Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:01-11 Sự Sống Lại của Đức Chúa Jesus Christ

3,582 views

YouTube: https://youtu.be/4RqJMJF0_2A

Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:1-11
Sự Sống Lại của Đức Chúa Jesus Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 15:1-11

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khiến cho các anh chị em biết Tin Lành mà tôi đã rao giảng cho các anh chị em; mà các anh chị em đã nhận lấy và đứng vững trong ấy.

2 Nhờ đó, các anh chị em được cứu rỗi, miễn là các anh chị em giữ lấy điều tôi đã giảng cho các anh chị em. Nếu không, thì các anh chị em đã tin cách vô ích.

3 Vì trước hết, tôi đã trao cho các anh chị em điều mà tôi cũng đã nhận. Rằng, Đấng Christ đã chịu chết vì những tội lỗi của chúng ta, theo Thánh Kinh.

4 Rằng, Ngài đã bị chôn. Rằng, ngày thứ ba, Ngài đã sống lại, theo Thánh Kinh.

5 Rằng, Ngài đã hiện ra cho Sê-pha; rồi cho Nhóm Mười Hai.

6 Sau đó, cùng trong một lần, Ngài đã hiện ra cho hơn năm trăm anh chị em. Phần nhiều người trong số ấy vẫn còn cho đến nay, nhưng có mấy người đã ngủ rồi.

7 Kế đó, Ngài đã hiện ra cho Gia-cơ; rồi cho hết thảy các sứ đồ.

8 Sau cùng, Ngài cũng đã hiện ra cho tôi, như cho một thai sinh non.

9 Vì tôi là thấp hèn nhất trong các sứ đồ, kẻ không đáng được gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bách hại Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

10 Nhưng bởi ân điển của Thiên Chúa, tôi được như tôi ngày nay; và ân điển của Ngài trên tôi đã không vô ích. Trái lại, tôi đã lao nhọc nhiều hơn hết thảy họ; nhưng chẳng phải tôi mà là ân điển của Đức Chúa Trời đã ở với tôi.

11 Vậy nên, dù là tôi, dù là họ, chúng tôi giảng dạy như vậy và các anh chị em đã tin như vậy.

Sự trông cậy hạnh phúc của mỗi con dân Chúa, như được chép trong Tít 2:13, chính là sự trông cậy về sự sống lại của thân thể xác thịt đã chết hoặc sự thân thể xác thịt đang sống được biến hóa thành vinh quang, bất tử, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là để chuộc tội cho loài người. Sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ vừa thể hiện sự công bình của Đức Chúa Trời vừa thể hiện sự Đức Chúa Jesus Christ đã cầm quyền trên sự chết. Sự công bình của Đức Chúa Trời là Ngài ban cho thân thể xác thịt của người công bình được sống lại và sống đời đời trong vinh quang. Mà Đức Chúa Jesus Christ là người đầu tiên. Sự cầm quyền của Đức Chúa Jesus Christ trên sự chết khiến cho sự chết không thể cầm giữ được Ngài, và cũng không thể cầm giữ những ai thuộc về Ngài. Chính vì thế mà Ngài đã phán:

“…Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống.” (Giăng 11:25).

“Ta là Đấng Sống mà đã chết, và kìa, nay Ta sống đời đời! A-men! Ta giữ các chìa khóa của sự chết và âm phủ.” (Khải Huyền 1:18).

Các chi tiết về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ đã được ghi chép đầy đủ trong bốn sách Tin Lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng. Nhưng bản thân Sứ Đồ Phao-lô cũng nhận được sự bày tỏ từ chính Đức Chúa Jesus Christ về sự sống lại của Ngài; và chính Ngài cũng đã hiện ra cho ông. Vì thế, qua I Cô-rinh-tô 15:1-11, Phao-lô khẳng định về sự thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại. Ông ghi lại các lần Ngài đã hiện ra cho các môn đồ của Ngài; và khẳng định, chính Đức Chúa Jesus Christ cũng đã hiện ra cho ông.

Phao-lô dùng phân đoạn này để mở đầu cho giáo lý về sự thân thể xác thịt của con dân Chúa sẽ được sống lại trong vinh quang.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khiến cho các anh chị em biết Tin Lành mà tôi đã rao giảng cho các anh chị em; mà các anh chị em đã nhận lấy và đứng vững trong ấy.

