Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL016 Mục Vụ của Giăng Báp-tít

562 views

YouTube: https://youtu.be/KXytcxnPIDg

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL016 Mục Vụ của Giăng Báp-tít
Ma-thi-ơ 3:1-6; Mác 1:1-6; Lu-ca 3:1-6

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 3:1-6

1 Trong những ngày ấy, Giăng Báp-tít đã đến, rao giảng trong đồng vắng xứ Giu-đê, [Giăng Báp-tít có nghĩa là người tên Giăng làm báp-tem cho người khác.]

2 rằng: Các ngươi hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần!

3 Ấy là người đã được nói đến bởi Tiên Tri Ê-sai, rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng. Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa! Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài! [Ê-sai 40:3]

4 Giăng đã tự mình có quần áo của mình làm từ lông lạc đà, với dây lưng da chung quanh lưng mình. Thức ăn của người là những châu chấu và mật ong rừng.

5 Bấy giờ, Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền lân cận sông Giô-đanh đã đến với người.

6 Họ đã xưng nhận những tội lỗi của họ, được báp-tem bởi người trong sông Giô-đanh.

Mác 1:1-6

1 Sự khởi đầu Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, Con của Đức Chúa Trời.

2 Như đã chép trong các sách tiên tri: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi. Người sẽ dọn đường của ngươi, trước mặt ngươi. [Ma-la-chi 3:1]

3 Có tiếng kêu trong đồng vắng: Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa! Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài! [Ê-sai 40:3]

4 Giăng đã đến, làm báp-tem trong đồng vắng và giảng phép báp-tem của sự ăn năn để được tha những tội.

5 Cả đất Giu-đê và dân chúng của thành Giê-ru-sa-lem đã đến với người. Hết thảy đã xưng nhận những tội lỗi của họ, được báp-tem bởi người trong sông Giô-đanh.

6 Giăng đã mặc áo lông lạc đà, với dây lưng da chung quanh lưng mình; ăn những châu chấu và mật ong rừng.

Lu-ca 3:1-6

1 Trong năm thứ mười lăm thuộc quyền cai trị của Sê-sa Ti-be-rơ: Bôn-xơ Phi-lát là thống đốc của xứ Giu-đê; Hê-rốt là vua chư hầu của xứ Ga-li-lê, Phi-líp, em trai của ông, là vua chư hầu của xứ I-tu-rê và vùng Tra-cô-nít; Li-sa-ni-a là vua chư hầu của xứ A-bi-len; [Hê-rốt An-ti-ba]

2 An-ne và Cai-phe là các thầy tế lễ thượng phẩm; lời phán của Thiên Chúa đã đến với Giăng, con trai của Xa-cha-ri, trong đồng vắng.

3 Người đã đến trong hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng phép báp-tem của sự ăn năn để được tha những tội;

4 như đã chép trong sách các lời của Tiên Tri Ê-sai, rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng. Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa! Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài!

5 Mỗi trũng sẽ được lấp đầy. Mỗi núi và đồi sẽ bị san bằng. Những đường quanh co sẽ được làm thẳng. Những đường gập ghềnh sẽ được làm phẳng.

6 Mọi xác thịt sẽ thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. [Ê-sai 40:3-5]

Kể từ bài này trở đi, chúng ta thường xuyên kết hợp và đối chiếu các phân đoạn Thánh Kinh khác nhau trong bốn sách Tin Lành, để tìm hiểu về một sự kiện đã xảy ra; nhưng được Đức Thánh Linh dùng các người khác nhau ghi lại.

Chúng ta cần hiểu rằng, Đức Thánh Linh thần cảm cho các môn đồ của Đấng Christ ghi chép các sự việc; nhưng mỗi người được tự do ghi chép theo sự nhận thức và theo khả năng diễn đạt của mỗi người. Dù văn phong khác nhau, dù một số chi tiết khác nhau nhưng không có sự mâu thuẫn. Các sự ghi chép đã hỗ trợ nhau để kết thành một tường trình chính xác, với nhiều chi tiết.

