Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 09:01-18 Sau-lơ Gặp Đức Chúa Jesus

1,596 views

YouTube: https://youtu.be/oeAc5zwKRe0

44023 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-18
Sau-lơ Gặp Đức Chúa Jesus

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-18

1 Nhưng Sau-lơ vẫn thở những lời hăm dọa và sự giết hại, nghịch lại những môn đồ của Chúa. Người đã đến thầy tế lễ thượng phẩm,

2 xin từ ông ta những bức thư, vào trong thành Đa-mách, chuyển đến các nhà hội để nếu người gặp bất cứ ai có Đạo, dù đàn ông hay đàn bà, thì người trói họ, giải về Giê-ru-sa-lem.

3 Nhưng trong cuộc hành trình, khi người đã đến gần thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời đã chiếu sáng chung quanh người.

4 Người đã ngã xuống đất, nghe có tiếng phán với mình: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?

5 Người đã thưa: Chúa là ai? Chúa đã phán: Ta là Jesus mà ngươi bách hại.

6 Người đã run rẩy và kinh ngạc, thưa: Lạy Chúa! Ngài muốn tôi làm gì? Chúa đã phán với người: Hãy trỗi dậy và đi vào trong thành, rồi sẽ được nói cho ngươi điều phải làm.

7 Những kẻ cùng đi với người đã đứng lại, sững sờ. Thực tế, họ nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai.

8 Sau-lơ đã trỗi dậy khỏi đất. Mắt của người đã mở nhưng không thấy gì. Họ đã cầm tay dắt người, dẫn vào trong thành Đa-mách.

9 Người đã ba ngày chẳng thấy, chẳng ăn, cũng chẳng uống.

10 Tại Đa-mách, có một môn đồ kia, tên là A-na-nia. Chúa đã phán với người trong khải tượng: Hỡi A-na-nia! Người đã thưa: Lạy Chúa, này, tôi đây.

11 Chúa đã phán với người: Hãy trỗi dậy, đi đến đường gọi là đường Ngay Thẳng, tìm trong nhà của Giu-đa một người tên Sau-lơ của xứ Tạt-sơ. Vì kìa, người đang cầu nguyện,

12 và đã thấy trong khải tượng một người tên A-na-nia, vào, đặt tay trên người, để người được sáng mắt lại.

13 Nhưng A-na-nia đã đáp lời: Lạy Chúa, tôi có nghe từ nhiều người về người này, về biết bao điều dữ người đã làm cho những thánh đồ của Ngài tại Giê-ru-sa-lem.

14 Ở đây, người có thẩm quyền từ các thầy tế lễ thượng phẩm để trói hết thảy những ai kêu cầu danh của Ngài.

15 Nhưng Chúa đã phán với ông: Hãy đi! Vì người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên.

16 Vì Ta sẽ tỏ ra cho người biết, người phải chịu biết bao đau đớn vì danh Ta.

17 A-na-nia đã đi, vào bên trong nhà, rồi đặt tay trên người, nói: Hỡi anh Sau-lơ, Đức Chúa Jesus đã hiện ra với anh trên con đường anh đến đây, đã sai tôi đến, để anh được sáng mắt lại và được đổ đầy thánh linh.

18 Tức thì giống như các vảy từ mắt của người đã rớt xuống, thì người liền được sáng mắt. Rồi, người đã trỗi dậy và được báp-tem.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về sự Sau-lơ hung bạo, bách hại Hội Thánh, nhưng gặp được Đức Chúa Jesus và đầu phục Ngài.

1 Nhưng Sau-lơ vẫn thở những lời hăm dọa và sự giết hại, nghịch lại những môn đồ của Chúa. Người đã đến thầy tế lễ thượng phẩm,

2 xin từ ông ta những bức thư, vào trong thành Đa-mách, chuyển đến các nhà hội để nếu người gặp bất cứ ai có Đạo, dù đàn ông hay đàn bà, thì người trói họ, giải về Giê-ru-sa-lem.

