện chữa lành tức thì.

Chúng ta chỉ có thể xem Giăng 5:3-4 là lời tường thuật một phép lạ nhiều lần xảy ra tại ao Bê-tết-đa vào thời ấy. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu phép lạ đó do tà linh tạo ra để khiến người ta thờ lạy thiên sứ. Ma quỷ có thể khiến cho người ta bị bệnh như nó đã từng làm cho Gióp bị chứng ung nhọt từ đầu đến chân. Ma quỷ cũng có thể khiến cho người ta bị câm và điếc, bị chứng động kinh. Thậm chí, ma quỷ cũng có thể giết người, như nó đã giết mười đứa con của Gióp. Ma quỷ có thể khiến cho người ta bị bệnh, rồi “chữa lành” để tạo sự mê tín dị đoan, dẫn người ta đi xa lẽ thật của Thiên Chúa, đưa người ta vào trong những tà giáo. Phong trào đặt tay té ngã, nói tiếng lạ trong thế kỷ 20 và 21 cũng đã nhân danh Chúa, làm ra nhiều sự chữa lành. Chính Đức Chúa Jesus cũng khẳng định rằng, có nhiều người nhân danh Ngài nói tiên tri, đuổi quỷ, làm nhiều phép lạ nhưng Ngài chẳng biết họ bao giờ (Ma-thi-ơ 7:22).

5 Có một người kia đã ở đó, người có bệnh đã ba mươi tám năm.

Chúng ta không biết vì sao Chúa đã quyết định đi đến ao Bê-tết-đa. Có lẽ Ngài muốn thi hành sự chữa lành một người bị bệnh bại liệt đã 38 năm để chứng minh thẩm quyền của Ngài. Giăng không nói rõ là người ấy bị bại liệt, nhưng sự kiện người ấy không thể tự mình xuống ao giúp cho chúng ta hiểu là người ấy đã bị bại liệt. Câu này cũng không hàm ý người bị bệnh đã nằm bên bờ ao suốt 38 năm. Ông đã bị bệnh suốt 38 năm nhưng ông đã nằm bên bờ ao Bê-tết-đa bao lâu thì chúng ta không biết. Nhưng nếu ông đã nằm đó suốt 38 năm thì quả thật cuộc đời của ông rất khốn khổ.

6 Đức Chúa Jesus đã thấy người ấy nằm, biết rằng, người ấy có bệnh đã lâu ngày rồi. Ngài phán với người: Ngươi có muốn được lành chăng?

7 Người bệnh đã đáp lời Ngài: Lạy Chúa! Tôi chẳng có ai để khi nước bị khuấy động, quăng tôi xuống ao. Trong lúc tôi đến, người khác đã xuống trước tôi.

Giữa một đám đông những kẻ đau ốm với nhiều tật bệnh khác nhau mà Chúa chỉ đến với người đàn ông đang nằm trên giường bệnh. Vì Chúa biết ông là người bị bệnh nặng nhất và có lẽ lâu nhất. Một người không thể tự mình di chuyển trong suốt 38 năm. Chúng ta có thể hiểu, có lẽ hàng ngày người nhà của ông đã mang thức ăn cho ông và giúp ông trong việc vệ sinh cá nhân. Mục đích sống của ông chỉ là mong được lành bệnh.

Chúa đã phán hỏi ông: “Ngươi có muốn được lành chăng?” Ông đã đáp lời Ngài, gọi Ngài là Chúa: “Lạy Chúa! Tôi chẳng có ai để khi nước bị khuấy động, quăng tôi xuống ao. Trong lúc tôi đến, người khác đã xuống trước tôi.”

Qua câu hỏi của Đức Chúa Jesus, chúng ta thấy, Ngài biết rõ về người bệnh và Ngài thương xót ông, muốn chữa lành cho ông. Người bệnh không tìm đến Chúa, không cầu xin Chúa như các trường hợp khác, cũng không có đức tin nơi Chúa. Nhưng Chúa đến tìm ông, vì Ngài biết nan đề, nhu cầu của ông, và Ngài muốn chữa lành ông.

