Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL030 Đức Chúa Jesus tại Thành Ca-bê-na-um – Phần 1

424 views


YouTube: https://youtu.be/5OediPs1IFw

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL030 Đức Chúa Jesus tại Thành Ca-bê-na-um – Phần 1
Người Bị Quỷ Ám và Mẹ Vợ của Phi-e-rơ Được Chữa Lành
Ma-thi-ơ 4:13-17; 8:14-15; Mác 1:21-31; Lu-ca 4:31-39

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 4:13-17

13 Ngài rời khỏi Na-xa-rét, đến ở tại Ca-bê-na-um, gần bờ biển, trong ranh giới của xứ Sa-bu-lôn và xứ Nép-ta-li,

14 để cho được ứng nghiệm lời đã nói bởi Tiên Tri Ê-sai, rằng:

15 Đất Sa-bu-lôn và đất Nép-ta-li, đường biển, bên kia sông Giô-đanh, thuộc xứ Ga-li-lê của các dân ngoại.

16 Các dân đã ngồi trong sự tối tăm, đã nhìn thấy ánh sáng lớn. Với những kẻ đã ngồi trong miền và bóng của sự chết, thì ánh sáng đã bừng lên. [Ê-sai 9:2; 42:7]

17 Từ lúc đó, Đức Chúa Jesus đã bắt đầu rao giảng và phán: Các ngươi hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần.

Ma-thi-ơ 8:14-15

14 Đức Chúa Jesus đã vào trong nhà của Phi-e-rơ. Ngài đã thấy mẹ vợ của người được đặt nằm xuống và bị sốt.

15 Ngài đã chạm tay của bà và cơn sốt đã rời khỏi bà. Bà đã đứng dậy và phục vụ họ.

Mác 1:21-31

21 Họ đã đi đến thành Ca-bê-na-um. Tức thì vào các ngày Sa-bát, Ngài đã vào trong nhà hội và giảng dạy.

22 Họ đã kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài. Vì Ngài đã giảng dạy họ như có quyền, chứ không như các thầy thông giáo.

23 Trong nhà hội của họ, đã có người bởi tà linh, kêu la.

24 Rằng: Ôi! Hỡi Jesus, người Na-xa-rét! Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.

25 Đức Chúa Jesus đã quở trách nó rằng: Hãy im đi và hãy ra khỏi người!

26 Tà linh đã vật mạnh người ấy, kêu lớn tiếng, ra khỏi người.

27 Hết thảy họ ngạc nhiên, đến nỗi đã hỏi với nhau rằng: Cái gì vậy? Giáo lý mới này là gì? Vì Ngài đã truyền lệnh cho các tà linh với thẩm quyền và chúng vâng phục Ngài.

28 Danh tiếng của Ngài tức thì đã đồn ra khắp cả miền xung quanh xứ Ga-li-lê.

29 Vừa ra khỏi nhà hội, họ đã vào trong nhà của Si-môn và Anh-rê, với Gia-cơ và Giăng.

30 Mẹ vợ của Si-môn đã được đặt nằm xuống, bị sốt rất cao. Họ thưa ngay với Ngài về bà.

31 Ngài đã đến, cầm tay bà, đỡ bà dậy. Cơn sốt đã lập tức rời khỏi bà, và bà đã phục vụ họ.

Lu-ca 4:31-39

31 Ngài đã đi xuống, vào Ca-bê-na-um, một thành thuộc xứ Ga-li-lê. Ngài đã giảng dạy trong các ngày Sa-bát.

32 Họ đều kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài. Vì lời của Ngài là trong thẩm quyền.

33 Trong nhà hội đã có một người có linh của ma quỷ ô uế. Người ấy đã kêu lớn tiếng.

34 Rằng: Ôi! Hỡi Jesus, người Na-xa-rét! Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.

35 Đức Chúa Jesus đã quở trách nó rằng: Hãy im đi và hãy ra khỏi người! Ma quỷ đã vật ngã người giữa đám đông, ra khỏi người, và không làm hại người.

36 Sự ngạc nhiên đã đến trên mọi người và họ đã nói với nhau rằng: Lời này là gì vậy? Vì với thẩm quyền và năng lực Ngài đã ra lệnh cho các tà linh, và chúng ra khỏi.

37 Danh tiếng của Ngài đã đồn ra khắp nơi xung quanh vùng ấy.

38 Ngài đã đứng dậy, ra khỏi nhà hội, vào trong nhà của Si-môn. Mẹ vợ của Si-môn đã bị sốt rất cao. Họ đã xin Ngài chữa cho bà.