Các phân đoạn Thánh Kinh chúng ta cùng nhau học trong bài này nói về: thời điểm Giăng Báp-tít bắt đầu mục vụ; mục vụ của Giăng Báp-tít đã được tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước; sự đáp ứng của dân chúng; cách ăn mặc của Giăng Báp-tít.

Mác 1:1

1 Sự khởi đầu Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, Con của Đức Chúa Trời.

Lu-ca 3:1-2

1 Trong năm thứ mười lăm thuộc quyền cai trị của Sê-sa Ti-be-rơ: Bôn-xơ Phi-lát là thống đốc của xứ Giu-đê; Hê-rốt là vua chư hầu của xứ Ga-li-lê, Phi-líp, em trai của ông, là vua chư hầu của xứ I-tu-rê và vùng Tra-cô-nít; Li-sa-ni-a là vua chư hầu của xứ A-bi-len; [Hê-rốt An-ti-ba]

2 An-ne và Cai-phe là các thầy tế lễ thượng phẩm; lời phán của Thiên Chúa đã đến với Giăng, con trai của Xa-cha-ri, trong đồng vắng.

Thời điểm Giăng Báp-tít bắt đầu mục vụ cũng là thời điểm Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ được chính thức rao giảng, như Mác 1:1 đã khẳng định. Điều đó có nghĩa là lời rao giảng của Giăng Báp-tít cũng chính là lời rao giảng Tin Lành. Giăng Báp-tít kêu gọi mọi người dọn lòng để đón nhận sự tha tội của Đức Chúa Trời, qua sự hy sinh của Đấng Christ. Giăng Báp-tít đã công bố Đức Chúa Jesus Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian (Giăng 1:29).

Chúng ta đã hiểu, Tin Lành có nghĩa là tin tức tốt lành. Tin tức tốt lành được nói đến ở đây là tin tức tốt lành về sự Đức Chúa Trời ban cho loài người sự được cứu rỗi ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Sức mạnh của tội lỗi là quyền lực tác động trong một người, bắt ép người ấy cứ phạm tội mà người ấy không thể chống lại được. Hậu quả cuối cùng của sự phạm tội là sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Tin tức tốt lành đó được gọi là Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ. Vì Đức Chúa Jesus Christ là Đấng thực hiện và hoàn thành sự cứu rỗi, bằng cách dâng chính mạng sống của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Con của Đức Chúa Trời, vì về phương diện thân vị loài người, Ngài đã được Đức Chúa Trời sinh ra làm người, trong lòng trinh nữ Ma-ri.

Lu-ca là người ghi chép sách Tin Lành Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Ông có khuynh hướng ghi chép các sự kiện một cách chi tiết về thời gian, về các địa danh, về các nhân vật, cùng cách thức diễn tiến của sự việc.

Danh từ “sê-sa” trong tiếng La-tinh có nghĩa là: bị cắt đứt. Đó là họ của hoàng đế La-mã đầu tiên, được các hoàng đế La-mã kế tiếp dùng như một danh hiệu. Sê-sa Ti-be-rơ nối nghiệp Sê-sa Au-gút-tơ, cầm quyền cai trị đế quốc La-mã từ năm 14 tới năm 37. Nhưng Ti-be-rơ đã bắt đầu đồng trị với Au-gút-tơ từ năm 10 [1]. Vì Ti-be-rơ đã đồng trị với Au-gút-tơ từ năm 10 nên năm thứ 15 thuộc quyền cai trị của Ti-be-rơ nhằm năm 25; hàm ý, Giăng Báp-tít đã bắt đầu mục vụ vào năm 25.

