Chú Giải Ga-la-ti 01:01-12 Chỉ Có Một Tin Lành

6,546 views


YouTube: https://youtu.be/SJqNARNDR8s

904801 Chú Giải Ga-la-ti 1:1-12
Chỉ Có Một Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 1:1-12

1 Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải từ loài người, cũng không bởi một người nào, mà là bởi Đức Chúa Jesus Christ và bởi Thiên Chúa Đức Cha, là Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết,

2 cùng hết thảy các anh chị em cùng Cha là những người ở với tôi, gửi cho các Hội Thánh ở xứ Ga-la-ti.

3 Nguyện các anh chị em được ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha, và từ Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

4 Đấng đã phó mình vì những tội lỗi của chúng ta, để Ngài có thể giải cứu chúng ta ra khỏi thời kỳ ác hiện nay, y theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta.

5 Nguyện sự vinh quang thuộc về Ngài cho tới đời đời! A-men!

6 Tôi lấy làm lạ vì các anh chị em đã vội chuyển từ Đấng đã gọi các anh chị em vào trong ân điển của Đấng Christ, đến một Tin Lành khác.

7 Đó chẳng phải là Tin Lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí các anh chị em, và muốn biến đổi Tin Lành của Đấng Christ.

8 Nhưng nếu chúng tôi hoặc một thiên sứ từ trời, giảng cho các anh chị em một Tin Lành nào khác với điều chúng tôi đã giảng cho các anh chị em, thì kẻ ấy đáng bị a-na-them! [A-na-them có nghĩa là bị dứt thông công, bị đuổi ra khỏi Hội Thánh.]

9 Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai giảng cho các anh chị em một Tin Lành nào khác với điều các anh chị em đã nhận, thì kẻ ấy đáng bị a-na-them!

10 Còn bây giờ, tôi tin cậy loài người hay Đức Chúa Trời? Hay là tôi tìm kiếm sự làm vừa lòng loài người? Nếu tôi còn làm cho vừa lòng loài người thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố với các anh chị em rằng, Tin Lành đã được tôi giảng, chẳng phải bởi loài người;

12 vì tôi không nhận và cũng không học nó bởi một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ.

Thư Ga-la-ti được Sứ Đồ Phao-lô từ thành An-ti-ốt hoặc Cô-rinh-tô viết gửi cho con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti, vào khoảng cuối mùa xuân năm 53. Ga-la-ti là tên gọi vùng đất phía bắc của xứ Tiểu Á (Asia Minor, ngày nay thuộc vùng tây bắc của nước Thổ-nhĩ-kỳ). Các Hội Thánh tại Ga-la-ti thời bấy giờ bao gồm Hội Thánh tại các thành: An-ti-ốt, I-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ đều là các Hội Thánh do Phao-lô và Ba-na-ba gây dựng trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, từ năm 44 đến năm 46 (Công Vụ Các Sứ Đồ 13-14). Nội dung của thư Ga-la-ti nhấn mạnh đến ba điều quan trọng:

  • Chỉ có một Tin Lành: Nhờ ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà loài người được tha tội và được làm cho sạch tội.
  • Các nghi thức thể hiện sự chuộc tội và sự làm cho sạch tội thời Cựu Ước làm hình bóng cho sự đến của Đấng Christ để chuộc tội cho nhân loại và làm cho sạch tội những ai tin nhận sự chuộc tội của Ngài, đã bị bãi bỏ bởi sự đến của Ngài.
  • Con dân Chúa phải sống thánh khiết, không quay về nếp sống cũ tội lỗi, cũng không làm nô lệ cho luật pháp.

Khi so sánh nội dung của thư Rô-ma và thư Ga-la-ti, chúng ta sẽ thấy, cả hai thư đều có chung một chủ đề: Loài người được cứu rỗi bởi đức tin, không phải bởi sự vâng giữ luật pháp và sau khi được cứu phải sống thánh khiết theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Thư Ga-la-ti như là bản tóm lược còn thư Rô-ma như là bản chi tiết. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa 12 câu đầu tiên của thư Ga-la-ti, khẳng định rằng: Chỉ có một Tin Lành.

