Chú Giải Phi-líp 02:01-11

7,383 views

Chú Giải Phi-líp 2:1-11
Con Dân Chúa Sống Theo Gương Đấng Christ
Thần Tính của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, nếu có sự khích lệ trong Đấng Christ, nếu có sự an ủi của tình yêu, nếu có sự thông công của thần trí, nếu có sự đồng cảm và lòng thương xót,

2 thì các anh chị em hãy cùng một tâm tình với nhau, có cùng một tình yêu, cùng một linh hồn của một tâm trí, mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn.

3 Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.

4 Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng {chăm về những sự} của những người khác nữa.

5 Hãy có cùng một tâm tình này trong các anh chị em như cũng đã có trong Đấng Christ Jesus.

6 Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.

7 Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người;

8 được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự.

9 Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,

10 để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống,

11 và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ {là} Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/w0b47bntdl7697s/9050020_Philip_2_1-11.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDY5NDE4NjJf/9050020_Philip_2_1-11.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9050020-phi-lip-2_1-11

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Khi chúng ta nói đến sống một nếp sống mới trong Đức Chúa Jesus Christ là chúng ta nói đến sống một nếp sống như chính Thiên Chúa đã sống trong thân vị của một con người. Đức Thánh Linh đã khẳng định lẽ thật ấy trong I Giăng 2:6, như sau:

Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.”

Chúng ta đã biết rằng, trong Thánh Kinh, từ ngữ “con đường” có nghĩa là cuộc đời và từ ngữ “bước đi” có nghĩa là nếp sống mỗi ngày. Bước đi như Đấng Christ đã bước đi chính là sống như Đấng Christ đã sống.

Đức Thánh Linh đã khẳng định:

Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.” (I Phi-e-rơ 2:22).

Chẳng những Đấng Christ không làm ra tội, không có sự gian trá trong lời nói, mà Ngài còn chịu khổ vì Tin Lành và để lại cho chúng ta tấm gương chịu khổ:

Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Theo dấu chân Ngài tức là sống thánh khiết không vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời như Ngài đã sống, chịu khổ như Ngài đã chịu khổ, và học lấy sự nhu mì, khiêm nhường của Ngài:

Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

Nhiều người tự xưng mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng không sống như Đấng Christ đã sống. Không giữ ngày Sa-bát như Đấng Christ đã vâng giữ. Họ theo lời truyền khẩu trong các giáo hội mà ngang nhiên vi phạm điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời. Chính Đấng Christ đã phán:

Nhưng Ngài đáp lời, phán với họ: Sao các ngươi bởi lời truyền khẩu của mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời?” (Ma-thi-ơ 15:3).

Và Ngài cũng nhắc lại lời trong Ê-sai 29:13, để gọi những kẻ theo lời truyền khẩu của loài người, của các giáo hội, mà vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời:

Chúng nó thờ lạy Ta cách vô ích, giảng dạy giáo lý về các điều răn của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:9).

Các giáo sư giả trong các giáo hội còn dám cho rằng, sự giữ ngày Sa-bát theo điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời là gánh nặng. Họ ngang nhiên phủ nhận Lời Hằng Sống của Thiên Chúa:

Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3).

Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ, là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12).

Thánh đồ của Đức Chúa Trời phải là người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus.

Có những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus, nhưng lại lên mình kiêu ngạo. Trong họ không có sự nhu mì, khiêm nhường của Đấng Christ. Vì thế, họ cũng không thuộc về Ngài. Những người kiêu ngạo, sớm hay muộn sẽ bị sa ngã, vì chính Đức Chúa Trời sẽ đánh hạ họ:

Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18).

…Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho những người khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5:5).

