Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL000 Phần Giới Thiệu

677 views

YouTube: https://youtu.be/jikGJoxW84Y

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL000 Phần Giới Thiệu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bốn sách Tin Lành là bốn sách được xếp trên cùng, trong mục lục của Thánh Kinh Tân Ước. Thứ tự sắp xếp là: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng. Cả bốn sách đều ghi lại cuộc đời của Đấng Christ, bao gồm: các sự dạy dỗ và các phép lạ của Ngài; sự chết và sự sống lại của Ngài. Tuy nhiên, cả bốn sách có các điểm tương đồng và các điểm dị biệt trong nội dung.

Các Điểm Tương Đồng Điển Hình:

  • Cả bốn sách đều ghi lại mục vụ dọn đường cho Đức Chúa Jesus của Giăng Báp-tít.

  • Cả bốn sách đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus chịu báp-tem.

  • Cả bốn sách đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus hóa bánh ra nhiều, đủ cho 5.000 người ăn.

  • Cả bốn sách đều ghi lại sự kiện Phi-e-rơ chối Chúa.

  • Cả bốn sách đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus bị bắt và bị xét xử.

  • Cả bốn sách đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá và chết.

  • Cả bốn sách đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus đã sống lại từ trong những kẻ chết.

Các Điểm Dị Biệt Điển Hình:

  • Chỉ có sách Ma-thi-ơ ghi lại sự kiện Giô-sép và Ma-ri đem Đức Chúa Jesus trốn sang Ê-díp-tô (Ma-thi-ơ 2:12-23).

  • Chỉ có sách Mác ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus chữa lành người mù tại làng Bết-sai-đa (Mác 8:22-26).

  • Chỉ có sách Lu-ca ghi lại ngụ ngôn về đứa con trai hoang đàng (Lu-ca 15:11-32).

  • Chỉ có sách Giăng ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus gọi La-xa-rơ sống lại (Giăng 11:1-44).

Ngoài ra, mỗi sách còn có các chi tiết khác nhau, khi ghi chép cùng một sự kiện. Nhưng đó không phải là sự mâu thuẫn mà chỉ là sự bổ sung. Tương tự như bốn tấm ảnh chụp cùng một người với bốn góc nhìn khác nhau: tấm thứ nhất chụp chính diện; tấm thứ nhì chụp bên phải; tấm thứ ba chụp bên trái; và tấm thứ tư chụp phía sau. Cả bốn tấm ảnh giúp cho chúng ta có sự nhận thức rõ ràng về hình dáng của người được chụp ảnh.

Cả bốn sách đều được viết bằng tiếng Hy-lạp, là ngôn ngữ văn chương thông dụng, vào lúc các sách ấy được viết. Chúng ta tin rằng, mỗi người được Đức Chúa Trời dùng để ghi chép Thánh Kinh, thì đều được Ngài ban ơn cho và đều được Đức Thánh Linh thần cảm để họ ghi chép. Họ được tự do dùng văn phong và học thức về ngôn ngữ của họ để ghi chép, cho dù họ có phạm lỗi chính tả hay ngữ pháp. Vì có như vậy, người đọc cùng thời với họ mới nhận biết, họ đúng là người ghi chép, là nhân chứng đáng tin.

Bốn sách Tin Lành được sắp xếp theo thứ tự: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng; nhưng trong thực tế, chúng ta không biết sách nào được viết trước và sách nào được viết sau. Một số nhà giải kinh cho rằng, sách Mác được viết trước, vào khoảng từ năm 50 đến năm 55. Sau đó là các sách Ma-thi-ơ và Lu-ca được viết vào khoảng từ năm 60 đến năm 65. Cuối cùng là sách Giăng được viết vào khoảng từ năm 60 đến năm 67. Nhưng rất có thể là sách Ma-thi-ơ đã được viết trước vào năm 50; rồi mới đến các sách: Mác, Lu-ca, và Giăng.