Dựa vào ghi chép của Sử Gia Giô-se-phớt (Joshephus) mà các nhà sử học cho rằng, Bôn-xơ Phi-lát làm thống đốc của xứ Giu-đê từ năm 26 tới năm 36. Vì Giô-se-phớt cho biết, vào năm 36, khi Phi-lát nhận được lệnh của Sê-sa Ti-be-rơ gọi ông về Rô-ma để trả lời về các tố cáo của dân Do-thái, thì Phi-lát đã ở tại Giu-đê 10 năm [2a]. Nhưng sự kiện Phi-lát đã ở tại Giu-đê 10 năm, khi nhận lệnh về trình diện Ti-be-rơ vào năm 36, không nhất thiết là Phi-lát đã bắt đầu làm thống đốc vào năm 26. Rất có thể Phi-lát đã làm thống đốc xứ Giu-đê vào năm 25, nhưng từ năm 26 thì ông mới ở luôn tại Giu-đê; còn trước đó thì ông thường xuyên đi về giữa Rô-ma và Giu-đê.

Cũng theo ghi chép của Giô-se-phớt, vào năm 28, khi Phi-lát ra lệnh cho quân lính tàn sát những người Do-thái biểu tình chống đối ông thì sự kiện Đức Chúa Jesus chết và phục sinh đã được loan truyền rộng rãi [2b]. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng: Giăng Báp-tít đã bắt đầu mục vụ vào năm 25; Đức Chúa Jesus đã được báp-tem trước Lễ Vượt Qua năm 25 và bị đóng đinh trên thập tự giá vào Lễ Vượt Qua năm 27. Sách Tin Lành Giăng chỉ ghi lại ba kỳ Lễ Vượt Qua, kể từ khi Giăng Báp-tít bắt đầu mục vụ cho tới khi Đấng Christ bị đóng đinh. Xin đọc bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” [3].

Hê-rốt An-ti-ba là vua chư hầu của xứ Ga-li-lê từ năm 4 TCN tới năm 39 [4].

Phi-líp, em trai của Hê-rốt An-ti-ba, còn gọi là Hê-rốt Phi-líp Đệ Nhị, là vua chư hầu của xứ I-tu-rê và vùng Tra-cô-nít từ năm 4 TCN tới năm 34 [5]. Xứ I-tu-rê nằm về phía bắc xứ Ga-li-lê. Vùng Tra-cô-nít nằm về phía đông sông Giô-đanh [6].

Về sự kiện Li-sa-ni-a là vua chư hầu của xứ A-bi-len, chúng ta không có dữ liệu lịch sử chi tiết, nhưng khảo cổ học cho biết, trên một đồng tiền đúc và trên một di tích đền thờ ngoại giáo có chạm hàng chữ: “Li-sa-ni-a là vua chư hầu và thầy tế lễ thượng phẩm” [7]. Thầy tế lễ thượng phẩm được nói ở đây là thầy tế lễ thượng phẩm trong một đền thờ của tà thần. Xứ A-bi-len nằm về phía tây bắc của thành Đa-mách. Có lẽ Li-sa-ni-a được nói đến ở đây là vì ông là vua chư hầu của một vùng đất có dân I-sơ-ra-ên sinh sống, vốn thuộc lãnh thổ do Hê-rốt Đại Đế cai trị.

An-ne là cha vợ của Cai-phe và làm thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 6 tới năm 15. Mặc dù vào lúc Giăng Báp-tít thi hành mục vụ, An-ne không còn trong chức vụ nhưng ông vẫn được gọi là thầy tế lễ thượng phẩm. Vì ông vẫn nắm quyền lực trong Tòa Công Luận của Do-thái Giáo.

Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 18 tới năm 36, là thầy tế lễ đương nhiệm trong thời gian Giăng Báp-tít và Đức Chúa Jesus thi hành mục vụ [8].

Giăng, con trai của Thầy Tế Lễ Xa-cha-ri, còn gọi là Giăng Báp-tít, vì ông làm báp-tem cho những ai tin nhận lời rao giảng của ông.

Chúng ta không biết Giăng Báp-tít đi vào đồng vắng từ lúc nào. Nhưng Giăng Báp-tít đã nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa để bắt đầu mục vụ của ông, khi ông đang ở trong đồng vắng. Có thể Giăng Báp-tít đã được sự thôi thúc của Thiên Chúa, vào trong đồng vắng để cầu nguyện và dọn mình cho chức vụ từ cuối năm 24. Đầu năm 25 thì Giăng Báp-tít bắt đầu mục vụ.

