Chú Giải Hê-bơ-rơ 13:07-17 Nếp Sống Trong Hội Thánh

2,750 views

Nguồn: https://youtu.be/cepWzXdYiOc

Chú Giải Hê-bơ-rơ 13:7-17
Nếp Sống Trong Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 13:7-17

7 Hãy nhớ những người dắt dẫn các anh chị em, những người đã truyền cho các anh chị em Lời của Đức Chúa Trời. Hãy nhìn vào sự cuối cùng nếp sống của họ. Hãy bắt chước đức tin của họ.

8 Đức Chúa Jesus Christ, Đấng y nguyên hôm qua, hôm nay, và cho đến mãi mãi.

9 Các anh chị em chớ để cho bị đưa dẫn đó đây bởi các giáo lý khác và lạ. Vì phước thay! Tấm lòng nhờ ân điển được vững vàng, chứ không nhờ các thức ăn, là những sự chẳng ích lợi gì cho những kẻ sống như vậy.

10 Chúng ta có một bàn thờ, các thức trên đó những người phụng sự Đền Tạm không có quyền ăn.

11 Thân thể của những con thú mà máu của chúng, vì tội lỗi của dân chúng được đem vào trong nơi thánh bởi thầy tế lễ thượng phẩm, bị thiêu bên ngoài trại quân.

12 Bởi đó mà Đức Chúa Jesus cũng đã chịu khổ bên ngoài cửa thành để Ngài làm nên thánh dân chúng với chính máu của Ngài.

13 Vậy nên, chúng ta hãy đi đến với Ngài ở bên ngoài trại quân để chịu điều sỉ nhục của Ngài.

14 Vì nơi đây, chúng ta không có một thành còn mãi, nhưng chúng ta tìm một thành còn mãi sẽ đến.

15 Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài.

16 Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.

17 Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.

Đời sống của con dân Chúa trong đời này được thể hiện trong hai môi trường căn bản: môi trường gia đình và môi trường Hội Thánh.

Đối với con dân Chúa, gia đình là một Hội Thánh địa phương gần nhất với họ, nếu trong gia đình có những người khác cùng đức tin với họ. Nếu họ là người duy nhất tin Chúa trong gia đình thì gia đình là môi trường xã hội gần họ nhất. Họ phải đối diện với sự chống đối, bách hại đức tin từ những người trong gia đình. Họ phải chứng kiến nếp sống tội lỗi của những người trong gia đình. Họ phải chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa và rao giảng Tin Lành cho những người trong gia đình.

Hội Thánh bao gồm Hội Thánh địa phương, Hội Thánh chung giữa một dân tộc, và Hội Thánh chung trong khắp thế gian.

Hội Thánh địa phương bắt đầu từ trong gia đình của họ, nếu những người khác trong gia đình cũng tin Chúa. Kế đến là những anh chị em cùng Cha trong cùng một thành phố. Hội Thánh chung trong một dân tộc là những anh chị em cùng Cha của cùng một dân tộc, cho dù là họ sống ở bất cứ nơi đâu. Hội Thánh chung trong khắp thế gian là những anh chị em cùng Cha trong khắp thế gian cho dù là thuộc dân tộc nào.

Dân tộc, còn gọi là sắc tộc, là cộng đồng của những người cùng chung một lãnh thổ, chung một ngôn ngữ, chung một nền văn hóa. Trong một quốc gia có thể có nhiều dân tộc, như quốc gia Việt Nam, theo thống kê, có 54 dân tộc khác nhau; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 86,2% dân số. Ngoài ra, còn có năm nhóm thiểu số khác có ngôn ngữ riêng biệt của mỗi nhóm nhưng không được xếp loại riêng. Các danh từ “người Việt Nam”, “dân Việt Nam”, hay “dân tộc Việt Nam” được dùng để chỉ chung tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam cùng với những người mang quốc tịch Việt Nam sống ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Trong bài trước, chúng ta đã học về năm điều quan trọng trong nếp sống của con dân Chúa trong gia đình. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về bảy điều quan trọng trong nếp sống của con dân Chúa trong Hội Thánh:

1. Hãy bắt chước nếp sống tin kính của những người giảng dạy Lời Chúa cho chúng ta.

2. Đức Chúa Jesus Christ không hề thay đổi. Đừng để cho tà giáo dẫn chúng ta vào những sự sai lạc lẽ thật.

