Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 21:01-14 Phao-lô Về Lại Giê-ru-sa-lem

1,045 views

YouTube: https://youtu.be/kV8hyczvpLc

44049 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 21:1-14
Phao-lô Về Lại Giê-ru-sa-lem

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Ba của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/04/HanhTrinhTruyenGiao_3.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 21:1-14

1 Đã xảy ra, chúng tôi chịu phân rẽ khỏi họ, ra khơi, đi thẳng đến thành Cốt. Ngày tiếp theo, đến đảo Rô-đơ, và từ đó đến thành Ba-ta-ra.

2 Gặp một chiếc tàu đến Phê-ni-xi, chúng tôi đã lên tàu, ra khơi.

3 Thấy đảo Chíp-rơ, thì lìa nó bên trái, hải hành đến xứ Si-ri. Chúng tôi đã xuống tàu tại thành Ti-rơ, vì tại đó, chiếc tàu phải xuống hàng.

4 Tìm được các môn đồ, chúng tôi đã ở lại đó bảy ngày. Họ đã bởi Đấng Thần Linh bảo Phao-lô, chớ đi lên đến Giê-ru-sa-lem.

5 Khi chúng tôi đã ở trọn các ngày, chúng tôi đã ra đi, tiếp tục hành trình. Hết thảy họ với vợ và con đã tiễn chúng tôi cho đến ngoài thành. Chúng tôi đã quỳ xuống trên bờ, cầu nguyện.

6 Chúng tôi đã chào từ giã nhau. Rồi, chúng tôi đã lên tàu; còn họ đã trở về nhà của họ.

7 Chúng tôi đã kết thúc hải trình, khi từ thành Ti-rơ đến thành Bê-tô-lê-mai. Chúng tôi đã chào thăm các anh chị em cùng Cha và ở lại với họ một ngày.

8 Hôm sau, những người cùng đi với Phao-lô và ông đã lên đường, đến tại thành Sê-sa-rê, vào trong nhà của Phi-líp, người giảng Tin Lành, là người thuộc nhóm bảy chấp sự, ở lại với người.

9 Người có bốn con gái đồng trinh; họ biết nói tiên tri.

10 Chúng tôi đã ở đó nhiều ngày. Có một tiên tri kia, tên là A-ga-bút, xuống từ xứ Giu-đê.

11 Người đã đến với chúng tôi, lấy dây thắt lưng của Phao-lô, trói chân tay của mình, nói: Đức Thánh Linh phán như thế này, dân Do-thái tại thành Giê-ru-sa-lem sẽ trói như vậy người nào dây thắt lưng này thuộc về, và giao nộp vào trong tay các dân ngoại.

12 Khi chúng tôi đã nghe các lời ấy thì cả chúng tôi và các người ở đó đều xin người đừng đi lên tới thành Giê-ru-sa-lem.

13 Nhưng Phao-lô đã trả lời rằng: Các anh chị em làm gì mà khóc lóc và làm nát lòng tôi? Vì tôi đã sẵn sàng chẳng những chỉ chịu trói nhưng cũng chịu chết tại thành Giê-ru-sa-lem cho danh của Đức Chúa Jesus.

14 Khi người chẳng chịu thuyết phục, thì chúng tôi ngưng và nói rằng: Nguyện ý Chúa được nên!

Sau lời chia tay và bài giảng cuối cùng dành cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô thì Phao-lô và các bạn của ông đã tiếp tục lên đường, về lại thành Giê-ru-sa-lem.

Phao-lô rời xứ A-si để về lại Giê-ru-sa-lem vào khoảng giữa mùa xuân năm 58, trước ngày Lễ Ngũ Tuần. Sau đó, ông đã bị đám dân theo Do-thái Giáo nổi loạn, muốn giết ông, nhưng quân lính La-mã đã kịp thời đến nơi, đem ông vào đồn lính. Kể từ đó, ông có cơ hội để giảng Tin Lành cho các vua, các quan trong đế quốc La-mã, nhưng ông cũng sẽ phải chịu khổ vô cùng vì danh Chúa, đúng y theo lời phán dạy của Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15-16).

Kể từ Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 21 trở đi, chúng ta được học biết về mấy năm cuối cùng của Phao-lô, sự ở tù của ông, trước khi ông bị chết chém vào năm 68, trong lần đế quốc La-mã bách hại Hội Thánh lần thứ nhất.