Ma-thi-ơ 3:1-2

1 Trong những ngày ấy, Giăng Báp-tít đã đến, rao giảng trong đồng vắng xứ Giu-đê, [Giăng Báp-tít có nghĩa là người tên Giăng làm báp-tem cho người khác.]

2 rằng: Các ngươi hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần!

Mác 1:4

4 Giăng đã đến, làm báp-tem trong đồng vắng và giảng phép báp-tem của sự ăn năn để được tha những tội.

Lu-ca 3:3

3 Người đã đến trong hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng phép báp-tem của sự ăn năn để được tha những tội;

Trong những ngày ấy” là trong những ngày mà Đức Chúa Jesus vẫn đang sống tại Na-xa-rét. Nhưng khoảng 27 năm đã trôi qua, kể từ khi Giô-sép đem Ma-ri và Đức Chúa Jesus từ Ê-díp-tô về lại I-sơ-ra-ên, sống trong thành Na-xa-rét, như đã tường thuật trong Ma-thi-ơ đoạn 2.

Giăng Báp-tít” có nghĩa là người tên Giăng, làm báp-tem cho người khác. Làm báp-tem cho một người là nhúng người ấy chìm hoàn toàn vào trong nước. Giăng vừa rao giảng, kêu gọi mọi người ăn năn, vừa làm báp-tem cho những ai tin nhận lời rao giảng của ông và chịu ăn năn. Phép báp-tem do Giăng làm được gọi là phép báp-tem vào trong sự ăn năn. Sự nhúng chìm người có lòng ăn năn vào trong nước tiêu biểu cho sự người ấy được rửa sạch khỏi những tội lỗi.

Giăng Báp-tít đã không rao giảng tại Giê-ru-sa-lem hay bất cứ một thành phố hoặc làng xóm nào. Ông chỉ rao giảng trong đồng vắng xứ Giu-đê, gần sông Giô-đanh. Lời rao giảng chính của Giăng là: “Các ngươi hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần!” Đây cũng là lời rao giảng chính của Đức Chúa Jesus, khi Ngài bắt đầu thi hành mục vụ (Ma-thi-ơ 4:17).

Sự phạm tội tức là sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa; là sự không làm những gì Thiên Chúa bảo loài người làm mà làm những gì Thiên Chúa bảo loài người đừng làm. Ăn năn có nghĩa là quay lại, từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Người có lòng từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ cho mọi sự vi phạm của người ấy. Vào lúc Giăng Báp-tít thi hành mục vụ thì lòng ăn năn của một người được thể hiện bằng sự chịu báp-tem, tức là chịu nhúng mình vào trong nước, bày tỏ tấm lòng sẵn sàng đón nhận sự thánh hóa từ Thiên Chúa để sống một đời sống mới, không phạm tội. Sự thánh hóa từ Thiên Chúa đến với người thật lòng ăn năn là nhờ vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; như Lời Chúa đã dạy: “…máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội của chúng ta.” (I Giăng 1:7).

Trong lời rao giảng của Giăng Báp-tít cũng như của Đức Chúa Jesus có nói đến một chi tiết quan trọng. Mọi người cần ăn năn là vì “Vương Quốc Trời đã đến gần”. Động từ “đã đến” được dùng với hình thức quá khứ hoàn thành. Có nghĩa là Vương Quốc Trời đã hoàn toàn đến gần với mỗi một người để ai nấy đều có thể bước vào, nếu họ thật lòng ăn năn tội.

Vương Quốc Trời là một quốc gia được cai trị bởi Thiên Chúa, qua Đức Chúa Jesus Christ. Vương Quốc Trời bắt đầu từ trong lòng của những ai tin nhận Tin Lành (Lu-ca 17:20-21); sẽ thể hiện trên đất trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, ngay sau Kỳ Tận Thế; và sẽ thể hiện trên đất trong thời kỳ Vương Quốc Đời Đời của trời mới đất mới.