Dựa vào nội dung và ngữ pháp, chúng tôi cho rằng, cả bốn sách Tin Lành đều phải được viết trước năm 70, là năm thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa bị quân đội La-mã hủy diệt. Vì nếu được viết sau năm 70 thì chắc chắn các người viết đã nói đến sự ứng nghiệm lời tiên tri của Đấng Christ về Đền Thờ Thiên Chúa. Riêng trong Giăng 5:2 đã dùng động từ “có” với thời hiện tại, để nói về ao Bê-tết-đa. Vào năm 70 thì ao đó đã bị phá hủy. Nếu sách Giăng được viết sau năm 70 thì Giăng phải dùng thời quá khứ để nói đến sự thực hữu của ao Bê-tết-đa [1]. Ngoài ra, Phi-e-rơ bị giết vào khoảng năm 68; nếu sách Giăng được viết sau năm 70 thì cũng phải xác định rằng, Phi-e-rơ đã bị giết đúng theo lời tiên tri của Đức Chúa Jesus, được ghi lại trong Giăng 21:18.

Khoảng thời gian bốn sách Tin Lành được viết có thể từ năm 50 đến năm 67. Riêng sách Lu-ca có thể được viết trong khoảng thời gian từ năm 60 đến năm 61, là khoảng thời gian Lu-ca ở bên cạnh Phao-lô, khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất tại thành Rô-ma.

Sách Giăng có nội dung khác với ba sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca. Vì Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca có nội dung tương tự nhau nên được gọi là Các Sách Tin Lành Nhất Lãm, hoặc Các Sách Tin Lành Đồng Quan, hoặc Các Sách Tin Lành Cộng Quan (Synoptic Gospels).

  • Nhất lãm có nghĩa là một cái nhìn chung, hàm ý, cả ba sách cho chúng ta cái nhìn chung rõ ràng về Đức Chúa Jesus Christ.

  • Đồng quan có nghĩa là cùng xem xét như nhau, hàm ý, cả ba sách cùng ghi lại các sự kiện giống nhau về Đức Chúa Jesus Christ, dù có thể có các chi tiết khác nhau.

  • Cộng quan có nghĩa là tập hợp các điểm nhìn làm một, hàm ý, cả ba sách cùng ghi lại các sự kiện giống nhau về Đức Chúa Jesus Christ, với các chi tiết khác nhau để bổ sung cho nhau.

Tuy nhiên, trong từ điển tiếng Việt và Hán Việt chỉ có từ ngữ “nhất lãm”, không có từ ngữ “đồng quan” hay “cộng quan”. Cách gọi “Các Sách Tin Lành Đồng Quan” hay “Các Sách Tin Lành Cộng Quan” là cách gọi do một số người Việt phiên dịch từ tiếng Anh danh từ “Synoptic Gospels” hoặc sử dụng trong các bài viết về các sách Tin Lành của họ.

Nhiều nhà giải kinh cho rằng, hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca đã sao chép hầu hết các sự kiện được ghi lại trong sách Mác. Lý do được đưa ra là sách Mác được viết trước và rất nhiều chi tiết trong hai sách Ma-thi-ơ, Lu-ca trùng hợp với sách Mác. Nhiều khi trùng hợp cả câu văn. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng, Ma-thi-ơ và Lu-ca đã sao chép từ sách Mác. Chúng tôi tin rằng, chính Đức Thánh Linh đã thần cảm cho mỗi người ghi chép cách riêng biệt. Chúng tôi tin rằng, mỗi người là một chứng nhân cho Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ; và sách của họ là các lời chứng độc lập, không sao chép lẫn nhau. Ngoài ra, cũng không có chứng cớ rõ ràng nào cho thấy, sách Mác được viết trước sách Ma-thi-ơ và sách Lu-ca. Các thời điểm viết sách được đưa ra chỉ là được phỏng đoán dựa trên ngữ pháp dùng trong sách và một số ghi chép trong Hội Thánh vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ nhì.

Dựa vào nội dung và chủ đề của mỗi sách mà chúng ta có thể thấy rằng:

  • Trong sách Ma-thi-ơ, Đức Chúa Jesus là vị vua được tiên tri. Sách Ma-thi-ơ viết cho dân I-sơ-ra-ên để khẳng định, Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, là vua của dân I-sơ-ra-ên và của Vương Quốc Trời. Có thể sách Ma-thi-ơ đã được viết tại An-ti-ốt.