39 Ngài đã đứng nghiêng mình trên bà, nghiêm cấm cơn sốt thì nó lìa khỏi bà. Tức thì bà đã trỗi dậy và phục vụ họ.

Trong bài này và hai bài tiếp theo, chúng ta cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus rao giảng Tin Lành tại thành Ca-bê-na-um, sau khi Ngài thoát khỏi sự sát hại của dân chúng thành Na-xa-rét. Cùng với sự rao giảng Tin Lành, Đức Chúa Jesus đã làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh và đuổi quỷ cho nhiều người. Cũng tại bờ Biển Ga-li-lê của thành Ca-bê-na-um mà Chúa đã kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng làm sứ đồ. Chúng ta đã học về sự kiện này trong bài trước.

Ma-thi-ơ đã tóm tắt linh vụ của Đức Chúa Jesus tại thành Ca-bê-na-um trong Ma-thi-ơ 4:13-17, trước khi ghi lại một số phép lạ Ngài đã làm trong các đoạn khác.

13 Ngài rời khỏi Na-xa-rét, đến ở tại Ca-bê-na-um, gần bờ biển, trong ranh giới của xứ Sa-bu-lôn và xứ Nép-ta-li,

Mặc dù được sinh ra tại Bết-lê-hem, nhưng từ khi còn thơ ấu, vào khoảng ba hay bốn tuổi, Đức Chúa Jesus đã sống tại thành Na-xa-rét, cho tới khi vào khoảng 30 tuổi, là lúc Ngài rời Na-xa-rét để thi hành chức vụ Đấng Christ. Vì thế, Na-xa-rét được xem là quê hương của Ngài. Chính Ngài đã nhận mình là: Jesus người Na-xa-rét (Giăng 18:5, 7-8). Nhưng vì dân thành Na-xa-rét muốn giết Ngài nên Ngài đã dời đến cư trú tại Ca-bê-na-um. Động từ “ở” (G2730) được dùng trong câu 13, trong nguyên ngữ Hy-lạp nói đến sự thường trú. Thánh Kinh không nói rõ là Chúa đã cư trú trong nhà của ai tại thành Ca-bê-na-um. Có thể là nhà của một người quen với gia đình của Ngài. Có lẽ vì sự thường trú của Chúa tại Ca-bê-na-um mà Ma-thi-ơ 9:1 gọi Ca-bê-na-um là thành của Đức Chúa Jesus.

Sa-bu-lôn và Nép-ta-li là tên hai chi phái của I-sơ-ra-ên. Hai chi phái này được chia cho phần đất nằm kề nhau trong xứ Ga-li-lê. Thành Ca-bê-na-um thực tế nằm trong phần đất của Nép-ta-li, gần với phần đất của Sa-bu-lôn.

14 để cho được ứng nghiệm lời đã nói bởi Tiên Tri Ê-sai, rằng:

15 Đất Sa-bu-lôn và đất Nép-ta-li, đường biển, bên kia sông Giô-đanh, thuộc xứ Ga-li-lê của các dân ngoại.

16 Các dân đã ngồi trong sự tối tăm, đã nhìn thấy ánh sáng lớn. Với những kẻ đã ngồi trong miền và bóng của sự chết, thì ánh sáng đã bừng lên. [Ê-sai 9:2; 42:7]

Ma-thi-ơ có thói quen trưng dẫn các câu Thánh Kinh trong Cựu Ước để chứng minh cho độc giả người I-sơ-ra-ên của ông thấy, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ. Các lời tiên tri trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm trên Ngài. Ê-sai 9:1-7 tiên tri về sự đến của Đấng Christ. Ê-sai 42:1-7 tiên tri về linh vụ của Ngài.

Thành Ca-bê-na-um không hề được nhắc đến trong Cựu Ước là vì mãi đến thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên thì Ca-bê-na-um mới được hình thành như một làng đánh cá nhỏ, bên bờ Biển Ga-li-lê. Trong khoảng thời gian từ năm 140 TCN đến năm 37 TCN thì Ca-bê-na-um trở thành một thành nhỏ của người Do-thái. Vào thời của Đức Chúa Jesus thì Ca-bê-na-um đã trở thành một thành phố thương mãi lớn, chuyên buôn bán các mặt hàng vải và hương liệu, cùng một số các mặt hàng khác, nhờ nằm trên thông lộ thương buôn giữa thành Đa-mách và Địa Trung Hải. Đến thế kỷ thứ bảy thì Ca-bê-na-um bị bỏ hoang, sau khi bị dân Ả-rập chiếm đóng. Đến thế kỷ 19 thì di tích thành Ca-bê-na-um được khám phá và trở thành địa điểm du lịch cho tới ngày nay. Tên “Ca-bê-na-um” (G2584) có nghĩa là “làng của sự an ủi”.

