Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL052 Bài Giảng nơi Đồng Bằng – Phần 1

373 views

YouTube: https://youtu.be/0Zqofh7wZZY

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL052 Bài Giảng nơi Đồng Bằng – Phần 1
Lu-ca 6:17-26

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 6:17-26

17 Ngài đã cùng họ đi xuống, Ngài đã đứng nơi đồng bằng. Đám đông các môn đồ của Ngài cùng đoàn dân đông từ khắp Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, miền duyên hải Ti-rơ và Si-đôn đã đến để nghe Ngài và để được chữa lành những bệnh của họ.

18 Những kẻ bị khuấy hại bởi những tà linh cũng đã được chữa khỏi.

19 Cả đoàn dân đã tìm cách chạm Ngài, vì quyền phép ra từ Ngài chữa lành hết thảy họ.

20 Ngài đã ngước mắt của Ngài nhìn đến các môn đồ của Ngài, phán rằng: Phước cho các ngươi là những người khó nghèo! Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời là của các ngươi.

21 Phước cho các ngươi là những người hiện đang đói, vì các ngươi sẽ được no đủ! Phước cho các ngươi là những người hiện đang khóc, vì các ngươi sẽ được cười.

22 Phước cho các ngươi khi người ta sẽ ghét các ngươi, khi họ sẽ phân rẽ khỏi các ngươi, sẽ mắng nhiếc và ném bỏ tên của các ngươi như thứ xấu xa, vì cớ Con Người.

23 Hãy vui mừng trong ngày ấy! Hãy nhảy nhót! Vì này, phần thưởng của các ngươi trên trời là lớn. Vì những tổ phụ của họ cũng đã làm như vậy với các tiên tri.

24 Nhưng, khốn cho các ngươi, những kẻ giàu có! Vì các ngươi đã có sự an ủi của các ngươi.

25 Khốn cho các ngươi đã được no đủ! Vì các ngươi sẽ đói. Khốn cho các ngươi đang cười! Vì các ngươi sẽ than thở và khóc lóc.

26 Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ nói tốt về các ngươi! Vì những tổ phụ của họ cũng đã làm như vậy với các tiên tri giả.

Chúng ta đã học về bài giảng trên núi, được ghi lại trong Ma-thi-ơ, từ 5:1 đến 7:29. Một số người nghĩ rằng, Lu-ca 6:17-49 là do Lu-ca ghi lại nội dung của bài giảng trên núi. Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 5:1 đã khẳng định, nội dung của Ma-thi-ơ 5:1-7:29 là bài giảng mà Đức Chúa Jesus đã giảng trên một ngọn núi, trước khi Ngài chọn mười hai sứ đồ. Trong khi giảng thì Đức Chúa Jesus ngồi. Còn Lu-ca 6:17 thì khẳng định, nội dung của Lu-ca 6:17-49 là bài giảng mà Đức Chúa Jesus đã giảng nơi đồng bằng, sau khi Ngài đã chọn ra mười hai sứ đồ. Trong khi giảng thì Đức Chúa Jesus đứng. Mặc dù nội dung của hai bài giảng có nhiều chỗ ý tưởng giống nhau, nhưng hai bài giảng đã được giảng trong hai thời điểm và hai địa điểm khác nhau. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng, cùng một lẽ thật, Đức Chúa Jesus có thể giảng nhiều lần tại nhiều chỗ khác nhau, cho những người nghe khác nhau, và dùng một số từ ngữ khác nhau.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về nội dung của bài giảng nơi đồng bằng, được ghi lại trong Lu-ca 6:17-26.

17 Ngài đã cùng họ đi xuống, Ngài đã đứng nơi đồng bằng. Đám đông các môn đồ của Ngài cùng đoàn dân đông từ khắp Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, miền duyên hải Ti-rơ và Si-đôn đã đến để nghe Ngài và để được chữa lành những bệnh của họ.

Sau khi Đức Chúa Jesus lên núi cầu nguyện suốt đêm, Ngài đã gọi các môn đồ của Ngài lên núi để chọn ra mười hai sứ đồ. Chọn xong các sứ đồ thì Ngài đã cùng các môn đồ đi xuống núi. Số môn đồ theo Ngài lúc ấy đã khá đông. Có thể lên đến hàng trăm người. Vì thế, Lu-ca đã dùng cách nói: “đám đông các môn đồ của Ngài”.