1 Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải từ loài người, cũng không bởi một người nào, mà là bởi Đức Chúa Jesus Christ và bởi Thiên Chúa Đức Cha, là Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết,

Phao-lô đã mở đầu thư Ga-la-ti bằng lời khẳng định, chức vụ và thẩm quyền sứ đồ của ông là đến từ Đức Chúa Jesus Christ và từ Đức Chúa Cha. Phao-lô không bênh vực chức vụ, danh xưng sứ đồ của mình vì một lý do nào khác hơn, là để thiết lập thẩm quyền rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa của ông. Sứ đồ là người do chính Đức Chúa Trời kêu gọi, biệt riêng cho công việc rao giảng Tin Lành, và do chính Đức Chúa Jesus Christ sai đi. Vì thế, mọi lời giảng dạy của sứ đồ đều bởi thần quyền, tức bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Chẳng phải từ loài người là chẳng thuộc về một tổ chức tôn giáo nào. Không bởi một người nào là không do ai ban cho hoặc phong chức cho. Không riêng gì chức vụ sứ đồ, tất cả các chức vụ trong Hội Thánh là do Đức Chúa Trời lập ra và do Đức Chúa Jesus Christ ban cho một số người trong Hội Thánh:

“Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

Ê-phê-sô 4:10-13

10 Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự.

11 Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy,

12 hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ,

13 cho đến chừng chúng ta hết thảy đều hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Con Đức Chúa Trời, mà nên một người hoàn toàn, theo mức độ trưởng thành trọn vẹn của Đấng Christ;

Chắc chắn là các chức vụ do các giáo hội lập ra và ban cho đều không đến từ Thiên Chúa.

Phao-lô dùng cách gọi “Thiên Chúa Đức Cha” để gọi Đức Chúa Trời và nhắc đến sự kiện Đức Chúa Trời đã khiến cho con người xác thịt Đức Chúa Jesus Christ được sống lại, hàm ý rằng: Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa nhập thế làm người, để cứu rỗi nhân loại qua sự chết của Ngài, y theo lời hứa của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Sự cứu rỗi ấy đã hoàn thành và Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Jesus Christ sống lại. Những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì đều được làm con của Đức Chúa Trời, gọi Ngài là Cha, và không cần phải thi hành các nghi thức về sự chuộc tội (dâng sinh tế) và sự làm cho sạch tội (chịu cắt bì) của thời Cựu Ước.

2 cùng hết thảy các anh chị em cùng Cha là những người ở với tôi, gửi cho các Hội Thánh ở xứ Ga-la-ti.

Có thể khi Phao-lô viết thư gửi cho các Hội Thánh tại Ga-la-ti thì ông đang ở tại thành Cô-rinh-tô. Có lẽ, lúc ấy có Bê-rít-sin, A-qui-la, Si-la, Ti-mô-thê, và Lu-ca cùng ở với ông. Dù Đức Thánh Linh cảm động lòng Phao-lô viết thư gửi cho các Hội Thánh tại Ga-la-ti, nhưng những người cùng ở với ông cũng đồng một tâm tình, đồng một Đức Thánh Linh, đồng lời cầu nguyện, nên Đức Thánh Linh đã khiến ông viết ra câu thứ nhì trên đây. Phao-lô dùng danh từ “anh chị em cùng Cha” gọi họ, để nhấn mạnh sự hiệp một của con dân Chúa.

3 Nguyện các anh chị em được ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha, và từ Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

Lời chúc ân điển và bình an từ Thiên Chúa là Cha của những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, và từ chính Đức Chúa Jesus Christ, là lời chúc tốt lành mà con dân Chúa nên chúc cho nhau. Ân điển là ơn thương xót Thiên Chúa ban cho loài người. Nhờ ân điển của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu rỗi. Khi đã được cứu rỗi thì chúng ta có được sự bình an thật từ Thiên Chúa. Sự bình an thật là sự bình an trong mọi cảnh ngộ, vì:

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Ân điển và bình an chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, và cũng chỉ có Thiên Chúa là Cha, là Chúa, là Thầy của chúng ta. Trong thân vị Đức Chúa Trời, Thiên Chúa là Cha ở trên trời của chúng ta. Trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người, Ngài là Chúa, là Chủ của chúng ta, có toàn quyền trên đời sống của chúng ta. Trong thân vị Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, Ngài là Thầy duy nhất dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Thiên Chúa.

4 Đấng đã phó mình vì những tội lỗi của chúng ta, để Ngài có thể giải cứu chúng ta ra khỏi thời kỳ ác hiện nay, y theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta.

5 Nguyện sự vinh quang thuộc về Ngài cho tới đời đời! A-men!

Thánh Kinh, qua các sứ đồ của Chúa, luôn nhắc đi nhắc lại rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã chịu nhục, chịu khổ, chịu chết vì tội lỗi của nhân loại. Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng kêu gọi con dân Chúa hãy nhớ đến sự thương khó của Ngài qua Tiệc Thánh. Bởi vì, sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là trung tâm điểm của Tin Lành. Không có sự chết của Đức Chúa Jesus Christ thì không có Tin Lành, không có sự tha tội, không có sự làm cho sạch tội.

