Chú Giải Cô-lô-se 01:15-20 Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Thành Người – Đấng Làm Đầu của Mọi Sự

5,472 views


YouTube: https://youtu.be/1kJQbMfkgBc?si=lIgRy27GkxyniK3g

Chú Giải Cô-lô-se 1:15-20

Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Thành Người
Đấng Làm Đầu của Mọi Sự

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/file/w7066b01cecxwcw/9051011_Colose_1_15-20.mp3

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDk5OTA3NDJf/9051011_Colose_1_15-20.mp3

SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9051010-co-lo-se-1_15-20

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Cô-lô-se 1:15-20

15 Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thể thấy được, Ngài là Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo.

16 Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.

17 Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được đứng vững trong Ngài.

18 Ngài là đầu của thân thể, của Hội Thánh; Đấng có lúc ban đầu; con đầu lòng từ những kẻ chết; để trong mọi sự Ngài trở nên đứng đầu.

19 Bởi vì, mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài, [mọi sự đầy dẫy của Thiên Chúa]

20 và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài [chữ chính Ngài chỉ về Đức Chúa Trời], dù là những vật trên đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.

Ngôn ngữ nào cũng có sự áp dụng ý nghĩa khác nhau cho cùng một từ ngữ. Thí dụ, trong tiếng Việt: Động từ “thai nghén” vừa có nghĩa là mang thai để sinh con, vừa có nghĩa là sắp xếp các ý tưởng để viết ra một tác phẩm văn chương. Tương tự như vậy là động từ “đẻ”, vừa có nghĩa là sinh ra con để nối dõi, vừa có nghĩa là phát sinh ra một điều gì: một ý tưởng, một hành động, một sự việc…

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “con đầu lòng” vừa có nghĩa là đứa con được sinh ra đầu tiên trong gia đình, vừa có nghĩa là người đứng đầu một sự gì đó, một tập thể nào đó. Khi danh từ này được dùng cho Đức Chúa Jesus thì tùy theo văn mạch, có khi mang nghĩa đen là “con đầu lòng”, có khi mang nghĩa bóng là “Đấng làm đầu”. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và một số các bản dịch tiếng Việt khác, cũng như một số bản dịch tiếng Anh đều dịch theo nghĩa đen là “con đầu lòng” (the firstborn, the first begotten) cho mọi trường hợp. Dịch như vậy, vừa làm cho khó hiểu, vừa có thể gây ra hiểu lầm về Thần học trong một số câu. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của chín câu Thánh Kinh Tân Ước có dùng danh từ “prōtotokos” (G4416), phiên âm /prồ-tó-tơ-kót/.

“… nhưng không hề ăn ở với nàng; cho đến khi nàng sinh con trai đầu lòng của nàng, thì ông gọi tên Ngài là JESUS.” (Ma-thi-ơ 1:25).

“Nàng sinh con trai đầu lòng của nàng, lấy khăn bọc con, đặt nằm trong máng cỏ, vì quán trọ không có chỗ cho họ.” (Lu-ca 2:7).

Danh từ “con đầu lòng” trong hai câu này có thêm hai trợ từ là “trai” và “của nàng”, làm túc từ cho động từ sinh ra, cho thấy, danh từ này phải được hiểu theo nghĩa đen: Đức Chúa Jesus là con trai đầu lòng của trinh nữ Ma-ri. Cũng chính hai câu này hàm ý, về sau, bà Ma-ri còn tiếp tục sinh thêm nhiều người con khác, qua sự kết hiệp với chồng là ông Giô-sép. Thánh Kinh cũng dùng danh từ anh em ruột (cùng cha hoặc cùng mẹ, hoặc cùng cha mẹ) “adelphos” (G80), phiên âm /a-đeo-phót/, khi nói đến các anh em của Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 12:47; Mác 3:32). Vì thế, bà Ma-ri không phải là một nữ đồng trinh trọn đời, như giáo lý của Công Giáo đã dạy. Hai câu này cũng minh chứng, Đức Chúa Jesus thật sự hoàn toàn là người như mọi người, nhưng Ngài thuộc dòng dõi người nữ, như lời tiên tri của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15. Chính vì Ngài thuộc dòng dõi của người nữ, được sinh bởi Đức Chúa Trời mà Ngài không bị nhiễm tội từ A-đam như chúng ta.

