Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL053 Bài Giảng nơi Đồng Bằng – Phần 2

284 views

YouTube: https://youtu.be/t7pod9cWxaI

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL053 Bài Giảng nơi Đồng Bằng – Phần 2
Lu-ca 6:27-49

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 6:27-49

27 Nhưng Ta nói với các ngươi, những ai nghe: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy làm lành cho những kẻ ghét các ngươi!

28 Hãy chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi! Hãy cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi.

29 Với kẻ vả ngươi trên má hãy đưa luôn má kia. Với kẻ lấy áo ngoài của ngươi, cũng đừng ngăn nó lấy áo trong.

30 Hãy cho bất cứ ai xin ngươi! Với kẻ lấy đi đồ của các ngươi, đừng đòi lại.

31 Theo như các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thế nào, các ngươi cũng hãy làm cho họ thế ấy.

32 Nếu các ngươi yêu những ai yêu các ngươi, các ngươi có sự tốt lành gì? Những kẻ có tội cũng làm như vậy.

33 Nếu các ngươi làm lành cho những ai làm lành cho các ngươi, các ngươi có sự tốt lành gì? Những kẻ có tội cũng làm như vậy.

34 Nếu các ngươi cho những ai các ngươi mong nhận được từ họ vay mượn, các ngươi có sự tốt lành gì? Vì những kẻ có tội cũng cho những kẻ có tội vay mượn để được nhận lại như vậy.

35 Nhưng hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy làm lành! Hãy cho vay mượn, không mong đợi gì! Thì phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ là con cái của Đấng Rất Cao. Vì Ngài là từ ái đối với những kẻ vô ơn và xấu xa.

36 Vậy, các ngươi hãy có lòng thương xót như Cha của các ngươi cũng có lòng thương xót!

37 Đừng định tội thì các ngươi sẽ không bị định tội. Đừng lên án thì các ngươi sẽ không bị lên án. Hãy tha thứ thì các ngươi sẽ được tha thứ.

38 Các ngươi hãy cho! Thì sẽ được ban cho các ngươi. Với đấu chân thật, được đè xuống, được lắc cho đầy tràn, họ sẽ nộp vào trong lòng các ngươi. Vì cùng sự lường mà các ngươi lường sẽ được lường lại cho các ngươi.

39 Ngài đã phán một ngụ ngôn với họ: Có thể nào kẻ mù dắt kẻ mù? Cả hai sẽ chẳng ngã xuống hố sao?

40 Môn đồ thì không hơn thầy của mình. Nhưng ai trọn vẹn thì sẽ như thầy của mình.

41 Sao ngươi thấy cọng rơm trong mắt anh chị em của mình mà không nhận ra cây đà trong mắt ngươi?

42 Hay là sao ngươi có thể nói với anh chị em của ngươi: Anh chị em ơi, để tôi lấy cọng rơm trong mắt anh chị em ra, nhưng ngươi không thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ mà lấy cọng rơm trong mắt anh chị em của ngươi.

43 Vì cây tốt không sinh ra trái xấu. Cây xấu cũng không sinh ra trái tốt.

44 Vì mỗi cây được biết bởi trái của nó. Vì người ta không hái những trái vả từ những bụi gai, cũng không thu hoạch chùm nho từ bụi dâu. [Chỉ chung các loại bụi dâu có gai.]

45 Người lành bởi kho chứa điều lành của lòng người ấy phát ra điều lành. Kẻ dữ bởi kho chứa điều dữ của lòng kẻ ấy phát ra điều dữ. Vì bởi sự đầy dẫy của lòng mà miệng của người ấy nói.

46 Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm những gì Ta phán?

47 Ta sẽ chỉ cho các ngươi biết, người đến với Ta, nghe những lời phán của Ta, và làm theo chúng, thì giống ai.

48 Ấy là giống như người cất nhà, đào sâu, đặt nền trên vầng đá. Cơn lụt đã xảy ra, dòng nước đã xô vào nhà đó, nhưng không đủ mạnh để xô động nó. Vì nó đã được đặt nền trên vầng đá.

49 Nhưng kẻ nào nghe mà không làm theo, thì giống như người cất nhà trên đất, không có nền. Dòng nước đã xô vào nó, tức thì nó sụp xuống, và sự hư hại của nhà đó là lớn.