3. Hãy sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa.

4. Hãy luôn hướng về những sự ở trên trời, đừng hướng về những sự ở dưới đất.

5. Hãy luôn dâng lời cảm tạ và tôn vinh lên Đức Chúa Trời.

6. Hãy luôn làm lành và giữ sự thông công với các anh chị em cùng Cha.

7. Hãy vâng phục các trưởng lão trong Hội Thánh.

Bảy điều quan trọng trên đây cùng với năm điều quan trọng về nếp sống của con dân Chúa trong gia đình, mà chúng ta đã cùng nhau học trong bài trước, là 12 đặc điểm trong nếp sống của con dân Chúa trong cuộc đời này.

7 Hãy nhớ những người dắt dẫn các anh chị em, những người đã truyền cho các anh chị em Lời của Đức Chúa Trời. Hãy nhìn vào sự cuối cùng nếp sống của họ. Hãy bắt chước đức tin của họ.

Động từ “nhớ” có nghĩa là nghĩ đến, nhắc đến với lòng cảm xúc, và sự suy ngẫm về một người, hay một vật, hay một sự việc.

Động từ “dắt dẫn” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là dắt dẫn với quyền chỉ huy. Người dắt dẫn đi trước và ra lệnh cho những người theo sau mình, cùng mình làm ra những hành động để đạt đến mục đích đã định.

Những người dắt dẫn con dân Chúa là những người được Chúa giao phó cho nhiệm vụ chăn dắt bầy chiên của Ngài qua công tác giảng dạy Lời Chúa và quyền cai trị Hội Thánh. Họ là những trưởng lão trong Hội Thánh. Quyền cai trị Hội Thánh của những trưởng lão được thể hiện qua sự sắp xếp sinh hoạt của Hội Thánh; phân công cho mỗi người trong Hội Thánh về các mục vụ trong Hội Thánh; giải quyết các vấn đề trong Hội Thánh; quở trách, sửa trị người có lỗi, có tội; và dứt thông công người có tội mà không chịu ăn năn.

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý.” (I Ti-mô-thê 5:17).

Mệnh đề “truyền cho các anh chị em Lời của Đức Chúa Trời” không chỉ đơn giản có nghĩa là đọc Lời Chúa cho con dân Chúa nghe mà còn là giảng giải ý nghĩa của Lời Chúa cùng hướng dẫn con dân Chúa cách thức áp dụng Lời Chúa vào trong đời sống thực tế, và ra lệnh cho con dân Chúa phải vâng theo.

“Hãy nhìn vào sự cuối cùng nếp sống của họ” là hãy nhìn vào kết quả đời sống của họ. Danh từ “sự cuối cùng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là lối thoát, sự ra khỏi cách an toàn. Danh từ này chỉ được dùng hai lần trong Thánh Kinh. Một lần tại đây và một lần trong I Cô-rinh-tô 10:13, nói về một lối thoát Đức Chúa Trời luôn mở ra cho con dân của Ngài trong mọi sự cám dỗ hoặc thử thách. Tại đây, danh từ này có nghĩa bóng vừa là sự kết thúc đời sống của một người trên đất này vừa là phẩm chất trung tín với Chúa cho đến chết của người ấy.

Vào thời điểm thư Hê-bơ-rơ được viết ra, Hội Thánh đã được thành lập hơn một phần tư thế kỷ và chỉ mới trải qua cơn bách hại từ Do-thái Giáo. Nhưng trong Hội Thánh có nhiều trưởng lão đã qua đời và để lại những tấm gương sáng về nếp sống mới trong Đấng Christ cho con dân Chúa khắp nơi. Từ thời ấy cho đến nay, không chỉ những trưởng lão mà hàng triệu con dân Chúa đã trung tín cho đến chết, khiến cho các cửa của âm phủ cũng không thể thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18) [1].

Con dân Chúa cần phải nhìn vào tấm gương sáng của những người chăn dắt mình, nhìn vào sự trung tín của họ, và bắt chước sống đời sống đức tin như họ.

8 Đức Chúa Jesus Christ, Đấng y nguyên hôm qua, hôm nay, và cho đến mãi mãi.

