Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL035 Bài Giảng Trên Núi: Sự Ly Dị

388 views

YouTube: https://youtu.be/mpHdn0_E-p8

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL035 Bài Giảng Trên Núi: Sự Ly Dị
Ma-thi-ơ 5:31-32

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 5:31-32

31 Đã có lời rằng: Ai ly dị vợ của mình thì hãy cho nàng tờ ly dị. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1, 3]

32 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng: Ai ly dị vợ của mình ngoại trừ lý do tội tà dâm, thì người ấy khiến nàng phạm tội ngoại tình. Nếu ai cưới người bị ly dị đó cũng phạm tội ngoại tình.

Trong bài này, chúng ta học về đề tài thứ năm của bài giảng trên núi, như đã được chép trong Ma-thi-ơ 5:31-32. Đề tài thứ năm là “Sự Ly Dị”.

31 Đã có lời rằng: Ai ly dị vợ của mình thì hãy cho nàng tờ ly dị. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1, 3]

Trong lời phán này, Đức Chúa Jesus đã nhắc lại mệnh lệnh về sự ly dị được ghi lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1-4. Chúng tôi xin trích dẫn phần giải thích từ bài giảng “Sự Kết Hôn, Sự Ly Dị, và Sự Tái Hôn Theo Lời Chúa” [1], như sau:

[Trích:]

Thời Cựu Ước con dân Chúa không có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của họ và ban thánh linh cho họ. Họ không có tình yêu của Đức Chúa Trời trong họ, không có năng lực để thắng các cá tính xấu của họ. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ các điều luật để hạn chế các hậu quả xấu có thể phát sinh từ các quyết định không đẹp lòng Chúa của họ. Điển hình là luật về sự ly dị. Lời Chúa đã chép:

Ngài phán với họ: Vì cớ sự cứng cỏi của lòng các ngươi Môi-se đã cho phép các ngươi ly dị vợ của các ngươi. Nhưng từ ban đầu đã không như vậy.” (Ma-thi-ơ 19:8).

Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1-4

1 Khi một người nam tiếp nhận một người đàn bà và đã cưới nàng, và nếu xảy ra nàng chẳng tìm thấy ơn trong mắt của người, vì người đã thấy nơi nàng một sự xấu hổ nào, thì người hãy viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng, đuổi nàng khỏi nhà người.

2 Khi nàng đã ra khỏi nhà người, đi và trở thành vợ của một người khác,

3 và người chồng sau ghét nàng, viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng, đuổi nàng khỏi nhà người, hoặc nếu người chồng sau, người đã tiếp nhận nàng làm vợ, chết đi,

4 thì người chồng trước là người đã đuổi nàng đi, không có quyền tiếp nhận nàng trở lại để làm vợ, sau khi nàng bị ô uế. Vì ấy là điều gớm ghiếc trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngươi chớ khiến cho đất phạm tội; đất mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp.

Khi một người nam tiếp nhận một người nữ và cưới nàng, thì cả hai trở thành vợ chồng.

Vợ chẳng tìm thấy ơn trong mắt chồng có nghĩa là chồng không còn yêu thích vợ nữa.

Lý do chồng không còn yêu thích vợ nữa là vì chồng tìm thấy có sự xấu hổ nào đó nơi vợ. Danh từ “sự xấu hổ” (H6172) được dùng trong câu này có nghĩa đen là sự trần truồng, đáng bị hổ thẹn; có nghĩa bóng là sự lộ ra cá tính xấu hoặc khuyết điểm, đáng bị hổ thẹn.

Nếu hiểu về nghĩa đen thì có thể là người vợ có nhu cầu tình dục cao hơn chồng, thường khỏa thân, khêu gợi, kích thích người chồng về tình dục mà người chồng không có khả năng đáp ứng. Nếu hiểu về nghĩa bóng thì có thể là người vợ lộ ra cá tính xấu, khuyết điểm, hoặc thiếu năng lực nội trợ, như: lười biếng việc nhà, ngồi lê đôi mách, tham lam, dối trá, không vâng phục chồng… Cũng không ngoại trừ người vợ trở nên bệnh tật, yếu đuối, già xấu, hoặc không có khả năng đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng.

Khi đó, chồng được phép ly dị vợ bằng cách viết tờ ly dị trao cho vợ và đuổi vợ ra khỏi nhà.

Có người nghĩ rằng, danh từ “sự xấu hổ” nói đến sự người vợ phạm ngoại tình hoặc phạm các hình thức tà dâm khác. Nhưng luật pháp dành cho sự phạm tội ngoại tình là cả người đàn ông lẫn người đàn bà phạm tội đều bị xử tử hình:

Nếu người nào phạm tội ngoại tình cùng vợ của người khác, tức là phạm tội ngoại tình cùng vợ người lân cận mình, thì người nam ngoại tình và người nữ ngoại tình đều phải bị xử tử.” (Lê-vi Ký 20:10).