Lại có những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus, không lên mình kiêu ngạo, nhưng lại không có tình yêu thương đối với các anh chị em cùng Cha, tức là các anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh. Họ chỉ quan tâm đến ích lợi của mình mà không cứu giúp những anh chị em cần được cứu giúp. Những người như vậy sẽ vào trong hình phạt đời đời:

Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó. Vì Ta đã đói, các ngươi không cho Ta thức ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp đón; Ta trần truồng, các ngươi không mặc cho Ta; Ta bệnh và bị tù, các ngươi không thăm viếng. Rồi họ cũng sẽ đáp lời Ngài, thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Ngài, hoặc đói, hoặc khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc bệnh, hoặc bị tù mà không phục vụ Ngài? Thì Ngài sẽ trả lời họ, phán rằng: Thật vậy! Ta nói với các ngươi, các ngươi đã không làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, là các ngươi cũng đã không làm cho Ta. Và những kẻ này sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.” (Ma-thi-ơ 25:41-46).

Lời Chúa trong Phi-líp 2:1-11 khuyên dạy chúng ta hãy theo gương Đấng Christ: hạ mình, khiêm nhường, vâng phục Đức Chúa Trời, yêu thương người khác, chăm sóc đến ích lợi của người khác. Là con dân Chúa nếp sống của chúng ta phải thể hiện sự hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà yêu Chúa và yêu người lân cận như mình (Lu-ca 10:27), cho dù có phải trả giá bằng chính mạng sống của chúng ta.

1 Vậy, nếu có sự khích lệ trong Đấng Christ, nếu có sự an ủi của tình yêu, nếu có sự thông công của thần trí, nếu có sự đồng cảm và lòng thương xót,

2 thì các anh chị em hãy cùng một tâm tình với nhau, có cùng một tình yêu, cùng một linh hồn của một tâm trí, mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn.

Sự khích lệ bày tỏ sự cảm thông, hiểu biết, và mong muốn cho người mình khích lệ được thành công. Sự khích lệ trong Đấng Christ là sự con dân Chúa thể hiện sự quan tâm lẫn nhau; hiểu biết và cảm thông cho cá tính, năng lực, hoàn cảnh sống của nhau; mong cho nhau được thăng tiến và thành công trên bước đường theo Chúa. Khi chúng ta biết khích lệ lẫn nhau thì sẽ không có sự nói xấu nhau, ganh tị với nhau, xem thường lẫn nhau. Nhờ sự khích lệ lẫn nhau mà chúng ta thực sự thông công với nhau và gây dựng lẫn nhau, gây dựng thân thể của Chúa là Hội Thánh.

Sự an ủi bày tỏ sự cảm thông và mang lấy gánh nặng cho nhau. Sự an ủi thể hiện qua lời nói, thái độ, và việc làm. Sự an ủi là phản ứng của tình yêu trước sự người mình yêu bị lâm vào khó khăn, nghịch cảnh, tai ương, hoạn nạn, bệnh tật, bắt bớ… và thậm chí, lỡ vấp ngã, phạm tội.

Sự thông công của thần trí là sự con dân Chúa hiệp một trong thần trí, tức là hiệp một trong đức tin vào Thiên Chúa, trong đức tin vào Thánh Kinh, và trong sự hiểu biết về Thiên Chúa.

Đồng cảm là cùng chung một cảm giác và cảm xúc với nhau. Thương xót là cảm xúc đau lòng trước sự khốn khổ hoặc yếu đuối mà phạm tội của người khác.

Cùng một tâm tình là cùng suy nghĩ và ước muốn giống nhau. Cùng một tình yêu là cùng ở trong tình yêu của Chúa và cùng yêu nhau bằng tình yêu của Chúa. Cùng một linh hồn của một tâm trí là cùng liên kết với nhau và thống nhất quyết tâm sống một đời sống trong Chúa, cho Chúa, và vì Chúa:

  • Sống trong Chúa là sống bởi đức tin vào sự cứu rỗi của Ngài.

  • Sống cho Chúa là sống để phụng sự Chúa, làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho con dân của Ngài.

  • Sống vì Chúa là sống theo Lời Chúa để tôn cao danh Chúa.

Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Phi-líp hãy thể hiện sự hiệp một phấn đấu vì Tin Lành qua nếp sống mỗi ngày của họ, để ông được vui mừng trọn vẹn. Ông vui mừng khi họ tin nhận Tin Lành nhưng sự vui mừng của ông sẽ được trọn vẹn khi họ sống theo Tin Lành mà họ đã tin nhận.