Thở những lời hăm dọa và sự giết hại” là một thành ngữ được dùng để chỉ sự một người dường như sống bằng những lời hăm dọa và sự giết hại người khác. Nghĩa là một người lấy lời hăm dọa và sự giết hại để khủng bố người khác làm lẽ sống của mình. Thánh Kinh không ghi thêm cái chết của ai khác ngoài Ê-tiên, trong cơn những người theo Do-thái Giáo bách hại Hội Thánh. Nhưng dựa vào lời thú nhận của Sau-lơ được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 26:10, thì rất có thể, có nhiều con dân Chúa khác cũng đã bị các đám đông nổi loạn, ném đá chết, như Ê-tiên.

Sau cái chết của Ê-tiên, Sau-lơ vẫn tiếp tục bách hại Hội Thánh một cách hung bạo. Ông thường xuyên dùng lời hăm dọa để gây sợ hãi cho con dân Chúa; nhưng ông cũng thật sự biến những lời hăm dọa thành hành động, qua sự bắt trói, bỏ tù, và đồng thuận trong sự giết chết họ.

Tại Giê-ru-sa-lem, Sau-lơ đã đến gặp thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm là Cai-phe để xin Cai-phe viết những lá thư giới thiệu ông với các nhà hội của người I-sơ-ra-ên ở khắp nơi, và ban cho ông quyền bách hại con dân Chúa.

Trong câu chuyện được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-18 thì Sau-lơ đã đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Đa-mách để bắt con dân Chúa, giải giao về Giê-ru-sa-lem cho Tòa Công Luận xét xử. Thành Đa-mách cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng 240 km.

Danh từ “Đạo” trong câu 2 có nghĩa đen là đường lối; có nghĩa bóng là nếp sống. Ý nghĩa được dùng trong câu này là: nếp sống theo Lời Chúa. Người “có Đạo” là người có nếp sống đúng theo Lời Chúa. II Phi-e-rơ 2:2 gọi đó là Con Đường Chân Lý.

Mục đích của Sau-lơ là đến thành Đa-mách, tìm những con dân Chúa đã từ Giê-ru-sa-lem tản lạc đến đó, để bắt họ, giải về Giê-ru-sa-lem cho Tòa Công Luận xét xử họ về tội phạm thượng và tội theo tà giáo. Qua hai câu đầu của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 9, chúng ta thấy, Sau-lơ là một người sốt sắng bảo vệ Do-thái Giáo; và rất ghét những ai tin vào Đức Chúa Trời mà không theo sự giảng dạy của Do-thái Giáo.

3 Nhưng trong cuộc hành trình, khi người đã đến gần thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời đã chiếu sáng chung quanh người.

4 Người đã ngã xuống đất, nghe có tiếng phán với mình: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?

Chúng ta không biết Sau-lơ còn cách thành Đa-mách bao xa thì biến cố đã xảy ra. Cách nói “đến gần” dường như để chỉ một khoảng cách trong vòng một hay hai km.

Theo lời tường thuật của chính Sau-lơ, (về sau, ông dùng tên Phao-lô,) thì biến cố đã xảy ra vào khoảng giữa trưa, khi thình lình có một luồng ánh sáng lớn, chói hơn ánh sáng mặt trời, từ trời chiếu xuống chung quanh ông và những người cùng đi với ông. Ông và những người đi chung với ông đều ngã xuống đất. Sau khi mọi người đã ngã xuống đất thì Sau-lơ nghe có tiếng phán với ông, trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta? (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:6; 26:13).

Sau-lơ đang làm công việc bách hại con dân Chúa, nhưng Chúa lại phán hỏi ông rằng, sao ông bách hại Chúa. Điều này nói lên lẽ thật, con dân Chúa được hiệp một với Chúa, mỗi người là một chi thể của Chúa. Cũng chính vì thế mà trong cuộc phán xét những người tin nhận Tin Lành vào cuối Kỳ Tận Thế, Chúa sẽ phán rằng:

…Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, các anh chị em của Ta, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:40).

…Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã không làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã không làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:45).

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, mỗi một điều gì chúng ta làm cho bất cứ anh chị em cùng Cha nào của chúng ta, dù tốt hay xấu, là chúng ta làm cho chính Đấng Christ. Tương tự như vậy, mỗi một điều gì chúng ta từ chối làm cho bất cứ anh chị em cùng Cha nào của chúng ta, dù tốt hay xấu, là chúng ta từ chối làm cho chính Đấng Christ. Chúng ta hãy sốt sắng làm những điều lành nhưng kiên quyết tránh làm bất cứ điều xấu nào cho các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Chúng ta làm điều lành cho mọi người nhưng chúng ta ưu tiên làm cho anh chị em cùng đức tin của chúng ta. Lời Chúa dạy:

Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:10).

Sự làm lành cho các anh chị em cùng đức tin với chúng ta và sự thông công với họ là những của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:16).

Trong thực tế, Chúa chăn dắt Hội Thánh bằng cách Ngài dùng chính con dân Chúa để khuyên bảo, nhắc nhở, quở trách, khích lệ, tiếp trợ, và cứu giúp lẫn nhau. Trong thực tế, con dân Chúa phục vụ lẫn nhau chính là phụng sự Chúa và thể hiện tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong mình thành hành động.

Chúa hỏi Sau-lơ lý do ông bách hại Ngài, không phải vì Ngài không biết mà Chúa hỏi là để cho Sau-lơ nhận thức rõ cái lý do đó. Và cái lý do mà Sau-lơ bách hại Ngài là vì ông hoàn toàn tin Chúa, sốt sắng hầu việc Chúa, nhưng thiếu sự hiểu biết Lời Chúa nên đã không nhận ra Chúa và việc làm của Ngài. Chính vì không nhận ra Chúa và việc làm của Ngài mà Sau-lơ đã bách hại Ngài qua những người tin nhận Ngài.

Sau-lơ là một người học Lời Chúa với một giáo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:34; 22:3), nhưng ông vẫn thiếu sự hiểu biết Lời Chúa. Có một nguyên nhân khiến cho một người dù thật lòng tin Chúa, chuyên tâm học Lời Chúa, vâng giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời như Sau-lơ nhưng vẫn thiếu sự hiểu biết Lời Chúa. Đó chính là tấm lòng muốn được Đức Chúa Trời xưng mình là công chính bởi những việc làm theo luật pháp của mình. Tuy nhiên, không có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công chính trước mặt Ngài. Trong thời Tân Ước, một người phải được Đức Chúa Trời xưng là công chính bởi sự người ấy tin nhận sự chuộc tội của Đấng Christ. Chỉ có người đã được Đức Chúa Trời xưng là công chính mới có thể làm ra những việc làm công chính để phụng sự Chúa (Rô-ma 3:19-26).

Ngày nay, trong Hội Thánh có nhiều người sốt sắng làm bất cứ những gì mà họ nghĩ rằng, đó là phụng sự Chúa. Nhưng thực tế, việc làm của họ chỉ là để tỏ ra rằng, họ hiểu biết Lời Chúa hơn người khác để được nhiều người thán phục họ. Họ mượn danh nghĩa phụng sự Chúa để tự biến mình thành thần tượng của người khác. Lúc nào trong họ cũng có sự thôi thúc tìm kiếm sự khen ngợi của loài người. Chính vì thế mà ma quỷ lừa dối họ, gieo vào tâm trí họ những ý tưởng tà giáo mà họ tưởng rằng, họ đã đạt đến sự hiểu biết sâu nhiệm trong Lời Chúa. Thực tế, ngày nay trong các giáo hội mang danh Chúa có rất nhiều người được học trong các trường Thần học danh tiếng, từ các giáo sư Thần học danh tiếng của các giáo hội. Nhưng họ vẫn không có sự hiểu biết Lời Chúa, vì họ đã tiêm nhiễm những sự tà giáo do các giáo hội giảng dạy cho họ. Chính bản thân của họ thì lại tìm kiếm sự vinh quang cho chính mình, nên họ đã không thể hiểu được lẽ thật của Lời Chúa.

