Chú Giải Châm Ngôn 30:01-33

6,943 views


YouTube: https://youtu.be/RU6e2BrAr24

Chú Giải Châm Ngôn 30:1-33

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Châm Ngôn 30:1-33

1 Những lời của A-gu-rơ, con trai của Gia-kê, lời thánh truyền của một người nói với I-thi-ên, với I-thi-ên và U-canh.

2 Thật, ta ngu dại hơn ai hết và không có sự thông sáng của một người.

3 Ta không học được sự khôn sáng, cũng chẳng có được tri thức của Đấng Thánh.

4 Ai đã lên trời, rồi lại xuống? Ai đã gom gió trong các nắm tay của mình? Ai đã nhốt nước trong một chiếc áo? Ai đã lập ra mọi đầu cùng của đất? Danh người là gì, và tên của con trai người là gì; nếu ngươi có thể nói.

5 Mỗi một lời của Thiên Chúa đều được thử nghiệm. Ngài là cái khiên cho những ai nương cậy nơi Ngài.

6 Ngươi chớ thêm vào các lời của Ngài. Kẻo Ngài quở trách ngươi, và ngươi thành kẻ nói dối.

7 Tôi có xin Ngài hai điều. Xin chớ từ chối tôi trước khi tôi chết.

8 Xin đem xa khỏi tôi sự tàn hại và những lời dối trá. Chớ cho tôi sự nghèo khổ hoặc sự giàu sang, nhưng xé cho tôi phần bánh đủ dùng.

9 Kẻo khi no đủ, tôi chối bỏ Ngài mà nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ai? Hoặc khi bị nghèo khổ, tôi trộm cắp mà làm ô danh Thiên Chúa của tôi.

10 Chớ phao vu kẻ tôi tớ với chủ của nó; kẻo nó rủa sả ngươi, và ngươi mắc tội chăng.

11 Có một thế hệ rủa sả cha mình, cũng không chúc phước cho mẹ mình.

12 Có một thế hệ tự nhìn mình thánh sạch, nhưng chúng chưa được rửa sạch sự nhơ bẩn của chúng.

13 Có một thế hệ mắt của chúng ngước cao biết bao, các mí mắt của chúng giương cao.

14 Có một thế hệ răng của chúng tựa những gươm, răng hàm của chúng như những dao; để cắn nuốt những người nghèo khỏi đất và những người thiếu thốn khỏi loài người.

15 Con đỉa có hai con gái, kêu rằng: Hãy cho! Hãy cho! Có ba sự chẳng hề no đủ, và bốn điều chẳng nói rằng: Thôi, đủ!

16 Âm phủ, tử cung son sẻ, đất không no đủ nước, và lửa chẳng hề nói: Thôi, đủ!

17 Con mắt nhạo báng cha mình, khinh sự vâng lời đối với mẹ mình, các con quạ của trũng sẽ móc nó ra, và các chim đại bàng con sẽ ăn nó.

18 Có ba sự diệu kỳ cho ta và bốn điều ta chẳng biết:

19 Đường chim đại bàng trên trời; đường con rắn trên hòn đá; đường con tàu giữa biển; và đường của một người nam với một trinh nữ.