Đoàn dân đông đến từ khắp lãnh thổ Ca-na-an thời bấy giờ, từ miền cực nam cho tới vùng duyên hải tây bắc, dân chúng đã kéo nhau đến xứ Ga-li-lê ở miền đông bắc. Xứ Giu-đê ở về phía cực nam và giáp ranh với xứ Sa-ma-ri. Thành Giê-ru-sa-lem thuộc xứ Giu-đê nhưng luôn được gọi riêng như các xứ khác. Miền duyên hải là các thành phố, các làng dọc ven biển của Địa Trung Hải, với hai thương cảng lớn là Ti-rơ và Si-đôn, nằm về phía tây bắc của Ca-na-an.

Dân chúng đến để nghe Đức Chúa Jesus giảng dạy và để được chữa lành những bệnh tật trong thân thể của họ. Có lẽ họ đã qua đêm dưới chân núi, chờ Chúa. Ngoài sự được Chúa chữa lành các chứng tật bệnh trong thân thể xác thịt, sự nghe Đức Chúa Jesus chính là sự có cơ hội được chữa lành tâm linh. Để có thể được chữa lành tâm linh thì một người phải nhận biết mình có bệnh tâm linh và muốn được chữa lành. Bệnh tâm linh chính là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa vì phạm tội, vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Người được chữa lành bệnh tâm linh là người tin và làm theo mọi lời phán dạy của Đức Chúa Jesus.

18 Những kẻ bị khuấy hại bởi những tà linh cũng đã được chữa khỏi.

Bị khuấy hại bởi những tà linh” tức là bị quỷ ám. Quỷ còn gọi là tà linh, là thiên sứ phạm tội, theo Sa-tan chống nghịch Thiên Chúa. Vì các tà linh là các thần linh nên chúng có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người hoặc của loài thú. Sự ám nhập như vậy là nghịch lại ý Chúa, vì Thiên Chúa dựng nên muôn vật loài nào ra loài ấy. Chính vì thế mà những tà linh nhập vào những người nam vào thời Nô-ê, để làm băng hoại dòng dõi của loài người, đã bị Đức Chúa Trời giam trong vực sâu không đáy, nơi âm phủ. Xin đọc lại Sáng Thế Ký 6:1-4; Lu-ca 8:31; 16:26; II Phi-e-rơ 2:4.

Ngoại trừ những trường hợp bị tổn hại về bộ não, tất cả các trường hợp gọi là bệnh tâm thần ngày nay đều là sự bị quỷ ám, bị tà linh khuấy hại. Nhất là những người nghe có tiếng nói trong đầu, xui khiến họ làm một điều gì đó. Hoặc là những người luôn mơ thấy quan hệ tình dục với một ai đó; thậm chí, xem người trong mộng đó là vợ hay chồng của mình. Chúng tôi đã gặp vài người bị như vậy.

Người bị tà linh ám nhập là người bị chúng điều khiển thân thể xác thịt. Tà linh có thể nói hoặc hành động qua thân thể xác thịt của loài người hoặc xui khiến người bị chúng nhập làm ra một hành động nào đó. Chúng thường xui khiến người bị chúng ám nhập giết người hoặc tự sát. Một người có thể bị nhiều tà linh ám nhập. Trường hợp của Ma-ri Ma-đơ-len có bảy quỷ dữ ám nhập bà (Lu-ca 8:2). Trường hợp của người đàn ông xứ Giê-ra-sê có hàng ngàn quỷ dữ ám nhập ông (Mác 5:9; Lu-ca 8:30).

Khi những người bị tà linh khuấy hại đến gặp Chúa thì họ được Ngài chữa khỏi. Sự được chữa khỏi hàm ý, Chúa truyền lệnh cho những tà linh phải lui ra khỏi những người đó. Một người sau khi được đuổi quỷ thì phải tin kính, thờ phượng Thiên Chúa, nếu không, quỷ sẽ trở lại và đem theo nhiều quỷ dữ khác ám nhập người ấy (Ma-thi-ơ 12:43-45; Lu-ca 11:24-26).

