Chú Giải I Cô-rinh-tô 12:12-31 Sự Hiệp Một của Hội Thánh

3,500 views

YouTube: https://youtu.be/vjae3_QgsGA

Chú Giải I Cô-rinh-tô 12:12-31
Sự Hiệp Một của Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 12:12-31

12 Tuy nhiên, như thân là một mà có nhiều chi thể, nhưng hết thảy các chi thể của một thân dù là nhiều, chỉ là một thân; Đấng Christ cũng vậy.

13 Bởi vì chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hy-lạp, hoặc nô lệ, hoặc tự chủ, đều đã trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân; và hết thảy được uống trong một linh.

14 Thân chẳng phải một chi thể, mà là nhiều chi thể.

15 Nếu chân nói: Vì ta chẳng phải là tay, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

16 Và nếu lỗ tai nói: Vì ta chẳng phải là mắt, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

17 Nếu toàn thân đều là mắt thì sự nghe ở đâu? Nếu toàn thân đều là tai thì sự ngửi ở đâu?

18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể, mỗi một chúng trong thân thể, theo Ngài muốn.

19 Nếu hết thảy chúng là một chi thể thì thân ở đâu?

20 Vậy nên, có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân.

21 Mắt không thể nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần ngươi. Đầu cũng chẳng thể nói với bàn chân: Ta chẳng cần ngươi.

22 Trái lại, hơn thế nữa, các chi thể của thân xem là yếu đuối lại là cần thiết.

23 Các chi thể nào của thân mà chúng ta nghĩ là kém tôn trọng, thì chúng ta đặt sự tôn trọng trên chúng càng hơn; các chi thể nào của chúng ta chẳng đẹp, thì có sự trau dồi càng hơn.

24 Vì các chi thể đẹp của chúng ta thì không cần sự trau dồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã liên kết thân của chúng ta, ban sự tôn trọng càng hơn cho chi thể nào thiếu kém,

25 để cho không có sự phân rẽ trong thân, nhưng các chi thể cùng chăm sóc lẫn nhau.

26 Và, nếu một chi thể đau đớn thì hết thảy các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng thì hết thảy các chi thể cùng vui mừng.

27 Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.

28 Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: Thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.

29 Có phải hết thảy là những sứ đồ? Có phải hết thảy là những tiên tri? Có phải hết thảy là những người dạy? Có phải hết thảy là những người làm phép lạ?

30 Có phải hết thảy có ân tứ chữa lành các tật bệnh? Có phải hết thảy nói các ngôn ngữ? Có phải hết thảy thông giải các ngôn ngữ?

31 Hãy khao khát các ân tứ có ích hơn hết! Bây giờ, tôi sẽ chỉ cho các anh chị em con đường tuyệt vời.

Thánh Kinh dùng hình ảnh một thân có nhiều chi thể để nói đến sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh. Dù thân có nhiều chi thể khác nhau nhưng tất cả đều hiệp thành một thân, chịu sự điều khiển của đầu. Thánh Kinh gọi Hội Thánh là thân của Đấng Christ và Đấng Christ là đầu của Hội Thánh (Ê-phê-sô 5:23; Cô-lô-se 1:18).

Chúng ta đã học về sự bình đẳng của mọi người trong Hội Thánh khi chúng ta học các thư Ga-la-ti và Cô-lô-se:

“Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:28).

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Người Do-thái thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên, dân tộc được Đức Chúa Trời chọn để qua đó Ngài kết giao ước với loài người, ban Thánh Kinh cho loài người, và ban Đấng Cứu Rỗi cho loài người.

Người Hy-lạp tiêu biểu cho tất cả các dân tộc khác, gồm có 69 dân tộc. Sáng Thế Ký đoạn 10 cho chúng ta một danh sách gồm 70 dân tộc ra từ ba con trai của Nô-ê. Dân tộc I-sơ-ra-ên ra từ người con thứ ba của Nô-ê là Sem, và thuộc chi tộc A-bác-sát (Sáng Thế Ký 11:10-26). Tất cả các dân tộc khác nhờ dân I-sơ-ra-ên mà được biết về Thiên Chúa qua Thánh Kinh và nhận được sự cứu rỗi của Thiên Chúa (Giăng 4:22).