Luật pháp dành cho sự phạm các tội tà dâm khác cũng là bị xử tử hình, như đã liệt kê trong Lê-vi Ký 20:11-16; Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:21-25. Ngoại trừ một trường hợp duy nhất là hai người độc thân phạm tà dâm với nhau thì phải cưới nhau, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 22:16 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:28-29.

[Hết trích]

Hầu hết các nhà Thần học và giải kinh của người I-sơ-ra-ên đều đồng ý rằng, Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1 cho phép đàn ông I-sơ-ra-ên ly dị vợ vì bất cứ lý do gì, ngay cả lý do nấu ăn không ngon. Lý do chính của sự ly dị nằm trong câu: “nếu xảy ra nàng chẳng tìm thấy ơn trong mắt của người”. Nói cách khác, nếu chồng không còn yêu vợ nữa.

Chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Chúa Trời cho phép sự ly dị xảy ra như vậy để người đàn bà không còn được chồng yêu có thể làm lại cuộc đời. Nàng có thể tái hôn với người đàn ông khác biết yêu thương, quý trọng nàng. Thay vì bị mối ràng buộc hôn nhân khiến nàng phải chịu sự hà khắc của người chồng không còn yêu nàng. Nhất là khi người đàn ông có quyền đa thê.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, dân I-sơ-ra-ên rất ngoan cố và cứng lòng. Nếu Đức Chúa Trời không cho phép ly dị như vậy thì sẽ làm khổ nhiều phụ nữ bị chồng ghét. Chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định: “Vì cớ sự cứng cỏi của lòng các ngươi Môi-se đã cho phép các ngươi ly dị vợ của các ngươi”.

Ngoài ra, dân I-sơ-ra-ên vừa là con dân Thiên Chúa mà cũng là một quốc gia được cai trị bởi Thiên Chúa, nên ngoài Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, các luật lệ về đạo đức, và các luật lệ về nghi thức thờ phượng Thiên Chúa, Đức Chúa Trời còn ban cho họ các luật lệ về dân sự, về y tế, về quân đội. Luật ly dị nằm trong luật gia đình, thuộc về luật dân sự.

Có lẽ chúng ta thắc mắc, sao chỉ có luật chồng ly dị vợ mà không có luật vợ ly dị chồng? Là vì luật đó không cần thiết. Khi người vợ muốn ly dị chồng thì có thể làm ra vô số chuyện cho chồng chán ghét để ly dị mình.

Vào thời Cựu Ước, hôn nhân trong vòng dân I-sơ-ra-ên và hầu hết trong các dân tộc sống tại Trung Đông là một hợp đồng trao đổi hơn là vì tình yêu. Mặc dù tình yêu vẫn có trong quan hệ vợ chồng. Chồng hoặc gia đình chồng phải trả một số tiền cưới cho cha mẹ hoặc người giám hộ của cô dâu, trước khi hôn nhân được thực hiện. Vì thế, người vợ bị xem như là một món tài sản mà người chồng có thể tùy ý bỏ đi. Dĩ nhiên, trong trường hợp đó người chồng phải chịu mất số tiền cưới đã trả cho gia đình bên vợ.

Tờ giấy ly dị là tờ giấy do người chồng viết lời khẳng định đã ly dị vợ, không còn chấp nhận nàng là vợ. Tờ giấy ly dị đó là chứng cớ hợp pháp để người vợ bị ly dị có thể lấy chồng khác và chứng tỏ nàng không phạm tội ngoại tình.

32 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng: Ai ly dị vợ của mình ngoại trừ lý do tội tà dâm, thì người ấy khiến nàng phạm tội ngoại tình. Nếu ai cưới người bị ly dị đó cũng phạm tội ngoại tình.

Trong lời phán này, Đức Chúa Jesus khẳng định, con dân Chúa không thể tùy ý ly dị vợ nếu vợ không phạm tội tà dâm. Có nghĩa là, con dân Chúa trong thời Tân Ước không thể dựa vào Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1 để ly dị vợ. Có nghĩa là con dân Chúa trong thời Tân Ước có nguyên tắc và tiêu chuẩn sống cao hơn, trọn vẹn hơn con dân Chúa thời Cựu Ước, là nguyên tắc và tiêu chuẩn sống mà Đức Chúa Trời đã định cho loài người, từ buổi đầu sáng thế. Đó là nhờ vào sự con dân Chúa được dựng nên mới, được ban cho đầy dẫy thánh linh, là năng lực từ Thiên Chúa.

