Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL011 Sự Ra Đời của Đức Chúa Jesus

689 views

YouTube: https://youtu.be/2eszm6vSuCY

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL011 Sự Ra Đời của Đức Chúa Jesus
Ma-thi-ơ 1:18-25; Lu-ca 2:1-7

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 1:18-25

18 Sự ra đời của Đức Chúa Jesus Christ đã xảy ra như thế này: Vì Ma-ri, mẹ của Ngài, đã được hứa gả cho Giô-sép nhưng trước khi họ đến với nhau, thì nàng đã bị phát hiện có thai trong lòng bởi thánh linh;

19 Giô-sép, chồng của nàng, là người có nghĩa, chẳng muốn bêu xấu nàng, đã định ly dị nàng cách kín đáo.

20 Người đang ngẫm nghĩ các sự ấy thì kìa, thiên sứ của Chúa đã hiện ra với người trong giấc mơ, phán: Hỡi Giô-sép, con cháu của Đa-vít! Chớ sợ tiếp nhận Ma-ri, vợ của ngươi! Vì sự được thai dựng trong nàng là bởi thánh linh.

21 Nàng sẽ sinh một con trai, ngươi hãy đặt tên của Ngài là JESUS. Vì Ngài sẽ cứu dân của Ngài khỏi những tội lỗi của họ. [JESUS có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi.]

22 Hết thảy sự này đã xảy ra để được ứng nghiệm lời phán của Chúa, bởi đấng tiên tri, rằng:

23 Này, một trinh nữ sẽ có thai trong lòng và sẽ sinh một con trai. Họ sẽ đặt tên của nó là Em-ma-nu-ên, được dịch là: Đức Chúa Trời ở với chúng ta. [Ê-sai 7:14]

24 Giô-sép đã thức dậy từ giấc ngủ, làm như lời thiên sứ của Chúa đã truyền cho người, tiếp nhận vợ của mình.

25 Người đã chẳng biết nàng cho tới khi nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng. Người đã đặt tên của Ngài là JESUS.

Lu-ca 2:1-7

1 Đã xảy ra, trong những ngày ấy, chiếu chỉ từ Sê-sa Au-gút-tơ đã ban ra, truyền thống kê dân số trong khắp thế gian.

2 Việc thống kê dân số này được thực hiện lần đầu, khi Qui-ri-ni-u đang cầm quyền xứ Si-ri.

3 Mọi người đã đi đăng ký, mỗi người đến thành của mình.

4 Giô-sép cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, đi lên đến xứ Giu-đê, đến thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, vì người thuộc về nhà và dòng dõi của Đa-vít,

5 để đăng ký với Ma-ri, là vợ hứa của người, đang có thai đã lớn.

6 Đã xảy ra, lúc họ ở đó, những ngày mang thai đã trọn để nàng sinh con.

7 Nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng, bọc Ngài bằng khăn, đặt Ngài trong máng cỏ, vì không có chỗ cho họ trong quán trọ.

Trong bài này, chúng ta học về sự ra đời của Đức Chúa Jesus, theo ghi chép trong Ma-thi-ơ 1:18-25 và trong Lu-ca 2:1-7. Phân đoạn trong Ma-thi-ơ ghi lại sự kiện đã xảy ra tại Na-xa-rét; còn phân đoạn trong Lu-ca thì ghi lại sự kiện đã xảy ra tại Bết-lê-hem.

Sự ra đời của Đức Chúa Jesus bao gồm hai sự kiện: sự kiện Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra làm người trong lòng trinh nữ Ma-ri và sự kiện Ngài được Ma-ri sinh ra làm người trong thế gian. Vì thế, về phương diện thân vị loài người, Đức Chúa Jesus vừa là con của Đức Chúa Trời vừa là con của loài người, theo dòng dõi của người nữ (Sáng Thế Ký 3:15). Nhưng về phương diện thân vị Thiên Chúa thì Ngài tự có và có mãi với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh. Cả ba thân vị Thiên Chúa hiệp một và bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện.