Cách nói có điều kiện với hình thức đơn giản trong ngữ pháp Hy-lạp: “Nếu… thì hãy…” nhằm nhấn mạnh đến sự kiện, vì điều được liệt kê sau chữ “nếu” là sự thật cho nên cần phải có hành động theo sau đó để chứng minh.

Thí dụ: Nếu bạn là môn đồ của Đấng Christ thì hãy vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Câu thí dụ ấy có cùng một nghĩa với câu: Bạn không phải là môn đồ Đấng Christ nếu bạn không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Câu nói có điều kiện với hình thức đơn giản trong ngữ pháp Hy-lạp có tính cách gợi ý chứ không có tính cách ra lệnh. Cách nói ấy để cho người nghe được tự do quyết định sẽ làm theo hoặc không làm theo. Người đã tin nhận Tin Lành được tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đồng thời được tự do chọn sống theo Tin Lành hoặc sống theo ý riêng. Sống theo Tin Lành thì sẽ trở thành nô lệ của Đấng Christ, vì phải vâng phục Đấng Christ, nhưng sự nô lệ Đấng Christ dẫn đến sự sống đời đời và được cùng với Đấng Christ cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Sống theo ý riêng thì tự mình nô lệ cho chính mình, dẫn đến sự không vâng phục Đấng Christ, sẽ sa ngã trở lại vào trong tội lỗi, và sẽ hư mất đời đời.

3 Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.

Nếp sống mỗi ngày của con dân Chúa là trong Chúa, cho Chúa, và vì Chúa, cho nên, con dân Chúa chỉ làm những việc gì được Thánh Kinh gọi là: Có ích lợi, gây dựng, và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23; 31). Vì thế, con dân Chúa không thể làm điều gì vì cạnh tranh với nhau hoặc vì muốn tìm kiếm danh vọng không có thật.

Cạnh tranh là muốn tỏ ra mình bằng hoặc hơn người khác. Hư vinh là sự tung hô, khen ngợi của người đời, công nhận tài cán, năng lực, đức hạnh của mình mà họ không biết rằng mọi sự mình có và mình làm được là bởi sự ban cho từ Thiên Chúa.

Con dân Chúa luôn khiêm nhường, không tự đề cao mình, và khi được người khác khen ngợi thì dâng lời tạ ơn Chúa, dâng mọi vinh quang lên Chúa. Con dân Chúa luôn tôn trọng người khác hơn chính mình. Chúng ta tôn trọng người khác không phải vì người khác tài giỏi, đức hạnh… mà vì người khác là một tạo vật được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Nếu người khác là anh chị em cùng đức tin với chúng ta thì họ với chúng ta còn là một trong Đấng Christ. Có tôn trọng người khác hơn chính mình thì chúng ta mới có thể hy sinh cho nhau và vâng phục nhau (Ê-phê-sô 5:21).

4 Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng {chăm về những sự} của những người khác nữa.

Từ ngữ “những sự của riêng mình” bao gồm tất cả những gì thuộc về mình. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm đối với những gì thuộc về mình, nhưng trong Chúa chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm thuộc về các anh chị em khác; bởi vì trong Hội Thánh chúng ta là một. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch câu này như sau: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” Dịch như vậy thì không được sát nghĩa. “Lợi riêng mình” chỉ là một trong “những sự của riêng mình”. Khi chúng ta quan tâm đến bổn phận, trách nhiệm, quyền lợi, và hoàn cảnh sống của các anh chị em trong Hội Thánh thì chúng ta thật sự thông công, hiệp một với họ.

5 Hãy có cùng một tâm tình này trong các anh chị em như cũng đã có trong Đấng Christ Jesus.

Tâm tình này” tức là tâm tình khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Đức Chúa Trời, hy sinh cho người khác. Con dân Chúa phải có cùng một tâm tình như vậy. Tâm tình ấy chính là tâm tình của Đấng Christ, như được giãi bày trong các câu, 6, 7 và 8 tiếp theo.

6 Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.