Đã ngồi trong sự tối tăm” là đã phạm tội và bị tội lỗi che khuất lẽ thật của Thiên Chúa.

Đã nhìn thấy ánh sáng lớn” là đã nhìn thấy Đấng Christ, được nghe Ngài giảng dạy lẽ thật về sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

Ngồi trong miền và bóng của sự chết” là ở trong quyền lực của sự chết, bị bao phủ bởi nó.

Ánh sáng đã bừng lên” là sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã chiếu sáng trong thần trí của những ai tin nhận Tin Lành.

17 Từ lúc đó, Đức Chúa Jesus đã bắt đầu rao giảng và phán: Các ngươi hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần.

Ngay khi đến Ca-bê-na-um và ở lại đó thì Đức Chúa Jesus đã bắt đầu rao giảng Tin Lành, kêu gọi những ai nghe Ngài hãy ăn năn tội; và Ngài công bố rằng, Vương Quốc Trời đã đến gần. Thực tế, ngay khi đến Ca-bê-na-um thì Đức Chúa Jesus đã đi ra bờ biển để kêu gọi bốn sứ đồ đầu tiên. Ngài bảo họ theo Ngài, đi giảng Tin Lành, mà Ngài gọi là đánh lưới người.

Sau khi kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng thì Ngài cùng với họ trở vào thành Ca-bê-na-um, đến nhà hội để giảng dạy trong các ngày Sa-bát. Mác và Lu-ca ghi chép như sau:

Mác 1:21-22

21 Họ đã đi đến thành Ca-bê-na-um. Tức thì vào các ngày Sa-bát, Ngài đã vào trong nhà hội và giảng dạy.

22 Họ đã kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài. Vì Ngài đã giảng dạy họ như có quyền, chứ không như các thầy thông giáo.

Lu-ca 4:31-32

31 Ngài đã đi xuống, vào Ca-bê-na-um, một thành thuộc xứ Ga-li-lê. Ngài đã giảng dạy trong các ngày Sa-bát.

32 Họ đều kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài. Vì lời của Ngài là trong thẩm quyền.

Mác 1:21 cho biết, sau khi Chúa gọi bốn sứ đồ bên bờ Biển Ga-li-lê thì Chúa và họ cùng đi đến thành Ca-bê-na-um. Vào các ngày Sa-bát thì Chúa đã vào trong nhà hội mà giảng dạy.

Lu-ca 4:31 cho biết, sau khi thoát khỏi tay những người dân thành Na-xa-rét muốn giết Ngài, thì Ngài đã đi xuống thành Ca-bê-na-um và giảng dạy trong các ngày Sa-bát. Dù trong câu này Lu-ca không nói rõ là Chúa giảng dạy trong nhà hội, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, sự giảng dạy của Chúa trong các ngày Sa-bát là giảng dạy trong nhà hội.

Cả Mác và Lu-ca đều ghi nhận là những người nghe Đức Chúa Jesus giảng dạy đều kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài. Lý do là lời giảng của Đức Chúa Jesus có uy quyền chứ không giống như lời giảng của các thầy thông giáo. Các thầy thông giáo là những người phụ trách việc sao chép Thánh Kinh và giảng giải Thánh Kinh, trong dân I-sơ-ra-ên.

Mác 1:23-31 và Lu-ca 4:33-39 cùng ghi lại hai phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm ra trong một ngày Sa-bát. Việc thứ nhất là đuổi quỷ cho một người bị quỷ ám trong nhà hội. Việc thứ nhì là chữa lành bệnh sốt cho mẹ vợ của Phi-e-rơ. Hai bản ghi chép có các chi tiết khác nhau, bổ sung cho nhau.

Mác 1:23-24

23 Trong nhà hội của họ, đã có người bởi tà linh, kêu la.

24 Rằng: Ôi! Hỡi Jesus, người Na-xa-rét! Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.

Lu-ca 4:33-34

33 Trong nhà hội đã có một người có linh của ma quỷ ô uế. Người ấy đã kêu lớn tiếng.

34 Rằng: Ôi! Hỡi Jesus, người Na-xa-rét! Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.

Mác ghi rằng, trong nhà hội đã có một người kêu la bởi tà linh. Nghĩa là tà linh đã kêu la qua người đó. Chữ “tà” (G169) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là ô uế, không tinh sạch về thuộc thể, không thánh khiết, không công chính về thuộc linh, được dịch là “tà” khi đứng trước chữ “linh”; và được dịch là “ô uế” trong các trường hợp khác.

