Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 23:12-35 Những Người Do-thái Lập Mưu Giết Phao-lô…

831 views

YouTube: https://youtu.be/GzFOPCB5A28

44053 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 23:12-35
Những Người Do-thái Lập Mưu Giết Phao-lô
Phao-lô Được Đưa đến Thành Sê-sa-rê

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 23:12-35

12 Đến sáng, có mấy người Do-thái kia kết đảng, lập thề với nhau rằng, sẽ chẳng ăn cũng chẳng uống cho tới khi chúng giết được Phao-lô.

13 Có hơn bốn mươi người đã lập mưu đó.

14 Chúng đã đến với các thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão, nói: Chúng tôi đã lập thề với nhau lời thề rằng, chúng tôi chẳng ăn gì hết cho tới khi chúng tôi giết được Phao-lô.

15 Vậy, bây giờ, các ông với Tòa Công Luận hãy xin viên chỉ huy rằng, ngày mai, ông ta hãy mang nó xuống cho các ông, như là các ông muốn tra xét kỹ càng hơn về nó. Còn chúng tôi thì sẵn sàng giết nó, trước khi nó đến gần.

16 Nhưng con trai của chị Phao-lô đã nghe biết sự phục kích ấy. Người đã đi và vào trong đồn, nói với Phao-lô.

17 Phao-lô đã gọi một đại đội trưởng, nói rằng: Hãy đem chàng trẻ này đến với viên chỉ huy. Vì chàng có việc báo với người.

18 Vậy, thực tế, viên đại đội trưởng đã đem chàng trẻ đến viên chỉ huy và thưa rằng: Tù nhân Phao-lô đã gọi tôi, bảo đem chàng trẻ này đến với ngài, chàng có việc nói với ngài.

19 Viên chỉ huy đã nắm tay chàng, lui riêng ra, hỏi: Ngươi có việc gì đó để báo cho ta?

20 Chàng trẻ đã nói: Những người Do-thái đã đồng ý xin ngài rằng, ngày mai, đem Phao-lô xuống, vào trong Tòa Công Luận, như là họ muốn tra xét điều gì kỹ càng hơn về người.

21 Nhưng xin ngài chớ bị thuyết phục bởi họ. Vì có hơn bốn mươi người trong họ lập mưu ám sát người. Chúng đã thề với nhau chúng sẽ chẳng ăn cũng chẳng uống gì cho tới khi chúng giết được người. Bây giờ, họ đã sẵn sàng, chờ đợi lời hứa từ ngài.

22 Vậy nên, thực tế, viên chỉ huy đã cho chàng trẻ đi, truyền rằng: Chớ nói với ai ngươi đã tỏ cho ta những sự này.

23 Ông đã gọi hai viên đại đội trưởng, nói: Vào giờ thứ ba đêm nay, hãy sắm sẵn hai trăm quân lính, bảy mươi kỵ binh, và hai trăm lính cầm giáo, để đi đến thành Sê-sa-rê. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban đêm từ khi mặt trời lặn cho tới khi mặt trời mọc thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ tối. Giờ thứ ba bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối.]

24 Cũng có sẵn thú cưỡi, để chúng đặt Phao-lô lên, đem người bình an đến nơi Thống Đốc Phê-lít.

25 Ông đã viết một bức thư bao gồm như thế này:

26 Cơ-lốt Li-sia chào mừng Thống Đốc Phê-lít đáng kính.

27 Người này đã bị bắt bởi dân Do-thái và sắp bị giết bởi chúng. Tôi đã đến với quân đội và giải cứu người, biết rằng, người là công dân La-mã.

28 Tôi muốn biết bởi lý do gì chúng đã cáo tội người nên tôi đã giải người đến Tòa Công Luận của chúng.

29 Tôi đã nhận thấy, người bị cáo tội về các tranh luận luật pháp của họ, nhưng chẳng có sự cáo tội nào đáng bị chết hay bị xiềng xích.