Đức Chúa Jesus Christ không chết cho một số tội lỗi nào đó hay cho một số lần phạm tội nào đó của chúng ta. Ngài chết cho “những tội lỗi” của chúng ta, nghĩa là mọi tội lỗi của chúng ta đều được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay cho chúng ta sự hình phạt. Nhờ đó mà Ngài đã cứu chúng ta ra khỏi sự bị cuốn hút vào trong sự ác của thời kỳ hiện tại. Chẳng những Ngài cứu chúng ta khỏi bị cuốn hút vào nó, sống theo nó, làm nô lệ cho nó, mà còn cứu chúng ta ra khỏi sự bị chung một hình phạt với những kẻ làm ác. Nhóm chữ “thời kỳ ác hiện nay” được dùng để nói lên toàn bộ thế gian đang sống trong quyền lực của tội lỗi, làm ra những sự ác, kể từ khi loài người sa ngã cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất, để chấm dứt thời kỳ ác. Dù loài người phạm tội kinh khủng đến đâu đi nữa thì tình yêu của Đức Chúa Trời vẫn muốn cho mọi người “được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4).

Câu 5 là lời tôn vinh dành cho Đức Chúa Trời. Lời tôn vinh này có thể dùng cho cả Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, nhưng vì đại danh từ “Ngài” mang hình thức số ít, nên ý nghĩa của nó áp dụng cho chủ từ đi liền trước đó: “Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta” trong câu 4.

6 Tôi lấy làm lạ vì các anh chị em đã vội chuyển từ Đấng đã gọi các anh chị em vào trong ân điển của Đấng Christ, đến một Tin Lành khác.

Phao-lô lấy làm lạ khi nghe tin con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti đã chuyển đức tin từ Đức Chúa Trời sang một tà giáo mạo danh Tin Lành. Đấng đã gọi họ vào trong ân điển của Đấng Christ là Đức Chúa Trời. Ân điển của Đấng Christ là ơn thương xót của Đức Chúa Jesus Christ đối với loài người, được thể hiện qua sự chết chuộc tội của Ngài. Loài người có tội khi vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Một khi đã có tội thì phải bị luật pháp phán xét và hình phạt, chứ không thể dựa vào sự vâng giữ luật pháp để được tha tội. Tin Lành là tin tức tốt lành về sự Đấng Christ đã chịu án phạt của tội lỗi thay cho loài người, để loài người được thoát khỏi sự hình phạt của luật pháp, là sự bị đời đời phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Con dân Chúa tại Ga-la-ti đã tin nhận Tin Lành, nhưng nay lại chuyển qua tin theo lời giảng dạy của một số giáo sư giả, tin rằng phải chịu cắt bì để được cứu rỗi. Vì thế, Phao-lô gọi sự giảng dạy tà giáo đó là một “Tin Lành khác”.

7 Đó chẳng phải là Tin Lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí các anh chị em, và muốn biến đổi Tin Lành của Đấng Christ.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh không ghi là “Tin Lành khác” nhưng ghi là “cái khác, sự khác, điều khác”.

Thật ra, chẳng có Tin Lành nào khác ngoài Tin Lành của Thiên Chúa như đã được giãi bày trong Thánh Kinh, là Tin Lành được chính Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài rao giảng. Vì Tin Lành chỉ có một, nên tất cả những gì mang danh là Tin Lành mà nội dung lại khác với những gì Thánh Kinh đã dạy rõ, thì đó chỉ là những sự giả mạo, do các giáo sư giả, tôi tớ của Sa-tan, làm rối trí con dân Chúa và bẻ cong Tin Lành của Đấng Christ. Mục đích của sự bẻ cong Tin Lành của Đấng Christ là để dẫn con dân Chúa ra khỏi lẽ thật, vào trong sự dối trá của Sa-tan, phạm tội, rồi bị trật phần ân điển. Dưới đây là vài thứ Tin Lành giả đang được rao truyền trong thời đại của chúng ta, ngay trên đất nước Việt Nam của chúng ta:

  • “Tin Lành” được cứu một lần được cứu vĩnh viễn.
  • “Tin Lành” bác bỏ ngày Sa-bát Thứ Bảy, vi phạm điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
  • “Tin Lành” bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh.
  • “Tin Lành” nói tiếng lạ và đặt tay té ngã (các phong trào Ân Tứ, Ngũ Tuần).
  • “Tin Lành” thờ phượng “Đức Chúa Trời Mẹ” (Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới – World Mission Society Church of God).
  • “Tin Lành” cấm ăn các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước, buộc phải giữ bảy ngày lễ hội trong Cựu Ước là bảy ngày lễ hội làm hình bóng về mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ (các phong trào Cội Nguồn Hê-bơ-rơ – Hebrew Roots).

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên dùng danh từ “tin mừng” thay cho danh từ “Tin Lành” khi nói về Tin Lành của Thiên Chúa. Bởi vì trong khi một tin tức được gọi là tin mừng đối với người này thì có thể là tin buồn đối với người khác; nhưng Tin Lành thì luôn luôn là tin tức tốt lành cho tất cả mọi người, và có năng lực cứu những ai tin nhận Tin Lành ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi.

8 Nhưng nếu chúng tôi hoặc một thiên sứ từ trời, giảng cho các anh chị em một Tin Lành nào khác với điều chúng tôi đã giảng cho các anh chị em, thì kẻ ấy đáng bị a-na-them! [A-na-them có nghĩa là bị dứt thông công, bị đuổi ra khỏi Hội Thánh.]

9 Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai giảng cho các anh chị em một Tin Lành nào khác với điều các anh chị em đã nhận, thì kẻ ấy đáng bị a-na-them!

Sứ Đồ Phao-lô khẳng định rằng, Tin Lành mà ông và các bạn của ông đã giảng cho các Hội Thánh tại Ga-la-ti là Tin Lành Chân Thật của Thiên Chúa, đến từ Đức Chúa Jesus Christ. Nếu ông có bắt đầu giảng một điều gì khác hơn điều ông đã giảng thì ông đáng bị dứt thông công khỏi Thiên Chúa, đáng bị đuổi ra khỏi Hội Thánh. Ông nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của sự việc bằng cách lặp lại một lần nữa lời tuyên bố. Sự dứt thông công Phao-lô nói đến ở đây là sự dứt thông công do chính Đức Chúa Jesus Christ thi hành. Ngay cả trường hợp có thiên sứ nào rao giảng một Tin Lành nào khác hơn là Tin Lành mà Phao-lô và các bạn của ông đã rao giảng, thì thiên sứ đó cũng đáng bị dứt thông công khỏi Thiên Chúa. Trong thực tế, có nhiều thiên sứ phạm tội, trở thành ma quỷ đã rao giảng nhiều thứ Tin Lành khác cho con dân Chúa, thậm chí, chúng còn xưng mình là “Chúa”, hiện ra trong các chiêm bao và khải tượng của những người không biết dựa vào Lời Chúa để phân biệt thật giả!

10 Còn bây giờ, tôi tin cậy loài người hay Đức Chúa Trời? Hay là tôi tìm kiếm sự làm vừa lòng loài người? Nếu tôi còn làm cho vừa lòng loài người thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

Từ ngữ được dịch là “tin cậy” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có hai nghĩa như sau:

  • Thuyết phục ai đó bằng lý luận.
  • Vững tin nơi ai đó và an tâm vâng theo người ấy trong mọi sự.

Nghĩa thứ nhì thích hợp với văn mạch hơn. Phao-lô không tin cậy loài người nhưng ông tin cậy một cách chắc chắn vào Đức Chúa Trời và an tâm vâng theo mọi điều Đức Chúa Trời phán dạy. Phao-lô nhận biết rằng: Đức Chúa Jesus Christ đã làm tròn mọi sự đòi hỏi của luật pháp, đã hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại, vì thế, kể từ lúc ấy, loài người không cần phải thi hành những nghi thức làm hình bóng cho sự chuộc tội và sự làm sạch tội của thời Cựu Ước; không cần phải kiêng cữ các thức ăn bị xem là không tinh sạch; không cần phải giữ các ngày lễ hội làm hình bóng cho mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ.

Tuy nhiên, có những giáo sư giả xuất thân từ Do-thái Giáo đã đến các Hội Thánh tại Ga-la-ti, rao giảng những điều nghịch lại đức tin của Phao-lô và sự rao giảng của Phao-lô. Phao-lô không sợ mất lòng những người ấy mà tuyên bố rằng, họ đáng bị dứt thông công. Ông nói rõ, nếu ông muốn làm cho vừa lòng loài người thì ông không phải là tôi tớ của Đấng Christ; nghĩa là, nếu ông muốn làm vừa lòng loài người thì ông sẽ trở thành tôi tớ của những ai mà ông làm nghịch lại Lời Chúa, để cho họ được vừa lòng.

Ngày nay, trong các giáo hội, những người mang danh là tôi tớ Chúa, thật ra, chỉ là tôi tớ cho các giáo hội. Họ luôn tìm cách làm vừa lòng những kẻ có quyền trong giáo hội thay vì sống theo Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa. Để làm vừa lòng giáo hội, họ buộc phải bẻ cong Lời Chúa trong khi rao giảng các giáo lý của giáo hội. Họ nhân danh Chúa để nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ… nhưng Chúa phán rằng, Chúa chẳng biết họ bao giờ, họ là những kẻ làm ác (Ma-thi-ơ 7:22-23).

Ngày nay, có một số con dân Chúa vì muốn làm vừa lòng ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, người thân, bạn bè, láng giềng mà sẵn sàng làm nghịch lại Lời Chúa, sẵn sàng sống nghịch lại lẽ thật của Tin Lành.

Lẽ thật của Tin Lành là gì? Đó là:

  • Loài người đã phạm tội, tức là vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và bị hư mất đời đời.
  • Đức Chúa Trời ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi.
  • Loài người chỉ cần ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, để được cứu rỗi.

Ăn năn tội tức là hối tiếc về sự đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và từ bỏ sự vi phạm ấy. Tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là không làm thêm một điều gì hay tin thêm một điều gì khác để được Đức Chúa Trời tha tội và Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội. Vì thế, khi một người đã tin nhận Tin Lành mà cố ý phạm trở lại dù chỉ một trong các điều răn của Đức Chúa Trời, hoặc dựa vào bất cứ điều gì khác ngoài đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy đã sống nghịch lại lẽ thật của Tin Lành.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố với các anh chị em rằng, Tin Lành đã được tôi giảng, chẳng phải bởi loài người;

12 vì tôi không nhận và cũng không học nó bởi một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ.

Phao-lô khẳng định: Tin Lành do ông rao giảng là do chính Đức Chúa Jesus Christ mạc khải cho ông. Từ ngữ “mạc khải” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là: tấm màn được vén lên, được mở ra, để cho thấy những gì trước đó bị tấm màn che phủ, giấu kín. Mạc = tấm màn; khải = mở ra cho thấy. Từ ngữ “mạc khải” được dùng để dịch chính xác từ ngữ “apokalypsis” /a-bô-cá-lúp-sít/ trong tiếng Hy-lạp.

Khi Đức Chúa Jesus Christ còn đi lại trên đất, Ngài kêu gọi và ban chức sứ đồ cho 12 người trong số các môn đồ của Ngài. Họ được trực tiếp học hỏi về Tin Lành với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng Tin Lành. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ về thiên đàng, Ngài đã kêu gọi và ban chức vụ sứ đồ cho Phao-lô. Chính Ngài đã mạc khải Tin Lành của Ngài cho Phao-lô chứ Phao-lô không nhận Tin Lành qua bất cứ một người nào. Phao-lô cũng không học hiểu về Tin Lành qua bất cứ một người nào, nhưng chính Đức Thánh Linh đã dẫn ông vào mọi lẽ thật của Tin Lành và dùng ông để giảng giải sự sâu nhiệm của Tin Lành cho muôn dân.

Tin Lành do Phao-lô rao giảng là Tin Lành được mạc khải bởi chính Đức Chúa Jesus Christ. Cái gọi là “Tin Lành” do các giáo sư giả rao giảng chỉ là sự suy nghĩ và lý luận theo xác thịt của loài người hoặc theo sự dẫn dụ của ma quỷ.

Sự sâu nhiệm của Tin Lành đã được Phao-lô tóm lược trong thư Ga-la-ti và trình bày chi tiết trong thư Rô-ma, đưa vào ứng dụng trong cuộc sống và mục vụ của con dân Chúa trong các thư tín khác.

Vì thế, chúng ta chỉ cần đối chiếu sự rao giảng Tin Lành của bất cứ người nào với nội dung các thư tín của Phao-lô, thì chúng ta biết ngay người ấy rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ hay là người ấy đang rao giảng một thứ “Tin Lành khác”. Khi đã thấy rõ một người rao giảng một “Tin Lành khác” thì chúng ta phải lập tức dứt thông công người ấy, nếu sau hai lần khuyên bảo mà người ấy không ăn năn (Tít 3:10).

Nguyện Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự khôn sáng, thông sáng để chúng ta hiểu rõ Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ một cách sâu nhiệm. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta đầy dẫy năng lực của chính Ngài, để chúng ta sống trọn vẹn theo Tin Lành và giảng Tin Lành một cách trung thực. Nguyện Đức Chúa Trời quan phòng chúng ta trong mọi sự, mở đường cho chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc, để chúng ta luôn vượt qua mọi cám dỗ và thử thách, đắc thắng mọi mưu kế của ma quỷ, sinh ra nhiều bông trái thuộc linh đẹp ý Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/02/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.