Chúng ta cần hiểu rằng, Đức Chúa Jesus hoàn toàn là người, vì Ngài có thân thể xác thịt loài người, do loài người sinh ra. Trong thân thể xác thịt đó, có linh hồn và thân thể thiêng liêng là tâm thần. Nhưng linh hồn và tâm thần đó không di truyền từ một người cha loài người; mà là chính thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, như Giăng 1:1, 14 đã khẳng định. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus cũng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng trong suốt khoảng thời gian từ khi được sinh ra làm người cho tới khi Ngài sống lại từ trong những kẻ chết, Ngài đã không dùng quyền phép của Thiên Chúa. Ngài đã tự bỏ đi mọi quyền phép của Thiên Chúa để trở nên hoàn toàn là loài người:

Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Mọi phép lạ Đức Chúa Jesus làm ra, ngay cả sự Ngài sống lại từ trong những kẻ chết, đều nhờ thánh linh, còn gọi là thần quyền của Thiên Chúa, do Đấng Thần Linh tuôn đổ trong thân thể xác thịt của Ngài (Ma-thi-ơ 12:28; Giăng 3:34).

Đức Chúa Trời đã sinh ra thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus trong lòng trinh nữ Ma-ri nên thân thể xác thịt loài người đó được gọi là Con của Đức Chúa Trời. Từ thời điểm Đức Chúa Jesus được sinh ra cho tới khi Ngài thăng thiên thì Ngài được gọi là Con Một của Đức Chúa Trời. Vì trong suốt khoảng thời gian đó, Đức Chúa Trời chỉ sinh ra một Đức Chúa Jesus. Nhưng sau khi Hội Thánh được thành lập, bất cứ ai tin nhận Tin Lành thì được Đức Chúa Trời tái sinh, tức là được sinh ra bởi Đức Chúa Trời (I Giăng 3:9; 4:7; 5:1, 4, 18), nên từ đó, Đức Chúa Jesus trở thành “Con Đầu Lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha” (Rô-ma 8:29).

Chỉ sau khi thân thể xác thịt của Ngôi Lời được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri thì Đức Chúa Trời mới sai Ngài vào trong thế gian, qua sự Ma-ri sinh ra Ngài. Đó là ý nghĩa của cách nói “Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài vào trong thế gian”:

“Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài vào trong thế gian, để qua Con ấy mà chúng ta được sống.” (I Giăng 4:9).

Thành ngữ “Sai vào trong thế gian” không có nghĩa là ra lệnh cho từ một địa phương này đến một địa phương khác, như từ thiên đàng đến thế gian. Mà chỉ có nghĩa là giao cho một công việc phải làm trong cuộc đời này. Lời của Đức Chúa Jesus giúp cho chúng ta hiểu như vậy:

“Như Ngài đã sai con vào trong thế gian, con cũng sai họ vào trong thế gian.” (Giăng 17:18).

Rõ ràng là các môn đồ của Chúa đã được sinh ra làm người trong thế gian, trước khi Chúa sai họ vào trong thế gian. Sự Đức Chúa Jesus sai các môn đồ của Ngài vào trong thế gian không có nghĩa là Ngài sai họ từ một nơi nào đó, bên ngoài thế gian, đi vào trong thế gian. Mà chỉ có nghĩa là Ngài sai họ thi hành mục vụ rao giảng Tin Lành trong thế gian.

Ngày nay, mỗi con dân chân thật của Chúa đều là người được Thiên Chúa sinh ra thành một người mới mà Thánh Kinh còn gọi là: được sinh từ trên cao (Giăng 3:3), hoặc được tái sinh (Tít 3:5; I Phi-e-rơ 1:3, 23). Thánh Kinh cũng nhấn mạnh đến sự kiện mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đã được sinh ra bởi Đức Chúa Trời (I Giăng 3:9; 4:7; 5:1, 4, 18), trở thành các anh chị em cùng Cha mà Đức Chúa Jesus là Con Đầu Lòng:

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con Đầu Lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Chúng ta hãy giữ mình, sống thánh khiết theo Lời Chúa để được ở lại trong địa vị là những con trai và những con gái của Thiên Chúa. Chính Lời Chúa đã phán dạy rằng:

II Cô-rinh-tô 6:14-18

14 Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?

15 Đấng Christ với Bê-li-an có sự hiệp ý gì? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị hoặc sự ác, kẻ ác; là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]

16 Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27]

17 Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45]

18 Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu Thánh Kinh nói về sự ra đời của Đức Chúa Jesus.