Đức Chúa Jesus đã ban quyền cho con dân Chúa nhân danh Chúa trừ quỷ, nhưng quyền ấy trước hết là để xua đuổi tà linh quấy phá bản thân và gia đình của người thuộc về Chúa. Kế tiếp là để trừ quỷ ám nhập người khác theo yêu cầu của nạn nhân hoặc theo sự tác động của Chúa trong lòng con dân Chúa.

Không phải hễ cứ thấy người bị quỷ nhập thì con dân Chúa chủ động đuổi quỷ. Thánh Kinh ghi lại sự kiện khi Sứ Đồ Phao-lô rao giảng Tin Lành tại thành Phi-líp, có một cô gái bị quỷ bói toán nhập, đi theo làm phiền ông trong nhiều ngày. Nhưng Phao-lô đã không trừ quỷ cho cô ta. Chỉ đến khi sự quấy rầy quá lớn, làm cản trở việc rao giảng của Phao-lô thì ông mới truyền lệnh cho quỷ phải ra khỏi người ấy (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16-18). Ngoài ra, cũng có loại quỷ dữ mà con dân Chúa cần phải cầu nguyện và kiêng ăn mới có thể đuổi được chúng (Ma-thi-ơ 17:21). Thường là trường hợp những người tự ý mời gọi quỷ ám nhập mình, như: những người ngồi đồng, thiền, đeo bùa, uống bùa, bói toán, thờ lạy tà thần… khiến cho quỷ có lý do hợp pháp nhập vào thân xác họ. Sự cầu nguyện và kiêng ăn của con dân Chúa thể hiện lòng quyết tâm trông cậy nơi Chúa và muốn cho nạn nhân được giải cứu khỏi quyền lực của quỷ. Con dân Chúa kiêng ăn để có trọn thời gian tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, dâng trình sự việc lên Chúa, xin Chúa ban cho mình thẩm quyền và sức mạnh để đuổi tất cả các quỷ dữ ra khỏi nạn nhân.

19 Cả đoàn dân đã tìm cách chạm Ngài, vì quyền phép ra từ Ngài chữa lành hết thảy họ.

Nhóm chữ “cả đoàn dân” bao gồm hết thảy mọi người đang có mặt lúc ấy. Vì thực tế là không ai mà không bị bệnh. Tật bệnh là hậu quả của sự loài người phạm tội, dẫn đến sự già yếu và sự chết. Tuy nhiên, không có nghĩa là mỗi một người trong đoàn dân đông hôm ấy đều có thể chạm được Chúa. Nhưng bất cứ ai chạm được Chúa thì người ấy được chữa lành. Chúng ta cũng có thể hình tưởng ra khung cảnh hàng trăm môn đồ của Chúa đã đứng chung quanh Chúa để tránh cho Chúa bị đoàn dân đông chen lấn.

20 Ngài đã ngước mắt của Ngài nhìn đến các môn đồ của Ngài, phán rằng: Phước cho các ngươi là những người khó nghèo! Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời là của các ngươi.

Tương tự như lúc giảng bài giảng trên núi, bài giảng nơi đồng bằng này cũng là bài giảng Đức Chúa Jesus giảng cho các môn đồ của Ngài, trước sự hiện diện của một đoàn dân đông. Vì thế, cả đoàn dân cũng được nghe những lời giảng dạy của Ngài. Đức Chúa Jesus bắt đầu bằng sự ngước nhìn các môn đồ của Ngài. Cách nói “ngước mắt” hàm ý, sự ngẩng đầu lên để nhìn thẳng vào mặt của những người đối diện.

Lời giảng đầu tiên của Đức Chúa Jesus trùng hợp với phước lành đầu tiên đã được Ngài giảng trong bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5:3). Nhưng có chi tiết khác với lời giảng trên núi. Trong bài giảng trên núi, sáu phước lành đầu tiên được áp dụng cho “họ”, phước lành thứ bảy được áp dụng cho “các ngươi”, tức là các môn đồ của Chúa [1]. Còn trong bài giảng nơi đồng bằng, các phước lành được áp dụng cho “các ngươi”, tức là các môn đồ của Chúa.