Con người mang tên Jesus, với danh xưng Christ, chính là Thiên Chúa nhập thế làm người. Ngài thực hữu (có thật) trong hình thể của Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa. Sự thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa khác với sự được sinh ra trong hình thể loài người. Có các sự thực hữu như sau:

  • Thiên Chúa thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa.

  • Các thiên sứ thực hữu trong các hình thể của thiên sứ.

  • Loài người thực hữu trong hình thể của loài người.

  • Các loài vật thực hữu trong hình thể của các loài vật.

  • Thiên đàng, hỏa ngục, âm phủ, các tầng trời, các vì tinh tú, và trái đất thực hữu trong hình thể của chúng.

  • Thiên Chúa thực hữu trong hình thể loài người; chỉ có một, là Đức Chúa Jesus Christ.

  • Loài người thực hữu trong hình thể hiệp một với hình thể loài người của Thiên Chúa; là những người thuộc về Hội Thánh.

Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Giăng 1:1-3 đã nói rõ về thần tính của Đức Chúa Jesus Christ:

Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.”

Ban đầu CÓ Ngôi Lời có nghĩa là từ trước vô cùng Ngôi Lời tự thực hữu chứ không phải được sinh ra hay được dựng nên. Chúng ta cần nhớ rõ điều này: Thánh Kinh không hề nói Đức Chúa Trời sinh ra Ngôi Lời mà nói rõ: Ngôi Lời là Thiên Chúa!

Trong thân vị loài người thì Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri và được Ma-ri sinh ra trong thế gian; nhưng trong thân vị Thiên Chúa thì Ngài đồng tự có và có mãi với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh.

Chính Đức Chúa Jesus tự xưng: “Ta Là”, nghĩa là: Ta Tự Hữu Hằng Hữu!

Nên Ta đã bảo các ngươi rằng, các ngươi sẽ chết trong tội lỗi của mình, vì nếu các ngươi chẳng tin Ta Là, thì các ngươi sẽ chết trong tội lỗi của các ngươi.” (Giăng 8:24).

Đức Chúa Jesus phán với họ: Thật vậy! Thật vậy! Ta nói với các ngươi, trước khi có Áp-ra-ham, Ta Là!” (Giăng 8:58).

So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14.

Thiên Chúa phán rằng: Ta là Ta Là. Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng “Ta Là” đã sai ta đến với các ngươi. ”

Quý con dân Chúa có thể đọc và nghe thêm loạt bài giảng về Thiên Chúa để hiểu rõ lẽ thật về một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, Đấng Thần Linh; còn gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh [1].

7 Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người;

8 được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự.

Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, Đấng tạo dựng nên muôn loài vạn vật, đã tự bỏ đi hình thể Thiên Chúa của mình, để nhận lấy hình thể của loài phụng sự Thiên Chúa, và trở nên ở trong sự giống như loài người.

Động từ “tự bỏ mình đi” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: tự làm cho mình trở nên trống không, vô giá trị. Danh từ “tôi tớ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: nô lệ, người đã bị bán cho chủ để suốt đời phục vụ chủ, sự sống, sự chết nằm trong tay chủ. “Hình thể” là hình dáng của thân thể. “Thể trạng của một người” là tất cả những gì thuộc về một người, bao gồm: ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, thái độ, hành động, nếp sống…

Trước khi Thiên Chúa Ngôi Lời trở thành con người Jesus, Ngài phải tự bỏ đi hình thể của Thiên Chúa, làm cho mình trở nên trống không, vô giá trị, rồi mới được Đức Chúa Trời ban cho thân thể xác thịt của loài người và được một người nữ sinh ra trong thế gian bởi năng lực của Đấng Thần Linh.

Được tìm thấy trong thể trạng của một người có nghĩa là: Ngài hoàn toàn là loài người. Trong thân vị loài người, Ngài gọi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và Cha. Ngài hạ mình, vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết. Ngài đã chết một cách đau đớn và nhục nhã nhất, là bị kể ngang hàng với quân trộm cướp, giết người, và bị đóng đinh trên cây thập tự.