Ma-thi-ơ 1:18-25

18 Sự ra đời của Đức Chúa Jesus Christ đã xảy ra như thế này: Vì Ma-ri, mẹ của Ngài, đã được hứa gả cho Giô-sép nhưng trước khi họ đến với nhau, thì nàng đã bị phát hiện có thai trong lòng bởi thánh linh;

19 Giô-sép, chồng của nàng, là người có nghĩa, chẳng muốn bêu xấu nàng, đã định ly dị nàng cách kín đáo.

Ma-thi-ơ đã ghi lại cách tóm lược về sự ra đời của Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Trời đã chọn Ma-ri, một thiếu nữ thuộc dòng Đa-vít, làm người sinh ra thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus. Như vậy, vừa ứng nghiệm lời tiên tri về dòng dõi người nữ trong Sáng Thế Ký 3:15, vừa ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 22:18), vừa ứng nghiệm lời tiên tri về “một chồi sẽ trổ lên từ gốc của Gie-sê” (Ê-sai 11:1, 10). Gie-sê là cha của Vua Đa-vít.

Theo một truyền thuyết trong Hội Thánh thì Ma-ri được 12 tuổi và Giô-sép được 13 tuổi, khi họ hứa hôn. Đó là quy định về tuổi tác cho nam nữ trong sự hứa hôn, theo phong tục của một số dân vùng Trung Đông. Trong suốt thời gian từ khi hứa hôn cho tới khi kết hôn thì người nữ vẫn ở tại nhà của gia đình mình; người nam thì lo làm việc, xây dựng chỗ ở mới để đem vợ về ở với mình, sau khi kết hôn. Vì thế, không có chuyện quan hệ tình dục giữa đôi vợ chồng hứa, cho tới khi hôn lễ đã cử hành. Nhóm chữ “đến với nhau” hàm ý, quan hệ tình dục với nhau.

Cũng theo truyền thuyết, có lẽ Ma-ri đã sinh Đức Chúa Jesus vào lúc bà được khoảng 15 hay 16 tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, ít nhất Ma-ri đã mang thai Đức Chúa Jesus sau khi bà đã được 18 tuổi. Có thể Ma-ri đã sinh ra Đức Chúa Jesus khi bà sắp được 19 tuổi hay đã qua 19 tuổi. Vì theo phong tục, cả đôi vợ chồng hứa đều phải đủ 18 tuổi mới có thể kết hôn. Chúng tôi nghĩ rằng, Đức Chúa Trời không để cho Ma-ri mang tiếng là có thai trước khi đến tuổi kết hôn.

Sự Ma-ri mang thai bởi thánh linh, tức bởi quyền phép của Thiên Chúa, là điều chỉ một mình Ma-ri biết, qua sự thông báo của thiên sứ Gáp-ri-ên. Hoặc là Ê-li-sa-bét cũng biết, qua sự thuật lại của Ma-ri. Sự phát hiện Ma-ri mang thai có lẽ là vừa do người nhà của Ma-ri vừa do Giô-sép. Dù Giô-sép và Ma-ri không sống chung một nhà trong thời kỳ hứa hôn; nhưng chúng ta hiểu là Giô-sép vẫn thường đến thăm Ma-ri.

Thánh Kinh không ghi lại chi tiết của sự việc Ma-ri bị phát hiện mang thai. Chúng ta không biết Ma-ri có giải thích sự mình mang thai với người nhà hay không, có thể là có; nhưng theo văn mạch của Thánh Kinh thì bà không hề giải thích cho Giô-sép. Có lẽ khi Giô-sép nhìn thấy Ma-ri mang thai thì ông đã không tra hỏi gì bà. Ông chỉ thất vọng và âm thầm thu xếp để ly dị bà cách kín đáo. Thánh Kinh xác nhận, Giô-sép là người tốt. Nhóm chữ “có nghĩa” (G1342) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để nói về nếp sống vâng theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa; được Thiên Chúa chấp nhận.

Giô-sép yêu Ma-ri. Có lẽ ông đã không tra vấn bà về sự bà mang thai để tránh sự bà phải hổ thẹn, khi trả lời ông. Ông cũng không muốn bà bị mang tiếng xấu, thậm chí bị ném đá vì chửa hoang. Nhưng ông cũng không thể chấp nhận một người vợ mà ông nghĩ là đã phạm tội ngoại tình. Vì thế, giải pháp duy nhất là ly dị bà một cách kín đáo. Ly dị cách kín đáo có nghĩa là không cần bố cáo hay nêu lý do trước cộng đồng, mà chỉ cần viết tờ công nhận ly dị, trao cho Ma-ri. Cho tới thời điểm ấy, theo luật của Do-thái Giáo, người chồng có thể ly dị vợ vì bất cứ lý do gì, chỉ cần viết tờ công nhận ly dị trao cho vợ. Đó là sự lạm dụng Lời Chúa trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1. Đó cũng là sự Chúa lên án trong Ma-la-chi 2:14-16.

