Chú Giải I Giăng 01:05-10 Được Thông Công với Đức Chúa Trời

6,250 views

906202 Chú Giải I Giăng 1:5-10
Được Thông Công với Đức Chúa Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTQyOF9udGRmTw

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Giăng 1:5-10

5 Này là sứ điệp mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho các anh chị em rằng, Đức Chúa Trời là sự sáng và trong Ngài chẳng có sự tối tăm nào cả.

6 Nếu chúng ta nói mình có sự giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.

7 Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.

8 Nếu như chúng ta nói mình không có tội, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

9 Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.

10 Nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho rằng Ngài nói dối, và Ngôi Lời của Ngài không ở trong chúng ta.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của hai từ ngữ: “giao thông” và “thông công”. Cả hai từ ngữ này đều là tiếng Hán Việt và thường được dùng để dịch chữ “koinōnia”, /coi-nô-ní-a/ [1] trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh.

Giao là kết nối với nhau. Thông là xuyên suốt, không có sự ngăn cách. Công là chung. Như vậy, giao thông là sự kết nối với nhau, không có sự ngăn cách; còn thông công là sự chung nhau hiệp một. Từ ngữ coi-nô-ní-a bao gồm cả hai ý nghĩa giao thông và thông công. Nghĩa là: mỗi đơn vị riêng biệt kết nối với nhau và cùng nhau hiệp một.

Khi chúng ta nói đến mối quan hệ giữa cá nhân mình với Chúa, với các anh chị em khác trong Hội Thánh, thì chúng ta dùng chữ “giao thông”. Còn khi chúng ta nói đến sự Hội Thánh hiệp một hoặc sự quan hệ giữa Hội Thánh với Chúa, thì chúng ta dùng chữ “thông công”.

Người thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì có mối giao thông với từng thân vị của Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh; có mối giao thông với từng anh chị em trong Hội Thánh; có sự thông công với Hội Thánh trong Đức Chúa Jesus Christ; và cùng Hội Thánh có sự thông công với Ba Ngôi Thiên Chúa. Thông công tức là hiệp làm một! Lời của Đức Chúa Jesus Christ được ghi lại trong Giăng 17:21, như sau:

Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong con, và con ở trong Ngài; lại để cho họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng chính Ngài đã sai con đến.

Lời ấy có nghĩa là Hội Thánh thông công với nhau như Đức Cha và Đức Con thông công với nhau, dẫn đến sự kiện Hội Thánh được thông công với Đức Cha và Đức Con. Nếu một người không có sự thông công với Hội Thánh thì cũng không thể nào có sự thông công với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Để có được sự thông công với Hội Thánh của Chúa và với Chúa, thì một người phải có sự giao thông với Chúa. Để có sự giao thông với Chúa thì một người phải tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, để được dựng nên mới.

Sự thông công hiện nay giữa Hội Thánh với Đức Cha và Đức Con là sự thông công trong linh hồn và tâm thần; nhưng sự thông công giữa Hội Thánh với Đức Thánh Linh là sự thông công trong thân thể xác thịt. Thân thể xác thịt mỗi con dân Chúa trở thành nơi ngự của Đức Thánh Linh, trở thành Đền Thờ Thiên Chúa; và năng lực của Đức Thánh Linh, các ân tứ của Đức Thánh Linh tuôn tràn trong thân thể của con dân Chúa, thể hiện qua lời nói, việc làm của con dân Chúa, tác động trên thế giới vật chất. Chính vì con dân Chúa được hiệp một với Đức Thánh Linh trong xác thịt mà người thế gian nhìn thấy được sự vinh quang của Thiên Chúa qua lời nói, việc làm của con dân Chúa!

Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men! [Thư này được viết tại Phi-líp, có thể do Tít và Lu-ca ghi chép.] (II Cô-rinh-tô 13:14).

Trong I Giăng 5-10 chúng ta học biết được dấu hiệu của một người được giao thông với Đức Chúa Trời và được thông công với Ngài.

5 Này là sứ điệp mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho các anh chị em rằng, Đức Chúa Trời là sự sáng và trong Ngài chẳng có sự tối tăm nào cả.