Qua câu trả lời của người bệnh, chúng ta thấy, lời tường thuật của Giăng trong câu 3 và 4 là đúng với sự kiện đã xảy ra tại ao Bê-tết-đa. Người bệnh là chứng nhân của nhiều trường hợp được chữa lành. Có lẽ, người bệnh không có được chỗ nằm gần với mé ao, phải từ xa, dùng hai tay kéo lê thân hình đến mé ao nên không kịp xuống nước, trước khi người khác đã xuống. Cũng không có ai giúp ném ông xuống ao, khi nước bị khuấy động. Người bệnh đã không trả lời là ông muốn lành bệnh, mà ông nói đến nan đề ngăn cản ông được lành bệnh.

8 Đức Chúa Jesus phán với người: Hãy đứng dậy! Hãy vác giường của ngươi và đi!

9 Tức thì, người đã lành bệnh, vác giường của mình và đi trong ngày ấy, là ngày Sa-bát.

Sau câu trả lời với tính cách giải thích của người bệnh, Đức Chúa Jesus đã không phán hỏi gì thêm nhưng truyền cho ông: “Hãy đứng dậy! Hãy vác giường của ngươi và đi!” Ngay lập tức, người bệnh được lành bệnh. Có thể ngay sau khi Chúa phán, người bệnh cảm nhận được đôi chân của mình đã được chữa lành, có sức lực. Người ấy đã đứng dậy, vì đã được lành bệnh. Có lẽ lúc ấy Đức Chúa Jesus đã bỏ đi. Rồi người ấy đã vác giường mà đi, ra khỏi khu vực của ao Bê-tết-đa. Dựa vào câu 14 chúng ta có thể hiểu người ấy đã không về nhà, nhưng có lẽ đã vác giường đem bỏ vào chỗ nào đó để có thể vào Đền Thờ, cảm tạ và thờ phượng Thiên Chúa.

Ngày hôm ấy nhằm ngày Sa-bát cuối tuần. Có thể khi đó là ngay sau khi mặt trời lặn của ngày 15 tháng A-đa năm 26, là ngày cuối của lễ hội Phu-rim. Cũng có thể đó là ban ngày của ngày Sa-bát 16 tháng A-đa năm 26.

Chúng ta thấy, sự chữa lành của Chúa khiến cho người bị bại liệt suốt 38 năm có thể vác giường, bước đi vững vàng, không cần phải tập luyện gì cả rõ ràng là phép lạ bởi sức toàn năng của Thiên Chúa. Tương tự như vậy là sự chữa lành bởi năng lực của Chúa qua các sứ đồ của Ngài, như trường hợp Sứ Đồ Phi-e-rơ chữa lành cho người bị què từ trong lòng mẹ, tại cửa Đền Thờ (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-10).

Hình minh họa vị trí ao Bê-tết-đa so với vị trí Đền Thờ [4]
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/09/AoBethesda.jpg

10 Vì vậy, những người Do-thái đã nói với người được chữa lành: Nay là ngày Sa-bát, không hợp pháp cho ngươi vác giường.

11 Người đã đáp lời họ: Chính người đã chữa lành tôi bảo tôi: Hãy vác giường của ngươi và đi!

Sự kiện người được chữa lành vác giường đi trong ngày Sa-bát là một điều cấm kỵ trong Do-thái Giáo. Vì trong ngày Sa-bát dân I-sơ-ra-ên không được lao động, không được mang vác nặng (Giê-rê-mi 17:21-22). Người vi phạm có thể bị xử tử hình. Vì thế, khi những người Do-thái, có lẽ là những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo, nhìn thấy người được Chúa chữa lành vác giường thì họ đã lên tiếng quở trách. Điều lạ lùng là họ không quan tâm đến việc ông được chữa lành mà chỉ quan tâm đến việc ông vác giường, vi phạm luật về ngày Sa-bát. Người ấy đã thành thật trả lời họ: “Chính người đã chữa lành tôi bảo tôi: Hãy vác giường của ngươi và đi!”

Chúng ta cần hiểu rằng, mệnh lệnh của Chúa là không cho phép dân I-sơ-ra-ên lao động, làm việc nặng nhọc trong ngày Sa-bát để thân thể của họ và của cả gia súc được nghỉ ngơi. Vì thế, Chúa đã ngăn cấm họ mang vác nặng trong ngày Sa-bát. Nhưng sự người bệnh được Chúa chữa lành, vác giường trong ngày Sa-bát không phải là hành động tham công, tiếc việc mà là hành động chứng minh sự người ấy được Chúa chữa lành, là hành động làm chứng và tôn vinh Chúa về ơn phước Ngài đã ban cho người ấy.