20 Người đang ngẫm nghĩ các sự ấy thì kìa, thiên sứ của Chúa đã hiện ra với người trong giấc mơ, phán: Hỡi Giô-sép, con cháu của Đa-vít! Chớ sợ tiếp nhận Ma-ri, vợ của ngươi! Vì sự được thai dựng trong nàng là bởi thánh linh.

Từ khi nhận biết Ma-ri đang mang thai, có lẽ Giô-sép đã rất thất vọng và đau khổ. Có lẽ ông đã ngày đêm suy ngẫm về cuộc tình của ông với Ma-ri, về cách thức giải quyết sự việc. Cho tới một lúc, ông mòn mỏi, thiếp đi thì thiên sứ đã hiện ra, phán với ông trong giấc mơ; khuyên ông đừng sợ phải tiếp nhận Ma-ri làm vợ, vì sự mang thai của Ma-ri là đến từ Thiên Chúa.

Thánh Kinh không nói rõ nhưng chúng ta có thể hiểu, cũng chính thiên sứ Gáp-ri-ên đã hiện ra với Giô-sép trong giấc mơ để phán bảo ông về sự mang thai của Ma-ri.

Đây không phải là lần đầu tiên Thiên Chúa hoặc thiên sứ phán bảo loài người trong giấc mơ. Đây cũng không phải là lần duy nhất thiên sứ phán bảo với Giô-sép trong giấc mơ. Sau khi Đức Chúa Jesus được sinh ra, thiên sứ còn phán dạy Giô-sép ít nhất là ba lần, trong các giấc mơ, về các sự việc liên quan Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 2:13, 19, 22).

Người không thuộc về Chúa có những giấc mơ đến từ các tà linh. Những giấc mơ đó đều nhằm khiến cho người nằm mơ càng lún sâu vào mê tín dị đoan. Như sự mơ thấy người thân qua đời và báo tin cho mình trong giấc mơ; mơ thấy người thân đã qua đời đòi mình phải thờ cúng người chết… Thánh Kinh Cựu Ước cũng cảnh báo con dân Chúa về những kẻ mang danh là tiên tri của Chúa nhưng có những giấc mơ không đến từ Chúa, vì bản thân họ là những kẻ đang sống trong tội (Giê-rê-mi 29:8; Xa-cha-ri 10:2).

Lời Chúa và Đức Thánh Linh sẽ giúp cho chúng ta phân biệt giấc mơ nào đến từ Chúa và giấc mơ nào không đến từ Chúa. Quý con dân Chúa có thể đọc và nghe lại hai bài giảng: “Giấc Mơ Đến từ Chúa” và “Giấc Mơ Đến từ Chúa: Sự Nhận Biết” đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com [1], [2].

21 Nàng sẽ sinh một con trai, ngươi hãy đặt tên của Ngài là JESUS. Vì Ngài sẽ cứu dân của Ngài khỏi những tội lỗi của họ. [JESUS có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi.]

Thiên sứ tiếp tục giải thích cho Giô-sép mục đích sự mang thai của Ma-ri, giúp cho Giô-sép hiểu rằng, đứa bé được Ma-ri sinh ra sẽ trở thành Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dân I-sơ-ra-ên. Thiên sứ cũng truyền cho Giô-sép về sự đặt tên cho đứa bé. Đó cũng là lời mà thiên sứ Gáp-ri-ên đã truyền cho Ma-ri (Lu-ca 1:31).

Tên Jesus được viết hoa từng mẫu tự trong câu này, trong câu 25, và trong Lu-ca 1:31 trong một số bản dịch Thánh Kinh. Đó là vì người dịch muốn nhấn mạnh đến sự kiện: đứa con do trinh nữ Ma-ri sinh ra phải được đặt tên là “Jesus”. Tên Jesus có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta cần nhớ rằng, danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là tên riêng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, tên Jesus hàm ý, sự cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi là ân điển và việc làm của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người xác thịt JESUS đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, thi hành ơn cứu chuộc loài người.

22 Hết thảy sự này đã xảy ra để được ứng nghiệm lời phán của Chúa, bởi đấng tiên tri, rằng:

23 Này, một trinh nữ sẽ có thai trong lòng và sẽ sinh một con trai. Họ sẽ đặt tên của nó là Em-ma-nu-ên, được dịch là: Đức Chúa Trời ở với chúng ta. [Ê-sai 7:14]

Câu 22 và câu 23 không phải lời phán của thiên sứ, mà là lời giải thích của Đức Thánh Linh, qua Ma-thi-ơ.