Động từ “khiến cho biết” có nghĩa là làm cho ai đó có sự hiểu biết cách rõ ràng về một điều gì. Phao-lô xác nhận, ông là người đã khiến cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô biết Tin Lành, qua sự ông rao giảng Tin Lành cho họ. Họ nghe ông rao giảng, họ tin nhận, họ hiểu biết, họ đứng vững trong đức tin và trong sự hiểu biết.

Trong Tin Lành mà Phao-lô rao giảng cho mọi người, có giáo lý về sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ và sự sống lại của những ai tin nhận Ngài. Người biết Tin Lành là người đương nhiên biết rõ về hai giáo lý này.

Tin Tin Lành là tin rằng:

  • Mọi người đều đã phạm tội, tức là đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, và hậu quả của tội lỗi là sự chết. Sự chết của thân thể xác thịt là để chấm dứt sự phạm tội của mỗi người. Sự chết thuộc linh là linh hồn và xác thịt bị đời đời xa cách Thiên Chúa, chịu khổ trong hỏa ngục.
  • Đức Chúa Trời yêu thương loài người, ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Sự cứu rỗi có được là nhờ Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người, tức là Đức Chúa Jesus Christ, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy sẽ được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi, được dựng nên mới, được hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ, được ban cho lời hứa về sự sống lại hoặc sự biến hóa của thân thể xác thịt, cùng sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.
  • Sau khi hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người, thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại cách vinh quang và đã vào trong thiên đàng, ngự bên phải Đức Chúa Trời, cầu thay cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Một ngày không còn bao lâu nữa, Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng với Ngài.

Nhận Tin Lành là giữ vững đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Chỉ những ai sau khi tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng sống theo Thánh Kinh, tức là vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì người ấy mới nhận được sự sống lại vinh quang và sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

Đứng vững trong Tin Lành là cho dù có phải chịu khổ hay phải chịu chết thì cũng vẫn hết lòng tin cậy Chúa và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

2 Nhờ đó, các anh chị em được cứu rỗi, miễn là các anh chị em giữ lấy điều tôi đã giảng cho các anh chị em. Nếu không, thì các anh chị em đã tin cách vô ích.

“Nhờ đó” là nhờ tin Tin Lành, nhận Tin Lành, và đứng vững trong Tin Lành.

Bước đầu của sự cứu rỗi mà con dân Chúa nhận được trong đời này là sự được tha tội và được ban cho năng lực của Thiên Chúa để thắng mọi cám dỗ và tội lỗi, tức là sự được tái sinh bản ngã là linh hồn, sự tái sinh thân thể thiêng liêng là tâm thần. Nhưng thân thể xác thịt chưa được tái sinh mà chỉ được thánh hóa, để xứng đáng dâng lên Đức Chúa Trời, và trở thành công cụ làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người. Bước sau cùng của sự cứu rỗi là thân thể xác thịt được phục sinh, hoặc nếu đang sống thì được biến hóa trong vinh quang và bất tử.

“Giữ lấy điều tôi đã giảng” tức là tin, nhận, và đứng vững trong Tin Lành. Tin mà không nhận Tin Lành thì sẽ không được cứu rỗi, như người tin thức ăn nuôi sống mình mà lại không ăn. Tin và nhận Tin Lành mà không đứng vững trong Tin Lành thì cũng sẽ không được sự cứu rỗi, như người tin thức ăn nuôi sống mình và ăn, nhưng chỉ ăn vài ngày rồi thôi, không ăn nữa.

Tin Tin Lành mà không nhận hoặc tin, nhận mà không đứng vững trong Tin Lành, thì sự tin đó trở thành vô ích, vì không khiến cho người tin được cứu rỗi.

“Thân xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có các việc làm thì cũng chết như vậy.” (Gia-cơ 2:26).

“Hãy trung tín cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10c).

Việc làm của đức tin tức là nếp sống đúng theo Lời Chúa mỗi ngày. Trung tín cho đến chết tức là sống đúng theo Lời Chúa mỗi ngày cho đến chết. Sống theo Lời Chúa được tóm gọn trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ, và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Giăng 13:34; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29) [1].