Giăng và các bạn của Giăng đã nghe Đức Chúa Jesus Christ rao giảng về Đức Chúa Trời. Rằng, Đức Chúa Trời là sự sáng và trong Đức Chúa Trời không có sự tối tăm. Chúng ta đã hiểu rằng, sự sáng cùng nghĩa với sự sống, và đương nhiên sự tối tăm cùng nghĩa với sự chết. Giăng 1:4 chép về Ngôi Lời, rằng:

Trong Ngài, hằng có sự sống. Sự sống hằng là sự sáng của loài người.

Như vậy, Đức Chúa Trời là sự sáng, cùng nghĩa với Đức Chúa Trời là sự sống. Điều đó, một lần nữa cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, và Đức Thánh Linh cũng chính là Thiên Chúa, vì Đức Thánh Linh cũng chính là sự sống. Chỉ Thiên Chúa là sự sống!

Ai tin nơi Ta thì những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy, như Thánh Kinh đã nói. (Ngài phán điều này về Đấng Thần Linh mà những ai tin nơi Ngài sẽ nhận lấy, vì bấy giờ chưa có thánh linh được ban cho, bởi Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển.)(Giăng 7:38-39).

Thật là vô lý nếu có ai đó được gọi là Đấng Sự Sống nhưng lại không phải là Thiên Chúa. Vì Đấng được gọi là sự sống phải là Đấng tự có và có mãi, là nguồn sống của muôn loài vạn vật được dựng nên.

6 Nếu chúng ta nói mình có sự giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.

Trong Đức Chúa Trời chỉ có sự sáng, không có một sự tối tăm nào. Trong Đức Chúa Trời chỉ có sự sống, không có một sự chết nào. Trong Đức Chúa Trời chỉ có sự thánh khiết, không có một sự tội lỗi nào. Vì thế, một người được giao thông với Đức Chúa Trời phải là một người đã vượt khỏi sự chết vào trong sự sống, đã được dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công chính và thánh khiết của lẽ thật:

Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống vĩnh cửu và sẽ không đến sự phán xét, nhưng vượt khỏi sự chết vào trong sự sống. (Giăng 5:24).

Chúng ta biết rằng, mình đã vượt khỏi sự chết vào trong sự sống, vì chúng ta yêu các anh chị em cùng Cha của mình. Còn ai chẳng yêu các anh chị em cùng Cha của mình thì ở lại trong sự chết. (I Giăng 3:14).

“…người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.(Ê-phê-sô 4:24).

Vì thế, bất cứ ai xưng nhận rằng mình là con dân Chúa, tôi tớ Chúa, có sự giao thông với Chúa, nhưng vẫn sống trong tội lỗi, thì người ấy là người nói dối, không làm theo Lời Chúa. “Đi trong sự tối tăm” tức là sống trong tội lỗi. “Không làm theo lẽ thật” tức là không làm theo Lời Chúa, không được thánh hóa bởi Lời Chúa, không thờ phượng Chúa theo sự dạy dỗ của Lời Chúa. Ngày nay, có trên hai tỉ người mang danh là Cơ-đốc nhân, nhưng họ chỉ sống và làm theo những sự dạy dỗ của các giáo hội, hoàn toàn nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh. Họ chấp nhận mọi sự lý luận sai trái và mọi sự ngụy biện của loài người hơn là chấp nhận lẽ thật của Lời Chúa đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh.

7 Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.

“Đi trong sự sáng” là sống trong nếp sống mới công chính và thánh sạch, hiệp với mọi sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Đức Chúa Trời là công chính và thánh sạch, vì thế, chúng ta cũng phải công chính và thánh sạch thì mới có thể giao thông với Ngài. Chính Thiên Chúa đã tái sinh chúng ta để chúng ta trở nên công chính và thánh sạch. Nhưng chúng ta có quyền tự do chọn để sống trong sự công chính và thánh sạch hoặc chọn quay lại với nếp sống ô uế, tội lỗi.

Nếu chúng ta chọn sống trong sự công chính và thánh sạch, như Đức Chúa Trời là công chính và thánh sạch, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, bao gồm: Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh [2], thì chúng ta được giao thông lẫn nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ làm sạch mọi tội của chúng ta.