Hết thảy sự này đã xảy ra” là trọn vẹn sự kiện Ma-ri trong lúc đồng trinh đã mang thai bởi thánh linh; và đã sinh ra Đức Chúa Jesus.

Chính sự kiện nữ đồng trinh Ma-ri sinh ra Đức Chúa Jesus là điều đã làm ứng nghiệm chính xác lời tiên tri của Thiên Chúa hơn 700 năm trước đó, được ghi lại trong Ê-sai 7:14.

Thánh Kinh thường có các lời tiên tri ứng nghiệm đôi, tức là ứng nghiệm ngay trong thời Cựu Ước mà cũng sẽ ứng nghiệm trong thời Tân Ước. Ê-sai 7:14 là một trong các trường hợp đó. Thánh Kinh cũng thường dùng một số sự kiện trong Cựu Ước để làm hình bóng cho sự sẽ đến trong Tân Ước. Sự Áp-ra-ham vui lòng hy sinh con một của mình là I-sác, làm của lễ thiêu dâng lên Thiên Chúa là hình bóng cho sự Đức Chúa Trời sẽ hy sinh Con Một của Ngài trên thập tự giá để cứu chuộc loài người. Sự con rắn đồng bị treo trên cây gỗ trong đồng vắng là hình bóng cho sự tội lỗi của toàn thể loài người sẽ bị treo trên cây gỗ, ở bên ngoài thành, qua thân thể xác thịt của Đấng Christ.

Lời tiên tri của Thiên Chúa được phán ra bởi môi miệng của Tiên Tri Ê-sai, được ghi lại trong Ê-sai 7:14, bao gồm hai sự kiện: sự kiện sẽ xảy ra ngay trong thời của Ê-sai và sự kiện sẽ xảy ra hơn 700 năm sau đó.

Trong thời của Tiên Tri Ê-sai, khi A-cha, con của Vua Giô-tham, cháu của Vua Ô-xia, làm vua của vương quốc Giu-đa thì Rê-xin, vua của nước Si-ri đã liên kết với Phê-ca, vua của nước I-sơ-ra-ên để tấn công thành Giê-ru-sa-lem. Điều đó làm cho Vua A-cha run sợ. Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã sai Tiên Tri Ê-sai đến trấn an Vua A-cha, bảo vua xin Chúa một điềm để làm chứng cho sự Đức Chúa Trời sẽ không cho phép kẻ thù đánh chiếm Giê-ru-sa-lem. Nhưng vua đã không muốn xin. Có lẽ vì vua sợ phải làm theo những yêu cầu của Thiên Chúa. Vua muốn tự mình giải quyết nan đề. Vì thế, Thiên Chúa đã phán chung với nhà Đa-vít rằng, Ngài sẽ ban cho họ một điềm, qua lời tiên tri của Ê-sai, về sự một nữ đồng trinh sẽ sinh ra một con trai và sẽ đặt tên cho con trai ấy là Em-ma-nu-ên, có nghĩa: Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Trước khi con trai ấy đến tuổi biết nhận thức để không chọn sự dữ mà chỉ chọn sự lành thì hai vua của hai nước Si-ri và I-sơ-ra-ên sẽ không còn (II Các Vua 15:30; 16:9).

Ê-sai 7:14 ứng nghiệm vào thời của Tiên Tri Ê-sai khi một nữ đồng trinh, lấy chồng, và sinh ra một con trai mà một số nhà giải kinh cho rằng, đó chính là người vợ kế của Tiên Tri Ê-sai, được nói đến trong Ê-sai 8:3. Đứa con trai ấy được Thiên Chúa truyền cho đặt tên là Ma-he Sa-la Hát Bát. Tên ấy có nghĩa là: nhanh chóng với của cướp, hăng hái với sự chiếm đoạt. Nhằm nói lên sự kiện kinh đô của hai nước Si-ri và I-sơ-ra-ên sẽ bị xâm lăng bởi quân A-si-ri (Ê-sai 8:4). Ma-he Sa-la Hát Bát là tên của đứa bé nhưng Em-ma-nu-ên là danh hiệu của nó. Tương tự như sau này, Jesus là tên của Đấng Christ nhưng Em-ma-nu-ên là danh hiệu của Ngài. Danh hiệu Em-ma-nu-ên với ý nghĩa Đức Chúa Trời ở với chúng ta, nhằm nhắc con dân của Ngài rằng, Ngài không bao giờ bỏ rơi con dân của Ngài. Họ chỉ cần vững đức tin nơi Ngài và thật lòng ăn năn khi phạm tội.