Lu-ca ghi rằng, trong nhà hội đã có một người có linh của ma quỷ ô uế, và người ấy đã kêu lớn tiếng. Người có linh của ma quỷ tức là người bị ma quỷ nhập vào thân thể xác thịt của người ấy. Ma quỷ là các thiên sứ phạm tội chống nghịch Thiên Chúa nên bị gọi là ô uế. Lu-ca đã đồng hóa tà linh với người bị tà linh xâm nhập, khi ông viết: “Người ấy đã kêu lớn tiếng”.

Nội dung của Mác 1:24 và Lu-ca 4:34 là hoàn toàn giống nhau trong từng chữ.

Tán thán từ “ôi” (G1436) là một tiếng kêu thảng thốt vì khiếp sợ.

Tà linh nhận biết Đức Chúa Jesus. Tà linh còn biết danh gọi “Jesus, người Na-xa-rét” của Ngài. Tà linh dùng đại danh từ “chúng tôi” để chỉ chung toàn bộ các thiên sứ phạm tội, trở thành ma quỷ. Mà cũng có thể là chỉ chung các tà linh đang ở trong người bị quỷ nhập.

Câu hỏi: “Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng” có nghĩa là: Ngài dự định sẽ làm gì đối với ma quỷ?

Câu hỏi: “Ngài đến để diệt chúng tôi sao” cho thấy, ma quỷ biết Đức Chúa Jesus có quyền trên chúng.

Câu nói: “Tôi biết Ngài là ai, Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” là câu nói của tà linh đang nói chuyện với Đức Chúa Jesus. Có lẽ, tà linh này đã nghe biết nhiều về Đức Chúa Jesus, qua chính lời giảng dạy của Ngài, qua lời đồn trong chính các tà linh. Danh từ “Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” là do lời tiên tri trong Thi Thiên 16:10.

Chúng ta nên nhớ rằng, ma quỷ biết toàn bộ Thánh Kinh, dù có thể chúng không hiểu được những sự sâu nhiệm trong Thánh Kinh chỉ dành riêng cho những ai yêu kính Thiên Chúa. Khi cần, ma quỷ có thể trích dẫn Thánh Kinh và bẻ cong ý nghĩa Lời Chúa để cám dỗ loài người. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, ma quỷ từng được đối diện Thiên Chúa, có năng lực và sự hiểu biết hơn loài người, vì chúng vốn là các thiên sứ của Đức Chúa Trời.

Mác 1:25-26

25 Đức Chúa Jesus đã quở trách nó rằng: Hãy im đi và hãy ra khỏi người!

26 Tà linh đã vật mạnh người ấy, kêu lớn tiếng, ra khỏi người.

Lu-ca 4:35

35 Đức Chúa Jesus đã quở trách nó rằng: Hãy im đi và hãy ra khỏi người! Ma quỷ đã vật ngã người giữa đám đông, ra khỏi người, và không làm hại người.

Chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus không hề trả lời các câu hỏi của tà linh, mà Ngài chỉ nghiêm khắc truyền lệnh cho nó im đi và ra khỏi người bị nó ám nhập. Chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus không phán với người bị quỷ nhập mà Ngài phán với tà linh đang ở trong thân thể của người ấy. Chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus không cần lời chứng của tà linh về Ngài.

Tà linh đã vật ngã người bị nó nhập giữa đám đông những người đang có mặt trong nhà hội. Nó kêu lớn tiếng và ra khỏi người ấy. Trong khoảnh khắc cuối cùng, trước khi ra khỏi nạn nhân, tà linh đã vật ngã nạn nhân cách mạnh mẽ. Nhưng Lu-ca cho biết là tà linh không làm hại người ấy. Có lẽ ý nghĩa của nhóm chữ “không làm hại người” cần được hiểu là “không làm hại được người”. Hành động đó của tà linh cho thấy, dù nó phải vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus nhưng vẫn tỏ ra thái độ không phục.

