Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL036 Bài Giảng Trên Núi: Sự Bố Thí, Sự Cầu Nguyện

350 views

YouTube: https://youtu.be/GN_mlbuZ1C4

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL036 Bài Giảng Trên Núi:
Sự Bố Thí, Sự Cầu Nguyện
Ma-thi-ơ 6:1-8

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 6:1-8

1 Hãy giữ, các ngươi đừng làm sự bố thí của các ngươi trước mặt người ta để được thấy bởi họ. Nếu không, các ngươi chẳng có phần thưởng của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời. [Lời Chúa phán về sự bố thí, không phải về sự dâng hiến. Mọi của lễ dâng lên Chúa đều có thể công khai trước Hội Thánh.]

2 Vậy, khi ngươi làm sự bố thí, đừng thổi kèn trước ngươi, như những kẻ giả hình làm trong các nhà hội và trên các đường phố, để được tôn kính bởi người ta. Thật, Ta nói với các ngươi, họ có đủ phần thưởng của họ.

3 Nhưng khi ngươi làm sự bố thí, đừng cho tay trái ngươi biết tay phải ngươi làm việc gì,

4 để cho sự bố thí của ngươi ở trong chỗ kín nhiệm. Cha ngươi, Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, chính Ngài sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.

5 Khi ngươi cầu nguyện, đừng như những kẻ giả hình. Vì chúng thích đứng cầu nguyện trong các nhà hội và tại các góc phố để được thấy bởi người ta. Thật, Ta nói với các ngươi, họ có đủ phần thưởng của họ.

6 Nhưng khi ngươi cầu nguyện, hãy vào trong nơi phòng riêng của ngươi, đóng cửa của ngươi, cầu nguyện với Cha ngươi trong nơi kín nhiệm. Cha ngươi, Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.

7 Khi các ngươi cầu nguyện, đừng lặp lại cách vô ích như các dân ngoại. Vì họ tưởng rằng, họ sẽ được nghe trong sự nói nhiều của họ. [Những bài kinh tụng là hình thức những lời lặp lại cách vô ích.]

8 Vậy, các ngươi đừng như họ. Vì Cha các ngươi biết các ngươi cần những sự gì, trước khi các ngươi xin Ngài.

Trong bài này, chúng ta học đề tài thứ sáu và đề tài thứ bảy của bài giảng trên núi, như đã được chép trong Ma-thi-ơ 6:1-8. Đó là: Sự Bố Thí và Sự Cầu Nguyện.

1 Hãy giữ, các ngươi đừng làm sự bố thí của các ngươi trước mặt người ta để được thấy bởi họ. Nếu không, các ngươi chẳng có phần thưởng của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời. [Lời Chúa phán về sự bố thí, không phải về sự dâng hiến. Mọi của lễ dâng lên Chúa đều có thể công khai trước Hội Thánh.]

Trước hết, chúng ta cần phân biệt sự bố thí (G1654) và sự dâng hiến (G1435).

Sự bố thí là sự ban cho tiền bạc, thức ăn, thuốc men, quần áo, và các vật dụng cần thiết cho những người khó nghèo, là những người không thể tự làm việc kiếm sống, phải đi xin ăn.

Sự dâng hiến là dâng hiến tiền bạc, của cải, công sức, thời gian lên Chúa để dùng trong các linh vụ của Hội Thánh. Sự dâng hiến cũng bao gồm dâng hiến tiền bạc lên Chúa để tiếp trợ các anh chị em trong Chúa, khi họ ở trong hoàn cảnh khó khăn, cần được tiếp trợ về vật chất. Điển hình là sự con dân Chúa trong các Hội Thánh thuộc các dân ngoại đã quyên góp tiền để tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê, khi có cơn đói kém lớn xảy ra tại xứ Giu-đê.

Mọi sự dâng hiến lên Thiên Chúa đều được dâng hiến cách công khai. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy con dân Chúa khi dâng hiến thì phải dâng trong chỗ kín nhiệm. Mọi sự dâng hiến lên Chúa do Hội Thánh tiếp nhận và sử dụng cho các linh vụ của Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh cần cử người thu nhận và làm sổ sách rõ ràng, công khai thu chi trước Hội Thánh.