Trước hết, chúng ta cần chú ý cách dùng danh xưng “Jesus Christ” ở đây. Khi danh xưng Christ được đặt đàng sau tên gọi Jesus thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến chính mình Ngài trong chức vụ Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài. Ngược lại với khi danh xưng Christ được đặt đàng trước tên gọi Jesus thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến thành quả trong các chức vụ của Ngài [2].

Jesus là một người và là người duy nhất được sinh ra bởi Đức Chúa Trời trong lòng trinh nữ Ma-ri để làm Đấng Cứu Rỗi loài người, nên Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời. Danh hiệu Christ có nghĩa là “người được xức dầu” nhằm nói lên, con người Jesus được Đức Chúa Trời đổ đầy thánh linh để làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong chương trình cứu rỗi loài người. Con người Jesus có sự bắt đầu từ trong lòng trinh nữ Ma-ri nhưng phần thuộc linh của con người Jesus lại chính là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, vì bản ngã, tức linh hồn của Ngài, và tâm thần, tức thân thể thiêng liêng của Ngài, chính là Thiên Chúa Ngôi Lời.

Danh từ “hôm qua” nói về quá khứ. Danh từ “hôm nay” nói về hiện tại. Danh từ “mãi mãi” nói đến tương lai. Cả ba thời quá khứ, hiện tại, và tương lai này được áp dụng cho con dân Chúa là những người đọc thư Hê-bơ-rơ. Quá khứ, hiện tại, và tương lai của những con dân Chúa đọc thư Hê-bơ-rơ cách nay gần hai ngàn năm khác với quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta, những người đang học câu này. Dù các phương diện của thời gian đối với mỗi thế hệ, thậm chí, đối với mỗi người khác nhau nhưng điều căn bản là Đức Chúa Jesus Christ không bao giờ thay đổi. Ngài không bao giờ thay đổi vì về phương diện nhân tính Ngài là một con người trọn vẹn và về phương diện thần tính Ngài là Thiên Chúa. Thiên Chúa thì không bao giờ thay đổi vì Thiên Chúa là trọn vẹn. Loài người thì có thể thay đổi vì loài người không trọn vẹn. Nhưng khi loài người đã được Đức Chúa Trời làm cho trọn vẹn thì loài người cũng sẽ không thay đổi.

Thánh Kinh cho biết, Đức Chúa Jesus Christ đã được Đức Chúa Trời làm cho trở nên trọn vẹn qua những sự thương khó mà Đức Chúa Trời cho phép xảy đến với Ngài:

“Vì ấy là Ngài [Đức Chúa Trời] – muôn vật vì Ngài và muôn vật bởi Ngài – để đem nhiều con cái đến sự vinh quang, Ngài đã làm cho trọn vẹn Đấng Lãnh Đạo sự cứu rỗi của họ bởi những sự thương khó.” (Hê-bơ-rơ 2:10).

Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho chúng ta trở nên trọn vẹn trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Và kể từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi; chúng ta sẽ mãi mãi đầy dẫy vinh quang, sống trong hạnh phúc, trong Vương Quốc Trời. Cảm tạ Chúa! Ngày ấy không còn bao xa!

9 Các anh chị em chớ để cho bị đưa dẫn đó đây bởi các giáo lý khác và lạ. Vì phước thay! Tấm lòng nhờ ân điển được vững vàng, chứ không nhờ các thức ăn, là những sự chẳng ích lợi gì cho những kẻ sống như vậy.

Giáo lý khác là sự giảng dạy bẻ cong Lời Chúa, như đã được nói đến trong II Phi-e-rơ 3:16. Điển hình là sự giảng dạy của Phong Trào Ân Tứ, Ngũ Tuần về sự báp-tem bằng thánh linh, sự được đầy dẫy thánh linh, sự say thánh linh, sự bị giết trong thánh linh, sự tiếng cười thánh, sự nói tiếng lạ… Cũng như sự giảng dạy của một số giáo phái về việc con dân Chúa phải kiêng các thức ăn bị kể là không tinh sạch trong Cựu Ước, phải giữ những kỳ lễ hội trong Cựu Ước…

Giáo lý lạ là giáo lý dạy về những sự không có trong Thánh Kinh. Điển hình là giáo lý về một “Đức Chúa Trời Mẹ”, giáo lý về ngục luyện tội, và vô số những lời gọi là “tiên tri” được xếp ngang hàng với Thánh Kinh của những người tự xưng là tiên tri hoặc được các giáo hội phong chức tiên tri.

