Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL039 Bài Giảng Trên Núi: Sự Lo Lắng

336 views

YouTube: https://youtu.be/SkOcDjuLW6w

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL039 Bài Giảng Trên Núi: Sự Lo Lắng
Ma-thi-ơ 6:24-34

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 6:24-34

24 Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì hoặc là sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc là sẽ bám theo người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể phụng sự Thiên Chúa cùng Ma-môn. [Ma-môn có nghĩa là tiền bạc, chỉ về sự giàu có; nghĩa bóng là Thần Tài.]

25 Bởi vậy, Ta phán với các ngươi: Đừng lo lắng về sự sống của các ngươi: các ngươi sẽ ăn gì, các ngươi sẽ uống gì, các ngươi sẽ mặc gì cho thân thể các ngươi. Không phải sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn quần áo sao?

26 Các ngươi hãy nhìn vào những chim trời! Vì chúng chẳng gieo, cũng chẳng gặt, cũng chẳng thu trữ vào các nhà kho; nhưng Cha trên trời của các ngươi nuôi chúng. Các ngươi chẳng đáng giá nhiều hơn chúng sao?

27 Ai trong các ngươi lo lắng mà có khả năng thêm lên một cu-bít vào tuổi đời mình? [Một cu-bít = 18 inches hoặc 45,72 cm.]

28 Và sao các ngươi lo lắng về quần áo? Các ngươi hãy học những hoa huệ của đồng ruộng. Chúng mọc lên thế nào; chúng chẳng lao động, cũng không kéo chỉ.

29 Nhưng Ta phán với các ngươi rằng, ngay cả Sa-lô-môn trong mọi sự vinh quang của mình, cũng không mặc giống như một trong chúng nó.

30 Nếu loài cỏ của đồng ruộng nay còn, mai bị bỏ vào lò mà Đức Chúa Trời mặc cho như vậy thì Ngài mặc cho các ngươi không nhiều hơn sao? Hỡi những kẻ ít đức tin!

31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc: Chúng ta sẽ uống gì? Hoặc: Chúng ta sẽ mặc gì?

32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha trên trời của các ngươi biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.

33 Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.

34 Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo những việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.

Trong bài này, chúng ta học về đề tài thứ mười hai của Bài Giảng Trên Núi: Sự Lo Lắng.

Cuộc sống trong thế gian này tạo cho loài người có nhiều sự lo lắng. Nhưng sự lo lắng căn bản nhất là lo lắng về thức ăn và thức mặc. Vì loài người cần ăn no, mặc ấm, trước khi có thể làm bất cứ điều gì khác. Dĩ nhiên, có một số người được sinh ra và lớn lên trong sự giàu có, cuộc đời của họ không cần phải lo lắng về sự ăn no, mặc ấm mà họ chỉ bận tâm đến việc ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng hầu hết mọi người phải lo làm lụng, kiếm sống mỗi ngày. Thức ăn, thức mặc, chỗ ở là nhu cầu thiết thực mỗi ngày trong cuộc sống của nhiều người.

Lời dạy của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 6:24-34 nhấn mạnh đến hai điều quan trọng mà con dân Chúa cần phải ghi nhớ: Thứ nhất, con dân Chúa chỉ thờ phượng Thiên Chúa và phụng sự Ngài. Con dân Chúa không thể cùng lúc vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa thờ phượng tiền bạc. Con dân Chúa trông cậy nơi Thiên Chúa cho mọi nhu cầu của mình chứ không trông cậy vào tiền bạc. Thứ nhì, con dân Chúa không cần lo lắng về các nhu cầu vật chất của mình. Vì Đức Chúa Trời biết rõ mọi nhu cầu của họ và Ngài là Đấng sẽ chu toàn cho họ, miễn là họ hết lòng trông cậy Ngài, tìm kiếm vương quốc của Ngài và sự công chính của Ngài.

24 Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì hoặc là sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc là sẽ bám theo người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể phụng sự Thiên Chúa cùng Ma-môn. [Ma-môn có nghĩa là tiền bạc, chỉ về sự giàu có; nghĩa bóng là Thần Tài.]

Một người không thể cùng lúc làm nô lệ cho hai người chủ. Vì bổn phận của một nô lệ là tuyệt đối trung thành với chủ của mình. Thực tế, không có chuyện một người cùng lúc làm nô lệ cho hai chủ. Vì thế, không ai có thể nói rằng, người ấy vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự Thần Tài hay bất cứ một tà thần nào khác.

Danh từ “Ma-môn” (G3126) là một từ ngữ trong tiếng A-si-ri nhưng được các dân tộc Trung Đông tiếp nhận và sử dụng. Nghĩa đen chỉ về tiền bạc, hoặc sự giàu có. Nghĩa bóng chỉ về Thần Tài. Từ ngữ này được dùng bốn lần trong Tân Ước. Trong Lu-ca 16:9, 11 thì được dùng với nghĩa đen là tiền bạc. Trong Ma-thi-ơ 6:24 và Lu-ca 16:13 thì được dùng với nghĩa bóng là Thần Tài.

Tiền bạc là phương tiện cung ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống, như Lời Chúa đã khẳng định:

Người ta bày tiệc để vui chơi; rượu khiến cho đời vui; có tiền bạc thì ứng cho mọi sự.” (Truyền Đạo 10:19).

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có tiền mua tiên cũng được”. Chính vì thế mà loài người trông cậy nơi tiền bạc, trở thành say mê tiền bạc, dành phần lớn thời gian trong cuộc sống để tìm kiếm tiền bạc. Nhiều người có thể vì tiền bạc mà làm ra những tội lỗi khủng khiếp. Có lẽ ai nấy trong chúng ta cũng đều quen thuộc với sự thờ lạy Thần Tài của người Trung Quốc và người Việt Nam. Nhưng các dân tộc khác cũng thờ lạy các Thần Tài của họ.

Tôi nhớ cách nay gần 20 năm, khi tôi còn sinh hoạt trong giáo hội Báp-tít, tôi có dự một đại hội bồi linh của người Tin Lành Đại Hàn tại Mỹ. Trong một buổi nhóm, có một diễn giả giảng về Ma-thi-ơ 6:24 với đại ý như sau:

Ngày xưa, khi chúng ta chưa biết Chúa thì chúng ta thờ tiền bạc tức là Ma-môn. Tiền bạc chiếm lấy địa vị số một trong đời sống của chúng ta. Ngày nay, chúng ta biết Chúa rồi thì chúng ta thay đổi chủ của vị trí ấy. Nghĩa là chúng ta đem Đức Chúa Trời vào, thay thế chỗ của tiền bạc trong đời sống của chúng ta. Ngày xưa, chúng ta đối với tiền bạc như thế nào thì ngày nay, chúng ta đem tâm tình đó ra mà đối với Chúa. Ngày xưa, chúng ta khao khát tiền bạc, say mê tiền bạc thì ngày nay, cũng với lòng say mê, khao khát ấy chúng ta dành cho Chúa. Ngày xưa, chúng ta chạy theo tiền bạc, đi tìm tiền bạc thì ngày nay, chúng ta chạy theo Chúa, đi tìm Chúa. Ngày xưa, khi tìm có tiền bạc rồi thì chúng ta tiếp tục tìm cho có hơn nữa, nhiều hơn nữa. Ngày nay, khi gặp Chúa rồi, hiểu biết Chúa rồi thì chúng ta cũng tìm Chúa hơn nữa để có Chúa nhiều hơn nữa. Ngày xưa, chúng ta có được tiền bạc thì chúng ta nắm giữ tiền bạc, thu trữ tiền bạc. Ngày nay, chúng ta có Chúa thì chúng ta cũng nắm giữ Chúa, “thu trữ” Chúa. Ngày xưa, khi chúng ta đã có được tiền bạc thì chúng ta vui hưởng những thú vui và những tiện nghi, thoải mái mà tiền bạc đem đến. Ngày nay, có Chúa rồi thì chúng ta cũng vui hưởng Chúa, vui hưởng tất cả những gì Chúa mang đến cho chúng ta. Nghĩa là ngày xưa, thái độ của chúng ta đối với tiền bạc như thế nào thì ngày nay, chúng ta hãy dùng cùng thái độ đó đối với Chúa. Như vậy tức là chúng ta hầu việc Chúa, làm nô lệ cho Chúa. Sự hầu việc Chúa, làm nô lệ cho Chúa và sự hầu việc tiền bạc, làm nô lệ cho tiền bạc không có gì khác biệt. Cả hai đều giống nhau. Sự khác biệt là đối tượng mà chúng ta hầu việc, và làm nô lệ cho.

Đó là một bài giảng rất độc đáo, chạm vào lòng tôi, giúp tôi hiểu rõ ràng về cách phụng sự Thiên Chúa. Một bài giảng mà tôi sẽ nhớ mãi.