30 Tôi đã được báo rằng, giữa những người Do-thái có một âm mưu, định ý nghịch lại người. Tôi đã lập tức gửi người đến ngài, truyền cho những kẻ kiện cáo cũng nói trước ngài điều gì chúng nghịch lại người. Kính chào.

31 Vậy, thực tế, các quân lính đã theo lệnh truyền cho họ, đem Phao-lô giải đi trong đêm, đến thành An-ti-ba-tri.

32 Hôm sau, họ đã để các kỵ binh đi với người, còn họ đã trở về đồn.

33 Các người ấy đã vào đến thành Sê-sa-rê và đưa thư cho thống đốc, cũng giao nộp Phao-lô cho người.

34 Thống đốc đã đọc thư thì hỏi người ở tỉnh nào, và biết rằng, người từ tỉnh Si-li-si.

35 Ông đã nói: Ta sẽ nghe ngươi, khi những kẻ kiện cáo ngươi cũng đến. Kế đó, ông đã truyền cho người bị giữ trong công đường của Hê-rốt.

Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau học những câu còn lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 23. Đó là phân đoạn ghi lại sự kiện những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo lập mưu để giết Phao-lô, và viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã đã kịp thời giải giao Phao-lô đến Sê-sa-rê. Chúng ta sẽ thấy rõ, những mưu định của loài người nhằm hãm hại con dân Chúa sẽ không thể xảy ra, nếu không có sự cho phép của Chúa. Chúng ta cũng sẽ thấy, Chúa luôn dùng những người chung quanh chúng ta để làm thành các ý định của Ngài đối với chúng ta, kể cả, để bảo vệ chúng ta. Chúng ta chỉ cần làm tròn bổn phận của chúng ta đối với Chúa và những người lân cận của mình. Đó là: yêu Chúa hơn mọi sự và yêu người khác như chính mình. Riêng đối với những anh chị em cùng Cha thì chúng ta sẵn sàng hy sinh cho họ. Mọi việc còn lại là ở trong bàn tay của Chúa. Chúng ta không cần lo lắng, sợ hãi, hay toan tính gì cả.

12 Đến sáng, có mấy người Do-thái kia kết đảng, lập thề với nhau rằng, sẽ chẳng ăn cũng chẳng uống cho tới khi chúng giết được Phao-lô.

13 Có hơn bốn mươi người đã lập mưu đó.

Sau khi viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã đã sai lính cướp Phao-lô từ tay những người Do-thái tại Tòa Công Luận và đem ông về lại đồn, trong đêm đó, Chúa đã hiện ra, phán với Phao-lô như chúng ta đã học trong câu 11. Nhưng những người Do-thái ghét Phao-lô vẫn chưa chịu bỏ qua, nên đến sáng thì có hơn 40 người nhóm nhau lại, lập lời thề, tìm cách giết Phao-lô. Họ đã thề một cách nghiêm trọng rằng, họ sẽ không ăn, không uống cho tới khi giết được Phao-lô. Một lời thề mà chắc chắn họ không thể giữ được. Vì chính Chúa không cho phép họ giết Phao-lô.

Rất có thể hơn 40 người Do-thái lập mưu giết Phao-lô là những người đến từ A-si (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:27). Họ đã thù ghét Phao-lô từ nhiều năm trước, khi Phao-lô rao giảng Tin Lành tại A-si và nhất là suốt ba năm ông rao giảng tại thành Ê-phê-sô.

14 Chúng đã đến với các thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão, nói: Chúng tôi đã lập thề với nhau lời thề rằng, chúng tôi chẳng ăn gì hết cho tới khi chúng tôi giết được Phao-lô.

Danh từ “thầy tế lễ thượng phẩm” trong câu này được dùng với hình thức số nhiều, nên chúng ta có thể hiểu rằng, đó là thầy tế lễ đương nhiệm, rất có thể là Giô-na-than, và A-na-nia vẫn còn được gọi là thầy tế lễ thượng phẩm, dù ông ta không còn ở trong chức vụ. Các trưởng lão được nói ở đây chính là các trưởng lão trong Tòa Công Luận. Vào thời ấy, Tòa Công Luận nhóm hiệp mỗi ngày, trừ ngày Sa-bát, nên nhóm người Do-thái muốn giết Phao-lô đã đến gặp Tòa Công Luận để báo cáo mưu kế của họ.