Chính vì Đức Chúa Jesus Christ không hề thay đổi và mọi lời phán dạy của Ngài đã được ghi lại trong Thánh Kinh mà chúng ta có một nền tảng đủ và vững chắc về lẽ thật. Vì thế, bất cứ một sự giảng dạy nào không đúng Thánh Kinh, không có trong Thánh Kinh, bất cứ một câu Thánh Kinh nào không được giải thích bằng chính Thánh Kinh thì đó là tà giáo. Con dân chân thật của Chúa rất dễ dàng để nhận biết tà giáo, vì họ có Thánh Kinh và có Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, Đấng dắt họ vào trong mọi lẽ thật, dẫn dắt họ.

Chỉ có những người không phải là con dân chân thật của Chúa, vì họ chưa thật lòng ăn năn tội, chỉ tin Chúa trên môi miệng, mới bị tà giáo dẫn dụ. Vì họ không có sự hiểu biết đúng Lời Chúa và không có Đức Thánh Linh dẫn dắt họ. Ngày nay, với phương tiện Internet, có biết bao nhiêu là tà giáo đang được Sa-tan lợi dụng những kẻ thích tung tin giật gân tung ra để lừa gạt loài người. Những người tạo ra các trang mạng đó không phải là con dân chân thật của Chúa thì làm sao họ có lẽ thật để trình bày? Có rất nhiều người không lo thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà cứ lo tìm kiếm xem AntiChrist là ai, con số 666 có ý nghĩa gì?

Điều phước hạnh cho loài người là tấm lòng của loài người được vững vàng, có nghĩa là được bình an, không lo lắng, không sợ hãi, nhờ ân điển của Thiên Chúa. Ân điển ấy tức là ơn thương xót của Đức Chúa Trời ban cho ngay cả những kẻ không xứng đáng được thương xót vì đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời cách nghiêm trọng. Ơn thương xót của Đức Chúa Trời ban cho loài người cơ hội ăn năn tội lỗi và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để được Đức Chúa Trời tha tội và tái sinh thành một người mới. Khi một người thật lòng tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời thì lòng người ấy được vững chắc vì biết rằng, mình đã vượt khỏi sự chết vào trong sự sống (I Giăng 3:14), mình sẽ đời đời an vui hạnh phúc trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, cho dù trong cuộc sống hiện tại có phải trải qua nhiều sự thử thách, khó khăn.

Rõ ràng, tấm lòng của một người được vững vàng nhờ ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời chứ không phải nhờ kiêng những thức ăn vốn không tinh sạch nay đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:1-10) [3], [4].

“Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.]” (Cô-lô-se 2:16).

“Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa là tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ. Vì mọi vật ấy được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.” (I Ti-mô-thê 4:4-5).

“Thực tế, mọi sự chắc chắn là tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì là tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.” (Tít 1:15).

Sự kiêng các thức ăn không tinh sạch vào thời Cựu Ước, nay đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch, không có ích lợi gì cho những kẻ sống với đức tin như vậy. Nhất là những kẻ không vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời; vì họ sẽ không nhận được sự sống đời đời (Khải Huyền 22:14).

10 Chúng ta có một bàn thờ, các thức trên đó những người phụng sự Đền Tạm không có quyền ăn.

11 Thân thể của những con thú mà máu của chúng, vì tội lỗi của dân chúng được đem vào trong nơi thánh bởi thầy tế lễ thượng phẩm, bị thiêu bên ngoài trại quân.

Theo Lê-vi Ký 6:25-30 thì thầy tế lễ phụ trách việc dâng sinh tế và những người nam trong vòng các thầy tế lễ được ăn thịt các sinh tế dâng trên bàn thờ, ngoại trừ sinh tế mà máu chuộc tội của nó được đem vào trong Nơi Rất Thánh vào ngày Lễ Chuộc Tội, như đã chép trong Lê-vi Ký đoạn 16. Thịt của sinh tế đó phải được thiêu ở ngoài trại quân.