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Con người xác thịt của Đức Chúa Jesus là do Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Ngài là NGƯỜI đầu tiên được sinh ra bởi Đức Chúa Trời một cách huyền nhiệm (khác với sự Thiên Chúa dựng nên A-đam và Ê-va). Con dân Chúa trong Hội Thánh cũng là những NGƯỜI được Đức Chúa Trời sinh ra cách siêu nhiên thành những người mới. Vì thế, CON NGƯỜI xác thịt Jesus là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em loài người cùng Cha ở trên trời với Ngài (Ma-thi-ơ 12:49-50; Mác 3:34-35).

“Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thể thấy được, Ngài là Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo.” (Cô-lô-se 1:15).

Trong câu này, danh từ “prōtotokos” không thể dịch là “con đầu lòng”. Đức Chúa Jesus là Con đầu lòng của Đức Chúa Trời về phần xác thịt chứ Ngài không phải là con đầu lòng của toàn bộ sự sáng tạo. Sự sáng tạo do chính Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời thực hiện. Vì thế, Ngài là Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo. Giăng 1:1-3 và Cô-lô-se 1:16-17 đã khẳng định rất rõ ràng về lẽ thật này.

“Ngài là đầu của thân thể, của Hội Thánh; Đấng có lúc ban đầu; con đầu lòng từ những kẻ chết; để trong mọi sự Ngài trở nên đứng đầu.” (Cô-lô-se 1:18).

“… và từ Đức Chúa Jesus Christ: Chứng Nhân Thành Tín; sinh đầu từ trong những kẻ chết; Đấng cầm quyền của các vua trên đất; Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài…” (Khải Huyền 1:5).

“Con đầu lòng từ những kẻ chết” hàm ý, Đức Chúa Jesus là Đấng đầu tiên được sinh ra từ trong những kẻ chết, tức là được sống lại từ trong những kẻ chết, để rồi sau đó, những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài cũng sẽ được sống lại từ trong những kẻ chết. Những kẻ chết là toàn thể loài người, vì toàn thể loài người đã ở trong án phạt của Thiên Chúa, như đã được Ngài tiên tri trong Sáng Thế Ký 2:17.

I Cô-rinh-tô 15:20-23 giúp cho chúng ta hiểu ý nghĩa của cách nói: “Con đầu lòng từ những kẻ chết”:

I Cô-rinh-tô 15:20-23

20 Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.

21 Vì sự chết đến bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng đến bởi một người.

22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại.

23 Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.

Đấng Christ là trái đầu mùa thứ nhất của sự sống lại. Con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ là trái đầu mùa của sự sống lại trong ngày Đấng Christ hiện ra trước Kỳ Tận Thế, để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng. Con dân Chúa chịu chết trong Kỳ Tận Thế và các thánh đồ trước thời Tân Ước là những trái cuối mùa của sự sống lại, khi họ sẽ sống lại vào cuối Kỳ Tận Thế.

“Nhưng khi Ngài đem Con đầu lòng vào trong thế gian, Ngài phán: Mọi thiên sứ của Thiên Chúa phải thờ phượng Đấng ấy.” (Hê-bơ-rơ 1:6).

Tương tự như trong Rô-ma 8:29, danh từ “Con đầu lòng” trong câu này chỉ về sự Đức Chúa Jesus là NGƯỜI đầu tiên được Đức Chúa Trời sinh ra, và Ngài được Đức Chúa Trời đưa vào trong thế gian để làm Cứu Chúa cho nhân loại. Đức Chúa Jesus mang hình thể xác thịt của loài người, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, dù khi được sinh ra trong thế gian làm người, Ngài đã tạm từ bỏ quyền thế và hình thể của Thiên Chúa. Vì thế, các thiên sứ phải thờ lạy Ngài.

“Bởi đức tin, ông làm Lễ Vượt Qua và sự rảy máu, kẻo Đấng hủy diệt những con đầu lòng chạm đến họ.” (Hê-bơ-rơ 11:28).

Danh từ “những con đầu lòng” trong câu này chỉ về những con đầu lòng của dân Ê-díp-tô bị Thiên Chúa hủy diệt trong đêm Lễ Vượt Qua đầu tiên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:29). Môi-se đã truyền cho dân I-sơ-ra-ên làm Lễ Vượt Qua, rảy máu trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa mỗi nhà, y theo mệnh lệnh mà Thiên Chúa đã phán truyền. Nhờ đó, các con đầu lòng của dân I-sơ-ra-ên không bị giết.