Tà giáo dạy rằng, tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn, cho dù là sau khi tin Chúa sống như thế nào, đã và tiếp tục dẫn đưa rất nhiều linh hồn vào hỏa ngục. Thật ra, những người tin vào tà giáo đó là những người vừa muốn được sống trong Vương Quốc Trời vừa muốn thỏa mãn những ham muốn tội lỗi. Vì thế, họ đã bị Sa-tan dùng những giáo sư giả và tiên tri giả dẫn dụ họ đi sai lạc Lời Chúa. Trên một phương diện khác, Sa-tan cũng gieo rắc tà giáo dạy về sự một người có thể được cứu nhờ làm những việc lành, như: đọc các loại kinh, lần các loại chuỗi, kêu cầu danh của những người chết, tham dự các buổi gọi là “thánh lễ”, v.v..

3 Vì trước hết, tôi đã trao cho các anh chị em điều mà tôi cũng đã nhận. Rằng, Đấng Christ đã chịu chết vì những tội lỗi của chúng ta, theo Thánh Kinh.

Động từ “nhận” (G3880) và “trao” (G3860) dùng trong câu này cùng là động từ “nhận” và “trao” được dùng trong I Cô-rinh-tô 11:23. Nhận là tiếp nhận lời truyền dạy của người giảng dạy mình về một lẽ thật, một nguyên tắc, một mệnh lệnh để thi hành. Trao là dùng lời nói để truyền dạy cho người khác về một lẽ thật, một nguyên tắc, một mệnh lệnh để người ấy thi hành.

Trong khi Phao-lô rao giảng Tin Lành, ông luôn nói đến sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trước các giáo lý khác. Vì đó chính là nền tảng của Tin Lành. Tin Lành là tin tức tốt lành về sự Đức Chúa Trời ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Sự cứu rỗi đó được hoàn thành bởi sự Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt cho mọi tội lỗi của loài người, bằng cách chịu chết trên thập tự giá. Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại bài giảng “Tin Lành” [2].

Đấng Christ đã chịu chết vì những tội lỗi của loài người là điều đã được tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước: Sáng Thế Ký 3:15; Thi Thiên 22; Ê-sai 53; Đa-ni-ên 9:24-26…

4 Rằng, Ngài đã bị chôn. Rằng, ngày thứ ba, Ngài đã sống lại, theo Thánh Kinh.

Sau khi chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người, thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã được chôn vào trong lòng đất. Thân thể xác thịt của Ngài đã ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm, rồi phục sinh, đúng theo lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước (Thi Thiên 16; 22; Xa-cha-ri 12:10) và lời tiên tri của chính Ngài:

“Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất.” (Ma-thi-ơ 12:40).

Theo các chi tiết được ghi lại trong bốn sách Tin Lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng, cùng các chi tiết trong thế giới sử, chúng ta biết:

  • Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá vào sáng ngày Thứ Tư, 09/04/27, nhằm ngày Lễ Vượt Qua của năm 27. Ngài đã chết vào buổi chiều và được chôn vào trong lòng đất trước khi mặt trời lặn.
  • Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã ở trong lòng đất: đêm Thứ Tư, ngày Thứ Năm, đêm Thứ Năm, ngày Thứ Sáu, đêm Thứ Sáu, ngày Thứ Bảy và phục sinh trước khi mặt trời lặn vào ngày Thứ Bảy. Tức là trọn ba ngày và ba đêm, sau Lễ Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men và Lễ Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần.
  • Sau khi sống lại, Ngài đã hiện ra trước hết cho Ma-ri Ma-đơ-len vào sáng sớm của ngày Thứ Nhất.

Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại bài giảng “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” đã được đăng trên timhieutinlanh.com/thanhoc [3].

Ngày thứ ba được nói đến trong câu này là ngày thứ ba thân thể của Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất. Trong Mác 8:31 cũng ghi lại lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ rằng, Ngài sẽ bị giết và sau ba ngày sẽ sống lại. Nhóm chữ “sau ba ngày” hàm ý, sau khi thân thể của Đức Chúa Jesus Christ đã ở trong sự chết, ở trong lòng đất, trọn ba ngày.

Tà giáo dạy rằng, Đức Chúa Jesus Christ chết vào chiều Thứ Sáu và sống lại vào sáng sớm Chủ Nhật đã ngang nhiên phủ nhận lời tiên tri của chính Đức Chúa Jesus Christ về sự chết và sự sống lại của Ngài (Ma-thi-ơ 12:40; Mác 8:31). Thế mà hàng tỷ người xưng nhận mình là con dân của Chúa vẫn tin theo một cách mù quáng. Tệ hơn nữa, họ đã đồng hóa sự phục sinh của Đấng Christ với sự phục sinh của nữ tà thần Easter, gọi lễ kỷ niệm sự phục sinh của Đấng Christ là Lễ Easter. Xin quý ông bà anh chị em đọc bài “Easter: Huyền Thoại về Easter” đã được đăng trên timhieutinlanh.com [4].

5 Rằng, Ngài đã hiện ra cho Sê-pha; rồi cho Nhóm Mười Hai.

Sê-pha tức là Sứ Đồ Phi-e-rơ. Tên Sê-pha do Đức Chúa Jesus Christ đặt cho Phi-e-rơ (Giăng 1:42) và có cùng nghĩa với tên Phi-e-rơ: hòn đá. Tên Sê-pha là theo tiếng Canh-đê. Tên Phi-e-rơ là theo tiếng Hy-lạp. Thánh Kinh không ghi lại vào lúc nào Đức Chúa Jesus Christ hiện ra cho Phi-e-rơ sau khi Ngài phục sinh. Nhưng dựa vào Lu-ca 24:34 thì chúng ta biết là có lẽ Đấng Christ đã hiện ra cho Sứ Đồ Phi-e-rơ không bao lâu, sau khi Ngài đã hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len.

Danh từ “Nhóm Mười Hai” được dùng để gọi mười hai sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus Christ. Thực tế, khi Đức Chúa Jesus Christ hiện ra cho các sứ đồ vào buổi tối của Chủ Nhật sau khi Ngài phục sinh, thì chỉ có mười người hiện diện (Giăng 20:19-23), vì Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã tự tử và Thô-ma không có mặt.

6 Sau đó, cùng trong một lần, Ngài đã hiện ra cho hơn năm trăm anh chị em. Phần nhiều người trong số ấy vẫn còn cho đến nay, nhưng có mấy người đã ngủ rồi.

Lần Đức Chúa Jesus Christ hiện ra cho hơn 500 môn đồ có lẽ là tại một ngọn núi thuộc xứ Ga-li-lê.

  • Trong Ma-thi-ơ 26:32, Đức Chúa Jesus Christ phán trước với các sứ đồ là sau khi sống lại, Ngài sẽ vào xứ Ga-li-lê trước họ.
  • Trong Ma-thi-ơ 28:7, thiên sứ bảo Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác (mẹ của Gia-cơ) rằng, hai bà hãy báo cho các môn đồ của Chúa biết, hãy qua xứ Ga-li-lê để gặp Chúa.
  • Trong Ma-thi-ơ 28:10, Đức Chúa Jesus Christ phán với Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác rằng, hai bà hãy báo cho các môn đồ của Ngài đi qua xứ Ga-li-lê để gặp Ngài.
  • Trong Ma-thi-ơ 28:16, ghi lại sự kiện mười một sứ đồ đi qua xứ Ga-li-lê để gặp Chúa.

Xứ Ga-li-lê là nơi Đức Chúa Jesus Christ dành nhiều thời gian để rao giảng Tin Lành và là nơi có nhiều người tin nhận Ngài. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ đã chọn Ga-li-lê làm nơi để gặp mặt các môn đồ, làm vững đức tin của họ.

Trong số hơn 500 môn đồ được nhìn thấy Đấng Christ trong thân thể phục sinh, vẫn có nhiều người còn sống vào lúc thư I Cô-rinh-tô được viết ra. Một số khác đã qua đời. Thánh Kinh thường dùng động từ “ngủ” để nói đến sự chết của thân thể xác thịt. Vì đến các thời điểm đã định, mọi người chết đều được sống lại. Người ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sống lại và sống đời đời hạnh phúc trong Vương Quốc Trời. Người không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sống lại, chịu sự phán xét chung cuộc, rồi chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.

“Nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, người thì để được sự sống vĩnh cửu, kẻ thì chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc vĩnh cửu.” (Đa-ni-ên 12:2).