Ma-thi-ơ 3:3

3 Ấy là người đã được nói đến bởi Tiên Tri Ê-sai, rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng. Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa! Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài! [Ê-sai 40:3]

Mác 1:2-3

2 Như đã chép trong các sách tiên tri: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi. Người sẽ dọn đường của ngươi, trước mặt ngươi. [Ma-la-chi 3:1]

3 Có tiếng kêu trong đồng vắng: Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa! Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài! [Ê-sai 40:3]

Lu-ca 3:4-6

4 như đã chép trong sách các lời của Tiên Tri Ê-sai, rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng. Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa! Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài!

5 Mỗi trũng sẽ được lấp đầy. Mỗi núi và đồi sẽ bị san bằng. Những đường quanh co sẽ được làm thẳng. Những đường gập ghềnh sẽ được làm phẳng.

6 Mọi xác thịt sẽ thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. [Ê-sai 40:3-5]

Cả Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca đều xác nhận rằng, lời tiên tri trong Ê-sai 40:3 là chỉ về Giăng Báp-tít. Lu-ca còn trích dẫn thêm câu 4 và câu 5. Mác thì trích dẫn thêm lời tiên tri trong Ma-la-chi 3:1.

Tiếng kêu trong đồng vắng” là tiếng kêu của Giăng Báp-tít.

Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa” là Giăng Báp-tít kêu gọi dân I-sơ-ra-ên hãy dọn lòng của họ để đón nhận Đấng Christ.

Các ngươi hãy làm thẳng các lối đi của Ngài” là Giăng Báp-tít kêu gọi dân I-sơ-ra-ên, hãy cất đi những sự gian dối trong mỗi tấm lòng của họ để tiếp nhận các lẽ thật từ Đấng Christ.

Mỗi trũng sẽ được lấp đầy” là mỗi tấm lòng trống vắng lẽ thật của Thiên Chúa sẽ được lấp đầy Lời Hằng Sống của Thiên Chúa do Đấng Christ rao giảng.

Mỗi núi và đồi sẽ bị san bằng” là mỗi trở ngại lớn hay nhỏ, ngăn cản các lẽ thật của Lời Chúa trong lòng của những ai tin nhận Đấng Christ sẽ bị dẹp tan.

Những đường quanh co sẽ được làm thẳng” là những tà giáo bẻ cong các lẽ thật của Lời Chúa, đã tiêm nhiễm trong lòng của nhiều người, sẽ bị xóa bỏ.

Những đường gập ghềnh sẽ được làm phẳng” là những nghi thức, luật lệ do văn hóa của xã hội và các tôn giáo đặt ra, làm cản trở nếp sống chân thật theo Lời Chúa, cũng đã tiêm nhiễm trong lòng của nhiều người, sẽ bị cất đi.

Nhờ đó, những ai thật lòng ăn năn, tin nhận Đấng Christ đều có thể nhìn thấy rõ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sự nhìn thấy ở đây là sự nhìn thấy bằng con mắt thuộc linh, là sự hiểu biết trong thần trí. Danh từ “xác thịt” trong Lu-ca 3:6 là chỉ về loài người. Tính từ “mọi” để chỉ chung tất cả những ai đã dọn lòng để tin nhận Đấng Christ.

Có một sự khác biệt về lời tiên tri trong Ma-la-chi 3:1 và lời được trích dẫn trong Mác 1:2.

Ma-la-chi chép rằng:

Này, Ta sẽ sai sứ giả của Ta. Người sẽ dọn đường trước mặt Ta. Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong Đền Thờ của Ngài, là sứ giả của sự giao ước mà các ngươi vui thỏa. Này, Ngài sẽ đến! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.” (Ma-la-chi 3:1).

Mác chép rằng:

Như đã chép trong các sách tiên tri: Này, Ta sai sứ giả của Ta đến trước mặt ngươi. Người sẽ dọn đường của ngươi, trước mặt ngươi.” (Mác 1:2).