15 Vậy, bây giờ, các ông với Tòa Công Luận hãy xin viên chỉ huy rằng, ngày mai, ông ta hãy mang nó xuống cho các ông, như là các ông muốn tra xét kỹ càng hơn về nó. Còn chúng tôi thì sẵn sàng giết nó, trước khi nó đến gần.

Nói cách khác, nhóm người Do-thái ghét Phao-lô đã yêu cầu Tòa Công Luận đồng mưu với họ để giết Phao-lô.

Theo mưu kế của họ thì họ sẽ phục kích Phao-lô và đám lính giải giao Phao-lô để giết Phao-lô. Nếu mưu kế này được thi hành thì có thể sẽ có sự thương vong cho những người lính La-mã áp giải Phao-lô. Và như vậy, có thể dẫn đến sự quân đội La-mã sẽ đem quân trấn áp và trả thù dân thành Giê-ru-sa-lem cùng những khách từ xa về dự lễ hội lúc đó. Rõ ràng là những người Do-thái cuồng tín này đã vì tư thù với một mình Phao-lô mà sẵn sàng làm ra việc có thể gây họa cho dân chúng thành Giê-ru-sa-lem.

Theo câu 20 thì Tòa Công Luận đã chấp nhận và đồng mưu với nhóm người muốn giết Phao-lô. Khó mà hiểu được vì sao những người có học thức cao trong Tòa Công Luận lại có thể chấp nhận đồng mưu với một việc làm gian ác, có thể gây hại đến cư dân thành Giê-ru-sa-lem, ngay trước ngày Lễ Ngũ Tuần.

16 Nhưng con trai của chị Phao-lô đã nghe biết sự phục kích ấy. Người đã đi và vào trong đồn, nói với Phao-lô.

Chúng ta không biết gì về gia đình của Phao-lô. Chúng ta không biết chị và cháu của Phao-lô có phải là cư dân thành Giê-ru-sa-lem không; hay họ cũng là người từ xa về dự Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta cũng không biết độ tuổi cháu trai của Phao-lô nhưng theo cách gọi “chàng trẻ” của Thánh Kinh thì là một thiếu niên. Chúng ta cũng không biết nhờ đâu mà chàng trẻ này nghe được âm mưu về sự phục kích để giết Phao-lô của nhóm người ghét ông. Tuy nhiên, cháu của Phao-lô đã làm điều nên làm, là vào đồn gặp Phao-lô để tiết lộ âm mưu của nhóm người muốn giết ông.

17 Phao-lô đã gọi một đại đội trưởng, nói rằng: Hãy đem chàng trẻ này đến với viên chỉ huy. Vì chàng có việc báo với người.

18 Vậy, thực tế, viên đại đội trưởng đã đem chàng trẻ đến viên chỉ huy và thưa rằng: Tù nhân Phao-lô đã gọi tôi, bảo đem chàng trẻ này đến với ngài, chàng có việc nói với ngài.

Sau khi nghe cháu trai báo tin về âm mưu giết ông, Phao-lô đã gọi một đại đội trưởng, nhờ đem cháu mình đến gặp viên chỉ huy để chàng trẻ trực tiếp báo cáo với viên chỉ huy.

Chúng ta nhận thấy:

  • Phao-lô đã không nói cho viên đại đội trưởng biết là chuyện gì.

  • Viên đại đội trưởng đã không gặng hỏi Phao-lô hay cháu của Phao-lô chi tiết về lý do cháu của ông cần gặp viên chỉ huy.

Hai điều này cần được chúng ta suy ngẫm và học tập Phao-lô cùng viên đại đội trưởng.