Nhiều người hiểu lầm: Ngôi Lời là con của Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian. Nhưng Thánh Kinh không hề nói Ngôi Lời là con của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh nói: Ngôi Lời có từ ban đầu. Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời (không phải được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, không phải được dựng nên bởi Đức Chúa Trời).

Có mấy điểm quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ:

  • Con người xác thịt Jesus được gọi là con của Đức Chúa Trời vì con người xác thịt ấy được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Tương tự như ngày nay chúng ta được gọi là con trai con gái của Đức Chúa Trời vì chúng ta được Đức Chúa Trời sinh ra thành những người mới trong Đấng Christ.

  • Con người xác thịt Jesus ấy, sau khi được sinh ra bởi trinh nữ Ma-ri thì được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian, để cứu chuộc loài người.

Đức Chúa Trời đã sai con của Ngài vào trong thế gian, chẳng phải để định tội thế gian, nhưng để cho thế gian được cứu bởi con ấy.” (Giăng 3:17).

Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.” (Ga-la-ti 4:4-5).

  • Về xác thịt, Đức Chúa Jesus Christ là loài người. Về tâm thần, Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Về linh hồn, Đức Chúa Jesus Christ vừa là người vừa là Thiên Chúa.

  • Danh xưng “Đức Chúa Trời” được ban cho con người xác thịt Jesus để xác nhận rằng, thân thể xác thịt ấy dù là thân thể xác thịt của loài người nhưng sẽ được muôn loài vạn vật vâng phục, tôn vinh, và thờ phượng như đối với Đức Chúa Trời.

  • Sau khi Đấng Christ phục sinh, Ngài vẫn mang danh hiệu Chiên Con, để chiếu sáng tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Bởi tình yêu ấy: Đức Chúa Trời đã ban sự cứu rỗi cho nhân loại, Ngôi Lời đã hy sinh để cứu chuộc nhân loại, và Đấng Thần Linh đã làm cho bất cứ ai tin nhận Tin Lành được sống lại, được dựng nên mới.

Chúng ta cần phân biệt các giai đoạn thực hữu của Đức Chúa Jesus Christ:

Giai đoạn từ trước khi nhập thế làm người: Ngài là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Ngài là thân vị Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo nên muôn loài. Sáng Thế Ký cho chúng ta biết, Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và đất cùng muôn vật trong sáu ngày bởi các lời phán; hay nói cách khác: bởi Ngôi Lời!

Giai đoạn nhập thế làm người và chịu chết: Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là loài người nhưng Ngài tự làm cho hình thể Thiên Chúa của mình ra trống không. Vì thế, Ngài không tự mình làm ra các việc quyền năng, phép lạ, mà Ngài phải nhờ vào thánh linh của Thiên Chúa, do Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ban cho Ngài.

Giai đoạn sau khi thân thể loài người của Ngài phục sinh: Ngài vẫn vừa là Thiên Chúa vừa là loài người nhưng hình thể Thiên Chúa của Ngài được phục hồi. Ngay trong thân thể xác thịt loài người của Ngài, Ngài có thể làm ra các việc quyền năng, phép lạ, như: Ngài sẽ dựng nên trời mới, đất mới, và cai trị Vương Quốc Đời Đời.

9 Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,

Cũng vì thế” là cũng vì có tâm tình khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Đức Chúa Trời. Chính vì sự tự hạ mình, vâng phục cho đến chết mà con người xác thịt Jesus đã được Đức Chúa Trời làm cho sống lại, tôn cao, đặt ngồi trên ngai của Thiên Chúa. Chúng ta nên nhớ, trong thân vị Thiên Chúa thì Ngôi Lời bình đẳng và bình quyền với Đức Chúa Trời; nhưng trong thân vị loài người, thì con người Jesus là tôi tớ phụng sự Đức Chúa Trời trong công tác thiết lập và cai trị Vương Quốc Trời. Tuy nhiên, chính con người xác thịt Jesus ấy, sau khi hoàn thành công cuộc chết chuộc tội cho loài người, sống lại từ trong những kẻ chết, thì được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu “Đức Chúa Trời”. Lời Chúa khẳng định rõ ràng:

Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Ngài còn đến đời đời, cây gậy công chính là cây gậy của vương quốc Ngài. Ngài ưa điều công bình, ghét điều gian ác; Cho nên, hỡi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của Ngài lấy dầu vui mừng xức cho, khiến Ngài trội hơn kẻ đồng loại mình.” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời của Ngài, tức là Đức Cha, lấy dầu vui mừng xức cho Ngài. Chúng ta biết danh “Đức Chúa Trời” đã được Đức Chúa Trời ban cho Đức Chúa Jesus vì chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định điều ấy:

Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở thế gian, và con về cùng Ngài. Lạy Cha thánh, xin giữ gìn họ trong danh Ngài, là danh Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như chúng ta vậy.” (Giăng 17:11).

Nhưng danh trên hết mọi danh chính là danh JESUS. JESUS có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi.

10 để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống,

11 và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ {là} Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.

JESUS chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong thân vị loài người ban sự cứu rỗi cho nhân loại, phục hoà muôn vật trong thế gian với Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:19; Ê-phê-sô 2:16; Cô-lô-se 1:20). Vì thế mà trong danh JESUS, tức là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi”, mọi loài tạo vật đều quỳ xuống để xưng nhận Jesus Christ là Chúa. Xưng nhận Jesus Christ là Chúa có nghĩa là xưng nhận Ngài là Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa! Khi xưng nhận như vậy là hướng về sự tôn vinh Đức Chúa Trời, Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha, vì chính Đức Chúa Trời ban chức vụ Christ cho con người Jesus. Sự xưng nhận này sẽ xảy ra trong Vương Quốc Trời trong thời kỳ ngàn năm bình an trên đất.

Mọi đầu gối trong các tầng trời chỉ về tất cả các thiên sứ và những người thuộc về Chúa đã chết, trên đất chỉ về tất cả mọi người đang sống trên đất, bên dưới đất chỉ về những người đã chết mà không tin Chúa cùng với các thiên sứ phạm tội bị nhốt trong âm phủ. Mặc dù cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ có nhiều người theo Sa-tan chống nghịch Đấng Christ, nhưng trong suốt thời kỳ ngàn năm bình an, tất cả muôn loài thọ tạo phải thờ phượng và vâng phục Đấng Christ.

Danh từ “Thiên Phụ” có nghĩa: Thiên Chúa trong thân vị Cha. Đức Chúa Trời chính là Thiên Chúa trong thân vị Cha. Ngài là Cha của con người xác thịt Jesus và cũng là Cha của những ai thuộc về Ngài. Đức Chúa Jesus phán:

Đức Chúa Jesus phán với bà: Đừng chạm vào Ta! Vì Ta chưa lên đến Cha Ta! Nhưng hãy đi đến với các anh chị em cùng Cha của Ta và nói với họ, Ta lên đến Cha Ta và Cha các ngươi, Đức Chúa Trời của Ta và Đức Chúa Trời của các ngươi.” (Giăng 20:17).

Đức Chúa Trời sinh ra một A-đam mới, là con người Jesus trong lòng trinh nữ Ma-ri và sai con người ấy vào trong thế gian làm Đấng Christ. Ngài cũng sinh ra con người Jesus từ trong những kẻ chết (Cô-lô-se 1:15, 18).

Đức Chúa Trời cũng sinh ra mới những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và sẽ sinh ra họ từ trong những kẻ chết trong ngày Đấng Christ tái lâm.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ thần tính của Đấng Christ, biết rằng Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là loài người, vì Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người. Nhờ đó, chúng ta biết tránh xa những sự giảng dạy tà giáo, không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Nguyện chính Đấng Christ ban cho chúng ta năng lực để chúng ta có thể trọn vẹn theo gương khiêm nhường, hạ mình, vâng phục cho đến chết của Ngài. Nguyện Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự khôn sáng, hiểu biết Lời Chúa, và áp dụng vào nếp sống mới trong Đấng Christ của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/11/2016

Ghi Chú

[1] http://timhieuthanhkinh.net/le-that-cua-thanh-kinh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.