Hai câu này nói lên sự kiện trong thời Cựu Ước, thịt sinh tế chuộc tội cho toàn dân I-sơ-ra-ên trong ngày Lễ Chuộc Tội không một ai được ăn, dù là thầy tế lễ thượng phẩm. Sinh tế chuộc tội ấy làm hình bóng cho sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ hy sinh chính mạng sống của Ngài, làm sinh tế chuộc tội cho toàn thể loài người trong thời Tân Ước.

Tuy nhiên, trong thời Tân Ước, tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy được dự phần trong thịt và máu của Đức Chúa Jesus Christ, được tiêu biểu bằng nghi thức dự Tiệc Thánh. Khi một người bởi đức tin, nhận bánh không men và nước nho vào trong thân thể của mình, thì người ấy đang thể hiện sự tin và nhận sự thánh hóa và sự sống Thiên Chúa ban cho người ấy, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Điều này cũng cho thấy rằng, không phải bởi sự dự Tiệc Thánh mà một người được hưởng ơn cứu rỗi; nhưng bởi đức tin mà một người được hưởng ơn cứu rỗi và người ấy dự Tiệc Thánh để thể hiện đức tin của mình.

Công Giáo cho rằng, bánh không men và rượu nho (Công Giáo cũng như hầu hết các giáo phái Tin Lành dùng rượu nho thay vì nước nho) trở thành thịt thật và máu thật của Chúa. Lutheran cho rằng, có sự hiện diện của thịt và máu của Đức Chúa Jesus Christ trong bánh không men và rượu nho. Lẽ thật là Tiệc Thánh tiêu biểu cho sự con dân Chúa trong Hội Thánh bởi đức tin được hoàn toàn hiệp một với Đấng Christ khi thân thể xác thịt của họ được phục sinh hoặc được biến hóa trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Sự hiệp một đó được đánh dấu bằng Lễ Cưới của Chiên Con như đã được tiên tri trong Khải Huyền 19:6-9. Bánh không men và nước nho trong Tiệc Thánh không hề biến thành thịt và máu thật của Đấng Christ. Cũng không có sự hiện diện của máu và thịt Đấng Christ trong bánh không men và nước nho của Tiệc Thánh. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy về hai ý tưởng này. Lời Chúa phán khi Ngài bẻ bánh không men trao cho các sứ đồ: “Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra” là cách nói tỷ dụ, nói ví, như khi Ngài phán: “Ta là gốc nho!” “Ta là cái cửa!”

12 Bởi đó mà Đức Chúa Jesus cũng đã chịu khổ bên ngoài cửa thành để Ngài làm nên thánh dân chúng với chính máu của Ngài.

Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá và chết bên ngoài cửa thành Giê-ru-sa-lem, trên đồi Gô-gô-tha. Máu của Ngài đã đổ ra để rửa sạch mọi tội lỗi của toàn thể loài người. Nhưng chỉ những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài thì mới được sạch tội, được nên thánh.

13 Vậy nên, chúng ta hãy đi đến với Ngài ở bên ngoài trại quân để chịu điều sỉ nhục của Ngài.

Danh từ “trại quân” dùng để chỉ khu vực dân I-sơ-ra-ên đóng trại trên đường từ xứ Ê-díp-tô tiến về Đất Hứa Ca-na-an. “Trại” là vì khi ấy dân I-sơ-ra-ên sống trong những căn lều như dân du mục. “Quân” là vì dân I-sơ-ra-ên được gọi là quân đội của Thiên Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:4).

Vào thời Cựu Ước, những người bị ô uế bị đuổi ra ngoài trại quân cho đến khi họ được tinh sạch trở lại (Dân Số Ký 5:2-4); những kẻ phạm trọng tội bị ném đá bên ngoài trại quân (Lê-vi Ký 24:14; Dân Số Ký 15:35). Sự kiện Đức Chúa Jesus bị giết như một tội phạm bên ngoài cổng thành Giê-ru-sa-lem cũng tương tự như một tội phạm bị tử hình bên ngoài trại quân thời Cựu Ước.