“… gần hội chúng và Hội Thánh của những con đầu lòng được ghi tên trong các tầng trời; gần Thiên Chúa, Đấng Phán Xét của mọi người; gần những tâm thần của những người công chính đã được làm cho vẹn lành…” (Hê-bơ-rơ 12:23).

Danh từ “những con đầu lòng được ghi tên trong các tầng trời chỉ về toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh. Bởi vì con dân Chúa trong Hội Thánh được tái sinh và thân thể xác thịt được sống lại (hoặc biến hóa) trước các thánh đồ khác. Thứ tự sự sống lại của thân thể xác thịt loài người là:

  1. Đức Chúa Jesus Christ: Vào cuối ngày Sa-bát 12/04/27 trước khi mặt trời lặn. Các chi tiết trong Thánh Kinh và các dữ kiện lịch sử ngoài Thánh Kinh đã chứng minh thời điểm Chúa chết và phục sinh một cách rõ ràng [1].
  2. Con dân Chúa trong Hội Thánh: Vào ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung, giữa đám mây. Ngày ấy không còn xa nữa.
  3. Con dân Chúa bị chết trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, và có lẽ các thánh đồ trước thời Tân Ước: Sẽ xảy ra sau khi Đức Chúa Jesus Christ cùng Hội Thánh tái lâm trên đất vào cuối của bảy năm đại nạn, tiêu diệt AntiChrist cùng những kẻ theo AntiChrist, nhốt Sa-tan vào vực sâu trong âm phủ.
  4. Tất cả những người không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời: Kể từ thời A-đam cho đến ngày cuối cùng của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, tất cả những ai không tin kính, không vâng phục Đức Chúa Trời sẽ được gọi sống lại phần thân thể xác thịt và ra trước tòa phán xét chung cuộc của Đức Chúa Jesus Christ, như đã tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

Nói tóm lại, khi danh từ “con đầu lòng” được dùng cho Đức Chúa Jesus thì mang các nghĩa sau đây:

  • Con trai đầu lòng của bà Ma-ri, nói lên lẽ thật: Ngài là loài người và thuộc dòng dõi người nữ.
  • NGƯỜI đầu tiên được Đức Chúa Trời sinh ra, đứng đầu những người được sinh ra bởi Đức Chúa Trời.
  • NGƯỜI đầu tiên sống lại từ trong những kẻ chết.
  • Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo, nói lên lẽ thật: Ngài là Thiên Chúa.

Khi chúng ta đối chiếu Cô-lô-se 1:15-20 với Giăng 1:1-18, Phi-líp 2:6-8, và Hê-bơ-rơ 1:5-12 thì chúng ta thấy rõ: Thánh Kinh đã công bố Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa nhập thế làm người. Những câu Thánh Kinh sau đây trực tiếp gọi Ngài là Thiên Chúa:

Ê-sai 9:6 “Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.”

Giăng 1:1 “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.”

Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28 “Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.”

Rô-ma 8:9 “Nhưng các anh chị em không ở trong xác thịt mà ở trong thần trí, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.”

Rô-ma 9:5 “…Các tổ phụ thuộc về dân ấy, và theo phần xác thịt Đấng Christ ra từ dân ấy, là Đấng trên hết mọi sự, là Thiên Chúa được tôn vinh cho đến vĩnh cửu. A-men!”

Phi-líp 2:6 Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.”

Tít 2:13 “…chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ….”

I Ti-mô-thê 3:16 “Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra trong các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.”

I Giăng 5:20 “Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.”

Giu-đe 1:4 “Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, chúng nó là những kẻ đã bị định cho án phạt từ trước, là những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác. Chúng nó chối Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất và là Chúa của chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.”

Khi chúng ta nắm vững lẽ thật Đức Chúa Jesus Christ vừa là loài người vừa là Thiên Chúa thì chúng ta sẽ biết khi nào Thánh Kinh nói về Ngài trong thân vị Thiên Chúa trước khi nhập thế làm người; khi nào Thánh Kinh nói về Ngài trong thân vị loài người, yếu đuối về thể xác và bị giới hạn như chúng ta; và khi nào Thánh Kinh nói về Ngài trong thân vị Thiên Chúa trong thân thể loài người đã phục sinh, được mang danh Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:8-9) cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của Cô-lô-se 1:15-20:

15 Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thể thấy được, Ngài là Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo.