5 Người đã thưa: Chúa là ai? Chúa đã phán: Ta là Jesus mà ngươi bách hại.

Danh từ “Chúa” (G2962) Sau-lơ dùng để thưa với Chúa chính là danh từ được dùng để gọi Thiên Chúa, trong tiếng Hy-lạp; nhưng đó cũng là danh từ để tôi tớ gọi chủ, vợ gọi chồng, để nói lên sự vâng phục tuyệt đối của người gọi đối với người được gọi. Sau-lơ gọi Chúa bằng danh xưng “Chúa” đã chứng tỏ rằng, ông đã đặt mình trong sự phục tùng tuyệt đối, dù ông chưa biết Ngài là ai.

Thánh Kinh không nói rõ nhưng rất có thể Sau-lơ đã nhìn thấy hình thể phục sinh vinh quang của Đấng Christ, trong khi những người đi chung với ông chỉ nhìn thấy luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống. Chính vì thế mà sau đó, mắt của ông đã bị mù. Trong thư gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, hai lần Phao-lô đã nói đến việc ông được nhìn thấy Đấng Christ:

Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi chẳng phải được tự do sao? Tôi chẳng phải từng thấy Jesus Christ là Chúa của chúng ta sao? Các anh chị em chẳng phải là công việc của tôi trong Chúa sao?” (I Cô-rinh-tô 9:1).

Sau cùng, Ngài cũng đã hiện ra cho tôi, như cho một thai sinh non.” (I Cô-rinh-tô 15:8).

Khi Chúa đáp lời Sau-lơ, xưng danh Ngài là Jesus, thì ông biết ngay, lời nói của thầy mình là Giáo Sư Ga-ma-li-ên đã ứng nghiệm trên ông. Khi Tòa Công Luận xét xử Sứ Đồ Phi-e-rơ và Sứ Đồ Giăng, muốn tìm cách giết họ, thì Ga-ma-li-ên đã lên tiếng ngăn cản:

Nay, ta bảo các ngươi: Hãy lánh xa những người ấy, để mặc họ. Vì nếu mưu luận hoặc việc làm này là bởi loài người, nó sẽ bị lật đổ. Nhưng nếu là bởi Thiên Chúa thì các ngươi không thể lật đổ nó, mà các ngươi lại bị tìm thấy chống nghịch Thiên Chúa. (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:38-39).

Giờ đây, Sau-lơ đã nhận ra, ông đang phạm tội chống nghịch Thiên Chúa.

Trong lời tường thuật của Sau-lơ thì ông nói rõ, Chúa xưng danh Ngài là “Jesus ở Na-xa-rét”. Chúng ta có thể hiểu rằng, Lu-ca đã ghi lại cách vắn tắt sự việc, còn lời tường thuật của chính Sau-lơ thì chi tiết hơn. Danh xưng “Jesus ở Na-xa-rét” chính là danh xưng mà Sau-lơ đã khinh thường và bách hại bất cứ ai rao giảng hoặc kêu cầu danh ấy. Nay, ông nhìn thấy Ngài hiện ra với ông trong sự vinh quang, chói sáng, ông biết mình đã phạm tội lớn.

Trong một số bản chép tay nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, có vài bản đã thêm câu “Khốn cho ngươi khi đá vào đòn xóc” vào cuối câu 5. Nhưng những bản chép tay đáng tin cậy nhất thì không có câu này. Vì thế, các nhà giải kinh đồng ý rằng, có lẽ câu này đã được một số người tự ý thêm vào, khi sao chép sách Công Vụ Các Sứ Đồ, để cho thích hợp với lời tường thuật của Sau-lơ, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 26:14.

6 Người đã run rẩy và kinh ngạc, thưa: Lạy Chúa! Ngài muốn tôi làm gì? Chúa đã phán với người: Hãy trỗi dậy và đi vào trong thành, rồi sẽ được nói cho ngươi điều phải làm.