  • Trong sách Mác, Đức Chúa Jesus là tôi tớ vâng phục của Đức Chúa Trời. Sách Mác viết cho dân La-mã để khẳng định, Đức Chúa Jesus là Đấng hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời. Có thể sách Mác đã được viết tại Sê-sa-rê.

  • Trong sách Lu-ca, Đức Chúa Jesus là con người trọn vẹn. Sách Lu-ca viết cho dân Hy-lạp nhưng cũng cho các dân tộc khác để khẳng định, Đức Chúa Jesus là một người trọn vẹn để làm Đấng Cứu Rỗi của mọi dân tộc. Có thể sách Lu-ca đã được viết tại Rô-ma.

  • Trong sách Giăng, Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người. Sách Giăng viết cho tất cả mọi người, để khẳng định, Đức Chúa Jesus vừa có nhân tính vừa có thần tính. Ngài vừa là người, vừa là Thiên Chúa. Có thể sách Giăng đã được viết tại Ê-phê-sô.

Sách Ma-thi-ơ

Sách Ma-thi-ơ được viết bởi Sứ Đồ Ma-thi-ơ. Sách Ma-thi-ơ nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ, đã được hứa trong Cựu Ước. Ngài là vua của dân I-sơ-ra-ên. Các lời tiên tri trong Cựu Ước đã ứng nghiệm trên Ngài. Ma-thi-ơ nhấn mạnh đến các sự giảng dạy của Đấng Christ. Nội dung của sách Ma-thi-ơ thích hợp cho những người I-sơ-ra-ên, là những người rất quen thuộc với Sách Luật Pháp của Môi-se và các sách tiên tri. Thực tế, sách Ma-thi-ơ trưng dẫn Cựu Ước nhiều hơn các sách khác trong Tân Ước.

Sách Ma-thi-ơ nhấn mạnh ba điểm sau đây:

  • Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời. Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, bởi năng lực của Thiên Chúa là thánh linh (Ma-thi-ơ 1:18-20). Đức Chúa Trời gọi Ngài là “Con yêu dấu của Ta” (Ma-thi-ơ 3:17).

  • Đức Chúa Jesus là vua. Ngài là con cháu của Vua Đa-vít, có quyền ngồi trên ngai vua của Đa-vít (Ma-thi-ơ 1:1). Nhưng Ngài còn là vua của Vương Quốc Trời, còn gọi là Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Hai danh từ “Vương Quốc Trời” và “Vương Quốc của Đức Chúa Trời” được nói đến nhiều nhất trong sách Ma-thi-ơ. Đức Chúa Jesus nhiều lần công bố, Vương Quốc Trời đã gần.

  • Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi đã hứa trong Cựu Ước. Ngài là con cháu của Áp-ra-ham, người mà Đức Chúa Trời đã hứa rằng, qua dòng dõi của người ấy mà muôn dân trên đất sẽ được phước. Sách Ma-thi-ơ trưng dẫn các lời tiên tri trong Cựu Ước về sự được sinh ra, sự giảng dạy, sự chết, và sự sống lại của Đức Chúa Jesus để chứng minh, Ngài là Đấng Christ.

Sách Ma-thi-ơ dài tương đương sách Lu-ca và có 28 đoạn.

Câu gốc của sách Ma-thi-ơ là Ma-thi-ơ 1:21:

Nàng sẽ sinh một trai, ngươi hãy gọi tên Ngài là JESUS; vì Ngài sẽ cứu dân của Ngài ra khỏi những tội lỗi của họ. [JESUS có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi.]”

Sơ Lược về Ma-thi-ơ:

Tên “Ma-thi-ơ” (G3156) có nghĩa là “quà tặng hoặc sự ban cho của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Ma-thi-ơ, còn gọi là Lê-vi, là một người thu thuế của thành Ca-bê-na-um, được Đức Chúa Jesus gọi làm sứ đồ của Ngài đang khi ông ngồi tại bàn thu thuế. Ma-thi-ơ đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, bỏ nghề thu thuế, đứng lên, theo Ngài (Ma-thi-ơ 9:9).