1 Đã xảy ra, chúng tôi chịu phân rẽ khỏi họ, ra khơi, đi thẳng đến thành Cốt. Ngày tiếp theo, đến đảo Rô-đơ, và từ đó đến thành Ba-ta-ra.

2 Gặp một chiếc tàu đến Phê-ni-xi, chúng tôi đã lên tàu, ra khơi.

Động từ “chịu phân rẽ” (G645) có nghĩa đen là bị xé ra, như là thịt bị xé ra khỏi xương. Cách nói “chịu phân rẽ” nhằm nhấn mạnh đến sự phải bị phân rẽ ngoài ý muốn. Nghĩa là hoàn cảnh khiến cho phải phân rẽ chứ lòng người thì không muốn. Lu-ca đã dùng động từ này để nói lên sự gắn bó vô cùng mật thiết giữa Phao-lô, các bạn của ông, với các trưởng lão của Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Cuộc chia tay đã khiến cho ai nấy đều khóc rất nhiều, vì quá đau lòng, khi biết Phao-lô sẽ phải chịu khổ vì danh Chúa, nhất là biết rằng, sẽ không còn bao giờ được gặp lại nhau trong thế gian.

Phao-lô và các bạn của ông, sau khi từ giã các trưởng lão của Hội Thánh tại Ê-phê-sô, đã lên tàu, ra khơi. Tàu đã chạy thẳng đến thành Cốt. Ngày hôm sau, đến đảo Rô-đơ, rồi đến thành Ba-ta-ra. Tại Ba-ta-ra, Phao-lô và các bạn của ông đã chuyển sang một tàu khác để đi đến xứ Phê-ni-xi. Chúng ta chú ý thấy Lu-ca ghi lại danh sách các hải đảo, các bến cảng trong cuộc hải trình. Có lẽ lý do là vì các địa điểm ấy nổi tiếng vào thời ấy về cảnh đẹp, và nhất là về các đền thờ tà thần, mà Thê-ô-phi-lơ, người nhận sách, có biết đến.

Xứ Phê-ni-xi là vùng duyên hải phía đông của Địa Trung Hải, nằm về phía bắc xứ Ga-li-lê, lúc bấy giờ thuộc Si-ri. Phê-ni-xi có hai hải cảng lớn là Si-đôn và Ti-rơ, là hai thành mà Đức Chúa Jesus đã từng ghé qua (Ma-thi-ơ 15:21). Chúng cũng được Đức Chúa Jesus nhắc đến trong Ma-thi-ơ 11:21.

3 Thấy đảo Chíp-rơ, thì lìa nó bên trái, hải hành đến xứ Si-ri. Chúng tôi đã xuống tàu tại thành Ti-rơ, vì tại đó, chiếc tàu phải xuống hàng.

Lìa đảo Chíp-rơ bên trái có nghĩa là trên hải trình từ tây sang đông, khi gặp đảo Chíp-rơ thì chiếc tàu đã chạy về phía bên phải của đảo, hướng về Phê-ni-xi của xứ Si-ri.

Ti-rơ là một hải cảng lớn của Phê-ni-xi. Tàu đã buông neo tại đó để xuống hàng. Phao-lô và các bạn của ông cũng đã xuống tàu, đi vào trong thành.

4 Tìm được các môn đồ, chúng tôi đã ở lại đó bảy ngày. Họ đã bởi Đấng Thần Linh bảo Phao-lô, chớ đi lên đến Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta không biết các môn đồ ở Ti-rơ là những người tin Chúa từ khi Đức Chúa Jesus ghé qua Ti-rơ; hay họ tin Chúa bởi các môn đồ của Chúa từ Giê-ru-sa-lem đã tản lạc đến, sau cơn bách hại của Do-thái Giáo, khiến Ê-tiên phải tử Đạo. Phao-lô và các bạn của ông đã ở lại với con dân Chúa trong Hội Thánh tại Ti-rơ suốt bảy ngày.