Sau-lơ đã run rẩy vì sợ hãi, khi nhận ra mình đã phạm thượng, đã bách hại chính Chúa, đã chống nghịch Thiên Chúa. Sau-lơ đã kinh ngạc vì được nhìn thấy sự vinh quang, sống động của Đấng Christ, vì điều mà ông cho là tà giáo lại là việc làm của Đức Chúa Trời. Sau-lơ hoàn toàn đầu phục Chúa, phó thác thân phận của mình cho Chúa. Câu hỏi của ông: “Lạy Chúa! Ngài muốn tôi làm gì?” Hàm ý là ông chờ đợi Chúa tuyên án phạt, hơn là Chúa giao việc làm cho ông. Ông muốn hỏi, Chúa muốn phạt ông như thế nào? Chúa muốn ông làm gì để đền tội.

Nhưng Chúa đã không có một lời quở trách Sau-lơ. Ngay cả câu hỏi trước đó: “Sao ngươi bách hại Ta?” cũng chỉ nói lên thực tế việc mà Sau-lơ đang làm, chứ không là lời quở trách. Chúa đã truyền cho Sau-lơ đi vào trong thành, rồi điều mà Sau-lơ phải làm sẽ được nói cho ông.

7 Những kẻ cùng đi với người đã đứng lại, sững sờ. Thực tế, họ nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai.

Thánh Kinh không nói rõ những ai đã cùng Sau-lơ đi từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách để bách hại con dân Chúa; cũng không nói rõ là bao nhiêu người. Có thể đó là những người trong đội lính canh của Đền Thờ đã được giao cho nhiệm vụ đi theo Sau-lơ để áp giải những người sẽ bị Sau-lơ bắt.

Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 26:14 thì tất cả những người đi chung với Sau-lơ đều bị ngã xuống. Có thể, sau khi đã ngã xuống vì sự xuất hiện bất ngờ của luồng ánh sáng lớn từ trời chiếu xuống chung quanh họ, thì họ đã đứng dậy. Họ cũng nghe có tiếng nói nhưng không thấy ai, và cũng chẳng hiểu điều họ nghe. Có thể vì Chúa phán trong tiếng Hê-bơ-rơ mà họ là những người không biết tiếng Hê-bơ-rơ, nên họ không hiểu điều họ nghe. Họ sững sờ trước hiện tượng lạ lùng vừa xảy ra.

8 Sau-lơ đã trỗi dậy khỏi đất. Mắt của người đã mở nhưng không thấy gì. Họ đã cầm tay dắt người, dẫn vào trong thành Đa-mách.

9 Người đã ba ngày chẳng thấy, chẳng ăn, cũng chẳng uống.

Sau-lơ cũng đã đứng dậy như mọi người, mắt ông đã mở ra nhưng lại không nhìn thấy; có nghĩa là Sau-lơ đã bị mù. Những người đi chung với Sau-lơ đã cầm tay của ông để dắt ông vào trong thành Đa- mách.

Sau-lơ đã ở trong thành Đa-mách suốt ba ngày, trong tình trạng mắt bị mù. Sau-lơ đã chẳng ăn, chẳng uống. Theo câu 11 và 12 thì chúng ta hiểu rằng, trong thời gian ba ngày đó, Sau-lơ đã cầu nguyện với Chúa và đã được Chúa ban cho khải tượng.

10 Tại Đa-mách, có một môn đồ kia, tên là A-na-nia. Chúa đã phán với người trong khải tượng: Hỡi A-na-nia! Người đã thưa: Lạy Chúa, này, tôi đây.

Trong thành Đa-mách có một môn đồ của Chúa tên là A-na-nia. Chúa đã phán với A-na-nia trong một khải tượng. Điều đó có thể hiểu rằng, Chúa đã hiện ra với A-na-nia trong khải tượng và phán với ông. Chính vì thế mà A-na-nia nhận biết Chúa đang gọi mình.