Trong bài này, chúng ta tiếp tục học phần còn lại của bài giảng nơi đồng bằng. Cũng như phần trước, phần này cũng có một số ý tưởng trùng hợp với bài giảng trên núi hoặc trong các bài giảng khác. Điều chúng ta cần ghi nhớ là cùng một lẽ thật, Đức Chúa Jesus có thể giảng nhiều lần tại nhiều chỗ khác nhau, cho những người nghe khác nhau, và dùng một số từ ngữ khác nhau. Sự Đức Chúa Jesus dùng từ ngữ khác cho cùng một ý tưởng mà Ngài đã giảng qua là vì trong thời điểm đó, Ngài muốn nhấn mạnh về một chi tiết với từ ngữ ấy, cho những người đang nghe.

27 Nhưng Ta nói với các ngươi, những ai nghe: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy làm lành cho những kẻ ghét các ngươi!

28 Hãy chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi! Hãy cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi.

Nhưng Ta nói với các ngươi, những ai nghe” có nghĩa là lời mà Đức Chúa Jesus sẽ nói tiếp theo chỉ dành cho những ai nghe và suy ngẫm để hiểu. Danh động từ “những ai nghe” (G3588 G191) được dùng để chỉ những người nghe và suy ngẫm để hiểu lời họ nghe. Những ai chỉ nghe rồi bỏ qua, không suy ngẫm để hiểu thì lời phán dạy của Đức Chúa Jesus không dành cho họ.

Sự yêu những kẻ thù và làm lành cho những kẻ ghét mình đã là mệnh lệnh của Thiên Chúa từ thời Cựu Ước:

Nếu ngươi gặp bò hay lừa của kẻ thù nghịch ngươi đi lạc thì ngươi phải đem về cho người.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:4).

Nếu kẻ ghét con bị đói, hãy cho nó bánh để ăn. Nếu nó bị khát, hãy cho nó nước để uống.” (Châm Ngôn 25:21).

Đó là cách thức loài người phải đối xử với nhau trong một cộng đồng. “Kẻ thù nghịch” và “kẻ ghét” được nói ở đây là những người bất đồng ý kiến hay có đụng chạm về quyền lợi với nhau nên không kết thân với nhau. Họ cũng có thể là những kẻ cầm quyền không công chính, cư xử bất công và ác độc với con dân Chúa.

Lời dạy tương tự cũng đã được Đức Chúa Jesus phán dạy trong bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5:44).

Hãy yêu những kẻ thù” có nghĩa là hãy cư xử với những kẻ thù như mình muốn họ cư xử với mình (Ma-thi-ơ 7:12; Lu-ca 6:31) bằng tấm lòng thật sự yêu thương, tha thứ, và quan tâm cho họ. Điều này là không thể, nếu chúng ta chưa được dựng nên mới trong Đấng Christ. Chỉ có tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa và sức toàn năng của Ngài đổ đầy trong một người, thì người ấy mới có thể yêu được những kẻ thù của mình.

Tình yêu luôn thể hiện qua hành động. Làm lành cho ai đó tức là làm ra bất cứ điều gì đem lại sự ích lợi, an ủi, khích lệ, an toàn… cho người ấy. Nói lên lẽ thật, rao giảng Tin Lành là việc làm lành cao quý nhất mà con dân Chúa có thể làm cho mọi người.

Khi bị rủa sả, tức là bị chúc dữ, hoặc khi bị mắng chửi, bị sỉ nhục con dân Chúa nên cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ rủa sả mình hoặc những kẻ làm nhục mình; và chúc cho họ được Chúa ban ơn để họ có cơ hội nhận biết Tin Lành. Lời cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ rủa sả hoặc mắng chửi mình là một việc lành lớn chúng ta làm ra cho những kẻ ấy. Vì nếu chúng ta không cầu xin Chúa tha thứ cho họ thì Chúa sẽ giáng sự rủa sả và sỉ nhục trên họ. Lời chúc cho họ được Chúa ban ơn để họ có cơ hội nhận biết Tin Lành là một việc lành lớn khác chúng ta làm ra cho những kẻ ấy. Vì bởi đó, Chúa sẽ ban cho họ ơn phước được nghe giảng Tin Lành và hiểu biết Tin Lành. Nếu họ tin thì họ sẽ được cứu rỗi. Nếu họ không tin thì đó là sự tự do lựa chọn của họ. Nhưng là con dân của Chúa thì chúng ta nên làm các việc lành ấy cho họ.

Đức Chúa Trời đối xử với mọi người bằng tình yêu, cho dù là người công chính hay người gian ác. Là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng đối xử với mọi người bằng tình yêu, cho dù là những người thù nghịch chúng ta, ghét chúng ta. Vì tình yêu trong chúng ta chính là tình yêu của Đức Chúa Trời. Chúng tôi tin rằng, Chúa vẫn cho phép chúng ta thường đối diện với những kẻ thù nghịch chúng ta và ghét chúng ta để chúng ta tập yêu thương và tha thứ.