Tính từ “khó nghèo” (G4434) trong câu này cũng cùng là tính từ “khó nghèo” được dùng trong Ma-thi-ơ 5:3, có nghĩa là thiếu thốn và khó khăn về vật chất, như sự khó nghèo của người ăn xin. Từ một người rất nghèo về vật chất đến một người sở hữu cả một vương quốc là điều khó thể hình tưởng. Hơn thế nữa, vương quốc được nói đến ở đây là Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vương quốc hạnh phúc và còn lại đời đời. Nơi mà:

Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa; vì những sự cũ đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:4).

Dĩ nhiên, không phải bất cứ ai khó nghèo vật chất trong thế gian đều đương nhiên được hưởng Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Nhưng chỉ những ai thật lòng tin kính và vâng phục Thiên Chúa, đành chịu sống trong cảnh khó nghèo để không phạm tội nghịch lại Thiên Chúa.

Trong con dân Chúa vẫn có những người giàu về của cải vật chất nhưng họ tự làm ra mình khó nghèo, khi họ dâng hiến tài sản cho những công việc của Hội Thánh. Vì thế, lời giảng này của Chúa cũng áp dụng cho họ.

21 Phước cho các ngươi là những người hiện đang đói, vì các ngươi sẽ được no đủ! Phước cho các ngươi là những người hiện đang khóc, vì các ngươi sẽ được cười.

Lời giảng này cũng trùng hợp với phước lành thứ tư và thứ nhì được nói đến trong bài giảng trên núi. Nhưng trong bài giảng trên núi thì Đức Chúa Jesus dùng từ ngữ “đói và khát sự công chính” cùng với từ ngữ “được an ủi”.

Chúng ta có thể hiểu rằng, lời phán này của Đức Chúa Jesus có thể áp dụng cho sự con dân Chúa đang sống khốn khổ trong sự thiếu thốn về vật chất và đang bị áp bức, bị bách hại, bị đối xử bất công trong đời này. Họ sẽ được no đủ và vui mừng trong đời sau. Hoàn cảnh bị áp bức, bị bách hại, bị đối xử bất công cũng chính là hoàn cảnh đói khát sự công chính. “Được cười” cũng chính là được an ủi.

22 Phước cho các ngươi khi người ta sẽ ghét các ngươi, khi họ sẽ phân rẽ khỏi các ngươi, sẽ mắng nhiếc và ném bỏ tên của các ngươi như thứ xấu xa, vì cớ Con Người.

23 Hãy vui mừng trong ngày ấy! Hãy nhảy nhót! Vì này, phần thưởng của các ngươi trên trời là lớn. Vì những tổ phụ của họ cũng đã làm như vậy với các tiên tri.

Lời giảng này trùng hợp với bài giảng trên núi về sự những con dân Chúa chịu khổ vì danh Chúa thì sẽ được ban cho phần thưởng lớn. Người thế gian ghét con dân Chúa vì con dân Chúa không chấp nhận nếp sống tội lỗi của thế gian, như: gian lận, dối trá, tham lam, tà dâm, thờ hình tượng, phá thai, đồng tính luyến ái, chuyển đổi giống tính… Ý nghĩa sự phân rẽ và sự ném bỏ tên được nói đến trước hết là sự bị dứt thông công ra khỏi cộng đồng Do-thái Giáo vào thời ấy, không được phép đến nhà hội; tên bị xem như là thứ ô uế và bị xóa bỏ khỏi danh sách thành viên trong cộng đồng Do-thái địa phương. Ngày nay, sự phân rẽ là sự bị gia đình, bạn bè chối bỏ; sự bị xóa tên có thể là sự bị các giáo hội mang danh Chúa loại trừ ra khỏi tổ chức của họ.

Vì cớ Con Người” là vì cớ tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus và sống theo nếp sống của Đức Chúa Jesus, một nếp sống vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó cũng chính là nếp sống của những thánh đồ trong Kỳ Tận Thế:

Đây là sự nhẫn nại của những thánh đồ. Ấy là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12).

Hãy vui mừng trong ngày ấy” là hãy vui mừng trong ngày bị bách hại vì danh Chúa. “Hãy nhảy nhót” là hãy thể hiện sự vui mừng bằng hành động nhảy nhót. Lý do của sự vui mừng và nhảy nhót là vì mỗi khi con dân Chúa bị bách hại vì danh Chúa thì họ sẽ được Chúa ban cho phần thưởng lớn. Những phần thưởng ấy được để dành trong các tầng trời cho họ. Trong ngày Đấng Christ đến, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, những phần thưởng ấy sẽ được Ngài ban cho họ. Y như lời Ngài đã hứa:

Này, Ta đến mau chóng và đem theo tiền công của Ta với Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).