Người chịu cắt bì là người I-sơ-ra-ên hoặc người thuộc các dân khác nhưng gia nhập dân I-sơ-ra-ên (Sáng Thế Ký 17:12-13; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:44, 48), vâng theo luật pháp của Cựu Ước, nhưng giờ đây, tin nhận Đức Chúa Jesus Christ. Ý nghĩa của nhóm chữ “người chịu cắt bì” được dùng trong Thánh Kinh không bao gồm những người chịu cắt bì chỉ vì lý do sức khỏe, như phần lớn người dân Mỹ ngày nay; cũng không bao gồm những người chịu cắt bì theo nghi thức của Hồi Giáo.

Người không chịu cắt bì là bất cứ ai chưa chịu cắt bì theo luật pháp của Cựu Ước, nhưng tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

Người dã man là người thuộc các dân tộc kém văn minh.

Người Sy-the là người thuộc dân tộc hung bạo và thô lỗ nhất vào thời của đế quốc La-mã.

Người nô lệ là những người bị bắt làm phu tù trong chiến tranh và bị đem bán làm nô lệ; hoặc những người vì nghèo, tự bán thân làm nô lệ.

Người tự do là người hoàn toàn có quyền tự chủ về thân thể và đời sống của mình.

Dù trong xã hội và đối với người của thế gian có sự không bình đẳng giữa người này với người kia, nhưng trong Hội Thánh của Chúa, tất cả đều bình đẳng với nhau một cách tuyệt đối. Bình đẳng có nghĩa là được đối xử ngang nhau, được xem là có giá trị ngang nhau. Trong Hội Thánh của Chúa mỗi người đều là một tội nhân, bị hư mất đời đời như nhau, vì phạm luật pháp của Đức Chúa Trời; nhưng bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời và bởi lòng ăn năn tội của mỗi người, mà mỗi người được hưởng ơn cứu chuộc của Đấng Christ, được dựng thành một người mới như nhau, và được Đấng Thần Linh ban cho các ân tứ để gây dựng Hội Thánh của Chúa. I Cô-rinh-tô 12:12-31 là phân đoạn Thánh Kinh nhấn mạnh ý nghĩa sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh.

12 Tuy nhiên, như thân là một mà có nhiều chi thể, nhưng hết thảy các chi thể của một thân dù là nhiều, chỉ là một thân; Đấng Christ cũng vậy.

Đức Thánh Linh, qua Phao-lô mượn hình ảnh hiệp một của thân thể xác thịt loài người, dạy cho con dân Chúa về sự hiệp một của Hội Thánh. Hội Thánh của Chúa không phải là các tổ chức tôn giáo do loài người lập ra với hàng chục ngàn giáo hội, giáo phái khác nhau, không liên kết với nhau.

Chính tinh thần giáo hội, giáo phái ngày nay đã phá tan đi sự hiệp một trong Hội Thánh Chúa. Người nào có tinh thần giáo hội, giáo phái, người đó tự tách mình ra khỏi Hội Thánh của Chúa. Giáo hội, giáo phái không bao giờ là Hội Thánh của Chúa và Chúa cũng không bao giờ lập nên một giáo hội nào hay một giáo phái nào. Ngài chỉ lập nên Hội Thánh. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 1:10-13 và 3:3-5 đã lên án về sự chia bè, lập phái trong Hội Thánh. Xin quý ông bà anh chị em đọc thêm bài “Giáo Hội và Giáo Phái” trên khu mạng timhieutinlanh.com [1].

Phần lớn những nội quy, điều lệ, tín lý… của một giáo hội hay giáo phái đều chỉ là luật lệ do loài người lập ra, không có trong Thánh Kinh. Nếu có điều gì trong Thánh Kinh thì đó là của Hội Thánh chứ không phải của một giáo hội hay giáo phái nào. Thí dụ: Chúng ta thường nghe nói, “tín lý của Giáo Hội Báp-tít.” Xin hỏi, tín lý đó có đến từ Thánh Kinh không? Nếu nó đến từ Thánh Kinh thì nó là tín lý chung cho Hội Thánh Chúa chứ không thuộc riêng một nhóm người nào. Nếu nó không đến từ Thánh Kinh thì nó là tà giáo!