29 Với kẻ vả ngươi trên má hãy đưa luôn má kia. Với kẻ lấy áo ngoài của ngươi, cũng đừng ngăn nó lấy áo trong.

Lời phán này của Chúa tương tự như lời Ngài đã phán trong bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5:39-40). Tuy nhiên, trong bài giảng trên núi thì Chúa dạy: “Ai muốn kiện ngươi để lấy cái áo trong của ngươi, hãy cho kẻ ấy luôn cái áo ngoài!” Bị lấy áo trong thì sẵn lòng cho lấy luôn áo ngoài hoặc bị lấy áo ngoài thì sẵn lòng cho luôn áo trong đều là cách hành xử giống nhau. Đó là không chống cự khi bị trấn lột.

Đức Chúa Jesus không quan tâm đến việc kẻ dữ muốn lấy áo trong hay áo ngoài. Ngài chỉ muốn những ai nghe Ngài hiểu rằng, không nên chống cự kẻ dữ khi vô cớ bị sỉ nhục hoặc khi bị trấn lột, bị cướp giật. Nhưng lời phán của Chúa không có ý dạy rằng, con dân Chúa không nên tự vệ trước kẻ dữ khi có thể để bảo vệ mạng sống hoặc tránh sự thương tích lớn gây ra cho thân thể mình, người nhà mình, thậm chí người lân cận mình. Trước khi bị bắt, Đức Chúa Jesus đã bảo các môn đồ của Ngài bán áo mua gươm để tự vệ (Lu-ca 22:36). Nhưng Ngài đã quở trách Phi-e-rơ, khi ông rút gươm chống cự những kẻ đến bắt Ngài (Ma-thi-ơ 26:51-52). Vì sự Đức Chúa Jesus bị bắt nằm trong thánh ý của Đức Chúa Trời.

30 Hãy cho bất cứ ai xin ngươi! Với kẻ lấy đi đồ của các ngươi, đừng đòi lại.

Lời dạy tương tự cũng đã được Đức Chúa Jesus phán dạy trong bài giảng trên núi: “Hãy cho kẻ xin ngươi! Đừng xoay khỏi kẻ muốn mượn của ngươi!” (Ma-thi-ơ 5:42). Chỉ khác ở chỗ, trong bài giảng trên núi thì là: đừng xoay khỏi kẻ muốn mượn đồ; còn trong bài giảng nơi đồng bằng thì là: đừng đòi lại đồ đã bị kẻ khác lấy đi mà không trả. Hai câu này bổ sung cho nhau thành một ý: Đừng từ chối người muốn mượn đồ của mình. Nếu người mượn đồ không trả thì đừng đòi lại.

Đừng đòi lại ở đây không có nghĩa là không nhắc người mượn trả đồ cho mình. Vì có thể người mượn vô ý, quên trả. Mà là khi người ấy cố ý không muốn trả cho mình thì mình đừng đòi nữa. Điều này bao gồm cả việc cho mượn tiền.

Câu hỏi đặt ra là, nếu người ấy lại hỏi mượn một món đồ khác thì sao? Chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể hỏi người ấy định mượn cho tới khi nào? Cần ấn định thời gian hoàn trả do chính người ấy xác định. Nhưng sau ba lần người ấy mượn mà không trả thì chúng ta có thể từ chối, không cho mượn nữa. Lời dạy của Chúa không phải để con dân Chúa tự nguyện trở thành nạn nhân bị người thế gian lạm dụng. Lời Chúa dạy con dân Chúa yêu thương, tha thứ, nhẫn nại nhưng phải khôn sáng, tránh sự lạm dụng của kẻ xấu. Con dân Chúa phải khôn khéo như loài rắn, biết né tránh những kẻ muốn làm thiệt hại mình (Ma-thi-ơ 10:16). Tục ngữ cũng có câu “Sự bất quá tam”, nghĩa là không để cho sự việc tương tự xảy ra đến lần thứ tư. Trong câu chuyện về Ba-la-am, Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã không cho phép Ba-la-am đánh con lừa quá ba lần (Dân Số Ký 22:32).

31 Theo như các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thế nào, các ngươi cũng hãy làm cho họ thế ấy.

Lời này cũng đã được Đức Chúa Jesus phán dạy trong bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 7:12) và Ngài đã khẳng định rằng, “ấy là luật pháp và những lời tiên tri”. Là luật pháp vì hành động như vậy là công chính. Là những lời tiên tri vì nội dung và mục đích của những lời tiên tri là hướng loài người đến sự sống nếp sống công chính theo luật pháp. Ý nghĩa lời phán dạy của Đức Chúa Jesus là: Cư xử với người khác theo cách mà mình muốn người khác cư xử với mình. Tức là làm lành cho người khác và không làm dữ, không làm ác cho người khác.