Dù Phao-lô chưa bị xử án và kết án nhưng vẫn bị tạm giam nên ông vẫn là tù nhân. Đây cũng là địa vị của Phao-lô trong suốt khoảng bốn năm tiếp theo đó, trước khi ông được trắng án và được trả tự do. Hai năm Phao-lô bị tạm giam tại Sê-sa-rê và hai năm bị quản chế tại nhà trong thành Rô-ma.

19 Viên chỉ huy đã nắm tay chàng, lui riêng ra, hỏi: Ngươi có việc gì đó để báo cho ta?

Viên chỉ huy đã không xem thường một thiếu niên đến gặp ông, nhưng nắm tay chàng trẻ, đưa chàng vào chỗ riêng tư để hỏi chuyện.

Trong suốt câu chuyện Phao-lô bị bắt tại Giê-ru-sa-lem và được giải về Sê-sa-rê, chúng ta có thể cảm nhận rằng, viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã tại Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ là một sĩ quan tốt: công chính, quyết đoán, và nhanh trí.

20 Chàng trẻ đã nói: Những người Do-thái đã đồng ý xin ngài rằng, ngày mai, đem Phao-lô xuống, vào trong Tòa Công Luận, như là họ muốn tra xét điều gì kỹ càng hơn về người.

21 Nhưng xin ngài chớ bị thuyết phục bởi họ. Vì có hơn bốn mươi người trong họ lập mưu ám sát người. Chúng đã thề với nhau chúng sẽ chẳng ăn cũng chẳng uống gì cho tới khi chúng giết được người. Bây giờ, họ đã sẵn sàng, chờ đợi lời hứa từ ngài.

Cháu của Phao-lô đã thuật lại chi tiết về âm mưu phục kích để ám sát Phao-lô của nhóm người Do-thái. Mà âm mưu đó đã được sự đồng thuận của Tòa Công Luận. Xét về khía cạnh chính trị và quân sự thì đây là một cơ hội tốt cho viên chỉ huy lập công. Ông ta có thể tương kế tựu kế, cho lính mai phục sẵn để tàn sát hơn 40 người Do-thái phục kính quân đội La-mã; và qua đó, ông sẽ lập công lớn. Nhưng ông đã không làm như vậy.

22 Vậy nên, thực tế, viên chỉ huy đã cho chàng trẻ đi, truyền rằng: Chớ nói với ai ngươi đã tỏ cho ta những sự này.

23 Ông đã gọi hai viên đại đội trưởng, nói: Vào giờ thứ ba đêm nay, hãy sắm sẵn hai trăm quân lính, bảy mươi kỵ binh, và hai trăm lính cầm giáo, để đi đến thành Sê-sa-rê. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban đêm từ khi mặt trời lặn cho tới khi mặt trời mọc thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ tối. Giờ thứ ba bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối.]

Viên chỉ huy đã cho cháu của Phao-lô ra về và dặn không được tiết lộ cho ai việc ông đã biết âm mưu của những người Do-thái. Thay vì lên kế hoạch để lập công thì viên chỉ huy đã truyền cho thuộc hạ, ngay trong đêm, giải giao Phao-lô về thủ phủ Sê-sa-rê, cho thống đốc.

Hai viên đại đội trưởng là đại đội trưởng của hai trăm lính thường, tức lính cầm gươm, và hai trăm lính tấn công, là lính cầm giáo. Còn đội kỵ binh, tức lính cưỡi ngựa thì có chỉ huy riêng của họ. Tổng số lính giải giao Phao-lô đã lên đến khoảng hơn một nửa quân số của tiểu đoàn.

Chúng ta thấy viên chỉ huy đã rất cẩn trọng trong việc giải giao Phao-lô. Không phải ông ta sử dụng một lực lượng binh lính được vũ trang đầy đủ để đối phó với một nhóm khoảng hơn 40 người âm mưu giết Phao-lô; mà là ông ta đề phòng có thể có cuộc bạo loạn với hàng ngàn hay hàng chục ngàn người Do-thái, nếu họ phát hiện Phao-lô đang được giải đi.

Viên chỉ huy cũng cho tiến hành việc giải giao ngay trong đêm vừa để Phao-lô sớm được đưa ra khỏi Giê-ru-sa-lem, trước khi dân Do-thái biết, vừa để bảo đảm bí mật hành quân.

24 Cũng có sẵn thú cưỡi, để chúng đặt Phao-lô lên, đem người bình an đến nơi Thống Đốc Phê-lít.

Danh từ “thú cưỡi” trong câu này có thể là ngựa, lừa, la. Rất có thể là một con lừa chuyên được dùng để tải quân trang, quân dụng, quân nhu.

Dù Phao-lô có thể đi bộ như 200 lính thường và 200 lính cầm giáo, nhưng sau đó, chỉ còn kỵ binh đi với ông nên ông cũng cần có một con thú để cưỡi.

Thống Đốc Phê-lít làm thống đốc xứ Giu-đê từ năm 52 đến năm 60. Trong khoảng hai năm, từ đầu năm 58 đến đầu năm 60, Phê-lít đã cứ giam giữ Phao-lô tại Sê-sa-rê, một phần vì mong nhận hối lộ từ Phao-lô, một phần để lấy lòng dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Trong suốt khoảng thời gian đó, Phao-lô đã có nhiều dịp giảng Tin Lành cho vợ chồng ông. Vào năm 60, khi Thống Đốc Phê-tu đến thay thế Phê-lít, làm thống đốc xứ Giu-đê, thì ông đã giải giao Phao-lô về thành Rô-ma, để Phao-lô ra tòa, trước hoàng đế La-mã.

25 Ông đã viết một bức thư bao gồm như thế này:

26 Cơ-lốt Li-sia chào mừng Thống Đốc Phê-lít đáng kính.

27 Người này đã bị bắt bởi dân Do-thái và sắp bị giết bởi chúng. Tôi đã đến với quân đội và giải cứu người, biết rằng, người là công dân La-mã.

Mệnh đề “bao gồm như thế này” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là bao gồm hình thức và nội dung như thế này. Về hình thức thì gồm có lời tự giới thiệu và lời chào ở đầu thư; rồi đến nội dung muốn truyền đạt; sau cùng là lời chào kết thúc. Về nội dung là tóm lược các sự việc liên quan đến sự giải giao Phao-lô.

Qua câu 26, chúng ta biết viên chỉ huy trưởng tiểu đoàn lính La-mã đóng quân gần Đền Thờ, tại Giê-ru-sa-lem, vào lúc ấy, tên là Cơ-lốt Li-sia.

Chữ “chào mừng” (G5463) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: hãy được đầy dẫy sự vui mừng, hạnh phúc.

Chữ “đáng kính” (G2903) là một tước vị danh dự dành cho người có quyền cao, chức trọng.

Cơ-lốt Li-sia đã cẩn thận ghi rõ, Phao-lô là một công dân La-mã, hàm ý, ông đã thi hành một trong các bổn phận của một quân nhân La-mã, trong sự giải cứu và bảo vệ Phao-lô.

28 Tôi muốn biết bởi lý do gì chúng đã cáo tội người nên tôi đã giải người đến Tòa Công Luận của chúng.

29 Tôi đã nhận thấy, người bị cáo tội về các tranh luận luật pháp của họ, nhưng chẳng có sự cáo tội nào đáng bị chết hay bị xiềng xích.

Cơ-lốt Li-sia tiếp tục trình bày việc ông đã cho giải Phao-lô ra trước Tòa Công Luận của dân Do-thái để làm sáng tỏ sự việc Phao-lô bị dân Do-thái chống nghịch và đánh đập, muốn giết chết.

Tuy nhiên, ông nhận thấy, Phao-lô đã không bị tố cáo về một tội danh nào theo luật pháp của La-mã. Điều đám dân đông chống nghịch Phao-lô là vì các tranh luận về luật pháp của Do-thái Giáo. Mà người La-mã thì không can thiệp đến luật pháp của Do-thái Giáo. Đế quốc La-mã thời bấy giờ cho phép dân Do-thái được tự trị một cách có giới hạn. Dân Do-thái có thể lên án chết một người về các sự vi phạm luật pháp của Do-thái Giáo; nhưng bản án phải được sự chấp nhận của chính quyền La-mã.