Chúng ta cần lưu ý điểm quan trọng này, câu: “Máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”, không phải chỉ nói về sự kiện máu Chúa rửa sạch mọi tội trong quá khứ của chúng ta vào thời điểm chúng ta ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài; mà còn là tiếp tục rửa sạch mọi tội chúng ta có thể phạm sau khi chúng ta đã được tái sinh. Từ ngữ “làm sạch” được dùng với thì hiện tại. Điều đó có nghĩa là, hễ chúng ta thật lòng sống theo Lời Chúa, thì cho dù có lúc chúng ta phạm tội vì thiếu hiểu biết, vì phản ứng bất ngờ của xác thịt, hay vì sự yếu đuối nhất thời, thì tội của chúng ta vẫn được rửa sạch bởi máu của Đức Chúa Jesus Christ.

Sự yếu đuối nhất thời của xác thịt khác với sự cố tình sống trong tội. Chúng ta có thể vì yếu đuối mà buột miệng nói dối hoặc chối Chúa đến ba lần như Phi-e-rơ; hoặc vì yếu đuối mà tái phạm sự tà dâm… Nhưng chúng ta phải đau thương, thống hối về sự yếu đuối phạm tội của mình, xưng tội với Chúa để được tha tội; và biết tận dụng các vũ khí thuộc linh của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:10-18) để thắng được sự phạm tội trong tương lai. Chúng ta không thể mượn cớ yếu đuối để tiếp tục tái diễn sự phạm tội. Vì nếu chúng ta cứ tiếp tục phạm tội, thì Chúa sẽ mửa chúng ta ra (Khải Huyền 3:16).

Trong câu: “Máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”, chúng ta thấy Sứ Đồ Giăng nhấn mạnh đến chi tiết: Đức Chúa Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời. Là bởi vì trong thân vị Thiên Chúa thì Ngôi Lời không có bản thể thịt và máu, nhưng trong thân vị loài người, thì Ngài có bản thể thịt và máu. Mà bản thể loài người đó là bản thể được sinh ra bởi Đức Chúa Trời. Một bản thể loài người không phạm tội chết thay cho loài người phạm tội.

Chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật quan trọng này: Đức Chúa Jesus Christ phải là loài người thì mới có thể chết thay cho loài người. Nếu Ngài chỉ là Thiên Chúa thì Ngài không thể chết! Nhưng nếu Đức Chúa Jesus Christ chỉ là loài người, không phải là Thiên Chúa, thì Ngài chỉ có thể chết thay cho một người mà thôi. Chính vì Ngài là Thiên Chúa mà Ngài có thể chết thay cho toàn thể loài người. Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Ngôi Lời trở thành người. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ vừa là Thiên Chúa vừa là loài người. Là Thiên Chúa, Ngài tự có và có mãi. Là loài người, Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra.

8 Nếu như chúng ta nói mình không có tội, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

Đại danh từ “chúng ta” được dùng trong suốt thư I Giăng là để chỉ về những người đã được tái sinh. Trước khi được tái sinh, thì mỗi người là một tội nhân, không ai là không có tội. Tuy nhiên, sau khi được tái sinh, chúng ta vẫn còn khả năng phạm tội, và sự thật là chúng ta vẫn từng hồi, từng lúc phạm tội. Nếu có ai cho rằng, sau khi người ấy thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được tái sinh, và kể từ đó không còn phạm tội, thì ấy là người nói dối! Chúng ta có thể phạm tội trong các trường hợp sau đây:

  • Phạm tội vì chúng ta không biết đó là tội. Chúng ta không biết đó là tội vì chúng ta không thường xuyên đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Điển hình là sự con dân Chúa phải tôn thánh ngày Thứ Bảy và cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa, vì đó là điều răn của Đức Chúa Trời; nhưng có biết bao nhiêu người đã không vâng giữ điều răn ấy? Chúng ta không biết đó là tội vì chúng ta không tìm hiểu ý nghĩa của điều mà chúng ta bắt chước người khác làm theo, nhất là những điều được làm trong các giáo hội mang danh Chúa. Điển hình là việc gọi lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh là “Christmas” trong khi “Christmas” có nghĩa là “Sự chết của Đấng Christ”; hoặc việc gọi lễ kỷ niệm Chúa phục sinh bằng tên của nữ tà thần “Easter!” [3], [4], [5], [6].