11 Chúa đã phán với người: Hãy trỗi dậy, đi đến đường gọi là đường Ngay Thẳng, tìm trong nhà của Giu-đa một người tên Sau-lơ của xứ Tạt-sơ. Vì kìa, người đang cầu nguyện,

12 và đã thấy trong khải tượng một người tên A-na-nia, vào, đặt tay trên người, để người được sáng mắt lại.

Chúa đã phán bảo A-na-nia đi đến đường Ngay Thẳng, vào trong nhà của một người tên là Giu-đa để tìm Sau-lơ. Có lẽ Giu-đa là một người I-sơ-ra-ên, chủ một quán trọ, được những người I-sơ-ra-ên khác sống tại Đa-mách biết đến. Tên Sau-lơ của xứ Tạt-sơ cũng được nhiều người I-sơ-ra-ên biết đến, vì sự ông bách hại các môn đồ của Chúa cách hung bạo.

Trong khi Sau-lơ không ăn, không uống, chuyên tâm cầu nguyện thì Chúa đã ban cho ông một khải tượng. Trong khải tượng, Sau-lơ thấy có một người tên là A-na-nia, vào nhà, đặt tay trên ông, khiến cho ông được sáng mắt trở lại.

Chúng ta có thể hiểu rằng, Sau-lơ rất run sợ và đau lòng về sự ông bách hại Chúa, nên có lẽ ông đã chuyên tâm cầu nguyện với Chúa trong suốt ba ngày. Lời cầu nguyện có thể là lời xưng tội, xin Chúa thương xót, và xin chấp nhận sự hình phạt của Chúa.

13 Nhưng A-na-nia đã đáp lời: Lạy Chúa, tôi có nghe từ nhiều người về người này, về biết bao điều dữ người đã làm cho những thánh đồ của Ngài tại Giê-ru-sa-lem.

14 Ở đây, người có thẩm quyền từ các thầy tế lễ thượng phẩm để trói hết thảy những ai kêu cầu danh của Ngài.

Mặc dù Sau-lơ chưa đến Đa-mách nhưng thông tin về sự ông nhận quyền từ các thầy tế lễ thượng phẩm, đến Đa-mách để truy bắt con dân Chúa đã đến trước. Có thể trong Tòa Công Luận có người có cảm tình với con dân Chúa đã thông tin cho con dân Chúa. Tiếng đồn về sự Sau-lơ hung bạo bách hại con dân Chúa ở Giê-ru-sa-lem cũng đã được loan truyền đến Đa-mách.

Trong câu 24, danh từ “thầy tế lễ thượng phẩm” được dùng với hình thức số nhiều để chỉ thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm là An-ne và thầy tế lễ thượng phẩm đã về hưu là Cai-phe, cha vợ của An-ne. Có thể An-ne đã nhường cho Cai-phe đứng đầu Tòa Công Luận. Sau-lơ được An-ne cho phép và ban thẩm quyền nhưng giấy phép do Cai-phe cấp.

Qua lời A-na-nia thưa với Chúa, chúng ta nhận thấy điều này: loài người chúng ta biết và tin Chúa là toàn năng, toàn tri nhưng nhiều khi chúng ta thưa chuyện với Chúa, chúng ta hoàn toàn quên đi sự toàn năng, toàn tri của Ngài. Thật ra, A-na-nia chỉ cần thưa với Chúa: Lạy Chúa! Con xin vâng lời Ngài. Xin Ngài ban ơn, thêm sức cho con.

15 Nhưng Chúa đã phán với ông: Hãy đi! Vì người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên.

16 Vì Ta sẽ tỏ ra cho người biết, người phải chịu biết bao đau đớn vì danh Ta.

Chúa đã phán với A-na-nia rằng, Sau-lơ là một đồ dùng được chọn cho Ngài. Chính Chúa là Đấng đã chọn Sau-lơ. Chúa chọn Sau-lơ vì ông có lòng sốt sắng về nhà Chúa.