Tên gọi của Hội Thánh là “Hội Thánh”. Thánh Kinh gọi: Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, v.v.. Thánh Kinh không bao giờ gọi Hội Thánh bằng những cái tên như: Hội Thánh Báp-tít, Hội Thánh Ân Điển, Hội Thánh Lời Đức Chúa Trời, Hội Thánh Cộng Đồng, v.v.. Xin quý ông bà anh chị em đọc thêm bài “Hội Thánh: 01 Tên Gọi, Ý Nghĩa, và Đặc Tính” trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [2].

Mệnh đề “Đấng Christ cũng vậy” ở cuối câu đã đồng hóa Đấng Christ với những người tin nhận Ngài, xem Ngài và họ là một, như thân thể trọn vẹn của một người. Sự hiệp một của Đấng Christ và Hội Thánh là một sự mầu nhiệm mà hiện nay ngôn ngữ loài người không thể diễn tả. Chỉ những con dân chân thật của Chúa mới cảm nhận được sự hiệp một này, vì họ được ở trong sự hiệp một với Đấng Christ.

Bởi sự được hiệp một với Đấng Christ mà chúng ta tin rằng, những khi Đấng Christ không chữa lành một tật bệnh thể xác nào đó của chúng ta, hoặc không giải cứu chúng ta ra khỏi nghịch cảnh thì Ngài cũng đồng cảm sự đau đớn của chúng ta. Ngài chắc chắn thêm sức cho chúng ta để chúng ta có thể chịu khổ vì danh Ngài (II Cô-rinh-tô 12:7-10). Việc còn lại là chúng ta xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu được lý do và ý nghĩa của sự chịu khổ. Trong lịch sử của Hội Thánh, hàng triệu con dân Chúa đã bị tù đày, bị tra tấn, và bị giết vì giữ vững đức tin nơi Chúa. Gần với chúng ta, có những con dân Chúa bị tù đến 20 năm và chết trong tù trong các quốc gia cộng sản độc tài như Trung Quốc và Bắc Hàn.

Con dân Chúa nên thường xuyên suy ngẫm về sự mình được hiệp một với Đấng Christ và các anh chị em cùng đức tin.

13 Bởi vì chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hy-lạp, hoặc nô lệ, hoặc tự chủ, đều đã trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân; và hết thảy được uống trong một linh.

Đại danh từ “chúng ta” được dùng để chỉ những người thuộc về Hội Thánh. Chữ “linh” trong câu này chỉ về linh của Thiên Chúa, tức thánh linh, tức năng lực và sự sống từ Thiên Chúa. Những người thuộc về Hội Thánh dù thuộc dân tộc nào, dù ở trong địa vị hay giai cấp nào trong xã hội, cũng đều được báp-tem, tức được nhúng chìm, vào trong một thân là Đấng Christ bởi cùng một năng lực và sự sống của Thiên Chúa. Đức Chúa Trời nhìn thấy trong mỗi người tấm lòng chân thành ăn năn tội và đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ nên Ngài tiếp nhận mỗi người. Đấng Thần Linh làm công việc tháp nhập mỗi người vào trong Đấng Christ. Đấng Christ nhận họ là các chi thể của Ngài.

Mỗi một người trong Hội Thánh đều được uống trong một linh có nghĩa là được nhận lãnh năng lực và sự sống của Thiên Chúa cho đến vĩnh cửu:

“Nhưng ai uống nước mà Ta sẽ ban cho người ấy thì sẽ chẳng khát nữa. Trái lại, nước mà Ta sẽ ban cho người ấy sẽ thành một nguồn nước trong người ấy, tuôn trào vào trong sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 4:14).

Động từ “uống” nhấn mạnh đến sự được thỏa mãn những khao khát thuộc linh, những khao khát về sự yêu thương, sự thánh khiết, và sự công chính. Trên hết là sự khao khát được thực hữu mãi mãi trong Thiên Chúa.

14 Thân chẳng phải một chi thể, mà là nhiều chi thể.

15 Nếu chân nói: Vì ta chẳng phải là tay, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

16 Và nếu lỗ tai nói: Vì ta chẳng phải là mắt, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

Thân của một người bao gồm nhiều chi thể chứ không phải chỉ là một chi thể. Cho dù có chi thể nào trong thân vì bất cứ một lý do gì phủ nhận mình thuộc về thân, thì cũng không làm thay đổi thực tế là chi thể đó thuộc về thân.