Ngày nay, các hiện tượng bị tà linh ám nhập được cái gọi là “khoa học” của loài người xếp loại là bị bệnh tâm thần. Ngày nay, số người bị quỷ nhập ngày càng đông, ma quỷ dùng họ làm ra những tội ác vô cùng kinh khủng. Điều này đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Ma quỷ cũng nhập vào các nhà cầm quyền độc tài, dùng họ gây ra các cuộc chiến tranh, ban hành các chính sách có tính hủy diệt loài người. Ma quỷ cũng nhập vào những kẻ đứng đầu các tôn giáo, thậm chí những kẻ đứng đầu các giáo phái mang danh Chúa, tự xưng là Hội Thánh của Chúa, để dẫn dắt loài người xa cách lẽ thật của Thiên Chúa.

Chúng ta cần hiểu và ghi nhớ điều này, con dân Chúa nếu không thật lòng tin kính Chúa, nếu không vâng phục Chúa, không sống thánh khiết theo Lời Chúa mà sống theo ý riêng, thì có thể bị ma quỷ nhập vào, dùng họ làm ra tội ác. Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và vợ chồng A-na-nia, Sa-phi-ra là các thí dụ điển hình. Thánh Kinh ghi rõ, Sa-tan đã nhập vào Giu-đa và đã chiếm trọn lòng của A-na-nia (Lu-ca 22:3; Giăng 13:27; Công Vụ Các Sứ Đồ 5:3). Điều dễ hiểu là một khi con dân Chúa không còn vâng phục Lời Chúa, không còn vâng phục người chăn, trưởng lão là các thẩm quyền Chúa đặt ra trong Hội Thánh thì họ đã phạm tội phản nghịch như Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa. Khi ấy, họ thuộc về Sa-tan, và các tà linh có lý do để nhập vào họ và điều khiển họ.

Có một tội mà nhiều người xem nhẹ nhưng tội ấy khiến cho người phạm tội đương nhiên đặt mình làm con cái của Ma Quỷ. Đó là tội nói dối. Đức Chúa Jesus phán rõ: Ma Quỷ là cha của sự nói dối (Giăng 8:44). Vì thế, bất cứ ai nói dối thì người ấy tự nhận mình là con cái của Ma Quỷ và các tà linh có lý do để nhập vào người ấy. Ai còn phạm tội nói dối hãy lập tức ăn năn, xưng tội với Chúa. Nếu nhận biết mình đã bị tà linh xâm nhập thì phải nhờ các trưởng lão nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, đuổi tà linh ra khỏi mình. Bản thân mình cũng phải nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, truyền cho các tà linh ra khỏi.

Mác 1:27-28

27 Hết thảy họ ngạc nhiên, đến nỗi đã hỏi với nhau rằng: Cái gì vậy? Giáo lý mới này là gì? Vì Ngài đã truyền lệnh cho các tà linh với thẩm quyền và chúng vâng phục Ngài.

28 Danh tiếng của Ngài tức thì đã đồn ra khắp cả miền xung quanh xứ Ga-li-lê.

Lu-ca 4:36-37

36 Sự ngạc nhiên đã đến trên mọi người và họ đã nói với nhau rằng: Lời này là gì vậy? Vì với thẩm quyền và năng lực Ngài đã ra lệnh cho các tà linh, và chúng ra khỏi.

37 Danh tiếng của Ngài đã đồn ra khắp nơi xung quanh vùng ấy.

Những người có mặt tại nhà hội của thành Ca-bê-na-um ngày hôm ấy đã rất kinh ngạc về sự giảng dạy đầy quyền năng của Đức Chúa Jesus. Giờ đây, trước phép lạ đuổi quỷ của Ngài, họ càng kinh ngạc hơn. Chính sự kiện Đức Chúa Jesus đuổi quỷ đã khiến cho họ thắc mắc càng hơn về sự giảng dạy của Ngài. Mác dùng danh từ “giáo lý” (G1322) để gọi sự giảng dạy của Chúa. Lu-ca dùng danh từ “Lời” (G3056) với mạo từ xác định đứng trước, cũng có nghĩa là giáo lý. Giáo lý mà Đức Chúa Jesus rao giảng chính là lẽ thật của Thiên Chúa về chính Thiên Chúa, và về chương trình của Thiên Chúa dành cho loài người. Trọng điểm của giáo lý đó là Tin Lành Cứu Rỗi và Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

Danh tiếng của Đức Chúa Jesus là tiếng đồn về sự giảng dạy đầy quyền năng của Ngài và sự đuổi quỷ đầy quyền năng của Ngài. Danh tiếng ấy đã nhanh chóng được loan truyền đi khắp xứ Ga-li-lê và các vùng lân cận.