Có một số người nghĩ rằng, vì Sau-lơ đã bách hại Hội Thánh của Chúa cách hung bạo nên về sau, ông cũng bị nếm mùi bị bách hại. Điều đó giống như: “Gieo gì gặt nấy” hoặc: “Gieo gió gặt bão”. Và họ xem như lời Chúa phán trong câu 16 là hình phạt Chúa dành cho Sau-lơ.

Tuy nhiên, đó không phải là lời Chúa tuyên án Sau-lơ. Cũng không bao giờ có chuyện người chịu khổ vì danh Chúa là người bị Chúa phạt. Chúa chỉ nói trước điều mà bất cứ ai sống cho Chúa, phụng sự Chúa cũng đều gặp phải. Và người càng trung tín sống cho Chúa bao nhiêu, càng sốt sắng phụng sự Chúa bao nhiêu thì càng phải chịu khổ vì danh Chúa bấy nhiêu. Chịu khổ vì danh Chúa là vinh dự và là lý do để được Chúa khen thưởng. Chịu khổ vì danh Chúa không bao giờ là hình phạt.

Người được chọn làm đồ dùng cho Chúa là người được Chúa dùng theo ý muốn của Ngài, để làm thành chương trình và ý định của Ngài. Trong trường hợp của Sau-lơ, Chúa dùng ông trong chức vụ sứ đồ để rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại lẫn dân I-sơ-ra-ên, và cho các bậc cầm quyền trong thế gian. Thực tế, Sau-lơ đã rao truyền danh Chúa cho Vua Hê-rốt của dân I-sơ-ra-ên, Vua Nê-rô của dân La-mã, các thống đốc của La-mã, các thầy tế lễ thượng phẩm của dân I-sơ-ra-ên và các trưởng lão của I-sơ-ra-ên trong Tòa Công Luận. Sau-lơ cũng đã rao truyền danh Chúa cho nhiều người thuộc các dân tộc khác lẫn dân I-sơ-ra-ên. Cho tới ngày nay, qua các thư do ông viết, được lưu lại trong Thánh Kinh Tân Ước, mà Tin Lành vẫn còn được Phao-lô giảng ra cho mọi dân tộc.

Có lẽ nhiều người cho rằng, con đường có căn nhà Sau-lơ đang cư trú được gọi là Ngay Thẳng là một sự tình cờ. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, chính Chúa đã khiến cho con đường đó được đặt tên là Ngay Thẳng, để khi thời điểm tới, Ngài khiến Sau-lơ vào trọ trong một căn nhà trên con đường đó. Như vậy, Sau-lơ được bắt đầu đời sống mới của mình trên Đường Ngay Thẳng. Đường Ngay Thẳng cũng chính là Đường Chân Lý. Ngay cả tên người chủ nhà là Giu-đa cũng gợi lên ý nghĩa, chi phái Giu-đa của Đấng Christ đã cưu mang Sau-lơ.

17 A-na-nia đã đi, vào bên trong nhà, rồi đặt tay trên người, nói: Hỡi anh Sau-lơ, Đức Chúa Jesus đã hiện ra với anh trên con đường anh đến đây, đã sai tôi đến, để anh được sáng mắt lại và được đổ đầy thánh linh.

Sau lời phán bảo của Chúa thì A-na-nia đã vững lòng, lên đường. Ông đã tìm đến nơi, vào nhà, đặt tay trên Sau-lơ và nói cho Sau-lơ biết, ông là người được Đức Chúa Jesus sai đến để chữa lành đôi mắt của Sau-lơ và để Sau-lơ được đổ đầy thánh linh. A-na-nia đã cẩn thận nói rõ, Chúa Jesus sai ông đến với Sau-lơ chính là Chúa Jesus đã hiện ra với Sau-lơ trên đường Sau-lơ đến Đa-mách. Qua câu nói của A-na-nia, chúng ta thấy, Chúa cũng đã tỏ ra cho A-na-nia biết, Chúa đã hiện ra với Sau-lơ.

18 Tức thì giống như các vảy từ mắt của người đã rớt xuống, thì người liền được sáng mắt. Rồi, người đã trỗi dậy và được báp-tem.