Loài người xác thịt không thể nhìn thấy được Đức Chúa Trời hoặc các thiên sứ, trừ khi Đức Chúa Trời và các thiên sứ hiện ra trong hình dạng của loài người. Từ ngữ “hình ảnh” trong câu này theo nghĩa đen là hình dạng thấy được của một người hay một vật, theo nghĩa bóng là sự minh họa, tức là làm cho hiểu rõ ràng. Đức Chúa Trời là Thiên Chúa thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể đại diện cho Ngài một cách trọn vẹn. Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người để minh họa cho loài người về Thiên Chúa, tức là giúp cho loài người hiểu biết cách rõ ràng về Đức Chúa Trời. Ngài làm cho loài người hiểu rõ ràng về Đức Chúa Trời khi họ nhìn thấy nếp sống của Ngài, nghe những sự giảng dạy của Ngài, được tác động bởi những việc làm của Ngài.

Đức Chúa Jesus Christ cũng chính là Đấng làm đầu toàn bộ sự sáng tạo vì Ngài là thân vị Thiên Chúa trực tiếp dựng nên muôn loài thọ tạo.

Sáng Thế Ký 1:1 khẳng định Thiên Chúa là Đấng dựng nên các tầng trời và đất: “Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…”

Giăng 1:1-3 khẳng định Ngôi Lời là Thiên Chúa và Ngôi Lời trực tiếp dựng nên muôn vật: “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.”

Và Cô-lô-se 1:16 mà chúng ta đang học đến cũng xác nhận Đức Chúa Jesus Christ là Đấng dựng nên muôn loài.

Chúng ta có thể hiểu rằng, về công cuộc sáng tạo thì Đức Chúa Trời thiết kế, Đức Chúa Jesus Christ thi công và quản trị, Đức Thánh Linh cung ứng năng lực và sự sống. Điển hình cho sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo là sự sáng tạo loài người được chép trong Sáng Thế Ký 1:26-28.

  • Câu 26 là Đức Chúa Trời phán: “Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất!”
  • Câu 27 là Ngôi Lời hành động: “Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.”
  • Câu 28 là Đấng Thần Linh ban phước: “Thiên Chúa ban phước cho họ và phán: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất! Hãy làm cho đất phục tùng! Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!”

Không có bất cứ một việc làm nào của Thiên Chúa mà không có sự đồng công của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngay trong quan hệ với loài người thì Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng, ban ơn, ban thẩm quyền, ban địa vị, và cung ứng mọi nhu cầu cho chúng ta như một người cha. Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đồng công với chúng ta trong mọi việc chúng ta làm như một người chủ. Đức Thánh Linh là Đấng ban năng lực và các ân tứ cho chúng ta, dẫn dắt chúng ta như một người thầy. Chúng ta có Thiên Chúa ở trên chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, và ở trong chúng ta (Ê-phê-sô 4:6).

16 Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.

Thánh Kinh Cựu Ước nói về sự Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, còn Thánh Kinh Tân Ước thì nói muôn vật đã được dựng nên bởi Đức Chúa Jesus Christ. Áp dụng tam đoạn luận thì chúng ta có câu kết luận chính xác: Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa!

Những vật do Đức Chúa Jesus Christ dựng nên bao gồm những vật trong các tầng trời như vô số hành tinh, thiên đàng, và các thiên sứ; những vật trên đất như toàn bộ thế giới mà chúng ta nhìn biết; những vật thấy được của thế giới thuộc thể và những vật không thấy được của thế giới thuộc thể lẫn thuộc linh; bao gồm luôn các thẩm quyền trong thế gian:

  • Ngai vị: Những chỗ ngồi trong các chính quyền.
  • Chủ quyền: Những chính quyền độc lập cai trị một lãnh thổ.
  • Nhà cầm quyền: Những nhân viên trong chính quyền.
  • Các thế lực: Các sức mạnh của những chính quyền, như sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị…

Tất cả các thẩm quyền đều do Đức Chúa Jesus Christ dựng nên để phục vụ cho ý muốn của Ngài.

17 Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được đứng vững trong Ngài.