Hơn 700 năm sau, lời tiên tri trong Ê-sai 7:14 ứng nghiệm về sự ra đời của Đức Chúa Jesus. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Jesus thì Ngài hoàn toàn được thai dựng trong lòng một trinh nữ. Ngài hoàn toàn được sinh ra là một người, nên Ngài cũng phải được nuôi dưỡng và lớn lên như một người, chịu cám dỗ như một người, và phải tự mình từ chối sự dữ mà chọn sự lành.

24 Giô-sép đã thức dậy từ giấc ngủ, làm như lời thiên sứ của Chúa đã truyền cho người, tiếp nhận vợ của mình.

25 Người đã chẳng biết nàng cho tới khi nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng. Người đã đặt tên của Ngài là JESUS.

Có lẽ một số người nghĩ rằng, sao Giô-sép dễ dàng tin vào một giấc chiêm bao để tiếp nhận Ma-ri và thai nhi trong lòng của nàng. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, khi một người hết lòng tin kính Thiên Chúa như Giô-sép thì người ấy có sự khôn sáng đến từ Thiên Chúa và có sự ấn chứng của Thiên Chúa trong thần trí về những gì là lẽ thật đến từ Thiên Chúa. Việc còn lại là có tin và làm theo hay không.

Câu “Người đã chẳng biết nàng cho tới khi nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng” đã giúp cho chúng ta hiểu rằng, sau khi Ma-ri sinh ra Đức Chúa Jesus thì Giô-sép và Ma-ri đã có đời sống vợ chồng bình thường. Động từ “biết” (G1097) dùng trong câu này hàm ý, sự quan hệ tình dục. Sau đó, Ma-ri đã sinh cho Giô-sép các con trai và các con gái. Họ là em cùng mẹ với Đức Chúa Jesus nên Thánh Kinh dùng từ ngữ “anh em ruột” và “chị em ruột” (cùng cha cùng mẹ; hoặc cùng cha; hoặc cùng mẹ) để nói về họ. Chúng ta biết rằng, Giô-sép không phải là cha ruột của Đức Chúa Jesus, cho nên các em trai và các em gái ruột của Ngài phải do bà Ma-ri sinh ra.

Mệnh đề “nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng” cũng hàm ý, sau đó, Ma-ri đã sinh thêm nhiều con khác. Nếu không, Thánh Kinh đã dùng cách nói “nàng đã sinh con một của nàng”.

Giô-sép đã vâng theo lời phán dạy của thiên sứ, đặt tên cho con đầu lòng của Ma-ri là JESUS.

Lu-ca 2:1-7

1 Đã xảy ra, trong những ngày ấy, chiếu chỉ từ Sê-sa Au-gút-tơ đã ban ra, truyền thống kê dân số trong khắp thế gian.

2 Việc thống kê dân số này được thực hiện lần đầu, khi Qui-ri-ni-u đang cầm quyền xứ Si-ri.

Trong những ngày ấy” là trong những ngày kể từ khi Giăng Báp-tít được sinh ra cho tới khi Đức Chúa Jesus sắp được sinh ra.

Sê-sa Au-gút-tơ là hoàng đế La-mã; có ba lần ông ra chiếu chỉ thống kê dân số: năm 8 TCN, năm 2 TCN, và năm 6 [3]. Chiếu chỉ thống kê dân số lần đầu được ban ra vào năm 8 TCN và được tiến hành cho tới cuối năm 7 TCN.

Trong một số bản dịch Thánh Kinh đã dịch rằng, Qui-ri-ni-u làm “thống đốc” (tiếng Anh: governor) xứ Si-ri. Nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì từ ngữ “ἡγεμονεύω” (G2230) /hây-ghem-ma-nú-ô/ được dùng dưới hình thức danh động từ không có nghĩa là “thống đốc”, mà có nghĩa là đang cai trị như một thống đốc, hoặc đang cầm quyền trong các vấn đề liên quan tài chính của một tỉnh, hoặc đang cầm quyền điều khiển một cuộc hành quân. Trong thực tế, Qui-ri-ni-u đã cầm quyền điều khiển cuộc hành quân chống lại dân Homonadensians /ho-mó-na-đen-xiên/ trong vùng Tiểu Á từ năm 12 TCN tới năm 2 TCN. Vì thế, Qui-ri-ni-u cũng đã cầm quyền trong khu vực Si-ri vào năm 7 TCN, là năm Đấng Christ được sinh ra [4].