Từ xa xưa, dân I-sơ-ra-ên cũng đã bách hại các tiên tri chân thật của Chúa mà Giê-rê-mi là một trường hợp điển hình. Dân I-sơ-ra-ên đã không đón nhận các lời tiên tri của ông mà còn sỉ nhục ông, đánh đập ông, và bỏ tù ông.

Lời giảng của Đức Chúa Jesus vẫn có thể áp dụng chung cho con dân Chúa trong mọi dân tộc. Vì hầu hết con dân Chúa đều bị chính người nhà và đồng hương của mình ghét bỏ và bách hại. Chính Đức Chúa Jesus đã phán:

Đừng tưởng rằng, Ta đến để ban sự bình an trên đất. Ta đã đến, không phải ban sự bình an mà là gươm. Vì Ta đến để phân rẽ: Một người nghịch lại cha mình, con gái nghịch lại mẹ mình, con dâu nghịch lại mẹ chồng mình. Và những kẻ thù nghịch của một người sẽ là những người nhà mình.” (Ma-thi-ơ 10:34-36).

Điều khiến cho con dân Chúa được an ủi và thêm lên sức chịu đựng là lời hứa về sự ban thưởng lớn cho những ai chịu khổ vì danh Chúa.

Danh từ “phần thưởng” (G3408) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là “tiền công”, là số tiền trả cho người làm một công việc gì đó. Danh từ này cũng được Đức Chúa Jesus dùng trong Khải Huyền 22:12. Chúng ta có thể hiểu rằng, tùy vào tấm lòng của con dân Chúa trong khi họ chịu khổ vì danh Chúa, làm trọn các việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người (Ê-phê-sô 2:10), mà Đấng Christ sẽ ban thưởng cách xứng đáng. Phần thưởng có thể là quyền cai trị lớn nhỏ khác nhau trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Người càng chịu khổ vì danh Chúa bao nhiêu thì càng có quyền cao, chức trọng trong Vương Quốc Trời bấy nhiêu.

Một số người nói rằng, họ chỉ cần được vào Vương Quốc Trời, họ không cần phần thưởng. Người nói như vậy đã chứng tỏ ba điều. Điều thứ nhất là họ ham muốn thú vui của đời này hơn là ham muốn sự vinh quang, cao trọng của Vương Quốc Trời. Vì thế, họ không muốn chịu khổ vì danh Chúa trong đời này. Điều thứ nhì là họ xem thường giá trị sự ban cho của Chúa. Điều thứ ba là họ thiếu sự khôn sáng, không biết so sánh giá trị của những sự thuộc về đời này với giá trị của những sự thuộc về đời sau. Những người như vậy, nếu không ăn năn, không thay đổi, thì sớm muộn gì cũng sẽ lui đi trong đức tin. Họ sẽ dễ dàng vấp ngã trước những sự cám dỗ, những sự thử thách, nhất là trước những sự bị bách hại. Họ là những người xây nhà trên cát.

24 Nhưng, khốn cho các ngươi, những kẻ giàu có! Vì các ngươi đã có sự an ủi của các ngươi.

25 Khốn cho các ngươi đã được no đủ! Vì các ngươi sẽ đói. Khốn cho các ngươi đang cười! Vì các ngươi sẽ than thở và khóc lóc.