Chúng ta cần hiểu và ghi nhớ rằng, mọi sự do Thiên Chúa làm ra, trong đó có loài người, sẽ còn lại đời đời. Đã có phần thưởng đời đời thì cũng có hình phạt đời đời. Sự tin kính và vâng phục Thiên Chúa Đời Đời đáng được ban cho phần thưởng đời đời. Sự xúc phạm Thiên Chúa Đời Đời cần phải bị hình phạt đời đời.

7 Kế đó, Ngài đã hiện ra cho Gia-cơ; rồi cho hết thảy các sứ đồ.

Gia-cơ được nói đến ở đây là em của Đức Chúa Jesus, người viết thư Gia -cơ, và giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Thánh Kinh không ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus Christ hiện ra riêng cho Gia-cơ, sau khi Ngài phục sinh. Có lẽ, trong lần Phao-lô về Giê-ru-sa-lem gặp Gia-cơ (Ga-la-ti 1:19), trò chuyện với Gia-cơ, thuật cho Gia-cơ nghe về việc ông gặp Chúa trên đường đi Đa-mách, thì Gia-cơ cũng thuật lại cho ông nghe việc Chúa đã hiện ra riêng cho Gia-cơ.

Lần thứ ba Đức Chúa Jesus Christ hiện ra cho các sứ đồ là trên bờ biển Ga-li-lê, còn gọi là biển Ti-bê-ri-át, được ghi lại trong Giăng 21. Lần sau cùng là khi Ngài thăng thiên, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:6-11.

8 Sau cùng, Ngài cũng đã hiện ra cho tôi, như cho một thai sinh non.

Chúng ta cần ghi nhớ chi tiết này, đó là sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, Ngài đã hiện ra cho các môn đồ trong khoảng thời gian 40 ngày, trước khi Ngài thăng thiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:3). Riêng Phao-lô, sau khi Chúa đã thăng thiên thì Ngài mới gọi ông vào chức vụ sứ đồ. Vì thế, sự Đức Chúa Jesus Christ hiện ra cho Phao-lô là sau khi Ngài đã thăng thiên một thời gian. Thánh Kinh không ghi lại các lần Chúa hiện ra với Phao-lô nhưng trong câu này và trong I Cô-rinh-tô 9:1, Phao-lô khẳng định ông đã nhìn thấy Đức Chúa Jesus Christ. Có thể lần thứ nhất ông nhìn thấy Ngài là lần Ngài hiện ra với ông trên đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách. Lúc đó, ông đang đến Đa-mách, truy bắt con dân Chúa để bách hại họ. Sự kiện này được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3-6. Và Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17 xác nhận là Đức Chúa Jesus Christ đã hiện ra cho Phao-lô trong sự kiện đó.

Sau lần đó, có lẽ Đức Chúa Jesus Christ đã hiện ra, dạy cho Phao-lô về Tin Lành, về Tiệc Thánh. Và trong lần ông được đưa vào tầng trời thứ ba, có lẽ ông cũng đã nhìn thấy Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 12:2-4).

Danh từ “thai sinh non” (G1626) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa hẹp là thai nhi bị phá thai và có nghĩa rộng là thai nhi được sinh ra trước kỳ hạn; nghĩa bóng là người vô dụng hoặc người yếu đuối, không đủ năng lực. Có lẽ, Phao-lô tự xem việc ông được Chúa kêu gọi làm sứ đồ là quá sớm đối với ông, vì ông không có nhiều thời gian cùng đi bên cạnh Chúa và học hỏi từ Chúa như các sứ đồ khác. Dù vậy, Chúa vẫn hiện ra cho ông, như Ngài đã hiện ra cho các sứ đồ khác, trước ông.

9 Vì tôi là thấp hèn nhất trong các sứ đồ, kẻ không đáng được gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bách hại Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Trong I Ti-mô-thê 1:15, Phao-lô đã viết rằng, trong những kẻ có tội, ông là đầu; nghĩa là ông là người phạm tội nghiêm trọng nhất trong những tội nhân. Thế nhưng Chúa đã gọi ông làm sứ đồ của Ngài. Phao-lô tự nhận mình là thấp hèn nhất trong các sứ đồ không phải vì ông được Chúa gọi sau các sứ đồ khác hoặc ông thua kém họ về gia thế, về học thức, hay bất cứ một phương diện nào khác, mà là vì ông đã từng sốt sắng bách hại Hội Thánh của Chúa.