32 Nếu các ngươi yêu những ai yêu các ngươi, các ngươi có sự tốt lành gì? Những kẻ có tội cũng làm như vậy.

33 Nếu các ngươi làm lành cho những ai làm lành cho các ngươi, các ngươi có sự tốt lành gì? Những kẻ có tội cũng làm như vậy.

34 Nếu các ngươi cho những ai các ngươi mong nhận được từ họ vay mượn, các ngươi có sự tốt lành gì? Vì những kẻ có tội cũng cho những kẻ có tội vay mượn để được nhận lại như vậy.

Đức Chúa Jesus liên tiếp nêu ra ba giả thiết về cách cư xử của con dân Chúa: Yêu những người yêu mình; làm lành cho những ai làm lành cho mình; cho hoặc cho mượn những ai mà mình cũng có thể xin và mượn từ họ. Rồi Chúa đặt câu hỏi: Nếu con dân Chúa làm như vậy thì họ có khác gì những người không có sự cứu rỗi của Chúa, những người vẫn đang sống trong tội, bị gọi là những kẻ có tội? Hiển nhiên, câu trả lời là khi con dân Chúa hành xử như vậy thì họ không thể hiện điều gì là tốt lành hơn những kẻ có tội, vì đó là cách cư xử thường tình trong thế gian.

Con dân Chúa đã được Chúa tha tội, ban cho tình yêu và năng lực của Thiên Chúa để họ sống một nếp sống mới trong Chúa. Đó là nếp sống yêu thương, thánh khiết, và công chính. Nếp sống ấy khiến cho họ thật lòng yêu thương, đồng cảm, tha thứ, cứu giúp, làm lành cho tất cả mọi người, kể cả những người thù ghét họ. Điều quan trọng là không phải họ hành xử như một sự thương hại và bố thí. Nhưng họ cư xử như họ đang làm ra việc tốt lành ấy cho chính Chúa vì họ yêu Chúa và muốn làm sự tốt lành cho Chúa. Đó là sự cư xử đúng theo lời Đức Thánh Linh dạy:

Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Con dân Chúa làm việc lành cho mọi người trong tinh thần phụng sự Chúa, làm với mục đích đem lại ích lợi cho người và tôn vinh danh Chúa. Con dân Chúa không tìm kiếm tiếng khen trong sự làm lành. Đó là bản tính tự nhiên của những người đã được dựng nên mới trong Đấng Christ. Như ngọn đèn được thắp lên thì chiếu sáng, như loài hoa được nở ra thì lan tỏa hương thơm, con dân Chúa được Chúa dùng để chiếu sáng sự vinh quang của Ngài và đem tình yêu của Ngài đến những người lân cận họ.

35 Nhưng hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy làm lành! Hãy cho vay mượn, không mong đợi gì! Thì phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ là con cái của Đấng Rất Cao. Vì Ngài là từ ái đối với những kẻ vô ơn và xấu xa.

36 Vậy, các ngươi hãy có lòng thương xót như Cha của các ngươi cũng có lòng thương xót!

Lời Chúa không hề dạy cho con dân Chúa thù ghét ai hoặc trả thù ai. Lời Chúa chỉ dạy con dân Chúa ghét sự xấu, ghét sự dữ (Thi Thiên 97:10; A-mốt 5:15). Lời Chúa dạy con dân Chúa chớ trả thù nhưng hãy yêu những người lân cận như mình (Lê-vi Ký 19:18). Lời Chúa dạy con dân Chúa hãy cho những kẻ ghét mình hoặc những kẻ thù nghịch mình ăn, khi họ đói; và cho uống, khi họ khát (Châm Ngôn 25:21; Rô-ma 12:20).

Trên nền tảng đó, Đức Chúa Jesus dạy con dân Chúa yêu những kẻ thù, làm lành cho mọi người, cho những kẻ có nhu cầu vay mượn mà không cần báo đáp. Mỗi việc lành đó sẽ được Chúa ban thưởng và là chứng cớ xác nhận người làm ra những việc lành đó là con của Thiên Chúa.