Lời dạy của Chúa mà chúng ta học trong bài này là dạy về sự bố thí, không dạy về sự dâng hiến. Sự bố thí cần phải thực hiện cách kín đáo, để không làm hổ thẹn người nhận sự bố thí, đồng thời cũng không mở đường cho người bố thí trở nên kiêu ngạo, tìm kiếm sự khen ngợi, thán phục của người khác.

Theo lời Chúa dạy, nếu sự bố thí được làm cách kín đáo thì người bố thí sẽ nhận được phần thưởng của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, con dân Chúa cũng cần khôn khéo trong sự bố thí, không để cho kẻ gian lừa dối, lợi dụng mình. Những người tàn phế, già yếu, phải xin ăn thì đáng được bố thí. Nhưng những người có vóc dáng khỏe mạnh mà xin ăn thì cần phải được xem xét kỹ.

Ngoài ra, còn có sự cứu trợ cho những nạn nhân của thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu con dân Chúa muốn dự phần thì phải cầu nguyện, xin Chúa hướng dẫn mình nên dự phần như thế nào.

2 Vậy, khi ngươi làm sự bố thí, đừng thổi kèn trước ngươi, như những kẻ giả hình làm trong các nhà hội và trên các đường phố, để được tôn kính bởi người ta. Thật, Ta nói với các ngươi, họ có đủ phần thưởng của họ.

Những người I-sơ-ra-ên giả hình thời Đức Chúa Jesus thường làm chuyện bố thí công khai trước công chúng, để nhiều người nhìn thấy sự bố thí của họ mà khen ngợi họ. Họ có thể tổ chức bố thí trong các nhà hội hay trên các góc phố, bằng cách cho tôi tớ thổi kèn báo hiệu sự bố thí của họ. Khi những người ăn xin đến thì họ phân phát của bố thí trước sự chứng kiến của nhiều người. Họ hãnh diện là người biết làm điều thiện, biết thương xót những kẻ khốn cùng, biết hy sinh của cải cho sự no ấm của người khác. Họ đón nhận tiếng khen của xã hội.

Đức Chúa Jesus khẳng định rằng, những kẻ giả hình ấy có đủ phần thưởng của họ. Câu nói của Đức Chúa Jesus được dùng trong thời hiện tại. Có nghĩa là ngay trong khi những kẻ ấy nhận được lời khen thưởng về sự bố thí của họ thì họ có đủ phần thưởng cho việc làm của họ. Nghĩa là họ sẽ không còn nhận được một sự khen thưởng nào khác. Vì thế, có thể nói, việc công khai làm điều thiện để được phước là không bao giờ được phước.

3 Nhưng khi ngươi làm sự bố thí, đừng cho tay trái ngươi biết tay phải ngươi làm việc gì,

4 để cho sự bố thí của ngươi ở trong chỗ kín nhiệm. Cha ngươi, Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, chính Ngài sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.

Đức Chúa Jesus dạy cho con dân Chúa, khi bố thí thì phải kín đáo, không khoe khoang trước công chúng. Thành ngữ “Tay trái không biết tay phải làm gì” hàm ý, làm việc cách kín đáo, người ngoài cuộc không biết đến. Áp dụng cho sự bố thí thì ngoài người bố thí và người nhận của bố thí, không có ai biết gì về sự bố thí ấy. Đó chính là bố thí trong chỗ kín nhiệm. Danh từ “chỗ kín nhiệm” (G2927) có nghĩa là chỗ bí mật, chỗ được che giấu, chỗ người ngoài không biết.

Người bố thí cách kín đáo như vậy, giữ cho người được bố thí không bị hổ thẹn trước công chúng, giữ cho mình không kiêu ngạo vì tiếng khen của người đời. Dù cho người bố thí chỉ làm việc nghĩa vì lòng thương xót kẻ khốn cùng, không mong đợi gì sự ban thưởng, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy những việc làm lành kín giấu sẽ ban thưởng cho người làm ra các việc lành như vậy. Sự ban thưởng của Đức Chúa Trời là công khai, nghĩa là sự ban ơn, xuống phước của Ngài trên người ấy ai cũng có thể nhận biết được. Dù họ không biết vì lý do gì mà Đức Chúa Trời ban ơn, xuống phước cho người ấy.