Ngoài tiền bạc, người ta cũng có thể làm nô lệ cho nhiều thứ khác, nhất là nô lệ cho những thú vui trong cuộc sống. Nhưng con dân chân thật của Chúa không thể nào cùng một lúc làm nô lệ cho Chúa và làm nô lệ cho bất cứ sự gì khác.

25 Bởi vậy, Ta phán với các ngươi: Đừng lo lắng về sự sống của các ngươi: các ngươi sẽ ăn gì, các ngươi sẽ uống gì, các ngươi sẽ mặc gì cho thân thể các ngươi. Không phải sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn quần áo sao?

26 Các ngươi hãy nhìn vào những chim trời! Vì chúng chẳng gieo, cũng chẳng gặt, cũng chẳng thu trữ vào các nhà kho; nhưng Cha trên trời của các ngươi nuôi chúng. Các ngươi chẳng đáng giá nhiều hơn chúng sao?

Sự lo lắng khác với sự quan tâm sắp xếp. Sự lo lắng về thức ăn, thức uống, thức mặc, chỗ ở là sự không bình an trong lòng; vì sợ rằng, sẽ bị thiếu hụt các thứ ấy. Con dân Chúa phải lao động kiếm sống và sắp xếp cách thức chi tiêu cho các nhu cầu trong cuộc sống. Nhưng con dân Chúa không cần phải lo lắng về bất cứ nhu cầu nào trong cuộc sống.

Thân thể xác thịt của con dân Chúa là Đền Thờ của Thiên Chúa. Sự sống của con dân Chúa là sự sống đến từ Thiên Chúa. Chính Đức Chúa Trời là Đấng chu cấp mọi nhu cầu cho sự sống và thân thể xác thịt của con dân Chúa. Con dân Chúa chỉ cần siêng năng lao động, kiếm sống với đức tin nơi Thiên Chúa, với lòng tin kính Thiên Chúa, sống theo Lời Chúa thì Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho việc làm của họ và họ sẽ có đủ mọi nhu cầu trong cuộc sống.

Sẽ có những lúc Đức Chúa Trời cho phép khó khăn, hoạn nạn xảy ra để rèn luyện đức tin của con dân Chúa và để con dân Chúa có cơ hội tương trợ lẫn nhau. Con dân Chúa có thể thực sự bị đói, bị khát, bị giam cầm, bị đánh đập, bị sỉ nhục, và ngay cả bị giết. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh đó con dân Chúa cũng không cần lo lắng. Vì có lo lắng cũng không thể tự mình giải quyết được gì. Vì Đức Chúa Trời sẽ không để cho có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức chịu đựng của con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 10:13). Con dân Chúa chỉ cần vững đức tin, dâng trình mọi sự lên Đức Chúa Trời, phó thác mình vào tay toàn năng của Ngài:

Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:6-7).

Đức Chúa Jesus đã dùng sự Đức Chúa Trời chăm sóc cho các loài chim trời để nhấn mạnh đến sự Đức Chúa Trời chăm sóc thức ăn thuộc thể cho con dân Ngài còn hơn thế nữa.

Đáng buồn là trong thực tế, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hiện nay, mỗi ngày có khoảng 25.000 người chết vì đói. Trong số đó có hơn 10.000 người là trẻ con. Toàn thế giới có khoảng 854 triệu người thiếu dinh dưỡng, nghĩa là không có đủ thức ăn bổ dưỡng để nuôi sống thân thể xác thịt [1]. Nguyên nhân của sự chết đói và thiếu dinh dưỡng là vì chính sách tự trị của loài người đầy dẫy những lỗi lầm. Điển hình là, theo thống kê, chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 40% thực phẩm trị giá khoảng 400 tỉ đô-la bị bỏ rác vì quá hạn sử dụng. Trong khi đó, cũng tại Mỹ có 38 triệu người bị đói, bao gồm 12 triệu trẻ con [2].

Không phải Đức Chúa Trời không ban cho loài người có đủ thức ăn nhưng sự tự trị đầy lỗi lầm của loài người đã khiến cho thức ăn không được phân phối đều khắp cho mọi người. Kể cả ngay tại một đất nước nổi tiếng là văn minh, giàu có, và hùng mạnh nhất trong thế gian. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời sẽ sớm chấm dứt sự tự trị của loài người bằng Kỳ Tận Thế, và mở ra Vương Quốc Ngàn Năm trên đất, dưới sự cai trị của chính Đấng Christ.

27 Ai trong các ngươi lo lắng mà có khả năng thêm lên một cu-bít vào tuổi đời mình? [Một cu-bít = 18 inches hoặc 45,72 cm.]