Người ly dị vợ khi vợ không phạm tà dâm là người ấy khiến cho nàng phạm tội ngoại tình, là vì sự ly dị cho phép nàng lấy chồng khác trong khi chồng của mình vẫn còn sống. Người chồng khác đó cũng phạm tội ngoại tình vì lấy vợ của một người vẫn còn sống. Nhưng người vợ bị ly dị và người chồng mới của nàng không bị luật pháp kết tội, vì lỗi thuộc về người chồng cũ.

Chúng ta có thể hiểu rằng, tất cả luật dân sự, luật y tế, luật quân sự, và luật về nghi thức thờ phượng Thiên Chúa trong thời Cựu Ước đều được đổi mới trong thời Tân Ước. Ngoại trừ luật đạo đức, trong đó đứng đầu là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, là không thay đổi.

  • Luật dân sự đổi mới theo luật pháp của mỗi địa phương, bởi các nhà cầm quyền được Đức Chúa Trời chỉ định.

  • Luật y tế thay đổi theo luật pháp của mỗi quốc gia, dựa trên các luật y tế quốc tế, bởi các nhà cầm quyền được Đức Chúa Trời chỉ định.

  • Luật quân sự thay đổi theo luật pháp của mỗi quốc gia, bởi các nhà cầm quyền được Đức Chúa Trời chỉ định.

  • Luật thờ phượng Thiên Chúa thay đổi theo sự giảng dạy trong Thánh Kinh Tân Ước, bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Riêng trong trường hợp luật ly dị của con dân Chúa, chúng ta thấy, chính Đức Chúa Jesus đã đổi mới luật ly dị trong luật pháp của Thiên Chúa. Sự thay đổi đó không còn cho phép con dân Chúa tùy ý ly dị vợ, trừ khi vợ phạm tội tà dâm. Sự thay đổi đó khiến cho quan hệ vợ chồng trong Chúa quay về với nền tảng Đức Chúa Trời đã đặt ra từ ban đầu, khi dựng nên loài người:

Ngài đã trả lời, phán với họ: Các ngươi chưa đọc rằng, Đấng Dựng Nên đã dựng nên họ, nam và nữ, vào lúc ban đầu; [Sáng Thế Ký 1:27; 5:2] và đã phán: Vì cớ đó, người nam sẽ lìa cha và mẹ, và sẽ gắn bó với vợ của mình; cả hai sẽ nên một thịt, hay sao? [Sáng Thế Ký 2:24; Mác 10:7-8; Ê-phê-sô 5:31] Thế thì, họ không còn là hai nữa nhưng một thịt. Vậy, điều gì Đức Chúa Trời đã phối hiệp thì loài người chớ phân rẽ.” (Ma-thi-ơ 19:4-6).

Tội tà dâm bao gồm tất cả các hành động quan hệ tình dục bất chính mà một số đã được liệt kê trong Lê-vi Ký đoạn 18.

Luật ly dị trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1 là luật áp dụng cho vợ chồng đều là con dân Chúa. Sự đổi mới luật ly dị bởi Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5:32 cũng áp dụng cho vợ chồng đều là con dân Chúa.

Trong thời Tân Ước, một người thật lòng tin nhận Tin Lành là một người được dựng nên mới, được đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa, có tình yêu của Đức Chúa Trời trong người ấy, người ấy sẽ yêu vợ và hy sinh cho vợ như Đấng Christ yêu và hy sinh cho Hội Thánh. Vì thế, ngay cả khi vợ phạm tội tà dâm nhưng thật lòng ăn năn thì chồng vẫn tha thứ mà không ly dị. Về phía những người vợ là con dân của Chúa thì cũng được dựng nên mới, cũng được đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa, nên biết và có khả năng vâng phục chồng như vâng phục Chúa, và làm tròn các bổn phận, theo lời phán dạy của Chúa (Ê-phê-sô 5:22; Tít 2:5). Vì thế sẽ không xảy ra trường hợp khiến cho chồng không còn yêu vợ.

Trong trường hợp con dân Chúa có chồng hay vợ là người không tin Chúa thì có thể ly dị. Vì Lời Chúa kêu gọi con dân Chúa không mang ách chung với những kẻ chẳng tin:

Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì? Đấng Christ với Bê-li-an có sự hiệp ý gì? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị hoặc sự ác, kẻ ác; là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]” (II Cô-rinh-tô 6:14-15).