5 Khi ngươi cầu nguyện, đừng như những kẻ giả hình. Vì chúng thích đứng cầu nguyện trong các nhà hội và tại các góc phố để được thấy bởi người ta. Thật, Ta nói với các ngươi, họ có đủ phần thưởng của họ.

Không riêng gì sự bố thí là việc làm thuộc thể, ngay cả sự cầu nguyện là việc làm thuộc linh mà những người I-sơ-ra-ên giả hình cũng “biểu diễn” trước công chúng để được tiếng khen là người tin kính Thiên Chúa. Vì thế, họ hay đứng cầu nguyện trong các nhà hội, trong những buổi nhóm. Còn ngoài những buổi nhóm thì họ đứng cầu nguyện tại các góc phố có đông người qua lại. Đức Chúa Jesus cũng khẳng định rằng, những kẻ giả hình ấy có đủ phần thưởng của họ. Thực tế, chưa hẳn đã có ai lên tiếng khen họ, trong khi họ cầu nguyện. Nhưng chỉ cần có nhiều người nhìn thấy họ cầu nguyện là họ đã thỏa lòng. Chính sự thỏa lòng đó là phần thưởng của họ.

Điển hình cho những kẻ giả hình vào thời của Đức Chúa Jesus là những người thuộc phái Pha-ri-si. Chính Đức Chúa Jesus đã nói về họ như sau:

Hết thảy những việc làm của họ, họ làm để được thấy bởi người ta. Họ làm rộng cái túi canh giữ. Họ làm lớn các đường biên của áo họ. Họ thích chỗ ngồi đầu trong những đám tiệc và chỗ ngồi cao nhất trong những nhà hội; những lời chào trong những chợ; và được người ta gọi: Ra-bi! Ra-bi!” (Ma-thi-ơ 23:5-7). [Túi canh giữ chứa các câu Thánh Kinh. Đường biên của áo được cột các sợi chỉ màu xanh da trời để nhắc dân I-sơ-ra-ên nhớ đến Lời Chúa. Dân Số Ký 15:38-40; Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:12]

Cái túi canh giữ” (G5440) là cái túi làm bằng da của một con thú tinh sạch, thường là da bò, dùng để chứa bốn mẩu giấy da có chép các câu Thánh Kinh. Mẩu thứ nhất chép Xuất Ê-díp-tô Ký 13:1-10. Mẩu thứ nhì chép Xuất Ê-díp-tô Ký 13:11-16. Mẩu thứ ba chép Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4-9. Mẩu thứ tư chép Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13-21. Túi da ấy được dùng dây da buộc vào cánh tay hoặc buộc vào trán, theo mệnh lệnh của Chúa được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 13:9,16; Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:6-8; 11:18. Nếu là túi cột trên trán thì chỉ chứa một mẩu giấy da chép Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4-9. Ý nghĩa của từ ngữ “canh giữ” có nghĩa là dân I-sơ-ra-ên canh giữ linh hồn mình bằng sự ghi nhớ và làm theo Lời Chúa thì Chúa sẽ canh giữ họ khỏi mọi tai họa. Ngày nay, dân I-sơ-ra-ên thay thế túi da bằng hộp da, dùng dây da để cột hộp da ấy trên cánh tay trái hoặc trên trán. Mỗi ngày, họ đeo nó vào buổi cầu nguyện sáng.

Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa trong Dân Số Ký 15:38-40 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:12, bốn góc đường biên của áo khoác ngoài của dân I-sơ-ra-ên được cột các tua làm bằng các sợi chỉ màu xanh da trời, để khi dân I-sơ-ra-ên nhìn thấy chúng thì nhớ đến các điều răn của Đức Chúa Trời. Có lẽ màu chỉ xanh nhắc cho dân I-sơ-ra-ên hướng lòng về Thiên Chúa, Đấng ngự ở trên các tầng trời. Không hiểu vì lý do gì, ngày nay, dân I-sơ-ra-ên thường pha trộn chỉ màu trắng với màu xanh để làm các tua, đeo trên trang phục của họ.