20 Cũng vậy, đường lối của một dâm phụ; nàng ăn, rồi nàng chùi sạch miệng, và nói rằng: Tôi chẳng làm sự ác nào.

21 Có ba sự làm cho trái đất rúng động, và bốn điều nó không thể chịu nổi:

22 Kẻ tôi tớ khi hắn lên ngai vua; kẻ ngu muội khi hắn được no đủ thức ăn;

23 Người đàn bà đáng ghét khi nàng kết hôn; và đứa tớ gái khi nó kế nghiệp bà chủ mình.

24 Có bốn vật nhỏ trên trái đất, nhưng vốn rất khôn sáng:

25 Những con kiến là một bầy không mạnh sức nhưng chúng sắm sẵn thức ăn của chúng trong mùa hạ;

26 Con thỏ rừng là loài không có sức mạnh nhưng làm nhà của nó trong vầng đá;

27 Những con cào cào không có vua nhưng hết thảy chúng đi ra từng đám;

28 Con thằn lằn mà người ta lấy tay bắt được, vẫn ở trong đền vua.

29 Có ba vật bước đi tốt đẹp, và bốn vật tốt đẹp trong dáng đi:

30 Sư tử, mạnh hơn hết trong các loài thú, chẳng quay đi trước mặt loài nào;

31 Ngựa được thắng yên; hoặc con dê đực; và vị vua không ai đối địch được.

32 Nếu ngươi có ngu dại mà tự đưa mình lên, và nếu ngươi có ác tưởng, thì hãy đặt tay ngươi trên miệng ngươi.

33 Vì sự ép sữa làm ra bơ; sự ép lỗ mũi làm cho phun máu; cũng vậy, sự ép cơn giận làm ra điều tranh cạnh.


1 Những lời của A-gu-rơ, con trai của Gia-kê, lời thánh truyền của một người nói với I-thi-ên, với I-thi-ên và U-canh.

Tên A-gu-rơ và tên Gia-kê chỉ xuất hiện có một lần trong Thánh Kinh. Vì thế, chúng ta không biết gì nhiều về hai tên này. A-gu-rơ là một thụ động phân từ, có nghĩa là: được gom góp, thu nhặt. Gia-kê là một danh từ có nghĩa là: sự tin kính, vâng phục.

Tên I-thi-ên có nghĩa là: “Thiên Chúa đã đến và ở cùng tôi”. Tên này xuất hiện hai lần trong Châm Ngôn 30:1 và một lần trong Nê-hê-mi 11:7. Chắc chắn là I-thi-ên trong Nê-hê-mi 11:7 không phải là I-thi-ên được nói đến trong Châm Ngôn 30:1, vì hai thời đại cách nhau khoảng 500 năm.

Tên U-canh có nghĩa là: ăn nuốt, và chỉ xuất hiện có một lần trong Thánh Kinh.

Chúng ta có thể hiểu Châm Ngôn 30:1 theo hai cách:

  • A-gu-rơ và Gia-kê không phải là tên riêng của hai người mà chỉ là một cách nói văn hoa (sách Châm Ngôn được viết theo thể thơ).
  • A-gu-rơ và Gia-kê là hai người cùng thời với Vua Sa-lô-môn.

Nếu A-gu-rơ và Gia-kê không phải là tên riêng của hai người thì Châm Ngôn 30 cũng do chính Vua Sa-lô-môn viết, và câu 1 có thể hiểu như sau:

“Những lời được gom góp, thu nhặt từ sự tin kính, vâng phục, là lời thánh truyền do một người phán truyền với I-thi-ên và U-canh.”

Tuy nhiên, dựa vào câu 2 và câu 3 cùng với Truyền Đạo 1:12-13, thì chúng ta có thể tin rằng Châm Ngôn 30 không phải là những lời do Vua Sa-lô-môn viết. Vì Vua Sa-lô-môn là người khôn sáng nhất vào thời ấy, chuyên tâm lấy sự khôn sáng mà xem xét mọi việc xảy ra ở dưới trời.

Có lẽ, A-gu-rơ và Gia-kê, cũng như I-thi-ên và U-canh, đều là những người cùng thời và có quen biết với Vua Sa-lô-môn. I-thi-ên và U-canh có thể là con hoặc học trò của A-gu-rơ.

Từ ngữ được dịch là “lời thánh truyền” là một danh từ đặc biệt trong tiếng Hê-bơ-rơ, dùng để chỉ về những lời do Thiên Chúa phán. Có khi được dịch là “lời tiên tri”, và có khi được dịch là “gánh nặng”. Dịch là “lời tiên tri” vì những lời ấy phán trước về những việc sắp đến. Dịch là “gánh nặng” vì những lời ấy phán về sự nặng nề của tội lỗi của các dân tộc và sự nặng nề về hình phạt dành cho các dân tộc phạm tội.

Từ ngữ được dịch là “nói” là một động từ đặc biệt trong tiếng Hê-bơ-rơ, dùng để chỉ về lời phán trực tiếp của Thiên Chúa hoặc lời của một người lặp lại lời phán của Thiên Chúa.

Những lời của A-gu-rơ được chép lại trong Châm Ngôn 30 là những lời ông nhận được từ Thiên Chúa và truyền lại cho I-thi-ên cùng U-canh. Tên của I-thi-ên được nói trước và lặp lại, hàm ý I-thi-ên là con trưởng hoặc học trò trưởng của A-gu-rơ.

2 Thật, ta ngu dại hơn ai hết và không có sự thông sáng của một người.

3 Ta không học được sự khôn sáng, cũng chẳng có được tri thức của Đấng Thánh.

Chúng ta không có cách nào để biết về A-gu-rơ, nhưng ông tự nhận mình là ngu dại hơn mọi người, không có sự thông sáng của một người, tức là không có trí khôn của một người bình thường. Có lẽ đây là một trường hợp bị chứng nhược trí bẩm sinh, là chứng chức năng của bộ não không phát triển bình thường. Chính vì thiếu trí khôn mà không thể học được sự khôn sáng và cũng không có sự thông hiểu về Thiên Chúa. Danh từ “Đấng Thánh” được dùng ở đây có cùng nghĩa như trong Châm Ngôn 9:10:

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu của sự khôn sáng và sự tri thức Đấng Thánh là sự thông sáng.”