Dựa trên các chi tiết trong Thánh Kinh và các dữ liệu lịch sử, chúng ta biết rằng, Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào năm 7 TCN. Có lẽ Ngài đã được sinh ra vào ngày đầu của Lễ Lều Trại, nhằm ngày 08 tháng 10 năm 7 TCN, theo Tây Lịch (Lịch Julian). Quý con dân Chúa có thể đọc lại bài “Ngày Sinh của Đức Chúa Jesus”, đã được đăng trên khu mạng: timhieutinlanh.com/thanhoc [5].

3 Mọi người đã đi đăng ký, mỗi người đến thành của mình.

4 Giô-sép cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, đi lên đến xứ Giu-đê, đến thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, vì người thuộc về nhà và dòng dõi của Đa-vít,

5 để đăng ký với Ma-ri, là vợ hứa của người, đang có thai đã lớn.

Mọi người” là mọi người dân trong đế quốc La-mã vào lúc bấy giờ.

Mỗi người đến thành của mình” là mỗi người dân phải quay về, đăng ký tại nơi sinh quán của mình.

Dù Giô-sép và Ma-ri đang sống ở Na-xa-rét nhưng sinh quán của họ là Bết-lê-hem, nên họ phải về Bết-lê-hem để đăng ký theo lệnh thống kê dân số. Theo lời của Sê-sa Au-gút-tơ thì đợt thống kê dân số lúc ấy cho ra tổng kết là có 4.233.000 dân trong toàn đế quốc La-mã [3].

Theo Thánh Kinh có hai địa phương được gọi là thành của Đa-vít:

  • Thành Đa-vít dân sự, là Bết-lê-hem, quê hương của Đa-vít và của Đức Chúa Jesus, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 10 km về phía nam (Lu-ca 2:4, 11).

  • Thành Đa-vít quân sự, là đồn lũy bảo vệ Giê-ru-sa-lem, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 2 km (I Sử Ký 11:5; I Các Vua 8:1).

Trong các hình và phim minh họa sự ra đời của Đức Chúa Jesus, chúng ta thường thấy, Ma-ri ngồi trên một con lừa, đi đường từ Na-xa-rét về Bết-lê-hem. Nhưng trong thực tế, có lẽ Ma-ri đã ngồi xe do bò hay lừa kéo. Vì tình trạng mang thai đã sắp đến ngày sinh của bà khiến cho bà không thể cưỡi lừa suốt ngày.

6 Đã xảy ra, lúc họ ở đó, những ngày mang thai đã trọn để nàng sinh con.

7 Nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng, bọc Ngài bằng khăn, đặt Ngài trong máng cỏ, vì không có chỗ cho họ trong quán trọ.

Lúc họ ở đó” là lúc mà Giô-sép và Ma-ri đã có mặt tại xứ Bết-lê-hem. Chúng ta có thể hiểu rằng, có lẽ Giô-sép và Ma-ri đã thu xếp để về lại Bết-lê-hem, đăng ký thống kê dân số trước ngày đầu tiên của Lễ Lều Trại, tức ngày 15 tháng 07 theo Lịch Thánh Kinh, để khi tới kỳ Lễ Lều Trại thì họ có thể từ Bết-lê-hem đến Giê-ru-sa-lem mà dự lễ. Vì theo luật pháp Cựu Ước, hàng năm, tất cả người nam trong dân I-sơ-ra-ên phải có mặt tại Giê-ru-sa-lem để ra mắt Thiên Chúa trong ba kỳ lễ hội: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, và Lễ Lều Trại. Rất có thể Giô-sép và Ma-ri đã hoàn tất thủ tục đăng ký thống kê dân số tại Bết-lê-hem; và vào ngày 14 tháng 07, họ đang trên đường từ Bết-lê-hem về lại Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Trại. Nhưng khi chưa ra khỏi vùng đất của Bết-lê-hem thì Ma-ri đã đến ngày sinh con; và họ đã phải dừng chân, tìm nơi tạm trú tại một quán trọ bên đường.

Nhóm chữ “những ngày mang thai đã trọn” hàm ý, Đức Chúa Jesus đã ở trong bụng mẹ tròn 40 tuần lễ.

Một lần nữa, Thánh Kinh dùng cách nói: “Nàng đã sinh con trai đầu lòng của nàng” để nhấn mạnh lẽ thật: Sau khi sinh Đức Chúa Jesus, Ma-ri vẫn còn sinh thêm các con khác. Đức Chúa Jesus là “con đầu lòng” của Ma-ri, không phải là “con một” của Ma-ri.