Về phần xác thịt loài người thì Đức Chúa Jesus Christ được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri và được Ma-ri sinh ra trong thế gian cách nay hơn hai ngàn năm, nhưng bản thể thiêng liêng của Ngài (tâm thần) và bản ngã của Ngài (linh hồn) thì có từ trước vô cùng. Sự có của Ngài là sự tự có, vì Ngài là Thiên Chúa. Chính vì thế mà câu 15 không thể dịch: Ngài là con đầu lòng của sự sáng tạo. Nếu nói Ngài là con đầu lòng của sự sáng tạo thì có nghĩa là nói Ngài được tạo ra đầu tiên trong sự sáng tạo. Giăng 1:1 xác định ban đầu CÓ Ngài, và Cô-lô-se 1:17 xác định Ngài CÓ trước muôn vật. Chữ CÓ được dùng trong hai câu đều là động từ chỉ sự thực hữu. Vì thế, về phần thiêng liêng thì Đức Chúa Jesus không được sinh ra, không được dựng nên, mà là đồng tự có trong sự hiệp một với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh.

Từ ngữ “đứng vững” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là được sắp xếp cho kết nối với nhau cách chặt chẽ và giữ cho vững chắc để hoạt động cho một mục đích. Muôn vật được đứng vững trong Ngài có nghĩa là muôn loài tạo vật được Đức Chúa Jesus Christ sáng tạo một cách siêu nhiên, chi tiết, khéo léo, thích hợp với mục đích Ngài dành cho chúng. Khoa học đã chứng minh cho chúng ta biết, muôn loài vạn vật trong thế giới vật chất được tạo thành bởi những nguyên tử hóa học, mà kích thước của chúng vô cùng nhỏ. Kích thước của chúng nhỏ đến nỗi trong một giọt nước khoảng 0.05 ml có thể chứa đến năm ngàn tỉ tỉ nguyên tử (5.000.000.000.000.000.000.000) [2]. Thế nhưng, mỗi nguyên tử lại là sự kết hợp bởi các tổ hợp các hạt vật chất xoay chung quanh một hạt nhân, và chúng được giữ với nhau bởi một lực vô hình [3]. Kích thước của các hạt vật chất cực nhỏ đến mức khó mà tưởng tượng. Lực giữ cho các tổ hợp các hạt vật chất xoay chung quanh hạt nhân của một nguyên tử mạnh đến nỗi khi hạt nguyên tử bị phá vỡ thì lực này nổ tung làm cho các tổ hợp hạt vật chất bắn ra với tốc độ trên 12.000 km một giây đồng hồ, tạo ra sức tàn phá lớn. Khoa học gọi lực này là “lực nguyên tử mạnh” (strong nuclear force). Chính Đức Chúa Jesus Christ đã sáng tạo các hạt vật chất và dùng năng lực để kết hiệp chúng với nhau cách chặt chẽ, để tạo thành các tầng trời và đất, cùng muôn vật trong thế giới vật chất của chúng ta.

18 Ngài là đầu của thân thể, của Hội Thánh; Đấng có lúc ban đầu; con đầu lòng từ những kẻ chết; để trong mọi sự Ngài trở nên đứng đầu.

Hội Thánh được gọi là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ mà Ngài là đầu, tức là người lãnh đạo, người cai trị, người điều khiển (I Cô-rinh-tô 6:15; Ê-phê-sô 1:23). Từ ngàn xưa, trong Hội Thánh đã có những người muốn làm đầu của Hội Thánh, như Đi-ô-trép được nói đến trong III Giăng câu 9. Ngày nay, trong Hội Thánh cũng không thiếu những người như vậy. Điều lạ lùng là con dân Chúa lại chấp nhận cho những kẻ ấy làm đầu của mình, sợ và vâng phục họ hơn là sợ và vâng phục Chúa.

Trong tiếng Hy-lạp, danh từ “ban đầu” vừa chỉ khoảng thời gian bắt đầu của một sự kiện hay một việc gì, vừa dùng để gọi người khởi đầu một việc gì đó. Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Ban Đầu vì Ngài là Thiên Chúa dựng nên muôn loài vạn vật. Trong Khải Huyền, Ngài được gọi là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là đầu tiên và cuối cùng. An-pha là mẫu tự đứng đầu và ô-mê-ga là mẫu tự đứng cuối trong bộ chữ cái của tiếng Hy-lạp, tiêu biểu cho sự bắt đầu và sự kết thúc:

“Chúa là Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến, là Đấng Toàn Năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga!” (Khải Huyền 1:8).

Chính Ngài tự xưng, Ngài là An-pha và Ô-mê-ga, là thứ nhất và sau chót, là đầu và rốt:

“Ngài phán với tôi: Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống.” (Khải Huyền 21:6).