Danh xưng “Đấng Rất Cao” (G3588 G5310) được dùng để gọi Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời. Thiên sứ đã dùng danh xưng này để gọi Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:32, 35). Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít, cũng dùng danh xưng này để gọi Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:76). Được làm con của Đấng Rất Cao là được làm con của Đức Chúa Trời. Địa vị đó được ban cho những ai thật lòng tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời, tiếp nhận Tin Lành của Ngài. Ngay trong đời này, họ được gọi là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:18). Chúng ta cần ghi nhớ rằng, không phải những ai mang danh là môn đồ của Chúa, không phải những ai được báp-tem vào trong Hội Thánh, đang sinh hoạt trong Hội Thánh, mà là những ai sống theo Lời Chúa mới là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Đấng có lòng thương xót. Vì Ngài là tình yêu. Trong tình yêu có sự cảm thông, thương xót, và tha thứ. Đối với toàn thể loài người phạm tội, chống nghịch Ngài, vô ơn và xấu xa, Đức Chúa Trời vẫn tỏ sự từ ái của Ngài bằng cách ban ơn cứu rỗi cho họ. Thương xót, đầy ơn, chậm nóng giận, và đầy sự từ ái là bản tính của Thiên Chúa, như đã chép trong Thi Thiên 103:8. Vì thế, con dân chân thật của Chúa cũng có lòng thương xót, cảm thông, tha thứ, và sẵn sàng làm ơn ngay cả cho những kẻ thù nghịch mình và ghét mình. Lời Chúa dạy:

Khi kẻ thù nghịch con sa ngã, chớ vui mừng; lúc nó bị vấp ngã, lòng con đừng hớn hở.” (Châm Ngôn 24:17).

Điều đó chỉ có thể khi một người đã thật sự được dựng nên mới, được mang lấy bản tính mới, giống như Thiên Chúa trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24).

37 Đừng định tội thì các ngươi sẽ không bị định tội. Đừng lên án thì các ngươi sẽ không bị lên án. Hãy tha thứ thì các ngươi sẽ được tha thứ.

Động từ “định tội” (G2919) vừa có nghĩa là nói lời định tội vừa có nghĩa là phán xét một sự việc. Theo văn mạch thì trong lời phán này của Đức Chúa Jesus, nó có nghĩa là định tội, vì nó đi kèm theo hành động lên án. Lời phán của Chúa không có nghĩa là không ai được định tội hay lên án người khác. Vì chính Đức Chúa Trời đã đặt ra các quan án để xét xử giữa loài người. Và ngay trong Hội Thánh, cũng phải có sự xác định một người phạm tội mà không ăn năn để dứt thông công người ấy. Chính Đức Chúa Jesus đã dạy:

Đừng phán xét theo bề ngoài nhưng hãy phán xét theo sự phán xét công chính.” (Giăng 7:24).

Lời phán dạy: đừng định tội, đừng lên án, hãy tha thứ, là lời khuyên con dân Chúa thể hiện sự thương xót, sẵn lòng tha thứ cho người phạm lỗi, phạm tội với mình. Lòng thương xót sẽ khiến cho con dân Chúa cũng được hưởng sự thương xót. Đó chính là điều Đức Chúa Jesus đã phán dạy trong phần mở đầu của bài giảng trên núi:

Phước cho những ai thương xót! Vì họ sẽ được thương xót.” (Ma-thi-ơ 5:7).

Nhưng nếu kẻ có lỗi, có tội cứ tái phạm thì con dân Chúa có thể thi hành sự phán xét công chính, là sự phán xét dựa trên Lời Chúa, thẳng thắn công bố sự phạm tội của kẻ ấy và dứt thông công kẻ ấy.

38 Các ngươi hãy cho! Thì sẽ được ban cho các ngươi. Với đấu chân thật, được đè xuống, được lắc cho đầy tràn, họ sẽ nộp vào trong lòng các ngươi. Vì cùng sự lường mà các ngươi lường sẽ được lường lại cho các ngươi.

Đấu” là vật dụng dùng để đong lường về dung tích. “Đấu chân thật” là đấu có đúng dung tích, khác với đấu giả là đấu có kích thước thấp hơn hoặc hẹp hơn, làm giảm đi dung tích.

Được đè xuống” là sau khi vật phẩm được đổ vào trong đấu, đầy tới miệng thì được đè xuống cho dẽ dặt để có thể đổ thêm vật phẩm vào đấu. Đây là trường hợp đong lường các loại trái cây.

Được lắc cho đầy tràn” là sau khi vật phẩm được đổ vào trong đấu, đầy tới miệng thì đấu được lắc để vật phẩm được nén sát vào nhau, có thêm chỗ để đổ thêm vật phẩm cho tràn miệng đấu. Đây là trường hợp đong lường các loại ngũ cốc, bột.