Ma-thi-ơ 8:14-15

14 Đức Chúa Jesus đã vào trong nhà của Phi-e-rơ. Ngài đã thấy mẹ vợ của người được đặt nằm xuống và bị sốt.

15 Ngài đã chạm tay của bà và cơn sốt đã rời khỏi bà. Bà đã đứng dậy và phục vụ họ.

Mác 1:29-31

29 Vừa ra khỏi nhà hội, họ đã vào trong nhà của Si-môn và Anh-rê, với Gia-cơ và Giăng.

30 Mẹ vợ của Si-môn đã được đặt nằm xuống, bị sốt rất cao. Họ thưa ngay với Ngài về bà.

31 Ngài đã đến, cầm tay bà, đỡ bà dậy. Cơn sốt đã lập tức rời khỏi bà, và bà đã phục vụ họ.

Lu-ca 4:38-39

38 Ngài đã đứng dậy, ra khỏi nhà hội, vào trong nhà của Si-môn. Mẹ vợ của Si-môn đã bị sốt rất cao. Họ đã xin Ngài chữa cho bà.

39 Ngài đã đứng nghiêng mình trên bà, nghiêm cấm cơn sốt thì nó lìa khỏi bà. Tức thì bà đã trỗi dậy và phục vụ họ.

Sự kiện Đức Chúa Jesus chữa lành bệnh sốt cao cho mẹ vợ của Phi-e-rơ được Mác và Lu-ca ghi chép là đã xảy ra tiếp theo sự Đức Chúa Jesus chữa lành người bị quỷ ám trong nhà hội. Riêng Ma-thi-ơ thì sắp xếp chung sự kiện ấy với một số các phép lạ khác Chúa đã làm ra tại Ca-bê-na-um.

Qua ba bản ghi chép, chúng ta có được các chi tiết sau đây:

  • Hôm ấy là một ngày Sa-bát. Sau khi chữa lành người bị quỷ ám trong nhà hội, Đức Chúa Jesus và hai môn đồ của Ngài là Gia-cơ và Giăng, ra khỏi nhà hội, đến nhà của Si-môn Phi-e-rơ.

  • Chúa nhìn thấy mẹ vợ của Phi-e-rơ được người nhà đặt nằm xuống, vì bà đã bị sốt rất cao.

  • Các người ở trong nhà thấy Chúa vào nhà thì đã thưa ngay với Chúa về bệnh của bà, và xin Ngài chữa cho bà.

  • Đức Chúa Jesus đã đến gần bà, nghiêng người trên bà, cầm lấy tay bà, nói lời nghiêm cấm cơn sốt thì nó liền ra khỏi bà.

  • Đức Chúa Jesus đã đỡ bà dậy.

  • Bà đã trỗi dậy và phục vụ mọi người.

Chúng ta có thể hiểu rằng:

Chúa biết mẹ vợ của Phi-e-rơ bị bệnh nên sau khi nhóm hiệp tại nhà hội, Ngài đã cùng Gia-cơ và Giăng đến nhà của Phi-e-rơ. Có lẽ đó cũng là lý do Phi-e-rơ và Anh-rê đã không có mặt tại nhà hội.

Chứng sốt rất cao của mẹ vợ Phi-e-rơ có thể là bệnh sốt phát ban (typhus fever), truyền nhiễm do vết cắn của các loại bọ chét, rận, rệp. Bệnh này có tỉ lệ chết lên đến 60% đối với những người cao tuổi.

Lời nghiêm cấm cơn sốt của Đức Chúa Jesus là lời truyền cho cơn sốt không được ở lại trong thân thể của bệnh nhân.

Ngay sau khi cơn sốt cao lìa khỏi bà, mẹ vợ của Phi-e-rơ đã trỗi dậy, phục vụ mọi người. Điều này chứng tỏ sự bà được chữa lành là một phép lạ. Không những nguyên nhân cơn sốt bị tiêu trừ mà sức khỏe của bà cũng được hồi phục như bình thường ngay lập tức. Động từ “phục vụ” hàm ý, lo việc tiếp đãi thức ăn. Và sự phục vụ này không riêng cho Đức Chúa Jesus với Gia-cơ và Giăng, mà còn cho các người trong nhà.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây và sẽ tiếp tục học trong hai bài kế tiếp, về các phép lạ khác mà Đức Chúa Jesus đã làm ra, trong thời gian Ngài cư trú tại thành Ca-bê-na-um.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/04/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Vững Tin nơi Jesus”
https://karaokethanhca.net/vung-tin-noi-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.