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng dùng những sự, những vật, những người không ra gì để tỏ bày sự vinh quang và năng lực của Ngài:

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những người dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những người yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những người hèn hạ của thế gian, những người bị khinh chê, cùng những người không có gì để làm cho những người có mọi sự ra không có; để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 1:27-29).

Vì thế, chúng ta không nên tự ti, mặc cảm về bất cứ một điều gì. Miễn là chúng ta thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa, thì chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời và chúng ta có năng lực của chính Đức Chúa Jesus để làm được mọi sự mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10), trong sự soi sáng, dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

4 Ai đã lên trời, rồi lại xuống? Ai đã gom gió trong các nắm tay của mình? Ai đã nhốt nước trong một chiếc áo? Ai đã lập ra mọi đầu cùng của đất? Danh người là gì, và tên của con trai người là gì; nếu ngươi có thể nói.

Từ câu 4 đến câu 6 là lời phán của Thiên Chúa. Nội dung của câu 4 khiến chúng ta nhớ đến Ê-sai 40:12:

“Ai đã lấy lòng bàn tay mà lường nước, lấy gang tay mà đo các tầng trời, dùng đấu mà đong bụi đất, dùng cân mà cân núi, và dùng thăng bằng mà cân gò? [Đấu = một đơn vị dùng để đong ngũ cốc. Thăng bằng = loại cân nhỏ có hai đĩa ngang nhau, một bên để vật được cân, một bên để trái cân.]”

Một loạt những câu hỏi của Thiên Chúa đặt ra cho toàn thể loài người. Đại danh từ “ai” trong các câu hỏi là để chỉ về một người nào đó giữa loài người. Chắc chắn là không một người nào có thể làm được những điều Thiên Chúa đã liệt kê. Qua các câu hỏi của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy rõ sự yếu đuối, giới hạn của loài người, và sự toàn năng, vĩ đại của Thiên Chúa.

Loài người đã tiến bộ vượt bậc! Sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật mà loài người thu thập được chỉ trong vòng 100 năm qua đã nhiều gấp trăm ngàn lần sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật trong suốt dòng lịch sử của loài người trước đó, kể từ sau Cơn Lụt Lớn. (Chúng ta không có cách gì để biết về trình độ khoa học, kỹ thuật của loài người trước Cơn Lụt Lớn.) Thế nhưng, loài người vẫn không thể thấu hiểu công trình sáng tạo của Thiên Chúa và các định luật vật lý do Thiên Chúa đặt ra để bảo tồn và vận hành công trình sáng tạo của Ngài.

5 Mỗi một lời của Thiên Chúa đều được thử nghiệm. Ngài là cái khiên cho những ai nương cậy nơi Ngài.

Từ ngữ được dịch là “thử nghiệm” là một động từ trong tiếng Hê-bơ-rơ dùng để chỉ việc nấu chảy kim loại, loại bỏ các tạp chất, làm cho kim loại được tinh tuyền. Nghĩa bóng của động từ này là: được thử nghiệm và chứng minh là thật, là tinh tuyền, như khi thợ bạc dùng lửa nung chảy một thỏi vàng để thử xem phẩm chất của thỏi vàng, và thấy rằng ấy là một thỏi vàng ròng.

Mỗi một lời của Thiên Chúa đều được thử nghiệm, có nghĩa là bất cứ lời phán nào của Thiên Chúa cũng đều là chân thật, con dân Chúa ở trong cảnh ngộ nào cũng thấy được sự chân thật của Lời Chúa ứng nghiệm vào trong cuộc sống của họ. So sánh:

“Còn Thiên Chúa, đường của Ngài vốn là trọn vẹn. Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được thử nghiệm. Ngài là cái khiên cho những ai nương cậy nơi Ngài. [Châm Ngôn 30:5]” (II Sa-mu-ên 22:31).

Thi Thiên 119:160 chép:

“Sự tổng cộng của Lời Ngài là chân thật. Mỗi sự phán xét công chính của Ngài còn đời đời.”