Vì cùng sự lường mà các ngươi lường sẽ được lường lại cho các ngươi”, cùng nghĩa với “Vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy”.

Sự cho được nói đến ở đây chính yếu là sự ban cho để cứu giúp những người khó nghèo; nhưng cũng có thể được hiểu là sự có lòng rộng rãi đối với mọi người. Sự cho này không phải để được người khác biết ơn; không phải để được tiếng khen; không phải để được nhận lại điều gì đó. Sự cho này hoàn toàn xuất phát từ lòng cảm thông, yêu người khác như chính mình, làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình. Khi chúng ta có lòng rộng rãi, chân thật, biết cứu giúp người khác thì chúng ta cũng sẽ được người khác cư xử với mình như vậy. Chính Đức Chúa Trời sẽ cảm động lòng người khác cư xử rộng rãi với chúng ta cách chân thật. Đó cũng nằm trong định luật gieo gì gặt nấy (Ga-la-ti 6:7).

39 Ngài đã phán một ngụ ngôn với họ: Có thể nào kẻ mù dắt kẻ mù? Cả hai sẽ chẳng ngã xuống hố sao?

Trong thực tế, hai kẻ mù không thể nào dắt nhau, vì cả hai đều không thể nhìn thấy sự nguy hiểm trên đường đi. Hai kẻ mù có thể nương tựa nhau, lần mò, dò đường mà đi; nhưng không người nào có thể dẫn đường người kia. Lời phán của Đức Chúa Jesus là nói về sự dẫn dắt thuộc linh. Một người đui mù về thuộc linh, không hiểu biết Lời Chúa thì không thể dẫn dắt người khác cũng đui mù về thuộc linh sống theo Lời Chúa. Vào thời của Đức Chúa Jesus, lịch sử của Do-thái Giáo đã vào khoảng 400 năm. Trong Do-thái Giáo có nhiều “bậc thầy” giảng dạy Lời Chúa. Họ được gọi là “Ra-bi” (G4461), có nghĩa là: Bậc vĩ đại của tôi; bậc đáng tôn kính của tôi. Nhưng, như Đức Thánh Linh đã dùng Phao-lô để viết trong II Cô-rinh-tô 3:14-15, lý trí của họ đã bị chai cứng, trên tấm lòng họ có một tấm màn che kín, khiến cho họ không hiểu biết ý nghĩa thật của Lời Chúa. Bản thân Phao-lô là người được học Lời Chúa từ một giáo sư danh tiếng nhất vào thời ấy, nhưng Phao-lô vẫn không có sự hiểu biết đúng về Lời Chúa, khiến cho ông trở thành người sốt sắng bách hại Hội Thánh.

Ngày nay, trong hàng chục ngàn giáo hội mang danh Chúa, nhiều tà giáo được rao giảng, dắt đưa hàng tỉ người đi vào sự hư mất đời đời. Những người bị dắt dẫn đi sai lạc trong các giáo hội là do họ tự nguyện vâng phục sự giảng dạy của các giáo hội, thay vì chính mình họ tương giao với Chúa, suy ngẫm Lời Chúa để hiểu đúng và sống đúng theo Lời Chúa. Rồi được Chúa đưa dẫn đến với Hội Thánh chân thật của Ngài và những người chân thật rao giảng Lời Chúa.

40 Môn đồ thì không hơn thầy của mình. Nhưng ai trọn vẹn thì sẽ như thầy của mình.

Chữ “hơn” được Chúa nói ở đây có nghĩa là hơn về phẩm chất.

Lời phán dạy này của Chúa không áp dụng vào trường hợp thầy dạy các sự hiểu biết chuyên môn trong thế gian. Nhưng nói về sự giảng dạy Lời Chúa. Người giảng dạy Lời Chúa chân thật thì ngày càng thăng tiến trong sự hiểu biết Lời Chúa, trong sự sống theo Lời Chúa và giúp cho nhiều người được hiểu biết Lời Chúa như mình, sống theo Lời Chúa như mình. Chính vì thế mà không có sự học trò hơn thầy mà chỉ có học trò trở nên giống như thầy trong sự hiểu biết Lời Chúa và sống theo Lời Chúa.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, sự giảng dạy Lời Chúa là ơn và chức vụ Chúa ban cho một số người trong Hội Thánh. Sự hiểu biết, năng lực, và thẩm quyền của họ đến từ Chúa để dẫn dắt con dân Chúa đến nếp sống đẹp lòng Chúa.

Chữ “trọn vẹn” (G2675) được Chúa nói ở đây có nghĩa là được sắp xếp, được đặt để, được sửa chữa cách hoàn toàn, thích hợp cho sự sử dụng. Đời sống của người học Lời Chúa là trọn vẹn khi họ hết lòng và cẩn thận làm theo Lời Chúa mà họ đã học được.