12 Vậy, họ đã hỏi người: Người nào là người đã bảo ngươi, hãy vác giường của ngươi và đi?

13 Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai. Vì Đức Chúa Jesus đã đi lẫn trong đám đông tại chỗ đó.

Khi những người Do-thái hỏi người được chữa lành, ai đã bảo ông vác giường và đi thì ông không biết ai là người đã chữa lành ông. Vì khi ấy, Đức Chúa Jesus đã đi khỏi nơi đó, lẫn trong đám đông. Có lẽ Chúa đang đi vào Đền Thờ. Chi tiết này cũng giúp cho chúng ta hiểu, người được chữa lành không hề biết Chúa là ai, mặc dù có thể ông có nghe tiếng đồn về một người tên Jesus rao giảng đầy ơn và làm nhiều phép lạ. Nhưng trong hoàn cảnh của ông, ông chưa bao giờ được gặp Chúa, được nghe Chúa giảng, được thấy Chúa làm những phép lạ. Ngay khi ông thưa với Chúa, gọi Chúa là “Chúa” thì đó là một hình thức thưa gửi khiêm nhường của một người tự nhận mình là thấp hèn, trước người đối diện. Chứ không phải là vì ông nhận biết Ngài là Chúa.

Chi tiết này cũng nói đến sự thương xót của Chúa khi Ngài đi tìm và cứu những người hầu như không bao giờ có cơ hội tìm đến với Ngài. Chúng ta biết, có những người bởi đức tin khi nghe biết về Chúa đã âm thầm đi theo Chúa, tìm sự cứu giúp, như người đàn bà bị bệnh rong máu. Chúng ta biết, có những người bởi đức tin, tự mình đi theo Chúa, cầu xin được cứu giúp, như hai người mù tại thành Ca-bê-na-um. Chúng ta biết, có những người được người khác mang đến Chúa để được Chúa chữa lành, như người bị quỷ ám tại thành Ca-bê-na-um và người bại liệt được bạn bè dòng xuống trước Chúa, từ mái nhà. Chúng ta biết, có những người được người nhà kêu cầu Chúa chữa lành, như con gái của Giai-ru. Nhưng cũng có những người như người bại liệt 38 năm tại ao Bê-tết-đa không có cơ hội đến gần Chúa và cũng không có ai đến gặp Chúa để cầu xin giùm.

Sự kiện Đức Chúa Jesus nhanh chóng rời khỏi khu vực ao Bê-tết-đa cũng hàm ý, Ngài không chọn chữa lành đám đông tật bệnh còn lại, chung quanh bờ ao. Chúng ta không biết lý do vì sao, cho tới khi chúng ta vào trong thiên đàng và được Chúa trực tiếp giải thích.

Sự Chúa chữa lành cho người bại liệt 38 năm đã xảy ra quá nhanh chóng nên những người bệnh gần đó không kịp nhìn thấy. Có lẽ họ chỉ biết người bệnh được chữa lành, khi ông ta đứng dậy, vác giường của mình, bước đi. Và khi đó thì Chúa đã đi khỏi.

14 Sau những sự đó, Đức Chúa Jesus tìm gặp người ấy trong Đền Thờ, và phán với người: Kìa, ngươi đã lành bệnh! Đừng phạm tội nữa! Kẻo sự xấu hơn có thể đến với ngươi!

15 Người ấy đã đi và nói với những người Do-thái rằng, ấy là Đức Chúa Jesus đã chữa lành người.

Sau những sự đó” là sau sự Chúa chữa lành cho người bại liệt, người ấy vác giường mà đi trong ngày Sa-bát, và người ấy đối đáp với những người Do-thái. Một lần nữa, Đức Chúa Jesus chủ động tìm đến người được chữa lành, khi người ấy vào trong Đền Thờ. Chúng ta có thể hiểu rằng, người được chữa lành đã vui mừng, vào trong Đền Thờ để tạ ơn và thờ phượng Đức Chúa Trời, về sự mình được chữa lành. Đức Chúa Jesus đã phán với ông: “Kìa, ngươi đã lành bệnh! Đừng phạm tội nữa! Kẻo sự xấu hơn có thể đến với ngươi!”