Con dân Chúa tại Ti-rơ, bởi sự thần cảm mà biết Phao-lô sẽ phải chịu khổ vì danh Chúa, sau khi ông về lại Giê-ru-sa-lem. Cũng bởi sự thần cảm mà họ đã lên tiếng, khuyên Phao-lô đừng đi lên Giê-ru-sa-lem. Nghĩa là, Đấng Thần Linh đã cảm động lòng họ để họ khuyên can Phao-lô. Họ lên tiếng khuyên Phao-lô theo sự nhận thức Đấng Thần Linh đã ban cho họ, nhưng không phải Ngài truyền cho họ phải ngăn cản Phao-lô. Ngài báo cho họ biết sự Phao-lô phải chịu khổ vì danh Chúa, sau khi về đến Giê-ru-sa-lem, là để họ dâng lời cầu thay cho ông. Đồng thời, Ngài cũng cảm động lòng họ để họ theo lời dạy của Đức Chúa Jesus về sự phải trốn tránh khi bị bách hại, để khuyên Phao-lô đừng về lại Giê-ru-sa-lem. Sự khuyên can đó có thể là để thử thách Phao-lô. Chính Phao-lô đã nhận được sự tỏ ra trực tiếp của Đức Thánh Linh trong thần trí của ông và được Ngài tiếp tục làm chứng cho ông ở mỗi thành phố ông ghé qua, về sự ông phải chịu khổ (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:23). Vì thế, trừ khi có mệnh lệnh trực tiếp từ Ngài, Phao-lô không thể không về lại Giê-ru-sa-lem.

Qua sự việc này, chúng ta rút ra bài học: Nếu Chúa đã phán dạy chúng ta về một điều gì đó thì chúng ta gắng sức và trung tín làm theo lời phán dạy của Ngài. Có thể, anh chị em trong Hội Thánh sẽ lên tiếng ngăn cản chúng ta mà lời ngăn cản đó hợp lý, không sai nghịch Thánh Kinh. Nhưng nếu không phải là mệnh lệnh trực tiếp từ Chúa thì chúng ta không thể vâng theo. Vì chúng ta đã có mệnh lệnh trực tiếp từ Chúa, về việc Ngài muốn chúng ta làm hay muốn chúng ta chịu đựng điều gì; thì bất cứ sự thay đổi nào cũng phải là mệnh lệnh trực tiếp đến từ Chúa.

5 Khi chúng tôi đã ở trọn các ngày, chúng tôi đã ra đi, tiếp tục hành trình. Hết thảy họ với vợ và con đã tiễn chúng tôi cho đến ngoài thành. Chúng tôi đã quỳ xuống trên bờ, cầu nguyện.

6 Chúng tôi đã chào từ giã nhau. Rồi, chúng tôi đã lên tàu; còn họ đã trở về nhà của họ.

Ở trọn các ngày” là ở trọn bảy ngày. Chiếc tàu đã cần bảy ngày để xuống hàng cũ và lên hàng mới. Sau đó, Phao-lô và các bạn của ông đã từ giã con dân Chúa tại Ti-rơ để tiếp tục cuộc hải trình. Gia đình của con dân Chúa tại Ti-rơ đã đưa tiễn Phao-lô và các bạn của ông cho đến tận bến tàu, ở bên ngoài thành. Trước khi Phao-lô và các bạn của ông lên tàu, họ đã quỳ xuống trên bờ biển với con dân Chúa tại Ti-rơ, cùng nhau cầu nguyện. Người ở lại cầu nguyện và chúc phước cho người đi. Người đi cũng cầu nguyện và chúc phước cho người ở lại. Đây là một trong các sinh hoạt tốt đẹp, đầy ơn Chúa của Hội Thánh.

7 Chúng tôi đã kết thúc hải trình, khi từ thành Ti-rơ đến thành Bê-tô-lê-mai. Chúng tôi đã chào thăm các anh chị em cùng Cha và ở lại với họ một ngày.

Câu này giúp cho chúng ta hiểu rằng, cuộc hải trình của Phao-lô và các bạn của ông đã kết thúc, khi họ xuống tàu tại thành Bê-tô-lê-mai. Từ đó, cho tới khi về đến Giê-ru-sa-lem, thì họ sẽ đi đường bộ. Họ đã ở lại Bê-tô-lê-mai một ngày, thông công với con dân Chúa tại đó.

8 Hôm sau, những người cùng đi với Phao-lô và ông đã lên đường, đến tại thành Sê-sa-rê, vào trong nhà của Phi-líp, người giảng Tin Lành, là người thuộc nhóm bảy chấp sự, ở lại với người.