Những người học Lời Chúa từ những người giảng dạy Lời Chúa chân thật và biết áp dụng vào trong đời sống thì sẽ có sự hiểu biết và nếp sống giống như người dạy mình. Cả hai đều có nếp sống trọn vẹn trong Chúa, là nếp sống suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo. Khi họ lỡ phạm lỗi, phạm tội thì họ lập tức nhận lỗi, xưng tội với Chúa và được Chúa thánh hóa (I Giăng 1:9). Đối với họ, không có sự cố ý phạm tội.

41 Sao ngươi thấy cọng rơm trong mắt anh chị em của mình mà không nhận ra cây đà trong mắt ngươi?

42 Hay là sao ngươi có thể nói với anh chị em của ngươi: Anh chị em ơi, để tôi lấy cọng rơm trong mắt anh chị em ra, nhưng ngươi không thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ mà lấy cọng rơm trong mắt anh chị em của ngươi.

Ý nghĩa của hai câu này tương tự như lời dạy trong bài giảng trên núi. Quý ông bà anh chị em có thể xem lại bài 40, “Bài Giảng Trên Núi: Sự Định Tội và Các Lời Khuyên Khác” [1].

43 Vì cây tốt không sinh ra trái xấu. Cây xấu cũng không sinh ra trái tốt.

44 Vì mỗi cây được biết bởi trái của nó. Vì người ta không hái những trái vả từ những bụi gai, cũng không thu hoạch chùm nho từ bụi dâu. [Chỉ chung các loại bụi dâu có gai.]

Ý nghĩa của hai câu này tương tự như lời dạy trong bài giảng trên núi. Quý ông bà anh chị em có thể xem lại bài 41, “Bài Giảng Trên Núi: Sự Nhận Biết Tiên Tri Giả và Sự Vâng Phục” [2].

Có một chi tiết sau đây khác với bài giảng trên núi. Trong bài giảng trên núi thì Đức Chúa Jesus phán hỏi: “Có bao giờ người ta hái những trái nho từ những bụi gai, hoặc hái những trái vả từ những bụi tật lê?”

Hái những trái vả từ những bụi gai hay thu hoạch chùm nho từ bụi dâu cũng tương tự như hái những trái nho từ những bụi gai hay hái những trái vả từ những bụi tật lê. Ý chính của nó là hái trái của loại cây này từ một loại cây khác là điều không thể xảy ra.

45 Người lành bởi kho chứa điều lành của lòng người ấy phát ra điều lành. Kẻ dữ bởi kho chứa điều dữ của lòng kẻ ấy phát ra điều dữ. Vì bởi sự đầy dẫy của lòng mà miệng của người ấy nói.

Chữ “lòng” (G2588) theo nghĩa đen là trái tim, theo nghĩa bóng là con người bên trong, chỉ về sự cảm xúc và hiểu biết. Kho chứa điều lành của những người lành là tấm lòng của họ, bao gồm sự cảm xúc và sự hiểu biết của họ. Kho chứa điều dữ của những kẻ dữ cũng vậy.

Người lành chỉ hướng về những điều lành, tìm kiếm những điều lành, đến với Đấng Nhân Lành nên người ấy luôn có những điều tốt lành trong người ấy. Kẻ dữ chỉ tìm kiếm những điều nghịch lại với điều răn và luật pháp của Chúa, vui thú trong những điều đó nên trong lòng họ chất chứa những điều như vậy. Khi trong thần trí của một người đầy dẫy điều gì thì miệng họ nói ra điều ấy. Đối với những người lành thì họ luôn nói ra những điều nhân đức, tốt lành, đúng với Lời Chúa, đẹp ý Chúa. Đối với những người dữ thì họ luôn nói ra những điều ô uế, tục tĩu, độc ác… là những điều chỉ nghĩ đến thôi là đã vi phạm các điều răn của Chúa rồi. Qua lời nói của một người mà chúng ta có thể đánh giá người ấy một cách rất chính xác.

Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.” (Ma-thi-ơ 12:34).

Lời phán của Đức Chúa Jesus đã minh chứng rằng, một người như thế nào là do sự ưa thích và suy nghĩ trong lòng của người ấy.

46 Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm những gì Ta phán?