30 Tôi đã được báo rằng, giữa những người Do-thái có một âm mưu, định ý nghịch lại người. Tôi đã lập tức gửi người đến ngài, truyền cho những kẻ kiện cáo cũng nói trước ngài điều gì chúng nghịch lại người. Kính chào.

Cơ-lốt Li-sia chính thức bàn giao Phao-lô cho Phê-lít. Ông cũng báo cáo rằng, ông đã truyền cho những người Do-thái chống nghịch Phao-lô phải đến Sê-sa-rê để trình bày trước Phê-lít sự cáo buộc của họ về Phao-lô.

Lời chào kết thúc “kính chào” (G4517) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: chúc khỏe mạnh và thịnh vượng.

31 Vậy, thực tế, các quân lính đã theo lệnh truyền cho họ, đem Phao-lô giải đi trong đêm, đến thành An-ti-ba-tri.

32 Hôm sau, họ đã để các kỵ binh đi với người, còn họ đã trở về đồn.

Thành An-ti-ba-tri nằm ở khoảng giữa lộ trình từ Giê-ru-sa-lem đến Sê-sa-rê; cách Giê-ru-sa-lem khoảng 66 km về hướng tây bắc và cách Sê-sa-rê khoảng 66 km về hướng đông nam.

Với khoảng cách 66 km từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ba-tri, đoàn lính giải giao Phao-lô đã phải từ khoảng 8 giờ tối, đi suốt đêm cho tới sáng. Có lẽ, họ đã nghỉ lại một ngày tại An-ti-ba-tri; rồi, 200 lính thường và 200 lính cầm giáo đã quay về đồn ở Giê-ru-sa-lem, đi thêm trọn một ngày đường nữa. Còn 70 kỵ binh thì tiếp tục giải giao Phao-lô về Sê-sa-rê.

33 Các người ấy đã vào đến thành Sê-sa-rê và đưa thư cho thống đốc, cũng giao nộp Phao-lô cho người.

34 Thống đốc đã đọc thư thì hỏi người ở tỉnh nào, và biết rằng, người từ tỉnh Si-li-si.

35 Ông đã nói: Ta sẽ nghe ngươi, khi những kẻ kiện cáo ngươi cũng đến. Kế đó, ông đã truyền cho người bị giữ trong công đường của Hê-rốt.

Các người ấy” tức là đội kỵ binh 70 người. Họ đã hộ tống Phao-lô an toàn đến thành Sê-sa-rê, giao nộp ông cho Thống Đốc Phê-lít cùng với lá thư của vị chỉ huy tiểu đoàn ở Giê-ru-sa-lem.

Động từ “nghe” (G1251) trong câu 35 có nghĩa là nghe một cách đầy đủ và chăm chú để hiểu rõ sự việc. Nói cách khác, Phê-lít đã hứa sẽ xét xử sự việc cách công chính. Cũng chính vì thế mà Phê-lít đã không tra hỏi Phao-lô trước, mà chờ cho bên kiện cáo Phao-lô đến thì mới cùng lúc nghe cả hai bên.

Công đường của Hê-rốt” có lẽ là khu vực Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị dùng để xét xử các vụ án trong phần lãnh thổ đế quốc La-mã giao cho ông cai trị. Khu vực này có các phòng tạm giam tù nhân và cách không xa cung điện của Vua Hê-rốt. Có lẽ Thống Đốc Phê-lít cũng cư trú trong cung điện của Vua Hê-rốt. Vua Hê-rốt là anh vợ của Thống Đốc Phê-lít.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/06/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Jesus! Xin Yêu Con Mãi Không Thôi”
https://karaokethanhca.net/jesus-xin-yeu-con-mai-khong-thoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.