Sự lo lắng về bất cứ điều gì cũng không giúp ích cho người lo lắng mà chỉ làm cho người ấy rối trí càng hơn. Danh từ “tuổi đời” (G2244) có nghĩa đen là tuổi tác, khoảng thời gian của đời sống; có nghĩa bóng là vóc dáng. Không ai vì lo lắng mà kéo dài thêm tuổi thọ hoặc làm cho thân thể được mập, béo, hoặc cao hơn. Trái lại, sự lo lắng chỉ khiến cho một người bị gầy, ốm, và tổn thọ.

28 Và sao các ngươi lo lắng về quần áo? Các ngươi hãy học những hoa huệ của đồng ruộng. Chúng mọc lên thế nào; chúng chẳng lao động, cũng không kéo chỉ.

29 Nhưng Ta phán với các ngươi rằng, ngay cả Sa-lô-môn trong mọi sự vinh quang của mình, cũng không mặc giống như một trong chúng nó.

30 Nếu loài cỏ của đồng ruộng nay còn, mai bị bỏ vào lò mà Đức Chúa Trời mặc cho như vậy thì Ngài mặc cho các ngươi không nhiều hơn sao? Hỡi những kẻ ít đức tin!

Về quần áo dùng để che thân thì có thể nói, số người không có đủ quần áo che thân có lẽ ít hơn nhiều so với số người chết đói. Theo văn mạch của ba câu Thánh Kinh trên đây thì Đức Chúa Jesus có ý nói đến sự lo lắng về mặc đẹp hơn là sự lo lắng có đủ mặc. Nghĩa là, dù người ta có đủ mặc, người ta vẫn lo lắng về việc làm sao để có thể mặc đẹp. Một lần nữa, bằng tỉ dụ, Đức Chúa Jesus dùng sự Đức Chúa Trời ban sự đẹp đẽ cho loài hoa huệ mọc hoang nơi đồng ruộng để nhấn mạnh đến sự Đức Chúa Trời mặc cho con dân của Ngài sự đẹp đẽ.

Loài người tìm kiếm sự che thân đẹp đẽ qua quần áo nhưng Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài sự đẹp đẽ qua quần áo lẫn nhân cách. Con dân chân thật của Chúa vẫn được Ngài ban cho quần áo đẹp nhưng hơn thế nữa, Ngài ban cho họ sự vinh quang của Ngài để nhân cách của họ chiếu sáng tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa trong đời này. Trong đời sau, sự đẹp đẽ ấy là sự vinh quang đầy trọn, sẽ thay thế cho quần áo vật chất trên thân thể được phục sinh hoặc được biến hóa của họ, như trong ngày Thiên Chúa dựng nên loài người. Sự đẹp đẽ ấy sẽ còn lại cho tới đời đời.

Đức Chúa Jesus gọi những người đã tin Chúa mà còn lo lắng cho những sự tạm bợ trong đời này là những kẻ ít đức tin. Họ chỉ có đức tin để tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa nhưng không có đức tin để tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Kẻ ít đức tin là người không có sự sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa, thiếu sự hiểu biết Lời Chúa. Hoặc người ấy có đọc và suy ngẫm Lời Chúa nhưng không cẩn thận làm theo nên không nhận được sự thịnh vượng Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những ai vâng phục Ngài.

31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc: Chúng ta sẽ uống gì? Hoặc: Chúng ta sẽ mặc gì?

32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha trên trời của các ngươi biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.

Một lần nữa, Đức Chúa Jesus nhấn mạnh đến sự con dân Chúa không nên lo lắng cho những nhu cầu căn bản vật chất của đời sống. Người không tin Chúa vẫn lo lắng và tìm kiếm các nhu cầu vật chất mỗi ngày trong đời sống của họ. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng con dân Ngài, Ngài biết trước và đã sắm sẵn mọi nhu cầu của họ. Ngài sẽ ban cho vào đúng thời điểm.

Vua Đa-vít đã nói đến sự Thiên Chúa ban thức ăn cho loài thọ tạo của Ngài đúng giờ:

Mắt của muôn vật ngửa trông Ngài và Ngài ban cho chúng thức ăn của chúng đúng giờ. Ngài xòe tay của Ngài và làm cho thỏa lòng mọi sinh vật.” (Thi Thiên 145:15-16).

Vì thế, con dân Chúa chỉ cần vững tin nơi lời hứa và sự thành tín của Thiên Chúa mà không cần phải lo lắng về bất cứ nhu cầu vật chất nào trong cuộc sống. Nói như thế không có nghĩa là con dân Chúa không siêng năng làm việc kiếm sống. Việc siêng năng làm việc kiếm sống là bổn phận của mỗi người. Ngoại trừ những người đã biệt riêng mình hầu việc Chúa, bận rộn với các linh vụ trong Hội Thánh, không còn thời gian lao động kiếm sống thì họ có thể nhận sự tiếp trợ từ Hội Thánh. Lời Chúa dạy rõ:

Khi chúng tôi ở với các anh chị em, chúng tôi đã truyền cho các anh chị em rằng: Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng không nên ăn. Vì chúng tôi nghe có mấy kẻ sống vô luật pháp giữa vòng các anh chị em, chẳng làm việc gì cả, ngoại trừ những việc vô ích. Với những kẻ như vậy, chúng tôi bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, truyền và khuyên rằng, họ phải im lặng mà làm việc, ăn bánh của chính mình.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12).

Sự làm việc kiếm sống của con dân Chúa không chỉ để nuôi sống bản thân và gia đình mà còn là để có thể giúp cho người thiếu thốn (Ê-phê-sô 4:28), để có thể dâng hiến lên Chúa, chi dùng trong các linh vụ của Hội Thánh.

33 Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.

Việc ưu tiên của con dân Chúa là tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài.

Tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời tức là tìm kiếm sự được tha tội, sự được làm cho sạch tội, sự được tái sinh thành người mới trong Đấng Christ. Chỉ những ai thật lòng ăn năn tội, và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì mới được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Thật lòng ăn năn tội là nhận biết mình đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và không còn muốn vi phạm nữa. Hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ là chỉ tin vào sự chết chuộc tội của Ngài chứ không tin vào các việc làm công đức hay bất cứ sự gì khác.

Tìm kiếm sự công chính của Đức Chúa Trời là tìm kiếm tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết của Ngài, như đã được thể hiện trong Thánh Kinh, để sống theo đó.

Khi một người đã thuộc về Vương Quốc của Đức Chúa Trời, sống công chính theo Lời Ngài thì chính Ngài sẽ ban cho người ấy mọi nhu cầu trong cuộc sống. Người ấy không cần phải lo lắng về bất cứ sự gì trong cuộc đời này.

34 Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo những việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.

Con dân Chúa chỉ cần làm tròn bổn phận của mình mỗi ngày mà không cần phải lo lắng gì cho tương lai. Vì ngày nào có sự khó khăn, lao nhọc trong cuộc sống của ngày ấy. Không ai biết mình sẽ còn sống tới ngày mai hay không. Không ai biết Đấng Christ sẽ đến lúc nào. Vì thế, con dân Chúa chỉ cần làm tròn bổn phận của mình mỗi ngày và phó thác đời sống mình cho sự quan phòng của Đức Chúa Trời.

Nói như vậy không có nghĩa là con dân Chúa không có những chương trình, những kế hoạch theo sự khôn sáng Chúa ban cho, và theo sự thần cảm của Ngài. Không lo lắng không có nghĩa là không sắp xếp, không dự phòng. Lời Chúa dạy con dân Chúa học theo loài kiến:

Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài kiến! Hãy xem xét đường lối của nó mà trở nên khôn sáng! Nó không có đội trưởng, quan viên, hay người cai trị. Nó sắm sửa bánh của mình trong mùa hè, thu trữ thức ăn của mình trong mùa gặt.” (Châm Ngôn 6:6-8).

Khi xưa, Giô-sép đã tích trữ lương thực suốt bảy năm để dân Ê-díp-tô có dư dật thức ăn trong bảy năm đói kém. Câu chuyện về mười người nữ đồng trinh cho thấy, có năm người biết dự phòng dầu thắp đèn nên khi chàng rể đến trễ, họ vẫn có đủ dầu để thắp sáng đèn và đi với chàng rể.

Nhiều người hiểu sai Lời Chúa nên không sắp xếp, không dự phòng cho những ngày hoạn nạn sẽ đến. Họ là những người đọc Lời Chúa mà không suy ngẫm để cẩn thận làm theo.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/07/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.un.org/en/chronicle/article/losing-25000-hunger-every-day

[2] https://www.forbes.com/sites/chloesorvino/2022/07/14/food-waste-costs-us-taxpayers-billions-of-dollars-a-year/?sh=207fffb242ea

Karaoke Thánh Ca: “Hãy Đến Ngay”
https://karaokethanhca.net/hay-den-ngay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.