Sự khác biệt là “trước mặt Ta” và “trước mặt ngươi”.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký có một câu như sau:

Này, Ta sai sứ giả đi trước mặt ngươi để giữ ngươi trên đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dự bị.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:20).

Rất có thể Mác đã kết hiệp ý nghĩa của Xuất Ê-díp-tô Ký 23:20 với Ma-la-chi 3:1. Lời tiên tri về sứ giả được sai đi dọn đường đã ứng nghiệm trên Giăng Báp-tít. Giăng Báp-tít là người đi trước Đấng Christ và đi trước dân I-sơ-ra-ên, dọn lòng dân I-sơ-ra-ên để họ tiếp nhận Đấng Christ và mọi lời rao giảng của Ngài. Qua mục vụ của mình, Giăng Báp-tít đã làm ứng nghiệm lời Ma-la-chi tiên tri về ông, được thiên sứ Gáp-ri-ên nhắc lại với cha của ông là Xa-cha-ri:

Nó sẽ khiến cho nhiều con cháu của I-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ. Nó sẽ đi trước Ngài, trong thần trí và năng lực của Ê-li, để xoay lòng của những người cha trở về cùng những con cái, những kẻ bội nghịch vào trong sự khôn sáng của những người công chính, để sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu-ca 1:16-17).

Chính Giăng Báp-tít cũng đã tuyên bố, ông là “tiếng kêu trong đồng vắng” (Giăng 1:23).

Khi Đức Chúa Jesus bắt đầu chức vụ, Ngài đã thình lình vào trong Đền Thờ để đánh đuổi những kẻ đổi tiền và mua bán trong khuôn viên của Đền Thờ (Giăng 2:13-25).

Hình minh họa khu vực Giăng Báp-tít thi hành mục vụ
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/12/BanDoXuGiude.jpg

Ma-thi-ơ 3:5-6

5 Bấy giờ, Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền lân cận sông Giô-đanh đã đến với người.

6 Họ đã xưng nhận những tội lỗi của họ, được báp-tem bởi người trong sông Giô-đanh.

Mác 1:5

5 Cả đất Giu-đê và dân chúng của thành Giê-ru-sa-lem đã đến với người. Hết thảy đã xưng nhận những tội lỗi của họ, được báp-tem bởi người trong sông Giô-đanh.

Giăng Báp-tít thi hành mục vụ của ông trong đồng vắng xứ Giu-đê và trong miền lân cận phía đông của sông Giô-đanh, ngoài xứ Giu-đê. Dân chúng từ thành Giê-ru-sa-lem, từ các thành phố, thôn làng của xứ Giu-đê, và từ miền lân cận sông Giô-đanh ở ngoài xứ Giu-đê, như thành Bê-tha-ni ở bên kia sông Giô-đanh (Giăng 1:28) đều đã tìm đến ông. Nhiều người trong dân chúng đã nồng nhiệt đáp ứng lời kêu gọi của Giăng Báp-tít, xưng nhận những tội lỗi của họ và tỏ lòng ăn năn. Hết thảy những ai ăn năn đã được ông làm báp-tem cho họ, trong sông Giô-đanh.

Tuy nhiên, không có nghĩa là mỗi một người trong dân chúng của Giê-ru-sa-lem, của xứ Giu-đê, và của miền lân cận sông Giô-đanh đều đến với Giăng Báp-tít. Mà chỉ là một số người trong dân chúng của các địa phương ấy đến với ông. Cũng không có nghĩa là những ai đến nghe Giăng Báp-tít giảng thì đều tin lời rao giảng của ông và ăn năn.

Câu: “Bấy giờ, Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền lân cận sông Giô-đanh đã đến với người” chỉ có nghĩa là: có những người dân từ Giê-ru-sa-lem, có những người dân từ các miền thuộc Giu-đê, và có những người dân từ miền lân cận sông Giô-đanh đã đến với Giăng Báp-tít.