Chính vì thế mà khi chúng ta đọc Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, chúng ta được vui mừng, bình an về những lời hứa của Ngài; và chúng ta cần phải run sợ đúng mức trước những lời cảnh báo của Ngài. Sự phán xét của Thiên Chúa là công chính, còn lại đời đời. Vì thế, khi chúng ta được Ngài phán xét chúng ta xứng đáng với địa vị làm con của Ngài, thì chúng ta sẽ mãi mãi vui hưởng hạnh phúc bên Ngài, trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài. Còn nếu chúng ta bị Ngài phán xét chúng ta chỉ là những kẻ làm ác, nhân danh Chúa để nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, thì chúng ta sẽ bị hư mất đời đời (Ma-thi-ơ 7:21-23). Hãy nhớ:

“…Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7).

Từ ngữ được dịch là “nương cậy” là một động từ trong tiếng Hê-bơ-rơ, chỉ về sự chạy đến để tìm kiếm sự che chở, bảo vệ. Bất cứ ai tìm kiếm sự che chở, bảo vệ nơi Thiên Chúa, thì người ấy được ở trong Ngài và Ngài là cái khiên chống đỡ mọi nguy hiểm cho người ấy. Cái khiên, còn gọi là cái thuẫn, thường được quân lính dùng để chống đỡ vũ khí của kẻ thù. Nếu Thiên Chúa Toàn Năng là cái khiên của chúng ta thì chúng ta còn lo sợ gì?

“Trong Thiên Chúa, tôi tôn vinh Lời của Ngài! Trong Thiên Chúa, tôi tin cậy! Tôi sẽ chẳng sợ loài xác thịt có thể làm gì tôi!” (Thi Thiên 56:4).

“Trong Thiên Chúa tôi tin cậy. Tôi sẽ chẳng sợ điều gì loài người làm.” (Thi Thiên 56:11).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở với tôi, tôi sẽ chẳng sợ! Loài người có thể làm gì tôi?” (Thi Thiên 118:6).

Trong Thi Thiên có hàng chục câu gọi Thiên Chúa là cái khiên của con dân Ngài (Thi Thiên 3:3; 5:12; 7:10; 18:2, 30; 28:7; 33:20; 59:11; 84:9, 11; 89:18; 91:4; 115:9-11; 119:114; 144:2). Là con dân của Thiên Chúa, chúng ta là những người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ (II Ti-mô-thê 2:3), chúng ta có chính Thiên Chúa là sự che chở, bảo vệ chúng ta trong cuộc chiến chống lại chính con người xác thịt của mình và mọi thế lực chống nghịch Thiên Chúa. Chỉ cần chúng ta hoàn toàn tin cậy Lời Chúa và ẩn mình trong Chúa, chúng ta sẽ không phải lo sợ gì.

6 Ngươi chớ thêm vào các lời của Ngài. Kẻo Ngài quở trách ngươi, và ngươi thành kẻ nói dối.

Thiên Chúa tiếp tục phán truyền cho A-gu-rơ và qua ông, cho tất cả mọi người, rằng không được thêm vào lời của Ngài. Lời của Thiên Chúa là chân thật thì không thể thêm bất cứ một điều gì vào. Ngày xưa, bà Ê-va đã từng thêm vào lời của Chúa. Chúa phán dạy:

“…Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.” (Sáng Thế Ký 2:16-17).

Bà Ê-va thêm vào câu: “các ngươi cũng sẽ chẳng đụng đến” (Sáng Thế Ký 3:3).

Ngày nay, có biết bao nhiêu tổ chức tôn giáo mang danh Chúa đã thêm các ý tưởng của loài xác thịt vào trong Lời Chúa, tạo ra các phong trào tà giáo. Người thêm vào Lời Chúa là người nói dối và phạm thượng. Lại có những người bớt đi Lời Chúa và dạy cho người khác làm như vậy. Chắc chắn, Thiên Chúa sẽ phạt những ai thêm vào hay bớt đi lời của Ngài (Ma-thi-ơ 5:19; Khải Huyền 22:18-19).

7 Tôi có xin Ngài hai điều. Xin chớ từ chối tôi trước khi tôi chết.

8 Xin đem xa khỏi tôi sự tàn hại và những lời dối trá. Chớ cho tôi sự nghèo khổ hoặc sự giàu sang, nhưng xé cho tôi phần bánh đủ dùng.

9 Kẻo khi no đủ, tôi chối bỏ Ngài mà nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ai? Hoặc khi bị nghèo khổ, tôi trộm cắp mà làm ô danh Thiên Chúa của tôi.