9 Người có bốn con gái đồng trinh; họ biết nói tiên tri.

Đường bộ từ Bê-tô-lê-mai đến Sê-sa-rê là khoảng 48 km, trọn một ngày đi đường. Những người cùng đi với Phao-lô có ít nhất là tám người. Theo danh sách được ghi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4 thì gồm có: Sô-ba-tê quê ở Bê-rê; A-ri-tạc và Xê-cun-đu là người Tê-sa-lô-ni-ca; Gai-út và Ti-mô-thê quê ở Đẹt-bơ; Ti-chi-cơ và Trô-phim quê ở A-si; ngoài ra còn có Lu-ca là người ở bên cạnh Phao-lô, ghi chép lại các hành trình truyền giáo của Phao-lô.

Phi-líp được nói đến ở đây chính là Phi-líp đã giảng Tin Lành cho dân Sa-ma-ri, đã báp-tem cho viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi, và sau đó, đã định cư tại Sê-sa-rê (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:40). Ông là một trong bảy chấp sự đầu tiên của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5). Bốn cô con gái của Phi-líp không lấy chồng và đều biết nói tiên tri. Sự nói tiên tri của bốn cô gái này có thể được hiểu là họ vừa rao giảng Tin Lành dựa trên Lời Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước, vừa nói trước một số điều sẽ xảy ra, có liên quan đến Hội Thánh. Có các trường hợp tiên tri về các việc sẽ xảy ra đã ghi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:27-28; 21:10-11.

Ngày nay, trong Hội Thánh vẫn có những người được Chúa gọi vào chức vụ tiên tri, nam cũng như nữ, và được Chúa ban cho biết trước một số điều sẽ xảy ra trong Hội Thánh địa phương hoặc trong Hội Thánh chung. Chúng ta đang sống trong những ngày sau cùng mà Giô-ên đã tiên tri trong Giô-ên 2:28-32 và đã được Sứ Đồ Phi-e-rơ nhắc lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21.

10 Chúng tôi đã ở đó nhiều ngày. Có một tiên tri kia, tên là A-ga-bút, xuống từ xứ Giu-đê.

11 Người đã đến với chúng tôi, lấy dây thắt lưng của Phao-lô, trói chân tay của mình, nói: Đức Thánh Linh phán như thế này, dân Do-thái tại thành Giê-ru-sa-lem sẽ trói như vậy người nào dây thắt lưng này thuộc về, và giao nộp vào trong tay các dân ngoại.

Ở đó” là ở tại thành Sê-sa-rê, trong nhà của Phi-líp.

Tiên Tri A-ga-bút đã từng tiên tri về cơn đói kém lớn, trong khắp đế quốc La-mã, như đã được ghi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:28. Xứ Giu-đê nằm tiếp liền về phía nam của xứ Sa-ma-ri. Thành Sê-sa-rê thuộc về cực bắc và cực tây của xứ Sa-ma-ri.

Tiên Tri A-ga-bút đã đến gặp Phao-lô và các bạn của ông, cùng các con dân Chúa tại Sê-sa-rê. Ông đến để truyền lời làm chứng của Đức Thánh Linh cho Phao-lô, về sự Phao-lô sẽ chịu khổ vì danh Chúa, khi về đến Giê-ru-sa-lem. Có lẽ đây là lần cuối cùng Đức Thánh Linh làm chứng cho Phao-lô, về sự ông sẽ phải chịu khổ vì danh Chúa. Lần này, Đức Thánh Linh không chỉ làm chứng riêng cho Phao-lô mà là trước Hội Thánh, qua lời nói và hành động cụ thể của A-ga-bút.

Dây thắt lưng vào thời ấy là một sợi dây làm bằng vải, rất dài, có thể quấn chung quanh lưng, phía bên ngoài áo khoác ngoài, làm nhiều vòng. Túi đựng tiền, dao, gươm… có thể được giắt vào dây thắt lưng.

Động từ “lấy” (G142) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng trong câu 11 có nghĩa đen là nhấc lên. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, Phao-lô đã cởi dây thắt lưng và áo khoác ngoài của ông, để đâu đó trong nhà, và A-ga-bút đã đến đó, nhấc dây thắt lưng lên.

Động từ “giao nộp” (G3860) không được dùng với nghĩa là giao nộp cách tình nguyện, mà là giao nộp theo sự bị ra lệnh.