Nhưng Lời Chúa cũng cho phép con dân Chúa tiếp tục sống chung với người chồng hay vợ không tin Chúa, nếu người ấy bằng lòng tiếp tục cuộc sống chung và không bách hại đức tin của con dân Chúa:

I Cô-rinh-tô 7:12-16

12 Về những người khác, chẳng phải Chúa, mà là tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em cùng Cha nào có vợ không tin Chúa, và nàng bằng lòng ở chung với mình, thì người ấy không nên từ bỏ nàng.

13 Còn người đàn bà nào có chồng không tin Chúa, và anh ta bằng lòng ở chung với mình, thì nàng không nên từ bỏ anh ta.

14 Bởi vì, chồng không tin Chúa được thánh hóa qua vợ; vợ không tin Chúa được thánh hóa qua chồng; nếu không, con cái của các anh chị em chẳng tinh sạch, nhưng hiện nay, chúng là thánh.

15 Nhưng nếu kẻ không tin Chúa bỏ đi thì hãy để cho kẻ ấy bỏ đi. Người anh em cùng Cha hay là người chị em cùng Cha chẳng bị sự ràng buộc gì trong trường hợp đó. Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta trong sự bình an.

16 Hỡi người làm vợ! Biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng? Hỡi người làm chồng! Biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ?

Trong trường hợp vợ bị chồng là người tin Chúa trong các giáo hội ly dị, vì vợ muốn sống theo Lời Chúa nhưng chồng cho là vợ theo tà giáo, thì vợ hoàn toàn có quyền lấy chồng khác, sau khi ly dị. Điển hình là vợ trung tín giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, trong đó có sự tôn thánh ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa, nhưng chồng không đồng ý việc tôn thánh ngày Sa-bát. Trong trường hợp đó, vợ cũng có quyền chủ động, ly dị chồng theo luật pháp của loài người, để phân rẽ khỏi kẻ chẳng tin, kẻ theo tà giáo, kẻ cố ý vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.

Trong trường hợp vợ chồng đều là con dân Chúa nhưng một trong hai người phạm tội mà không ăn năn, bị Hội Thánh dứt thông công thì người còn lại phải ly thân hoặc ly dị với người bị dứt thông công. Vì chính Đức Chúa Jesus dạy, hãy xem người ấy như người không tin Chúa và là người tệ nhất trong những người không tin Chúa, được tiêu biểu bằng kẻ thu thuế, trong thời của Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 18:17). Ly thân là không sống chung, không quan hệ vợ chồng, dù đối với luật pháp loài người thì vẫn còn danh nghĩa vợ chồng. Ly dị là chính thức phân rẽ theo luật pháp của loài người. Thời gian ly thân cũng là khoảng thời gian dành cho kẻ có tội có cơ hội ăn năn.

Chúa kêu gọi con dân Chúa “trong sự bình an”. Vì vậy, con dân Chúa đừng để cho cảm xúc xác thịt ràng buộc mình với người vợ hay người chồng không có lòng tin kính Chúa, làm khổ mình, làm gương xấu cho các con, sỉ nhục Chúa của mình.

Có thể có một số người nghĩ rằng, mình phải nương dựa chồng về kinh tế nên không biết phải sống như thế nào với các con, khi phải ly thân, ly dị. Nhưng nếu vì vậy mà ở lại chịu khổ vì một người không tin Chúa, một người phạm tội mà không ăn năn thì chứng tỏ người làm như vậy đã không có đức tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như không có tấm lòng vâng phục Chúa.

Người không dứt khoát phân rẽ khỏi người chồng hay vợ không tin Chúa hoặc tin Chúa nhưng phạm tội không ăn năn thì sẽ gánh lấy hậu quả đương nhiên là sự khốn khổ trong cuộc sống. Người ấy không khác nào như người đang ở trong căn nhà bị cháy, không chịu chạy ra khỏi trong lúc còn thời gian, mà cứ lớn tiếng kêu cứu. Hoặc như người đang ở chung nhà với người bị bệnh truyền nhiễm mà không chịu ra khỏi đó để cách ly với người bệnh. Mọi lời cầu nguyện của người ấy sẽ không còn được Chúa đáp lại. Vì đã không vâng theo Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 6:14-18. Và đương nhiên ma quỷ sẽ ra sức dùng người chồng hay người vợ không tin Chúa hoặc đã tin Chúa nhưng phạm tội mà không ăn năn đó để làm khổ người ấy.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/06/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Sự Kết Hôn, Sự Ly Dị, và Sự Tái Hôn Theo Lời Chúa
https://timhieutinlanh.com/su-ket-hon-su-ly-di-va-su-tai-hon-theo-loi-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Con Sẽ Cứ Nương Thân nơi Chúa Jesus”
https://karaokethanhca.net/con-se-cu-nuong-than-noi-chua-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.