Từ câu 7 đến câu 9 là lời tự thuật của A-gu-rơ. Đây là một lời cầu nguyện vô cùng khôn sáng mà mỗi chúng ta cần học tập theo. A-gu-rơ cầu xin rằng, đang khi ông còn sống trong thân thể xác thịt thì xin Thiên Chúa ban cho ông hai điều:

  • Đem xa khỏi ông sự tàn hại và những lời dối trá.
  • Chớ để cho ông sự nghèo khổ hoặc sự giàu sang, mà chỉ ban cho ông đủ sống.

Sự tàn hại là tất cả những sự gì thuộc về tai ương, hoạn nạn, lẫn hình phạt, làm cho bị thiệt hại nặng nề. A-gu-rơ cầu xin Thiên Chúa đem mọi tai ương, hoạn nạn trong thế gian xa khỏi ông vì ông nương cậy nơi Ngài. A-gu-rơ cầu xin Thiên Chúa đem mọi hình phạt xa khỏi ông vì ông có lòng ăn năn, thống hối. A-gu-rơ cũng cầu xin Thiên Chúa đem xa khỏi ông mọi lời dối trá để ông không bị dẫn dụ bước đi sai lạc khỏi lẽ thật của Lời Chúa.

A-gu-rơ không muốn sống giàu sang, vì ông sợ rằng, sự dư dật về vật chất sẽ khiến cho ông quên Chúa. Có thể nói, khi người ta giàu có, người ta thật sự dễ dàng quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, mà chỉ bận tâm về tiền bạc, của cải, danh tiếng… Nhưng A-gu-rơ cũng không muốn nghèo khổ, rồi trở thành trộm cắp, làm cho người thế gian xúc phạm danh Chúa. Ông biết sự yếu đuối của chính ông trước sự giàu sang cũng như trước sự nghèo khổ. Vì thế, ông xin Chúa xé cho ông phần bánh đủ dùng. Nghĩa là: xin Chúa ban cho ông có đủ ăn, đủ mặc, thì ông thỏa lòng. Hơn 500 năm sau, Sứ Đồ Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, cũng đã viết trong I Ti-mô-thê 6:6-11, như sau:

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

11 Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời! Hãy tránh khỏi những sự đó mà theo đuổi sự công chính, lòng tin kính, đức tin, tình yêu, sự nhẫn nại, và sự nhu mì.

Con dân chân thật của Chúa sẽ không chạy theo tiền bạc nhưng thỏa lòng trong sự có ăn, có mặc Chúa ban. Vì thế, họ không bao giờ trộm cắp làm ô danh Chúa, không bao giờ vì vật chất mà quên Chúa, nhưng luôn vui mừng, bình an trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống, và có nhiều thời gian để suy ngẫm Lời Chúa.

Chúng ta hãy học tập nơi Phao-lô:

“Không phải tôi muốn nói đến sự cần dùng. Vì tôi đã học được, trong hoàn cảnh nào cũng thỏa lòng. Tôi biết chịu nghèo hèn và tôi biết được dư dật. Khắp nơi và trong mọi sự, tôi đã quen với no lẫn đói, dư dật lẫn thiếu thốn. Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:11-13).

Mệnh lệnh của Chúa trong Hê-bơ-rơ 13:5 phải được mỗi một con dân của Chúa vâng giữ:

“Cách sống của các anh chị em chớ tham lam. Hãy biết đủ với những gì các anh chị em có. Vì Ngài đã phán: Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, cũng chẳng bỏ ngươi. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:6]”

Từ câu 10 cho đến hết đoạn là những sự khôn sáng mà A-gu-rơ có được sau khi ông được Chúa dạy dỗ.

10 Chớ phao vu kẻ tôi tớ với chủ của nó; kẻo nó rủa sả ngươi, và ngươi mắc tội chăng.

Phao vu hoặc vu khống là lời tố cáo không đúng sự thật về sự phạm lỗi hay phạm tội của bất cứ ai. Phao vu có thể do hiểu lầm, do suy diễn không bằng cớ, hoặc do chứng cớ không thật. Nhưng phao vu cũng có thể do cố ý nói dối để hại người.

Người phao vu vừa bị nạn nhân rủa sả hoặc kiện cáo cùng Đức Chúa Trời, vừa mắc tội nói dối và làm chứng dối. Con dân Chúa phải thật cẩn thận khi nói về lỗi hay tội của người khác. Luôn luôn phải có ít nhất hai chứng cớ đã được kiểm chứng cẩn thận cho lời tố cáo của mình. Con dân Chúa đứng ra tố cáo hoặc làm chứng là để bảo vệ lẽ phải và quyền lợi của người bị hại. Nếu là việc trong Hội Thánh thì là để giúp người có lỗi ăn năn và bảo vệ sự thánh khiết của Hội Thánh.