  • Phạm tội vì phản ứng bất ngờ của xác thịt, vì yếu đuối trong đức tin. Đây là trường hợp thường xảy ra cho những người chưa có đức tin vững vàng trong Chúa, vì mới tin Chúa nên chưa hiểu biết nhiều về Lời Chúa; hoặc những người tin Chúa đã lâu nhưng lười biếng không đọc và suy ngẫm Lời Chúa, nên đức tin không tăng trưởng. Vì thế, khi đối diện với thử thách, bắt bớ thì dễ dàng buột miệng nói dối để tự bảo vệ mình; khi đối diện với cám dỗ thì dễ dàng phạm tội, như trộm cắp, tà dâm.

  • Phạm tội vì thiếu tình yêu thương. Có nhiều người vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và điều răn của Đức Thánh Linh, nhưng lại không thể vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ; bởi vì họ yêu chính mình hơn là yêu Chúa và yêu những người khác. Vì tự ái, tức là tự mình yêu mình, mà nhiều người đã không thể tha thứ cho kẻ thù, không thể tha thứ cho quá khứ tội lỗi của người khác. Họ quên rằng, trên thập tự giá, Chúa của họ đã cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho những kẻ đánh đập, làm nhục, và giết chết Ngài. Họ quên rằng, Chúa của họ đã ngồi ăn cùng phường trộm cắp và đĩ điếm ngay cả trước khi những người ấy ăn năn tội. Họ quên rằng, tất cả mọi tội ghê tởm nhất, gian ác nhất của mọi người, đã được trả giá bởi mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ. Không yêu thương người khác như chính mình là phạm tội. Không tha thứ cho kẻ thù là phạm tội. Không giúp đỡ cho anh chị em trong Chúa là phạm tội. Không yêu thương anh chị em trong Chúa như Chúa đã yêu thương mình là phạm tội. Và, công giá của sự phạm tội là sự chết! Con dân Chúa cần đọc và suy ngẫm Ma-thi-ơ 25:31-46; và học thuộc lòng hai câu Thánh Kinh sau đây:

Tình yêu không giả vờ; gớm ghét sự dữ; gắn bó với sự lành…” (Rô-ma 12:9).

Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu.” (I Giăng 4:8).

Khi chúng ta ý thức mình phạm tội, thì chúng ta phải lập tức xưng tội với Chúa để chúng ta được Ngài tha thứ cho chúng ta và rửa sạch chúng ta. Chúng ta cần phải theo khả năng mà bồi thường cách xứng đáng cho những người đã bị chúng ta làm thiệt hại (Lu-ca 19:8) và trực tiếp nói lời xin lỗi họ. Nếu chúng ta phạm tội không tha thứ hay xem thường người khác, thì chúng ta cũng cần trực tiếp xin lỗi người mà chúng ta đã không tha thứ hay đã xem thường. Nếu không, chúng ta sẽ không nhận được sự tha thứ của Chúa và sự bình an của Ngài sẽ không ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 5:23-24).

Hãy ghi nhớ hai lời sau đây:

“Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm điều ấy cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

“Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh chị em của mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 18:35).

Chúng ta có muốn quá khứ tội lỗi của mình đã được Chúa tha thứ mà anh chị em trong Hội Thánh vẫn cứ nhắc lại và chê trách chúng ta hay không? Nếu không, thì đừng bao giờ nhắc lại sự phạm tội của bất cứ ai khi mà người ấy đã thật lòng ăn năn. Trái lại, chúng ta phải lên tiếng bảo vệ cho anh chị em trong Chúa khi họ bị người khác đem quá khứ của họ ra mà bêu rếu. Chúng ta bênh vực anh chị em của mình là chúng ta bênh vực thân thể của Chúa.

Chúng ta có hết lòng tha thứ cho anh chị em có lỗi với mình hay không? Nếu chúng ta nói rằng mình tha thứ nhưng trong lòng vẫn buồn giận, cay đắng, trách móc, thì chúng ta cũng sẽ không được Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta những tội mà chúng ta phạm đối với Ngài. Đặc biệt là tội chúng ta không vâng lời Ngài để yêu thương, tha thứ cho anh chị em trong Hội Thánh như Ngài đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

9 Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.

I Giăng 1:9 là một lời an ủi và khích lệ chúng ta rất nhiều. Để được tha tội, chúng ta phải nhận rằng mình có tội và xưng những tội của mình ra với Chúa. Sự xưng nhận tội phải là kết quả của lòng ăn năn thống hối. Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín vì Ngài sẽ làm đúng theo lời hứa của Ngài, tha tội cho chúng ta khi chúng ta thật lòng ăn năn tội. Đức Chúa Trời là Đấng Công Chính, vì Ngài không thể không tha tội cho chúng ta khi chúng ta tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Trời làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính, tức là bất cứ điều gì nghịch lại Thánh Kinh, bằng cách khiến cho Đức Chúa Jesus Christ dùng máu rửa sạch chúng ta và khiến cho Đức Thánh Linh dùng mọi lẽ thật của Lời Ngài thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17).

Máu của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch sự phạm tội của chúng ta. Lẽ thật của Lời Chúa ban cho chúng ta khôn ngoan thông sáng nhận biết thế nào là những sự không công chính, để chúng ta tránh khỏi.

10 Nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho rằng Ngài nói dối, và Ngôi Lời của Ngài không ở trong chúng ta.

Thật vậy, ai cho rằng mình chưa bao giờ phạm tội, thì ấy là người nói dối. Ai cho rằng, sau khi tin nhận Chúa thì mình không còn phạm tội, thì ấy cũng là người nói dối. Ngay cả mệnh lệnh: “Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23); thì chúng ta cũng đã thường xuyên vi phạm rồi, vì cớ sự yếu đuối của xác thịt. Vì thế, chúng ta cần mỗi ngày xưng tội và nhận sự tha tội của Chúa, cho đến khi thân thể xác thịt này của chúng ta được phục sinh hoặc được biến hóa thành thân thể vinh quang, không còn yếu đuối, không còn phạm tội.

Nên nhớ, chúng ta không chỗ trách được đang khi còn ở trong thân thể xác thịt sẽ chết này, không phải vì chúng ta không còn phạm tội; mà vì chúng ta không có lòng sống trong tội, không chú về sự phạm tội, và khi lỡ phạm tội, thì biết xưng tội để được tha thứ.

Người cho rằng mình chưa từng phạm tội hoặc cho rằng sau khi tin Chúa thì mình không còn phạm tội sẽ phạm thêm cái tội phạm thượng, vì hàm ý Đức Chúa Trời nói dối! Người nói như vậy là người không có Đức Chúa Jesus Christ, tức Ngôi Lời, ở trong người ấy, và cũng không có Lời của Đức Chúa Trời đã được rao giảng thành văn tự ở trong tâm trí người ấy.

Trong I Giăng 1:10 danh từ Ngôi Lời được dùng với số ít và có mạo từ xác định, nên chúng ta có thể hiểu từ ngữ ấy được dùng để chỉ thân vị của Thiên Chúa Ngôi Hai hoặc để chỉ về sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jesus Christ. Theo văn mạch của toàn đoạn 1, chúng ta có thể áp dụng cả hai ý nghĩa cho danh từ Ngôi Lời trong câu 10.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu được sự huyền nhiệm trong sự chúng ta được giao thông với Đức Chúa Trời, trong sự chúng ta được giao thông với mỗi anh chị em trong Hội Thánh, và trong sự thông công Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ, bởi Đức Thánh Linh.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/12/
2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G2842

[2] Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21; Giăng 15:12; Giăng 13:34; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29; 21:25.

[3] Christmas: Sự thật về Christmas – Tìm Hiểu Tin Lành (timhieutinlanh.com)

[4] Christmas: Sự Thật Hiển Nhiên về Christmas – Tìm Hiểu Tin Lành (timhieutinlanh.com)

[5] Easter: Huyền Thoại về Easter – Tìm Hiểu Tin Lành (timhieutinlanh.com)

[6] Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh – Tìm Hiểu Thánh Kinh (timhieuthanhkinh.com)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.