Có tài liệu cho rằng, Ma-thi-ơ đã viết sách Tin Lành Ma-thi-ơ trong tiếng A-ra-mai lẫn trong tiếng Hy-lạp. Nhưng không ai tìm thấy văn bản tiếng A-ra-mai của sách Ma-thi-ơ. Riêng văn bản tiếng Hy-lạp thì văn phong cho thấy, đó là văn bản được viết trực tiếp bằng tiếng Hy-lạp, chứ không phải là văn bản phiên dịch từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Hy-lạp.

Thánh Kinh không nói gì nhiều về Ma-thi-ơ. Các tài liệu lịch sử của Hội Thánh cũng không nói gì nhiều về ông. Theo cuốn sách danh tiếng của John Foxe “Sách về Các Thánh Đồ Tử Đạo” (Book of Martyrs), thì Ma-thi-ơ đã rao giảng Tin Lành tại xứ Pa-thi-a (Parthia, là I-răn ngày nay). Ông đã bị giết bằng kích bởi những kẻ chống nghịch Tin Lành, vào năm 60. Kích là loại vũ khí vừa có mũi nhọn như giáo vừa có lưỡi búa.

Sách Mác

Sách Mác do Mác, còn gọi là Giăng Mác viết. Theo Cô-lô-se 4:10, Mác là anh em họ của Ba-na-ba. Theo sử liệu của Hội Thánh thì Mác là học trò của Phi-e-rơ nên được thường xuyên nghe Phi-e-rơ giảng dạy về Đức Chúa Jesus. Mác cũng là thông dịch viên tiếng Hy-lạp cho Phi-e-rơ. Trong buổi ban đầu, sau khi Hội Thánh được thành lập, Phi-e-rơ là người rao giảng chính trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, theo đúng tiếng gọi của Chúa, truyền rằng, ông hãy cho chiên của Chúa ăn. Rất có thể những lời giảng dạy của Phi-e-rơ đã được Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca cùng ghi nhớ và chép lại trong sách Tin Lành của mỗi người.

Sách Mác chú trọng về các việc làm của Đức Chúa Jesus và trình bày Ngài là Con của Đức Chúa Trời; nhưng Ngài cũng là người chịu khổ để phụng sự Đức Chúa Trời. Sách Mác ghi lại các việc làm của Đức Chúa Jesus hơn là ghi lại các lời giảng dạy của Ngài.

Sách Mác không ghi theo thứ tự các sự việc đã xảy ra, mà chỉ là một tổng hợp các ghi chép về các việc mà Đấng Christ đã làm.

Sách Mác là sách Tin Lành ngắn nhất, chỉ có 16 đoạn.

Câu gốc của sách Mác là Mác 10:45:

Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.”

Sơ Lược về Mác

Tên “Giăng” (G2491) là tên trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng ban cho rời rộng. Tên “Mác” (G3138) là tên trong tiếng La-tinh, có nghĩa: một sự bảo vệ. Vào thời ấy, một người I-sơ-ra-ên thường có hai tên, một tên trong tiếng Hê-bơ-rơ và một tên trong tiếng Hy-lạp hoặc tiếng La-tinh.

Tên của Giăng Mác lần đầu tiên được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 12:12, khi Phi-e-rơ được một thiên sứ cứu ra khỏi nhà tù và tìm đến nhà của mẹ ông, nơi Hội Thánh đang nhóm hiệp để cầu thay cho Phi-e-rơ. Kế đó, ông được nói đến khi cùng đồng hành với Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:25). Trong Cô-lô-se 4:10 cho biết, Mác là anh em họ với Ba-na-ba. Nhiều nhà giải kinh cho rằng, ông chính là chàng trai trẻ được chính ông nói đến trong Mác 14:51-52. Người chỉ choàng một tấm khăn, đi theo Đức Chúa Jesus, khi Ngài bị bắt. Khi bị quân lính vây bắt thì chàng đã bỏ khăn choàng, trần truồng chạy đi. Lý do Mác có mặt trong lúc Đức Chúa Jesus bị bắt được cho là có thể gia đình ông có vườn nho trong khu vực Ghết-sê-ma-nê. Đêm đó, ông là người ngủ tại đó để canh gác vườn nho. Khi nghe tiếng ồn của sự quân lính vây bắt Chúa thì ông đã thức dậy và chỉ kịp choàng tấm khăn để đi theo, xem chuyện gì đã xảy ra.