12 Khi chúng tôi đã nghe các lời ấy thì cả chúng tôi và các người ở đó đều xin người đừng đi lên tới thành Giê-ru-sa-lem.

Đại danh từ “chúng tôi” trong câu này là chỉ về các bạn đồng hành của Phao-lô. “Các người ở đó” là con dân Chúa tại Sê-sa-rê.

Trước lời tiên tri và hành động minh họa của A-ga-bút, mọi người đều lên tiếng, ngăn cản Phao-lô, không muốn ông về lại Giê-ru-sa-lem. Sự ngăn cản này là phải lẽ, vì chính Đức Chúa Jesus đã dạy cho các môn đồ của Ngài, khi bị bách hại trong thành này thì phải trốn sang thành kia (Ma-thi-ơ 10:23). Và vì các môn đồ không biết rõ những gì Đức Thánh Linh đã truyền cho Phao-lô nên đương nhiên là họ phải lên tiếng, khuyên Phao-lô tránh sự bị bách hại.

Trong suốt dòng lịch sử gần 2.000 năm qua của Hội Thánh, con dân Chúa vẫn bỏ trốn khi bị bách hại. Nhưng nếu có mệnh lệnh trực tiếp của Chúa, rằng họ phải đối diện với sự bách hại thì họ sẵn lòng vâng phục Chúa. Thực tế, hàng chục triệu con dân Chúa đã bị bách hại cho đến chết vì danh Chúa. Trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì số con dân Chúa đã chết được sống lại sẽ nhiều hơn số con dân Chúa đang sống, được biến hóa. Vì trong ngày Đấng Christ đến để đón Hội Thánh, sẽ không có bao nhiêu người đang sống mà thật lòng tin Chúa và sống theo Lời Chúa (Lu-ca 18:8). Trái lại, số người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ sẽ rất là nhiều, hiện nay đã có đến hơn hai tỉ người.

13 Nhưng Phao-lô đã trả lời rằng: Các anh chị em làm gì mà khóc lóc và làm nát lòng tôi? Vì tôi đã sẵn sàng chẳng những chỉ chịu trói nhưng cũng chịu chết tại thành Giê-ru-sa-lem cho danh của Đức Chúa Jesus.

Câu trả lời của Phao-lô cho thấy, ông đã quyết tâm vâng phục Chúa, sẵn sàng chấp nhận bất cứ những gì Chúa cho phép xảy ra cho ông, kể cả sự khổ và sự chết. Ông đã thật sự sống cho Chúa và chết cho Chúa như các lời ông đã viết cho Hội Thánh tại Ga-la-ti và Rô-ma:

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Qua câu trả lời của Phao-lô, chúng ta cũng được biết là các bạn của Phao-lô và con dân Chúa tại Sê-sa-rê đã khóc nhiều, trong khi khuyên can Phao-lô. Tình yêu của họ dành cho Phao-lô cũng đã khiến cho Phao-lô bị đau đớn trong lòng. Sự đau đớn khi thấy những người mình yêu thương, quý mến phải chịu buồn khổ.

Nếu chúng ta yêu anh chị em cùng Cha của mình đến mức lòng của chúng ta sẽ như tan nát, khi thấy các anh chị em của mình buồn khổ, thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ nói hay làm điều gì khiến tổn thương anh chị em của mình cách không công chính. Có những sự chúng ta có thể gây cho anh chị em của mình bị tổn thương, như khi quở trách sự phạm lỗi, phạm tội của họ; như Phao-lô đã từng quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh tại An-ti-ốt. Nhưng đó là điều công chính mà chúng ta cần phải làm để cứu giúp anh chị em của mình.

Những lời nói nghi ngờ, gièm chê, và ngay cả lời nói đùa mà mình không muốn người khác nói về mình thì đừng bao giờ nói ra. Chúng ta cần tập ít nói lại.

Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

Hãy tập sao cho chúng ta chỉ nói với mọi người những lời lành, là những lời có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.

Tất cả những gì chúng ta nói về và làm cho anh chị em của mình là chúng ta nói về và làm cho chính Đấng Christ. Vì mỗi anh chị em của chúng ta là một chi thể của Ngài.