“Ta là Đấng An-pha và Đấng Ô-mê-ga: Đấng Khởi Đầu và Đấng Kết Thúc; Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng.” (Khải Huyền 22:13).

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa Thiên Chúa có sự bắt đầu và sự kết thúc, mà chỉ có nghĩa là mọi sự bắt đầu bởi Thiên Chúa và được kết thúc bởi Thiên Chúa; còn Thiên Chúa là Đấng tự có và có mãi!

Hãy hình dung ra hàng số dưới đây:

… -10, -9, -8, -7, -6, -5, -4, -3, -2, -1, 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10…

Từ số không (0) tiêu biểu cho ngày hôm nay, chúng ta hãy đếm mãi về phía trái (số âm), mỗi số tiêu biểu cho một ngày trong quá khứ; và đếm mãi về phía phải (số dương), mỗi số tiêu biểu cho một ngày trong tương lai. Chắc chắn chẳng bao giờ chúng ta có thể đếm hết số. Có lẽ đến một lúc chúng ta sẽ không còn biết phải gọi các con số như thế nào, nhưng còn đếm thì còn có số. Điều này minh họa cho sự đời đời. Từ trong quá khứ đời đời Thiên Chúa thực hữu và Thiên Chúa cứ thực hữu cho đến mãi mãi. Thiên Chúa không bị giới hạn bởi thời gian vì Ngài là Đấng tạo nên thời gian, không gian, và vật chất trong khoảnh khắc đầu tiên của sự sáng tạo.

Trong Sáng Thế Ký 1:1 chúng ta đọc thấy:

“Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…”

Danh từ “ban đầu” trong câu này chỉ về sự bắt đầu của sự sáng tạo, tức là thời điểm bắt đầu của muôn loài vạn vật, kể cả các thiên sứ và mọi sự trong thiên đàng. Danh từ các tầng trời bao gồm tầng trời thuộc thể là vũ trụ vật chất lẫn tầng trời thuộc linh là thiên đàng, còn được gọi là tầng trời thứ ba. (Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển bao quanh địa cầu, tầng trời thứ nhì là khoảng không gian của vũ trụ).

Giăng 1:1-2 khi được dịch chính xác theo nguyên ngữ Hy-lạp thì chúng ta sẽ có:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.”

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, chữ “ban đầu” trong hai câu này đều có giới từ “en” (G1722) đứng trước. Giới từ “en” được dùng để chỉ một vị trí cố định trong thời gian, không gian, hoặc trạng thái… mà trong hai câu này, chúng ta có thể dịch là “vào lúc”. Vào lúc ban đầu tức là vào thời điểm bắt đầu của muôn loài vạn vật.

Trong tiếng Hy-lạp, động từ “eimi” (G1510), /ai-mi/, tương tự như động từ “to be” trong tiếng Anh, mang các nghĩa: thực hữu (có), là, ở. Trong hai câu trên, động từ này được dùng với thời quá khứ chưa hoàn thành, để chỉ định một hành động hay một trạng thái đã xảy ra trong quá khứ và vẫn kéo dài đến tương lai. Ý nghĩa của hai câu trên là: Vào thời điểm bắt đầu của muôn loài vạn vật, Ngôi Lời đã thực hữu, đang thực hữu, và còn thực hữu; Ngôi Lời đã thực hữu cùng, đang thực hữu cùng, và còn thực hữu cùng Đức Chúa Trời; Ngôi Lời đã là, đang là, và còn là Thiên Chúa.

Chúng ta thấy sự kiện: “Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời” được nói đến hai lần, để nhấn mạnh lẽ thật: Ngôi Lời đồng tự hữu hằng hữu với Đức Chúa Trời.

19 Bởi vì, mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài, [mọi sự đầy dẫy của Thiên Chúa]

20 và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài [chữ chính Ngài chỉ về Đức Chúa Trời], dù là những vật trên đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.

Mọi sự đầy dẫy tức là những sự tốt đẹp của Thiên Chúa. Động từ “cư trú” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: nhận làm nhà và cư ngụ thường xuyên. Những sự tốt đẹp đầy dẫy của Thiên Chúa cư trú trong Đức Chúa Jesus Christ và qua Ngài mà giúp muôn vật được phục hòa với Đức Chúa Trời; vì Đấng Christ là Đấng Trung Bảo, dùng chính máu của Ngài để xóa đi sự thù nghịch giữa Đức Chúa Trời và muôn loài vì sự phạm tội của loài người và các thiên sứ. Phục hòa là làm cho được hòa bình trở lại, không còn thù nghịch.