Theo tài liệu về lịch sử của Hội Thánh thì Mác là người đem Tin Lành đến Phi Châu, thành lập Hội Thánh đầu tiên tại A-léc-xan-tri, xứ Ê-díp-tô, vào khoảng năm 49. Ông cũng là giám mục đầu tiên của Hội Thánh tại A-léc-xan-tri.

Sách Lu-ca

Sách Lu-ca do Lu-ca, một bác sĩ người Hy-lạp viết. Lu-ca cũng là người đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo của Phao-lô; và là người viết sách Công Vụ Các Sứ Đồ.

Sách Lu-ca ghi chép theo thứ tự các sự việc và có nhiều chi tiết cho từng sự việc. Sách Lu-ca nhằm giúp cho người đọc dù thuộc bất cứ dân tộc nào cũng biết rằng, Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi của mọi người.

Sách Lu-ca dài tương đương sách Ma-thi-ơ và có 24 đoạn.

Câu gốc của sách Lu-ca là Lu-ca 19:10:

Vì Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất.”

Sơ Lược về Lu-ca

Tên “Lu-ca” (G3065) được rút ngắn từ một danh từ tiếng La-tinh, có nghĩa là: ban cho ánh sáng. Lu-ca là một bác sĩ, người Hy-lạp, có học thức, có kinh nghiệm về hải hành và có kiến thức về nhiều địa phương trong lãnh thổ của đế quốc La-mã thời bấy giờ. Ông cũng rất xuất sắc trong việc viết văn. Hai sách trong Thánh Kinh Tân Ước do ông viết là sách Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ được xem là ngang hàng với các tác phẩm kinh điển của Hy-lạp về phương diện văn phong và cách dùng từ ngữ.

Lu-ca cũng như Phao-lô chưa từng có cơ hội đối diện với Đức Chúa Jesus trong khoảng thời gian Ngài còn có mặt trên đất. Rất có thể Lu-ca đã tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Phao-lô. Sau đó, Lu-ca đã trở thành người bạn rất thân của Phao-lô, được Phao-lô gọi là “người thầy thuốc yêu dấu” trong Cô-lô-se 4:14. Lu-ca đã có mặt trong hầu hết các khoảng thời gian của các hành trình truyền giáo của Phao-lô. Chính Lu-ca là người ghi lại các hành trình truyền giáo đó, trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, Lu-ca cũng là người Chúa đặt để bên cạnh Phao-lô để chăm sóc sức khỏe cho Phao-lô.

Sự kiện Lu-ca, một người không phải dân I-sơ-ra-ên, được Chúa dùng để viết sách Tin Lành Lu-ca và viết sách tường trình công cuộc truyền giảng Tin Lành cho các dân ngoại dường như để khẳng định một lẽ thật về Tin Lành. Đó là Tin Lành không chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên nhưng cho tất cả mọi dân tộc.

Theo một vài sử liệu của Hội Thánh thì có lẽ Lu-ca đã bị giết vào năm 68, không bao lâu, sau khi Phao-lô và Phi-e-rơ bị giết, trong cuộc Hoàng Đế La-mã Nê-rô bách hại Hội Thánh.

Sách Giăng

Sách Giăng được viết bởi Sứ Đồ Giăng. Nội dung của sách Giăng hoàn toàn khác với ba sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca. Trong khi sách Mác bắt đầu với chức vụ của Đức Chúa Jesus, hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca bắt đầu với sự Đức Chúa Jesus được sinh ra thì sách Giăng bắt đầu với “lúc ban đầu”. Trong khi Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca nói đến phương diện nhân tính của Đức Chúa Jesus thì Giăng nói đến phương diện thần tính của Ngài. Cũng qua sách Giăng mà chúng ta biết “Ngôi Lời” là danh xưng của Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa, trước khi Ngài nhập thế làm người. Cũng chỉ trong sách Giăng ghi lại lời tuyên bố của Đức Chúa Jesus về sự Ngài thực hữu trước Áp-ra-ham: “Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, trước khi có Áp-ra-ham, Ta Là!” (Giăng 8:58). Cũng chỉ trong sách Giăng, nhiều lần ghi lại lời Đức Chúa Jesus tự xưng “Ta Là”. Mà “Ta Là” là tên riêng của Thiên Chúa, có nghĩa: Ta tự có và có mãi.