Có thể có ai đó trong Hội Thánh tự nghĩ rằng, mình thấp kém về phương diện nào đó nên không xứng đáng thuộc về Hội Thánh. Sự suy nghĩ như vậy là sai lầm cách nghiêm trọng. Lý do một người được tháp nhập vào trong Hội Thánh là vì Đức Chúa Trời đã kêu gọi người ấy và khi người ấy đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời thì Ngài chọn người ấy. Mỗi một người được tháp nhập vào trong Hội Thánh không phải vì họ xứng đáng mà là bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời. Mỗi một người trong Hội Thánh là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời miễn là họ gớm ghét tội lỗi và xa lánh tội lỗi (II Cô-rinh-tô 6:17-18). Điều kiện duy nhất để được thuộc về Hội Thánh là: Thật lòng ăn năn tội. Hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Và hết lòng sống theo Lời Chúa. Ngoài ra, không còn một điều kiện nào khác. Những khác biệt về mọi phương diện trong xã hội, như: chủng tộc, phái tính, tuổi tác, học thức, địa vị, giai cấp… đều là vô nghĩa trong Hội Thánh.

17 Nếu toàn thân đều là mắt thì sự nghe ở đâu? Nếu toàn thân đều là tai thì sự ngửi ở đâu?

18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể, mỗi một chúng trong thân thể, theo Ngài muốn.

19 Nếu hết thảy chúng là một chi thể thì thân ở đâu?

20 Vậy nên, có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân.

Tương tự như trong một thân thể, mỗi chi thể có một chức năng riêng biệt, giúp cho sự sinh hoạt của thân thể, trong Hội Thánh mỗi con dân Chúa cũng được Chúa ban cho một chức năng riêng biệt để giúp cho sự sinh hoạt của Hội Thánh. Mỗi chi thể đều vì sự ích lợi chung của toàn thân như thế nào thì mỗi người trong Hội Thánh cũng vì sự ích lợi chung của toàn Hội Thánh như thế ấy.

“Nhưng bây giờ” là cách nói vắn tắt của ý: “nhưng như chúng ta thấy trong lúc này”. Trong hiện tại, khi chúng ta nhìn vào sự kết hiệp chặt chẽ và nhịp nhàng của các chi thể trong cùng một thân hay của mỗi người trong Hội Thánh thì chúng ta phải hiểu rằng, đó là do sự Đức Chúa Trời đã sắp đặt theo ý muốn của Ngài.

Thân phải có nhiều chi thể với các chức năng khác nhau thì mới hoàn thành mục đích mà Đức Chúa Trời đã định cho mỗi người. Hội Thánh cũng phải có nhiều người với các chức năng khác nhau thì mới hoàn thành mục đích mà Đức Chúa Trời đã định cho Hội Thánh. Dù có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân. Dù có nhiều người nhưng chỉ có một Hội Thánh.

21 Mắt không thể nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần ngươi. Đầu cũng chẳng thể nói với bàn chân: Ta chẳng cần ngươi.

Mỗi chi thể trong một thân đều cần đến nhau. Mỗi người trong Hội Thánh cũng cần đến nhau. Sự mỗi người được tháp nhập vào Hội Thánh là ý muốn và sự định trước của Đức Chúa Trời. Khi đã thuộc về Hội Thánh thì mỗi người đều có sự liên kết với nhau bởi linh của Thiên Chúa, trở thành các chi thể của Đức Chúa Jesus Christ. Qua các chi thể của Ngài, là mỗi người trong Hội Thánh, mà Đức Chúa Jesus Christ làm trọn những gì Ngài muốn làm trong thế gian. Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh và Ngài cần mỗi một người trong Hội Thánh để hoàn thành mục đích của Ngài trong thế gian.

22 Trái lại, hơn thế nữa, các chi thể của thân xem là yếu đuối lại là cần thiết.

Có lẽ, trong thân thể của chúng ta, đôi mắt được xem là yếu đuối, dễ bị tổn thương. Nhưng chúng ta đều biết sự quan trọng của đôi mắt đối với toàn thân. Trong Hội Thánh, các cháu thiếu nhi cũng chính là các chi thể yếu đuối, dễ bị tổn thương. Nhưng các cháu lại là tương lai của Hội Thánh.