Lời phán của Chúa không hàm ý, vì ông phạm tội nên đã bị bại liệt suốt 38 năm. Lời phán của Chúa nhằm nói lên, ông vốn là một tội nhân, đã được Ngài tha tội và chữa lành tật bệnh. Từ nay, đừng phạm tội nữa. Nếu ông tiếp tục phạm tội thì điều xấu hơn hết là bị hư mất đời đời sẽ đến với ông.

Đức Chúa Jesus có ba lời phán đặc biệt. Đó là:

  • Đừng sợ!

  • Hãy ăn năn!

  • Đừng phạm tội nữa!

Ba lời phán này đem lại sự bình an, sự thánh hóa, và giữ chúng ta ở lại trong sự được nên thánh, được cứu rỗi. Nếu chúng ta thật lòng tin nhận Chúa thì chúng ta sẽ thường xuyên nghe ba lời phán này trong thần trí của mình. Vì sẽ có những lúc nghịch cảnh hoặc sự tấn công của kẻ thù khiến chúng ta lo sợ. Vì sẽ có những lúc chúng ta lâm vấp, phạm tội. Vì sẽ có những lúc chúng ta đối diện với cám dỗ rất mạnh.

Sau khi gặp lại Đức Chúa Jesus thì người được chữa lành đã đi tìm những người Do-thái chất vấn ông trước đó, nói cho họ biết, Ngài là Đấng đã chữa lành ông và bảo ông vác giường. Có lẽ ông đã đích thân dẫn họ đến gặp Chúa. Dĩ nhiên, mục đích của người được chữa lành không phải để đem sự bắt bớ đến cho Đức Chúa Jesus, nhưng có lẽ ông muốn những người Do-thái ấy đối diện với Đấng đã chữa lành ông và truyền lệnh cho ông, để xem Ngài giải thích thế nào với họ về việc phán bảo ông vác giường trong ngày Sa-bát.

16 Bởi đó, những người Do-thái đã bắt bớ Đức Chúa Jesus và tìm cách giết Ngài, vì Ngài đã làm những sự ấy trong ngày Sa-bát.

Giăng đã không ghi lại chi tiết những lời bắt bớ Chúa từ những người Do-thái. Nhưng có lẽ trong đó có lời hăm dọa ném đá Chúa hoặc đem Chúa giao cho Tòa Công Luận xét xử. Điều quan trọng là trong lòng họ có sự tức giận và ghét Chúa, muốn giết Chúa, vì Ngài đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát và bảo người khác vác nặng trong ngày Sa-bát.

Tuân giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa là không sai. Vì “…luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành” (Rô-ma 7:12). Nhưng chỉ tuân giữ các điều răn và luật pháp trên bề mặt của chữ nghĩa, chứ không tuân giữ theo tinh thần của các điều răn và luật pháp là sai. Chữ nghĩa của luật Sa-bát cấm làm việc trong ngày Sa-bát, nhưng tinh thần của luật Sa-bát không cấm những thầy tế lễ làm việc trong ngày Sa-bát để phục vụ sự dâng hiến các sinh tế, tôn vinh Đức Chúa Trời. Tinh thần của luật Sa-bát cũng không cấm việc làm điều thiện, cứu giúp, chữa bệnh. Chính Đức Chúa Jesus đã từng hỏi những người bắt bẻ Ngài về việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát rằng, có ai trong họ, trong ngày Sa-bát lại không mở bò hoặc lừa ra khỏi máng cỏ, dắt chúng đi uống nước (Lu-ca 13:15). Hoặc nếu chiên, lừa, hay bò của họ bị ngã xuống hố trong ngày Sa-bát mà họ không kéo lên ngay (Ma-thi-ơ 12:11; Lu-ca 14:5). Đức Chúa Jesus chữa lành cho người bệnh là Ngài đã làm điều thiện. Người được chữa lành vác giường mà đi là hành động làm chứng sự chữa lành của Chúa, làm tôn vinh Đức Chúa Trời.

Chắc chắn trong suốt chiều dài lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, những khi họ là một quốc gia thì quân lính của họ lúc nào cũng làm nhiệm vụ canh gác những cửa thành. Tức là những người lính vẫn làm việc trong ngày Sa-bát.