Tất cả con dân Chúa cũng đều là tôi tớ hầu việc Chúa trong công việc rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh. Phao vu một anh chị em trong Chúa trước Hội Thánh cũng chính là phao vu một tôi tớ của Chúa trước Chúa.

11 Có một thế hệ rủa sả cha mình, cũng không chúc phước cho mẹ mình.

12 Có một thế hệ tự nhìn mình thánh sạch, nhưng chúng chưa được rửa sạch sự nhơ bẩn của chúng.

13 Có một thế hệ mắt của chúng ngước cao biết bao, các mí mắt của chúng giương cao.

14 Có một thế hệ răng của chúng tựa những gươm, răng hàm của chúng như những dao; để cắn nuốt những người nghèo khỏi đất và những người thiếu thốn khỏi loài người.

Có thể nói, từ câu 11 đến câu 14 là những lời tiên tri về một thời đại mà sự phạm tội của loài người sẽ lên cao. Từ ngữ được dịch là “thế hệ” là một danh từ trong tiếng Hê-bơ-rơ, dùng để gọi chung những người sống trong một thời đại. Tương tự như vậy là lời tiên tri của Sứ Đồ Phao-lô trong II Ti-mô-thê 4:3-4:

“Vì sẽ có một thời, khi họ không giữ lấy giáo lý lành, nhưng theo sự ham muốn bất chính của họ, nhóm hiệp cho mình các giáo sư giảng nghe sướng lỗ tai. Thực tế, họ sẽ xoay lỗ tai khỏi lẽ thật, mà hướng về những chuyện nhảm nhí.”

Thế hệ nào mà con cái rủa sả cha mình cũng không chúc phước cho mẹ mình? Thế hệ nào tự hào mình thánh sạch, đạt đến những bộc phá về tâm linh, nhưng thật ra thì chưa bao giờ tiếp nhận sự rửa sạch tội của Đức Chúa Jesus Christ? (Vì không có lòng ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.) Thế hệ nào mà loài người vô cùng tự cao, tự đại về đạo đức, văn minh tiến bộ nhưng những người nghèo khổ bị lạm dụng và bóc lột một cách tàn nhẫn? Chúng tôi tin rằng quý ông bà anh chị em có thể trả lời cho các câu hỏi trên đây.

15 Con đỉa có hai con gái, kêu rằng: Hãy cho! Hãy cho! Có ba sự chẳng hề no đủ, và bốn điều chẳng nói rằng: Thôi, đủ!

16 Âm phủ, tử cung son sẻ, đất không no đủ nước, và lửa chẳng hề nói: Thôi, đủ!

Từ ngữ được dịch là “con đỉa” là một thụ động phân từ của động từ “bú” hoặc “hút” trong tiếng Hê-bơ-rơ, dùng để gọi chung những loài vật hút máu như đỉa và vắt. Trong Thánh Kinh, từ ngữ này chỉ được dùng có một lần. Đỉa thì sống trong các đầm lầy, đồng ruộng nước ngọt, vắt thì sống trên rừng, nhưng cả hai cùng là loài sống nhờ bám vào sinh vật khác để hút máu. Đỉa có thể hút một khối lượng máu gấp năm lần trọng lượng của chúng, vắt có thể hút một khối lượng máu gấp mười lần trọng lượng của chúng.

Từ đông sang tây, con đỉa vẫn được dùng làm hình bóng cho những kẻ tham lam, bóc lột người khác, những kẻ dai dẳng, tìm đủ cách để bòn rút, bóc lột sự sống của người khác.

“Hai con gái” là hai sự hoặc hai người khác có cùng một đặc tính theo ý nghĩa: “mẹ nào con nấy” như được nói đến trong Ê-xê-chi-ên 16:44.

Chúng ta có thể hiểu, con đỉa chính là lòng tham. Lòng tham sinh ra hành động trộm và cướp. Trộm là lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, cướp là công khai dùng sức mạnh hay vũ khí, để chiếm đoạt tài sản của người khác. Lòng tham, sự trộm, và sự cướp lúc nào cũng đòi hỏi: Hãy cho! Hãy đưa ra! Ta muốn nữa!

Lòng tham không giới hạn trong sự tham muốn tiền bạc, danh tiếng, quyền lực. Lòng tham bao trùm tất cả mọi sự tham muốn. Có lẽ nổi bật nhất là sự tham muốn về tà dâm. Người tham muốn về tà dâm đắm chìm trong sự dâm dục qua các phương tiện sách báo, phim ảnh, Internet, phạm tà dâm với người khác, với các dụng cụ phục vụ tà dâm mà không bao giờ biết đủ!