23 Các chi thể nào của thân mà chúng ta nghĩ là kém tôn trọng, thì chúng ta đặt sự tôn trọng trên chúng càng hơn; các chi thể nào của chúng ta chẳng đẹp, thì có sự trau dồi càng hơn.

24 Vì các chi thể đẹp của chúng ta thì không cần sự trau dồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã liên kết thân của chúng ta, ban sự tôn trọng càng hơn cho chi thể nào thiếu kém,

25 để cho không có sự phân rẽ trong thân, nhưng các chi thể cùng chăm sóc lẫn nhau.

Trong sự thông sáng và toàn năng của Đức Chúa Trời, Ngài đã liên kết các chi thể trong thân của chúng ta một cách tuyệt vời và Ngài cũng đã liên kết mọi người trong Hội Thánh một cách tuyệt vời.

Trong thực tế, không một chi thể nào trong thân mà kém tôn trọng. Chẳng qua là do chúng ta có quan niệm không đúng, khi xem chi thể này kém tôn trọng hơn chi thể kia. Quan điểm sai lầm đó cần phải được sửa chữa. Chúng ta cần tôn trọng mỗi một chi thể trong thân thể của chúng ta ngang nhau. Mỗi một chi thể trong thân thể của chúng ta đều là một phần của Đền Thờ Thiên Chúa. Nếu vì một lý do gì, có chi thể nào trong chúng ta bị khuyết tật hay yếu đuối vì bệnh, thì chúng ta cần chăm sóc chi thể ấy hơn.

Trong Hội Thánh cũng vậy, nếu thật sự là con dân của Chúa thì không một người nào kém phần tôn trọng hơn người khác. Lời Chúa dạy chúng ta luôn xem người khác là tôn trọng hơn mình (Phi-líp 2:3). Ai cũng xem người khác là tôn trọng hơn mình thì mọi người trong Hội Thánh được tôn trọng ngang nhau. Nếu vì một lý do gì, có người bị vấp ngã, phạm lỗi thì cả Hội Thánh cùng khuyên bảo, nâng đỡ, khích lệ người ấy.

Động từ “thiếu kém” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ hành động đến trễ, hoặc về sau trong một cuộc đua, hoặc không đạt tiêu chuẩn, hoặc thiếu năng lực. Nghĩa bóng được dùng trong câu 24 là nếu một chi thể nào trong thân thể xác thịt của chúng ta trở nên thiếu kém vì bất cứ lý do gì thì Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho toàn thân dồn sự chăm sóc cho chi thể đó, khiến nó được phục hồi. Tương tự như vậy, nếu trong Hội Thánh có người nào trở nên thiếu kém vì bất cứ lý do gì, không làm tròn phận sự Chúa giao phó cho người ấy, thì Đức Chúa Trời cũng đã sắp đặt cho toàn Hội Thánh quan tâm, chăm sóc người ấy, giúp người ấy được sớm phục hồi.

26 Và, nếu một chi thể đau đớn thì hết thảy các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng thì hết thảy các chi thể cùng vui mừng.

Chúng ta biết, dù là một ngọn gai đâm vào chân hay một dằm xóc ghim vào đầu ngón tay thì toàn thân thể đều cảm nhận sự đau đớn đó. Chúng ta cũng biết, nếu có ai đó khen về mái tóc, hoặc đôi mắt, hoặc miệng cười của chúng ta thì toàn thân đều hưởng niềm vui của sự được khen ngợi. Cả hai trường hợp đều nói lên sự hiệp một của các chi thể cùng một thân.

Những ai không hề chạnh lòng trước những đau khổ, thiếu thốn, hoặc sự bách hại đang giáng xuống trên anh chị em cùng Cha của mình thì đó là những người không thuộc về Hội Thánh. Vì nếu họ thuộc về Hội Thánh, họ phải đồng cảm và tích cực góp phần tiếp trợ, cứu giúp, chăm sóc, an ủi, khích lệ phần chi thể bị tổn thương. Những ai có lòng ganh tị khi thấy anh chị em trong Đấng Christ được đầy ơn, được tôn trọng, thì những người đó cũng không thuộc về Hội Thánh. Vì lẽ tự nhiên là bất cứ một ai trong Hội Thánh được khen ngợi thì cả Hội Thánh đều vui mừng.