10 Nhưng bởi ân điển của Thiên Chúa, tôi được như tôi ngày nay; và ân điển của Ngài trên tôi đã không vô ích. Trái lại, tôi đã lao nhọc nhiều hơn hết thảy họ; nhưng chẳng phải tôi mà là ân điển của Đức Chúa Trời đã ở với tôi.

Nhóm chữ “ân điển của Thiên Chúa” nói đến ơn ban cho từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Chúa Trời thương xót Phao-lô, kêu gọi ông đến với sự cứu rỗi của Ngài. Đức Chúa Jesus Christ chuộc tội cho ông và ban cho ông chức vụ sứ đồ. Đức Thánh Linh thánh hóa ông và ban cho ông mọi ân tứ để ông sống theo Lời Chúa và hầu việc Chúa.

Câu “tôi được như tôi ngày nay” có nghĩa là Phao-lô được ơn cứu rỗi, được ban cho chức vụ sứ đồ, được kết nhiều quả tốt trong mục vụ. Tất cả đều là bởi ân điển của Thiên Chúa tuôn đổ trên ông; và ân điển ấy đã không trở thành vô ích.

Phao-lô đã tận dụng ân điển của Thiên Chúa để tận tụy hầu việc Chúa cách lao nhọc hơn các sứ đồ khác; và có lẽ kết quả cũng nhiều hơn các sứ đồ khác. Dù vậy, ông nhận biết rằng, chẳng phải là ông tài giỏi hơn các sứ đồ khác nhưng chỉ bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, Đấng đã gọi ông đến với sự cứu rỗi của Ngài.

Chúng ta thấy, ở đầu câu, Phao-lô dùng cách nói “ân điển của Thiên Chúa” để chỉ chung về ơn ban cho của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở cuối câu, Phao-lô dùng cách nói “ân điển của Đức Chúa Trời” để nhấn mạnh đến ơn ban cho từ Đức Chúa Cha. Ân điển của Thiên Chúa luôn bắt đầu bằng ân điển của Đức Chúa Cha, là ơn kêu gọi loài người đến với sự cứu rỗi. Khi một người đáp lại ân điển của Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy mới có thể nhận được ân điển của Đức Chúa Jesus Christ và của Đức Thánh Linh.

“Không ai có thể đến với Ta, ngoại trừ Cha, Đấng đã sai Ta, kéo người đến. Ta sẽ làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.” (Giăng 6:44).

Phao-lô đã trở nên một thánh đồ, được ban cho chức vụ sứ đồ, thu đạt được nhiều thành quả trong mục vụ là bởi Đức Chúa Trời đã thương xót ông và ban ơn cho ông, kéo ông đến với Đấng Christ.

11 Vậy nên, dù là tôi, dù là họ, chúng tôi giảng dạy như vậy và các anh chị em đã tin như vậy.

Dù là Phao-lô hay các sứ đồ khác của Đức Chúa Jesus Christ thì hết thảy họ đều cùng giảng dạy một Tin Lành. Trong Tin Lành đó có giáo lý về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ, giáo lý về sự sống lại trong vinh quang của những ai thuộc về Đấng Christ, mà con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã được nghe giảng dạy và tin nhận.

Phao-lô mở đầu giáo lý về sự sống lại của thân thể xác thịt với lời khẳng định về sự thân thể xác thịt của Đấng Christ sau khi chết ba ngày, đã sống lại và hiện ra cho nhiều người. Trong những câu còn lại của I Cô-rinh-tô đoạn 15, Phao-lô sẽ dựa vào sự sống lại của Đấng Christ để giảng về sự sống lại của những ai tin nhận Ngài.

Ngày mà thân thể xác thịt của con dân Chúa được sống lại hoặc thân thể xác thịt đang sống của con dân Chúa được biến hóa trong vinh quang và bất tử chính là ngày Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Đó cũng chính là sự trông cậy hạnh phúc của chúng ta. Ngày đó đã rất gần. Chúng ta hãy cùng khích lệ lẫn nhau, hết lòng trung tín sống theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Ngài.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/06/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh/

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[4] https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

Karaoke Thánh Ca: “Chờ Mong Vua Jesus”
https://karaokethanhca.net/cho-mong-vua-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây:
https://christ.thanhkinhvietngu.net