Cách nói: “có ba sự… và bốn điều…” là một cách nói đối trong thi ca Hê-bơ-rơ. Tương tự như cách nói đối trong ca dao, tục ngữ Việt Nam:

“Ba điều, bốn chuyện!”

“Bốn phương, tám hướng.”

“Yêu nhau ba bốn núi cũng trèo, bảy tám sông cũng lội, chín mười đèo cũng qua!”

Cách nói: “chẳng hề no đủ” và “chẳng nói rằng: Thôi, đủ” là cách nói láy trong thi ca Hê-bơ-rơ. Tức là cách nói lặp lại ý đã nói trước đó.

Có bốn điều được so sánh với lòng tham:

  • Âm phủ, thế giới của những người chết, tiêu biểu cho sức chứa không giới hạn của lòng tham.
  • Tử cung son sẻ tiêu biểu cho khát vọng không bao giờ được thỏa mãn của lòng tham.
  • Đất không no đủ nước tiêu biểu cho sự chiếm đoạt không ngừng của lòng tham.
  • Lửa tiêu biểu cho sự hủy diệt bất tận của lòng tham.

Suy nghĩ cho cùng thì nguồn gốc của mọi tội lỗi là lòng tham. Lu-xi-phe phạm tội vì tham muốn sự vinh quang của Thiên Chúa, muốn nâng mình lên bằng Đức Chúa Trời (Ê-sai 14:12-14); Ê-va phạm tội vì tham muốn trái của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Ngày nay, người ta vẫn phạm tội vì tham muốn một điều gì đó!

Câu 15 và 16 nói lên lòng tham của thế hệ được nói đến trong câu 11 đến câu 14. Câu 17 tiếp ý câu 11, nói về số phận của những kẻ bất hiếu:

17 Con mắt nhạo báng cha mình, khinh sự vâng lời đối với mẹ mình, các con quạ của trũng sẽ móc nó ra, và các chim đại bàng con sẽ ăn nó.

Sự bất hiếu có thể tỏ ra bằng cái nhìn không tôn kính cha mẹ, bằng sự không vâng theo lời khuyên dạy phải lẽ của cha mẹ. Những kẻ bất hiếu đáng nhận lãnh hình phạt ngay trong đời này, ngay trên thân thể xác thịt của họ. Nếu Thiên Chúa đã hứa ban sự sống lâu cho những ai hiếu kính cha mẹ, thì Ngài chắc cũng sẽ cất đi mạng sống của những ai bất hiếu với cha mẹ. Trong thực tế, luật pháp của Chúa lên án chết những kẻ hỗn láo với cha mẹ:

“Kẻ nào nói hỗn cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:17).

Ngoài ra, còn có lẽ thật về sự: “gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7). Kẻ bất hiếu với cha mẹ sẽ bị chính con cái của mình bất hiếu đối với mình, mà phần lớn là do con cái học được thói bất hiếu từ nơi mình. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ai có con cái bất hiếu thì bản thân họ cũng bất hiếu.

18 Có ba sự diệu kỳ cho ta và bốn điều ta chẳng biết:

19 Đường chim đại bàng trên trời; đường con rắn trên hòn đá; đường con tàu giữa biển; và đường của một người nam với một trinh nữ.

20 Cũng vậy, đường lối của một dâm phụ; nàng ăn, rồi nàng chùi sạch miệng, và nói rằng: Tôi chẳng làm sự ác nào.

Đường đi của loài người dù lớn hay nhỏ cũng đều cụ thể, nhìn thấy được, nhận biết được, hiểu được. Nhưng đường chim bay, lối rắn bò, luồng tàu chạy, hay là mối quan hệ giữa một người nam với một cô gái trẻ thì không cụ thể, khó hiểu. Tương tự như vậy là đường lối của một dâm phụ. Từ ngữ “dâm phụ” là một danh từ trong tiếng Hê-bơ-rơ dùng để gọi một phụ nữ phạm tội ngoại tình. Tức là một phụ nữ độc thân quan hệ tính dục với một người đàn ông đang có vợ hoặc một phụ nữ đang có chồng quan hệ tính dục với bất cứ ai khác, ngoài chồng của mình, kể cả quan hệ đồng tính. Dâm phụ cứ lén lút phạm tà dâm và thản nhiên nói rằng mình không có tội, thường khi nhân danh “tình yêu” mà phạm tội, như một người ăn rồi chùi sạch miệng, nói mình không ăn.