27 Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.

Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, mỗi người trong Hội Thánh là chi thể của từng Hội Thánh địa phương, mỗi Hội Thánh địa phương là một chi thể chính của thân. Chúng ta có thể hiểu, mỗi ngón tay là chi thể của phần bàn tay, mỗi bàn tay thuộc về phần cánh tay, và mỗi cánh tay là một chi thể chính của toàn thân.

28 Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: Thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.

Các chức vụ trong Hội Thánh là do Đức Chúa Trời thiết lập. Sự giao phó các chức vụ cho một số người trong Hội Thánh là việc làm của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:11). Một người có thể cùng lúc được Chúa giao cho các chức vụ khác nhau. Đức Thánh Linh ban năng lực và thẩm quyền cho những người thi hành chức vụ.

Các chức vụ trong Hội Thánh có thể được chia thành bảy phương diện như sau:

  • Phương diện giảng dạy, bao gồm các chức vụ: sứ đồ, tiên tri, người giảng Tin Lành, người dạy Thánh Kinh.
  • Phương diện làm phép lạ.
  • Phương diện chữa bệnh.
  • Phương diện cứu giúp.
  • Phương diện cai trị, bao gồm các chức vụ: sứ đồ, giám mục, trưởng lão, người chăn bầy.
  • Phương diện nói ngoại ngữ và thông dịch ngoại ngữ.
  • Phương diện điều hành các sinh hoạt thuộc thể của Hội Thánh: chức vụ chấp sự.

Các ân tứ của Thiên Chúa là do Đấng Thần Linh ban cho mỗi người trong Hội Thánh, tùy theo ý muốn của Ngài. Một người có thể cùng lúc được nhiều ân tứ khác nhau và không ai không được ban cho ân tứ.

Chức vụ sứ đồ là chức vụ đi khắp nơi, rao giảng Tin Lành cho muôn dân, thành lập các Hội Thánh địa phương [3].

Chức vụ tiên tri là chức vụ rao truyền ý muốn của Đức Chúa Trời cho người khác. Tiên tri của Chúa rao giảng cho người chưa biết Chúa để họ biết Ngài và tin nhận Ngài; rao giảng cho con dân Chúa để họ nhớ, hiểu và sống theo Lời Chúa, được vui mừng và được an ủi bởi Lời Chúa. Trong sự rao giảng bao gồm sự công bố những điều Chúa sẽ làm trong tương lai, mà phần lớn đã được ghi chép trong sách Khải Huyền. Hiện nay, tiên tri của Chúa nhấn mạnh đến sự Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và sự Chúa sẽ phán xét toàn thế gian trong Kỳ Đại Nạn. Tiên tri của Chúa cũng cáo trách con dân Chúa về sự phạm tội và kêu gọi con dân Chúa ăn năn tội [4].

Chức vụ dạy, tức là chức vụ dạy Lời Chúa, còn gọi là dạy Đạo. Công việc dạy Lời Chúa cho người chưa biết Chúa được gọi là giảng Tin Lành, hoặc truyền giáo. Người dạy Lời Chúa cũng phụ giúp những người chăn trong việc dạy Lời Chúa cho con dân Chúa trong Hội Thánh [5].

Chức vụ làm phép lạ là chức vụ làm ra những việc siêu nhiên, vượt ngoài các định luật vật lý, như bao nhiêu phép lạ đã được con dân Chúa làm ra và được ghi lại trong Thánh Kinh. Khi cần Chúa vẫn ban ân tứ làm phép lạ cho con dân Chúa trong Hội Thánh [6].

Chức vụ chữa lành các tật bệnh là chức vụ nhân danh Chúa truyền cho người có tật bệnh được lành ngay lập tức. Chức vụ chữa lành các tật bệnh hoàn toàn khác với sự con dân Chúa cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho nhau hoặc cho bản thân [6].

Chức vụ cứu giúp là chức vụ dùng tài sản, địa vị, quyền thế trong xã hội để cứu giúp những người đang gặp khó khăn, có những nhu cầu chính đáng trong đời sống [6].