Mệnh đề: “Cả đất Giu-đê và dân chúng của thành Giê-ru-sa-lem đã đến với người” chỉ có nghĩa là: có những người dân từ khắp nơi trong đất Giu-đê và có những người dân của thành Giê-ru-sa-lem đã đến với Giăng Báp-tít.

Ma-thi-ơ 3:4

4 Giăng đã tự mình có quần áo của mình làm từ lông lạc đà, với dây lưng da chung quanh lưng mình. Thức ăn của người là những châu chấu và mật ong rừng.

Mác 1:6

6 Giăng đã mặc áo lông lạc đà, với dây lưng da chung quanh lưng mình; ăn những châu chấu và mật ong rừng.

Giăng đã tự mình có quần áo của mình làm từ lông lạc đà” có nghĩa là: Giăng Báp-tít đã tự mình dùng lông lạc đà đã dệt thành vải thô, làm quần áo để mặc. Loại vải dệt bằng lông lạc đà vừa chống lạnh, vừa chống nóng, lại chống cả mưa [9]. Xin xem đoạn phim kéo lông lạc đà thành len và dệt len lông lạc đà thành vải trên YouTube [10].

Giăng Báp-tít cũng đã dùng một sợi dây da làm dây thắt lưng.

Có lẽ việc Giăng Báp-tít mặc áo dệt bằng lông lạc đà, mang thắt lưng làm bằng dây da là dấu hiệu về sự Giăng Báp-tít chính là người mang thần trí của Tiên Tri Ê-li và tiêu biểu cho Ê-li. Vì Tiên Tri Ê-li đã mặc áo lông và thắt lưng bằng dây da (II Các Vua 1:8). Chính Đức Chúa Jesus đã hàm ý, Giăng Báp-tít là Ê-li đã đến (Ma-thi-ơ 17:12-13).

Thức ăn của Giăng Báp-tít là châu chấu và mật ong rừng. Theo Lê-vi Ký 11:22 thì cào cào, ve, châu chấu, và dế đều là các loại côn trùng dân I-sơ-ra-ên được phép ăn. Ngày nay, tại I-sơ-ra-ên vẫn có những nơi bán cào cào, châu chấu phơi khô. Những người dân quê nghèo thường ăn chúng với mật ong. Cũng có khi người ta rang chúng với muối. Xứ Giu-đê là vùng đất có rất nhiều mật ong rừng. Ong rừng thường làm tổ trong các bọng đá hoặc trong các bọng cây. I Sa-mu-ên 14:25 có nói đến sự kiện mật ong chảy ra trên đất.

Chúng ta không ngoại trừ việc Đức Chúa Trời đã làm phép lạ cho có nhiều mật ong rừng và châu chấu dọc bờ sông Giô-đanh, để nuôi sống Giăng Báp-tít.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/12/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.ancientcreations.com/caesars-of-the-roman-empire/

https://www.catholic.com/encyclopedia/tiberius

[2] (a) Antiquities of the Jews 18.4.2; (b) Antiquities of the Jews 18.3.3

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[4] https://www.biblicalarchaeology.org/daily/people-cultures-in-the-bible/people-in-the-bible/herod-antipas-in-the-bible-and-beyond/

[5] https://time.graphics/period/1514962

[6] https://en.everybodywiki.com/Iturea_and_Trachonitis_(tetrarchy)

[7] https://www.studylight.org/encyclopedias/eng/mse/l/lysanias.html

[8] https://www.blueletterbible.org/Comm/stewart_don/faq/the-world-into-which-jesus-came/08-who-were-the-high-priests-annas-and-caiaphas.cfm

[9] https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=mdp.39015026722895&view=page&seq=511&q1=one%20of%20the%20most%20admirable%20materials%20for%20clothing,%20it%20keeps%20out%20the%20heat,%20cold%20and%20rain.

[10] https://youtu.be/E6B1-REj-pM

https://youtu.be/0BmCmR_N0E0

Karaoke Thánh Ca: “Jesus Vẫn Kêu Mời”
https://karaokethanhca.net/jesus-van-keu-moi

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.