Nhóm chữ “bên ngoài trại quân” còn hàm ý bên ngoài cộng đồng con dân Chúa, bên ngoài Hội Thánh. Ngày nay, thế gian vẫn tiếp tục sỉ nhục Đức Chúa Jesus và con dân Chúa cần đi vào thế gian để công bố Tin Lành, cùng chịu sự sỉ nhục của thế gian dành cho Đấng Christ.

14 Vì nơi đây, chúng ta không có một thành còn mãi, nhưng chúng ta tìm một thành còn mãi sẽ đến.

“Nơi đây” tức là trên đất này, trong đời sống hiện tại. Không có bất cứ một nơi ở hay cơ nghiệp vật chất nào trong thế gian này sẽ còn lại. Vì một ngày kia các tầng trời và đất sẽ qua đi (II Phi-e-rơ 3:7-10). Con dân Chúa được ban cho lời hứa về thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Trong trời mới đất mới, thành thánh Giê-ru-sa-lem từ thiên đàng sẽ giáng xuống trên đất (Khải Huyền 21:1-2). Vì thế, chúng ta không nên chú tâm vào những sự thuộc về thế gian mà hãy chú tâm về những sự thuộc về thiên đàng. Chỉ cần có ăn, có mặc thì chúng ta hãy thỏa lòng mà tận dụng thời giờ để xây dựng cơ nghiệp sẽ còn lại đời đời (I Ti-mô-thê 6:8; I Cô-rinh-tô 3:10-15).

15 Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài.

“Bởi Ngài” là bởi Đấng Christ, tức là hành động đúng theo những sự giảng dạy của Ngài, như đã được ghi lại trong Thánh Kinh; và là hành động trong danh của Đấng Christ.

“Hằng dâng tế lễ” là luôn luôn dâng lễ vật.

“Dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời” là sự dâng hiến làm tôn cao Đức Chúa Trời, công nhận sự vinh quang của Ngài, tức là công nhận tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài.

“Bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài” là lời ca hát, lời cầu nguyện tôn vinh và cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và là Đấng yêu thương, chăm sóc, bảo vệ con dân của Ngài.

Về hình thức, con dân Chúa có thể ngày ba lần cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời, như Đa-ni-ên thuở xưa (Đa-ni-ên 6:10). Về thần trí thì con dân Chúa luôn hướng lòng về Đức Chúa Trời để tôn vinh và cảm tạ Ngài.

16 Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.

“Làm lành” là làm bất cứ những gì đã được dạy dỗ trong Thánh Kinh. Sự làm lành đem lại ích lợi cho bản thân và nhiều người khác. Những việc lành cũng là những việc mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho con dân của Ngài:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Bước đi trong những việc lành là sống trong những sự tốt lành và làm ra những sự tốt lành.

“Sự thông công” là sự tương giao với Ba Ngôi Thiên Chúa và tương giao với những anh chị em cùng đức tin.

Chúng ta thông công với Ba Ngôi Thiên Chúa trong sự cầu nguyện và thờ phượng, trong sự đọc và suy ngẫm Thánh Kinh. Trong sự cầu nguyện, chúng ta tâm tình, cầu xin, tôn vinh, và cảm tạ. Chúng ta có thể và nên tâm tình với Chúa như trò chuyện với một người cha, một người thầy, một người bạn.

Chúng ta thông công với những anh chị em cùng đức tin trong sự tâm tình với nhau, chia sẻ với nhau, phục vụ lẫn nhau, gây dựng lẫn nhau. Trong tâm tình, chúng ta nói lên những vui buồn trong cuộc sống, những cám dỗ và thử thách, những sa ngã và ăn năn… cùng với lời kêu gọi anh chị em trong Hội Thánh cầu thay cho mình. Trong chia sẻ, chúng ta nói cho nhau nghe những phước hạnh Chúa ban cho mình, những việc Chúa làm ra cho mình và qua mình, trong đó, bao gồm những sự hiểu biết về Lời Chúa, mà mình nhận được (Thánh Kinh gọi là “lời tỏ sự kín nhiệm”). Phục vụ lẫn nhau bao gồm sự cầu thay cho nhau và tiếp trợ lẫn nhau.

Con dân Chúa làm những việc lành và thông công với Chúa, với nhau chính là dâng lên những của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời.

17 Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.