Chức vụ cai quản là chức vụ cai trị Hội Thánh, được giao cho các trưởng lão trong Hội Thánh. Đứng đầu là chức vụ giám mục [7].

Chức vụ nói các nhánh ngôn ngữ là chức vụ nói ra những điều cao trọng của Đức Chúa Trời trong các ngôn ngữ của loài người với sự thông giải của người nói hoặc của ai khác trong Hội Thánh [6].

29 Có phải hết thảy là những sứ đồ? Có phải hết thảy là những tiên tri? Có phải hết thảy là những người dạy? Có phải hết thảy là những người làm phép lạ?

30 Có phải hết thảy có ân tứ chữa lành các tật bệnh? Có phải hết thảy nói các ngôn ngữ? Có phải hết thảy thông giải các ngôn ngữ?

Như các chi thể trong cùng một thân có các chức năng và việc làm khác nhau trong sinh hoạt của thân thì mỗi người trong Hội Thánh cũng có chức năng và việc làm khác nhau trong sinh hoạt của Hội Thánh. Mỗi một chức vụ trong Hội Thánh, mỗi một ân tứ được ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh đều hoàn toàn theo ý muốn của Thiên Chúa để gây dựng và phát triển Hội Thánh. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người này đáng tôn trọng hơn người kia hoặc chức vụ này đáng tôn trọng hơn chức vụ kia.

Riêng về thẩm quyền cai trị Chúa ban cho các trưởng lão thì mỗi người trong Hội Thánh đều phải vâng phục. Chúng ta cần hiểu rõ, trước mặt Chúa, các trưởng lão bình đẳng với mỗi người trong Hội Thánh, nhưng quyền cai trị Hội Thánh đã được Chúa giao vào trong tay của các trưởng lão. Vì thế, con dân Chúa phải vâng phục các trưởng lão trong mọi sự. Chống nghịch quyền của các trưởng lão là chống nghịch Chúa (Rô-ma 13:1-2).

31 Hãy khao khát các ân tứ có ích hơn hết! Bây giờ, tôi sẽ chỉ cho các anh chị em con đường tuyệt vời.

Trong các ân tứ, có ân tứ chỉ giúp ích cho người nhận được ân tứ, như ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ, trừ khi có người thông giải cho cả Hội Thánh cùng hiểu. Ân tứ có ích hơn hết chính là ân tứ nói tiên tri, như đã được xác định trong I Cô-rinh-tô 14:1.

Lời Chúa không dạy chúng ta cầu xin cho được một ân tứ nào mà chỉ dạy chúng ta khao khát. Khi chúng ta có lòng khao khát lớn đẹp ý Chúa thì Ngài sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta khao khát:

“Vì Ngài làm cho thỏa mãn linh hồn khao khát, khiến cho linh hồn đói được đầy dẫy vật tốt.” (Thi Thiên 107:9).

Sự cầu xin cho được “nói tiếng lạ” trong các Giáo Hội Ân Tứ, Ngũ Tuần là hoàn toàn nghịch lại Lời Chúa; và trong Chúa cũng không có cái gọi là “ân tứ nói tiếng lạ”, nhưng chỉ có ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ mà thôi.

Phần thứ nhì trong câu 31 là lời giới thiệu về sự ban cho lớn hơn hết từ Thiên Chúa cho con dân của Ngài, đó là tình yêu, như được giãi bày trong I Cô-rinh-tô 13.

“Con đường” có nghĩa bóng là đời sống. Đời sống tuyệt vời là đời sống được yêu bởi Thiên Chúa và biết yêu bằng chính tình yêu của Thiên Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/05/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-giao-hoi-va-giao-phai/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-01-ten-goi-y-nghia-va-dac-tinh/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-03-cac-chuc-vu-chuc-vu-su-do/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-04-chuc-vu-tien-tri/

[5] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-05-chuc-vu-day-dao/

[6] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-08-chuc-vu-chap-su-va-cac-chuc-vu-khac/

[7] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-07-chuc-vu-truong-lao/

Karaoke Thánh Ca: “Cùng Hiệp Nhau”
https://karaokethanhca.net/cung-hiep-nhau/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu