Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL001 Ngôi Lời Là Thiên Chúa…

716 views

YouTube: https://youtu.be/YojmfDjQQEs

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL001 Ngôi Lời Là Thiên Chúa,
Hằng Có Cùng Đức Chúa Trời
Giăng 1:1-2

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giăng 1:1-2

1 Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.

2 Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.

Từ ngữ “vào lúc ban đầu” của Giăng 1:1-2, cũng được dùng trong Sáng Thế Ký 1:1. Tuy nhiên, “vào lúc ban đầu” trong Sáng Thế Ký 1:1 là thời điểm Thiên Chúa bắt đầu công cuộc sáng tạo của Ngài. Đó là thời điểm cách nay khoảng 6.000 năm, khi Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và đất, cùng muôn vật trong chúng.

Đối với các nhà khoa học thì trái đất đã được hình thành cách nay ít nhất là 4.543.000.000 năm; mặt trời ít nhất là 4.603.000.000 năm; mặt trăng ít nhất là 4.530.000.000 năm; dải Ngân Hà ít nhất là 13.610.000.000 năm; còn vũ trụ ít nhất là 13.787.000.000 năm. Dĩ nhiên, các nhà khoa học có các phương pháp cân, đong, đo, đếm, và tính toán rất hợp lý; nhưng kết quả chỉ là sự đúng tương đối trong thế giới vật chất mà thôi.

Công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa là một chuỗi các phép lạ, mỗi phép lạ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nào đó của một ngày. Phép lạ là hoạt động thuộc linh, có thể làm ra vật chất hoặc thay đổi vật chất mà không theo những định luật vật lý. Điển hình là Thiên Chúa đã dựng nên loài người trưởng thành trong một khoảnh khắc của ngày Thứ Sáu, trong tuần lễ sáng tạo, chứ không phải là một tiến trình kéo dài trong khoảng 30 năm. Một khoảnh khắc trước đó, không có loài người. Một khoảnh khắc sau đó, loài người thực hữu với vóc dáng và tâm trí trưởng thành, tương đương với một người khoảng 30 tuổi. Đức Chúa Jesus đã dùng nước làm thành rượu ngon chỉ trong một khoảnh khắc, giữa một tiệc cưới bị thiếu rượu, chứ không phải trong một tiến trình kéo dài khoảng vài chục năm hay hàng trăm năm. Một khoảnh khắc trước đó, trong sáu cái lu đá chỉ có nước lã. Một khoảnh khắc sau đó, nước trong sáu cái lu đã biến thành một loại rượu rất ngon, mà theo khoa học thì phải được chế biến rất công phu từ các nguyên liệu thượng hạng, và được lưu trữ từ hàng chục đến hàng trăm năm.

Thực tế, Thiên Chúa đã dựng nên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao chỉ trong một khoảnh khắc của ngày Thứ Tư, trong tuần lễ sáng tạo. Nhưng từ đó cho tới nay, sự tiếp tục hình thành của các hành tinh đã phải theo những định luật vật lý thông thường, nghĩa là phải trải qua nhiều thời gian. Tương tự như vậy, sau khi Thiên Chúa dựng nên loài người trong khoảnh khắc, thì từ đó cho tới nay, loài người phải sinh sôi, phát triển theo thời gian.

Theo các dữ kiện trong Thánh Kinh thì công cuộc sáng tạo đã được Thiên Chúa làm ra cách nay khoảng 6.000 năm, không phải hàng chục tỉ năm. Chúng ta không thể dùng khoa học để giải thích phép lạ. Vì phép lạ có những định luật thuộc linh khác với và vượt trên những định luật thuộc thể của khoa học.

Từ ngữ “vào lúc ban đầu” trong Giăng 1:1-2 được dùng để chỉ thời điểm sự thực hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thời điểm này là vô cùng vô tận trong quá khứ, là từ trước vô cùng. Cho dù chúng ta có khả năng đi ngược chiều thời gian, trở về quá khứ, bằng vận tốc của ánh sáng (300.000 km/giây), thì chúng ta cũng không bao giờ đạt đến thời điểm được gọi là “vào lúc ban đầu” của Giăng 1:1-2.

Mặc dù Đức Chúa Trời đã ban cho loài người khái niệm về sự vĩnh hằng; nhưng tâm trí của chúng ta không thể nào hình tưởng được sự vô cùng vô tận trong quá khứ hay trong tương lai.

Truyền Đạo 3:11 chép:

Hết thảy muôn vật được Ngài làm ra tốt lành trong thời của chúng. Ngài cũng đã đặt sự vĩnh hằng trong lòng họ, nếu không bởi đó, chẳng người nào tìm ra công việc mà Đức Chúa Trời làm ra từ ban đầu cho đến cuối cùng.”

Sự vĩnh hằng” là sự có mãi không dứt. Nhờ Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh hằng trong lòng chúng ta mà chúng ta phát minh ra số đếm âm và dương. Qua số đếm âm và dương mà chúng ta có khái niệm về sự vĩnh hằng. Nếu số 0 tiêu biểu cho hiện tại và những số theo sau số 0: 1, 2, 3, 4, 5, v.v. tiêu biểu cho những ngày sẽ đến, thì chúng ta nhận thức ngay là chúng ta không thể nào đếm cho hết những ngày đó. Tương tự như vậy, nếu những số đứng trước số 0: -1, -2, -3, -4, -5, v.v. tiêu biểu cho những ngày đã qua, thì chúng ta cũng nhận thức ngay là chúng ta không thể nào đếm cho hết những ngày đó. Như vậy, dù chúng ta có khái niệm về sự vĩnh hằng trong quá khứ lẫn trong tương lai, nhưng chúng ta không thể hình tưởng được sự vô cùng vô tận của chúng. Chúng ta không thể hình tưởng sự có mãi không dứt trong quá khứ hoặc trong tương lai.

Từ cõi đời đời vô cùng trong quá khứ, một Thiên Chúa tự thực hữu trong ba thân vị, bình quyền, bình đẳng trên mọi phương diện. Qua Thánh Kinh, chúng ta biết, ba thân vị của Thiên Chúa cùng có chung một danh xưng là “Thiên Chúa”; cùng có chung một tên riêng là “Đấng Ta Là”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời đã dịch tên riêng của Thiên Chúa theo ý là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Cũng qua Thánh Kinh, chúng ta được biết, mỗi thân vị Thiên Chúa có một danh xưng riêng, trong quan hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là các danh xưng: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Mỗi thân vị Thiên Chúa cũng có một danh xưng riêng, trong quan hệ với loài người. Đó là các danh xưng: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

Các chi tiết về “Một Thiên Chúa Ba Ngôi”, tức là một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, và ý nghĩa các danh xưng của Thiên Chúa đã được chúng tôi trình bày trong loạt bài giảng về Thiên Chúa, đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1]. Quý ông bà anh chị em có thể đọc và nghe lại.

Giăng 1:1-2 giới thiệu và khẳng định với loài người về Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời; để rồi trong câu 14, xác nhận rằng, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người. Phần còn lại của sách Giăng giãi bày cho loài người biết, Đấng Thiên Chúa nhập thế làm người đó chính là Đức Chúa Jesus. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho toàn thể loài người. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, thì sẽ được cứu rỗi. Nghĩa là được tha thứ mọi tội lỗi, là những sự vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời; được thoát khỏi án phạt đời đời trong hỏa ngục; được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời; và được sống đời đời hạnh phúc, trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, hai động từ “có” và “là” trong Giăng 1:1-2 đều cùng là một động từ “en” (G2258), với thời quá khứ vẫn tiếp diễn. Động từ ấy bao gồm các ý nghĩa: “có, là, ở”. Thời quá khứ vẫn tiếp diễn trong tiếng Hy-lạp được dùng để gọi một hành động xảy ra từ một lúc nào đó trong quá khứ và vẫn đang tiếp diễn. Trong tiếng Việt, chúng ta dùng các trạng từ (còn gọi là phụ từ hoặc phó từ) kèm theo các động từ để thành lập các thời. Thí dụ:

  • Trạng từ “đã” chỉ thời quá khứ hoàn thành, như trong mệnh đề: đã được sinh ra.

  • Trạng từ “sẽ” chỉ thời tương lai, như trong mệnh đề: sẽ qua đời.

  • Trạng từ “hằng” chỉ thời tiếp diễn, như trong mệnh đề: hằng có, hằng còn, hằng là.

Vì thế, để dịch động từ “có” và “là” thời quá khứ vẫn tiếp diễn trong Giăng 1:1-2, chúng tôi chọn dịch là: “hằng có”, “hằng là”.

Vào lúc ban đầu hằng có Ngôi Lời” có nghĩa là: từ trước vô cùng, Ngôi Lời thực hữu và cứ thực hữu. Sự thực hữu của Ngôi Lời là sự tự có. Sự cứ thực hữu của Ngôi Lời là sự cứ có mãi.

Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời” có nghĩa là: Ngôi Lời cùng tự thực hữu với Đức Chúa Trời và cứ thực hữu với Đức Chúa Trời.

Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa” có nghĩa là: Ngôi Lời là Thiên Chúa và cứ là Thiên Chúa.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, câu “Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa” được viết như sau:

  • θεος ην ο λογος

  • θεος (G2316) Thiên Chúa ην (G2258) hằng là ο (G3588) Ngôi λογος (G3056) Lời

Theo ngữ pháp Hy-lạp, chủ từ với mạo từ xác định đứng trước vẫn có thể đứng sau động từ. Vì thế, trong câu trên, chúng ta thấy, chủ từ “Ngôi Lời” đứng sau động từ “hằng là”. Nghĩa của câu văn là: Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.

θεος ην ο λογος” chỉ có thể được dịch một cách chính xác là: “Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa” (The Word was God). Chúng ta hãy xem ý nghĩa khác nhau của các câu dưới đây:

  • (1) ο λογος ην θεος = Ngôi Lời hằng là một thần (The Word was a god). Có nghĩa: Ngôi Lời hằng là một trong các thần linh do Thiên Chúa sáng tạo. Đây là sự giảng dạy của tôn giáo Chứng Nhân Giê-hô-va (Jehovah Witness).

  • (2) ο λογος ην ο θεος = Ngôi Lời hằng là Đức Chúa Trời (The Word was the God). Có nghĩa: Ngôi Lời và Đức Chúa Trời cùng là một thân vị. Đây là sự giảng dạy của tôn giáo Ngũ Tuần Nhất Thể (Oneness Pentecostal).

  • (3) θεος ην ο λογος = Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa (The Word was God). Có nghĩa: Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời hằng là Thiên Chúa, và như Đấng Thần Linh hằng là Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu Giăng 1:1 như thế này: Từ trước vô cùng, ngay cả trước khi có sự bắt đầu của muôn loài vạn vật, thì đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời cứ có mãi. Ngôi Lời đã có cùng Đức Chúa Trời và cứ có mãi với Đức Chúa Trời. Ngôi Lời đã là Thiên Chúa và cứ mãi là Thiên Chúa.

Tên gọi “Ngôi Lời” có nghĩa là gì? Danh từ “lời” (G3056) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, theo nghĩa đen, dịch từ chữ sang chữ, bao gồm các nghĩa:

  • lời nói, tức là sự phát biểu tư tưởng qua tiếng nói;

  • bài diễn văn hoặc văn bản;

  • sự suy nghĩ và lý luận.

Khoảng 500 năm trước Công Nguyên (Công Nguyên bắt đầu từ năm 1), danh từ này đã được dùng trong triết học Hy-lạp với nghĩa: diễn thuyết về lý luận. Khoảng 20 năm trước Công Nguyên, danh từ này được dùng trong triết học Do-thái với nghĩa: lời nói; nhưng phân biệt lời được nói ra với lời vẫn còn trong tâm trí.

Trong khoảng từ năm 50 đến năm 67, Sứ Đồ Giăng, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, trong Giăng 1:1, đã ghi lại tên riêng của hai thân vị Thiên Chúa bằng tiếng Hy-lạp.

  • Tên riêng thứ nhất là “Ngôi Lời”: được tạo thành bởi sự kết hợp mạo từ xác định (G3588) với danh từ “lời” (G3056). Tên riêng này lần đầu tiên được Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam dịch là “Ngôi Lời”. Đây là một cách dịch chính xác mà về sau các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ đều dùng, kể cả các bản dịch của Công Giáo. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, tên riêng này được dùng để chỉ ngôi thứ nhì của Thiên Chúa, còn gọi là Đức Con. Ngôi thứ nhì của Thiên Chúa mang tên Ngôi Lời vì Ngài là “Lời” đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật trong công cuộc sáng tạo.

Trong Sáng Thế Ký đoạn 1, ghi lại bảy lần lời phán của Thiên Chúa khiến cho sự vật từ không thành có (Sáng Thế Ký 1:3, 6, 9, 11, 14, 20, 24).

Ngài cũng chính là Đấng dùng lời nói để giãi bày cho loài người về Đức Chúa Trời, về sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, và về chương trình đời đời của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

  • Tên riêng thứ nhì là “Đức Chúa Trời”: được tạo thành bởi sự kết hợp mạo từ xác định (G3588) với danh từ “thần” (G2316). Tên riêng này được hầu hết các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ dịch là “Đức Chúa Trời”, theo cách dịch của Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, tên riêng này được dùng để chỉ ngôi thứ nhất của Thiên Chúa, còn gọi là Đức Cha.

Ngoài ra, Giăng cũng dùng danh từ “thần” (G2316) không có mạo từ xác định đứng trước để gọi chung ba thân vị của Thiên Chúa; được Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời dịch là “Thiên Chúa”. Các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ khác, dịch là “Đức Chúa Trời”, gây khó hiểu, vì không phân biệt giữa ngôi thứ nhất của Thiên Chúa và cách gọi chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách dịch phân biệt “Đức Chúa Trời” và “Thiên Chúa” giúp cho chúng ta hiểu, danh xưng “Đức Chúa Trời” chỉ về Đức Cha, còn danh xưng “Thiên Chúa” chỉ chung cả ba thân vị của Thiên Chúa.

Trong Giăng 1:32, đã ghi lại tên riêng của thân vị Thiên Chúa thứ ba: “Đấng Thần Linh”. Tên riêng này được tạo thành bởi sự kết hợp mạo từ xác định (G3588) với danh từ “thần linh” (G4151). Khi Đấng Thần Linh ngự vào trong thân thể xác thịt của loài người thì được gọi là “Đấng Thần Linh Đấng Thánh” (G3588 G4151 G3588 G40), được dịch gọn sang tiếng Việt là “Đức Thánh Linh” để phân biệt với tà linh khi chúng nhập vào loài người và tâm thần của loài người (Giăng 14:26). Vì Thánh Kinh dùng chung một danh từ “thần linh” (G4151) để chỉ các thiên sứ, các tà linh, và tâm thần của loài người [2].

Thánh Kinh khẳng định Thiên Chúa là Thiên Chúa hiệp một:

Hãy nghe! Hỡi I-sơ-ra-ên! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của chúng ta, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hiệp Một.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4).

Tính từ “hiệp một” trong câu trên hàm ý, sự có một của Thiên Chúa là sự hiệp một của ba thân vị Thiên Chúa trong một thực thể Thiên Chúa. Sự hiệp một này là bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện, bất khả phân ly.

Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời tiêu biểu cho ý muốn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời tiêu biểu cho ý muốn của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện thành lời nói. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh tiêu biểu cho ý muốn của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện thành hành động, sau khi đã được thể hiện thành lời nói.

Chúng tôi xin trích dẫn một phần trong bài giảng “Sự Bình Quyền và Phân Quyền Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” [3] dưới đây, để giúp chúng ta hiểu rõ về sự tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thân vị Đức Chúa Trời đại diện cho Thiên Chúa về mặt thẩm quyền trong sự quy định mọi luật pháp, đón nhận sự đầu phục, thờ phượng, hầu việc của muôn loài thọ tạo, và thiết lập các giao ước với loài người. Ngài là Cha trên trời của tất cả những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Thân vị Ngôi Lời đại diện cho Thiên Chúa về mặt hành động trong sự sáng tạo, giãi bày về Thiên Chúa cho loài người, thi hành sự cứu chuộc cho loài người, và cai trị muôn loài thọ tạo. Ngài là Cha Đời Đời của muôn loài thọ tạo vì Ngài trực tiếp sáng tạo ra chúng. Ngài là Cha Đời Đời ở giữa những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Ngài.

Thân vị Đấng Thần Linh đại diện Thiên Chúa về mặt năng lực trong sự sáng tạo, bảo tồn, ban năng lực cho muôn loài thọ tạo, và điều khiển muôn loài thọ tạo. Ngài là Thiên Chúa, là Cha ngự trong thân thể của những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài giúp cho loài người được tương giao mật thiết với Thiên Chúa, thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa.”

. . .

Đức Cha chính là thân vị Thiên Chúa Đức Chúa Trời, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, ngự trên thiên đàng. Ngài sinh ra thân thể xác thịt loài người của Đức Chúa Jesus trong lòng bà Ma-ri, nên Ngài là Cha của Con Người Jesus và là Đức Chúa Trời của Con Người Jesus. Ngài cũng sinh ra thân thể xác thịt mới cho những người được cứu chuộc nên Ngài là Cha ở trên trời và cũng là Đức Chúa Trời của những người được cứu chuộc.