14 Khi người chẳng chịu thuyết phục, thì chúng tôi ngưng và nói rằng: Nguyện ý Chúa được nên!

Với câu trả lời của Phao-lô, mọi người nhận biết là ông đã cương quyết sẵn sàng chịu khổ, thậm chí chịu chết vì danh Chúa. Vì thế, không ai khuyên can Phao-lô nữa. Tất cả mọi người đồng ý, phó thác Phao-lô vào trong tay Chúa và cầu xin ý Chúa được thành toàn trên ông.

Mỗi một con dân Chúa hoàn toàn được tự do lựa chọn trước Chúa, kể cả chọn bỏ Chúa. Hội Thánh có thể góp ý, khuyên bảo, răn đe tùy theo từng trường hợp; nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về mỗi người trong cuộc. Nhưng con dân Chúa nên theo nguyên tắc sau đây:

  • Nếu không có sự trực tiếp phán dạy của Chúa thì phải làm theo các nguyên tắc căn bản của Thánh Kinh.

  • Nếu có nhiều lựa chọn mà không lựa chọn nào nghịch lại Thánh Kinh thì con dân Chúa có thể hỏi ý kiến của các anh chị em trong Hội Thánh, nhất là của các trưởng lão và người chăn trong Hội Thánh địa phương.

  • Ý kiến tốt nhất sẽ là ý kiến có sự đồng thuận của tất cả các trưởng lão không ở trong cuộc. Các trưởng lão không ở trong cuộc là các trưởng lão không có quyền lựa chọn trong sự việc đang được xem xét.

Chúa đặt ra các trưởng lão trong Hội Thánh là để chăn dắt con dân Chúa trong mỗi Hội Thánh từ thuộc thể đến thuộc linh. Vì thế, con dân Chúa nên vâng phục các trưởng lão, trừ khi chính mình nhận được sự phán dạy trực tiếp từ Chúa, khác với sự góp ý, khuyên bảo của các trưởng lão. Chỉ cần một lần không vâng phục các trưởng lão là đủ để cho ma quỷ có cơ hội tấn công người không vâng phục. Vì sự không vâng phục đó thể hiện:

  • Sự kiêu ngạo ngầm của người không vâng phục. Người ấy tự cho là mình khôn sáng hơn các trưởng lão trong Hội Thánh.

  • Sự tham muốn làm theo ý riêng để thỏa mãn các ích lợi hay các sự thuận tiện trước mắt, mà không quan tâm đến những cái hại lâu dài về sau.

  • Sự tự tách mình ra khỏi sự hiệp một của Hội Thánh.

Con dân Chúa nào biết tôn trọng, vâng phục các trưởng lão và người chăn trong Hội Thánh địa phương thì sẽ luôn kinh nghiệm một cuộc sống vui thỏa trong Chúa, dù có phải trải qua bất cứ cảnh ngộ nào. Vì người ấy được hưởng toàn bộ các ơn phước Chúa ban cho Hội Thánh, mà chỉ những người có đức tin, có lòng vâng phục mới nhận lãnh được.

Cảm tạ Chúa! Với phương tiện truyền thông mạng hiện nay, con dân Chúa ở những nơi không có trưởng lão vẫn có thể tham khảo ý kiến của các trưởng lão ở nơi khác.

Trong trường hợp không có trưởng lão ở nơi mình đang sống thì con dân Chúa có thể chọn thông công với một Hội Thánh địa phương có trưởng lão, và xem mình như là chi thể ở xa của Hội Thánh tại địa phương ấy. Cần giữ sự thông công mật thiết với Hội Thánh tại địa phương ấy. Cũng có trường hợp trưởng lão địa phương đã tỏ ra bất xứng trong chức vụ vì không có nếp sống đúng theo Lời Chúa, không làm tròn bổn phận của trưởng lão. Khi ấy, con dân Chúa tại đó có thể chọn thông công với một Hội Thánh địa phương khác, có trưởng lão. Khi thời điểm đến, Chúa sẽ sửa phạt trưởng lão bất xứng ấy. Cũng có trường hợp trưởng lão và đa số con dân Chúa trong một Hội Thánh địa phương phạm tội mà không ăn năn. Khi ấy, con dân Chúa không can dự trong sự phạm tội cần ra khỏi Hội Thánh địa phương ấy ngay, sau khi đã hai lần khuyên bảo mà không kết quả.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/05/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Từ Nay Có Ngài”
https://karaokethanhca.net/tu-nay-co-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.