A-na-nia vừa dứt lời thì Sau-lơ có cảm giác giống như các vảy từ hai mắt của mình rớt xuống, và ông liền nhìn thấy trở lại. Mệnh đề “giống như các vảy từ mắt của người đã rớt xuống” không có nghĩa là trong thực tế có hai vật thể như hai cái vảy từ hai mắt của Sau-lơ rơi xuống, mà chỉ nói lên cảm giác của ông. Chính Sau-lơ đã nhận biết là ánh sáng chói chang từ sự vinh quang của Chúa đã khiến cho ông bị mù (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:11). Sự mù này có lẽ tương tự như sự mù tạm thời của những người bị sự phản chiếu của ánh sáng mặt trời trên tuyết [1]. Sự tổn thương mắt này có lẽ đã khiến cho Sau-lơ cứ bị chứng chảy nước mắt và nhìn không rõ. Có thể, đây là điều mà ông gọi là “cái dằm xóc” trong II Cô-rinh-tô 12:7 mà Chúa đã không chữa lành cho ông, để dùng đó nhắc ông luôn hạ mình khiêm nhường. Có lẽ vì thế mà mỗi khi viết thư cho các Hội Thánh thì Phao-lô phải đọc cho người khác viết, và khi ông tự tay viết vài câu thì ông phải viết chữ lớn (Ga-la-ti 6:11).

Ngay sau khi nhìn thấy trở lại, Sau-lơ đã trỗi dậy và chịu báp-tem.

Theo lời tường thuật của Sau-lơ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 22:16 thì A-na-nia đã kêu gọi ông:

Bây giờ, anh còn trễ nải làm gì? Hãy trỗi dậy, chịu báp-tem và hãy rửa sạch những tội lỗi của anh, kêu cầu danh Chúa.”

Qua câu chuyện Sau-lơ gặp Đức Chúa Jesus, chúng ta thấy rằng, khi một người thật lòng tin nhận Chúa, cho dù vì lý do gì mà thiếu hiểu biết Lời Chúa, thậm chí làm ra những việc chống nghịch Chúa mà tưởng mình đang phụng sự Chúa, thì Chúa vẫn đưa dắt người ấy đến với lẽ thật. Chúa biết trước mọi sự và Ngài biết tấm lòng của mỗi người. Vì thế, điều quan trọng thứ nhất là chúng ta có thật lòng tin kính Chúa, vâng phục Chúa, sốt sắng phụng sự Chúa hay không. Điều quan trọng thứ nhì là khi Chúa đã đem chúng ta đến với lẽ thật của Lời Chúa, bởi những A-na-nia trong Hội Thánh của Chúa, thì chúng ta có nhanh chóng hành động theo sự được sáng mắt thuộc linh của chúng ta hay không?

Sau-lơ đã lập tức ra khỏi Giáo Hội Do-thái Giáo, xem mọi sự trước đây là sự lợi ích của ông như là phân, chuyên tâm đặt mình làm đồ dùng của Chúa. Chúng ta hãy đọc lời tâm tình của ông với Hội Thánh tại thành Phi-líp.

Phi-líp 3:7-11

7 Nhưng những gì đối với tôi là có lợi thì tôi xem như sự lỗ, vì Đấng Christ.

8 Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ,

9 và được tìm thấy ở trong Ngài, không phải bởi có sự công chính của tôi, là sự ra từ luật pháp, nhưng sự công chính bởi tin nơi Đấng Christ, là sự công chính ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin;

10 để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài;

11 sao cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.

Sau-lơ đã trở thành Sứ Đồ Phao-lô. Người sứ đồ lừng danh trong lịch sử của Hội Thánh. Ông đã đánh một trận đánh tốt lành, đã xong cuộc đua, và đã giữ đức tin (II Ti-mô-thê 4:7).

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/09/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://vi.lifehackk.com/21-snow-blindness-prevention-3157485-9326

Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Hiến Dâng Jesus”
https://karaokethanhca.net/doi-con-hien-dang-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.