Sự vâng phục của con dân Chúa đối với các trưởng lão trong Hội Thánh là điều phải có; vì các trưởng lão được chính Đức Thánh Linh giao phó cho họ việc chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa:

“Vậy, các anh em hãy giữ lấy mình và hết thảy bầy mà Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

“Vâng lời” có nghĩa là đồng ý nghe theo lời nói. “Chịu phục” có nghĩa là tự đặt mình dưới quyền cai trị. Dĩ nhiên, sự vâng phục này được giới hạn trong sự lời nói và sự cai trị của các trưởng lão không sai nghịch Thánh Kinh. Nếu trưởng lão nào có lời nói, hành động không đúng Thánh Kinh thì con dân Chúa không cần phải vâng phục. Trái lại, con dân Chúa có bổn phận lên tiếng, chỉ ra sự sai trái của trưởng lão ấy để người ấy nhận biết mà ăn năn.

Quyền trưởng lão đến từ Thiên Chúa, do Đức Chúa Trời chỉ định, người làm trưởng lão do Đấng Christ chọn ra, và chức vụ trưởng lão do Đức Thánh Linh giao phó. Nếu các trưởng lão không sai trái mà con dân Chúa không vâng phục thì con dân Chúa phạm vào tội chống nghịch sự sắp xếp của Đức Chúa Trời:

“Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:1-2).

Sự không vâng phục của con dân Chúa đối với các trưởng lão là những người chăn dắt họ đương nhiên khiến cho các trưởng lão phiền lòng. Sự phiền lòng của các trưởng lão bởi sự không vâng phục của con dân Chúa dẫn đến sự các trưởng lão không còn trách nhiệm về những kẻ không vâng phục, không còn dẫn dắt họ. Các trưởng lão cũng có bổn phận khai trình với Đức Chúa Trời về sự không vâng phục này. Sự thiếu dẫn dắt từ những người được Ba Ngôi Thiên Chúa ban ơn và quyền dẫn dắt con dân Chúa là một sự bất lợi lớn. Cuối cùng, là sự các trưởng lão sẽ dứt thông công kẻ không vâng phục.

Qua Hê-bơ-rơ 13:1-17 chúng ta học được 12 đặc điểm của nếp sống mới trong Đấng Christ. Chúng ta hãy dành thời gian suy ngẫm về 12 đặc điểm này và dùng đó để tự kiểm về nếp sống của mỗi chúng ta. Dưới đây là tổng kết 12 đặc điểm:

1. Hãy giữ cho tình yêu thương anh chị em cứ còn lại.

2. Chớ quên sự tiếp khách.

3. Hãy nhớ đến những anh chị em bị xiềng xích, bị ngược đãi vì đức tin.

4. Hãy kính trọng sự hôn nhân trong mọi phương diện.

5. Chớ tham lam trong cách sống.

6. Hãy bắt chước nếp sống tin kính của những người giảng dạy Lời Chúa cho chúng ta.

7. Đức Chúa Jesus Christ không hề thay đổi. Đừng để cho tà giáo dẫn chúng ta vào những sự sai lạc lẽ thật.

8. Hãy sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa.

9. Hãy luôn hướng về những sự ở trên trời, đừng hướng về những sự ở dưới đất.

10. Hãy luôn dâng lời cảm tạ và tôn vinh lên Đức Chúa Trời.

11. Hãy luôn làm lành và giữ sự thông công với các anh chị em cùng Cha.

12. Hãy vâng phục các trưởng lão trong Hội Thánh.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, thêm sự khôn sáng và sức mạnh cho chúng ta trên bước đường theo Chúa và phụng sự Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/09/2019

Ghi Chú

[1] https://od.lk/f/MV82MzI2MTQxNV8

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

[3] https://timhieutinlanh.com/biengiao/mang-lenh-cua-thien-chua-ve-thuc-an-cua-loai-nguoi-44/

[4] https://timhieutinlanh.com/biengiao/hoi-dap-email-gop-y-ve-bai-mang-lenh-cua-thien-chua-ve-thuc-an-cua-loai-nguoi-45/

Karaoke Thánh Ca: “Ân Tình Chúa Tôi Làm Sao Quên”
https://karaokethanhca.net/an-tinh-chua-toi-lam-sao-quen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.