Rô-ma 8:20-23 chép:

20 Vì muôn vật đã bị làm cho phục sự hư không, chẳng phải tự ý, mà là bởi Đấng bắt chúng chịu phục, để mong rằng

21 chính muôn vật cũng sẽ được giải cứu khỏi sự nô lệ của sự hư hoại, mà vào trong sự tự do vinh quang của con cái của Đức Chúa Trời.

22 Vì chúng ta biết rằng, cả muôn vật cùng than thở và cùng chịu khó nhọc cho đến ngày nay.

23 Không những chúng, mà chúng ta nữa, là những người có trái đầu mùa của Đấng Thần Linh. Chính chúng ta cũng than thở trong chúng ta, trông đợi sự làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể của chúng ta.

Điều này không có nghĩa là tất cả thiên sứ phạm tội và loài người phạm tội đều sẽ được phục hòa, tức được cứu rỗi. Chúng ta biết Sa-tan và các thiên sứ phạm tội không có cơ hội được cứu rỗi. Có lẽ vì hai lý do:

  • Họ không đáng được hưởng ơn cứu rỗi vì họ tận mắt nhìn thấy Thiên Chúa, cùng ở trong thiên đàng với Thiên Chúa mà lại chống nghịch Thiên Chúa.
  • Họ vẫn chống nghịch Thiên Chúa cho đến cuối cùng.

Về phía loài người, thì chỉ những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận Thiên Chúa, sống theo các điều răn của Ngài thì mới được phục hòa với Đức Chúa Trời. Những người không biết về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng biết chán ghét tội lỗi, biết tìm kiếm Đức Chúa Trời, và biết ăn năn tội, như những người trong thời Cựu Ước và trước đó, như những người trong thời Tân Ước mà không có cơ hội nghe giảng Tin Lành. Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài cho mọi người, nhưng nhiều người đã ngoan cố sống theo thú vui tội lỗi, nên họ không được cứu rỗi:

Rô-ma 1:18-32

18 Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công chính của những người dùng sự không công chính mà đè nén lẽ thật.

19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ

20 những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

22 Họ tự xưng mình là khôn sáng, mà trở nên ngu dại;

23 họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.

24 Cho nên, Đức Chúa Trời đã phó họ rơi vào sự ô uế theo lòng tham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa,

25 vì họ đã đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và phụng sự loài được dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng tôn vinh cho đến vĩnh cửu! A-men.

26 Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tính tự nhiên.

27 Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo trả xứng với điều lầm lỗi của mình.

28 Tại họ không xem xét để giữ lấy Đức Chúa Trời trong sự tri thức của họ, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, để phạm những sự chẳng xứng đáng.

29 Họ đầy dẫy mọi sự: không công chính, tà dâm, ý xấu, tham lam, ác dữ; chan chứa những điều ganh ghét, giết người, cãi lẫy, gian trá, thói xấu, nói lén;

30 gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ;

31 dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.

32 Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.

Lời hứa của Đức Chúa Trời là chắc chắn. Ngài hứa rằng, hễ ai tìm kiếm Ngài cách hết lòng thì sẽ gặp được Ngài:

“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Vì Ngài yêu thương mọi người (Giăng 3:16), muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4).

Tất cả những ai tin và vâng phục Thiên Chúa đều được tha tội bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, cho dù họ có biết Ngài hay không. Vì sự Đức Chúa Trời tha tội cho loài người được dựa trên sự Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người.

Ngoài ra, các loài thọ tạo khác, trong các tầng trời và đất cùng muôn vật trên đất, bị họa lây vì sự phạm tội của các thiên sứ và loài người, thì đến thời điểm Đức Chúa Jesus Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm, Ngài sẽ phục hồi chúng. Ngày ấy, các tầng trời và đất sẽ được phục hồi tốt lành như trong sáu ngày sáng tạo.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu rõ lẽ thật về thân vị Thiên Chúa của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

11/02/2017

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[2] http://chemistry.about.com/od/waterchemistry/fl/How-Many-Atoms-Are-in-a-Drop-of-Water.htm

[3] https://www.youtube.com/watch?v=yQP4UJhNn0I

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.