Chú Giải Hê-bơ-rơ 07:23-28 Sự Đời Đời và Trọn Vẹn của Thầy Tế Lễ Chỉ Có Trong Đấng Christ

2,146 views

Chú Giải Hê-bơ-rơ 7:23-28
Sự Đời Đời và Trọn Vẹn của Thầy Tế Lễ Chỉ Có Trong Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 7:23-28

23 Và thật có nhiều người đã trở nên những thầy tế lễ, vì sự chết ngăn cản không cho họ cứ ở lại trong chức vụ.

24 Nhưng Ngài còn lại cho đến mãi mãi, nên Ngài có chức thầy tế lễ không hề đổi thay.

25 Bởi đó, Ngài cũng có thể cứu toàn vẹn những ai nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

26 Vì thầy tế lễ thượng phẩm như thế thích hợp cho chúng ta, Ngài thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt khỏi những kẻ có tội, được làm cho cao hơn các tầng trời.

27 Đấng không cần mỗi ngày dâng sinh tế như các thầy tế lễ thượng phẩm, trước vì những tội của chính họ, sau vì những tội của dân chúng. Vì Ngài đã làm việc đó một lần đủ cả, khi dâng chính mình Ngài.

28 Vì luật pháp lập những người có sự yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng lời thề có sau luật pháp thì lập Con, là Đấng đã được làm nên trọn vẹn cho đến mãi mãi.

Trong bài trước, qua Hê-bơ-rơ 7:1-22, chúng ta đã học biết rằng, Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ đời đời và là thầy tế lễ trọn vẹn. Trong bài này, qua Hê-bơ-rơ 7:23-28, chúng ta sẽ học biết rằng, tính cách đời đời và trọn vẹn của chức vụ thầy tế lễ chỉ có trong chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ.

23 Và thật có nhiều người đã trở nên những thầy tế lễ, vì sự chết ngăn cản không cho họ cứ ở lại trong chức vụ.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, danh từ “thầy tế lễ” được nói đến trong phân đoạn này là chỉ về thầy tế lễ thượng phẩm. Chúng ta đã biết, kể từ khi A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên vào khoảng năm 1446 TCN cho đến năm 70, đã có tất cả là 99 thầy tế lễ thượng phẩm trong dân I-sơ-ra-ên. Lý do rõ ràng về việc tại sao có nhiều thầy tế lễ thượng phẩm là vì đặc tính phải chết của những người mang chức vụ ấy. Sự chết đã khiến cho các thầy tế lễ thượng phẩm không thể tiếp tục ở trong chức vụ.

24 Nhưng Ngài còn lại cho đến mãi mãi, nên Ngài có chức thầy tế lễ không hề đổi thay.

Đại danh từ “Ngài” trong câu này chỉ về Đức Chúa Jesus Christ. Mặc dù Đức Chúa Jesus Christ cũng đã trải qua sự chết nhưng Ngài đã sống lại và cứ sống mãi, cho nên, chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Ngài cứ còn mãi. Đồng thời, qua Đức Chúa Jesus Christ mà mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đều trở thành một vua và một thầy tế lễ đời đời.

Cảm tạ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, qua Đức Chúa Jesus Christ, mỗi chúng ta được lập làm thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc cho đến đời đời. Qua Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cũng được lập làm những vua đời đời, đồng cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, tức Vương Quốc Đời Đời, với Đấng Christ. Cảm tạ Đức Thánh Linh ban cho chúng ta chính năng lực của Thiên Chúa để chúng ta làm trọn chức vụ vua và thầy tế lễ của chúng ta ngay từ trong cuộc đời này. Trong cuộc đời này, chúng ta học tập cai trị bằng sự cai trị chính thân thể xác thịt của mình, bắt nó phải phục thần trí. Trong cuộc đời này, chúng ta cầu thay cho mọi người, nhất là cho anh chị em của chúng ta trong đức tin, và chúng ta dâng lên Thiên Chúa thân thể của chúng ta cùng những việc làm lành của chúng ta, như những của tế lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời.