Những kẻ giả hình thích làm rộng túi canh giữ để cho người ta dễ thấy; làm lớn các đường biên của áo có gắn tua cũng để cho người ta dễ thấy; để người ta đánh giá họ là người rất tin kính.

Túi canh giữ trở thành hộp canh giữ được đeo trên cánh tay và trên trán
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/06/TuiCanhGiu.png

Hình minh họa tua áo làm bằng chỉ xanh
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/06/TuaAoMauXanh.png

Hình minh họa các tua áo được gắn vào bốn góc đường biên áo
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/06/TuaAo.png

Ra-bi” (G4461) là danh từ người I-sơ-ra-ên dùng gọi các bậc thầy giảng dạy Thánh Kinh để tỏ lòng tôn kính họ. Danh từ ấy bắt đầu thông dụng vào thế kỷ thứ nhất, thời của Đức Chúa Jesus, và có nghĩa là: Đấng vĩ đại của tôi; Đấng đáng tôn kính của tôi. Chúng ta có thể thấy, loài người không nên dùng danh xưng ấy để gọi nhau.

6 Nhưng khi ngươi cầu nguyện, hãy vào trong nơi phòng riêng của ngươi, đóng cửa của ngươi, cầu nguyện với Cha ngươi trong nơi kín nhiệm. Cha ngươi, Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.

Cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa. Con dân Chúa ở trong địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời, gọi Ngài là Cha, thì đương nhiên có đặc quyền được tương giao, trò chuyện với Đức Chúa Trời. Con dân Chúa được hưởng ơn cứu chuộc của Đấng Christ, gọi Ngài là Chúa, thì đương nhiên có đặc quyền được tương giao, trò chuyện với Đấng Christ. Con dân Chúa có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể xác thịt mình, dạy dỗ mình, an ủi mình, dẫn dắt mình, thì đương nhiên có đặc quyền được tương giao, trò chuyện với Đức Thánh Linh.

Cầu nguyện không nhất thiết phải là khẩn xin một điều gì. Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời cũng giống như chúng ta tâm tình với cha phần xác của mình. Nghĩa là, chúng ta đến, thưa với Chúa những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, những cảm xúc, những suy tư, những thắc mắc của chúng ta… Chúng ta có thể trình dâng lên Ngài những nan đề và nhu cầu trong đời sống của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Jesus cũng giống như chúng ta tâm tình, trò chuyện với người anh cả và người bạn thân của mình về mọi sự trong cuộc sống. Chúng ta cầu nguyện với Đức Thánh Linh cũng giống như chúng ta tâm tình với người thầy, người cố vấn, người dẫn dắt mình trong mọi sự.

Có sự cầu nguyện công khai trong những buổi nhóm họp của Hội Thánh mà lời cầu nguyện là lời tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa; hoặc lời cầu thay cho các anh chị em trong Hội Thánh; hoặc lời cầu thay cho đất nước, cho dân tộc, cho các bậc cầm quyền; hoặc lời cầu thay cho dân I-sơ-ra-ên và cho những người không tin Chúa. Có sự cầu nguyện riêng tư giữa mỗi người với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lời dạy của Đức Chúa Jesus trong câu 6 là dạy về sự cầu nguyện riêng tư của một người với Đức Chúa Trời. Người ấy cần tìm nơi kín đáo, yên tĩnh để một mình tương giao với Đức Chúa Trời. Một người cũng có thể đi vào nơi thiên nhiên hoặc bất cứ nơi nào vắng vẻ để cầu nguyện. Đức Chúa Jesus đã nhiều lần đi vào đồng vắng hoặc lên núi để cầu nguyện.

Đức Chúa Trời ban thưởng công khai cho những ai tương giao với Ngài trong chỗ kín nhiệm. Chỗ kín nhiệm là chỗ không có mặt người khác. Chúng ta cần dành thời gian tương giao với Đức Chúa Trời, để nhận được ơn phước Ngài ban xuống trên chúng ta mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Thời gian lý tưởng để một mình cầu nguyện với Đức Chúa Trời là những buổi sáng sớm. Hãy ra mắt Ngài, tôn vinh và cảm tạ Ngài. Hãy trút đổ lòng mình với Ngài, thưa với Ngài những niềm vui, nỗi buồn, lòng khao khát. Rồi lắng nghe tiếng phán dạy của Ngài.

7 Khi các ngươi cầu nguyện, đừng lặp lại cách vô ích như các dân ngoại. Vì họ tưởng rằng, họ sẽ được nghe trong sự nói nhiều của họ. [Những bài kinh tụng là hình thức những lời lặp lại cách vô ích.]

8 Vậy, các ngươi đừng như họ. Vì Cha các ngươi biết các ngươi cần những sự gì, trước khi các ngươi xin Ngài.

Các tôn giáo của loài người, dù là tôn giáo mang danh là Hội Thánh của Thiên Chúa, như Công Giáo, đều có những bài kinh nhật tụng. Đó là những bài cầu nguyện được học thuộc lòng để mỗi ngày đọc, dâng lên Thiên Chúa hoặc các thực thể được họ tôn làm thần linh. Điển hình là “Kinh Lạy Cha” là lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, được lấy ý từ Ma-thi-ơ 6:9-13, và “Kinh Kính Mừng” là lời cầu nguyện với bà Ma-ri của Công Giáo. Tín đồ trong các tôn giáo ấy được dạy là đọc nhiều lần các bài kinh nhật tụng khi họ muốn cầu nguyện với Thiên Chúa hay các thực thể được họ tôn làm thần linh.

Đức Chúa Jesus dạy con dân Chúa đừng làm như vậy. Đức Chúa Trời biết mọi nhu cầu và nan đề của con dân Ngài. Con dân Ngài chỉ cần đến ra mắt Ngài, tôn vinh, cảm tạ Ngài và ngắn, gọn trình dâng các nhu cầu, nan đề của mình lên Ngài. Thời gian cầu nguyện nên là thời gian tâm tình và lắng nghe sự phán dạy của Đức Chúa Trời hơn là cứ lặp lại những lời vô ích.

Kế tiếp, Đức Chúa Jesus đưa ra một lời cầu nguyện mẫu, như được ghi lại từ câu 9 đến câu 13. Các câu này thường được nhiều người gọi là “Bài Cầu Nguyện của Chúa” hoặc “Bài Cầu Nguyện Chung”. Gọi là “Bài Cầu Nguyện Chung” là vì các câu này thường được con dân Chúa đọc chung với nhau trong các buổi nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa. Thật ra, không phải Đức Chúa Jesus bảo các môn đồ của Ngài học thuộc lòng nội dung của Ma-thi-ơ 6:9-13 để thưa với Đức Chúa Trời, mỗi khi họ muốn cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Mà đó chỉ là hình thức tiêu biểu của một lời cầu nguyện. Một lời cầu nguyện nên bao gồm tám điểm chính:

  • Nhận Đức Chúa Trời là Cha.

  • Thể hiện lòng tôn kính Đức Chúa Trời.

  • Thể hiện lòng khao khát vương quyền của Đức Chúa Trời sớm đến trên đất.

  • Thể hiện lòng khao khát mọi ý muốn của Đức Chúa Trời được thành toàn.

  • Cầu xin sự quan phòng của Đức Chúa Trời về nhu cầu cuộc sống.

  • Cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời và thể hiện lòng tha thứ người khác.

  • Cầu xin được Đức Chúa Trời giữ cho không sa ngã vào sự cám dỗ và được Ngài giải cứu khỏi Kẻ Dữ.

  • Công nhận vương quyền, năng lực, sự vinh quang tuyệt đối và còn mãi của Đức Chúa Trời.

Chúng ta sẽ cùng nhau học chi tiết về ý nghĩa của tám điểm này trong bài học kế tiếp.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/06/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Xin Được Về Ngay”
https://karaokethanhca.net/xin-duoc-ve-ngay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.