Mục đích của Sứ Đồ Giăng khi viết sách Tin Lành Giăng là:

Nhưng các việc này đã được chép để cho các ngươi tin rằng, Jesus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời; và bởi tin, các ngươi có sự sống trong danh của Ngài.” (Giăng 20:31).

Sách Giăng được dành cho mỗi người trong bất cứ dân tộc nào để họ nhận thức rằng, Đức Chúa Jesus là loài người nhưng cũng chính là Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại.

Sách Giăng có 21 đoạn.

Câu gốc của sách Giăng là Giăng 1:14:

Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.”

Sơ Lược về Giăng

Giăng là một trong mười hai sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus. Ông là em của Sứ Đồ Gia-cơ và cũng là sứ đồ trẻ tuổi nhất. Hai anh em ông cùng với Sứ Đồ Phi-e-rơ là ba người thân cận nhất với Đức Chúa Jesus. Sách Giăng năm lần dùng danh xưng “người môn đồ Chúa yêu” để gọi ông, cho thấy, ông có mối tương giao mật thiết với Chúa hơn các sứ đồ khác.

Giăng được sinh ra vào năm thứ nhất (có tài liệu cho rằng, ông được sinh ra vào năm thứ 6 TCN) và chết vào năm thứ 100. Quê hương của ông là xứ Ga-li-lê, thuộc về miền bắc quốc gia I-sơ-ra-ên, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem khoảng 100 km. Gia đình của ông sinh sống bằng nghề đánh cá trên vùng biển hồ Ga-li-lê còn gọi là biển Ti-bê-ri-át. Gia đình ông có sự quen biết lớn với các thầy tế lễ và thầy tế lễ thượng phẩm đương thời Đức Chúa Jesus.

Giăng là sứ đồ duy nhất theo sát Chúa vào tận trong dinh của thầy tế lễ thượng phẩm, trong đêm Chúa bị bắt. Ông cũng là sứ đồ duy nhất có mặt bên chân thập tự giá của Chúa. Ông đã đón nhận bà Ma-ri, mẹ phần xác của Chúa, về làm mẹ của mình, theo lời phán dạy của Chúa. Sau khi Chúa phục sinh và thăng thiên, Giăng đã đem bà Ma-ri về phụng dưỡng. Khi cơn bách hại Hội Thánh xảy ra tại Giê-ru-sa-lem, Giăng đã đem bà Ma-ri về thành Ê-phê-sô, ở lại đó cho tới khi bà Ma-ri qua đời. Có lẽ Giăng đã viết sách Tin Lành Giăng tại Ê-phê-sô vào khoảng từ năm 60 đến năm 67.

Giăng bị bắt và lưu đày ra đảo Bát-mô vào khoảng năm 95. Tại đó, ông đã được Đức Chúa Jesus ban cho các khải tượng để viết sách Khải Huyền. Sau khi được trả tự do vào năm 96, Giăng đã về lại Ê-phê-sô. Các thư: I Giăng, II Giăng, và III Giăng có lẽ đã được viết ngay sau khi Giăng từ đảo Bát-mô về lại Ê-phê-sô.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Giăng đã chết già tại thành Ê-phê-sô vào năm 100. Ông là sứ đồ duy nhất không chết vì bị bách hại đức tin.

Trong loạt bài “Chú Giải Bốn Sách Tin Lành: Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ”, chúng ta sẽ cùng nhau học về ý nghĩa của từng câu Thánh Kinh trong bốn sách Tin Lành, bằng cách tổng hợp các câu Thánh Kinh trong mỗi sách cùng nói về một sự kiện. Chúng ta sẽ bắt đầu với sự thực hữu của Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa, lần lượt đi qua các sự kiện đã xảy ra với Ngài, theo thứ tự thời gian, và kết thúc với sự Ngài thăng thiên.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/08/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://coldcasechristianity.com/writings/johns-gospel-may-have-been-last-but-it-wasnt-late/

Karaoke Thánh Ca: “Tâm Linh Con Ngưỡng Trông”
https://karaokethanhca.net/tam-linh-con-nguong-trong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.