Chúng ta hiểu rằng, tinh thần của luật Sa-bát không cấm làm việc lành trong ngày Sa-bát. Đức Chúa Jesus là Chúa của ngày Sa-bát đã nói rõ như vậy (Ma-thi-ơ 12:12; Mác 2:28). Chính vì thế mà những người làm các nghề bác sĩ, dược sĩ, y tá, y công, bảo vệ, công an, cảnh sát, quân lính, chữa lửa… đều có thể nhận các phiên trực, phiên gác và làm việc trong ngày Sa-bát. Các hiệu thuốc cũng có thể bán thuốc trong ngày Sa-bát.

17 Nhưng Đức Chúa Jesus đã trả lời họ: Cha của Ta làm việc cho tới bây giờ và Ta cũng làm việc.

18 Vậy, bởi đó, những người Do-thái càng kiếm cách giết Ngài, vì chẳng những Ngài phạm ngày Sa-bát mà còn gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời.

Dù Giăng đã không ghi lại những lời của những người Do-thái bắt bớ Chúa nhưng ông ghi lại câu Đức Chúa Jesus trả lời họ: “Cha của Ta làm việc cho tới bây giờ và Ta cũng làm việc”. Lời phán của Đức Chúa Jesus hàm ý, Thiên Chúa là Đấng quan phòng muôn loài tạo vật của Ngài, nên Ngài không bao giờ nghỉ ngơi sự quan phòng của Ngài, và sự Ngài hành động để đưa loài người đến mục đích cuối cùng mà Ngài đã định sẵn cho họ. Đức Chúa Trời đã và đang làm việc, tức hành động, để hoàn thành mục đích của Ngài qua Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa trong thân vị loài người cũng làm việc, tức hành động, để hoàn thành thánh ý của Đức Chúa Trời. Sự làm việc của Đức Chúa Jesus là sự Ngài cùng làm việc với Đức Chúa Trời, theo chương trình và ý định của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, con dân Chúa cũng có vinh dự được cùng với Đức Chúa Jesus làm việc theo chương trình và ý định của Đức Chúa Trời, để sớm hoàn thành thánh ý của Đức Chúa Trời trên đất. Đó cũng là ý nghĩa của sự sống cho Chúa và chết cho Chúa (Rô-ma 14:8). Nhưng vấn đề là có nhiều con dân Chúa không ý thức được điều đó. Thực tế, nhiều con dân Chúa đang sống cho chính mình, đang đầu tư thời gian, sức lực cho sự xây dựng danh tiếng, cơ ngơi, sự nghiệp vật chất. Họ không ý thức rằng, ngày Đấng Christ đến để ban thưởng cho mỗi người đã rất gần, mà họ hầu như chưa làm được gì trong công việc của nhà Chúa để được ban thưởng.

Khi Đức Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời là “Cha” thì Ngài hàm ý, Ngài cũng là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời là Thiên Chúa. Dân Do-thái hiểu rất rõ ngụ ý của Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Jesus không nói “Cha của chúng ta” theo ý nghĩa trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:6, Đức Chúa Trời là Cha của sự sáng tạo và cứu chuộc đối với dân I-sơ-ra-ên. Nhưng Ngài nói “Cha của Ta”, hàm ý, Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời, vì Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Sự bình đẳng của Đức Chúa Jesus với Đức Chúa Trời như sự bình đẳng trong quan hệ cha con của loài người. Bình đẳng không có nghĩa là bình quyền. Đức Chúa Jesus vẫn phải chịu sự sai bảo của Đức Chúa Trời và vâng phục Đức Chúa Trời.

Chính vì hiểu rõ ngụ ý của Đức Chúa Jesus mà dân Do-thái càng tức giận, muốn giết chết Ngài càng hơn. Vì họ cho rằng, Ngài đã phạm luật Sa-bát mà còn phạm thượng Đức Chúa Trời.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/09/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://sheepfacts.com/the-sheep-gate-of-jerusalem/

[2] https://steemit.com/travel/@coldsteem/pools-of-bethesda-jerusalem-israel

[3] https://www.biblicalarchaeology.org/daily/biblical-sites-places/jerusalem/the-bethesda-pool-site-of-one-of-jesus-miracles/

[4] https://www.generationword.com/jerusalem101/51-bethesda-pool.html

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Yêu Tôi Lắm (2)”
https://karaokethanhca.net/ngai-yeu-toi-lam-2/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.