Thán từ “khốn cho” (G3759) là tiếng kêu than cho sự đáng buồn, đáng lo, đáng sợ. Giàu có về vật chất không phải là điều xấu. Thánh Kinh ghi lại nhiều trường hợp Đức Chúa Trời ban ơn cho nhiều người trong sự giàu có về vật chất. Điển hình là Áp-ra-ham đã được Chúa ban cho rất giàu có về súc vật, vàng và bạc (Sáng Thế Ký 13:2). Lời phán của Đức Chúa Jesus là nói về những kẻ giàu có mà gian ác, bất công. Trong khi đang ở trong sự giàu có, họ được vui thỏa, được no đủ nhưng sẽ tới lúc họ bị thiếu thốn, bị đói, và than khóc. Sự ấy có thể xảy ra ngay trong đời này. Không phải chỉ những người giàu có mà không tin Chúa mới gian ác và bất công. Nhưng ngay cả những người giàu có mà tin Chúa cũng có thể gian ác và bất công. Lời Chúa dạy rõ:

Gia-cơ 5:1-6

1 Hỡi các anh chị em là những người giàu có! Hãy khóc lóc và kêu la, vì cớ những hoạn nạn sẽ đến trên các anh chị em.

2 Tài sản của các anh chị em bị mục nát, quần áo của các anh chị em bị mối mọt ăn.

3 Vàng bạc của các anh chị em bị hoen gỉ. Sự hoen gỉ của chúng sẽ là chứng cớ nghịch lại các anh chị em và sẽ như lửa ăn thịt các anh chị em. Các anh chị em đã thu trữ cho những ngày sau cùng!

4 Kìa, tiền công những người được thuê gặt các ruộng của các anh chị em, mà các anh chị em đã gian lận, chúng nó kêu oan. Tiếng kêu của những thợ gặt đã thấu đến tai Chúa của các cơ binh.

5 Các anh chị em đã sống vui sướng cách sang trọng trên đất và trở nên phóng đãng. Các anh chị em đã làm cho lòng mình no nê như trong ngày chém giết.

6 Các anh chị em đã định tội và đã giết người công chính, mà người chẳng cự lại.

Quý ông bà anh chị em có thể đọc hoặc nghe bài giảng chú giải Gia-cơ 5:1-6 đã được đăng trên timhieuthanhkinh.com [2].

Lời phán này của Đức Chúa Jesus không liên quan gì đến những con dân Chúa được giàu có bởi sự ban phước của Chúa, đang sống theo Lời Chúa, luôn được an ủi và no đủ trong Chúa, luôn được vui mừng trong Chúa.

26 Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ nói tốt về các ngươi! Vì những tổ phụ của họ cũng đã làm như vậy với các tiên tri giả.

Dĩ nhiên, lời phán này của Chúa không liên quan đến những con dân Chúa sống nếp sống yêu thương, thánh khiết, và công chính được nhiều người khen.

Lời phán này của Đức Chúa Jesus là nói về những kẻ có nếp sống nghịch lại Lời Chúa nhưng được mọi người nói tốt về họ. Các tiên tri giả đương nhiên là các người chống nghịch Chúa, dù có được nhiều người nói tốt cho thì cũng không ích lợi gì cho họ. Giê-rê-mi 5:31 ghi lại sự dân I-sơ-ra-ên ưa thích các lời tiên tri dối trá. Trong con dân Chúa có những người sống nếp sống nghịch lại Lời Chúa nhưng được nhiều người trong thế gian khen họ, vì họ làm bạn với thế gian, sống như thế gian.

Lời nói tốt của nhiều người dành cho người có nếp sống nghịch lại Lời Chúa khiến cho người ấy không nhận ra sự giả hình của mình. Những lời nói tốt ấy đã không giúp ích mà còn làm hại người được nói tốt.

Là con dân Chúa, chúng ta nên mỗi ngày cẩn thận tra xét lòng mình, dùng Lời Chúa đối chiếu với mỗi một ý tưởng, lời nói, việc làm của mình, nhất là những sở thích và thói quen của mình. Điều gì không đúng với Lời Chúa thì chúng ta xin Chúa tha thứ cho chúng ta và đem nó ra khỏi chúng ta. Nếu người khác hiểu lầm mà khen chúng ta thì chúng ta phải đính chính ngay. Khi được người khác khen đúng thì chúng ta cảm tạ Chúa và tôn vinh Chúa; thật sự nhận biết rằng, đó là do Chúa hành động qua mình để được có kết quả đáng khen như vậy. Chúng ta nói cho người khác biết, đó là bởi sự ban cho của Chúa mà chúng ta được kết quả như vậy.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/11/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl032-bai-giang-tren-nui-cac-phuoc-lanh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-gia-co-51-6/

Karaoke Thánh Ca: “Vì Chúa Quá Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/vi-chua-qua-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.