21 Có ba sự làm cho trái đất rúng động, và bốn điều nó không thể chịu nổi:

22 Kẻ tôi tớ khi hắn lên ngai vua; kẻ ngu muội khi hắn được no đủ thức ăn;

23 Người đàn bà đáng ghét khi nàng kết hôn; và đứa tớ gái khi nó kế nghiệp bà chủ mình.

Kẻ tôi tớ lên làm vua thì kiêu ngạo, hống hách, trả thù vặt, không biết cách cai trị. Kẻ ngu muội khi no đủ thức ăn thì huênh hoang, khoác lác, nói và làm những lời, những việc chướng tai, chướng mắt người khác. Người đàn bà đáng ghét là một phụ nữ không có đức hạnh, khi kết hôn không thể chăm sóc gia đình. Đứa tớ gái khi kế nghiệp bà chủ cũng giống như kẻ tôi tớ lên làm vua. Đó là bốn tai họa cho xã hội!

24 Có bốn vật nhỏ trên trái đất, nhưng vốn rất khôn sáng:

25 Những con kiến là một bầy không mạnh sức nhưng chúng sắm sẵn thức ăn của chúng trong mùa hạ;

26 Con thỏ rừng là loài không có sức mạnh nhưng làm nhà của nó trong vầng đá;

27 Những con cào cào không có vua nhưng hết thảy chúng đi ra từng đám;

28 Con thằn lằn mà người ta lấy tay bắt được, vẫn ở trong đền vua.

Loài kiến biết dự trữ thực phẩm. Loài thỏ rừng biết ẩn núp cách kín đáo. Loài cào cào biết di chuyển có đội ngũ. Con thằn lằn vẫn có thể ở nơi sang trọng.

Người khôn sáng có thể học nơi loài kiến để biết phòng trữ khi thuận cảnh (tham khảo Sáng Thế Ký 41); học nơi loài thỏ rừng để biết bảo vệ mình cách hữu hiệu; học nơi loài cào cào để biết sống hợp quần; và học nơi loài thằn lằn để không tự ti, mặc cảm.

29 Có ba vật bước đi tốt đẹp, và bốn vật tốt đẹp trong dáng đi:

30 Sư tử, mạnh hơn hết trong các loài thú, chẳng quay đi trước mặt loài nào;

31 Ngựa được thắng yên; hoặc con dê đực; và vị vua không ai đối địch được.

Con sư tử, đứng đầu các loài thú rừng; ngựa được thắng yên, sẵn sàng cho cuộc đua hoặc chiến trận; con dê đực, đứng đầu các loài gia súc; và một vị vua mạnh sức đều có bước đi vững vàng, thể hiện sự oai vệ.

Bước đi chính là mỗi thái độ, hành vi, cử chỉ trong cuộc sống của một người. Người dũng mãnh như sư tử, không quay đầu trước một khó khăn nào; luôn sẵn sàng như ngựa chiến đã được thắng yên; như dê đực, biết bênh vực các loài yếu sức hơn mình; và luôn thắng mọi cám dỗ của xác thịt như một vị vua không ai đối địch được là một người có phong cách oai nghi đáng kính.

32 Nếu ngươi có ngu dại mà tự đưa mình lên, và nếu ngươi có ác tưởng, thì hãy đặt tay ngươi trên miệng ngươi.

33 Vì sự ép sữa làm ra bơ; sự ép lỗ mũi làm cho phun máu; cũng vậy, sự ép cơn giận làm ra điều tranh cạnh.

Người nào vì thiếu khôn sáng mà lên mình kiêu ngạo, trong lòng có những ý nghĩ không thiện, thì hãy kịp thời kiềm giữ môi miệng, để không nói ra lời kiêu ngạo, khoe khoang mà mang họa diệt thân. Từ ngữ được dịch là “ép” là một động từ trong tiếng Hê-bơ-rơ dùng để chỉ sự tạo áp lực lớn. Sữa bị ép làm ra chất bơ, lỗ mũi bị ép (vì bị đánh mạnh vào khiến cho vỡ mạch máu) làm cho phun máu thế nào, thì sự ép cơn giận của người khác cũng sẽ làm ra phản ứng tranh cạnh như thế ấy. Cơn giận bị ép là người có sự hiểu biết cứ bị nghe kẻ ngu dại lên tiếng khoe khoang nên tức giận mà gây ra sự tranh cạnh với kẻ ấy.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/06/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.