Đức Con chính là thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, nhập thế làm người. Thân thể xác thịt loài người của Ngài là thân thể xác thịt đầu tiên được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, nên trong thân thể xác thịt ấy, Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời. Khi những người được cứu chuộc cũng được Đức Chúa Trời sinh ra thì Ngài trở thành Con Đầu Lòng hoặc Con Cả. Từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, thì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người cho đến mãi mãi. Về phương diện Thiên Chúa, Ngài vẫn bình đẳng bình quyền với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh. Về phương diện loài người, Ngài vâng phục Đức Chúa Trời và gọi Đức Chúa Trời là Cha.

Đức Thánh Linh chính là thân vị Thiên Chúa Đấng Thần Linh, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, nhập thế, ngự vào trong thân thể xác thịt của những người được cứu chuộc, sau khi Ngôi Lời hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Ngài ngự trong thân thể của những người được cứu chuộc để thân thể họ trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa. Ngài đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa để an ủi họ, giảng dạy về Đức Chúa Jesus Christ cho họ, hướng dẫn họ vào trong mọi lẽ thật của Thánh Kinh, cáo trách họ khi họ phạm lỗi, làm chứng cho họ về những sự Thiên Chúa hứa và làm ra cho họ, đem những điều uẩn khúc khó nói trong họ cầu thay cho họ, và ban ân tứ cho họ để họ phục vụ Thiên Chúa. Khi Đấng Thần Linh nhập thế, ngự trong thân thể những người được cứu chuộc, Ngài vẫn là Thiên Chúa bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời và Ngôi Lời. Về phương diện gây dựng Hội Thánh thì Ngài vâng phục Đức Cha và Đức Con.

Như vậy, trong công cuộc gây dựng một dòng dõi thánh giữa loài người (Ma-la-chi 2:15), thì Ba Ngôi Thiên Chúa đã phân quyền để hành động và điều hành Hội Thánh. Trong sự phân quyền đó, Đức Con vâng phục Đức Cha, và Đức Thánh Linh vâng phục Đức Cha lẫn Đức Con.”

Danh từ “Ngôi Lời” cũng thường được Thánh Kinh dùng để chỉ về mọi lời phán của Thiên Chúa đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Vậy, danh xưng “Ngôi Lời” vừa được Thánh Kinh dùng để gọi một thân vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, vừa được Thánh Kinh dùng để gọi chính Thánh Kinh.

Sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh từ trong những kẻ chết, thì danh xưng “Ngôi Lời” cũng được dùng cho thân vị loài người của Ngài, như đã chép trong Khải Huyền 19:13:

Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.””

Vì Ngài vẫn mãi mãi là tiếng nói của Đức Chúa Trời, là Đấng bày tỏ mọi ý tưởng và ý muốn của Đức Chúa Trời cho loài người, cho các thiên sứ, và cho muôn loài thọ tạo khác.

Giăng 1:2 một lần nữa, khẳng định một lẽ thật quan trọng đã nói trong Giăng 1:1:

Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.”

Đấng ấy” tức là “Ngôi Lời”.

Đức Thánh Linh đã thần cảm Sứ Đồ Giăng để ông long trọng khẳng định lần thứ nhì: Từ trước vô cùng, Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời để đánh tan mọi ý nghĩ cho rằng:

  • Ngôi Lời được Đức Chúa Trời tạo dựng.

  • Ngôi Lời được Đức Chúa Trời sinh ra.

  • Ngôi Lời cũng chính là Đức Chúa Trời.

Sự Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời bao gồm các ẩn ý sau đây:

  • Ngôi Lời đồng tự có và có mãi với Đức Chúa Trời.

  • Ngôi Lời bình đẳng và bình quyền với Đức Chúa Trời, trên mọi phương diện.

  • Ngôi Lời ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong Ngôi Lời, trong sự hiệp một (Giăng 10:38; 14:10-11).

Lẽ thật là: Từ trước vô cùng, Ngôi Lời hằng thực hữu với Đức Chúa Trời và cứ thực hữu cho tới đời đời. Đức Chúa Trời là Thiên Chúa và Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa. Sự thực hữu của Ngôi Lời là sự cùng tự có và cùng có mãi với Đức Chúa Trời, trong sự bình đẳng và bình quyền, trên mọi phương diện.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/08/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

[2] https://www.thanhkinhvietngu.net/loi-gioi-thieu-ve-thanh-kinh-viet-ngu-ban-dich-ngoi-loi/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-11_su-binh-quyen-va-phan-quyen-giua-ba-ngoi-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Tình Jesus Yêu Tôi”
https://karaokethanhca.net/tinh-jesus-yeu-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.