Đây là lúc Đức Chúa Jesus đang giảng cho các môn đồ của Ngài, mặc dù lúc ấy cũng có đoàn dân đông đi theo và lắng nghe sự giảng dạy của Chúa. Lời phán trên đây là Đức Chúa Jesus phán trực tiếp với các môn đồ của Ngài, trong đó, có mười hai người vừa được lập làm sứ đồ. Rất có thể trước mặt Chúa các môn đồ tỏ ra vâng phục Ngài nhưng Chúa nhận biết có một số người trong lòng không hoàn toàn vâng phục Ngài. Có lẽ khi họ nghe Chúa giảng dạy một số điều nào đó, thậm chí là các điều Chúa đang phán dạy, như yêu thương, tha thứ, làm ơn cho những kẻ thù thì lòng họ không phục. Lòng không phục thì không thể nào làm theo.

Thật sự, chúng ta không biết vì lý do gì mà Chúa phán hỏi như vậy. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, Chúa biết trong số các môn đồ của Ngài có một số người không vâng phục Ngài.

Đây cũng là cơ hội mà chúng ta cần tự hỏi mình. Có phải câu hỏi này của Chúa cũng dành cho chúng ta? Có điều gì chúng ta đã học được trong Lời Chúa mà chúng ta không làm theo?

Chính vì có những người theo Chúa nhưng không làm theo Lời Chúa mà Tiên Tri Ê-sai đã ghi lại lời phán của Chúa, như sau:

Chúa phán: Vì dân này tới gần với miệng của nó. Với môi của nó chúng tôn kính Ta mà lòng của nó thì cách xa Ta. Sự chúng nó kính sợ Ta được dạy bởi điều răn của loài người.” (Ê-sai 29:13).

Trong các tôn giáo mang danh Chúa, người ta thờ phượng Chúa, người ta tỏ vẻ kính sợ Chúa chỉ là hình thức bên ngoài, theo các giáo luật của giáo hội mà thôi. Chính Đức Chúa Jesus cũng đã nhắc lại lời của Tiên Tri Ê-sai, khi Ngài phán về dân I-sơ-ra-ên trong thời của Ngài. Cũng chính vì thế mà Đức Chúa Jesus đã phán như sau:

Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Loài người nhận ơn của Đức Chúa Trời, nhất là những người mang danh là con dân Chúa, khi họ kêu cầu Đức Chúa Trời thì được Ngài đáp lời. Họ được Đức Chúa Trời cứu giúp, bênh vực nhưng họ không thật sự có đức tin nơi Thiên Chúa. Họ chỉ tin khi mọi sự thuận tiện, tốt đẹp cho họ nhưng họ mất đức tin khi mọi sự nghịch lại ý muốn của họ.

Lời phán này của Đức Chúa Jesus là nói đến thời điểm Ngài trở lại thế gian lần thứ nhất giữa chốn không trung để đón Hội Thánh ra khỏi thế gian. Vì lần thứ nhì Đức Chúa Jesus trở lại thế gian là khi Ngài giáng lâm trên đất, cùng với Hội Thánh. Khi đó, trên đất có vô số người tin nhận Ngài, dù họ phải chịu khổ trong suốt bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế.

Khi Đức Chúa Jesus đến giữa chốn không trung để đón Hội Thánh thì trong số hàng tỉ người xưng nhận là môn đồ của Chúa, trong hàng chục ngàn giáo phái mang danh Chúa trên đất này, không có bao nhiêu người là thật sự có đức tin nơi Chúa. Người thật sự có đức tin nơi Chúa là người nghe và làm theo lời phán của Chúa.

47 Ta sẽ chỉ cho các ngươi biết, người đến với Ta, nghe những lời phán của Ta, và làm theo chúng, thì giống ai.

48 Ấy là giống như người cất nhà, đào sâu, đặt nền trên vầng đá. Cơn lụt đã xảy ra, dòng nước đã xô vào nhà đó, nhưng không đủ mạnh để xô động nó. Vì nó đã được đặt nền trên vầng đá.

49 Nhưng kẻ nào nghe mà không làm theo, thì giống như người cất nhà trên đất, không có nền. Dòng nước đã xô vào nó, tức thì nó sụp xuống, và sự hư hại của nhà đó là lớn.

Lời Chúa dạy trong ba câu này tương tự như lời Ngài đã dạy trong phần cuối của bài giảng trên núi. Quý ông bà anh chị em có thể xem lại bài 41, “Bài Giảng Trên Núi: Sự Nhận Biết Tiên Tri Giả và Sự Vâng Phục” [2].

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/12/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl040-bai-giang-tren-nui-su-dinh-toi-va-cac-loi-khuyen-khac/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl041-bai-giang-tren-nui-su-nhan-biet-tien-tri-gia-va-su-vang-phuc/

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Mãi Theo Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-xin-mai-theo-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.