Danh từ “quán trọ” (G2646) /ka-tá-lơ-ma/ trong câu này có lẽ được dùng để chỉ một khu vực tạm trú công cộng, miễn phí dành cho khách đi đường. Đó là một nơi có nền đất cao hơn khu vực chung quanh, có vách bao bọc, chia thành nhiều ngăn trống. Khách đi đường có thể tạm trú trong các ngăn đó. Bên ngoài, có các máng đựng thức ăn và nước uống cho súc vật. Chỗ ngủ thì miễn phí nhưng khách phải trả tiền mua thức ăn cùng nước uống cho súc vật và cho chính mình. Không có chủ quán nhưng có những người bán thức ăn và nước uống. Quán trọ kiểu này tại Bết-lê-hem có thể dùng các hang đá làm chỗ giữ súc vật. Và như vậy, truyền thuyết Ma-ri sinh Đức Chúa Jesus trong một hang đá có thể là đúng với sự thật.

Vì nhằm lúc nhiều người phải về nguyên quán để đăng ký thống kê dân số nên trong quán trọ không còn chỗ cho Giô-sép và Ma-ri. Có lẽ họ đã phải tạm trú trong một hang đá gần đó, được dùng làm chuồng tạm nhốt súc vật. Có lẽ sau khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng 07, lúc đã bước sang ngày 15, là ngày đầu của Lễ Lều Trại, thì Ma-ri đã sinh ra Đức Chúa Jesus. Bà đã lấy khăn, bọc Ngài, rồi đặt Ngài nằm trong chiếc máng dùng để đựng thức ăn cho súc vật.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh Giô-sép dắt con lừa có Ma-ri ngồi trên, đi đến nhiều quán trọ trong thành Bết-lê-hem nhưng ghé vào quán nào cũng bị chủ quán từ chối, vì không còn phòng trống. Nhưng thực tế, theo cách dùng chữ của Thánh Kinh, thì quán trọ Giô-sép và Ma-ri ghé lại để tạm trú chỉ là một khu dừng chân công cộng bên đường, dành cho khách lữ hành, không có chủ quán.

Quán trọ có chủ quán, có phòng ngủ là loại quán trọ nằm trong thành phố, như được nói đến trong Lu-ca 10:34; và được gọi bằng một danh từ khác “πανδοχεῖον” (G3829) /pan-đo-khái-on/.

Qua câu chuyện sự ra đời của Đức Chúa Jesus, chúng ta nhìn thấy, Đức Chúa Trời đã định sẵn từng chi tiết, sao cho mọi sự đúng theo thánh ý của Ngài và ứng nghiệm với các lời tiên tri từ hàng trăm cho đến hàng ngàn năm trước.

  • Đức Chúa Jesus phải thuộc về dòng dõi người nữ (Sáng Thế Ký 3:15).

  • Đức Chúa Jesus phải thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và thuộc dòng Vua Đa-vít (Sáng Thế Ký 22:18; Ê-sai 11:1, 10).

  • Đức Chúa Jesus phải được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng một trinh nữ (Ê-sai 7:14).

  • Đức Chúa Jesus phải được sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2-3).

  • Đức Chúa Jesus phải được sinh ra vào năm 7 TCN để khi Ngài bắt đầu thi hành chức vụ vào năm 25 thì Ngài đã được 30 tuổi, và khi Ngài chịu chết trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 thì cũng vừa đủ 69 tuần lễ năm của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9:24-27). Xin đọc lại bài: “Bảy Mươi Tuần Lễ Năm của Đa-ni-ên” đã được đăng trên kytanthe.net [6].

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh để chúng ta có thể hiểu biết các chương trình và ý định của Ngài dành cho loài người và dành cho mỗi người trong chúng ta.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/11/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieutinlanh.com/giac-mo-den-tu-chua/

[2] https://timhieutinlanh.com/giac-mo-den-tu-chua-cach-nhan-biet/

[3] Xin đọc mục số 8, ghi lại sự kiện Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ thống kê dân số vào năm 8 TCN: http://classics.mit.edu/Augustus/deeds.html#71

[4] https://defendinginerrancy.com/bible-solutions/Luke_2.2.php

[5] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-sinh-cua-duc-chua-jesus/

[6] https://kytanthe.net/006-bay-muoi-tuan-le-nam-cua-da-ni-en/

Karaoke Thánh Ca: “Tâm Linh Tôi An Vui”
https://karaokethanhca.net/tam-linh-toi-an-vui/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.