25 Bởi đó, Ngài cũng có thể cứu toàn vẹn những ai nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

“Bởi đó” là bởi sự Đức Chúa Jesus Christ còn lại cho đến mãi mãi và cứ là thầy tế lễ. Vì Đức Chúa Jesus Christ đã dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người, nên bất cứ ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài đều được cứu ra khỏi hậu quả của tội lỗi.

“Cứu toàn vẹn” là:

  • Cứu ra khỏi hậu quả của tất cả tội lỗi, từ quá khứ đến hiện tại, lẫn tương lai.
  • Cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi bằng sự rửa sạch bản tính tội, khiến cho chúng ta không còn bị bắt ép phải làm ra tội.
  • Cứu ra khỏi sự yếu đuối của xác thịt bằng sự ban cho năng lực của chính Đấng Christ.

“Nhờ Ngài đến gần Đức Chúa Trời” là bởi đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà một người được phép đến gần Đức Chúa Trời. Được phép đến gần Đức Chúa Trời là được tự do thờ phượng Đức Chúa Trời, được tự do nhận lãnh mọi ơn phước của Đức Chúa Trời, được tự do trò chuyện với Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus Christ trong địa vị thầy tế lễ thượng phẩm chỉ một lần dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người, nhưng Ngài cứ tiếp tục cầu thay cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Ngài cầu thay cho họ khi họ phạm tội vì thiếu hiểu biết, vì yếu đuối nhất thời mà không biết nương cậy nơi thánh linh của Chúa, để họ còn có cơ hội ăn năn.

26 Vì thầy tế lễ thượng phẩm như thế thích hợp cho chúng ta, Ngài thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt khỏi những kẻ có tội, được làm cho cao hơn các tầng trời.

Rõ ràng là không một thầy tế lễ thượng phẩm nào trong dân I-sơ-ra-ên có thể sánh với Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta nên nhớ, đây là lá thư Phao-lô viết cho những môn đồ của Đấng Christ trong vòng dân I-sơ-ra-ên, là những người rất quen thuộc với các thầy tế lễ thượng phẩm của họ. Họ hiểu rõ ý nghĩa và nhu cầu của sự loài người cần phải dâng sinh tế chuộc tội, cần có thầy tế lễ thay mặt cho họ dâng sinh tế lên Đức Chúa Trời và cầu thay cho họ.

Trong khi các thầy tế lễ thượng phẩm khác cũng phạm tội, cần dâng sinh tế chuộc tội cho chính họ như mọi người, bị ô uế bởi tội lỗi, bị xếp chung hàng với mọi tội nhân… thì Đức Chúa Jesus là thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt khỏi những kẻ có tội, và được Đức Chúa Trời làm cho cao hơn các tầng trời:

“Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ là Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.” (Phi-líp 2:9-11).

Danh trên hết mọi danh chính là danh JESUS. JESUS có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi. Đức Chúa Jesus chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhập thế làm người, chết thay cho mọi người để mọi người được cứu ra khỏi hậu quả của sự phạm tội. Chúng ta cần hiểu rằng, Thiên Chúa Ngôi Lời vốn là Đấng cao hơn các tầng trời, vì Ngài là Đấng dựng nên các tầng trời. Nhưng khi Ngài nhập thế làm người thì Ngài đã từ bỏ mọi sự cao trọng của Thiên Chúa, để trở nên thấp kém như loài người:

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Và con người xác thịt Jesus đã phải chịu ở dưới luật pháp cho đến khi Ngài hoàn thành sự cứu chuộc loài người và phục sinh từ trong sự chết. Sau khi thân thể xác thịt của con người Jesus phục sinh thì con người xác thịt Jesus được mang lấy mọi sự vinh quang, cao trọng, và quyền phép của Thiên Chúa, hành động như Thiên Chúa, được muôn loài thờ phượng như Thiên Chúa, cho đến đời đời.

27 Đấng không cần mỗi ngày dâng sinh tế như các thầy tế lễ thượng phẩm, trước vì những tội của chính họ, sau vì những tội của dân chúng. Vì Ngài đã làm việc đó một lần đủ cả, khi dâng chính mình Ngài.

Nhiệm vụ của các thầy tế lễ thượng phẩm, ngoài mỗi năm một lần dâng sinh tế chuộc tội cho toàn dân vào kỳ Lễ Chuộc Tội, thì mỗi ngày, họ vẫn dâng sinh tế chuộc tội cho từng cá nhân những người phạm tội muốn được Đức Chúa Trời tha tội. Sinh tế họ dâng chỉ là mạng sống của một con vật, tiêu biểu cho sự Đấng Christ sẽ dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho toàn thể loài người trong mọi thời đại, một lần đủ cả.

Sự dâng sinh tế của Đức Chúa Jesus Christ một lần đủ cả có nghĩa là: Chỉ một lần Ngài là người vô tội chịu chết thay cho toàn thể loài người vì sự phạm tội của loài người, thì đủ để Đức Chúa Trời tha tội cho bất cứ ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Chúng ta nên nhớ rằng, tội lỗi đã vào trong thế gian bởi A-đam và qua A-đam mà lưu truyền đến toàn thể loài người theo dòng A-đam. Vì thế, chỉ cần một người vô tội gánh lấy hình phạt của tội lỗi thì toàn thể loài người đều được tha tội bởi sự ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của người ấy. Đức Chúa Jesus Christ được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, mang lấy xác thịt loài người từ trinh nữ Ma-ri, nên Ngài thuộc về dòng dõi của người nữ, như lời tiên tri của Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 3:15. Vì thế, Đức Chúa Jesus là người duy nhất không nhiễm tội từ A-đam. Thánh Kinh chép rõ:

“Nhưng lỗi lầm chẳng phải như ân điển. Vì nếu bởi sự lỗi lầm của một người mà nhiều người bị chết, thì ân điển của Đức Chúa Trời và sự ban cho trong ân điển bởi một người là Đức Chúa Jesus Christ, được dư dật cho nhiều người biết bao!” (Rô-ma 5:15).

“Vậy nên, như bởi lỗi lầm của một người mà án phạt đến trên mọi người thế nào, thì bởi việc làm công bình của một người cho mọi người mà sự xưng công bình của sự sống cũng đến trên mọi người thế ấy. Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà nhiều người thành ra những kẻ có tội, thì cũng vậy, bởi sự vâng phục của một người mà nhiều người thành ra công bình.” (Rô-ma 5:18-19).

Đức Chúa Jesus Christ không cần phải dâng sinh tế chuộc tội mỗi ngày vì sự dâng sinh tế chuộc tội của Ngài là trọn vẹn và đủ cả. Trọn vẹn là vì mạng sống của người vô tội chết thay cho người có tội. Đủ cả là một mạng sống vô tội của Đức Chúa Jesus chuộc lại mạng sống đã chết vì tội lỗi cho toàn thể loài người và chuộc hết thảy tội lỗi của loài người; vì mạng sống của Ngài là mạng sống vô hạn của Thiên Chúa trong thân xác loài người.

28 Vì luật pháp lập những người có sự yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng lời thề có sau luật pháp thì lập Con, là Đấng đã được làm nên trọn vẹn cho đến mãi mãi.

Như chúng ta đã biết, những thầy tế lễ trong dân I-sơ-ra-ên được lập nên theo luật pháp, vốn là những người yếu đuối, bản thân của họ cũng phạm tội và cần được chuộc tội. Thân thể xác thịt của họ cũng phải chết nên họ không thể tiếp tục giữ chức vụ thầy tế lễ. Sự dâng sinh tế của họ cũng không là trọn vẹn và đủ cả, vì chỉ là dâng mạng sống của một con vật để làm hình bóng cho một mạng sống vô tội của một người phải đổ ra cho tất cả những người phạm tội. Nhưng lời thề của Đức Chúa Trời, có sau luật pháp khoảng 430 năm, được Đức Thánh Linh thần cảm cho Vua Đa-vít viết ra trong Thi Thiên 110:4, đã lập Đức Chúa Jesus Christ làm thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn cho đến đời đời. Ngài đã được làm nên trọn vẹn qua sự chịu thương khó, như chúng ta đã học trong một bài học trước:

“…Ngài đã làm cho trọn vẹn Đấng Lãnh Đạo sự cứu rỗi của họ bởi những sự thương khó.” (Hê-bơ-rơ 2:10).

Đức Chúa Jesus Christ trong thân vị Ngôi Lời là trọn vẹn vì Thiên Chúa là trọn vẹn. Nhưng khi Ngài từ bỏ thể trạng của Thiên Chúa để mang lấy thể trạng của loài người thì Ngài phải chịu mọi thử thách và cám dỗ để tỏ ra là một người trọn vẹn. Người trọn vẹn là người hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời, thậm chí vâng phục cho đến chết.

Kính thưa Hội Thánh,

Với những điểm được nêu ra trên đây, chúng ta thấy rõ, sự đời đời và trọn vẹn của chức vụ thầy tế lễ chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ. Cũng chính vì thế mà Thánh Kinh đã khẳng định:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Một người chỉ có thể được cứu rỗi khi người ấy thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Tội lỗi là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cùng các luật lệ khác của Ngài:

Là những điều đã được Đức Chúa Trời mạc khải trong tâm thần của mỗi người:

Rô-ma 1:18-32

18 Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà đè nén lẽ thật.

19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ

20 những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

22 Họ tự xưng mình là khôn sáng, mà trở nên ngu dại;

23 họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.

24 Cho nên, Đức Chúa Trời đã phó họ rơi vào sự ô uế theo lòng tham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa,

25 vì họ đã đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài được dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng tôn vinh đời đời! A-men.

26 Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tính tự nhiên.

27 Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo trả xứng với điều lầm lỗi của mình.

28 Tại họ không xem xét để giữ lấy Đức Chúa Trời trong tâm trí của họ, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, để phạm những sự chẳng xứng đáng.

29 Họ đầy dẫy mọi sự: không công bình, tà dâm, ý xấu, tham lam, ác dữ; chan chứa những điều ganh ghét, giết người, cãi lẫy, gian trá, thói xấu, nói lén;

30 gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ;

31 dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.

32 Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.

Cũng là những điều đã được ghi rõ trong Thánh Kinh:

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Thật lòng ăn năn tội là thật sự hối tiếc về những điều mình đã làm nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa và không muốn tiếp tục phạm tội nữa.

Hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là chỉ tin vào sự chết chuộc tội của Ngài để được Đức Chúa Trời tha tội, chứ không tin vào bất cứ một điều gì khác, không làm bất cứ một điều gì khác. Nếu một người vừa tin rằng, Đức Chúa Jesus đã chết để chuộc tội cho mình, vừa tin rằng, mình có thể làm ra bất cứ một điều gì để được tha tội, thì người ấy đã không hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Người ấy đã thêm việc làm của mình vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Người không hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ sẽ không có sự cứu rỗi.

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ đã dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ trọn vẹn và đủ cả cho sự cứu rỗi chúng ta. Cảm tạ Đức Thánh Linh luôn dẫn chúng ta bước đi trong mọi lẽ thật, hiểu đúng về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và địa vị thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn đời đời của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta cho đến mãi mãi. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/05/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Tình Cha Lòng Chẳng Quên”
https://karaokethanhca.net/tinh-cha-long-chang-quen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
    Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.